Menu
Menu

HÒA BÌNH" ƠI! GIÃ BIỆT

Đoàn Trọng Hiếu


Vào những ngày cuối tháng 1 năm 1973, trước khi Hiệp Định Paris được ký kết. Lúc đó Liên đoàn 3 BĐQ vừa trở lại Bình Long để tiếp tục trấn giữ phòng tuyến mà mấy tháng trước đây Liên đoàn đã hãnh diện được sát cánh cùng nhiều đơn vị ưu tú của QLVNCH quyết tử thủ để giữ vững tỉnh lỵ này, đã cùng quân dân cả nước viết lên thiên hùng ca "BÌNH LONG ANH DŨNG, KONTUM KIÊU HÙNG, TRỊ THIÊN VÙNG DẬY"

Chiều ngày 26 tháng 1 năm 1973, vừa mới về đến căn cứ Lam Sơn sau hai ngày đại đội hành quân đơn độc, thăm dò họat động địch cách căn cứ Tống Lê Chân khoảng 5 km về hướng đông, chưa kịp tắm rửa thì được gọi lên BCH/TĐ họp. Vừa vào đến, tôi đã thấy đầy đủ mặt bá quan văn võ, tiểu đoàn trưởng thiếu tá Trần Đình Nga, tiểu đoàn phó thiếu tá Huỳnh Công Hiển, trưởng ban 3 thiếu tá Nguyễn Thế Kỳ, đđt/ đđ1 Đại úy Phạm Bá Thọ, đđt/đđ2 Trung úy Nguyễn Văn Phú, đđt/đđ3 Đại úy Nguyễn Văn Huy và đđt/đđ4 là tôi, Trung úy Đoàn Trọng Hiếu, cùng các sĩ quan tham mưu khác.

Sau khi trưởng ban 3 thuyết trình hành quân nêu rõ mục đích của cuộc hành quân là ''dành dân chiếm đất" mở rộng vùng hoạt động trước khi Hiệp Định Paris sẽ được thực thi vào 8 giờ sáng ngày mai 28 tháng 1 năm 1973. Đại đội 2 và đại đội 4 của chúng tôi được giao nhiệm vụ tham dự cuộc hành quân này duới sự chỉ huy của thiếu tá Hiển tiểu đoàn phó. Đại đội 4 được giao nhiệm vụ làm nỗ lực chính hay nói nôm na là húc và đại đội 2 đi sau với bộ chỉ huy nhẹ. Nói là bộ chỉ huy nhẹ cho nó oai chứ vỏn vẹn chỉ có tiểu đoàn phó và hai người mang máy truyền tin PRC25.

Sau khi báo cáo khả năng tham chiến của đại đội là 73 người, đây là con số khá cao của một đại đội BĐQ, lần cao nhất là 89, khi tôi dẫn đại đội nhảy vào tử thủ 3 tháng cũng tại Bình Long này, vào ngày 6 tháng 4 năm 72 trước đây. Cùng hoạt động song song với chúng tôi là hai đại đội của tiểu đoàn 31 BĐQ, do thiếu tá Đào Văn Năng chỉ huy.

Tôi nhận một bản photo Hiệp Định Paris và gần chục lá cờ VNCH, toan đứng dậy trở về phòng tuyến đại đội thì Thiếu tá Hiển gọi tôi lại và kéo tôi về hầm của ông :

- Vào đây làm ly cà phê đã mày, để tao nói tụi nó gọi Thượng sĩ Thóc (Thường vụ đại đội) lên cho mày.

Nói xong ông kêu anh đệ tử làm hai cái phin và bước sang hầm truyền tin bảo gọi th/s Thóc. Trong lúc chờ đợi, tôi leo lên nóc hầm ngồi và châm điếu Bastos xanh, hít một hơi dài rồi lãng đãng nhả khói thành từng chữ O nhỏ. Lúc phin cà phê vừa ngưng chảy thì th/s Thóc đến, tôi bảo ông mang người lên lãnh hai ngày lương tươi và gọi các trung đội trưởng nửa tiếng nữa lên gặp tôi tại ban chỉ huy đại đội. Nhắp từng ngụm càphê, tôi tận hưởng mùi vị thơm và đắng của cà phê, vị cay nồng khét lẹt của thuốc lá Bastos xanh quen thuộc từ ngày còn đi học, tôi chợt cất tiếng:

- Thiếu tá gọi tôi lại có chuyện gì không vậy?

- Thì mày cứ uống càphê đi! Có gì gấp gáp đâu. Tao biết dạo này mày có phần hơi buồn vì ông Dậu không đề nghị thăng cấp đại úy cho mày trong trận Bình Long, lý do lúc đó mày mới lên trung úy. Kể ra thì cũng thiệt thòi, đám sư đoàn 5 và các đơn vị khác nó đều lên hết. Tao đéo hiểu mất mát gì mà ổng làm như vậy, ông Thiệu đã tuyên bố mỗi người thăng một cấp thì cứ đề nghị thăng một cấp.

