Menu
Menu

Em Gái Hậu Phương

Tư Kiên


(những chuyện chưa kể cho vợ nghe)

>Pleiku, ngày 25 tháng Giêng năm 1973

Kính gởi: anh Chiến Sĩ BĐQ Tiểu Đoàn 11

Đầu thư em xin tự giới thiệu với anh, em tên là Đoàn Thị Huệ, học sinh lớp Đệ Tứ A2, Trường Trung Học Tư Thục Minh Đức.

Năm nay, trường em có hân hạnh được cùng với Trường Trung Học Công Lập Pleime đến thăm và ủy lạo các anh nơi tiền đồn, chúng em chưa biết ai sẽ là người được đi thăm các anh, nhưng được yêu cầu mỗi người viết một hoặc hai lá thư để ủy lạo và chúc Tết các anh. Em run lắm vì đây là lần đầu tiên em viết thư cho lính nên chẳng biết phải viết gì cho anh. Em cũng có một cô bạn có người anh em bà con cũng là sĩ quan BĐQ nhưng em không biết ở TĐ nào, chỉ biết là anh ấy đóng quân ở Biển Hồ mà Biển Hồ thì có tới 3 TĐ BĐQ.

Nghĩ tới các anh BĐQ ngày đêm đánh giặc nơi chiến trường để gìn giữ quê hương yêu dấu chúng em cảm phục lắm, những ngày trời gió mưa lạnh ướt càng thấy thương các anh nhiều hơn. Nay nghe nói là sắp ký hiệp định đình chiến rồi, đất nước sắp được bình yên rồi, em mong sao điều đó mau đến để các anh được yên ổn trở về nhà xum họp với gia đình, nhất là trong dịp Tết như thế này.

Đầu năm mới, em kính chúc các anh được gặp nhiều may mắn, nhiều sức khỏe, đánh giặc lập công chóng được lên lon.

Kính thư,   

Đoàn Thị Huệ

(ký tên)   

Lá thư được viết bằng mực tím dài đủ 4 trang giấy học trò, nét chữ run rẩy thật chứ không phải là nói suông. Tôi đang suy nghĩ về lá thư thì chợt có tiếng ông TĐ trưởng hỏi,Thành phố Pleiku 1969

- “Ê thư mày tụi nó viết gì vậy, đưa tao coi thử xem?”

-“Mấy đứa con nít đệ tứ mà chứ có phải bọn lớn đâu. Sao tôi xui quá? Phải chi tụi đệ nhị đệ nhứt nó viết cho mình thì tôi nhất định khi về sẽ đi kiếm tụi nó! Nhưng mà con bé này nghe tên khá quen…” Tôi nói.

Tôi đưa lá thư cho ông TĐ Trưởng. Đọc xong ổng hỏi tôi, “Mày nói con bé này mày quen hả, thiệt không tao cho mày về dắt nó lên đây cho anh em coi?” Một đàn anh trong đơn vị là Đại Úy Th. nghe vậy vội nói, “Thiếu Tá đừng xúi nó làm bậy, con người ta còn con nít mà nó về dụ dỗ là tù mọt gông đó nha!”

Ông TĐ trưởng vẫn chưa chịu, “Sao ông biết còn con nít?”

- “Thì nó viết rõ ràng nó đang học đệ tứ mà, hơn nữa chữ nghĩa con nít nhìn vô biết liền hà!”

Ít bữa sau, ông TĐT lại gọi tôi lên hỏi,

- “Có muốn về Pleiku kiếm con bé viết thư cho mày thì chiều nay theo xe tiếp tế về? Nhưng giỡn chơi thôi nhen, mày tầm bậy ở tù ráng chịu à!”

Năm đó tôi đã trên 23 tuổi nhưng chưa có người bạn gái nào chứ đừng nói chi đến một mẩu tình làm hành trang, vì thế ông TĐ trưởng cũng muốn khuyến khích tôi có bạn gái. Hơn nữa từ sau Hiệp Định Paris, đơn vị tương đối an nhàn, SQ tuy chưa được đi phép nhưng ai muốn về thị xã chơi cứ sắp xếp để đi ổng không cấm. Các SQ trong BCH càng ưu tiên hơn, nhất là loại SQ ít việc như tôi thì càng tự do. Tôi xin phép được đi 3 ngày thì ổng cho luôn cả tuần, nhưng phải thông báo nơi ở để nếu cần hậu cứ sẽ đến nhà chở vô hành quân.

Sau Tết, cuộc sống ở cái thành phố tuyến đầu lửa đỏ như Pleiku lại trở lại bình thường. Thành phố bớt dần tiếng phản lực gầm rú, tiếng xích sắt của xe thiết giáp trong nội ô, mặc dù đêm đêm vẫn nghe tiếng rú của đại bác, nhưng cũng thưa thớt. Trái sáng hầu như không còn nhiệm vụ cạnh tranh với bóng đèn đường nữa. Có vẻ như Hiệp Định Paris đã có hiệu lực ở một góc độ nào đó. Cũng nhờ đó bóng dáng những anh Quân Cảnh cũng không dày đặc như trước nữa, mặc dù số lính đi lại trong thị xã đông hơn. Chỉ những ai lè phè quá hoặc say rượu hoặc gây ồn ào thì mới thấy Quân Cảnh, nhưng có vẻ như họ cũng từ tốn hơn và thông cảm hơn so với trước đó.

