Người Đàn Bà Sau Cuộc ChiếnTiên Sha - Lê Luyến1- Người đàn ông đang đi trong cánh rừng chợt quay ngoắt người lại, vụt chạy ngược về hướng con suối. Có tiếng kêu la cầu cứu thảm thiết của một người đàn bà. Ông trượt ngã nhiều lần vì những viên đá bám đầy rong rêu ven bờ suối, nhưng rồi vẫn nhanh nhẹn chồm dậy lao mình phóng đến nơi vừa phát ra tiếng kêu cứu. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt... Người đàn ông không kịp dừng lại để thở, đã rút vội con dao rừng mang bên hông, lao đến phạt mạnh vào cái thân thể đen mốc, xù xì của con vật đang quấn chặt thân thể người đàn bà và siết dần... siết dần. Một con rắn hổ to lớn, ghê tởm. Nhát chém vụt mạnh xuống cái đầu đang lắc lư của con vật. Bị trúng đòn đau, rắn nới lỏng vòng siết quay sang phía người đàn ông, phùng mang lắc lư đầu, phát ra những tiếng kêu phì phì, rít rít hung tợn lạnh người. Một giây định vị, bỗng chiếc đầu con vật rùn thấp xuống và kéo lui về phía sau, cái thân thể to lớn thu về khoanh tròn một chổ, chuẩn bị tư thế phóng đến tấn công địch thủ chớp nhoáng. Cùng lúc đó phát ra hai tiếng nổ “đoành đoành” đanh, gọn liền nhau. Đầu rắn gục xuống bể nát. Cái thân thể gớm ghiếc dài hơn thước đang quẩy lộn đau đớn trong giây phút cuối cùng của sự sống. Người đàn ông quay nhìn đàng sau. Chung quanh anh lố nhố những người lính áo trận hoa rừng, vai mang ba lô, tay cầm súng. Anh nhìn con vật rồi bước mau đến bên người đàn bà. Không, đây là một cô gái, đang ngất đi vì đau đớn và sợ hãi. Vết rắn mổ đang sưng tấy, tím dần trên bắp chân trắng ngần của nạn nhân. Anh lập tức lấy băng vải cá nhân, buộc chặt ở phần trên của vết thương ngăn không cho độc chạy vào tim. Cạnh đó cũng xuất hiện một người lính với túi cứu thương mang trên vai, đang sẵn sàng đợi lệnh... 2- Tại Quân y viện dã chiến, người con gái thức dậy sau hai ngày hôn mê. Nàng đưa đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi nhìn chung quanh nơi mình đang nằm. Không khí yên lặng nặng nề. Hai dãy giường drap trắng ngay ngắn, mùi thuốc sát trùng bay thoang thoảng. Tay nàng đang chuyền huyết thanh, những giọt nước màu vàng trong suốt mầu nhiệm đã dành giật lại sự sống cho nàng. Tất cả đều mơ hồ xa lạ. Đầu óc quay đảo và nhứt nhối. Nàng không nhớ sự việc như thế nào, không biết những gì đã xảy ra. Ký ức chậm chạp hồi phục, rồi nàng nhớ mang máng nghe nhói đau ở bắp chân như điện giật và ngã xuống. Những vòng dây siết mạnh, tiếng đốt xương bẻ nghe răng rắc, bên tai có tiếng thở phì phì của loài độc thú. Nàng cố sức giãy giụa, chống cự và la lớn cầu cứu. Lát sau loáng thoáng nghe có nhiều bước chân loạn động rồi tiếng súng nổ, tiếng người nói lao xao và một cánh tay êm ái nâng nhẹ nàng dậy... sau đó nàng thiếp vào cơn mê sảng, đau đớn. Người con gái không biết mình đang ở đâu và ai đã đưa nàng đến đây? Ánh sáng thời gian dần dần tháo gỡ những điều thắc mắc. Nàng nhớ ra mình đang đi dọc theo con suối cách xa thôn xóm nàng ở hàng cây số. Vùng đất hoang vắng nằm sâu trong cánh rừng cây cối um tùm. Nàng đi mót củi, trên vai nặng trĩu gánh cây khô và một bao lớn tai nấm mộc nhĩ, kết quả của cả tiếng đồng hồ bỏ công đi nhặt nhạnh. Những thân củi to bằng bắp tay, bắp chân bị nước lũ trên nguồn cuốn về trong trận mưa lớn đầu mùa