Ghi Chú: Ông Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ, một trong những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, và một nhân chứng trong chiến tranh Việt Nam, đã trình bày quan điểm cuả ông trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà: Phản ảnh và tái định giá sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) do Vietname Center, thuộc đại học Texas Tech tổ chức tại Lubbock trong hai ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2006. Ông đã nêu ra quan điểm trung thực về quân đội VNCH,mà ông từng sát cánh với cương vị một chuyên viên tình báo cao cấp trong nhiều năm. Công Khanh - Giáng Sinh chuyển ngữ
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua một cuộc thay đổi lớn về chất lượng và số lượng, kể từ năm 1968 đến 1975. Một cuộc thay đổi thầm lặng mà các cơ quan truyền thông không nhận biết và cho đến bây giờ vẫn còn mù mờ - Quần chúng Hoa Kỳ cũng không biết được những sự đánh giá và diễn đạt xác đáng trong các văn kiện "lịch sử", một phần là vì tính cách đặc biệt, mà sự thay đổi không thể lường trước được, dựa vào khả năng và tiềm năng của QLVNCH, cho đến 1968. Điều này không phải để bào chữa cho những sai lầm then chốt, hoặc những sự tham nhũng hay lãnh đạo yếu kém, đã hủy hoại QLVNCH, làm mất đi khả năng bảo vệ miền Nam VN - Ở một góc độ nào đó, những vấn đề này đã được nêu lên và những khía cạnh tích cực của QLVNCH cũng không được loại trừ, vì tính chất trung thực của lịch sử. Bản thân tôi đã kinh nghiệm điều này. Tôi đến VN cuối năm 1971, phục vụ 1 năm với MAC-V và tái nhiệm thêm 2 năm nữa, 1973-1975 với DAO. Đầu tiên, tôi được huấn luyện để làm cố vấn quân sự. tôi đã học Sĩ quan căn bản Bộ binh tại Ft. Benning, Georgia; Tình báo chiến thuật tác chiến, về Đông Nam Á châu tại Ft. Holabird, Marylan; và tiếng Việt Nam tại trường Sinh Ngữ Ft. Bliss, Texas. Sau khi đến VN, tôi được cho biết chức vụ cố vấn đã bị bãi bỏ, vì vậy tôi được bổ nhiệm vào MACV J-2, (Phòng nhì MAC-V) làm tham mưu tình báo, lúc đầu là Căm Bốt, rồi đến Quân đoàn IV, toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chức vụ này được mở rộng thêm, bao gồm luôn cả công việc liên lạc với Ban tham mưu QĐVNCH, các toán cố vấn Hoa Kỳ, các Tiểu khu và các đơn vị VNCH trong vùng đồng bằng. Trong suốt 3 năm, tôi đã phục vụ hết 18 tiểu khu trong số 44 tiểu khu thời VNCH, giao dịch không chỉ với quân đội Hoa Kỳ và VNCH, mà còn với Úc, USAID và CIA. Tôi từng tham dự các cuộc họp cao cấp tại Sở chỉ huy MACV, cũng như bên VNCH, trong khi tuần kế tiếp, tôi có thể hành quân với các lực lượng tiểu khu nơi đồng ruộng Kiến Phong, hay bay ngang Định Tường trên một chiếc trực thăng, hoặc tại căn cứ biệt kích Trà Cú, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông - Điều quan trọng là khả năng nói và hiểu tiếng Việt Nam. Trong vòng một tháng sau khi đến VN, điều hiển nhiên nhất mà tôi nhận biết là không một điều gì tôi nghe thấy tại Hoa Kỳ, trong các phóng sự hay những cuộc tranh luận ở các trường đại học, có thể diễn tả được những điều mà tôi phải đối diện và trải qua ở đây - Tôi đã tự hỏi: "nếu những người ấy ở Hoa Kỳ, đang nói về VN, thì tôi đang ở đâu đây?" - Những giờ ngoài công vụ, tôi hoàn toàn sống như một người Việt thực sự. Dù ở Sàigòn, Cao Lãnh hay Rạch Giá, tôi thường đến các quán nhỏ, các xe bán hàng cháo và cà phê - hỏi và lắng nghe những người Việt, các quân nhân Việt. Tôi học được rất nhiều, nhiều hơn tất cả những điều mà tôi học được ở Hoa Kỳ, hay ngay cả những điều tôi đã tìm tòi thêm - Việc học này không hề kết thúc sau 1975. Kể từ đó, tôi đã đọc hàng khối các văn kiện mật đã được công bố và hàng trăm sách vở (kể cả những tác phẩm bằng tiếng Việt), phỏng vấn rất nhiều các cựu quân nhân Đông Nam Á và Hoa Kỳ, tìm đọc trên mạng internet hàng trăm trang nhà của Việt Nam và Đông Nam Á. Còn rất nhiều, rất nhiều điều về VN, Lào, Cambodia và Thái Lan, nhiều hơn là điều dân chúng Hoa Kỳ ngờ vực và những kết luận được nêu ra, không hề phù hợp với những điều mà họ đã được biết. Đúng là có nhiều tệ nạn về tham nhũng. Đúng là có những thí dụ điển hình về thiếu khả năng lãnh đạo - Nhưng không một người nào nói với tôi, hay đề cập đến những điều mà tôi đã công bố ra về Sư đoàn 9 BB/VNCH, có thể minh chứng được khả năng điêu luyện của họ, như tôi đã được chứng kiến tại Trung Tâm Yểm Trợ Hỏa Lực của Sư đoàn. Cũng như không một ai bảo tôi rằng, Sư đoàn 7 BB, từng mang tai tiếng về sự thất bại ở Ấp Bắc những năm trước đó, nay đã thoát thai, trở thành một đơn vị ưu tú hàng đầu, với sự lãnh đạo của tướng Nguyễn Khoa Nam, một người chính trực và có tài chiến lược, một người không được dân chúng Hoa Kỳ biết đến trong khi lại được người Việt vinh danh - Cũng không một ai đề cập đến một việc không tưởng là tại Tiểu Khu Hậu Nghĩa, chỉ với các thành phần Dân Sự Chiến Đấu, đã hạ nhục không phải chỉ là một, mà là 3 trung đoàn quân chính quy Bắc Việt, trong cuộc tổng tấn công 1972 của Hà Nội. Họ đã liên tiếp nghiền nát và đẩy lui các cuộc tấn công của kẻ thù, mà rất có thể đã làm thay đổi cả lịch sử trong thời kỳ này. Dân Sự Chiến Đấu không có pháo binh và