Tôi ghé nhà bà cô ở đường Hai Bà Trưng. (Làng tôi ngoài Bắc có tục lệ gọi chung cả chị và em của bố là cô, em của mẹ gọi là dì nhưng chị của mẹ lại gọi là già.) Bà cô này là chị họ của bố tôi và trẻ hơn bố tôi cả chục tuổi. Đám con của bả cũng thua tuổi tôi nhiều. Mặc dù tôi phải gọi họ là anh là chị, nhưng chỉ cần tôi gầm gừ vài tiếng là “các vai trên” êm re, đôi khi còn lấm la lấm lét nữa. Cọp mà! Con gái lớn của cô tôi tên Bích đang học lớp Đệ Tứ trường trung học tư thục Minh Đức. Cô nàng rất có khiếu về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp dù mới học Đệ Tứ chương trình Việt, Pháp Văn chỉ là sinh ngữ nhưng cô nàng nói tiếng Pháp trôi chảy như đầm con. Có lẽ bà cô tôi dạy thêm, bởi lẽ hồi xưa bà là Nữ Hộ Sinh Quốc Gia tốt nghiệp tại Hà Nội mà hồi đó thì học bằng tiếng Pháp, sách Pháp. Giờ thì bà mở một Nhà Bảo Sanh ngay tại nhà, gọi là Nhà Bảo Sanh vì cũng có phòng sanh và phòng nằm cho sản phụ. Những ca sanh khó có bác sĩ coi sóc đàng hoàng và khi nặng có thể đưa thẳng vô Dân Y Viện. Nhà Bảo Sanh của cô tôi có cái may là mở từ khi Pleiku phát triển thành thành phố tới nay đã trên 10 năm nhưng chưa bị trục trặc chuyện gì!

Mới chào hỏi bà cô xong thì đã nghe tiếng chị Bích vừa đi vừa hỏi trỏng,

- Ê, Tết vừa rồi ở Tiểu Đoàn có vui không? Có biết ông nào nhận được thư của moa không? Nghe nói thư của tụi moa đều gởi cho Tiểu Đoàn toa hả?

Tôi nói, “thì cũng lo canh gác đánh giặc thôi, Tết nhứt có gì khác lắm đâu, còn cái thư của chị không biết nó đi đâu, vì các Đại Đội ở xa tiểu Đoàn lắm, không dọ hỏi được. Trong BCH Tiểu Đoàn hỏi rồi nhưng không có ai nhận được.”

- Vậy thư của toa đứa nào viết vậy, vái trời không phải là thằng con trai giả chữ con gái nhen!

- Bộ có chuyện đó nữa sao?

- Có chứ sao không, cả mấy ngàn lính làm sao mà đám con gái tụi moa viết hết được thành ra phải nhờ đám đực rựa viết giúp đó. Tụi nó cũng tên Loan tên Phượng, tên Lan tên Huệ… Toàn tên đẹp không hà!

- Ê chị, bộ có tên Huệ giả gái nữa hả? Tôi hốt hoảng.

- Chớ bộ toa có thư của “nguời em tên Huệ” hả? Đưa đây coi là biết thiệt giả liền.

Tôi móc vội lá thư gấp cẩn thận để trên túi áo, vô tình làm sao lại nằm bên trái mới chết! Con gái lại là chúa hay để ý chi tiết, thấy tôi thò vô túi bên trái cô chị nhỏ la loi nhoi,

- Dữ hông kìa, chưa biết trai gái đã ép sát vào trái tim rồi. Vái trời của một thằng đực rựa cho tàn “mộng dưới hoa” đi.

Vừa cầm được lá thư coi qua một chút cô chị nhỏ đã rú lên cười sằng sặc rồi bỏ chạy. Tôi đang ngơ ngác thì ngoài sân có tiếng riú rít của con gái, tôi ngoái ra nhìn thì chị Bích tay đang dắt một cô bé, cô bé này thì tôi quá quen. Đúng rồi cổ tên Huệ học cùng lớp với chị Bích và thường qua nhà chơi với Bích nên tôi quen là phải. Gọi là cô bé vì tôi biết cô nàng từ khi còn bé xíu chứ giờ này cũng đang trổ mã sắp thành thiếu nữ rồi, tính tình tuy còn nhí nhảnh nhưng dáng dấp đã khá lớn. Huệ có khuôn mặt bầu bĩnh khá xinh. Gái Pleiku thì khỏi nói cũng đương nhiên là “má đỏ môi hồng” rồi, nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm.

Huệ chạy thẳng đến chỗ tôi ngồi, chẳng nói chẳng rằng ngồi ngay dưới đất trước mặt hai tay chụp trên đầu gối tôi hỏi tới tấp, “Có thiệt anh nhận được thư của em hay anh đổi cho người nào rồi mang về đây hù tụi em?”

- Đúng là anh nhận được thư Huệ. Thấy quen quen anh mới mang về đây nhờ chị Bích hỏi dùm.

- Chớ bộ anh không biết em là Đoàn Thị Huệ hay sao mà còn phải đi hỏi? Em ghi rõ họ và tên ở trong lá thư cơ mà.

- Anh cũng thấy nhưng có bao giờ anh hỏi họ của em đâu mà biết. Còn em tên Huệ thì anh biết lâu rồi.

- Ý, có cái họ mà cũng chẳng thèm để ý. Em thì em thuộc cả số quân của anh nữa kìa.

- Chà giỏi dữ à, làm sao mà biết kỹ thế, bộ VC nằm vùng hả?

- Vậy đó, giỏi thì bắt VC nằm vùng đi.Quân Đoàn II

Tôi nói chơi, “Lớn chừng vài ba năm nữa mà ăn nói giọng đó là anh dắt về đồn liền à.”

Có lẽ Huệ cũng hiểu câu nói chơi đó nên nguýt tôi một cái thiệt dài rồi chạy đi.

