Menu
Menu

Định Mệnh

Hoàng Đức


Lại Mồng Một tháng Tư! Nói láo vô tội vạ!

Kiên chí, bon chen tìm đưởng xuất ngoại, trốn tránh “Thiên đường cộng sản” ra đi tìm tự do, hắn thất bại 7 lần liên tiếp và ngồi tù 2 lần. Chỉ kể những lần đã được ngồi trên “ghe taxi” lần mò giữa đêm khuya, hồi hộp đi tìm con cá lớn thu mình đâu đó trên giòng sông Cửu Long, đây là lần thứ 8 hắn ra đi thành công, leo được lên chiếc thuyền lớn, dài 12m và rộng e cũng tròm trèm 3m. Chiếc thuyền được mô tả thật đơn sơ là “thuyền máy ba lốc, đầu bạc” được các tổ chức vượt biên dùng để đưa ngưòi lén lút ra nước ngoài.

Ra đi đúng vào ngày “Cá tháng Tư”. Ngồi trên “ghe taxi” hắn vơ vẩn nghĩ không biết lần này có bị xui xẻo, thất bại như 7 lần ra đi trước không. Lần này ông chủ ghe không tin dị đoan hay là không biết ngày mồng Một tháng Tư là ngày tha hồ nói xạo, xạo vô tội vạ, cũng như bọn CSVN “Xạo Hết Chỗ Nói” nên ông ta đã tổ chức chuyến vượt biên khởi hành đúng vào ngày không mấy tốt đẹp này. “Du thuyền” trong chuyến đi “cruise” này là một thuyền đánh cá trên sông, rộng chừng 3 mét và dài 12 mét. Du khách là một đám đông lố nhố gồm 130 nam phụ lão ấu. Người tổ chức vượt biên cam kết đã chuẩn bị đầy đủ lương thực và nước uống cho 2 tuần trên biển. Ai ngờ ông ta đã có ý định, trước khi ra cửa biển, sẽ múc nước trên sông Cần Thơ dự trữ cho chuyến hải hành du lịch Nam Dương quần đảo hay là Mã Lai Á tùy theo thời tiết và con nước. Chẳng may, chưa kịp múc nước ngọt trên sông thì bị bọn du kích phát giác, bắn vài tràng đạn, thế là ông lái tàu vội vàng xả ga chạy thục mạng không kể “cha già mẹ yếu”. Ra đến cửa biển Đại Ngãi thì ôi thôi, nước mặn mất rồi, làm sao múc được nước ngọt như dự tính ban đầu!

Thế là một viễn ảnh chết khát đe dọa “du khách” mà chỉ có những ngưòi chỉ huy du thuyền biết, chứ mọi người đâu có ngờ hoàn cảnh đen tối đang rình rập họ trên biển khơi. Me chua dự trữ để trộn với nước, những bao cốm dẹp dùng làm lương thực mà không có nước ngọt thì chỉ còn là những thứ vô dụng! Một du thuyền với kích thước khiêm nhượng như thế với số du khách quá tải gồm 130 người, không lương thực, không nước uống, đúng là chỉ thua con tàu Titanic một tí tẹo về tiện nghi. Còn về phần đối phó với hiểm nguy trên biển cả thì không biết tàu nào hơn tàu nào, chưa biết mèo nào cắn mĩu nào. Titanic đụng phải băng sơn thì cũng “ô hô ai tai!” như du thuyền này lúc gặp bão cấp 5 cấp 6.

Suốt 5 ngày, 4 đêm lênh đênh trên đại dương mênh mông, không có lấy được một hạt cơm vào bụng. Thuyền trưởng, một cựu đại úy Hải Quân chưa một lần đích thân điều khiển một chuyến hải hành vì nghe đâu ông ta là sĩ quan hành chánh, tài chánh biệt phái qua Hải Quân. Khoe mình là sĩ quan Hải Quân để được ra đi điều khiển con tàu mà khỏi đóng một chỉ vàng nào. Ôi tinh thần trách nhiệm!