- Đó cũng là lý do thằng Đỗ Mạnh Trường sau khi xuất viện không trở về nữa. Thôi chuyện cũ qua rồi, quẳng nó sang một bên để vui sống. Có điều tôi thắc mắc nhưng không tiện nêu ra trong buổi họp. Tại sao không là đại đội nào khác húc ngày mai mà lại là đại đội tôi? Thiếu tá cũng biết đại đội tôi vừa mới lội về, tôi thì không sao, nhưng anh em lính tráng nó sẽ cho rằng tôi bị đì, dễ nảy sinh bất mãn.

- Đây không phải là ý của anh Nga mà là ý của tao. Mấy đại đội trưởng kia mới quá, lại vừa từ ĐPQ chuyển sang. Tao đi với mày từ ngày còn bên Kampuchia, rồi về giải tỏa Bình Ba, Bình Giả, Hưng Lộc, Trảng Bom… Có mày tao yên tâm hơn.

Tôi nói đùa với ông như chúng tôi vẫn thuờng đùa:

- Chứ không phải ông lùa tôi ủi để ông bắt cái tiểu đoàn trưởng 36. Đại tá Biết biết ông nhắm cái đó nên cứ nhử ông hoài. Hai lần ở Hưng Lộc và Trảng Bom tí nữa chết vì ông, may nhờ có cái bùa " lỗ mãng" nên thoát nạn. Mẹ kiếp đúng là vô chiêu phá hữu chiêu, chẳng có bài bản gì cứ nổ một cái là xung phong, mấy cái chốt hãi quá bung nóc hầm mà chạy. Kiểu đánh giặc của các đàn anh Trần Thanh Thủy và Đào Văn Năng vậy mà vẫn còn hiệu quả. Cái đám vịt con (VC) của hai trung đoàn 33 và 274 chủ lực miền chỉ ngửi cứt cọp 52 Sấm Sét Miền Đông là lo chém vè. Thôi tôi về cho em út chuẩn bị rồi làm một giấc cho tỉnh táo. Đêm qua có ngủ gì đâu, đám VC cứ nhá đèn hiệu ở xa, ngại chúng tập trung để tấn công nên cho báo động ứng chiến cả đêm.

Về đến phòng tuyến, vừa chui vào hầm đã thấy thiếu úy Vũ văn Nghị đại đội phó, chuẩn úy Thập Lở trung đội trưởng tr/đ 1,chuẩn úy Nguyễn Minh Châu trung đội trưởng tr/đ2, thượng sĩ I Thanh trung đội trưởng tr/đ 3, cả ba trung đội trưởng này trước đây đều ở trong các đơn vị dân sự chiến đấu sau cải tuyển sang BĐQ năm 1970, thượng sĩ Thóc thường vụ cũng đã có mặt. Trải tấm bản đồ lên bàn tôi chậm rãi:

- Ngày mai 7 giờ sáng mình sẽ tập trung tại sân bay An Lộc, từ đây sẽ đi dọc theo các chốt của tiểu đoàn 36, đến tuyến xuất phát là ấp Bemoi. Đại đội mình đi đầu theo sau là đại đội 2, lấy Quốc lộ 13 làm trục tiến quân, mục tiêu A,B,C và D là cầu Cần Lê, bên trái mình bên kia QL13 là hai đại đội của tiểu đoàn 31, với các mục tiêu song song là 1,2,3 và 4. Vẽ cho đẹp mắt vậy thôi chứ chưa chắc gì đã qua được cái A vì chúng sẽ chốt dầy đặc, còn nếu đến được cái D thì coi như đã gần tái chiếm lại Lộc Ninh. Ngày mai trung đội 1&2 sẽ đi cùng thiếu úy Nghị bên cánh phải dọc theo dưới suối để tạo bất ngờ, điều này có hơi nguy hiểm nên cố nương theo các lùm tre hạn chế tiếng động và coi chừng bị phục kích. Khoảng cách giữa các ông và tôi trên 200 mét rừng tre nên không thấy nhau được, nếu thấy sột soạt ở bên cạnh là cứ việc nổ. Đoạn đường trên 500 mét rừng tre không đáng ngại lắm, nhưng khi vào tới bìa rừng cao su thì phải thật cẩn thận, lúc đó các ông sẽ ép trái để dễ quan sát và yểm trợ cho nhau. Nhớ dặn anh em tuyệt đối giữ im lặng và cấm hút thuốc, luôn sẵn sàng tác chiến. Đại đội 2 sẽ có một trung đội bảo vệ phía sau cho các ông. Có ông nào có ý kiến gì không? Thiếu úy Nghị thế nào?

- Tôi đề nghị mình nên mang theo cây cối 60 để có thể yểm trợ cấp thời. Nếu được thì xin phở bò làm cho vài quả sâu bên trong bìa rừng cao su 100 mét trước khi mình vào mục tiêu A.

- Tôi sẽ gặp sĩ quan đề lô yêu cầu tác xạ vào các mục tiêu trước khi mình vào, nhưng điều này coi bộ khó quá, từ xưa đến giờ họ chỉ bắn cho mình khi chạm địch, ước gì mình có pháo binh cơ hữu như thằng dù thì hay biết mấy. Thứ con ghẻ như bọn mình nó chỉ biết xài như cái mền rách còn quyền lợi thì đíu có. Kiếp này lỡ yêu cái mũ nâu rồi, kiếp sau xin tởn tới già. Thôi! Các ông lấy mỗi người 3 lá cờ về nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày mai.