Câu chuyện tôi nhận được lá thư của Huệ trong gói quà chẳng mấy chốc lan đi khắp xóm. Má và anh của Huệ sang chơi cứ vui như vừa “gieo cầu kén được rể” mời tôi qua nhà chơi nói chuyện. Thỉnh thoảng tôi ghé nhà cô tôi chơi, có khi ở lại dăm ba ngày do đó hàng xóm hầu như ai cũng quen biết tôi cả. Tánh tôi thích kết bạn thành thử mọi người ai cũng thấy dễ thân cận. Bộ đồ rằn ri chỉ làm cho địch quân khiếp vía nhưng những người hàng xóm này thì lại thích “màu áo hoa rừng” vì họ nói là đẹp chứ chẳng phải dữ dằn gì. Gia đình Huệ cũng người Bắc di cư và hay hơn nữa là cũng cùng dân Công Giáo. Sở dĩ tôi nói hay hơn nữa, vì người Bắc Công Giáo thời đó thường không thích con mình lập gia đình với người Trung hoặc Nam và tối kỵ là lấy người không phải Công Giáo. Do đó mà coi như chúng tôi có đủ điều kiện để nếu mà định mệnh xe duyên thì cũng không gặp trở ngại gì.

Má Huệ là dân Hà Nội xưa kia, là hoa khôi một thời của trường Nữ Trung Học Trưng Vương. Chỉ cần là nữ sinh Trưng Vương đủ nói lên gia thế bà ta, bởi ngày trước chỉ những dân thượng lưu hoặc giàu có thì con gái mới được đi học tới trung học. Con nhà nghèo biết đọc biết viết đã là may lắm rồi. Di cư từ trước khi có Hiệp Định Genève vô Đà Nẵng, ngày đó còn gọi là Tourane, mãi năm 1962 gia đình bà mới chuyển lên Pleiku làm ăn. Khi đó Pleiku là một thành phố mới mở mang đất đai gần như vô chủ ai có khả năng cứ việc cắm rồi xây nhà vì thế nhà Huệ là một căn nhà lớn nhất khu phố Hai Bà Trưng ngày đó. Nhà ngay góc đường gồm cả 3 lô, nghĩa là bề ngang tới 12m. Nhờ có vị trí tốt nên nhà Huệ mở tiệm buôn bán đồ nội thất, là tiệm lớn nhất ở Pleiku lúc bấy giờ. Hầu như chỉ cần nói đến tên Hiền Đức là mọi người dân Pleiku đều biết. Hiền là tên của má Huệ còn Đức là tên của anh lớn Huệ, nhà chỉ có 2 anh em. Anh Đức khi đó đã gần 30 tuổi là giáo sư dạy toán khá nổi tiếng. Có lẽ vì ám ảnh tối ngày với những con số nên tánh anh khô khan ít nói, khác hẳn với má và em gái. Tôi nghĩ có lẽ tánh anh giống bố, mặc dù tôi không hề nghe nói gì về bố Huệ mà tôi cũng chẳng hỏi cũng như dò hỏi bởi tôi nghĩ chẳng liên quan gì tới mình.

Qua nhà Huệ ngồi nói chuyện chơi được dăm ba câu anh Đức lấy cớ bận soạn và chấm bài nên kiếu lên trên lầu còn lại tôi và bà Hiền ngồi nói chuyện. Dân Hà Nội có khác từ cách nói đến giọng nói lúc nào cũng du dương, nhẹ nhàng và rất thanh lịch. Bà ân cần hỏi thăm những cực nhọc và những gian nan nguy hiểm trên chiến trường. Mỗi lần tôi nói đến những thương vong chết chóc bà lại xuýt xoa cứ như tôi đã là người nhà vậy. Rồi bà hỏi tôi những lúc đó có sợ không, có tìm hầm hố ẩn nấp không? Tôi trả lời nguy hiểm thì ai cũng ớn cả, nhưng nói rằng sợ thì không hẳn, vì nhiệm vụ đó là của mình nếu như mình không dám hy sinh thì làm sao còn gọi là lính tác chiến, như vậy nhiệm vụ bảo vệ dân chúng, giữ vững giang san thì giao cho ai gánh đây. Ngồi nói chuyện với bà Hiền một lát thì chị Bích qua gọi về ăn cơm chiều. Bả mời tôi khi nào tiện qua nhà ăn cơm với gia đình cho vui. Tôi nghĩ trong bụng nhà có 3 người thì ông anh như nhà tu ngồi ăn chung chắc chẳng thú vị gì, tuy vậy tôi cũng cám ơn trước và hẹn nếu có dịp, tiếc rằng chẳng bao giờ có dịp đó cả.

Buổi tối, tôi dắt chị Bích và Huệ đi coi phim. Diệp Kính là rạp chiếu bóng duy nhất của Pleiku, nhưng không vì thế mà chiếu những phim rẻ tiền, trái lại những phim chiếu toàn là những phim ăn khách. Có điều phim luôn luôn sau Saigon vài tuần cho tới cả tháng. Tuy vậy với chúng tôi thì đã là quá quý rồi, chẳng ai có điều kiện để về Saigon xem phim, nên cũ mới gì với chúng tôi không quan trọng, miễn là phim hay. Cuốn phim chúng tôi coi hôm đó là phim Bridge on the Kwai River (Cầu Sông Kwai), một phim chiến tranh thuộc sở thích của tôi, do Malcolm Arnold đóng từ năm 1957. Ngay từ đầu phim tiếng huýt gió bản nhạc đã tạo phấn khích. Cảnh những tù binh Mỹ bị lính Nhựt hà hiếp khiến tôi cảm thấy nóng mặt, rồi cảnh những tù binh bị làm những công việc nguy hiểm, nặng nhọc… Tôi ngồi giữa Bích và Huệ. Mỗi cô một bên luôn miệng xuýt xoa. Mỗi khi chiếu cảnh máy bay ném bom, xác người trúng đạn xe tăng thiết giáp thì các cô lại bấu chặt lấy đùi tôi cho khỏi sợ, miệng kêu lên “eo ơi ghê quá!”. Tôi hỏi vậy có muốn đi về không nhưng chẳng ai muốn về cả. Cuốn phim đó hình như dài cả trên 2 tiếng đồng hồ. Khi toán tù binh được giải cứu mọi người hoan hô ầm ĩ. Hai cô bạn nhỏ của tôi cũng vỗ tay ào ào hưởng ứng. Vãn tuồng tôi dắt cả hai đi ăn hủ tíu ở một chiếc xe gần đó. Mấy anh lính Thiết Giáp thấy vậy nói giỡn,

- Chia bớt một cô tôi nuôi dùm đi, thiếu úy.

