Menu
Menu

Ngược Dòng

Đồi Bắc


Trên đoạn đường từ Kon Tum, Plei ku, Phú Bổn xuống Tuy Hòa. Tôi, thuộc đơn vị đầu tiên của Biệt Động Quân, dẫn đầu toàn bộ lực lượng của Quân Khu II xuống tới sông Ba. Tôi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm của những người chạy loạn hốt hoảng, vì mọi người đều bỏ làng xóm sau lưng. Thực tế họ không biết chạy đi đâu, chạy để làm gì. Mời các bạn cùng đọc câu chuyện của 3 mẹ con Diễm, để chia sẻ những đắng cay của cuộc di tản đầy nước mắt này…

Sau hai ngày nằm tại trường tiểu học Hiếu Xương, tỉnh Bình Định, tiểu đoàn Hoàng được lệnh đóng quân tại một trại cũ của Đại Hàn, gần đèo Cả. Nhìn từ bên ngoài, trại không to lớn gì, nhưng vào trong lại rộng rãi. Những vị trí phòng thủ được tổ chức rất kỹ lưỡng. Nhiều vị trí có sẵn cả nơi ăn, chỗ ngủ với những sạp đóng bằng gỗ thật tiện nghi. Hoàng chọn một chỗ có ba sạp gỗ nằm, bên cạnh một lô cốt cho truyền tin.

Kể từ ngày Hoàng nói chuyện với Dung tại quán cà phê trên Kon Tum, Hoàng vẫn ân hận không thể nói ra những điều Hoàng biết về cuộc di tản, sẽ xảy ra mấy ngày sau. Kể từ hôm đó, mỗi khi rảnh, dù đóng quân chỗ nào, Hoàng cũng ra gần đường quốc lộ, khi thì nằm dài trên tảng đá lớn, lúc cột võng bên bụi cây, lơ đãng nhìn theo những chiếc xe, nhiều khi từng đoàn, nhiều khi chỉ một chiếc đơn độc. Chiếc nào cũng đầy ắp người. Nhiều lần Hoàng cho chặn một chiếc Dodge đầy người và lại cho đi ngay khi biết họ từ ngoài Quảng Ngãi vào, không phải từ Kon Tum xuống. Niềm hy vọng gặp lại Dung hay được chút tin tức gì của Dung mất dần theo đoàn xe thưa thớt. Liên tỉnh lộ 7b

Hoàng tự an ủi, thật ra, nói về tình cảm, mình không có lỗi gì. Từ ngày quen nhau, chẳng ai hứa hẹn gì, có chăng chút tình cảm hơn những người khách thường hay tới quán, dù Hoàng là người ít tới lui nhất, và đóng quân thật xa trên núi. Hoàng cũng cảm thấy chẳng có trách nhiệm gì với gia đình Dung. Nhưng khi nghĩ về Dung, Hoàng không quên được cặp mắt long lanh, đầy nước mắt khi gặp Dung lần chót. Hoàng biết mình nói dối Dung ngay lúc cần nói thật, vì nhiệm vụ hơn vì tình cảm. Hoàng không thể nào tiết lộ bí mật cuộc chuyển quân mà Hoàng vừa họp về. Lệnh bỏ Kontum không biết ngày nào trở lại, khác những lần giã từ trước, như vết dao cắt vào thớ thịt Hoàng. Hoàng đã từ giã không biết bao nhiêu cô bạn gái dọc theo đường hành quân nhưng lần này, Hoàng linh cảm, tình thế khác hẳn. Bao nhiêu lần với mấy cô gái khác, Hoàng cũng quen, cũng hứa hẹn, cũng hy vọng, cũng đợi chờ, và cũng chẳng tới nơi, tới chốn. Mỗi người vẫn một ngã đường, không cô nào có thể chờ đợi Hoàng vì con gái như cánh hoa, xuân sắc chỉ một thời. Thật đúng như lá thư, dài 4 trang, của một cô bạn gái ở Bảo Lộc, một thời yêu da diết, đã thẳng thắn viết cho Hoàng trước khi lấy chồng.

“Em không chờ anh được. Làm sao có thể chờ khi anh đi ngày này sang ngày khác, chỗ nọ nối tiếp chỗ kia, như chim trời cá nước. Em đành mang tiếng lừa dối. Đừng trách em, ngày nào đó, anh sẽ hiểu.“ Không phải chờ tới ngày nào đó, Hoàng hiểu ngay, khẽ nói một mình với người đã viết thư, “Em nói đúng. Con gái chỉ có một thời.“

Lần này, nấn ná tới phút chót, sau khi cho Dung mấy chục lít xăng, Hoàng dặn hờ,

- “Em nhớ nhé, nếu ba em cần xăng, cứ vào hậu trạm tiểu đoàn, anh đã dặn lính rồi.“

Dung, rất mẫn cảm, chắc cũng đoán một phần nào chuyện Hoàng muốn nói. Dung biết tiền cứ tiểu đoàn rất rõ, vì đã mấy lần theo Hoàng về chiếc chòi nhỏ, nằm trên chiếc ghế bố, nhiều khi ăn cơm với Hoàng. Dung thường nói đùa,

- “Đời lính các anh thật khổ. Em cứ tưởng chỉ có gia đình em khổ, nhưng nhìn thấy các anh sống như thế này, em chẳng có gì để ca thán cả.“

Mỗi lần Dung vào với Hoàng, cô bé lăng xăng phụ nấu cơm, nấu canh. Dung nói,

- Chịu khó ăn nghe, em nấu ăn dở lắm,

- Thức ăn không có, em khéo nấu lắm rồi. Anh chỉ mong bữa nào cũng như bữa này. Hoàng cười.

Khi Dung hỏi lại “như thế này“ là sao, thì Hoàng biết mình đang bị hỏi vặn. Hoàng nói cho vừa lòng Dung,

- Nghĩa là có em nấu dùm.

- Thôi không dám đâu, em sợ lắm. Dung nguýt Hoàng.

Nói xong Dung lại tư lự, vì cô gái ở tuổi mới yêu, nhiều tình cảm, vui đó, buồn đó. Sau bữa ăn, Dung thường nằm trên chiếc ghế bố, thủ thỉ nói đủ thứ chuyện. Hoàng không bao giờ giữ Dung lại,

- Thôi anh đưa em về, quán cà phê mà thiếu em, khách quen không tới.

