Hồng HoangDương thượng TrúcMột chút kỷ niệm về mối duyên tao ngộ 40 năm trước tại Huấn Khu Dục Mỹ
Dương Thượng Trúc. - Vô …Vô... - Vô trăm phần trăm nhe, Thẩm quyền? - Ê! Bình khui thêm cho Tango đi mậy, thiếu bia tối nay ổng bắt cấm trại hết là thúi đời cô Lựu luôn đó nhe. - Dạ có liền đây! Mại vô! Mại vô! - Cô chủ Hồng Hoang đâu rồi, lấy thêm cho một kết bia, nước đá nữa nhe. - Dạ, em mang ra ngay đây mấy anh. Bàn tiệc ồn ào giữa những tiếng nói cười nói rộn rả, tiếng ly tách chạm nhau, hòa cùng điệu nhạc xập xình từ cái máy Akai đang mở hết công suất, tạo thành một chuỗi âm thanh vô cùng hỗn độn. Cô chủ quán xinh xắn từ sau quầy tính tiền, nghe gọi bước vội ra, lần lượt mang đặt trên bàn thêm mười hai chai la ve con cọp. - Nè cô chủ. - Dạ! - Ngồi xuống đây với tụi anh đi. - Hổng được, giờ này em đang bận mà. - Chán mớ đời, cô lúc nào cũng bận, bận. Vậy khi nào thì hổng bận. - Dạ… sáng sớm thì hổng bận gì hết trơn. - Trời ơi! Biết vậy tui ra đây từ sáng sớm rồi. - Ủa! Anh Bình ra đây từ sớm chi vậy? - Thì… để coi cô hổng bận….gì hết. Mọi người cùng cười ha hả. Huy đập tay xuống bàn rầm rầm, như thích thú với lối chơi chữ của Bình, trong khi cô chủ quán mặt đỏ bừng lên vì mắc cỡ, khi hiểu ra câu nói cắc cớ của người lính trẻ. Lân lên tiếng chữa thẹn cho cô gái: - Đừng ăn nói nham nhở với Hồng Hoang như vậy Bình. - Xin lỗi nhe cô chủ, đùa chút cho vui dzậy mà. - Ê Huy xích ra, cho cổ ngồi gần Tango đi mậy. Thằng hổng biết điều chút nào hết trơn hết trọi. - Có chừa ghế trống cho cổ nè. - Đây! Cô chủ ngồi đây đi. - Dạ! Thôi để em… em coi quán. - Từ sáng đến giờ, có thấy khách khứa gì đâu mà coi. “Mấy anh ngồi như vầy, ông cố nội ai dám vô nữa.” Hồng Hoang vừa e dè ngồi xuống cái ghế trống giữa Thu và Quang vừa nghĩ thầm: “Uống gì mà như rồng uống nước, mới sáng sớm mà năm ông đã làm hết gần hai kết rồi. Từ giờ đến chiều, hổng biết sẽ uống bao nhiêu nữa?” - Sao Hồng Hoang buồn quá vậy? Sợ tụi tui ghi sổ hả? - Dạ, đâu có. - Yên trí đi, hôm nay tụi này thanh toán sòng phẳng, mới lãnh lương nè, nợ cũ nợ mới trả luôn một lần. Vừa nói Lân vừa vỗ đồm độp vào túi quần. - Còn lỡ không đủ nữa, cô cứ níu áo ông Thu. Huy vừa cười ha hả vừa châm chọc. - Làm sao em dám níu áo anh Thu. - Sao lại không dám. - Chị Thu đâu có tha cho em. Quang nẫy giờ ngồi trầm ngâm đốt thuốc, như một triết gia, giờ cũng góp tiếng: - Chỗ của chị Thu còn bỏ trống. - Thật vậy không hở, anh Quang? - Một mảnh tình vắt vai nó còn chả có nữa, lấy đâu ra chị Thu để làm khó em. - Mấy ông thì chúa là hay che dấu cho nhau, em hổng tin đâu, với lại. - Với lại làm sao? - Em… với anh Thu có gì đâu. - Nè Hồng Hoang, con mắt tụi này là mắt cọp đó nghe chưa, chẳng những có thể nhìn xuyên ban đêm, mà còn nhìn thấu cả tim đen con người nữa đó. - Tim đen em ra sao, anh Bình nói nghe thử! Chuẩn Úy Bình cười toe toét: - Ai chứ Hồng Hoang thì anh chẳng cần nhìn vào tim, cũng biết rất rõ - Sao dzậy? - Vì đôi mắt của em đã nói lên hết rồi. - Anh Bình chỉ suy luận vẩn vơ. - Vẩn vơ hả? Chứ hổng phải hàng ngày có người vẫn ra đứng tựa cửa ngóng trông một bóng hình, rồi thầm than thở: Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ, Nhớ ai mong ngóng từng giờ, từng giây *…à! - Anh Bình kỳ quá hà. Hồng Hoang cười lỏn lẻn, đôi má ánh lên nét hồng tươi, khiến cô càng thêm xinh xắn. Dù cô vẫn chối bai bải sự gán ghép của mấy người bạn cho cô với Thu, nhưng thật ra, những chăm sóc đặc biệt cô dành cho anh kể từ lần đầu tiên bọn anh kéo đến cái quán Hồng Hoang này, chẳng che dấu được ai. Thu không phải là một thanh niên đẹp trai, nhưng có vẻ mặt cương nghị, dáng dong dỏng cao, phảng phất nét nghệ sĩ hơn là một anh lính rừng, với con cọp nhe mười ba nanh trên vai áo. Và cô vẫn thích được nghe những lời đùa cợt ấy, dẫu cô cũng biết rằng vương mang sẽ thêm buồn khổ, vì đơn vị anh đồn trú tận Pleiku, chỉ về đây học bổ túc trong một thời gian ngắn, rồi lại như những cánh chim tung bay về một phương trời xa lạ. Nhưng biết làm sao, con tim có lý lẽ riêng của nó, chẳng thể nào phân tích hay cản ngăn được. Nhất là những buổi chiều, quán vắng vẻ, anh ngồi một mình trầm ngâm bên chai bia, nhả khói thuốc thành những vòng tròn liên tiếp đuổi nhau, cái sau chồng lên cái trước, khiến Hồng ngồi chiêm ngưỡng đến lặng người. Từ khi Tánh, người bạn học, rồi trở thành người yêu của cô tử trận cách nay hơn hai năm, tâm hồn cô hình như không còn sự rung động nào trước người khác phái. Trong khi Dục Mỹ là một Huấn Khu, tiếp nhận rất nhiều đơn vị, về học bổ túc có, Rừng Núi Sình Lầy có, Viễn Thám có, và cả Trường Pháo Binh nữa… Sau khi học hết trung học, cô được cha mẹ giao cho cái quán nước này, để làm kế sinh nhai và cũng giúp cô nguôi ngoai phiền muộn. Một môi trường thật tốt để cô tiếp xúc với nhiều trang anh hùng mã thượng. Vậy mà lòng cô vẫn dửng dưng, nguội lạnh. Cho đến một buổi chiều cuối đông, mưa bay lất phất, cách nay hơn một tháng, lần đầu tiên anh bước vào quán một mình, gọi chai bia 33, và gói thuốc Pallmall. Nhân duyên nào đã đưa anh đến đây, trong khi quán của cô không nằm ngay ngoài mặt chợ, mà khuất sâu trong con hẻm nhỏ. Dáng dấp phong trần, với cái Bê Rê Nâu nhét trên cầu vai, bộ đồ bông bạc phếch, hai bông mai đen nhỏ xíu, gắn nơi nắp túi áo, anh xuống xe, chưa kịp bước vào trong quán, Hồng Hoang đã chạy vội ra, hối hả nói: - Anh ơi! Anh …Ủa! Xin lỗi Trung úy, Trung úy làm ơn đậu xe sát vào lề giùm em một chút để bà con khỏi phàn nàn. Anh lẳng lặng quay ra làm theo lời yêu cầu của cô, và rồi khi vào quán cũng lẳng lặng ngồi trầm ngâm nhả khói, ánh mắt buồn xa vắng. Cho đến khi có mấy người bạn ồn ào kéo đến tìm anh. - Thằng Thu này đi ăn mảnh há! - Ông Thu tài thiệt, kiếm ra cái cõi thiên thai này hết xẩy luôn. - Trời ơi! Cô chủ quán xinh xắn thế này, hèn chi ông Thu không giấu biệt anh em, đến đây ngồi một mình. Anh vẫn ngồi lặng thinh trước sự chọc ghẹo ồn ào của các bạn vừa xồng xộc kéo vào. Mỗi người góp một tiếng, làm cái quán đang vắng ngắt bỗng trở