- Đây mang cô này về mà nuôi. Tôi đẩy nhỏ chị ra.

- Chưa đủ tiêu chuẩn.

Chẳng dè cô chị nhỏ cũng không vừa,

- Quan Một Biệt Động mà lớn nỗi gì.”Mấy anh chàng Thiết Giáp trả miếng.

Anh khác chêm vô,

- Nhưng mà làm lớn ông bé đỡ hơn làm bé ông lớn đó.

- Mẹ kiếp tụi bay im mỏ lại, chị tao đó. Mới 14 đó, tuổi liệu mà dỡn!”Tôi phải lên tiếng.

- Thiệt không xếp? Thiệt không xếp? Tưởng… em xếp chớ!

- Chị hay em cũng dậy. Tụi bay dỡn quá mất vui rồi.

- Ồ, xin lỗi xếp…

Mặc lời qua tiếng lại, Huệ cứ thản nhiên ăn hết tô mì thỉnh thoảng lại buông đũa buông muỗng ôm chặt cánh tay tôi như mong một sự che chở. Bích cũng vui vẻ vì biết đám lính giỡn cho đỡ buồn chứ chẳng có ý gì khác.

Buổi tối đi chơi thật vui vẻ. Gia đình tôi cũng có 5 cô em gái. Cô lớn mới lấy chồng còn mấy cô kia chỉ 13, 11, 8 và út thì mới 5 tuổi. Cô nào trông thấy tôi cũng sợ chẳng bao giờ dám giỡn, ngay cả làm nũng, mè nheo cũng không. Chính vì thế mà tôi không có tí kinh nghiệm nào về con gái, mặt lúc nào cũng nghiêm. Hèn chi bà cụ tôi chẳng thường nói, “Anh phải vui vẻ tươi tỉnh lên thì con gái nó mới dám đến gần chứ. Mặt lúc nào cũng nghiêm như đang chỉ huy lính thì cô nào mà dám.” Thú thực cái bản mặt tôi trời sanh ra vậy chứ nào phải tôi suốt ngày lập nghiêm đâu. Mà ngay cả với lính tôi cũng chẳng khi nào trách mắng một anh nào. Ấy vậy mà cũng với khuôn mặt đăm chiêu hình sự như thế mà tôi dắt hai cô bé đi chơi cả buổi chẳng người nào than phiền. Trái lại mỗi khi tôi pha trò thì họ lại cười như nắc nẻ. Chẳng hiểu sao nữa? Ai dám bảo cái mặt tôi là hãm tài, gái không ưa?

Hôm sau các cô phải đi học. Chẳng hiểu họ kháo nhau ra sao mà buổi chiều cả bầy con gái lao nhao kéo đến nhà cô tôi tranh nhau xem mặt ông thiếu úy Biệt Động tốt phước. Tục ngữ ta có câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” quả không sai. Học trò thì dù trai hay gái cũng tinh ranh như nhau. Vừa gặp mặt các cô tranh nhau nói, chẳng cần nể nang và cũng chẳng ý tứ gì,

- Ờ, coi cũng tạm được vậy mà Huệ nó nói nghe cứ như là bô trai lắm!

- Tướng tá cũng ẻo lả chớ đâu có dáng dấp gì là “lính mũ nâu” đâu, vậy mà nó cứ om xòm là “anh hùng Biệt Động”.

- Thì cũng phải để nó thần tượng hóa người trong mộng của nó chứ!

Mỗi cô một câu tranh nhau nói không ai chịu thua ai. Người Pháp có câu thành ngữ “hai người phụ nữ và một con vịt thành ra cái chợ”. Ở đây tuy thiếu con vịt nhưng cả gần hai chục cô gái thì coi bộ chợ họp khá sôi nổi. Dù sao thì không khí rất vui. Tôi không thể ngờ lại có buổi nhộn nhịp như vậy. Một lát sau, một cô quay qua tôi hỏi tỉnh queo,

- À, mà anh đây lương lậu còn đủ bao tụi này đi ăn chè không? Nếu không thì để bọn này ngả nón hùn hạp bao anh luôn. Nghe đâu tối qua anh dắt hai đứa nó đi ciné rồi đi ăn hủ tíu nữa mà.

Huệ lên tiếng hưởng ứng liền,

- Đi thì đi, đừng lo em có nhiều tiền lắm. Có quán chè gần đây bảo đảm ngon không chê vào đâu được. Muốn chè loại nào cũng có đủ loại Bắc Trung Nam.