Tính tới hôm nay, đúng 8 ngày, Hoàng bỏ KonTum, bỏ bàn tay ấm áp, trắng muốt như đang cố giữ Hoàng ở lại, trong lần từ giã sau cùng. Giờ này, không còn nữa, quyển sách đã sang trang, nhiều việc thay đổi hẳn. Ai có ngờ, giờ này Hoàng ở đây, ngong ngóng nhìn đoàn xe ngược xuôi, vô tình, tàn nhẫn. Mỗi ngày qua, một ngày mất mát, Hoàng hết hy vọng, rồi tuyệt vọng. Mặc dù Hoàng biết mình chẳng làm gì giúp được Dung, nhưng vẫn thấy canh cánh bên lòng, nỗi ân hận.

Chiều nay, Hoàng lại nhìn về hướng quốc lộ, đợi chờ. Tiểu đoàn đóng quân ngay vùng biển lặng. Hằng ngày lính quá giang xe xuống làng chài lưới Đại Lãnh, dưới chân đèo Cả, chờ ghe cá mới về. Mua như vậy bao giờ cũng rẻ hơn trong chợ, mà được cá tươi. Ở đâu cũng vậy, Hoàng hay lái xe một vòng cho biết khu vực đóng quân, nhiều khi nói chuyện với mấy người dân địa phương để biết một chút về dân chúng, tình hình, những tin tức tưởng như vô bổ mà nhiều khi cần thiết cho đơn vị. Hoàng biết được, ngay cạnh tiểu đoàn có một hồ nước ngọt thật lớn, nhiều người thả câu cả ban ngày và ban đêm, tới một hai giờ sáng mới về. Về đêm, mặt hồ bốc hơi lành lạnh, thấp thoáng mấy chiếc thuyền có những chiếc đèn bão treo lủng lẳng trước mũi. Nhiều chiếc chỉ có một người, cặm cụi thả câu.

Nhìn những chiếc thuyền nằm im trên mặt nước, Hoàng tự hỏi, không biết những người đang nhẫn nại theo chiếc cần câu, đang nghĩ gì. Đối với họ, những đoàn xe nối đuôi nhau ngày này sang ngày khác, có lẽ chẳng làm bận tâm vì đã quá quen rồi. Từ ngày cha sinh, mẹ đẻ, họ lớn lên tại vùng này, quanh quẩn bên chiếc hồ, kiếm sống. Bữa nào được nhiều cá thì họ vui vẻ. Chiều về, tấp vào bờ, họ cùng vài người ngồi nhâm nhi vài ly rượu, nói chuyện trời đất, nắng mưa.

Hoàng đã mấy lần thấy họ ngồi ngay bên chòi canh của lính nói cười hỉ hả, khi trời về chiều, lúc lính đã rút vào phòng thủ. Tuyệt nhiên, họ không bao giờ nói tới chiến tranh, tới súng đạn. Đối với họ, chính quyền nào cũng vậy, chẳng làm họ nghèo hơn và chắc chắn không làm cho họ giàu hơn. Nhiều lần, Hoàng thử nói chuyện với họ. Họ luôn tự nhận là người Quốc Gia, và căm ghét Cộng Sản. Nhiều người vui miệng kể, từ đời ông đời cha, họ quá biết thế nào là Cộng Sản, nhưng họ không có gì để lựa chọn, đi hay ở, chạy vào hay chạy ra, vì vẫn mình trần thân trụi như họ vẫn tự nhận khi nói về mình.

Khi tiếp xúc với Hoàng, họ cũng lễ phép, cũng gọi Hoàng theo cấp bậc. Nhiều khi vui, họ mời Hoàng

-Trung úy, làm một ly nghe.

Hoàng luôn từ chối, vì có cuộc rượu nào mà chẳng bắt đầu bằng “làm một ly“. Hoàng để ý, khoảng 4 giờ chiều, các ghe câu cập bến, vợ con họ sẽ mang cơm tới, mang mớ cá câu được về, chạy thẳng ra chợ mua gạo, mắm mang về nhà, lo bữa cơm cho con cái. Cho tới thật khuya, chồng họ mới thả câu về. Những người bạn câu sau khi xong việc ở lại, quây quần bên mấy ghềnh đá cạnh đường, ăn cơm chiều, và lại “làm một ly“. Xẫm tối khi không còn thấy mặt người, họ lại lên những chiếc ghe tản ra khắp hồ. Cuộc sống cứ tiếp nối, nắng cũng như mưa. Hoàng khẽ thở dài khi nghe học kể chuyện. Nhiều lúc, Hoàng lại có ý nghĩ khác, biết đâu trong cảnh sống im lặng, đều đặn mỗi ngày, không bon chen đã mang cho họ hạnh phúc. Nói cho cùng hạnh phúc là những gì nếu không phải là điều mỗi người tự chọn, dù đơn sơ nhưng là hạnh phúc.

Mới khoảng 1 giờ chiều, như thường lệ, Hoàng ra ngồi cạnh một tảng đá thật cao, nhìn đoàn xe thưa thớt chạy xuôi Nam. Người lính truyền tin báo,

-Alpha, có một chiếc xe đò bị lật cạnh rạch nước gần chỗ mấy thuyền câu tại hồ “nước ngọt“. 45 nói Apha ra xem mình có thể giúp gì cho những người trên xe?

Hoàng không trả lời, quay vào tiểu đoàn, lái chiếc xe hồng thập tự, mang theo hai người lính y tá, và người binh sĩ cận vệ lúc nào cũng theo Hoàng. Hoàng dừng xe cách chiếc xe đò lật ngay trong lạch nước rộng, không sâu, nhưng nước đỏ ngàu. Chiếc xe nằm nghiêng hẳn một bên, trong khi nhiều người bị thương nhẹ, xây xát sơ sài. Chẳng có ai bị thương nặng cả, thậm chí có người chỉ bị ướt quần áo. Họ nhặt nhạnh những xách giỏ, bỏ chiếc xe bị nạn, nằm nghiêng thảm hại, rồi theo nhau lên mặt đường. Người tài xế phân bua với hành khách,

- Các bác thấy đó, vì chiếc xe ngược chiều chút xíu thì đâm thẳng vào xe mình, nên tôi lật đật bẻ phải. Chẳng ngờ chiếc xe đi thẳng xuống hố.

Nói tới đây, người tài xế và phụ xe, nói nhỏ với nhau, cuối cùng, họ nói to để hành khách cùng nghe.

- Thôi các bác kiếm xe khác đi, còn tụi tôi trở lại Tuy Hòa, nói với chủ, mai kêu xe kéo về sửa vậy. Các bác thông cảm, bác nào chưa trả tiền xe thì khỏi trả, còn các bác đã trả tiền rồi, tôi sẽ thối lại một phần.