nên nhộn nhịp, xôn xao. Và cũng từ đó, ít nhất mỗi ngày một lần, anh đến đây, vẫn chỉ trầm ngâm, lặng lẽ chứ không ồn ào như các bạn. Hình ảnh và phong cách của anh, tự lúc nào, đã như một ngọn lửa hồng, nhen nhúm lại hơi ấm trong trái tim lạnh lẽo của cô chủ quán xinh xắn, có mái tóc dài mượt mà, dáng người thanh thanh và đôi mắt buồn vời vợi. Những ngày anh đến muộn, cô vào ngóng ra trông. Bứt rứt khó chịu, cho đến khi thấy chiếc xe Jeep của anh đậu sát vào cửa quán, như muốn khóa chặt cánh cửa trái tim cô, để không còn ai có thể bước vào được nữa. Có những giấc ngủ chập chờn, bóng dáng anh lãng đãng bên cô, và mặc nhiên cô chấp nhận như điều gì đó rất gần gũi, thân thương. Dẫu rằng, anh chưa một lần bầy tỏ tình cảm với cô, nhưng sự hiện diện của anh hàng ngày, có khi ngày hai ba lần, cùng ánh mắt ấy và với giác quan nhạy bén của người phụ nữ, Hồng Hoang biết rằng hình ảnh của cô đã ngự trị trong trái tim anh. - Sao ngồi êm re vậy cô chủ? Có tâm sự hả? Tiếng Quang chợt vang lên, khiến Hồng Hoang bàng hoàng ra khỏi những suy nghĩ mông lung: - Dạ! Đâu có. - Đang thả hồn đi hoang chăng? - Hồng Hoang vào tắt Akai đi, mình nói chuyện cho nó thoải mái. Lân đề nghị, Quang chen vào tán đồng: - Đúng đó tắt máy đi, nếu muốn nghe nhạc, thì bắt thằng Thu trổ tài cho cô chủ say đắm chơi! - Anh Thu hát hay lắm hả, anh Quang? - Một lát cô sẽ biết, đi tắt máy đi. Hồng Hoang đứng dậy bước vào buồng trong, một lát sau tiếng nhạc im bặt. Không gian chùng hẳn xuống. Cô bước trở ra chỗ bàn nhậu, với cây guitar trên tay. Một tràng pháo tay nổi lên: - Ở đâu mà Hồng Hoang có sẵn đàn vậy? - Vậy mà dấu nghề từ nào giờ há! Giọng Hồng Hoang thoáng nét buồn: - Cây đàn này là kỷ vật của một người bạn… - Kỷ vật? Sao giống kỷ vật… cho em quá há? Chìa cây đàn về hướng Thu, cô nói như có nụ cười trong ánh mắt: - Một lát em sẽ giải thích cho các anh nghe. Bây giờ thì em sẵn sàng rửa tai để được thưởng thức giọng hát của anh Thu. Đỡ cây guitar trên tay Hồng Hoang, Thu nhũn nhặn trả lời: - Cô mà nghe mấy thằng cha này có ngày bán cả lúa giống đấy. - Thôi đừng dấu nghề nữa Tango. Nào vô trăm phần trăm rồi tất cả im lặng thưởng thức nhe. - Vô trăm phần trăm… - Vô… cạn ly… Đặt ly bia xuống, Quang bắt đầu cà kê dê ngỗng, trong khi Thu so lại dây đàn: -Hồng Hoang biết không, mới mấy tháng trước đây thôi. Sau khi Tiểu Đoàn đi giải tỏa Bồng Sơn, Tam Quan về. Có tổ chức đêm văn nghệ, với một số anh chị em nghệ sĩ từ Saigon ra phối hợp cùng Tiểu Đoàn Hai Mươi Chiến Tranh Chính Trị. Thu lên hát, nó là người được vỗ tay tán thưởng nhiều nhất đó. - Mày chỉ được cái nhiều chuyện -Thu ngắt bạn - Vỗ tay nhiều bởi vì khán giả toàn là lính trong đơn vị, và các chị em của trại gia binh nên gà nhà cổ vũ cho nhau thôi! - Thì mày cứ hát cho Hồng Hoang nghe đi, rồi không chừng hôm nay cô ấy sẽ giải thích cho chúng ta biết tại sao cô đặt tên cái quán nghe rất lạ vậy. - Đúng đó, đúng đó. Hát đi Tango, ai cũng muốn nghe Tango hát và muốn biết về sự tích