Thế là tôi đành phải đi theo đám gái nhóc, tôi nhớ hình như hồi đó có cuốn phim kiếm hiệp nào đó do Trịnh Phối Phối đóng mang tên Hoa Lạc Giữa Rừng Gươm, kể chuyện cô gái không may lạc vào hang ổ cướp phải đấu trí đủ cách để giữ thân. Tôi thì ngược lại giờ mang cảnh Gươm Lạc Giữa Rừng Hoa. Cả một rừng hoa thay nhau nói, thay nhau cười thật quá sức hạnh phúc nhưng cũng chẳng có dịp nào để mở miệng vì các cô hết tranh nhau nói lại tranh nhau xô đẩy dẫn dắt. Cái quán chè cũng ở gần ngay đấy, bà chủ tiệm thì quá biết tôi chỉ có điều là tôi thích uống café và uống rượu chứ chẳng khi nào bước vô quán chè cả. Thấy tôi được cả bầy tiên nữ hộ tống vô quán, bả tức cười vội vã dẹp bàn dẹp ghế sắp xếp để có chỗ cho cả bầy ngồi. Rồi thì các cô tranh nhau kêu người thì chè đậu xanh, người thì đậu đỏ nước dừa, người thì đậu đen bánh lọt. Có cả những loại chè mà tôi chưa nghe nói như chè bảy màu cũng được các cô tranh nhau chào hàng dùm bà chủ. Khi những ly chè, chén chè được mang ra các cô thi nhau bày trước mặt tôi, cô nào cũng mời ăn bằng được loại chè mà mình thích. Có cô còn bạo dạn hơn nữa múc một muỗng đưa tới đút cho tôi ăn. Thiệt hết biết! Tưởng là đi ăn vặt thôi nhưng rồi tôi bị ép ăn muốn nổ bụng luôn tối về không ăn nổi miếng cơm nào.

Ở chơi đúng một tuần tôi lại theo xe tiếp tế ra hành quân. Chiến sự bắt đầu đi vào khúc ngoặt mới. Tiểu Đoàn hoán chuyển cho TĐ22/BĐQ lên vị trí mới là làng Plei Rit. Làng Plei Rit trước đây là một làng cùi nằm cách đèo Thanh Bình khoảng gần 10 cây số về hướng Tây. Từ đây đi chừng 6, 7 cây số nữa là tới trại Đức Cơ và thêm chừng vài cây số nữa là tới biên giới Miên. Khi đó Đức Cơ do TĐ81/BĐQ trấn thủ đã bị mất về tay Cộng quân rồi vì thế từ làng Plei Rit trở đi về tới Miên là thuộc vùng của chúng. Vị trí TĐ hoán chuyển cũng là tuyến đầu giáp ranh của những khu vực da beo lúc đó. Căn cứ chúng tôi đóng quân cũng được đặt tên là Plei Rit là một khu công sự khá vững chắc, có một chi đội thiết giáp và cả M41 nữa tăng cường phòng thủ, Pháo Binh thì từ quận lỵ Thanh An yểm trợ. Đây là một vùng tương đối trống trải không có rừng cây phòng thủ, bởi vậy dù chẳng phải là chiến lược gia nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng vị trí đóng quân của mình thập phần nguy hiểm. Khi chiến sự nổ ra địch quân chỉ cần 15 phút là có thể điều động chiến xa từ Miên qua, vì theo trinh sát và nguồn tin tình báo thì chiến xa và pháo binh của VC ở ngay trong trại Đức Cơ.

Có một sự khác biệt hoàn toàn giữa chiến thuật của ta và của VC, đó là ta thì luôn luôn phơi bày kiểu như trình diễn hoặc khoe của, chiến xa cũng nằm phơi mình giữa đồng trống, căn cứ thì phải khai quang chung quanh sợ địch xâm nhập, tiến sát cũng như để dễ quan sát! Pháo binh thì phải sạch cây cối... ngược lại thì địch quân luôn luôn ngụy trang, luôn luôn ẩn nấp, ngay cả pháo cũng đầy cành cây che phủ. Chiến xa cũng thế luôn được bao phủ như một cụm cây, không những vậy địch quân thay thế cây ngụy trang hàng ngày. Qua khai thác tù binh chúng tôi cũng thấy rằng địch quân khi tấn công vào căn cứ nào chúng đều có sơ đồ phòng thủ của căn cứ đó, các tên lính VC đều được phân công rõ ràng từng vị trí. Điều đó hoàn toàn trong khả năng của chúng, bởi chúng ta bố phòng ngay trước mắt chúng và những căn cứ đó có khi hàng năm không thay đổi vị trí bố phòng.

Ranh giới giữa hai bên được đánh dấu bằng một cổng chào cuả VC. Hoán chuyển được 2 ngày TĐ nhận lệnh triệt hạ cổng chào của bọn VC bằng mọi giá. TĐT họp tham mưu hành quân có sự tham gia của Chi Đội trưởng Thiết Giáp, có nhiệm vụ bắn hạ cổng chào sau khi pháo binh khai hỏa.

6 giờ sáng ngày Thứ Hai 19 Tháng Hai năm 1973, khi sương mù còn giăng phủ khắp núi đồi cao nguyên thì tiếng pháo 105 ly và 155 ly từ Thanh An ròn rã khai hỏa vào khu vực Cộng quân trên phần đất còn lại của làng Plei Rit. Đám cán binh lố nhố tìm chỗ ẩn nấp thì 4 chiếc M41 cùng chĩa pháo khai hỏa vào cái cổng chào. Một tên cán binh nhảy vô một chiếc thùng phuy cạnh đó để nấp nhưng chiếc M41 lại chĩa nòng vào hất tung cái thùng phuy và chú cán binh CS nọ lên trời. Có lẽ đây là cú chu du miền tiên cảnh ngoạn mục nhất mà tôi được chứng kiến trong đời, nhưng chẳng hiểu chú cán binh xấu số nọ có được về Niết Bàn hoặc Thiên Quốc hay lại đoàn tụ với Kart Marx, Lénin như “bác Hồ” của hắn.