Thôi cùng chịu xui vậy, hành khách nghe hợp lý, chẳng ai phàn nàn gì. Họ chia từng toán nhỏ tiếp tục đi, còn nhiều người trở ngược lại. Hoàng nói với người y tá,

- Anh hỏi xem, có ai cần băng bó gì, hay bôi thuốc gì không?

Một người lính đi cùng Hoàng đã giúp chặn những chiếc xe đang chạy trên đường cho những người bị lật xe quá giang. Nhờ vậy mà chỉ hơn nửa giờ, cả chiếc xe khách không còn ai.

Trước khi rời chiếc xe đò, trở về chỗ đóng quân, Hoàng lái xe chạy sát vào chiếc xe, định trở đầu xe và kêu mấy người y tá trở về, thì Hoàng chợt nghe tiếng khóc thút thít từ phiá trước xe. Hoàng thấy một người đàn bà khoảng 50, một đứa bé trai khoảng 10 tuổi, và một cô gái khó nhận ra tuổi vì cô ngồi cúi mặt, ủ rũ nhìn xuống đất, bên cạnh vũng nước đỏ bùn vì cậu bé cứ lặn lên rồi lặn xuống.

- Vậy mà mình cứ tưởng không còn ai. Không chừng mình bỏ người cần giúp nhất. Hoàng chặc lưỡi.

Tiếng khóc thút thít là của người đàn bà, ăn mặc lam lũ nhưng lành lặn, đang lội dưới vũng nước, ướt tới vai, tay mò mẫm vật gì đó. Bà ta thỉnh thoảng hỏi cậu bé,

- Có thấy gì không con?

Cậu bé gắt gỏng,

- Chưa thấy gì. Rồi vừa trả lời, vừa quay lại nhìn cô gái ngồi bên cạnh vũng nước đang gục đầu, buồn rầu. Chị còn nước uống không? Có gì ăn không? Em đói quá.

- Chị còn chút nước, và khúc bánh mì. Em ăn đi rồi nghỉ một chút, rồi lặn tiếp. Ráng nghe em, cả nhà mình chỉ còn chút ấy, không kiếm được thì khổ lắm em à. Cô chị nhanh nhẩu.

Hoàng chào thật lớn, vừa nói,

- Từ nãy tới giờ, tôi tưởng khách đi hết rồi. Thật may, tôi thấy bác và mấy em. Nếu không, tôi đi rồi.

Hoàng không để ý, người con gái ngồi cạnh đầu xe, bên vũng nước ngó lên, khi thấy Hoàng lại cúi mặt xuống. Hoàng bước xuống xe, đon đả chào bà mẹ,

- Chào bác, bác có sao không? Bác kiếm gì mà ướt hết vậy. Người ta đi hết rồi. Người đàn bà, ngửa mặt nhìn lên, lấy chiếc khăn còn vắt trên cửa sổ thành xe, lau sơ mặt, dấu diếm, không muốn nói. Hoàng im lặng, không nhìn người đàn bà, quay sang hai chị em cô bé bên cạnh. Cậu bé miệng ăn miếng bánh nhồm nhoàm trách mẹ,

- Con nói mẹ rồi, mẹ bỏ vào giỏ cho chắc chắn. Mẹ không nghe, xe mới lắc qua lại, cả chiếc giỏ đã rớt xuống nước, chiếc khăn tay mẹ có vàng nặng rơi tuốt còn đâu.

Hoàng hiểu sơ câu chuyện, nhưng không hỏi thêm. Bà mẹ, thấy Hoàng, buồn bã nói tiếp,

- Chẳng dấu gì trung úy, tôi có mấy chỉ vàng, gói trong chiếc khăn tay. Tôi đã cột thật chặt. Chẳng may khi chiếc xe lật, chiếc gói nhỏ xíu rớt xuống. Từ nãy tới giờ, ba mẹ con tôi tìm mà chưa thấy. Thật khổ, cả nhà trông vào mấy chỉ vàng ấy. Bây giờ tôi phải ở đây tìm cho bằng được.

Hoàng nhìn người đàn bà ái ngại, rồi lại nhìn xuống vũng nước đục. Hoàng nghĩ, chắc chiếc gói nhỏ chỉ nằm trong chiếc xe đò, không thể nào ra ngoài được. Hoàng nói với người mẹ,

- Bác à, nước đục, nhưng cạn, bác cứ mò thế này, làm sao tìm được. Cháu nghĩ ra cách khác, để cháu nói thử nghe. Hoàng đưa đề nghị. Bác và cô đây để tụi cháu giúp, chúng cháu phụ múc nước đổ ra ngoài kia, tuy hơi lâu nhưng chắc ăn. Thể nào, khi nước cạn, cũng tìm thấy.

Người đàn bà lưỡng lự, Hoàng thầm hiểu, “Bà ta có thể nghi ngờ lòng tốt của mình, nhưng cũng chẳng sao. Cuộc đời này, thiếu gì ý tốt bị hiểu lầm, miễn là mình thực tâm giúp người ta là được. Trước sau gì, họ cũng hiểu.”

Cô gái từ nãy giờ ngồi ủ rũ, nghe Hoàng nói, mặt vui hẳn lên, xăng xái nói,

- Mẹ à, cứ để ông này giúp, như vậy mau hơn. Mẹ con mình làm thì biết bao giờ mới xong, mà chắc gì đã tìm ra, nước mà cạn thì dễ hơn nhiều. Trời tối rồi, nếu không tìm được, biết ngủ ở đâu. Chẳng lẽ mò mẫm suốt đêm, em nó đói, con cũng đói và lạnh rồi.

Từ nãy tới giờ Hoàng mới nhìn rõ mặt cô gái. Cô trông sáng sủa, hàm răng đều, mái tóc dài, rất có duyên. Cô bé thấy Hoàng nhìn, bẽn lẽn xoay mặt qua chỗ khác, khuôn mặt khẽ ửng hồng, chẳng giống lúc nãy, trời lành lạnh làm cô xanh xao, ủ rũ. Bà mẹ, không trả lời cô gái, im lặng, tiếp tục mò mẫm dưới vũng nước. Hoàng kêu hai người y tá và người lính nấu ăn cho mình,

- Mấy anh bỏ xắc cứu thương lên xe tôi, đeo súng trên người, đổ mấy thùng đạn M16 ra, mang ba chiếc thùng không nắp tới đây, mình múc nước đổ về phía đường trên kia, nước sẽ chảy ra ngoài. Nếu làm nhanh tay một chút hy vọng trời chưa tối.