không lực yểm trợ bình thường như với quân đội (bao gồm cả quân tiếp viện do Nhảy Dù, Biệt Động và Thuỷ quân lục chiến) mà chỉ toàn nhờ vào tài năng của Bộ binh chiến lược. Nếu VC đánh thắng ở đây, chúng có thể trở thành mối nguy trực tiếp cho Sàigòn, vì chỉ cách 40 cây số, điều này đã buộc Sư đoàn 21 BB phải rời quốc lộ 13 kéo về, vì vậy quân CSBV dễ dàng tập trung đe dọa An Lộc. Như James H. Willbanks đã viết trong tác phẩm của ông, Sư đoàn 21 mặc dù không đánh bật được cộng quân ra khỏi An Lộc, họ đã thành công, buộc VC phải chia bớt một sư đoàn ra khỏi An Lộc, nếu không rất có thể làm An Lộc thất thủ với những hậu quả khôn lường. Tóm lại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, thường bị nhầm lẫn với Quân Đội Việt Nam (quân đội quốc gia VN thời Bảo Đại) - Những điều này ngoài mọi sự hiểu biết của tôi trước khi đến VN và còn xa lạ hơn nữa đối với dân chúng Hoa Kỳ . Trước kia....... và ngày nay. Trở lại thời kỳ đã đề cập qua trong buổi thuyết trình này, QLNVCH như đã biết là cũng có những vấn đề tồi tệ - Điều này quá rõ ràng, nếu không thì đâu cần đến các đơn vị Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Thái và Tân Tây Lan. Nhưng vẫn có những bằng chứng về khả năng của QLVNCH, nếu như được lãnh đạo tốt và trang bị, võ trang đàng hoàng. Năm 1966, Tiểu đoàn 37 BĐQ, đã đánh tan một trung đoàn quân Bắc Việt, đông gấp ba lần, tại Thạch Trụ, được thưởng huy chương Presidental Unit Citation, từ Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson. Một cố vấn Hoa Kỳ của TĐ 37, Đại úy Bobby Jackson, tả lại về người Đại đội trưởng, Đại úy Nguyễn Văn Chính là hết sức dũng cảm - Tiểu Đoàn 2 Thủy quân lục chiến, mang huy hiệu trên vai là "Trâu Điên", đã ttiêu diệt nhiều đơn vị cộng sản Bắc Việt, chứng thực biệt danh Trâu Điên mà họ mang (càng thêm ý nghĩa cho những kẻ đã từng bị Trâu điên làm thất kinh). Những chiến công đó không được thông tin ở Hoa Kỳ và cũng bị bỏ rơi trong những "trang sử" sau này. Đến năm 1968, nhìn lại hậu quả sự thất bại của Hà Nội trong cuộc tổng công kích 1968 (Mậu Thân) đã làm cho các cấp lãnh đạo Hoa Kỳ nhận rõ rằng, Việt Nam hóa phải được tăng nhanh hơn, điều mà rất nhiều người lầm tưởng là một sự phân ranh giữa giai đoạn mà trước kia Quân Lực VNCH không chiến đấu và bây giờ mới bắt đầu chiến đấu - Điều này đã bỏ qua một sự thật rằng, con số tử vong của QLVNCH hàng tháng còn cao hơn nhiều, so với tổng số tử vong của các quân đột liên minh trong suốt cuộc chiến - QLVNCH cuối cùng cũng được trang bị vũ khí tối tân, thay thế cho các quân bị từ thời Đệ nhị thế chiến ( đến đầu năm 1968, chỉ có 5% QLVNCH xài M.16) nói chung là còn thua xa quân đội Bắc Việt, đồng thời QLVNCH cũng được tăng cường quân số .................................. Danh từ "Dân quân" thường được dùng, nhưng bị hiểu sai lệch là thành phần quân nhân bán thời gian. Dân quân tự vệ hay Dân Sự Chiến Đấu là những đơn vị toàn thời gian, được giới hạn hoạt động trong vùng của mình. Ta có thể nhận thấy, Quân đội VNCH chỉ là một thành phần khoảng 56% của tổng số quân lực. Những thành phần khác gồm có Cảnh Sát dã chiến, Nhân Dân tự vệ, toán Bình Định, Phát Triển, mặc dầu những phần sau không được coi như lính chính quy và Nhân Dân tự vệ thường bị dèm pha, nhưng họ lại là một trở ngại lớn lao cho cộng sản. Có một trường hợp không được ghi lại, một nhóm Bình định Phát triển, đã đẩy lui cả một tiểu đoàn Việt cộng ở Vĩnh Long, với yểm trợ pháo binh của Tỉnh. Mặc dù Nhân dân tự vệ toàn là các em rất trẻ, các cụ già, hay các thương phế binh, phục vụ trong các xóm làng, chống lại các hành động thu thuế hay tuyên truyền của CS. Họ là một nhân tố mà CS phải đương đầu, một thành phần mà trước năm 1968 chưa hề có, khi VC có thể xâm nhập các làng xóm ban đêm một cách dễ dàng. Đôi khi cũng có những vấn đề với NDTV, họ bị tuyên truyền rồi theo cộng sản - nhưng cũng có khi: ".....Hai tên VC đang cố bắt cho được một NDTV, một NDTV khác xuất hiện và bắn chết hai tên VC bằng một khẩu M.1, thu được 1 AK.47 và một súng lục Chicom 9 ly ........" Và: "...Hai làng Prey Vang và Tahou bị tấn công bằng tiểu liên và B.40 vào ban đêm, NDTV trong làng đã đẩy lui 2 đợt tấn công ....." Một em NDTV, 18 tuổi, đã bắn hạ chiếc xe tăng đầu tiên, trong hàng loạt bị tiêu diệt tại cuộc bao vây An Lộc 1972. Hà Nội không vui, họ nhận định: " Chúng (VNCH) tăng cường các lực lượng bù nhìn (sic), củng cố cái chính phủ bù nhìn (sic) và thiết lập một mạng lưới tiền đồn và NDTV trong các làng xóm. Chúng trang bị thêm các dụng cụ kỹ thuật và tăng cường sự di chuyển của các lực lượng, dựng các hàng rào kẽm gai, tạo thêm các hệ thống chiến đấu và phòng thủ các khu đông dân cư. Do đó, chúng đã làm tổn thương rất nhiều đối với các lực lượng ta (CS)" Những điều này đã không thể xảy ra trước 1968. Khi NDTV chỉ được trang bị những vũ khí thời Đệ II thế chiến, được thải ra từ quân chính quy - Cũng thế, các toán Dân sự chiến đấu và Bình định phát triển, với sự hổ trợ của Toán cố vấn di động Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1968, được trang bị những vũ khí tốt hơn, bắt đầu có tiến bộ, như được chứng thực vào