vừa qua, nằm lền khên dọc theo con suối. Thỉnh thoảng, nàng may mắn gặp được những thân cây mục mọc đầy tai nấm to, dày, bụ bẫm. Mừng thầm trong bụng, nàng nghĩ: “Có thể nấu một nồi cháo ngon bồi bổ cho cha mẹ già. Phần còn lại chịu khó phơi nắng, để dành ăn dần trong những ngày đông giá sắp đến.” Ở đây củi không hiếm. Từ lâu, người dân vùng nầy không sợ thiếu củi đốt, cứ bỏ công một buổi đi vào rừng là có củi tốt để dùng, khỏi tốn tiền mua. Trước đây một thời gian, cánh rừng nầy quanh năm suốt tháng luôn luôn chìm trong màn khói xanh của dân khai rừng, đốt than. Họ là những người mưu tìm sinh kế, hay là những kẻ thất cơ lở vận, như người anh hùng đốt than Trần Khánh Giư mà truyền thuyết còn lưu lại bài thơ Bán Than nổi tiếng:
“Ở với lửa hương cho vẹn kiếp. Những sinh hoạt náo nhiệt đó đã xua đuổi loài thú dữ tránh xa, lánh vào rừng sâu, dành lại quyền làm chủ những tài sản to lớn, bất tận của thiên nhiên riêng cho con người. Nhưng rồi một ngày cánh rừng bổng trở nên nguy hiểm hung dữ, thỉnh thoảng vang rền tiếng súng trận dữ dội của đôi bên. Người dân hiền lành nơm nớp lo sợ tai kiếp bom đạn xảy đến bất ngờ. Họ không dám bén mảng vào rừng, xa lánh con suối quen thuộc, cam lòng chịu đựng cái rét mướt của những ngày mưa gió bão bùng trong mùa đông lạnh lẽo. Tuy vẫn biết là nguy hiểm nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người dân nghèo liều lĩnh vào rừng nhặt củi, tìm nấm. Ban đầu chỉ một, hai người ra đi rồi trở về bình yên. Lâu dần quen thuộc bớt đi sợ hãi, số người tăng lên nhanh chóng. Thế rồi chợt một ngày có vài người ra đi không thấy trở lại. Làng xóm hoang mang, sợ sệt. Người dân không dám bàn tán, chỉ thầm thì rỉ tai truyền miệng. Cuối cùng chính quyền sở tại cũng biết được. Họ điều tra và ra thông cáo, khuyên bà con đừng nên vào rừng kiếm củi, hái nấm, bẻ măng. Kẻ thù bên kia không tha thứ cho bất cứ một ai, dẫu là dân nghèo khổ trắng tay. Biết vậy, nhưng người con gái thương cha mẹ già yếu thiếu thốn. Gia đình nghèo không biết lấy gì sưởi ấm, đun nấu trong mùa đông giá sắp đến. Do đó nàng đánh bạo theo chân người ta vào đây nhặt nhạnh vài gánh củi khô, dự trữ cho gia đình tạm dùng trong những ngày mưa gió cận kề. Nàng nghĩ mình thân gái không đến nỗi nào. Một, hai lần may mắn bình yên, nàng dự tính làm thêm vài chuyến là nghỉ không đi nữa. Ai dè, hết nạn người bị bắt cóc còn thêm nạn thú dữ lộng hành. Một buổi sáng, sau khi xong công việc đồng áng thấy trời còn sớm, về nhà ăn vội miếng cơm nguội, nàng sửa soạn đòn xóc, rựa tranh thủ vào rừng kiếm gánh củi. Cô gái làm thật mau, cố gắng xong việc để kịp về trước khi chiều xuống. Cây rừng dày đặc che khuất ánh sáng mặt trời khiến nắng chiều như chỉ còn thoi thóp. Đầy gánh củi, nàng vội vã quay về. Vừa vượt qua đoạn suối cạn, leo lên một triền dốc, đặt chân trên lối mòn thoai thoải dẩn ra bìa rừng, xa xa phía dưới là những cánh đồng và thôn làng loang loáng ánh nắng. Gánh củi nặng trĩu trên vai làm nàng trượt chân ngã lăn, trúng phải con rắn hổ lâu năm to bằng con trăn núi, đang cuốn mình rình mồi dưới lớp lá mục cạnh lối mòn. Cái đuôi con vật quật mạnh vào người làm cô gái đau đớn. Nàng vùng dậy cố chạy. Con vật không thả mồi, rượt theo mổ mạnh vào bắp chân. Thân thể nàng như chạm