Chưa tới nửa giờ sau, cộng quân bắt đầu pháo liên tục vào căn cứ chúng tôi, đủ mọi loại pháo cả 105 ly và 155 ly mà chúng chiếm được của ta cũng được mang ra trả đũa. Trước giờ mình chỉ dội những trái đạn này lên đầu Cộng quân nên mình chưa hiểu đúng giá trị súng đạn Mỹ quốc, giờ này chính mình hứng chịu mới cảm thấy hãi hùng. Mỗi trái đạn 155 ly rớt xuống là đất trời rung chuyển, hầm hố dập dềnh. Căn hầm của tôi lại là mục tiêu chính của cuộc pháo kích này vì có cột anten thật cao, bọn VC đã có tọa độ chính xác về căn hầm này nên khi chúng khai hỏa tôi lãnh ngay trái đầu tiên. Phước nhà còn lớn nên mảnh đạn chỉ chém ngang lưng tôi, sâu chừng hơn một phân dài chừng 5, 6 phân thôi, và vào phần thịt chứ không đụng xương hoặc gân. Hú vía, chỉ lệch thêm vài phân nữa hoặc sâu hơn một chút nữa là chính phủ tốn thêm một chiếc xe lăn, bởi chạm cột sống thì làm gì cặp giò còn xử dụng được nữa.

Đám lính vội vã băng bó cho tôi xong báo cáo qua TĐT, nhưng giờ này khói lửa mịt mù nên cũng đành chịu. Cũng chỉ chừng mười phút là A37, F5, Skyraider gầm rú trên bầu trời. Sau đó là trực thăng xuất hiện yểm trợ cho đám lính ĐĐ tràn qua vùng do chúng chiếm đóng. Cộng quân biết là bị thất thế nên tạm im tiếng súng rút lui mất dạng. Chúng tôi tiến gần tới trại Đức Cơ thì bị chặn và cũng có lệnh án binh và củng cố vị trí.Tại đèo Mang Yang

Tôi được tản thương về Quân Y Viện Quân Đoàn II ngay sau đó. Vết thương chỉ gây nhức nhối khó ngồi, khó đi lại nhưng không nguy hiểm gì. Tôi nhờ một anh y tá ra phố báo cho gia đình bà cô tôi biết. May mắn tôi gặp được anh y tá tốt bụng nhất định không lấy tiền xe, anh ta nói anh ta có xe Honda chiều nay về phố sẽ báo tin dùm tôi trước rồi mới về nhà. Tôi cám ơn anh ta và quả thật mới hơn 7 giờ tối cô chị nhỏ đã chở Huệ vô thăm. Cả 2 nước mắt nước mũi dàn dụa cứ như tôi sắp lìa đời tới nơi, tôi phải gắt lên trò gì thế họ mới chịu im. Tới chừng thấy vết thương tôi không có gì nguy hiểm cả hai lại bắt đầu ríu tít như chim non. Họ bày ra đủ thứ bánh trái rồi hỏi tôi còn cần gì nữa. Tôi nói không cần gì cả, chừng vài ba bữa nữa bớt đau tôi sẽ xin về nhà. Tôi chỉ cho Bích và Huệ mang những quà bánh phát lại cho các bạn cùng phòng. Ai nấy đều vui vẻ nói cười xin làm quen với 2 cô. Trại bịnh là khu ngoại thương là một căn nhà lớn một phần đầu dùng để cho các Sĩ Quan, phần còn lại là HSQ và binh sĩ. Ông Bác Sĩ phụ trách trại bịnh này biết rõ bà cô tôi và cũng biết tôi về nhà được săn sóc tốt hơn nên đồng ý cho tôi về. Khi nào cần thêm thuốc men thì tôi nói y tá Tiểu Đoàn lên gặp ổng lấy thêm, nhưng thực ra mấy vết thương của tôi thuộc loại ngoài da nên chẳng phải phiền tới ông ấy thêm.

Đó là lần bị thương duy nhất trong đời lính của tôi, nhờ vậy tôi được nghỉ nửa tháng nữa để đi chơi với mấy cô bạn nhỏ. Cũng may tôi về đúng ngay kỳ lương nên có tiền tiêu rủng rỉnh, chứ nhằm lúc hết tiền mới được về phố thì không gì chán hơn.

Hôm đó cảm thấy trong mình khỏe khoắn nên tôi tà tà đi phố một mình, Bích và Huệ thì đang đi học. Ma đưa lối quỷ dắt đường ra sao chẳng hiểu tôi lại ghé ngang Trường Minh Đức. Ngó đồng hồ còn mấy phút nữa là tan học, tôi đứng một bên cổng chờ. Chuông tan học vừa rung mấy tiếng, đám nữ sinh đã ùa ra như một bầy chim trắng, tôi đang lớ ngớ chưa nhìn thấy Bích và Huệ thì đã bị chụp tay rồi thì mấy cô la ầm ĩ,

- Đi đón nhỏ Huệ hả, sao nói anh bị thương mà có thấy gì đâu?

Tôi quay lại thì nguyên đám nhỏ bữa trước đi ăn chè. Mấy cô nữ sinh lớp lớn, cả mấy ông thày nữa thấy tôi chơi với đám gái nhỏ cũng thắc mắc hoặc tò mò. Nhìn mấy ánh mắt soi mói tôi bỗng nhiên cảm thấy khó chịu, kiểu này thì có lấy hết nước Biển Hồ Pleiku cũng khó rửa nổi cái tội “dụ dỗ con nít”. Nhưng cũng may đám nữ sinh Đệ Tứ A2 này bu càng lúc càng đông rồi tiếng Huệ ầm ĩ gọi. Tôi chạy lại với Huệ tưởng thoát nạn nhưng đám nữ này quyết không tha. Một cô lên tiếng,

- Đang đói bụng may quá gặp người hùng của nhỏ Huệ đây. Ê Huệ, mày nói hoàng tử của mày khao tụi tao chầu bánh bèo đi!

Các cô khác tới tấp hưởng ứng,

- Đúng rồi, giờ này đi ăn bánh bèo là hợp lý nhất. Chiều mình lại đi ăn chè, tao biết một quán ngon khó tả!