năm 1970, bởi một thành viên của Toán cố vấn trong một cuộc đột kích: "Chúng tôi vừa thoát khỏi một bãi mìn, thì lại bắt đầu bị tập kích từ phía bìa rừng đàng trước. Nước ngập chung quanh chúng tôi, đạn rít qua đầu và chúng tôi nghe lốp bốp những tiếng súng liên hồi - Các chiến hữu đã phản ứng rất nhanh, không như hồi trước, hầu như bị động - Trung sĩ Abney chỉ huy phía sau đội hình, vòng qua cánh phải để di chuyển, trong khi các chiến hữu phía trước bắn cản - Dưới sự yểm trợ của họ, chúng tôi tiến lên một vị trí khác. Dùng chiến thuật từng bước này, nhóm của Abney và của tôi cuối cùng đã đến được bìa rừng và trực tiếp xung phong - Ba chiến hữu trong nhóm tôi bị trúng đạn. Tôi không rõ nặng nhẹ, nhưng chúng tôi vẫn tiến.... Chúng tôi đã làm khá lắm..." Kinh nghiệm của Donavan trải qua cũng không có gì lạ. Cố vấn John Cook hồi tưởng lại tính cách lạc quan vào năm 1970: "Tâm hồn chúng tôi (Cook và các chiến hữu VNCVH) lâng lâng, cảm thấy như mình bất tử - Tinh thần và nhuệ khí trong Tiểu khu cao quá mức, làm chúng tôi theo đuổi quân thù lắm khi quá liều lĩnh." Những biểu hiện có tầm cỡ thế này không phản ảnh toàn thể - Cũng có đơn vị không thích ứng được với những thay đổi, vẫn tiếp tục tệ hại với sự lãnh đạo yếu kém, hoàn toàn mất đi khả năng tác chiến và có trường hợp cố vấn Hoa Kỳ bị giết hay bị hăm doạ bởi những thành viên Dân Sự chiến đấu, Bình Định phát triển, khi có những tranh chấp. Một số cố vấn Hoa Kỳ không gặp những việc khó chịu này, nhưng cũng không ưa những hành động đó. Trái lại họ cũng có thừa những kinh nghiệm tốt đẹp, những nhận xét hữu ích cho phía VN, nhưng hầu như những điều này bị bỏ quên trong các hội nghị quốc gia, trong nhận thức của các công dân Hoa Kỳ, hay trong những gì được dạy ở lớp học. Sự tiến bộ hay sự ưu tú, không giới hạn ở các lực lượng dân quân và các Sư đoàn Bộ binh QLVNCH, đã được biểu lộ tài tình qua sự linh động về chiến thuật. Cố vấn Richard Stevens, tham dự một chuyến công tác với Thủy quân Lục chiến, đã kinh ngạc về khả năng của Sư đoàn 1 BB/QLVNCH, trong cuộc tấn công chiếm một căn cứ hỏa lực của quân cộng sản Bắc Việt: "Tôi hoàn toàn bất ngờ và sửng sốt bởi cách hành động táo bạo của họ .....Đây là cuộc hành quân thứ 13 mà người Tiểu đoàn trưởng này chỉ huy - Phải nói họ là những chiến sĩ hết sức thuần thục về những công việc họ đang làm. Những việc ...dựng tóc gáy mà họ đã và đang tiếp tục làm... Người cố vấn Trung đoàn này đã từng bảo tôi trong suốt thời gian ở đó: "Anh đang làm việc với các phần tử ưu tú nhất. Chúng ta không có gì để chỉ dẫn họ. Chúng ta (những cố vấn) chỉ để cổ võ và tiếp trợ - Khi hành động thì họ là những bậc thày của chúng ta..." Cả những cố vấn Úc và Hoa Kỳ họ đều nói như nhau. Về phía Nam, trong quân khu IV, tiểu khu Định Tường, Dư đoàn 7 BB cũng thi hành nhiệm vụ một cách hết sức hoàn mỹ - Như một cố vấn và các phi công Hoa Kỳ đã chứng thực khi họ chuyên chở Sư đoàn 7 đi đột kích. Mặc dù Sư đoàn 7 có lẽ bị mang tiếng sau khi thua trận Aáp Bắc năm 1963, bị chế diễu là đơn vị "tìm và trốn" - Chỉ những người đã làm việc trực tiếp với Sư đoàn 7 mới hết lòng ca ngợi sự tháo vát và chiến thuật tài tình của họ. Một cựu quân nhân Bắc Việt nằm vùng đã làm chứng cho sự dũng cảm của Sư đoàn 7: ".....'vùng tự do' bị thu hẹp ....tôi phải tốn nhiều công di chuyển lòng vòng để tránh những cuộc hành quân của QLVNCH. Ở Bến Tre (tức tỉnh Kiến Hòa), sư đoàn 7 mới chính là một sự cản trở - Hầu hết sư đoàn được tuyển mộ từ vùng đồng bằng, vì vậy họ thông thạo mọi ngõ ngách - Họ quen thuộc với khu vực đó như chính chúng tôi - Hoàn cảnh trở nên khắc nghiệt hơn khi những đơn vị Bắc Việt mới đến không thông thạo địa hình và cũng không được trang bị đầy đủ cho những cuộc đụng độ trong rừng phía Bắc vùng đồng bằng. Một tù binh kể lại là anh đã bị bắt ngay sau khi được điều đến để phục kích sư đoàn 7 - Tờ mờ sáng, những đơn vị phục kích của anh lại bị một cánh quân của sư đoàn 7 tập kích sau lưng, trước khi đoàn quân các anh chờ để phục kích đến. Những kết quả này càng trở nên hiển nhiên từ giữa năm 1968 đến 1971, một giai đoạn mà binh lực Hoa Kỳ được điều giảm đi hơn phân nửa và các cuộc tấn công của quân Bắc Việt cũng bớt đi thấy rõ. .................................................................................................... Tỷ lệ các cuộc tấn công của CSBV giảm đi nhiều hơn con số binh lực, chứng tỏ rằng một sự xuống dốc toàn bộ về năng lực quân sự hơn là 21% như dự đoán. Điều này xảy ra khi quân lực Hoa Kỳ đã giảm đi 58% - Không những CSBV bớt đi quân số, mà họ còn bớt đi khả năng khởi động tấn công. Có một chút ngờ vực rằng, những thống kê về VN không được mấy xác thực và nhất là sự thẩm định về an ninh thôn xóm, thường bị chỉ trích là không được chính xác, nhưng có một khuynh hướng rõ ràng mà không một bằng chứng cụ thể nào thống kê hay đồn đại, ám chỉ bất cứ việc nào khác, ngoài sự tuột dốc thảm hại của quân CSBV, giữa những năm 68-71. Dù VC (giải phóng miền Nam) khác với CSBV, không hoàn toàn bị tiêu diệt, và những ảnh hưởng cũng như kềm chế ngầm của VC vẫn còn mạnh mẽ ở các tỉnh như Chương Thiện, Định Tường, Quảng