phải dòng điện cao thế, nẩy bật lên và đẩy nàng ngã dúi dụi bên bờ suối vắng. Con vật quấn lấy thân thể cô và siết mạnh. Nàng kêu gào đến, cố gắng vung tay chống đỡ trong tuyệt vọng. Cuối cùng sức lực mòn mỏi, nàng xuôi tay phó mặc định mệnh rồi thiếp đi với nỗi đau thương bi phẫn... 3- Tiếng reo của người y tá: ‘Cô gái tỉnh rồi’ kéo nàng ra khỏi cơn mơ hồi tưởng. Một người lính già mặc bên ngoài chiếc áo blouse trắng, khuôn mặt hiền lành, bước đến bên nàng đưa tay sờ trán. Trán nàng nóng hâm hấp và rin rít mồ hôi. Ông cúi xuống hỏi nhỏ: “Cháu còn đau nhiều lắm không?” Nàng gật đầu. Ông bảo: “Cháu nằm nghỉ khỏe, lát nữa có bác sĩ đến khám lại vết thương cho cháu nhé.” Rồi ông quay đi. Nửa tiếng sau, người y tá già quay lại với một bác sĩ quân y còn trẻ. Vị bác sĩ cẩn thận khám lại vết thương, nghe tim mạch, đo nhiệt độ, huyết áp rồi kê toa thuốc và nhỏ nhẹ báo cho nàng biết là nàng đã hôn mê hai hôm liền. Nếu nàng không được mang đến quân y viện kịp thời để truyền huyết thanh, chích vacxin và mổ vết thương hút nọc độc của rắn thì tính mạng đã bị nguy hiểm, nhưng bây giờ thì cơn nguy đã qua. Chỉ cần uống thêm vài loại kháng sinh và thuốc bổ, nằm nghỉ ngơi tịnh dưỡng vài hôm thì sẽ hồi phục như xưa. Nàng lí nhí nói lời cám ơn và hỏi: “Ai đã cứu cháu?” Vị y tá già lắc đầu, trả lời: “Chúng tôi không biết ai đã cứu cháu. Đại khái là cách đây hai hôm, vào buổi xế chiều có một chiếc xe Jeep quân đội bám đầy bụi đất đã đưa cháu đến đây trong tình trạng hôn mê. Cùng đi theo xe có một Hạ sĩ y tá và tài xế. Cả hai trang bị đầy đủ súng đạn và ba lô cá nhân. Họ bảo rằng đơn vị đóng đồn ở xa, trong một lần hành quân tuần tra an ninh khu vực trách nhiệm, họ đã phát giác cháu đang bị một con rắn hổ tấn công. Loài rắn nầy to lớn hung dữ, rất hiếm thấy ở đồng bằng. Chúng chỉ sống ở nơi rừng núi hoang vu, ít dấu chân người.” Ông chép miệng nói tiếp: “Rắn Mai tại chỗ, rắn Hổ tại nhà. Ông bà ta thường nói vậy. Cháu may mắn gặp được người đơn vị trưởng can đảm cứu thoát và sau đó cho xe đưa cháu đến cấp cứu tại quân y viện nầy. Các bác sĩ chuyên môn đã dành lại mạng sống cho cháu và chửa trị khỏi bị tật nguyền vì nọc rắn độc”. Người con gái im lặng. Một thoáng hồi tưởng. Nàng nhớ lại, mơ hồ có một người lính trẻ áo trận hoa rừng cúi xuống nâng nhẹ nàng dậy rồi sau đó nàng lịm vào cơn sốt cao độ. Trong mê sảng cô gái quên hẳn thực tại và nỗi kinh hoàng ám ảnh, chỉ còn thấy cái thân hình xù xì mốc meo gớm ghiếc của loài độc vật đang cuốn siết lấy thân thể nàng đau đớn. Người con gái hỏi tiếp: “Bác có biết tên họ vị ân nhân cứu cháu không?” Người y tá gật nhẹ đầu nói: “Khi làm thủ tục cho cháu nhập viện, Quân Y Viện đòi hỏi phải có công văn giới thiệu theo đúng nguyên tắc, nhưng những người lính trả lời rằng họ đang hành quân, không mang theo giấy tờ giới thiệu. Cô gái là thường dân, họ thấy chết thì cứu. Họ chỉ làm theo lương tâm và mệnh lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp, ngoài ra họ không biết gì hơn. QYV hỏi tên đơn vị và người chỉ huy. Hai người lính nói họ thuộc một tiểu đoàn Biệt Động Quân, đại đội trưởng của họ đã cứu cô gái. Chỉ đơn giản như vậy rồi họ lẳng lặng ra đi”. Người y tá già ngừng nói, nhẹ nâng nàng dậy, cho uống mấy viên thuốc, đắp lại