Cứ thế các cô vừa nhao nhao vừa xô đẩy tôi vô quán bánh bèo lúc nào chẳng hay.

Đây là căn nhà nằm khuất phía sau dãy phố, do một phụ nữ người Huế khoảng hơn 40 tuổi làm chủ. Bánh bèo mà do người Huế làm thì bảo đảm đúng tiêu chuẩn ăn uống, khỏi phải chê. Bà chủ luôn tay múc bột đổ vào chén xếp vào xửng hấp rồi lại lấy bánh đã chín ra phết mỡ hành, rắc tôm chấy xong đặt vào khay đưa ra mỗi khay 10 chén. Nước mắm pha sẵn trong các bình mỗi bình có một cái gáo nhỏ bằng một đốt trúc cắt thành, rặt kiểu nhà quê. Đám nữ sinh kéo theo khoảng hơn 30 cô ngồi kín cả quán. Có lẽ ít khi nào quán có dịp đông khách như vậy nên bà chủ luôn tay mới kịp tiếp đãi. Ấy vậy mà phải hơn 3 giờ chiều mới cung cấp xong bữa trưa cho những cặp môi ướt. Tính ra bữa đó bà chủ bán được hơn 300 chén bánh bèo còn khổ chủ là thằng tôi bay hết hơn 3 xấp. Chưa bằng tiền một chai Martel hoặc Hennessy lúc đó, nhưng với đám nữ sinh thì đó là một số tiền khá lớn nên khi thấy tôi thản nhiên móc bóp lấy tiền trả có cô còn giựt bóp để xem tôi còn bao nhiêu đến khi thấy tôi vẫn còn nhiều tiền mấy cô mới yên tâm.

Chiến sự càng lúc càng khốc liệt, trong thời gian tôi bị thương được nghỉ ở hậu cứ thì TĐ đụng trận liên miên, có cả những trận đụng trực tiếp với T54 nữa. Thương vong mỗi ngày một lớn nên một lần nữa TĐ lại được rút ra khỏi vùng chiến sự và sau đó về lại Dục Mỹ hấp tiếp. Cũng từ dạo đó đơn vị ít khi có dịp về lại Pleiku, nhất là tôi sau đó đổi qua LĐ24 BĐQ, rồi chôn chân ở Ban Mê Thuột rồi Quảng Đức và rồi tan hàng. Tôi không gặp lại Huệ cho tới...

Năm 1983 trong một lần tình cờ đến thăm cô Bảo, tôi gặp lại Huệ đang ngồi chơi với chị Bích. Sau vài giây phút bỡ ngỡ Huệ chạy tới ôm chầm lấy tôi như những người bạn thân lâu ngày gặp lại, giọng Huệ xúc động,

- Không ngờ lại được gặp lại anh! Rồi Huệ tíu tít. Lúc này anh có khỏe không?Trông anh đen và gầy hơn trước nhiều? Bây giờ anh đang làm gì?...

Tôi nhẹ nhàng gỡ tay Huệ ra rồi nói, “Để từ từ cho anh ngồi xuống đã rồi mới nói chuyện được chứ, ở ngoài nắng vô trong nhà tối hù chẳng thấy gì cả! Phải Huệ không? Bây giờ thành thiếu nữ rồi, em tôi xinh quá.”

Huệ vui vẻ, “Anh không nịnh em chứ?”

- Hoàn toàn không, hồi ở Pleiku trông em còn con nít nhưng đã khá xinh rồi, bây giờ thì… tôi nheo mắt cười với Huệ.

- Huệ mới nói chuyện với Bích về anh. Không dè nhắc tới anh là có anh liền, anh có thường ghé đây không?

- Cũng ít thôi, chỉ khi nào có dịp đi ngang qua thì ghé thăm cô Bảo thôi.

- Bích nói anh bị tù lâu lắm phải vậy không? Mấy năm vậy, anh về khi nào?Nhà anh gần đây không?

Lại một loạt câu hỏi chẳng cần câu trả lời, tuy vậy tôi cũng cố gắng trả lời từng câu,

- Anh bị tù như vậy là hơn 5 năm, chi li hơn thì gần 5 năm 2 tháng, ra tù hồi tháng Bảy năm 1980.

- Hồi đó sao không thấy anh ghé chơi nữa vậy?

- Hồi nào?

- Hồi ở Pleiku ấy, bộ anh sợ ghé rồi bọn này bắt chẹt anh nữa hả. Tụi bạn hồi đó bàn với em và Bích khi nào anh về kêu tụi nó tụi nó hùn lại đãi anh một chặp ăn gì cũng được, uống gì cũng được kể cả anh thích Hennessy hay Martel cũng đủ khả năng đãi anh. Nhưng chờ hoài chẳng thấy anh ghé, mấy lần em tính vô Biển Hồ kiếm anh mà sợ lũ bạn nó chọc nên lại thôi.

- Vài tháng sau Hiệp Định Paris tình hình bắt đầu xấu. Đơn vị anh là lực lượng chính của Vùng II nên chiến sự chỗ nào găng là tụi anh phải tăng cường, khi Kontum khi Pleiku. Rồi tháng Chín năm 74 thì đi Ban Mê Thuột rồi Quảng Đức. Sau cùng là tan hàng, đi tù… - Đi tù chắc khổ lắm anh nhỉ, giọng Huệ bùi ngùi, thỉnh thoảng gặp Bích em muốn hỏi thăm tin tức anh mà ngại quá! Nhưng em vẫn tin là anh không thể chết được! - Dựa vào cái gì mà em tin dữ vậy?

- Anh có cái tai to, dái tai lớn, nghe nói những người có tai Phật ai cũng thọ. Mẹ em cũng nói số anh không chết yểu đâu!