quán Hồng Hoang. - Hỏi bao nhiêu lần rồi, mà cổ chỉ lặng thinh, lần này chắc cổ sẽ cho chúng mình biết đó. Cả nhóm bạn cùng lên tiếng cổ vũ, khuyến khích Thu. Anh liếc nhìn sang cô, hai ánh mắt giao nhau như có một sự đồng cảm nào đó, Hồng Hoang nhỏ nhẹ: - Vâng, nếu anh Thu bằng lòng hát, em sẽ nói ra nguyên do khiến em đặt tên cái quán này là Hồng Hoang. Lại một tràng âm thanh ồn ào vang lên: - Vô, vô… vô liền Tango. - Biểu lẹ giùm mà hổng chịu lẹ giùm, mắc cỡ gì mà hổng chịu lẹ giùm…lẹ giùm cái mà lẹ giùm… lẹ giùm… Thu nâng ly bia sủi bọt, nốc một hơi cạn tới đáy. Anh rải nhẹ vài nốt trong hợp âm rê thứ, tiếng đàn buồn da diết, cả không gian chìm trong tĩnh lặng, ngoài trời những giọt mưa Xuân bay lất phất tạo nên một khung cảnh vừa lãng mạn vừa ray rứt lòng người.
- ...Hôm nay, trời Xuân bao tươi thắm, Những âm thanh dìu dặt chậm buồn của tiếng đàn guitar, những lời nhạc chải chuốt như thơ, quyện vào tiếng hát trầm ấm của Thu như đưa hồn người trở về một cõi mơ hồ nào đó rất xa xôi. Dường như Thu không hát, mà là anh thở than những cung bậc u uẩn từ điểm tận cùng của trái tim đang rướm máu. Hình ảnh quá khứ chập chờn ẩn hiện: Sau bao tháng năm, lê mòn gót giày shaut trên vùng cao nguyên đất đỏ. Anh háo hức về phép vào một buổi chiều đầu Xuân năm nào. Muốn dành một sự ngạc nhiên, bất ngờ cho người yêu, nên anh chẳng thông báo tin vui này với Vân. Người con gái mà anh đã dành trọn sự yêu thương của mối tình học trò. Trên chuyến bay Pleiku-Saigon hôm ấy, anh dệt biết bao mộng đẹp. Nào là ngày mai sẽ đưa nàng về chính thức ra mắt bố mẹ. Nào là hai đứa sẽ đi chọn những món quà tết ý nghĩa nhất để anh đem đến gia đình Vân. Nào là sẽ đưa cô đi thăm viếng bạn bè, những thằng may mắn vẫn được tiếp tục con đường học vấn, hay đã tốt nghiệp đi làm, mà còn ở Saigon. Rồi hai đứa sẽ có những ngày rong chơi đón Xuân giữa kinh thành hoa lệ, tay trong tay dạo chợ hoa Nguyễn Huệ, để thấy mình hạnh phúc xiết bao, khi các đồng đội vẫn phải ngày đêm căng mắt ra theo dõi những hành vi của kẻ thù, dù là chúng đã bằng lòng cam kết ngưng bắn. Nào ngờ… Khi về đến Saigon, một sự bất ngờ đến sững sốt lại dành cho anh: Thủy em gái anh, cũng là bạn học của Vân, nhận được hồng thiệp báo tin cô lấy chồng đã mấy tháng nay, nhưng dấu anh, vì không muốn anh buồn. Thu lặng lẽ đếm bước chân cô đơn trên con đường thân quen, có những hàng rào hoa giấy rực rỡ, mà hai đứa thường dìu nhau đi. Ôi! Biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, ngọt ngào bỗng chốc vụt bay xa. Nhưng hình ảnh người yêu bé nhỏ, rụt rè như chú thỏ con vẫn lãng đãng, chập chờn theo từng cơn gió nhè nhẹ đong đưa những cánh hoa tơi tả trong mưa xuân lất phất. “…Những hẹn thề, những yêu thương sao mau tan như hạt mưa xuân li ti rơi trên phiến lá…” Anh đi mải miết, lê bước chân âm thầm như một kẻ mộng du. Hôm sau anh trở lại với núi rừng đất đỏ, để vùi chôn kỷ niệm cũ trong những ly bia sủi bọt, cùng những hơi thuốc đắng nghét bờ môi, khi trời về sáng.