Mọi người đứng dậy về vị trí. Sau khi tắm sơ một cái và ăn tạm gói mì, tôi quay điện thoại lên tiểu đoàn xin gặp sĩ quan đề lô pháo binh yêu cầu tác xạ các mục tiêu ngày mai. Viên sĩ quan cho biết sẽ chuyển yêu cầu của tôi về pháo đội. Mẹ kiếp, cả mặt trận Bình Long do hai liên đoàn 3 và 5 và hai tiểu đoàn địa phương quân hoạt động mà chỉ có một pháo đội 105 và hai khẩu đội 155.

Mờ sáng hôm sau anh em đã dậy chuẩn bị cơm nước cho cả ngày. Tôi nhắc các trung đội kiểm tra đạn dược cho đầy đủ và yêu cầu hạ sĩ 1 Sơn Lót cho khẩu đội súng cối mang theo 3 thùng đạn, đồng thời 2 hộp đạn cho cây XM202, đây là loại vũ khí chống chiến xa rất hiệu quả. Châm điếu thuốc và nhìn đồng hồ 6:45, tôi nốc cạn ly càphê và lệnh cho đại đội di chuyển theo đường tắt đến sân bay An Lộc. Đại đội 2 cũng lục tục theo sau. Từ sân bay sau khi tiểu đoàn liên lạc hàng ngang với tiểu đoàn 36 BĐQ để yêu cầu xác nhận lần cuối mọi mìn bẫy đều đã được gỡ. Chúng tôi đi dọc theo các chốt của TĐ36 để đến tuyến xuất phát, khai triển đội hình xong, tôi gọi các trung đội trưởng và thiếu úy Nghị lại gặp trước khi xuất phát.

- Các ông phải tuyệt đối thi hành những điều đã trao đổi hôm qua. Đây là cuộc hành quân quan trọng hơn tất cả các cuộc hành quân trước. Vì ngày mai là ngày ngưng bắn, tôi không muốn có những khinh xuất có hại cho đại đội, nói đúng hơn là không muốn có những cái chết lãng nhách, do sự tắc trách của chúng ta. Trong trường hợp chạm địch phải bám chặt lấy địa thế và xử dụng tối đa phi pháo có được, an toàn cho đơn vị là ưu tiên hàng đầu. Mình có thể còn phải đánh giặc cả đời chứ không phải chỉ còn có hôm nay. Thôi các ông về vị trí chuẩn bị Zulu.

Lồng ngực tôi căng phồng như muốn vỡ ra, không phải vì lạnh cẳng, vì suốt mấy năm qua rong ruổi hành quân tôi chưa hề cảm thấy sợ sệt, mặc dù tôi cũng có vợ con, cha mẹ anh em như nhiều người khác. Tôi vẫn yêu đời lính trận,và gắn bó với đơn vị như một phần của gia đình tôi. Nếu muốn có một cuộc đời an nhàn "sáng vác ô đi tối vác về" thì tôi cũng đã có thể có được. Sau khi tham dự "Mùa Hè Đỏ Lửa" tại mặt trận Bình Long, một lần vào thăm ông chú tôi tại cư xá Trần Hưng Đạo trong Bộ TTM, tôi có gặp đại tá C là bố vợ chú tôi, ông từng có thời gian là trưởng phòng TQT/BTTM, ông ngỏ ý nếu tôi muốn ông có thể giúp tôi về một đơn vị không tác chiến. Tôi đã cám ơn vì tôi bay nhảy quen rồi.

Hít một hơi thật sâu rồi bảo hai người mang máy:

- Lệnh cho các thằng em xe pháo (xuất phát) và báo cho 522 (tiểu đoàn phó) rõ.

Chúng tôi di chuyển thật chậm, vì rừng tre gai dầy đặc nhiều chỗ phải bò. Các toán khinh binh đi đầu không được phát quang vì sẽ gây tiếng động. Những con vắt trên những lá tre đang ngo ngoe đánh hơi người nhẩy xuống. Không khí thật ngột ngạt, dường như mọi người đều căng thẳng, không ai dám bật tiếng ho. Chưa bao giờ căng thẳng như vậy, 3 tháng tử thủ Bình Long, những lúc bị chiến xa tấn công, hay ngày triệt thoái khỏi Dambe sau khi tướng Đỗ Cao Trí tử nạn, cũng chưa căng thẳng như bây giờ. Gần một tiếng đồng hồ chỉ nhúc nhích được hơn trăm thước. Thêm hai tiếng đồng hồ nữa trôi qua, chỉ còn hơn trăm thước nữa là chúng tôi sẽ bám vào bìa rừng cao su, tôi nói hạ sĩ Vinh mang máy nội bộ gọi Thanh Lan (danh hiệu tr/đ trưởng 1) và Lệ Thu (danh hiệu tr/đ trưởng 3) vào đầu máy gặp tôi.