- Tai anh không phải là tai Phật đâu, nhưng không phải loại tai dơi tai chuột, nghĩa là không phải là bọn tiểu nhân, hèn nhát thế thôi. Muốn có lỗ tai Phật phải tu, còn không tu thì chẳng thành Phật được.

- Gớm, anh là dân Công Giáo chính nòi mà nói chuyện cứ như Đại Đức ấy.

- Thì trong tù những lúc rảnh rỗi anh em mang triết học ra thảo luận, nghe riết cũng thấm một chút. Cái gì hay thì mình học, đâu phải hễ Công Giáo thì không được đọc sách Phật đâu.

- Ngày trước ở Pleiku trong bộ đồ rằn ri, trông anh ngang tàng thế mà giờ này trở nên hiền lành ăn nói nhỏ nhẹ. Nhớ lúc trước anh nói chuyện nghe sôi nổi lắm, ai cũng nói anh là người hiếu động, đi BĐQ là phải.

Tôi hỏi Huệ, “Em vô Saigon khi nào, bây giờ làm gì, có gia đình chưa?”

Huệ sôi nổi trả lời, “Em chưa có ai cả anh à.”

- Ồ vậy hả? Năm nay Huệ cũng 24 tuổi rồi, chưa phải là ế, nhưng xinh gái như vậy thì phải gọi là muộn.

Tôi lại tiếp, “Chắc kén quá hả?”

- Không phải vậy đâu anh. Tiếng Huệ chậm rãi, nhẹ nhàng kể lại. May mà gia đình em quen với bên Không Quân nên di tản được hết không phải vất vả đi đường bộ như gia đình cô Bảo. Nhưng bao nhiêu đồ đạc, vốn liếng để lại hết. Mà hồi trước gia đình chỉ có như thế, chứ vàng dành dụm được thì lại không có bao nhiêu. Vốn liếng găm cứng luôn qua đồ đạc và nhà cửa, khi di tản có mang theo được gì đâu. Khi trở về thì nhà cửa tan hoang, vì bị chúng nó cậy lấy đi từ tấm tôn, cái kèo cái cửa, manh chiếu cũng không còn. Gia đình thằng bộ đội chiếm ngụ cũng phải căng tấm nylon che mưa che nắng.

- Khổ thật.

- Khi đó em đang học Đệ Nhị, di tản vô Saigon loạn lạc nên phải học thêm 2 năm nữa mới tốt nghiệp. Nhưng dù em tốt nghiệp cũng không vô Đại Học được, đành phải đi dạy mấy lớp Tiểu Học kiếm cơm qua ngày, hơn nữa để họ khỏi để ý. Nhưng rồi dạy học cũng chẳng đủ ăn mà lại quá vất vả nên mấy năm nay em nghỉ dạy rồi. Giờ thì em bán thuốc Tây cùng nghề với cô Bảo…

Một lần nữa Huệ lại nói, “Lúc này sao anh đen quá, lại gầy nữa không như hồi trước.” - Thì ở Saigon làm sao mà trắng như ở Pleiku được. Hơn nữa, anh phải bôn ba tối ngày ngoài đường chứ có phải dân làm văn phòng đâu mà trắng.

-Sao anh không đi vượt biên, ở lại làm gì cho khổ. Em biết có mấy tổ chức, nếu anh thích em giới thiệu cho.

- Cám ơn Huệ, mình bàn vấn đề này sau.

- Anh thay đổi quá, khác trước nhiều quá, cả tính tình nữa.

Tiếng chị Bích cất lên nhẹ nhàng,

- Thì bởi giờ này cậu ấy sắp có hai con rồi…

Dù chị Bích chỉ nói như vô tình nhưng tôi thoáng thấy Huệ giật mình,

- Bích nói gì cơ?

- Tớ nói cậu ấy có vợ rồi, sắp có hai con rồi đấy!

- Phải không anh? Huệ ngó tôi ngơ ngác.

Tôi gật đầu xác nhận. Giọng Huệ bỗng nhiên xa vắng,

- Nhiều khi Huệ không hiểu mình ra sao. Thỉnh thoảng nhớ đến anh, em thấy như có cái gì đó gần gũi thân thiết, nhưng rồi mình lại không dám làm bất kỳ cái gì, cũng không dám nhắc đến anh với bất kỳ ai nữa. Ngay khi di tản hồi năm 75, Huệ đã định hỏi Bích mấy lần để đến nhà hỏi thăm anh, vậy mà cứ lần lữa, lần lữa…

Giọng Huệ nhỏ dần, cặp mắt như vô định, và từ đó không nói thêm câu nào nữa. Tôi ngồi chơi thêm một lúc nữa rồi chào chị Bích, tôi đến bên Huệ nói nhỏ,

- Anh về nghe Huệ, hy vọng sẽ gặp lại Huệ.

Không nghe tiếng Huệ trả lời, tôi bước vội ra ngoài. Trời đã xế trưa, nắng gắt chói chang nhưng sao tôi thấy như có một khoảng đêm đen trong đáy lòng. Tôi còn quên một cái gì đó, mãi sau đi được một quãng đường tôi mới nhớ là tại sao không hỏi địa chỉ để đến thăm Huệ. Tôi muốn quay lại để hỏi, thế nhưng có một cái gì đó như chặn tôi lại và tôi như người mộng du cứ thế lái xe về nhà.

Một thời gian nữa trôi qua, tôi không nhớ là sau đó mấy năm, tôi gặp lại chị Bích và được thông báo Huệ đã đi vượt biên và được đi định cư rồi. Tôi cám ơn chị Bích và một lần nữa tôi lại quên không hỏi xem Huệ đang ở xứ sở nào. Tôi chỉ biết cái tin Huệ đã đi vượt biên và đã được định cư như một dấu chấm hết những gì liên quan đến câu chuyện “anh tiền tuyến, em hậu phương”.