May thay, ông ta cũng có tài chỉ huy và khôn ngoan: Ông ta chọn trong đám du khách một thanh niên lực lưỡng, vai u thịt bắp làm phụ tá cho ông trong chuyến du hành. Anh này đích thực là 1 trung sĩ Hải Quân có tinh thần kỷ luật cao. Theo lệnh của thuyền trưởng, mỗi ngày anh ta phân phát cho du khách, mỗi người một muỗng cà phê nước ngọt lấy trong hai thùng nước ngọt của gia đình người chủ tàu.

Nhìn cảnh mỗi người, đến giờ cho uống nước, mắt lim dim, há miệng nhận một muỗng nước, hắn dù ruột gan héo hắt mà cũng thấy vui vui, liên tưởng đến bầy chim non há mỏ chờ chim mẹ đút mồi và hắn thấy dường như người nào cũng rất “phê” và không có ai dám phản đối hay vòi vĩnh thêm phần nước phân phát quá hà tiện kiểu Trùm Sò vì trông thấy thân xác to cao và bặm trợn của anh chàng Hải Quân thứ thiệt này, ai cũng ngán sợ. Hoan hô thuyền trưởng và nhân viên phụ tá một phát! Không có hai ông này thì một cuộc nổi loạn rất có thể đã xảy ra khi du khách đói khát gần phát điên. Ra đi đúng vào ngày “Cá tháng Tư”, tưởng đâu cũng chỉ là chuyện đùa, thế mà lênh đênh trên Thái Bình Dương vào mùa “Tháng Ba (Âm Lịch) bà già đi biển”, ròng rã 5 ngày, 4 đêm. Lúc nào cũng thấy trước mắt khung ảnh nhỏ ngồi trên bàn thờ nhìn ngắm cái phao câu của con gà xối mở. Thế mà, Trời Đất, Ông bà phù hộ, sau cùng, tàu may mắn tấp vào được một giàn khoan dầu hỏa chẳng biết của nước nào nằm trong lãnh hải Nam Dương. Được đưa vào trại Galang của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, hắn phải sống lây lất gần 10 tháng trời mới được đi định cư tại xứ Cờ Hoa, miền đất hứa của dân Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản.Một đài tưởng niệm thuyề nhân trên đảo

Đến Hoa Kỳ, lạ nước, lạ cái, hắn thấy cái nền văn hiến hơn 4000 năm mà hắn từng hãnh diện đã không giúp gì cho hắn trong việc thích nghi với đời sống mới, xã hội mới, đất nước mới, cái gì cũng mới lạ, tuy hắn cũng đã từng đọc sách báo nói về cái nước Mỹ văn minh đệ nhất thế giới này. Vật lộn với nếp sống mới, tay chân quơ mệt nghỉ những lúc dùng ngôn ngữ của xứ người. Mỗi khi tiếp xúc với người Mỹ, hắn phải cười ngã nghiêng như lười ươi để tỏ ra là hắn hiều hết những gì đang đàm thoại, để cho người bàng quang phục tài nói tiếng Anh như dzó của hắn. Còn anh chàng Mỹ có ngạc nhiên khi nghe hắn cười trong câu chuyện không có gì đáng cười thì mặc xác anh ta, muốn nghĩ sao về hắn cũng “very OK”, không có gì đáng quan tâm vì hắn nói tiếng Mỹ ngọng nghịu, “accent “ lung tung, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Trị, Huế, Saigon là chuyện đương nhiên. Người ngoại quốc, có giỏi thì thử nói tiếng Việt Nam của hắn mà xem! Không phát âm loạn xà ngầu, dấu nặng ra dấu huyền, không dấu thành có dấu thì hắn đi đầu xuống đất ngay.