- Thanh Lan tôi nghe đây Minh Hiếu.

- Lệ Thu nghe Minh Hiếu.

- Khi gần đến bìa rừng cao su các anh cho con cái dừng lại bố trí rồi cho một tổ khinh binh bò vào quan sát trước. Nhớ nhắc tụi nó thật cẩn thận. Nếu có gì khả nghi đích thân các anh phải lên kiểm tra và báo cho tôi ngay, nhận rõ trả lời.

Tôi nghe trong ống liên hợp cả hai cùng trả lời:

- Nhận rõ thẩm quyền 5 trên 5.

Thời gian qua đi thật chậm, cả đại đội lại nhúc nhích từng bước một, bỗng có dấu hiệu dừng lại truyền từ đằng trước xuống. Hơn mười phút sau thiếu úy Thập Lở báo cho biết đã phát hiện một toán VC ở bên trái khoảng cách hơn trăm mét ở hàng cao su thứ hai, nhưng vì cỏ tranh cao nên không rõ quân số bao nhiêu. Tôi cho gọi các trung đội trưởng vào đầu máy.

- Thái Thanh (đđ phó) cho thằng 1 dàn phía trước, tìm vị trí tốt cho con gà cồ M 60, thằng 2 lên cao bảo vệ hông phải cho thằng 1, thằng 3 cũng dàn về phía trước, địch đang ở bên phải của anh, nhớ khai hỏa đồng loạt, khi tất cả vào vị trí Thái Thanh sẽ hạ lệnh khai hỏa. Tất cả thi hành.

Tôi báo cho th/t Hiển biết là đã phát hiện địch và đang cho khai triển đội hình tấn công, yêu cầu đề lô cho pháo binh chuẩn bị tác xạ vào tọa độ X, hạ sĩ nhất Sơn Lót đã đặt xong cây cối 60. Không đầy 5 phút sau mọi trung đội đã vào vị trí thì lệnh khai hỏa bắt đầu. Hỏa lực của hai trung đội 1&3 đuợc tập trung bắn chéo cánh sẻ đan thành lưới đạn khiến bọn VC bị bất ngờ hoảng hốt. Vài tên bị đốn ngã, gần chục tên khác bỏ chạy về phía sau. Đơn vị VC ở phía sau bắt đầu đáp trả bằng nhiều loại vũ khí cá nhân cũng như cộng đồng.

Tôi ra lệnh cho các trung đội cố tiến chiếm lấy bìa rừng cao su để có chỗ che chắn tránh thiệt hại, yêu cầu pháo binh tác xạ khẩn cấp vào tọa độ đã yêu cầu trước, vì tác xạ qua đầu và khoảng cách giữa ta và địch chỉ hơn trăm thước nên sau 3 lần điều chỉnh cắt đoạn để tránh tản đạn tôi yêu cầu bắn hiệu quả trung đội 10 quả. Bọn VC cũng chẳng vừa, cối 82 và 107 của chúng bắt đầu rót vào trận địa nhưng không chính xác. Pháo 130 từ hướng Lộc Ninh cũng rót vào thành phố để quấy rối.

Nhiều đơn vị cũng đã chạm địch. Đạn nổ từ phía Quản Lợi, phía Phú Lô, phía nam Xa Cam. Phía bên trái chúng tôi là đơn vị của tiểu đoàn 31 cũng bắt đầu chạm phía cao hơn chừng vài trăm thước. Mẹ kiếp đụng khắp nơi mà chỉ có vài khẩu pháo thì thằng nào ăn thằng nào nhịn. Khẩu đội súng cối 60 bắt đầu yểm trợ nhỏ giọt cho tuyến trên rất hịệu quả. Gần một giờ giao tranh đã có 4 binh sĩ bị thương được chuyển ra phía sau nhờ đại đội 2 tải thương.

Bỗng có đại úy Khuê phụ tá ban 3 liên đoàn cần gặp, tôi vội cầm ống liên hợp :

- Minh Hiếu tôi nghe đây Kinh Kỳ

- Có mấy con đại bàng lên, giành mãi mới được, tao giao nó cho mày. Con Loan 19 nó sẽ liên lạc với mày trong vòng dăm phút nữa khi nó vào vùng. Nhớ đánh cho có hiệu quả hàng đang khan hiếm đừng phung phí, ông già (đại tá Biết liên đoàn trưởng) gởi lời thăm, nhắc mày cẩn thận.

Bọn VC có lẽ đã ước đoán đuợc lực lượng của chúng tôi, nên chúng đột nhiên nổ súng dữ dội để áp đảo, rồi cho một lực lượng khoảng 30 tên xuất kích chọc thẳng vào khoảng cách giữa hai trung đội 3&1. Có lẽ chúng muốn đánh thẳng vào ban chỉ huy đại đội, hoặc sẽ đánh bọc đít cánh quân bên phải, mặc dù tuyến trên cũng xử dụng tối đa hỏa lực ngăn cản, nhưng chỉ gây thiệt hại và làm chậm sức tiến của chúng, những tên đi đầu đã lọt được vào khu rừng tre sát BCH? ĐĐ. Tôi vội vàng xin đại đội 2 dâng lên cao hơn gần tôi để dễ tiếp cứu. May mắn vừa lúc đó chiếc L19 đã quần trên đầu:

- Mũ nâu đây Loan mắt nhung nghe được tôi không trả lời.