Không chờ đợi, Hoàng lấy mấy thùng đạn có sẵn trên xe, bắt đầu múc nước ra khỏi xe, trong khi đó ba người lính, phụ múc nước với bà mẹ và cậu bé. Từng thùng nước đưa ra ngoài, Hoàng và cô bé phụ đổ xuống mặt đất, đổ xong, lại đưa chiếc thùng không cho mấy người trong lòng xe. Họ múc rất mau làm Hoàng và cô bé phải rất nhanh tay mới kịp. Cô gái làm một hồi, có vẻ mệt nhưng vẫn tiếp tục. Hoàng để ý đến nụ cười cô gái, thật tươi. Lúc cô ta gọi Hoàng là ông, lúc gọi là anh, lúc gọi là trung úy. Hoàng vừa đổ thùng đạn nước vừa nói nhỏ,

- Sao không gọi anh cho gọn?

Cô bé biết Hoàng chọc mình, cúi mặt, tiếp tục đổ thùng nước, không nói. Đổ được mấy thùng, cô bé vừa chuyền tay thùng nước, vừa khen,

- Trung úy nghĩ ra cách này, hay quá, chẳng mấy chốc, nước cạn ngay.

Hoàng hỏi làm quen,

- Em có chồng hay người yêu chưa?

Cô gái vẫn không trả lời, có vẻ suy nghĩ, sau cùng, nói nhỏ,

- Nếu em có chồng thì giờ này phải 4 người chứ, chẳng lẽ chồng một nơi, vợ một nơi.

Hoàng buồn cười với lối lý luận của cô bé, nhưng không cãi. Hoàng hơi vui, cô ta còn độc thân, dễ ăn nói hơn, rồi mạnh bạo.

- Như vậy cô gọi tôi là anh nghe, gọi ông sao có vẻ già quá.

Cô gái lại tiếp tục đổ nước, khi đổ xong, cô ta nói thật nhỏ,

- Em mệt quá. Tại cầu sông Ba

Hoàng tươi cười, nhìn cô bé,

-Em ngồi xuống nghỉ tay một chút đi, anh đổ giúp em vài thùng, cũng kịp mà. Lâu lắm, mới có dịp tát nước.

- Anh biết tát nước a? Cô bé ngạc nhiên.

- Chưa bao giờ, nhưng dùng thùng tưới nước thì nhiều rồi. Hoàng cười.

Nhìn vào trong thùng xe, thay vì nói với Hoàng, cô gái vừa khen,

-Mẹ à, mẹ thấy nước cạn thấy rõ luôn, chẳng mấy chốc, thể nào chẳng thấy.

Bà mẹ tuy mệt nhưng cũng cười,

- Cũng nhờ trung úy và mấy anh đây giúp. May ra, mình tìm lại được.

Cô bé trở lại, vui vẻ nói,

- Nước xuống mau ghê. Bây giờ em bớt lo, chứ hồi chiều, chẳng còn lòng dạ nào. Em như người mất hồn, phần thì chẳng biết đi đâu, làm gì. Mới sáng nay thôi, còn ở nhà, còn chuẩn bị đi làm, giờ này ở đây, mọi việc dồn dập, thay đổi mau quá, em lo quá.

Hoàng tiếp theo cho vui câu chuyện,

- Mới nghe má nói mất vàng, anh cũng mất hồn.

Cô gái mở đôi mắt tròn, ngạc nhiên hỏi,

- Sao anh mất hồn?

- Tính anh hay mất hồn lắm, nhất là tụi anh mới tới mà nghe mất vàng, mất bạc. Hoàng cười.

- Anh mới lạ, lính gì mà “hay bị hớp hồn ghê”. Cô bé lại cười.

Hoàng biết cô gái nói khác, nên nói,

- Em nói đúng, có lẽ anh bị hớp hồn, không phải mất hồn.

Cô gái vui vẻ, thố lộ một phần ý nghĩ riêng tư của mình, Hoàng cũng vui lây,hỏi,

- Em còn khát nước không ?

Hỏi nhưng không đợi trả lời, Hoàng lấy chiếc bi đông đeo bên người, đưa cô bé,

- Em uống một chút cho đỡ khát. Nước trà chắc còn nóng, anh mới nấu trước khi ra đây.

Cô bé tự nhiên cầm chiếc bi đông mở nắp, từ tốn uống từng nắp bi đông một. Hoàng chợt mỉm cười khi nhớ ngày nào ở trong Võ Bị, bị phạt uống nước bằng nắp bi đông. Cô bé ngạc nhiên hỏi nhỏ,

- Anh cười gì vậy?

- À, thấy em uống nước bằng nắp bi đông nên anh chợt nhớ tới ngày trong trường Võ Bị, anh bị phạt, cũng uống từng nắp bi đông như em hôm nay.

- Anh là lính Võ Bị hả? Không chờ Hoàng trả lời, cô gái tiếp tục. Em vừa đọc một truyện ngắn, kể chuyện một cô sinh viên, học ở Saigòn, yêu một anh Võ Bị ở Dalat. Hai người thư đi, thư lại cả năm trời. Cho tới mùa hè, cô gái hẹn thăm anh VB.

- Rồi ra sao? Hoàng hỏi.

- Chẳng ra sao cả. Cô bé trả lời gọn lỏn. Em đang đọc dở dang thì phải bỏ lại để chạy loạn hôm nay. Quyển truyện còn cất ở nhà, khi nào về lại, mới đọc tiếp được.

- Cô gái trong truyện nói chuyện có duyên như em không? Viết thư hay không? Hoàng cười,

Cô bé tư lự,

- Em thích đọc thư của anh VB viết cho cô bé hơn. Anh ta viết dễ thương làm sao. Anh tả cảnh trường, cảnh những làng mạc chung quanh, nhờ đó em hình dung ra trường Võ Bị. Lúc nào trường cũng vắng vẻ, chung quanh có ấp Thái Phiên, có hồ Than Thở, hồ Vạn Kiếp. Em muốn đi Dalat một lần cho biết, nhất định phải thăm trường Võ Bị. Chưa kịp, thì đã tới cảnh này. Vừa nói vcôi gái vừa chặc lưỡi như luyến tiếc.

Nghe cô gái nói, Hoàng nhận ra ngay mẫu người, cô gái cũng lãn mạn lắm, vì Hoàng thích nhất những cô gái nói thật như cô này. Khi cô bé đưa bi đông nước trả lại, Hoàng cầm bi đông, mở nắp, dốc một hơi vào cổ họng, lấy vạt áo chùi nắp bi đông rồi đóng lại.

- Anh uống trà kiểu lính, chứ như em biết bao giờ mới đã khát.