Nam, Quảng Ngãi - VC không còn là một bộ phận chiến lược và nếu không vì sự xâm nhập hàng loạt của quân CSBV, cũng như tiếp trợ vũ khí hiện đại, cuộc chiến đã có thể dần dà tự kết thúc. Ngay cả với những đơn vị CS và những vùng còn lại hoàn toàn lệ thuộc vào quân Bắc Việt để sinh tồn. Nhà văn phản chiến Frances Fitz Gerald, tác giả cuốn "Fire in the Lake" (mỉa mai thay, lại bị cả lý thuyết gia hàng đầu Nguyên Khắc Viện và ủng hộ viên Ngô Vĩnh Long chửi rủa thậm tệ) đã thừa nhận cái xác xuất sinh tồn của VC và QLVNCH vào năm 1966 là 50-50, đến năm 1969 thì xác xuất sinh tồn của VC tụt xuống 10%, trong khi QLVNCH là 90% - Nguyễn Văn Thanh, sau 23 năm theo VC, đào ngũ năm 1970, đã xem mục đích của Bắc Việt là vô hy vọng, thêm vào đó là sự tăng cường hoạt động của QLVNCH, mở rộng các chương trình Nhân Dân Tự Vệ và Dân Sự Chiến Đấu và sắp đến là chương trình của chính phủ VNCH, cải cách ruộng đất, (người cày có ruộng) là những nhân tố làm cho anh ta không chịu đựng nổi nữa - Stanley Karnow đã tuyên bố quả quyết trong quyển sách được đánh giá rất cao của ông, mà lại không hề đưa ra một lời giải thích rằng đến năm 1971 "...Tự một mình Việt cộng đã không còn là đối thủ của quân đội Sàigòn". Don Colin đã ở nhiều năm tại Việt Nam và nổi tiếng khắp nơi về sự bài bác thô lỗ và ầm ĩ, đối với mọi điều mà ông ta cho là chuyện nhảm nhí. Ông ta nhìn thấy nhiều nỗi khó khăn thất bại, những điều được xem như là bất di, bất dịch cho việc đổi đời, nếu không có phép lạ - Vậy mà đến năm 1971, ông ta đã nhìn ra những thành quả tích tụ lại thành sự thật trong vùng đồng bằng: "Ba mươi tháng về trước, số người chỉ huy có tài ở Quan khu IV có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả Tư Lệnh Quân Khu, dù ông ta là một người tốt, hiền lành và có khả năng, nhưng vẫn là người rụt rè, không sáng tạo và không biết cách tác động tinh thần tích cực, hăng say của thuộc hạ. Các tư lệnh sư đoàn thì hầu như thiếu khả năng, đa số các Tiểu khu trưởng thì bất tài và hư đốn. Các chỉ huy cấp dưới không chỉ biết bắt chước theo đàn anh, mà lắm khi còn làm bậy hơn. Nhưng bây giờ thì mức độ khả năng, sự chính trực và tận tụy, đã vượt lên đến một mức mà trước đây tôi không thể tưởng được. Sự thay đổi đặc biệt này đã làm tôi lạc quan hơn về năng lực lãnh đạo của chính phủ, cho việc kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ và kiến tạo một chính quyền vững mạnh." Rồi đến cuộc tấn công 1972 của Hà Nội, một cuộc chiến chớp nhoáng, được thể hiện bằng những vũ khí tối tân hạng nặng và khởi đầu của những dụng cụ chết chóc như hỏa tiễn SA.7, hỏa tiễn AT.3 và đoàn thiết giáp T.54, được yểm trợ với hàng trăm trọng pháo 122 ly và 130 ly, vượt hẳn tất cả mọi chiến cụ mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho QLVNCH - QLVNCH bị một số tổn thất nặng nề, có lần tưởng chừng như thất bại đã gần kề và tan vỡ trước mắt, nhưng QLVNCH đã đứng vững trước 8 lần tấn công, phục hồi khả năng và vô hiệu hóa những đợt tấn công nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam. Không ai khác hơn là nhà học giả về VN, xuất sắc nhất Hoa Kỳ Douglas Pike, đã tuyên bố rằng Hà Nội bị thất bại là vì "...người miền Nam VN đánh giỏi hơn những kẻ xâm lược từ miền Bắc ". Rất nhiều các nhà bình luận, kể cả tướng Ngô Quang Trưởng, đã tuyên dương không lực Hoa Kỳ là một nhân tố quyết định và then chốt - ngụ ý rằng QLVNCH không thể chiến đấu nếu không có không lực Hoa Kỳ - nhưng lại bỏ sót hai điểm đáng lưu y: - Thứ nhất, quân đội Hoa Kỳ cũng phải nhờ vào không lực yểm trợ như QLVNCH. - Thứ hai, điều này ít khi được thừa nhận: Không lực Hoa Kỳ chỉ là một nhân tố để bù trừ lại hai thứ vũ khí tối tân của quân đội Bắc Việt là thiết giáp và pháo binh. Mức chính xác của pháo 122 và 130 ly cao và có thể tàn phá mọi thứ trong tầm bắn 19 dặm. Hoa Kỳ đã không viện trợ cho đồng minh VNCH những vũ khí tối tân như thế, nhất là trong lãnh vực pháo binh, như Liên xô và Trung cộng đã cung cấp cho Hà Nội - Hà Nội có hàng trăm khẩu pháo 122 ly và 130 ly, trong khi VNCH không có đủ pháo binh để bắn trả, và chỉ vỏn vẹn có 24 khẩu pháo 175 ly, không được chính xác và tốc độ bắn cũng chậm hơn so với 122 và 130 ly . Ngay cả những hầm trú ẩn kiên cố, cũng không cản nổi đạn 130 ly với ngòi nổ chậm. Sau cùng, nói về đề tài không lực, không quân của QLVNCH đã đóng một vai trò đáng khâm phục trong các trận chiến 1972, vậy mà vẫn bị các nhà bình luận Hoa Kỳ lờ đi. Một phi công điều phối Hoa Kỳ đã thán phục những phi công A.37 của Không quân VN, khi cùng đi oanh tạc những vị trí của quân Bắc Việt: "Anh ta nhào xuống sát tầm đạn và ngay lập tức, tôi đã thấy những lằn đạn đỏ chĩa vào chiếc dẫn đầu, tôi lên tiếng thông báo. Tôi thấy anh ta thả những trái bom ở cao độ thật thấp và thật trúng đích ngay trên tường thành. Mỗi vòng đảo xuống là thành công, KQVN đã bỏ trúng đích không sót lần nào, dù mỗi lần lao xuống họ đều bị bắn tới tấp .... hỏa lực phòng không hết sức dầy đặc. Lính Bắc Việt dường như biết rằng, địch thủ của họ là những lính Nam Việt. "...Tôi phỏng đoán những chiếc A.37 sẽ bị bắn rơi, nhưng tất cả đã thả hết bom mà không bị tổn thương - Hai phi công VNCH đã biểu diễn thật ngoạn mục và tôi rất thán phục sự dũng cảm, nếu không nói là sự nhạy cảm sắc bén của họ."