Cầm ống liên hợp do Hạnh đưa tôi vội trả lời

- Mũ nâu tôi nghe bạn rất tốt, tôi cần mấy đứa em bạn đánh liền.

- OK chúng đang chờ. Tôi chỉ cho bạn một nửa vì còn dành cho đơn vị khác, xin chỉ định mục tiêu ngay.

Tôi quyết định thật nhanh nhưng cũng thật táo bạo và nguy hiểm - Tôi sẽ quăng trái khói đỏ, từ đó bạn đánh về đông 50, bắc 50. Xin đánh theo trục nam-bắc vì chúng tôi đang ở hai bên của mục tiêu không đầy 100 thước.

- OK nhận bạn rõ. Bạn yên tâm đây là bọn A 37 nên rất chính xác. Cho quăng trái khói liền.

Tôi rút vội trái khói đỏ dùng hết sức ném về hướng đông, và lệnh cho các trung đội nằm rạp xuống để tránh bom

- Thấy rồi, sẽ làm đúng ý bạn, cho con cái cẩn thận.

Từ đằng sau, chiếc A 37 xuống thật thấp trút bom. Hai tiếng nổ tưởng như rách màng tai. Sức chấn động nhấc người tôi lên khỏi mặt đất làm rơi chiếc mũ sắt. Chưa kịp nhặt lên thì chiếc thứ hai đã lao xuống, hai trái napal tạo thành một biển lửa nóng rát mặt. Gần chục tên may mắn sống sót sau trận bom chạy thục mạng về. Có vài tên sơ quá đã la lên :

- Đừng bắn nữa các anh B.Đ.Q ơi! Mai hòa bình rồi.

Chiếc L 19 cho biết đã đánh rất chính xác theo yêu cầu, chào tạm biệt và rời vùng. Thêm 3 binh sĩ bị thương nhẹ vì chấn động và đất đá văng vào. Phi tuần A 37 với hai pass bom liều mạng đã xoay chuyển tình hình. Đám VC có lẽ đã xuống tinh thần sau thất bại thảm hại của lần xuất kích, cường độ của trận đánh cũng bắt đầu giảm dần theo ánh chiều tà. Mới 4 giờ chiều trong rừng cao su đã không còn ánh nắng, súng nổ cũng đã ngớt dần rồi im hẳn. Th/u Nghị hỏi tôi có cho lục soát mục tiêu không. Tôi gọi th/u Nghị vào máy dặn dò:

-Tao nghĩ thế đủ rồi, không cần thiết phải lục soát. Đám VC chắc không dám phản công nữa đâu. Mày có nghe tụi VC bỏ chạy chúng la cái gì không? Chẳng biết hòa bình hư thực thế nào nhưng thằng lính đéo nào mà chả mong. Rất may mình chỉ có 7 em bị thương nhưng không nặng lắm, chỉ đủ để về quân y viện nằm ít ngày. Mày cho anh em thay phiên canh chừng và cho lui về bìa rừng tre đào hố phòng thủ hai người. Tối đến trước khi lui về tuyến phòng thủ, cho anh gài hết đồ chơi. Đêm nay tuyệt đối không ai đuợc cởi giầy. Hai người một hố thay nhau thức, ráng sống đến ngày mai để nhìn hòa bình. Bên đây tao và thằng 3 cũng làm như vậy.

Nói xong tôi cho gọi th/s nhất Thanh và th/s Thóc đến dặn dò, rồi gọi cho thiếu tá Hiển tiểu đoàn phó trình bày ý định và được ông đồng ý. Ông cũng cho biết ông và đại đội 2 sẽ đóng quân tại tuyến xuất phát, nhưng vẫn để một trung đội nằm đằng sau cánh quân bên phải chừng 200 thước.

Sau khi khai triển hệ thống phòng thủ, tôi thiết lập các điểm tiên liệu pháo binh và gởi cho sĩ quan đềlô. Hơn một giờ sau th/u Nghị báo cáo hệ thống hầm hố phòng thủ đã xong, mọi hố đôi đều được đào đủ sâu và rộng cho hai người. Tôi cũng đích thân kiểm tra phòng tuyến bên này. Quả thật khác với những lần đóng quân đêm trước. Lần này chẳng cần đôn đốc nhắc nhở, ai cũng muốn mình còn sống để sáng sớm mai đây được nhìn thấy hòa bình nên hố nào cũng đạt yêu cầu.