Cô bé không nói nhìn Hoàng âu yếm, mỉm cười. Hoàng đưa chiếc thùng nước nặng cho cô bé. Cô gái vừa cầm tay vào thùng, Hoàng không buông tay, khiến cô bé sợ rớt thùng nước, kêu lên,

- Anh coi chừng, rớt trúng cẳng nghe.

Tiếng kêu thảng thốt của cô bé thật dễ thương và như có cảm xúc thật sự. Hoàng thản nhiên hỏi,

- Em tên gì? Cô bé không trả lời hỏi lại,

- Anh tên gì?

- Hoàng. Còn em?

- Diễm.

Hai câu trả lời gọn lỏn nhưng làm cả hai cùng vui. Hết thùng này, tới thùng khác. Qua những câu hỏi, Hoàng biết sơ về cô gái. Diễm 22 tuổi, làm tại Tòa Hành Chánh quận Hiếu Xương, cậu em trai 9 tuổi, và mẹ. Diễm mồ côi cha mấy năm rồi. Cha Diễm làm tại quận, bị bệnh, và đã qua đời. Diễm xin được công việc thư ký tại tòa hành chánh. Từ đó, ba mẹ con, sống qua ngày. Mẹ Diễm, buôn bán loanh quanh tại chợ, cậu em đi học. Hoàng nghe Diễm kể chuyện, hơi mũi lòng. Hoàn cảnh chiến tranh, biết bao nhiêu gia đình như Diễm, giờ này, loạn lạc tới, họ hoảng hốt theo dòng người, chẳng biết chạy đi đâu. Hoàng hỏi Diễm,

- Mẹ và em tính chạy đi đâu?

- Em chẳng biết nữa. Mẹ em nói, chạy vào Phan Thiết, quê cha em, rồi sẽ tính. Diễm buồn buồn.

- Em và mẹ chân yếu tay mềm, tính ra sao, chưa kể, những chuyện xảy ra như hôm nay.

Diễm nhìn Hoàng,

- Lỡ phe mình thua, hay không trở lại, em làm sao sống được với bọn quỉ này? Mẹ em biết nhiều về Cộng Sản rồi, nên nhất định chạy tới khi cùng đường.

Hoàng lại nhìn Diễm, khuôn mặt ửng đỏ, hai bàn tay cũng đỏ, Hoàng khen “Em trông thật có duyên.“ Thật tình, Hoàng khen Diễm như khen cô em gái khi nghe hoàn cảnh của cô. Nhưng cô gái lại nghĩ khác, lắp bắp, hỏi Hoàng,

- Anh khen thật không? Em mà có Duyên?

- Anh nói thật. Trong hoàn cảnh này, ai còn nói dối cho được. Hoàng vồn vã,

Cô bé không dấu được cặp mắt đen láy, chơm chớp niềm hạnh phúc.

Diễm vừa đổ thùng nước xuống mặt đất, giờ này đã ướt sũng, chảy thành dòng ra phía ngoài, chợt nghe tiếng bà mẹ, trong lòng xe, la thật lớn, con ơi,

- Tèo ơi, Diễm ơi, mẹ lượm lại được rồi. Vừa nói bà vừa cảm ơn trời.

Diễm nghe mẹ kêu, lật đật liệng chiếc thùng xuống đất, chạy tới sát thành xe, nhìn vào trong, hỏi,

- Mẹ có chắc không?

Mẹ Diễm, tay nắm chắc chiếc khăn tay, vừa thở vừa trả lời,

- Chắc rồi con à, vì mẹ nhớ như in chiếc khăn tay này mà. Vừa nói, bà vừa trèo qua cửa sổ thành xe, ngồi bệt xuống đất, mở chiếc khăn tay. Hoàng không nhìn, nhưng cũng nói với mẹ Diễm,

- Mừng cho bác, của về với chủ là lẽ của đất trời.

Từ nãy tới giờ Diễm im lặng, khẽ liếc Hoàng như muốn nói, nhưng có lẽ vì cảm xúc, không nói được gì. Trời về chiều, ba chiếc bóng của mẹ con Diễm, nằm dài trên thảm cỏ xanh. Hoàng thấy vui thật sự, nỗi vui mừng như vừa làm được việc gì quan trọng. Hai người y tá và người lính của Hoàng cũng trèo ra khỏi thành xe. Cả ba ướt sũng, đôi giầy đấy nước chảy ra ngoài, khuôn mặt họ đầy mồ hôi, nhưng ai cũng rạng rỡ, hỉ hả. Hoàng hỏi Diễm,

- Mẹ em tìm ra rồi, bây giờ em tính sao? Vừa nói Hoàng vừa nhắc. Hơn 4 giờ rồi đó, bây giờ chắc gì có xe.

Diễm mím môi, suy nghĩ, sau cùng hỏi mẹ,

- Mẹ ơi, bây giờ mình làm gì?

Mẹ Diễm im lặng, 3 mẹ con nhìn nhau, nỗi vui mừng vì tìm lại vật bị mất tan nhanh theo câu hỏi. Trách nhiệm của bà làm cho mẹ Diễm khó xử, đi hay ở, cả hai đường đều không được, phần chiều tối tới nơi. Hoàng thấy thật tội nghiệp, bèn xen vào,

- Hay bác, Diễm, và bé trai về nghỉ tạm tại căn cứ của tụi cháu. Qua một đêm cho khỏe, mai sẽ tính, vì đằng nào cũng tối rồi.

Người đàn bà, đứng tuổi không trả lời, suy nghĩ. Diễm cũng im lặng, dí trên đất bàn chân trắng muốt, ngón chân trần, vẽ qua vẽ lại, khuôn mặt bớt hồng nhưng vẫn thoáng chút xinh tươi của cô gái mới lớn. Cuối cùng, mẹ Diễm nói,

- Thôi cảm ơn ý tốt của trung úy. Mẹ con tôi ta ngồi chờ xe, xe ra hay vào, chúng tôi cũng lên, rồi tính sau.

- Bác đã quyết định như vậy, cháu cũng chịu thôi, cháu phải về đơn vị. Hoàng thở dài.

Tuy nói mạnh miệng, nhưng lòng Hoàng không yên chút nào, nghĩ tới đoạn đường vắng vẻ, ba mẹ con không một giọt nước, hột cơm, may mà có xe, còn nếu không có xe thì làm sao, đêm đến, mọi chuyện đều có thể xảy ra, lành ít dữ nhiều, ngay cả thú dữ, rắn rết, mọi thứ đều nguy hiểm. Quay lại Diễm, cô bé buồn buồn không nói, Hoàng nói khẽ bên tai cô gái,

- Thôi em ra ngồi gần đường. Hy vọng cả nhà đón được xe.