Rồi mọi chuyện cũng yên hàn vô sự, đâu vào đó. Giờ đây, hắn tạm gọi là an cư lạc nghiệp. Thét rồi nhàn cư vi bất thiện, thực ra là nói cho có sách, mách cho có chứng, chứ cũng chẳng có gì là bất thiện hay “tứ thiện” gì đâu vì hắn rảnh rổi, không biết làm gì cho trôi qua ngày tháng nên tập tễnh viết văn, viết truyện ngắn, viết tạp ghi, thỉnh thoảng nổi hứng thì làm vài ba bài thơ theo “trường phái Con Cóc” loại thơ mà cụ Cao Bá Quát thuở sinh thời cho là “Con thuyền Nghệ An”. Thế mà cũng ngon cơm lắm vì hắn gửi bài viết cho một vài tuần báo, cũng được mấy ông bà chủ bút cho đăng lên báo của họ. Và dĩ nhiên là đăng “chùa”, không có tiền nhuận bút. Văn chương hạ giới rẻ như bèo! Nhiều lần, hắn định gửi Email đòi tiền nhuận bút, nhưng sợ mấy ông Bà chủ nhiệm chê bài hắn viết dở, đăng chơi cho đủ số trang chứ không đáng được lãnh tiền nhuận bút. Thôi thì viết lăng nhăng, quơ quào mà có báo chịu đăng là vui rồi, vì hắn cũng không phải là dân chuyên nghiệp sống nhờ “viết nhật trình”. Nói như cố thi sĩ Bùi Giáng là “Vui thôi mà!”

Viết bài gửi đăng báo, không mong được trả nhuận bút, nhưng hắn lại mong được nhiều độc giả đọc văn thơ của hắn và nhất là nữ độc giả thì thật là “quá đã”. Chữ “quá đã” này hắn nghe được từ một câu chuyện tiếu lâm mà hắn mỗi khi nhớ đến, đều không khỏi tủm tỉm cười rất chi là thú vị, thấm ý, thấm tình. Số là một anh sui ghé thăm chị sui góa chồng đã lâu. Sắp sửa ra về thì trời bỗng dưng mưa tầm tã. Anh sui nhà ta liền xổ nho: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” Chị sui vốn cũng là tay hay chữ nên hiểu ý anh sui bèn mời anh sui ở lại qua đêm. Hai ngưòi ngủ hai gường riêng biệt, chung phòng mà không chung giường vì hai anh chị là dân lễ nghĩa đầy mình,

“gìn vàng giữ ngọc cho hay,
cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”.

Anh sui cố tỏ ra mình là Liễu Hạ Huệ bên Tàu, thấy sắc không động lòng tà dâm. Chị sui thì nhất quyết dành cho được 4 chữ “Tiết hạnh khả phong”. Nhưng không biết tại sao mà hai người cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Rồi chị sui mới bày chuyện đố chữ cho “vui đời tỵ nạn”. (Thực ra là câu chuyện xảy ra tại vùng quê ở xứ ta)

- Nè anh sui, được biết anh sui là dân hay chữ, vậy tôi đố anh sui nhé: Mình ở trong nước mà đi ra nước ngoài thì gọi là gì?

- Ồ dễ quá, là “quá cảnh”.

- Vậy mình đi nhờ xe để đến nơi nào đó thì gọi là gì?

- Thì ”quá giang” chứ gì nữa, chị sui. - Vậy tát nước từ ruộng này qua ruộng kia, anh sui gọi là gì?

- Thì là “quá điền”.

- Bây giờ, câu hỏi chót trước khi đi ngủ nhe, anh sui: Từ giường bên đó qua giường bên này gọi là gì?

- Thì “quá đã” chứ gì nữa hở chị sui.

- Thật em chịu anh sui!

Đấy, nếu được nữ độc giả ngưỡng mộ văn tài của hắn thì thật là “quá đã” đối với hắn, còn đòi hỏi gì hơn nữa. Cũng vì vậy mà hắn mơ một mối tình thuần túy văn nghệ và lý tưởng và dĩ nhiên là phải lãng mạn cho đúng với nòi tình của hắn vì đã từng bao năm uống nước sông Hương, nhìn mây trôi đỉnh Ngự, mơ một mối tình. Hắn mơ một ngày nào đó nhận được một lá điện thư với nội dung đại khái như ri:

“Hôm nay tình cờ đọc được bài viết của anh: “Trái cấm trong sân trường cũ”. Văn là người, đọc văn anh, thấy hồn nhẹ lâng lâng, một niềm cảm mến bỗng dâng trào, Em gửi đến anh tấm lòng ngưỡng mộ một tâm hồn đa cảm, dễ thương, đáng yêu vô cùng. “Trái cấm” bây giờ không còn e lệ như ngày xưa, đã trở thành “Bà nàng” chứ không phải “Cô nàng” nên xin phép được nói thẳng ý nghĩ của mình. Tuy tuổi đời không còn xoan, nhưng “Trái cấm” đang viết thư cho anh cũng còn khá mượt mà, ngôn ngữ bình dân gọi là “ngon cơm”.