Tôi cũng thế. Sau hơn 4 năm quen đời lính trận, vẹt gót giày sô từ chiến trường nội địa đến ngoại biên, chưa một lần đi phép thường niên để có đủ 7 ngày phép bù khú với vợ con. Bạn bè đồng đội nhiều thằng đã thành tàn phế, cũng có nhiều thằng đã về vùng 5 miên viễn chiêm bao. Lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh tôi cũng khát khao được sống để nhìn cuộc chiến tàn lụi. Trên cương vị đại đội trưởng tôi cũng không muốn bất cứ thuộc cấp nào phải chết trong ngày và đêm hôm nay. Làm sao tôi có thể trả lời khi có người hỏi tôi " trung úy ơi ! hòa bình rồi mà sao chồng con tôi lại chết"- vâng chết vào giờ thứ 23,24 hoặc 25. Đám cán binh VC kia dù có bị nhồi sọ điên cuồng đi "giải phóng miền Nam", dù có bị mang ra phê bình kiểm thảo thanh trừng, cũng không đứa nào muốn phải chết hôm nay. Chúng cũng còn muốn nhìn thấy hòa bình, ngay kể cả các cấp chỉ huy cấp thấp hay cao hơn nữa của chúng cũng còn muốn thấy như vậy. Chỉ có đám lãnh đạo chóp bu của Hà Nội và đám đầu cơ làm giàu trên thân xác người lính VNCH mới ghét hòa bình và cổ võ chiến tranh.

Trải tấm poncho bên cạnh cái hố, nhai vội vài miếng cơm vắt với con khô sặc. Từ sáng đến giờ chưa ăn gì, nhưng không cảm thấy đói. Tôi vẫn có thói quen ăn ít uống nhiều, càphê ngày cũng dăm bảy cữ. Vừa ngả lưng gối đầu lên chiếc nón sắt thì th/s Thóc thường vụ mang đến ca càphê nóng hổi. Tôi biết tỏng là lại dùng C4 để nấu. Ông ngồi xuống rót cho tôi một nửa và thắc mắc hỏi tôi:

- Mai hòa bình thiệt hả trung úy. Cả ngày nay, tôi chỉ sợ ông xả láng như những lần trước. Tôi lo quá mà không dám hỏi.

- Ừ thì ngày mai thi hành hiệp định Paris. Ai ở đâu ở đó, chắc rồi sau đó sẽ có hòa bình. Còn hòa bình kiểu nào thì tôi cũng chịu. Đêm nay ông cùng th/sThanh chịu khó đi kiểm soát thường xuyên cho tôi. Có thể chúng không tấn công đâu, nhưng chúng sẽ pháo. À này! Nếu hòa bình rồi thì ông làm gì?

- Tôi hiện dịch không biết có cho giải ngũ không. Quê tôi ở Sađéc, nếu được giải ngũ tôi sẽ theo nghề ông già là làm bánh phồng tôm.

- Ông còn có nghề, chứ như tôi rời ghế nhà trường là vào lính. Học hành dang dở, nửa thầy nửa thợ, mà thôi hơi đâu lo xa, tới đâu hay tới đó.

Con trăng non đã lú qua đầu ngọn tre gai. Nay đã khoảng mùng muời tháng chạp, chỉ còn độ hai chục ngày nữa là lại Tết. Cả hai chúng tôi bắt đầu im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng tư. Hình ảnh của thời còn đi học lúc ẩn lúc hiện xen lẫn với hình ảnh của những ngày giầy sô áo trận, cứ lởn vởn trước mắt. Cái quán cà phê chồm hổm đối diện trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản chúng tôi thường ngồi mỗi buổi sáng trước khi vào học, bắt chước mấy ông đạp xích lô đổ càphê ra dĩa, vừa thổi vừa uống. Hay những hôm trốn giờ luận lý học của LM Trần Văn Hiến Minh, cả bọn kéo xuống Cà phê Thư Hương đối diện trại hòm Tobia ở Tân Định. Hay những ngày đóng quân ở Mimot, chiều về mấy thằng lại cùng nhau cưa một bình 5 lít với xoài xanh, khô sặc dầm nước mắm ớt, trước khi đi kích đêm trong rừng cao su âm u bạt ngàn.......

Đang mơ màng thì lại nghe tiếng đề pa, chụp vội chiếc nón sắt lăn xuống hố, không nghe đạn rít trên đầu, vậy là không phải mình. Hơn chục quả nổ trong thành phố, nhìn đồng hồ mới hơn 10 giờ. Không biết đêm nay sẽ phải nhẩy xuống hố bao nhiêu lần đây (sau này tôi đuợc biết đợt pháo này đã liếm chân của trung tá Ngô Minh Hồng liên đoàn trưởng LĐ5, và một đại tá cố vấn Mỹ hy sinh). Tôi nghiệm ra rằng, tiếng đề pa từ phía bắc tức là pháo vào thành phố, còn từ phía đông tức là pháo vào chúng tôi. Hồi chiều chúng đã gởi đến mấy chục trái nhưng đều vọt qua đầu, không biết có dính vào TĐ31 không? May mắn thay, đựơc yên đến gần sáng.

Khoảng gần 6 giờ sáng, tiểu đoàn cho biết đúng 8 giờ chuông nhà thờ trong thành phố và trong Quản Lợi sẽ đổ một hồi dài. Các đơn vị sẽ cho bắn mấy trái signal để làm hiệu và bắt đầu thi hành hiệp định. Tôi báo cho các trung đội rõ để thi hành, rồi gọi hạ sĩ Tào Khén nấu cho ca càphê.