Đây không phải là một trường hợp duy nhất, như được chứng thực bằng một quan sát viên Hoa Kỳ khác: "....KQVN đã tự hoạt động trong suốt đợt tấn công 1972 ....Trong trận bảo vệ Kontum, KQVN thật là cừ khôi, hết sức là cừ khôi..." QLVNCH đã chịu được một đòn tối hậu của Hà Nội năm 1972, một đòn nặng hơn nhiều so với cuộc chiến Tết 1968, cả về quân số lẫn vũ khí - Khoảng 150,000 quân CSBV đã được điều động vào đợt đầu cuộc tổng tấn công và thêm 50.000 nữa khi cuộc chiến diễn tiến. So với Tết 1968, được biết có 84,000 quân VC và CSBV được điều động, số pháo binh và thiết giáp cũng hạn chế (ngoại trừ Quân Khu I). QLVNCH tiếp tục phát triển tốt đẹp sau cái hòa ước Paris bịp bợm, đã được ký kết và lập tức bị xâm phạm. Đến cuối tháng 9/1973, một lực lượng đặc nhiệm của VNCH đã đuổi Sư đoàn 1 Bắc Việt ra khỏi Thất Sơn và đã gây tổn thất nặng nề, đến nỗi sư đoàn này bị xóa sổ, những binh sĩ sống sót bị chuyển sang các đơn vị khác - Vài tháng sau đó, Sư đoàn 7/VNCH đã phát động một cuộc tấn công quy mô, nhằm đuổi các đơn vị Bắc Việt ra khỏi khu căn cứ Tri Phap của họ, trong vùng biên giới ba tỉnh Định Tường - Kiến Tường - Kiến Phong, gây thêm tổn thất nặng nề. Tri Phap chưa bao giờ bị xâm nhập trong suốt cuộc chiến, có đặc điểm là các vị trí phòng thủ kiên cố nhất; sự thất bại ê chề đến nỗi mà bọn CSBV phải dấu sự thất bại này không cho binh sĩ biết vì sợ họ mất tinh thần. Đại biểu của Ba Lan và Hung gia Lợi cho đến cái ủy ban bất lực ICCS (Uỷ ban quốc tế kiểm soát ngưng bắn), đều là tay sai của CS Hà Nội. Một trong số các báo cáo 1973 tuyên bố rằng: "Không một đơn vị VC nào (dù rất ít ỏi) có thể ngang hàng với quân đội chính quy VNCH, ngay cả quân CSBV tinh nhuệ nhất cũng không bì được với lính Nhảy Dù hay Thủy Quân Lục Chiến của VNCH. Đến giữa năm 1974, Hoa Kỳ cắt bớt viện trợ, đã dần dà bóp nghẹt QLVNCH, mọi sự càng trở nên tồi tệ từ sau thời điểm đó. Đến năm 1975, đạn pháo binh đã tụt xuống tới mức không thể chấp nhận được (giảm 90 đến 97%). Mọi thứ đều bị cắt giảm đến xương tủy, một số các đơn vị Bộ Binh chỉ được phát 60 viên đạn M.16 mỗi tuần. Một số đơn vị khác thì cấm lính không được bắn M.16 liên thanh. Những đơn vị Bộ Binh gọi về kêu cứu, chỉ được giới hạn 2 viên pháo tiếp ứng, trừ khi là bị chiếm. Thiếu thốn các thiết bị dự trữ buộc các xe tăng, tàu tuần tiễu, máy bay bị để đóng mốc. Tệ hại hơn nữa, các quân nhân QLVNCH và gia đình còn chịu cảnh thiếu hụt kinh tế với mức lạm phát 50% và mức thất nghiệp ở 25% . Một cuộc nghiên cứu của DAO vào năm 1974 đã tiết lộ rằng 82% QLVNCH đã không có đủ thực phẩm cho gia đình. Nạn đói kém và thiếu dinh dưỡng xói mòn ý chí và khả năng tác chiến. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng kế tiếp, trông thấy càng kinh tởm hơn, như một xác chết bị hàng ngàn vết chém. Một năm sau, khi chính phủ VN cuối cùng bị sụp đổ - Những điều có thể suy luận ra từ những cái gọi là "sách sử ", đã làm cho người dân Hoa Kỳ rất ngạc nhiên - Họ lấy làm la,ï là sao mọi sự có thể đổ vỡ tan tành chỉ qua đêm. Câu hỏi hấp dẫn hơn là làm thế nào QLVNCH có thể chiến đấu lâu dài như vậy, vì từ sau giữa năm 1974 bị thiếu thốn vũ khí, quân bị, đạn dược, xăng dầu, quân nhu, y tế, bụng đói kinh niên và một gia đình đói rách. Một khi vỡ bờ và cả đám đông hỗn loạn, theo lệnh ông Thiệu rút ra khỏi vùng cao nguyên, sự hoảng loạn và hoang mang lập tức lan tràn, thêm vào đó là những quân lệnh lộn xộn, phát nguồn từ dinh Tổng Thống. Dù sự sụp đổ cuối cùng có nhục nhã thế nào chăng nữa, không ít những người lính VNCH đã tử thủ cho đến cùng. Sư đoàn 18 BB tại chiến trường Xuân Lộc, đã vang danh hùng sử, trong khi đó Lữ đoàn 1 Nhảy Dù cũng có vai trò trong trận chiến này thì không mấy ai biết đến. Lúc Quân Khu II đang tan rã, giờ phút chót gần kề, các binh sĩ Sư đoàn 7 lại đánh bại mọi cố gắng của quân Bắc Việt, muốn cắt quốc lộ 4, quốc lộ duy nhất nối liền đồng bằng sông Cửu Long tới Sàigòn. Ngay ngày cuối cùng, "ngày quốc hận", một chiến đấu cơ AC.119K, do Trung úy Thanh và Trần Văn Hièân điều khiển, lượn vòng Sàigòn để tiếp trợ các đơn vị chiến đấu cuối cùng. Hết xăng và đạn dược, họ đáp xuống để đổ xăng và tiếp đạn, thì được báo là không cần bay tiếp nữa, đại cuộc đã mất. Trung úy Thanh và Hiên vẫn đứng nguyên, nhận tiếp liệu xong là cất cánh, họ được tháp tùng thêm hai chiếc A-IH Skyraider, do Thiếu tá Trương Phụng và Đại úy Phúc lái, quay trở lại liều mạng quyết chiến - Chỉ còn Đại úy Phúc sống sót, oanh tạc cho đến khi hết đạn. Trung úy Thanh, Hiền và Thiếu tá Trương Phụng đều tử trận vì bị hỏa tiễn SA.7 bắn rơi - Họ đã chiến đấu tới cùng. Nhìn chung, không một quân đội nào nghèo đói như QLVNCH, mà có thể chống lại sự tấn công của quân CSBV, một quân đội được khối cộng sản trang bị tận răng, với pháo binh, thiết giáp, vũ khí nhiên liệu, xe vận tải và đạn dược. Với tình trạng đó, mặc dù bị cắt giảm viện trợ, QLVNCH đã làm tiêu tan hết những gì quân CSBV có. Khoảng 400,000 quân CS, hầu như 90% quân CSBV đã được trưng