cái chăn, rồi kéo ghế ngồi xuống cạnh giường, nói tiếp: “Khi những người lính đi rồi, các vị bác sĩ ở đây rất bối rối trước tình trạng vô lý lịch của cháu. Họ phân vân chưa biết phải xử trí như thế nào. Một đàng là trách nhiệm, một đàng là lương tâm của người thầy thuốc. Họ đắn đo, cân nhắc. Nhưng khi nhìn cháu vật vã đau đớn, tính mạng đang nguy kịch, họ quyết định phải kịp thời giành lại mạng sống cho con người trước đã.” Ông chậm rãi lau đôi mục kỉnh rồi tiếp lời: “Họ đã có một quyết định đúng đắn. Mạng người là quý giá, dẫu là kẻ thù hay của ai đi nữa thì họ cũng không có quyền từ khước mà quên đi thiên chức”lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc. Cháu trạc tuổi bằng con gái của bác mà vì sao đến nông nỗi nầy? Tội nghiệp quá.” Nỗi niềm thầm kín thương tâm bị dồn nén từ lâu trong lòng người con hiếu nghĩa như mạch nước tràn bờ. Những giọt nước mắt thấm đẫm nỗi đau cuộc đời của người con gái tuổi đôi mươi chưa một lần biết đến hạnh phúc là gì đã làm người y tá già mủi lòng. Nàng đau nỗi đau của người anh một ngày bỗng trở thành phế nhân vì mìn bẫy chiến tranh. Nàng xót xa nhìn sự nghèo khó của gia đình gặm nhắm lần hồi sức khoẻ vốn đã mỏng manh như tơ liễu của cha mẹ. Nàng vất vả một nắng hai sương cũng chỉ ước mong gia đình có được ngày ba bữa no đủ. Cuộc đời nàng như một ốc đảo cô đơn không hề biết đến lạc thú riêng tư. Và hạnh phúc của người con gái cũng âm thầm lắng xuống dần theo với thời gian năm tháng. Nàng sụt sùi giải bày hết nỗi niềm tâm sự như để giải tỏa, san sẻ bớt phần nào nổi bất hạnh của một người vốn quá nặng tình với gia đình. Người y tá già kiên nhẫn lắng nghe rồi thở dài, xót xa cho thân phận không may của cô gái xa lạ. Ông chỉ biết nói lời an ủi và khuyên nàng nên cố gắng tịnh dưỡng cho bình phục để sớm trở về với gia đình. Ba ngày sau, cha mẹ người con gái từ dưới quê dắt díu nhau tìm đến QYV. Trông ông bà già lọm khọm đến tội nghiệp. Họ được người y tá hướng dẫn vào gặp đứa con gái. Hôm nay nàng đã hồi phục, khuôn mặt bắt đầu có lại sắc hồng. Các bác sĩ bảo chỉ cần ăn uống bồi dưỡng chút đỉnh là sẽ trở lại bình thường. Bất ngờ gặp lại cha mẹ, người con gái xúc động không cầm được nước mắt. Ôm mẹ trong vòng tay nàng khóc kể những điều nguy biến đã xảy ra, những lo lắng của nàng trong thời gian không có mặt ở gia đình. Ông bà già rưng rưng nước mắt, thương con gái hiếu nghĩa gặp chuyện không may. Nàng hỏi: “Sao cha mẹ biết con ở đây?” Ông già chậm rải kể: “Chiều tối hôm đó và cả ngày hôm sau chờ mãi không thấy con về. Cha mẹ lòng nóng như lửa đốt, chạy hỏi tin tức quanh xóm, nhưng không ai biết. Cả nhà chỉ biết nhìn nhau khóc. Cha muốn vào rừng tìm con, nhưng thằng Hai và cả xóm can ngăn không cho đi. Cuối cùng chỉ còn biết thắp nhang van vái, cầu nguyện cho con an lành. Mãi đến buổi trưa ngày kế, ông ấp trưởng dẩn đến nhà mình một vị sĩ quan trẻ tuổi, cùng đi theo anh ta có cả một toán lính áo trận hoa rừng. Người sĩ quan kể sơ lược câu chuyện xảy ra bên bờ suối rồi đưa cây đòn xóc và chiếc rựa đi rừng để chứng minh. Cha mẹ mau chóng nhận ra đúng là đồ dùng của nhà. Người lính trẻ cho biết đã đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện. Anh ta ghi lại địa chỉ, nơi con đang nằm điều trị rồi lẳng lặng