Thời gian chờ đợi để đón hòa bình sao trôi qua thật chậm. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn đồng hồ, chiếc kim dài làm như không chạy nổi. Sự bồn chồn nôn nóng chờ đợi khiến tôi đâm lo lắng, e có điều gì bất trắc sẽ xảy ra. Linh tính có gì không ổn và điều này vẫn thường xảy ra và đúng, tôi lệnh cho đại đội báo động trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Không đầy mười phút sau, những tiếng đề pa từ hướng đông vọng đến, gần hai chục quả nổ sát phòng tuyến không đầy 50 thước. Mẹ cha nó chỉ còn non nửa giờ nữa mà chúng cũng còn cố vớt vát cú chót. Chuẩn bị hòa bình kiểu này thì đíu khá được, chẳng biết hòa bình rồi sẽ tồn tại bao lâu.

Đúng 8 giờ khi chuông nhà thờ đổ. Các đơn vị đều cho giựt signal lên. Tôi lệnh cho các trung đội vẫn phải đề cao cảnh giác, cho đặt các vọng gác cẩn thận rồi cho căng cờ lên. Mười lá cờ vàng trải dọc theo bìa rừng cao su đánh dấu vị trí gần nhất đối diện với tuyến VC, gần một tiếng sau từ bên phía VC có tiếng la to:

- Cấp chỉ huy bên đây muốn nói chuyện với cấp chỉ huy bên đó.

Thiếu úy Nghị gọi máy hỏi tôi tính sao. Tôi trả lời:

- Tao sẽ sang gặp, mày cho em út gỡ đồ chơi dọn một lối đi và cho tụi nó sẵn sàng. Có gì bất trắc tao la lên thì cứ nổ.

Tôi cũng báo cho th/tá Hiển là tôi sẽ đi gặp tên chỉ huy đơn vị Việt cộng.

Lấy chiếc beret nâu đội lên, tôi đi người không tiến ra khỏi phòng tuyến của đơn vị hơn năm mươi thước rồi dừng lại. Từ phía bên kia một tên trong bộ kaki Nam Định, vai đeo cái sắc cốt , cây K54 ngang hông tiến đến, tôi đưa bàn tay cho hắn bắt và tự giới thiệu

- Tôi là trung úy Hiếu cấp chỉ huy Biệt Động Quân. Tôi không nói tôi là đại đội trưởng vì e hắn sẽ đoán được lực lượng của mình, hắn cũng tự giới thiệu:

- Tôi là Cao, chính trị viên tiểu đoàn, là đơn vị đối đầu với đơn vị của trung úy. Ngày hôm qua bên ấy có ai bị gì không? Nếu có tôi xin chia buồn.

Thấy thái độ "nhân nghĩa bà tú Đễ"của hắn tôi cuời thầm trong bụng

- Cám ơn anh, rất may chỉ có vài anh em bị thương nhẹ, còn bên anh thì sao?

- Chúng tôi có mười sáu chiến sĩ hy sinh trong đó có thiếu úy Phú đại đội trưởng. Tôi muốn gặp trung úy để thứ nhất trung úy cho chúng tôi nhận lại số anh em chết còn ở phía bên khu vực của anh. Thứ hai là chúng ta bàn về lệnh ngừng bắn.

Thấy không thể giải quyết yêu cầu đầu tiên của hắn liền ngay được, và khả năng về chính trị của mình thật sơ đẳng nên tôi trả lời:

- Đầu tiên xin anh cứ gọi tôi là Hiếu cũng như tôi gọi anh là anh Cao. Yêu cầu thứ nhất của anh tôi sẽ xin chỉ thị ở cấp trên. Nếu cấp trên đồng ý, tôi sẽ cho mang số anh em đó ra đây và gọi anh đến nhận. Điều thứ hai là bản hiệp định đã được hai chính phủ ký chúng ta không có điều gì phải bàn. Để thực thi hiệu quả và dễ nhất là nếu anh thấy chúng tôi vượt qua hàng cao su mà anh và tôi đang đứng đây thì anh cứ cho nổ súng. Chúng tôi cũng vậy. Mong rằng chúng ta hãy tôn trọng để tránh đổ máu vô ích. Giờ thì chúng ta nói những chuyện khác.

- Nếu anh không muốn bàn về Hiệp Định thì thôi, cứ tạm chấp nhận giải pháp của anh. Thỉnh thoảng chúng ta nên gặp nhau để thiết lập quan hệ bình thường. Có điều tôi thắc mắc là dường như đa số sĩ quan trong quân đội miền Nam đều là người Bắc.

Chẳng biết hắn căn cứ vào đâu để nói như vậy, tuy nhiên tôi cũng nói thêm để hắn tin rằng điều hắn nói là đúng.

- Có thể điều anh nói là đúng. Ông bà cha mẹ chúng tôi đã phải di cư vào Nam vì không sống được với Cộng Sản. Giờ các anh lại vào đây để quấy phá dĩ nhiên là chúng tôi cũng như con cháu chúng tôi sau này phải chống lại.