“…Cô láng giềng ơi!
Những âm thanh trầm buồn đã chấm dứt tự bao giờ, tiếng đàn cũng đã lặng xuống, mà tất cả sáu con người vẫn ngồi yên tựa những pho tượng. Như thể đang dõi theo bước chân người lữ khách, lặng lẽ rời bỏ chốn yêu thương, rời bỏ một cuộc tình thơ mộng để đi vào nơi sương gió.
Quang lên tiếng nhè nhẹ, phá tan bầu không khí lặng lẽ, buồn bã ấy:
- Hồng Hoang đang khóc hả?
- Dạ, đâu có đâu!
- Còn chối nữa, hai mắt đỏ hoe hết rồi kìa…
Hồng Hoang cúi mặt xuống, không biết vì xấu hổ, hay vì muốn che giấu những giọt lệ đang long lanh trên khóe mắt. Cô vụt đứng dậy, chạy vào nhà trong, bỏ lại sau lưng những lời bàn tán xầm xì của mấy người lính trẻ:
- Mày làm Hồng Hoang khóc sướt mướt rồi kìa Thu.
- Tui nghe còn muốn khóc nữa đây, nói gì phụ nữ.
- Tango hát chi bài ấy, buồn thấy mẹ đi.
Hồng Hoang trở lại chỗ bàn nhậu, gương mặt đã lấy lại vẻ tươi tắn.
- Anh Thu hát hay quá, y như ca sĩ chính hiệu!
- Cám ơn! Hồng Hoang đã khen tặng quá lời rồi.
- Dường như đó là nỗi lòng của anh, nên anh đã đặt hết tâm hồn vào, khiến người nghe khó ngăn được xót xa.
- Xin lỗi Hồng Hoang, nếu bài hát đã khiến cô không vui. Nhưng biết sao được, khi tôi chỉ thích hát những ca khúc buồn.
- Có sao đâu anh Thu, chính những bản nhạc buồn như thế mới dễ đi vào lòng người.
- Vậy thì bây giờ đến phiên cô phải thực hiện lời hứa, đó nhe!
- Dạ, em tên thật là Thu Hồng, Phạm Thị Thu Hồng.
- Hèn chi. Ủa! Sao lại là Hồng Hoang mà không là Thu Hồng?
- Thằng Bình này, chỉ đưọc cái láu táu, để cho Hồng Hoang kể - Lân lên tiếng.
- Nguyên do là… Em có một người bạn học cùng lớp, từ những ngày thơ ấu, chúng em đã chia sẻ với nhau biết bao kỷ niệm buồn vui của cuộc đời học sinh…
- Sau đó trở thành người yêu?
Bình lại chen vào, Hồng Hoang e thẹn gật nhẹ đầu xác nhận:
- Thằng Bình này im đi cho Hồng Hoang nói tiếp nào.