Đọc bài viết dí dỏm của anh, Em thích lắm và cứ tủm tỉm cười mãi, Em đang sống lại những ngày xanh trong sân trường, nơi anh đã từng mơ hái trái cấm. Đọc văn anh, Em hiểu những mộng mơ đầu đời của anh, Em như đang trở về thời hoa bướm ngày xưa với những ước mơ thầm kín, những cuộc tình đơn phương của tuổi thanh xuân e ấp “mộng ban đầu”, những ý tình lãng mạn, những nhung nhớ vu vơ như thơ Xuân Diệu:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thưong

Bỗng dưng mà Em thả hồn vào tâm thức lãng mạn của thi ca thời tiền chiến với lời thơ lục bát dìu dặt, dịu êm qua nỗi buồn vô duyên cớ của Huy Cận:

Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chiều xa vắng chân mòn lẻ loi

Em đã nhiều lần vào ngôi trường trong bài viết của Anh. Thuở đó, Em chưa biết yêu và đâu có ngờ trong ngôi trường đó có một tâm hồn “chuyên trị” tình yêu đơn phưong. Sao hồi đó, Trời không run rủi cho mình gặp nhau nhỉ. Em xin mượn lời thơ của Lê Minh Quốc để nói lên tâm trạng của mình:

Có ai ngờ
Trên đường đời xuôi ngược
Vừa đi qua
Một tâm hồn
Tôi đợi đã từ lâu.

Hẹn Anh một ngày đẹp nắng,
duyên trời nở rộ cho mình gặp nhau.”

Giấc mơ của hắn tiếp tục và tiến dần đến hiện thực: Hệt như phong cách của một nhà văn lớn, hắn không có thời giờ để trả lời thư của độc giả ngưỡng mộ văn tài hắn, những nữ độc giả “mê” hắn. Không biết “Mê” cái ngữ nào vì hắn đâu có gửi hình của hắn cho các tuần báo đăng bài viết của hắn. Hôm nay là ngày “Cá tháng Tư” mà lị! Tha hồ phịa vô tội vạ, hơn nữa, mơ thì có bao giờ là sự thực.

Nhưng, từ một duyên may chỉ có thể giải thích bằng cái “numéro” của mỗi người mà văn chương chữ nghĩa gọi là Định mệnh, một lá điện thư lạc vào Forum của một nhóm bằng hữu đồng môn nên hắn quen nàng. Rồi trao đổi cho nhau, khi thì một mẫu chuyện tiếu lâm có thể cười được mà khỏi cần thọc lét cào chợt nách, khi thì một mẫu tin thời sự đặc biệt hấp dẫn, khi thì một bài phiếm dí dỏm hay một bài thơ tình sướt mướt như mưa dầm xứ Huế thương nhớ khôn nguôi. Hắn quen nàng, từ quen đến thân và từ thân đến ghiền đọc thư của nhau. Ngày nào chưa thấy thư là đi đứng, nằm ngồi không yên, vào ra thấp thỏm mong chờ và thơ Lục Vân Tiên tuôn ra ào ào:

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra
Cứ thế, như ngồi trên lửa mà trông thư:

Bao lâu rồi nhỉ mong thư
Sáng trưa chiều tối mịt mù tăm hơi
PC tôi mở bồi hồi
Email tìm mãi chơi vơi nỗi niềm

Thu về lá rụng ngoài hiên
Em tôi biền biệt bên triền sông Ngâu
Biết rằng rồi chẳng đến đâu
Mà sao vẫn sợ úa màu thời gian