Đang nói đến đây thì có một người đàn ông tưổi ngoài bốn mươi mặc chiếc quần đen và cái áo sơmi trắng đã ngả sang màu cháo lòng đi chân đất tiến đến, theo sau là hai tên cận vệ đeo AK47, Cao bèn chỉ tay vào người đàn ông giới thiệu:

- Đây là đồng chí Nam Bộ Tư Long, tiểu đoàn trưởng, còn đây là trung úy Hiếu.

Tôi bắt tay hắn ta, nhận thấy hắn ta mặt rỗ và nước da vàng vọt có lẽ vì sốt rét kinh niên. Sau vài câu xã giao tôi tìm cách kiếu từ vì chẳng còn gì để nói.

Tôi trình lên thiếu tá tiểu đoàn phó về việc họ muốn xin lại số bị chết nằm trong khu vực kiểm soát của mình, đồng thời cũng để tránh phải lo chôn bọn họ nên được chấp thuận ngay. Tôi cho lục soát và tìm thấy 9 xác cùng một số vũ khí, cho khiêng số xác này đến lằn ranh và gọi họ sang nhận, còn số vũ khí thì chuyển giao lên tiểu đoàn.

Ngày đầu tiên thi hành Hiệp Định Paris, tạm thời không còn tiếng súng. Chúng tôi ai cũng thấy hân hoan tuy có pha lẫn đôi chút ngỡ ngàng. Hòa bình gì mà đến thật kỳ quái. Mới hôm qua đây còn tìm mọi cách để giết nhau, thậm chí sáng nay chỉ trước giờ ngưng bắn mấy chục phút mà Việt cộng còn cố pháo vớt vát cú chót. Rồi đây không biết tồn tại được bao lâu, nhưng thôi được ngày nào hay ngày nấy. Tuy nhiên dù có hòa bình thì cũng vẫn phải cảnh giác, các chốt tiền đồn được tung ra, hệ thống phòng thủ được củng cố cho vững chắc,phát quang xạ trường, tăng cường hệ thống mìn claymore tự động và trái sáng.

Chỉ sau ngày thi hành hiệp định hơn một tuần đã bắt đầu nghe tiếng súng nổ ở phía đông và phía nam, nhưng ở phía bắc của chúng tôi vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Tôi và Cao thỉnh thoảng cũng vẫn gặp nhau trao đổi chuyện trò hoàn toàn đề cập về thăm hỏi gia đình. Cho đến khi trước tết vài ngày một sự việc xảy đến, để rồi sau đó chúng tôi không còn gặp lại nữa.

Câu chuyện xảy ra như sau, còn khoảng gần một tuần thì Tết Nguyên Đán, đơn vị VC cho dựng một cái cổng bằng vỉ sắt PSP trên Quốc Lộ 13 xế bên tay trái chúng tôi. Họ lấy lý do là đón tiếp phái đoàn Ủy Hội Quốc Tế. Tôi trình lên trên và nhận được chỉ thị không cho họ được dựng gần mình. Tôi có gặp Cao yêu cầu dời sâu về hướng bắc 500 mét. Ngày hôm sau Cao cho tôi biết là cấp trên không đồng ý. Tôi hạn cho anh hai ngày nữa để anh lo liệu, nếu không tôi sẽ phải hạ nó xuống. Lại một lần nữa Cao trả lời trên không thuận.

Sáng sớm hôm sau tôi cho đại đội ứng chiến rồi cùng khẩu đội XM202 tiến đến gần cái cổng và phóng vào một bên trụ một trái đạn, chất lân tinh bám vào trụ sắt cháy nóng trên 3000 độ khiến trụ sắt chảy ra và đổ gục xuống cháy luôn cả lá cờ " giải phóng".

Sau Tết ít ngày bọn VC bắt đầu pháo vào thành phố. Hòa bình đã dần dần bị chúng phá vỡ dưới sự bao che của đám Ba Lan, Hungary và Indonesia trong Ủy Hội Quốc Tế. Mặc dù bọn chúng nằm ngay trong Bình Long, đã cùng hứng chịu những đạn pháo này. Cao nhiều lần muốn gặp tôi, tôi đều từ chối. Lần sau cùng tôi nhờ thiếu úy Nghị nói với hắn là tôi đã chết trong lúc đi vào thành phố thì bị trúng pháo của Việt cộng. Đơn vị tôi nằm tại đây thêm hai tháng nữa, nhưng cũng vẫn không xảy ra chuyện gì. Dù sao thì chúng tôi cũng đã có một thời gian ngắn hòa bình, dù chỉ là hòa bình giả tạo.

Vì thế, sau này chúng tôi không còn tin có thể có hòa bình với Việt cộng nữa. Ngày 30/4/75 giao tranh với bọn chúng tại Bà Hom, dọc theo xa lộ Đại Hàn, bị chiến xa của chúng truy kích, chúng tôi phải triệt thoái vào Tân Phú. Ngang qua một đồn canh, anh em nghĩa quân đeo băng xanh hô lớn " hòa bình rồi các anh Biệt Động Quân ơi". Lại hòa bình hai chữ này chẳng còn ý nghĩa gì, vì tôi đã chào vĩnh biệt nó chỉ sau ngày thi hành hiệp định Paris không lâu.