dụng để đánh bại QLVNCH. Cho đến năm 1975, Hà Nội chưa bao giờ cho ra trận một lực lượng vừa lớn vừa hiện đại như thế . Họ chưa bao giờ phải kéo hết quân ra khỏi Lào và Kampuchia - Về số lượng 400,000 là gần gấp 5 lần quân số mà VC/CSBV đã dùng trong trận Tết 68 - Về chất lượng, được thêm hàng trăm các khẩu pháo tầm xa, hàng trăm thiết giáp, hàng ngàn xe vận tải và một kho vũ khí tối tân. Các quân đoàn của CSBV, năm 1975, khả năng tác chiến hơn gấp 5 lần so với lực lượng Tết 1968. Xét theo một khía cạnh khác, ta có thể khẳng định rằng. Nếu quân CSBV cũng bị cắt giảm viện trợ làm cho suy yếu như QLVNCH, họ không thế nào phát động tấn công nổi, chứ đừng nói là duy trì cho đến cùng. Hỏa lực mạnh hơn thì nắm phần quyết định, điều này không có gì mới lạ trong lịch sử chiến tranh. Sau cùng, QLVNCH bị tổn thất tổng cộng khoảng 275,000 tử thương (ngoại trừ số bị ám sát) so với một quốc gia mà dân số trong thời gian chiến tranh có khoảng 17 triệu, thì Hoa Kỳ với với dân số trung bình 200 triệu, trong cùng khoảng thời gian, nếu chịu một số mệnh tương tợ , thì sẽ có số tử vong lên đến 3 triệu 2 - Tức là cần thêm 56 bức tường đá đen nữa để ghi danh những người nằm xuống - Điều này cũng được một số quan sát viên ghi nhận. Sir Robert Thompson, từng thấu hiểu hoàn toàn về sự thiếu thốn và đau thương của QLVNCH đã kết luận: "Họ, (chính phủ và QLVNCH) đã khắc phục được những cơn khủng hoảng quốc biến và gia biến, mà có thể đã tiêu diệt những dân tộc khác và bất chấp số thương vong đáng sợ, có thể làm sụp đổ cả Hoa Kỳ, họ vẫn duy trì hơn một triệu quân nhân cầm súng, sau hơn 10 năm chiến tranh. Anh quốc đã làm một cách tương tự như vậy vào năm 1917, sau ba năm chiến tranh, nhưng không có lần thứ hai. Còn Hoa Kỳ chưa bao giờ làm thế. Phóng viên Peter Kann càng làm sáng tỏ hơn, so với rất nhiều các bạn đồng nghiệp, cũng đã cân nhắc sau khi Sàigòn thất thủ: " Miền Nam VN đã xoay sở và chống đỡ rất nhiều năm và không phải lúc nào cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ. Rất ít những quốc gia hay những xã hội mà tôi biết đến, có thể đấu tranh lâu dài như thế" "Việt Nam hóa" có thành công không?- QLVNCH có trưởng thành và lớn mạnh thành một quân lực có khả năng chiến đấu không - Có thể chứng tỏ rằng họ đã - Chỉ vì bị tước đoạt viện trợ một cách quái ác. Một cuộc nghiên cứu giữa các Tướng Hoa Kỳ đã phục vụ ở VN, được hỏi rằng VN đã thành công thế nào trong cuộc "Việt Nam hóa" - 65% đã trả lời QLVNCH có khả năng, xứng đáng và có cơ hội tiến triển vững chắc.......... ................................................................. Như vậy, 65% các tướng lãnh đã cho QLVNCH, (trong trường hợp này là QĐVNCH) phiếu thuận, tuy nhiên, những sự hưởng ứng này có tiềm tàng một số thành kiến tiêu cực. Ta không biết trong số các tướng lãnh Hoa Kỳ này, có bao nhiêu đã phục vụ ở VN vào 1966-1967, thời gian mà trước khi QLVNCH bắt đầu cuộc cải tiến toàn diện. Nó cũng không tiết lộ những sĩ quan này đóng vai trò gì? - liên quan với ai, và sự thông thạo của họ đối với QLVNCH tường tận tới phạm vi nào và sự phát triển có hiệu quả của Nhân Dân Tự Vệ, Bình Định phát triển v...v.... - Câu hỏi không được nêu lên là: "Các binh sĩ Hoa Kỳ sẽ ra sao dưới sự cắt giảm viện trợ giống như QLVNCH đã gánh chịu giữa năm 1974-1975". Điều có thể nói chắc chắn là QLVNCH từ 1968 trở đi đã thành công vượt xa những điều được biết đến rằng những đơn vị QLVNCH đãphát huy khả năng một cách tài tình, họ đã chống đỡ và đánh lui quân CSBV xâm lăng năm 1972, trong trường hợp cả những NDTV/BĐPT dù không có pháo binh yểm trợ . Điều chắc chắn nữa, đó là sự hiểu biết của Hoa Kỳ về vấn đề này ít oi đến mức ghê tởm. Một yếu tố rất quan trọng khác mà các nhà bình luận bỏ sót và hiện tại vẫn không biết đến, đó là thế hệ sĩ quan, hạ sĩ quan trẻ của QLVNCH, những con người đã hết lòng cho lý tưởng một nước VN không cộng sản. Họ là những người cởi mở thẳng thắn, chừng mực và chính trực, ví dụ như chấp nhận sự đối xử công bằng với người Thượng, rằng tham nhũng cần được công kích và nước VN cần được giải phóng khỏi những gông xiềng của quá khứ . Những con người này là những thành phần có thế lực, họ có thể tránh sự nguy hiểm, làm những chức vụ an toàn, xa chiến trận, nhưng họ không thèm, họ tự nguyện phục vụ ở những vị trí hiểm nghèo. Quan niệm của họ được một sĩ quan trẻ QLVNCH nói lên rõ ràng: "....Những người cùng lứa với tôi gia nhập quân đội (QLVNCH) vì chúng tôi có một lý tưởng và chúng tôi hiểu được sự khác biệt giữa sống trong một thế giới tự do và sống trong thế giới cộng sản. Không phải như điều người ta đồn đãi, rằng những người gia nhập quân ngũ là bị bắt quân dịch và không có bất cứ chủ đích nào. Nhưng Hoa Kỳ dường như không bao giờ hiểu được điều đó". Trần Quốc Bửu, là Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, tương đương với AFL-CIO Hoa Kỳ - Ông ta có nhiều ảnh hưởng và có thể sắp xếp cho con trai một chức vụ an toàn, hơn là sĩ quan bộ binh. Trong những tuần chót của VNCH, khi đang bị dưới tầm pháo của CSBV và hết sức thiếu thốn đạn dược, con trai ông Bửu đã viết thư cho bố: "...Bố phải giải thích cho họ (Hoa