Một đài tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Pulu Galang đã bị pháHắn tưởng chỉ hắn đa mang, thả hồn đi hoang. Ai ngờ Nàng cũng thế, Nàng bồn chồn trông thư, luống những thẫn thờ. Và rồi hai tâm hồn đa cảm, lãng mạn đã tìm đến nhau. Hắn cầm can đảm trên hai tay, một buổi sáng mùa xuân, hoa anh đào nở rộ trước sân, hắn tỏ tình cùng Nàng. Không trả lời trực tiếp chấp nhận tình hắn, Nàng chỉ viết cho hắn vỏn vẹn một câu: “Đường mây rộng thênh thang sao anh không cử bộ mà lại chen chân vào nẻo đoạn trường, Em cũng đã lắm lúc thẫn thờ trông thư” Còn gì hạnh phúc bằng, trên cõi đời này! Ngày đánh dấu hạnh phúc này hắn và Nàng cùng hiệp ý dùng làm “Password” cho hộp thư tình của đôi lứa yêu nhau. Tình tứ và lãng mạn như rứa thì thôi!

Nàng, người yêu của hắn đã từng một thời xuân sắc, tuổi dậy thì hoa bướm. Biết bao con tim đã thổn thức vì Nàng. Tuy ở cùng thành phố, có thể đã từng đi chung một đoạn đường ít nhất cũng qua chiếc cầu 6 vài 12 nhịp bắc qua giòng Hương giang thơ mộng trữ tình, nhưng chữ Duyên của nhà Phật chưa cười với hắn, nên:

Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân

Mà thui thủi thật, vì thời đó hắn chưa biết yêu, hắn còn lõi tì mà Nàng thì đã “trổ mã” đẹp lồ lộ, thì sức mấy mà Nàng để mắt đến hắn, nếu duyên trời run rủi cho hắn gặp Nàng trên đường đời muôn vạn nẽo. Cũng nhờ vậy mà hắn không thất tình khi Nàng vội vã theo chồng từ giã sân trường, bỏ cuộc vui khiến cho một “cây si” đã viết cho Nàng 18 trang thư tình sũng nước mắt.

Hắn đến với Nàng, mối tình cuối, và cũng là mối tình cuối đời, một cuộc tình muộn màng khi tuổi trời đã vào Thu, một mối duyên văn nghệ đẹp như những trang tiẻu thuyết diễm tình, tưởng khó thể xảy ra trên cuộc đời lắm bon chen này. Trong cuộc tình nhiều ngang trái, mang tính Định mệnh này, hắn đã mơ về quá khứ vàng son của Nàng, có hắn đi bên cạnh, bằng những trang thơ tình hắn gửi tặng Nàng:

Trường Tiền mấy nhịp Em qua
Thướt tha áo lượn, lòa xòa tóc mây
Em ôm huyễn mộng trong tay
Nắng chiều thoi thóp, gió lay thuyền hồn

Đông Ba cầu sắt liên tồn
Em vào cửa phủ anh còn ngẩn ngơ
Không gian loáng thoáng dây tơ
Buộc tình ta lại cõi thơ bàng hoàng

Em vô Thượng Tứ Xuân sang
Áo vàng Em mặc thênh thang Nội Thành
Đôi chim âu yếm sau mành
Ước gì gọi được tiếng Mình, Mình ơi

Em về An Cựu xa xôi
Cung An Định cũ một thời vàng son
Ngậm ngùi hai chữ càn khôn
Ven sông lơ lửng, hoàng hôn nắng tàn

Em lên đồi vắng Thiên An
Ngàn thông xào xạc, ngự hàn xiêm y
Chuông ngân cám cảnh sinh ly
Ngẫm suy niềm đạo, rèm mi vương sầu

Em sang Bến Ngự ven cầu
Bao nhiêu hưng phế một màu tang thương
Dung nhan ngọc chuốt hoa nhường
Anh ôm nuối tiếc cung thương lỡ làng

Em xuôi Gia Hội mưa giăng
Phố xưa rộn rịp đôi hàng cây xanh
Mắt Em giọt nhớ long lanh
Tình anh mắc cạn Em đành bỏ sao

Em qua Vĩ Dạ hàng cau,
Vàng hanh ngập lối tươi màu thủy tinh
Hương cau quyện với hương trinh
Em còn e ấp một mình đếm sao

Đạp xe thả dốc Nam Giao
Áo hoa tung gió lao xao tiếng lòng
Anh vui một thoáng chờ mong
Nắng vàng tươi thắm, song long cận kề.