Cô bé chút xíu nữa bật khóc. Hoàng không nói thêm, kêu mấy người lính,

- Mấy anh lên xe đi, bỏ đạn vào thùng, chúng ta về.

Hoàng cố tình nấn ná, nhưng mẹ Diễm không nói gì thêm, Hoàng đành phải chào,

- Thôi chào bác, chúc bác may mắn.

người đàn bà lí nhí cảm ơn. Hoàng quay lại Diễm, ngoắc tay cho Diễm lại gần, - Em chờ. Nếu gần tối mà không có xe, cứ nói mẹ em đi về phía tiểu đoàn anh. Anh sẽ dặn lính, họ không làm gì đâu. Họ sẽ đưa em vào trong trại, nhớ nghe.

- Anh tốt với mẹ con em quá, biết bao giờ mới trả ơn anh được.

Hoàng cười. Diễm lắng nghe, khẽ gật đầu, nói nhỏ,

- Em đừng suy nghĩ làm gì cho mất đẹp đi.

- Anh hay thật, giờ nào cũng giỡn được. Em không nghĩ tới xấu đẹp gì nữa, biết có ngày mai nữa không, mà suy nghĩ. Diễm gượng cười.

o O o

Hoàng đưa tay mình ra, cô bé đưa bàn tay lành lạnh vì gió biển buổi chiều, khẽ nắm bàn tay Hoàng. Trước khi đi, Hoàng nhớ tới bi đông nước,

- Em cầm lấy bi đông này, nhiều khi cần lắm. Anh về lấy cái khác.

Diễm cầm chiếc bi đông, đôi mắt nhìn xuống đất, trong khi hai dòng nước mắt từ từ lăn trên gò má. Hoàng nén lòng bước lên xe, tự nhiên thương cô bé như thương người em gái trong gia đình.

Hoàng lái xe về căn cứ tiểu đoàn, lòng nặng trĩu. Tới cổng vào tiểu đoàn, Hoàng dặn thật kỹ toán lính, về 3 mẹ con Diễm, nếu họ tới, bất cứ lúc nào, báo cho Hoàng biết. Mấy người lính gác hứa,

- Trung úy cứ yên tâm đi, tụi em sẽ hỏi thật kỹ khi nghe tiếng chân người đến gần.

Về doanh trại, trời đã xế chiều, người lính đang chờ sẵn để dọn cơm. Hoàng trong bụng chưa muốn ăn, tính chờ tới tối, nếu mẹ con Diễm không có xe, trở lại tìm thì sẵn cơm, khỏi nấu. Nhưng thấy người lính cũng đói, Hoàng vui vẻ,

- Thôi dọn ra, tôi với anh ăn cho rồi,

Bữa cơm đạm bạc được dọn ra. Trong khi ăn, Hoàng lắng nghe tiếng người xướng ngôn viên đọc tin tức thời sự qua radio. Tin tức ngày càng thấy xấu đi, mất nơi này, bỏ chỗ nọ. Hoàng với tay tắt chiếc máy. Ăn xong, Hoàng lấy cây sắt, cời vài cục than, từ nãy vẫn còn nằm trong chiếc thùng phuy, trước đây lính Đại Hàn đã cắt ngang, dùng để nướng thịt trong những buổi cook out. Từ khi đơn vị Hoàng về căn cứ này, Hoàng vẫn giữ nó để nấu cơm, vì dù đốt lửa thế nào, từ ngoài, không ai thấy được. Hoàng cho thêm vài khúc củi nhỏ. Sau ít phút, mấy cục than hồng rực lên, căn phòng ấm hẳn. Khi nước sôi, Hoàng phà trà, đổ vào bi đông, tiện tay Hoàng pha thêm một chút cà phê, đổ vào chiếc ly nhỏ. Mặt trời đã xuống, sắp khuất bên kia rặng núi. Nhìn đồng hồ, chợt nhớ tới mẹ con Diễm, Hoàng với tay lấy bộ quân phục, chạy đi tắm, rồi mặc vội bộ quần áo, xỏ vội đôi giầy, kêu người lính lên xe.

Hoàng tính chạy ra chỗ mẹ con Diễm, vì Hoàng muốn biết chắc ba mẹ con Diễm đã kiếm được xe hay chưa. Nếu họ còn ở đó, Hoàng sẽ đưa họ về ở tạm một đêm tại căn cứ. Ngày mai, họ muốn đi đâu, Hoàng sẽ giúp, vì thời buổi này, chặn một chiếc xe xuôi Nam hay ngược Bắc đều khó. Mà nếu họ chặn được xe thì cũng tốn tiền lắm, vì xe cộ lợi dụng giờ này để kiếm tiền. Chiến tranh làm con người cằn cỗi, không còn thương người, mạnh ai nấy sống. Nghĩ tới ba mẹ con cô gái, Hoàng thấy hoàn cảnh của họ thật đáng thương.

Từ xa, Hoàng vẫn còn thấy 3 mẹ con Diễm, ngồi ủ rũ bên vệ đường. Cậu bé, em Diễm, nằm cong queo ngủ, trong khi Diễm ngồi gục đầu bên đầu gối, có lẽ vì trời chiều, gió lạnh. Nghe tiếng xe, Diễm ngoái đầu nhìn, thấy Hoàng. Cô bé tươi hẳn lên, cúi xuống nói nhỏ với bà mẹ dáng mệt mỏi bên cạnh. Mẹ Diễm nhìn lên, ngượng nghịu, nhưng thoáng vui. Hoàng bước xuống xe, chào mẹ con Diễm, nói nhỏ,

- Bác chờ lâu quá mà chưa có xe hả?

- Chẳng có chiếc nào dừng lại cả. Có một chiếc chạy ra ngoài, tôi lại muốn vào Nam, thành thử cũng như không. Bà trả lời.

Hoàng nhìn sang Diễm. Cô bé cả ngày chờ xe, không dấu được vẻ mệt nhọc, nhìn Hoàng, bẽn lẽn. Hoàng nói với mẹ Diễm,

- Thôi bác theo cháu về căn cứ nghỉ tạm một đêm, ăn uống chút gì, chứ ngồi đây qua đêm không được đâu mà còn nguy hiểm nữa. Căn cứ rộng lắm, chỗ ngủ lại sẵn sàng. Chỉ cần, em Diễm nấu một chút là có ăn ngay.

VC phải chịu trách nhiệm về nỗi khổ đau của người đàn ông này.