Kỳ) sự nghiêm trọng vê tình trạng của chúng con.... Họ phải tiếp tục cung cấp những viện trợ quân sự và kỹ thuật như họ đã hứa. Con xin bố - Bố phải can thiệp với họ, nếu không chúng con sẽ bị đánh tan và thất bại. Chúng con không hề hèn nhát... chúng con không sợ chết..... Dù sao đi nữa, con sẽ giữ vững vị trí của mình và không lui quân". Con trai ông Bửu đã hy sinh tại chiến trường - Bác sĩ Phan Quang Đán, từng làm Phó Thủ Tướng đặc trách tỵ nạn và tái định cư, từng đối đầu với TT Ngô Đình Diệm, được biết bởi sự thành thật của ông - Ông có thế lực và ảnh hưởng để giữ con trai ông Phan Quang Tuấn khỏi mọi sự nguy hiểm. Tuấn cũng không chấp nhận sự lựa chọn này, đã tình nguyện bay A-1E Skyraider, chuyên dùng để yểm trợ tầm ngắn. Sau khi hạ 7 xe tăng địch dọc theo vùng oanh kích tự do trong cuộc tấn công năm 1972 của Hà Nội - Đại úy Tuấn đã bị bắn rơi bởi phòng không CSBV và đã hy sinh. Những cá nhân này không phải là duy nhất - Tác giả bài viết này đã thường xuyên gặp gỡ những phi công, những lính biệt kích, Thủy quân Lục chiến, Nhảy Dù, toàn là trẻ trung và tình nguyện nhận các công tác hiểm nghèo, vì tất cả họ đều phản đối cái ý tưởng một nước Việt Nam cộng sản và sự thối nát đang tiếp diễn ở Saigòn . Thêm một thí dụ cay đắng về sự tận hiến cho lý tưởng quốc gia là khi các sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt chuẩn bị cho sự chống cự cuối cùng, được chứng kiến bởi phóng viên Pháp Raoul Coutard, đã gặp họ khi họ tiến ra để cản các đơn vị CSBV tràn đến: - "Các anh sẽ bị chết chắc! - Đúng thế - Một SVSQ trả lời. - Sao lại vậy? Đại cuộc đã kết thúc rồi mà! - Tại vì chúng tôi không muốn sống với cộng sản" Và rồi, một cách dũng cảm, những sinh viên sĩ quan trong những bộ đồng phục tuyệt đẹp, những đôi giày bóng lưỡng, đã ra đi tự tìm cái chết. Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu là một trường nội trú, học viện quân sự cho các em có cha bị tử trận. Khi sự kết liễu gần kề, những em trai 12, 13 tuổi đuổi các em bé hơn về nhà , khóa cặt cổng trường và giao chiến với các đơn vị CSBV tìm đến: "....Họ tiếp tục chiến đấu sau khi mọi người khác đã đầu hàng. Rất nhiều em đã bị giết. Và khi CS tràn vào, các em TSQ đã đánh trả , CS đã không vào được trường đó ..." ..................................... Những người có bản lãnh đã dần dần được thăng cấp trong QLVNCH và nhu cầu của hoàn cảnh buộc phải lệ thuộc vào sự thăng cấp theo khả năng, chứ không còn theo các sự quan hệ chính trị hay thân thích. Các hãng thông tấn Hoa Kỳ đã hoàn toàn thất bại một cách đáng thương tại VN, thua xa các quân lực VN, Hoa Kỳ và đồng minh, họ thường bị kết án là suy luận thiển cận và quá tự phụ. Một cuộc nghiên cứu với 9,604 buổi phát hình do NBC, CBS và ABC từ năm 1963 đến 1977, đã phơi bày rõ ràng sự thiếu thốn của tin tức truyền hình - 67 chương trình (0.7% tổng số) nói về sự huấn luyện của QLVNCH, 79 (0.8%) về các hòa ước. 256 (2.7%) về chính phủ VNCH hay Kampuchia - Tổng số là 392 buổi phát, chiếm 2.7% các tin tức truyền hình đề cập tới Việt Nam - Không một lời nào nói đến hơn 200,000 hồi chánh viên, không một chút gì đả động tới các binh chủng QLVNCH chiến đấu giỏi và cũng không một lần đề cập tới đoàn "Ong Chúa", những phi công trực thăng VNCH, đã cứu những lực lượng biệt kích Hoa Kỳ, bị kẹt dọc theo đường mòn HCM - Hầu hết, nếu không muốn nói là toàn thể dân Hoa Kỳ đều nhớ hình ảnh một người dân Trung Quốc, đứng trước một chiếc xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn, trong khi đó không một người nào biết chuyện Trung sĩ VNCH Huỳnh Văn Lượm, đứng trên cầu Đông Hà và đã chặn đứng một đoàn xe tăng CSBV bằng một cây hỏa tiễn chống tăng TAW: "....Cảnh tượng một lính TQLC nặng 95 pound (lbs), nằm ngay trước mũi một chiếc tăng 40 tấn đang lăn bánh, ở một khía cạnh nào đó thì hết sức điên rồ - Cách khác, quan trọng hơn, đó là sự khích động tinh thần lạ thường cho những lực lượng phòng thủ đã quá sức mong manh, hay cho những người tỵ nạn, một số ít đã được chứng kiến hành động dũng cảm và gan dạ như thế... Sự dũng cảm đặc biệt của người lính TQLC/VNCH này, đã làm cuộc tấn công bằng xe tăng của địch đang trên đà thắng lợi bị khựng lại ". Thêm một ví dụ về sự thiển cận của thông tin - Thông tín viên Donald Kirk đã tỏ ra dứt khoát không muốn viếng thăm Sư đoàn 7 BB/VNCH, nơi mà dưới sự lãnh đạo của Tướng Nguyễn Khoa Nam, sư đoàn đã trở thành một đơn vị tinh nhuệ - Ai ai cũng rất biết ơn Tướng Nam, đã thiết lập các nông trại để giúp đỡ kinh tế cho các binh sĩ - Lúc Kirk và các phóng viên khác bị giữ lại tại khúc đường do quân CSBV chiếm đóng, khi được thả về Kirk đã lấy làm khó chịu vì không được dịp đàm thoại với các binh lính Bắc Việt: "Tôi cứ suy nghĩ sao mà họ giống như mới bước ra từ trong phim ...Họ xem như rất bình dị. Tôi chỉ ước sao chúng tôi có thể ở lại và nói chuyện với họ thêm...". Ông Kirk có thể yên tâm rằng, các binh sĩ sư đoàn 7 cũng "bình dị" như thế, cũng rất đáng được đàm thoại và học hỏi - Ông ta cũng như hầu hết các hãng thông tấn đã không thấy hứng thú - Và cũng chẳng có gì bí mật khi hầu hết các quân nhân Hoa Kỳ đã phục vụ tại Đông Nam