- Cách nay hơn ba năm, sau khi hết trung học, em nghỉ ở nhà phụ mẹ coi quán cà phê này, còn anh Tánh nhập ngũ, và cũng tình nguyện về Biệt Động Quân. Suốt thời gian gần một năm trời anh Tánh thụ huấn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, tụi em đã kiểm chứng lại lòng mình, và thấy rằng tình cảm của chúng em không còn giới hạn ở tình bạn nữa.
Cho đến khi anh Tánh về đây học Rừng Núi Sình Lầy, thì chúng em đã chính thức yêu nhau. Thời gian bên nhau thật ngắn ngủi với mấy ngày phép sau khi anh ấy mãn khóa. Và rồi anh ra Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân ở vùng Một.
Đêm chia tay, anh còn nhắn nhủ lại:
- Em đừng buồn, sau khi ra đơn vị, anh sẽ làm đơn xin phép để về thành hôn với em. Anh sẽ làm chủ đóa Hoa Hồng xinh đẹp này, chứ không để em là cánh hồng hoang dại đâu.
Những điều nay thì cha mẹ hai bên cũng đã biết rõ ràng, vì chúng em rất trong sáng. Chưa đầy một một tháng sau, anh ấy trở về thật. Nhưng hỡi ơi! Anh trở về trong chiếc Poncho! Mắt Hồng Hoang long lanh ngấn lệ, giọng nghẹn ngào tắt lịm.
Mọi người đều im lặng như để chia sẻ với cô những mất mát lớn lao đó. Và cũng đã hiểu được rằng tại sao cô đặt cho quán cà phê này một cái tên nghe thật lạ: Hồng Hoang. Hẳn cô nghĩ rằng khi người yêu đã khuất bóng, thì cô vẫn nguyện làm đóa hồng hoang dại để trọn nghĩa thủy chung, vẹn lời thệ ước.
Lại cũng Quang lên tiếng, xua tan đi cái không khí ngột ngạt ấy:
- Chuyện xảy ra cũng đã lâu rồi, Hồng Hoang không nên buồn nữa… Đời trai trong thời lửa đạn mà:
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. ***
- Em cũng muốn quên, nhưng hổng có quên được.
- Thôi đừng nói chuyện đó nữa, buồn thấy mẹ luôn.
- Ừa! Vô, vô, nói chuyện khác đi.
- Vô…vô...
Bàn tiệc lại nhanh chóng trở nên ồn ào náo nhiệt, vẫn với tiếng Bình:
- Tên quán thì không cần phải sửa, nhưng từ nay anh em chúng ta không nên gọi cổ là Hồng Hoang nữa.
- Đúng rồi, chỉ gọi tên Hồng thôi, chứ hổng có Hoang nữa, vì có thể hoa Hồng sắp có chủ.
- Ai vậy há?
- Còn ai trồng khoai đất này?
- Bây giờ sẽ là đóa Hồng của mùa Thu.
- Thằng Bình nào hồi giờ nói năng xà bát, chỉ có bữa nay là được nhất.
Hồng cười e thẹn:
- Các anh cứ phá em hoài.
- Để coi, đóa hồng của mùa Thu… hay, hay lắm…
Mùa Thu đến, cành Hồng khoe sắc thắm,
- Hay quá! Không ngờ anh Quang xuất khẩu thành thơ nhanh và hay vậy.
- Ông Quang còn nhiều tài lắm, cô Hồng chưa biết đó thôi!
Có tiếng xe thắng gấp ngay ngoài cửa quán, Thượng sĩ Cấn thường vụ đại đội bước vào, đứng nghiêm chào mọi người, nói hối hả:
- Mời Trung úy và quý vị về gấp có lịnh mới!
- Ủa sao không gọi máy, mà anh phải chạy ra tận đây vậy?
- Trời ơi! Gọi muốn bể cả ống liên hợp, các ông có nghe đâu.
- Thôi được rồi, nhưng lịnh gì vậy?
- Dạ tui hổng biết, trong vòng một tiếng đồng hồ nữa có cuộc họp toàn tiểu đoàn.
- Gấp dữ vậy sao, mà anh có nghe chuyện gì hôn?