Mẹ Diễm nghe Hoàng nói, khẽ cảm ơn. Nghe thế Diễm mừng, lật đật gọi em. Cậu bé ngủ say nghe chị gọi, lật đật vùng dậy. Khi thấy Hoàng, nó nhoẻn miệng cười, hỏi,

- Anh này chở mình về hả chị?

Diễm khẽ liếc nhìn Hoàng, khuôn mặt ửng hồng. Hoàng đưa ba mẹ con Diễm về ngay chiếc phòng rộng với mấy chiếc sạp đóng bằng gỗ pháo binh. Từ ngày vào căn cứ tới nay, Hoàng vẫn nằm một mình, còn mấy người tryền tin, nằm phía ngoài, trong khi lính phòng thủ lại ở rất xa, ngoài vòng đai. Hoàng chỉ mấy chiếc sạp, nói với mẹ Diễm,

- Bác ngủ tạm đây, cu Tèo đây, còn Diễm phía này. Hoàng vừa nói vừa chỉ Diễm chiếc sạp gỗ.

Diễm nhìn chung quanh, khẽ buột miệng,

- Trời, lính sao sang ghê vậy, hả anh?

Hoàng vui vẻ trả lời,

- Căn cứ này, ngày xưa của lính Đại Hàn, tiểu đoàn anh về đây, các sạp gỗ có sẵn. Ngày xưa, chỗ em nằm là của đơn vị trưởng đó, còn chung quanh này là bộ chỉ huy. Chứ lính tụi anh, chỉ có võng, với tấm poncho là quí rồi.

Hoàng thấy Diễm và bà mẹ cứ loanh quanh, nói nhỏ với Diễm,

- Em theo anh, anh chỉ mấy chỗ tắm, và rửa mặt.

Diễm theo Hoàng ra phía sau.Về tới phòng, Hoàng nói,

- Chắc bác và em gái đói rồi, Diễm chịu khó phụ nấu cơm, anh sẵn có thức ăn rồi.

Vừa nói, Hoàng vừa gọi người lính,

- Anh Tài, chỉ cô Diễm gạo, và mấy con cá và rau, anh mua hồi chiều. Rồi anh phụ nấu ăn dùm. Bác, Diễm và Tèo chắc đói lắm rồi?

Diễm vừa nấu vừa nói chuyện với Hoàng, thân mật như anh em,

- Anh biết không, từ chiều tới giờ, em rất buồn. Nếu chờ đến tối không có xe, em chẳng biết ngủ ở đâu, rồi ăn uống ra sao. Anh để lại bi đông, ba mẹ con uống cạn hết rồi. Em đang lo lắng, thì anh trở khiến em mừng quá. Em tưởng ba mẹ con phải lội bộ tìm về chỗ anh. Đi thì không sợ, mà sợ lính không biết ai, đêm hôm, thì chết.

Hoàng nhìn Diễm,

- Anh lo trước rồi, dặn lính kỹ lắm, thấy bóng người phải hỏi thật kỹ. Anh đã nói cho họ biết tên em và cả tên Tèo nữa.

Mẹ Diễm, ngồi trên chiếc sạp, cũng cười, nói theo,

- Thấy hai đứa nó rầu rĩ ngồi bên cạnh, tôi như ngồi trên lửa. Tội nghiệp, hai đứa nó, nhà tuy nghèo, nhưng từ nhỏ tới giờ có ngày nào khổ cực như ngày hôm nay đâu. Cũng may, được trung úy giúp.

Hoàng an ủi,

- Bác cứ yên tâm, ngủ yên giấc. Mai bác muốn về hay đi, cháu sẽ giúp bác chặn xe, không khó gì đâu.

Cơm chín, Diễm hỏi,

- Anh ăn cơm luôn nghe?

Hoàng từ chối,

- Thôi em ăm cơm với bác đi, anh đã ăn rồi. Anh biết thể nào tối nay cũng có khách.

Cà hai mẹ con cùng cười. Diễm vừa ăn vừa hỏi,

- Anh có buồn khi có khách như em không? Cô bé vừa hỏi vừa nhìn Hoàng.

- Anh không dám buồn rồi đó. Em biết đời lính luôn thiếu những cảnh ấm cúng của gia đình.

Diễm chơm chớp đôi mắt, như muốn khóc. Ba mẹ con cô bé vừa ăn vừa nói chuyện. Hoàng lại ngồi dậy, hâm lại chút cà phê. Mùi cà phê ngào ngạt tỏa khắp phòng. Ngoài trời, đầy sao, vầng trăng đã ló dạng. Hoàng chợt nghe tiếng ễnh ương, tiếng dế như đang hợp xướng, tiếng mấy người lính hỏi mật khẩu nghe rõ mồn một. Diễm cũng lắng nghe nhưng ngơ ngác như chẳng hiểu việc gì. Sau bữa cơm tối, Diễm nói nhỏ với Hoàng,

- Em tắm được không?

- Được chứ, em nói cho mẹ và em, cứ việc ra ngoài chỗ anh chỉ. Mấy xạc nước giờ này nhiều khi còn ấm vì mặt trời nấu cả ngày. Hoàng nhỏ nhẹ.

Cô bé vội vã, mở chiếc giỏ nhỏ, lấy bộ quần áo, tay vuốt nhẹ cho thẳng rồi đi về phía phòng tắm, được dựng bằng mấy miếng bạt xe. Hoàng vẫn nằm, lắc lư chiếc võng, thỉnh thoảng với chiếc ca, uống chút cà phê, lòng tư lự. Hoàng nói cho mẹ Diễm yên tâm,

- Bác và em Tèo cứ ngủ, còn Diễm giường đó, anh trên chiếc võng này. Chút xíu nữa, anh sẽ tắt đèn.

Vừa nói, Hoàng vừa chỉ vào chiếc đèn nối bằng cục pin cũ, chỉ đủ soi mặt người. Một chút sau, Hoàng nghe tiếng ngáy đều đặn của cu Tèo. Mẹ Diễm, sau một ngày mệt cũng thiếp đi, chỉ còn Diễm nằm trên chiếc sạp, đắp chiếc mền Hoàng cho mượn, vẫn tiếp tục nói chuyện với Hoàng. Hoàng hỏi,

- Ngày mai, em tính đi tiếp về Phan Thiết hay trở về nhà?

Diễm không trả lời, hỏi lại,

- Theo ý anh, em nên đi hay ở lại? Hoàng thấy Diễm thật tình, cũng suy nghĩ thật kỹ, mới trả lời,

- Theo ý anh, em nên trở về, cứ ở chỗ cũ nhà em. Giờ này, em chạy tới Phan Thiết, rủi không gặp ai, vì người nhà của ba em biết đâu cũng chạy rồi. Không có ai, thì cũng như hôm qua, lại khổ, lại đợi chờ.