Á, có cái nhìn gay gắt, khinh miệt, đối với các hãng thông tấn. Phải chi các hãng thông tấn cố gắng đôi chút để nối kết mối quan hệ với người Việt và các binh sĩ, có lẽ họ cũng thấy như tôi đã từng thấy, hết lần này đến lần khác rằng người Việt Nam có cái nhìn khinh miệt và ghê tởm đối với bọn cộng sản Hà Nội, vì chúng như một sự phản bội với truyền thống và giá trị Việt Nam. Họ không phải chiến đấu và hy sinh để bảo vệ chế độ mục nát của ông Thiệu, mà để bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào, cho các con em và cho quê hương của họ. Trong một sự biểu lộ quá khích về khía cạnh này, một quân nhân TQLC đã nói với tôi rằng: sau khi họ tiêu diệt xong CSBV, họ sẽ chĩa súng vào bọn tham nhũng ở Sàigòn - Những biến cố đau thương sau 1975 đã xác minh sự đúng đắn và hợp lý điều mà họ đã ký thác. Các phương tiện thông tin, giải trí và nền giáo dục Hoa Kỳ cũng chẳng làm gì khá hơn và vẫn còn lập lại, nếu không thêm mắm, thêm muối vào các thông tin huyền thoại sẵn có. Một quyển sách giáo khoa được dùng rộng rãi trong các trường trung học, có chương về VN, mà không hề đề cập đến QLVNCH, chỉ nhắc đến một điều là "Việt Nam hoá" bị thất bại và thêm vào hơn 200 câu giải thích sai lạc một cách thô thiển chỉ trong 13 trang sách. Sự xâm nhập Căm Bốt có được đề cập đến, tuy nhiên không có một biểu thị nào về con số 29,000 binh sĩ VNCH đã tham gia, hơn hẳn 19,300 binh sĩ của Hoa Kỳ - Hoặc là QLVNCH trước đây đã từng tổ chức những cuộc đột kích vào căn cứ quân CSBV tại Căm Bốt - QLVNCH cũng như một số đề tài nhắc đến nơi đây, đã không được biết đến. Các phim ảnh và truyền hình, kể luôn một số để làm tài liệu lịch sử, còn tệ hại hơn. Ngay cả phim "Bat 21", nội dung tả lại cảnh giải cứu Trung Tá Iceal Hambleton năm 1972, một sự việc bị cố tình bỏ ra, đó là Người Nhái VNCH Nguyễn Văn Kiệt đã cùng đi giải cứu với Người Nhái Hoa Kỳ Tom Norris, được lãnh huân chương Navy Cross của Hoa Kỳ cho sự dũng cảm và anh hùng của anh ta. Làm thế nào quần chúng Hoa Kỳ có thể học hỏi được, khi có sự kiểm duyệt ngầm, xóa sạch các dấu vết những thành tích gương mẫu của QLVNCH. Sau cùng, ta phải cần công nhận rằng QLVNCH bị một gánh nặng quá sức mà không có cách nào vượt qua được: đồng minh Hoa Kỳ vô lý một cách lạ lùng và ngớ ngẩn một cách đáng sợ. Chủ đề này có thể chiếm trọn một cuộc hội thảo. Những chiến lược trá hình bắt nguồn từ Washington, thực chất là quá cẩu thả. Không có một hành động nào để ngăn chặn đường mòn HCM, cái mà nếu không có thì cuộc chiến tranh của Hà Nội đã không thể tiếp tục. Cũng không một hành động nào phản tuyên truyền, chống hình thức "địch vận", một chiến thuật của Hà Nội mà chúng sắp đặt một cách rất tài tình, ranh ma - Không một hành động nào, cho đến cuối cuộc chơi vào tháng 5-1967, khi cơ quan CORDS được bố trí, để kế hoạch những hoạt động quân sự hay hòa giải cho thích hợp - Không một hành động nào để phát huy những liên minh trong vùng giữa người VN, Lào, Căm Bốt và Thái, cùng chống lại một kẻ thù chung, trong khi Hà Nội làm đúng điều đó, xây dựng một khối "liên minh Đông Dương" để thống nhất mọi nhân tố vào một vùng chiến lược chặt chẽ. Bào chữa cho sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là mù lòa, vụng về như con lợn trên băng, là một con cóc vàng rất giàu có nhưng cũng rất ngu muội. Những lời tuyên bố phi lịch sử, khó có thể chứng minh là hoàn toàn xác thực và có thể cuộc chiến tranh đúng là "bất thắng", có lẽ thế. Trong khi đó, những quân nhân Hoa Kỳ, Úc, đã từng chung vai sát cánh với các chiến hữu QLVNCH, mang theo một nỗi buồn sâu thẳm, như mất đi một phần cuộc sống, mất đi một loạt những người bạn tận tụy, và nhất là mất đi cái vinh dự giành lại một thế giới tốt đẹp cho những người dân VN, Lào, Căm Bốt và Thái Lan, Họ không bị lèo lái bởi những mối quan tâm phức tạp về chính trường quốc tế, nhưng bởi sự quý trọng và cảm phục, đối với những người Đông Nam Á, đã hết lòng bảo vệ quê hương của họ. Phần lớn của lịch sử vẫn chưa được tìm tòi, phản ảnh một khuynh hướng lâu đời của người Hoa Kỳ, đó là chỉ nhìn sự việc qua cặp mắt của chính mình, được gạn lọc bởi những thành kiến của Hoa Kỳ. Một vài tác phẩm quy cho VN là một sự thử thách của Hoa Kỳ, lại không hề một lần hỏi đến sự thử thách nào mà người dân Đông Nam Á đã trải qua - Một nguồn tài liệu giá trị và phong phú cùng những quan sát tinh tế và sắc sảo, nếu không được lãnh hội đầy đủ thì không thể nào tìm thấy trong các tác phẩm tiếng Việt (và Lào) - Những tác phẩm của Lý Tòng Bá, Hà Mai Việt, Phạm Huấn, Phan Nhật Nam, Trần Văn Nhựt và những nhà văn khác, như kêu gào để được chuyển dịch, cũng như hàng tá các bài báo được đăng bằng tiếng Việt trong các tạp chí quân đội hàng năm - Rất nhiều bài vở diễn tả những trận đánh, những sự phát triển và những nhân cách hoàn toàn mới lạ đối với các sử gia Hoa Kỳ - Không tham khảo những nguồn tài liệu này, chắc chắn rằng chiến tranh VN sẽ còn mãi là một điều bí ẩn, không thể giải đoán được - Lịch sử thật của QLVNCH sẽ mãi bị chôn vùi dưới hàng lớp nhưng chuyện hoang đường, sự ngu dốt và những sự ước đoán vô căn cứ. ....... *Trích Tập San BĐQ số 17 |