Thư đi, từ lại mấy tháng trời ròng rã, có hôm Nàng ngồi trước Computer đến hơn 2 giờ khuya để chờ thư hắn. Nghìn trùng xa cách mà ngỡ như gần nhau trong gan tấc, hắn cùng Nàng trò chuyện qua “mail” sôi nổi từng cơn, trìu mến từng hồi. Tuỳ lúc, tuỳ ngọn trào lòng mà những lá thư dài ngắn khác nhau, có khi chỉ một vài chữ như Nhớ, Thương, Yêu, viết đậm nét hoa hay chi chít chữ thành một trang tình thư lâm ly, diễm tuyệt, nhưng chung quy, nội dung không ngoài hai chữ Nhớ và Thương. Thư nào cũng chất ngất hương yêu, khi thì lý tưởng “platonique” cao tít ngàn mây, e rằng Platon sống lại cũng chào thua cuộc tình thanh cao của hai đứa bên trời lận đận. Nhưng đôi khi vì quá thân yêu, gần gũi, cũng suồng sã đùa cợt, trích dẫn thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương mà nữ sĩ tái sinh chắc cũng phải mĩm cười khen thưởng hai “môn đồ” cưng yêu của Bà. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cũng được ngưỡng mộ qua ca khúc “Niệm khúc cuối”nói lên niềm ao ước của hai kẻ yêu nhau mà nghìn trùng xa cách. Hứa hẹn cho nhau bao nhiêu mật ngọt của tình yêu, gói ghém qua lời ca tình tứ ngút lửa đam mê:

“Tìm môi nhau, cho nhau rã nát, rã nát tim đau... Cho tôi xin Em như gối mộng, cho tôi ôm em vào lòng, xin cho một lần cho đêm mặn nồng, yêu thương vợ chồng.”

Rồi hắn gặp Nàng, Em mang, trên màu áo tím than, màu tím Huế, cả một trời thơ mộng của núi Ngự, sông Hương, khiến hắn điên đảo thần hồn. Tất cà những gì hắn mơ tưởng đã trở thành hiện thực, một thực tế trên cả những gì hắn mong ước, trên cả tuyệt vời. Người hắn yêu, xinh đẹp và quá trẻ so với số tuổi đời nàng mang nặng trên vai. Nhũng gì hắn hứa sẽ thực hiện khi găp Nàng, hắn quên mất tiêu không còn nhớ hắn có làm đúng theo mong muốn không, vì hắn choáng ngợp trong niềm vui, tưỏng chừng như đang sống trong mơ. Ôm nàng trong vòng tay từ lâu khao khát một vóc thân ngà ngọc, những môi hôn trao vội trên hè phố chiều Thu ấy, hôm nay hắn còn thấy đê mê khi hồi tưởng:

Hôm nao trong vòng tay trìu mến
Thuyền tình mình từ nay đỗ bến
Nụ hôn đầu âu yếm lắng sâu
Những giọt tình khao khát từ lâu

Dường mật ngọt thấm vào tạng phủ
Ngất ngây giấc mộng vàng ấp ủ
Nghe hiện thực ngập ngừng ló dạng
Cảm ơn Em cuộc tình trong sáng

Anh úp mặt, hương trinh thơm ngát
Xa rồi những ngày xưa gió cát
Về thôi Em, mình đã có nhau
Sau bao ngày mơ vọng buồn đau.