Diễm nghe, khẽ thở dài, Hoàng lấy cây sắt dụi vào đống lửa, ngọn lửa hồng lại sáng lên, Diễm chợt reo vui,

- Sao giống lửa trại quá. Em rất thích chỗ này.

Hoàng cười nói,

- Em ở luôn lại đây nghe? Diễm lấy chân đạp vào thành võng, ngây thơ trả lời,

- Anh nói sao? Ở sao được, em có là lính đâu?

Cô bé lại ưu tư tiếp tục nói,

- Anh à! Ngày mai này, chắc em nói với mẹ em, em quay lại, vì em sợ cảnh này quá rồi, mới xa quê một ngày mà như xa cả tháng. Cũng may gặp anh.

Nghe giọng Diễm nhỏ dần, Hoàng an ủi,

- Ở hoàn cảnh em, anh ở lại.

Hoàng nhìn đồng hồ, mới hơn 8 giờ tối, Hoàng với tay mở chiếc radio. Tiếng xướng ngôn viên của đài VOA đang loan báo tình hình chiến sự, cũng vẫn tin tức như mọi ngày, càng lúc càng tệ hại hơn, đâu cũng thấy chạy. Diễm lắng nghe, lại hỏi Hoàng lần nữa,

- Anh, em phải làm gì?

Hoàng không trả lời ngay. Chợt nhớ tới mấy cái bắp mua hồi sáng, Hoàng hỏi Diễm,

- Em ăn bắp nướng không?

Diễm thoáng ngạc nhiên, nhưng vẫn nói,

- Em muốn.

Hoàng bước ra sau, chỗ mấy người lính truyền tin, mang lại mấy chiếc bắp, nói với Diễm,

- Em hỏi má và Tèo xem, nếu họ còn thức mình nướng luôn.

Diễm tới giường bà mẹ, quay lại nói,

- Mẹ em ngủ rồi. Còn Thằng Tèo thì khỏi hỏi, làm một bụng no, nó ngủ một giấc tới trưa mai.

Hoàng khều than, đặt chiếc bắp trên bếp trở qua trở lại, Diễm tự nhiên, ngồi trên võng cạnh Hoàng, dành cái bắp,

- Để em nướng cho, anh nướng kiểu này cháy hết.

Cô bé lấy cây sắt trở chiếc bắp thành thạo. Hoàng cảm thấy hơi ấm từ cơ thể Diễm khi Diễm vô tình chạm vào Hoàng. Cô bé hình như cũng có cảm giác như vậy, hỏi nhỏ,

- Anh có nướng bắp với ai thế này chưa?

- Thế này là thế nào? Hoàng cười.

- Đừng làm bộ. Cô bé khẽ huých cùi chỏ vào Hoàng.

Diễm lấy chiếc bắp để ra ngoài sau khi nướng xong.

- Để em về sạp nằm, anh bẻ cho em một nửa. Nếu muốn ăn thêm, em dậy nướng tiếp,

Hoàng giữ tay Diễm, nói nhỏ,

- Em ngồi đây ăn xong bắp rồi đi ngủ.

Cô bé cũng xuôi lòng, ngồi lại. Diễm vừa ăn vừa nói,

- Mai mốt em đi rồi, anh có nhớ em không?

- Nhớ chứ. Thấy cô bé ngây thơ, Hoàng cũng thành thật.

- Nhớ như thế nào? Diễm hỏi lại.

- Nhớ là nhớ chứ nhớ thế nào. Ai trả lời cho được. Hoàng không biết phải trả lời ra sao.

Thật tình mà nói, thấy hoàn cảnh của Diễm, Hoàng coi như người em gái, trái lại Diễm thì nghĩ khác. Hoàng ráng làm ngược lại những gì Hoàng suy nghĩ trong thâm tâm, Hoàng nén lòng, tự nhủ, “Thôi đừng làm Diễm khổ. Ngần ấy tuổi, Diễm đã chịu thiệt thòi nhiều rồi.”

Diễm chờ hoài, không thấy Hoàng trả lời, quay mặt lại phía Hoàng. Bếp than hồng làm khuôn mặt Diễm ửng đỏ. Hoàng giả bộ,

- Người em nóng hực, khác hẳn buổi chiều. Thấy mặt em tái xanh, anh cứ sợ em bệnh.

Diễm im lặng, khuôn mặt vẫn hồng, nắm tay Hoàng,

- Ngày mai, em nói với má em. Em sẽ quay lại về nhà cũ, buôn bán qua ngày. Em nghe theo lời anh, em chạy ngược dòng. Nếu mai mốt, anh còn dịp trở lại, nhớ tìm em. Nhà em ở ngay sau trường tiểu học Hiếu Xương. Anh nhớ nhé.

- Em cứ về đi, bất cứ khi nào có dịp ngang vùng này, anh sẽ tìm em ngay. Hoàng nói cho Diễm bớt buồn.

Cô bé cười mếu máo,

- Lạy trời, cho anh trở lại. Em lạy trời cho anh giữ lời hứa.

Nói xong, cô bé gục nhẹ trên vai Hoàng, và ngồi như vậy thật lâu. Mùi tóc mới gội tỏa hương, khiến Hoàng phải quay chỗ khác. Sau cùng Diễm nắm tay Hoàng thật chặt, rồi đứng dậy như chạy trốn, bước thật nhanh về chỗ nằm. Hoàng nghe tiếng Diễm đang khóc thút thít. Hoàng lấy cây sắt cào, phủ tro lên mấy cục than đang cháy. Căn phòng chìm trong bóng tối.

Nhìn ra ngoài trời, thấy mấy vì sao đổi ngôi, Hoàng chợt nhớ tới điều mọi người thường làm. Hoàng muốn cầu nguyện một lời, cho những người đang chạy giặc trên đoạn đường từ KonTum, PleiKu, Phú Bổn xuống Tuy Hòa, thoát khỏi mọi nghịch cảnh, và đêm nay cho Diễm, cô bé có miệng cười thật dễ thương, đôn hậu, chưa một lần được thấy cuộc đời rực rỡ, đã phải gánh chịu những nghịch cảnh của thời cuộc. Nhưng Hoàng chưa kịp đọc hết câu, vì sao đổi ngôi đã vội vã biến mất trên bầu trời băng giá. Hoàng chợt nghe tiếng ễnh ương, tiếng dế đang nỉ non. Phía dưới chân Hoàng, trên chiếc bục gỗ, Diễm vẫn lăn qua, trở lại.