- Dạ, tui nghe hình như Tiểu đoàn phải về Pleiku liền.
- Ông có nghe lộn hông vậy, mình học bổ túc chưa đủ thời gian mà.
- Tui cũng hổng rõ nữa, nhưng Đại úy trưởng ban ba điện thoại xuống nói họp gấp. Chạy tìm mấy ông muốn hụt hơi luôn, nhậu gì mà vô tận cái quán trong hóc bà tó này hổng biết nữa.
- Ê! Hổng phải hóc bà tó đâu nhe, động hoa vàng của Tango đó.
- Bình! Đừng có nói tầm xàm, thôi anh Cấn về trước đi, tụi tui về liền.
Thượng sĩ Cấn giơ tay chào rồi quay gót. Những ly bia còn lại trên bàn, được giải quyết một cách nhanh chóng, gọn ghẽ, như khi đơn vị xung phong tiến chiếm mục tiêu.
Mọi người cũng hối hả ra xe sau khi đã thanh toán tiền bạc, Bình vẫn không quên thói đùa cợt:
- Tụi tui trả tiền hết, những chai bia chưa khui để dành đó, chiều nay mà còn ở lại, sẽ ra uống tiếp, nếu như đi rồi, thì cho Hồng mắc nợ đó nhe.
- Dạ em sẽ giữ lại, nhưng bao giờ các anh trở lại?
Câu hỏi dường như không phải để đáp lời Bình mà dành riêng cho Thu. Ánh mắt Hồng buồn thăm thẳm, nhìn Thu như chờ đợi:
“-Nói đi anh… hãy nói với em một điều gì đó, trước giờ ly biệt, kẻo mai này.”
Đợi cho các bạn đã ra hết bên ngoài, mà dường như họ cố tình kéo nhau ra một lượt, hầu dành cho hai người ít phút riêng tư. Bên quầy rượu, Thu cầm tay Hồng, bóp nhè nhẹ, như truyền cho cô những tín hiệu của một trái tim đang rạo rực, anh nói khẽ như thì thầm:
- Anh sẽ trở lại với em ngay, đừng buồn nhé Hồng!
Cô chớp chớp đôi mắt, ngả đầu lên vai Thu, những giòng lệ lăn nhẹ trên gò má mịn màng, cô đang khóc, không hiểu cô khóc vì hạnh phúc sung sướng hay vì đau buồn cho cảnh sinh ly.
- Vâng em sẽ chờ anh!
Thu hôn nhẹ lên vầng trán Hồng và vội vã quay gót. Anh biết mình sẽ không cầm lòng được, nếu còn đứng lại đó thêm vài ba giây nữa. Và chắc anh cũng sẽ khóc. Chỉ mới biết nhau hơn một tháng, nhưng cử chỉ dịu dàng và nét mặt u uất của Hồng dường như đã in sâu vào tâm trí anh. Có những đêm chập chờn gối mộng, hình ảnh cô luôn hiện diện, với những ngọt ngào, âu yếm mà khi tỉnh giấc, anh còn thấy tiếc nuối.
Chưa hề nói với nhau một lời hẹn thề, chưa hề trao nhau một câu yêu thương, mà dường như đã trăm năm ước nguyện. Thế mà nay đành chia lìa, hỏi lòng nào không xót xa, thổn thức.
Hồng đưa anh ra đến cửa, khi Quang đang trở đầu xe, cô đứng lặng nhìn chiếc xe jeep khuất dần trong làn mưa Xuân hiu hắt, mang theo bóng hình người chiến binh đã làm hồi sinh trái tim cô, vốn băng giá tự bao năm qua:
- Anh Thu ơi! Em sẽ chờ anh trở lại, dù hôm nay hay bất cứ lúc nào.
Hồng gục đầu bên cánh cửa thổn thức, mặc cho dòng lệ tiếp tục lăn dài, hòa cùng những hạt mưa Xuân tí tách bên thềm, như một cung nhạc buồn, đưa tiễn người cô yêu thương đi vào miền gió cát.
Thủy Gia Trang - Những ngày Vào Xuân
* Thơ tác giả. |