Trên đường về khách sạn, trên xe hơi của bạn hắn, Nàng ngồi sau lưng hắn, choàng tay ra đàng trưóc, ôm lấy cổ hắn, một cử chỉ âu yếm, thương yêu trời biển, nhớ mãi làm sao quên. Sau cùng thì Định mệnh đã chịu cười với hai tâm hồn cô đơn tìm đến nhau, niềm hạnh phúc bao lâu mong đợi trong mơ, giờ đây đang trong tầm tay với. Ân ái trao nhau, “ thương yêu vợ chồng” như lời ca nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên diễn tả trong “Niệm khúc cuối” đã hơn một lần nung nấu đam mê, ngụp lặn trong bể ái nguồn ân một ngày chớm Thu, nắng nhạt trên hè phố nhưng rực rỡ trong tâm hồn chan hoà hạnh phúc. Như những đôi tình nhân trẻ (trẻ hay già thì cũng y chang như nhau, cũng âu yếm bên nhau) hắn sóng bước bên người yêu, tay trong tay, dạo phố mùa Thu, nắng vàng e ấp gợi nhớ cánh hoa Cúc vàng hương sắc mùa Thu nào trên quê hương xa cách nửa địa cầu:

Rưng rưng, mắt biếc môi cười
Tình anh một thuở chin muồi yêu Em
Chiều Thu, nắng nhạt sương mềm
Bên nhau sóng bước êm đềm duyên mơ

Thương Em ngày đó thẩn thờ
Hôm nay áo tím lặng lờ vai ngoan
Bao nhiêu sầu nhớ mênh mang
Ái ân sâu lắng xóa tan sương mù

Anh về ngưng bước phiêu du
Tình Em bến đổ khép chu kỳ buồn.

Tay không rời tay, thong dong dạo chơi trên hè phố, trời mới vào Thu nên chưa thấy cảnh “Mùa thu trời buốt ra đi, hẹn Em xóm học”. Vào một Restaurant đầu con phố nhỏ, Nàng gọi thức ăn, âu yếm, chiều chuộng, chu đáo, vợ cưng chồng sao bao ngày xa vắng, dịu dàng nét ngoan hiền, thục nữ quân tử hảo cầu. Thức ăn ngon, nhưng Nàng còn ngon mắt hơn, hắn nhìn nàng say đắm “dáng Kiều thơm”. Một thoáng e lệ ửng hồng lên đôi má. Lòng dào dạt thương yêu, hắn buông dao nĩa, nắm tay Nàng biểu tỏ bao niềm luyến ái si mê.

Chia tay nhau, sau những giây phút âu yếm bên nhau, sau những ngày hạnh phúc chan chứa mật ngọt tình yêu, lòng bịn rịn kẻ ở người về, hẹn nhau mùa Noel tới, khi không gian tràn ngập hồng ân Thiên Chúa và những mùa Thu kế tiếp cùng sóng bước dạo chơi thành phố của tình nhân. Còn hơn một phần tư thế kỷ để thương yêu nhau đằm thắm trong tình yêu bao la trời biển. Hắn lịm người trong giấc mơ đã trở thành hiện thực. Định mệnh, sau cùng đã cười với hắn. Nàng Giáng Kiều huyền thoại đã khoan thai bước ra từ trong tranh, âu yếm nép đầu vào vai hắn, Tú Uyên tân thời, lãng mạn đa tình như con dân đất Thần Kinh, Huế đô nghiêm mật mơ màng.

Về lại Mỹ, hắn gửi nàng một bài thơ hơi hướm lãng mạn, một trời “cải lương”. Nhưng tài nghề hắn chỉ có thế nên chỉ mong Nàng không chê thơ hắn cũng như đã chấp nhận tình hắn muộn màng nhưng rất mực chân thành.

Tình ta

Yêu nhau chẳng hẹn ước thề
Cõi lòng xao xuyến đi về thênh thang
Tình trao dù có muộn màng
Nghe ra man mác trăng tàn sương rơi

Men tình chuốc chén đầy vơi
Mai sau ta nhớ một thời bên nhau
Tình như một thoáng mưa mau
Em ơi, chớ để úa màu thời gian

Rồi đây tình sẽ mênh mang
Gửi Em vuông lụa Em quàng bờ vai
Em đừng cười cợt lả lơi
Rằng thơ anh dệt toàn lời huyền hư.