cùng với toán lính ra đi. Tin bất hạnh đến quá đột ngột, cha mẹ bàng hoàng đau xót, đầu óc như tê dại, quên bẵng nói lời cám ơn những người lính ân nhân, đến khi sực nhớ ra thì họ đã bỏ đi rồi. Về sau hỏi thăm mới biết người sĩ quan đó đang chỉ huy một đơn vị đóng tiền đồn ở vùng rừng núi biên giới nằm cạnh quận lỵ, gần nơi gia đình đang ở.” Ông lão thở dài, dặn dò: “Con ghi nhớ câu chuyện nầy để ngày sau có dịp đền đáp.” Ngày hôm sau người con gái được phép xuất viện. Câu chuyện thương tâm và tấm lòng hiếu thảo của nàng đã lan truyền khắp bệnh viện làm mọi người cảm động. Họ tặng nàng ít quần áo, tiền bạc đi đường. Bệnh viện cũng biếu một số thuốc men cần thiết và món quà kỷ niệm. Giã từ những vị ân nhân xa lạ với nỗi lòng bồi hồi, xúc động, nước mắt rưng rưng, nàng nghẹn ngào không thốt nên lời, chỉ biết cúi đầu cám ơn những tấm lòng nhân ái bao la của bác sĩ, sự chăm sóc tận tụy của những người y tá không quen biết. Họ đã mang đến cho đời nàng cả một trời yêu thương. Họ đã giúp nàng thắp sáng niềm tin để tiếp tục sống. Và nàng đã hiểu được rằng, trong cõi đời hỗn mang trầm luân nầy không phải chỉ riêng mỗi mình nàng gánh chịu đau khổ mà còn biết bao kẻ cùng chung số phận nghiệt ngã, trong đó có những người lính sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, nhưu những thương binh đau đớn quằn quại với vết thương đục khoét thân thể, những thanh niên tàn tật, âm thầm chịu đựng nỗi bất hạnh mất đi một phần thân thể quý giá... Cũng như người sĩ quan ân nhân kia, đã không thiết nghĩ gì đến riêng mình khi lao vào cuộc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ xóm làng, dân chúng. Cũng như những người lính trung nghĩa không quen biết kia, đã tuân lệnh cấp trên, dũng cảm phóng xe chở nàng đi cấp cứu, bất chấp những họng súng tử thần, những mìn bẫy chết chóc của kẻ thù. Họ hầu như quên bẵng bản thân mình và những hạnh phúc riêng tư để cho người đời có được cuộc sống bình an. Nàng tự hỏi: “Nếu không có họ thì chốn rừng sâu núi thẳm kia đã là huyệt mộ âm thầm vùi lấp cuộc đời thanh xuân của nàng, và những người thân còn lại của nàng sẽ sống như thế nào đây?” Cô gái lần bước trở về mái nhà thân yêu mà nước mắt đoanh tròng. Nàng khóc cho thân phận mình, cho thế hệ tuổi trẻ đất nước trót sinh ra trong thời buổi loạn ly. Nàng khóc trong nỗi niềm xúc động của con người vừa mới hồi sinh. 4- Câu chuyện xảy ra của những năm về trước cũng chìm dần vào quên lãng. Người con gái sau khi bình phục trở về làng xưa đã phải tất bật với cuộc mưu sinh hàng ngày. Tất cả khẽ khàng lắng xuống, theo với thời gian trở thành quá khứ, và chỉ còn là kỷ niệm trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn cô gái.
Chiến trận bùng nổ mỗi ngày một thêm khốc liệt, lan dần từ biên giới đến quận lỵ rồi phủ chụp xuống vùng đất quê hương nhỏ nhoi, hiền lành của người con gái. Cuộc sống người dân càng thêm cơ cực. Nỗi khốn khó không chỉ đơn thuần là cơm gạo mà cả trong giấc ngũ yên lành cũng bị khuấy động, khi đêm về giặc cũng lén lút tìm bắt người đi dân công hoặc ép buộc đóng góp nuôi quân... Lính quốc gia không đủ nhân số để dàn trải ra bảo vệ thôn làng. Người dân sống trong nỗi thấp thỏm lo sợ cả vật chất lẫn tinh thần. Gia đình của cô gái cũng cùng chung số phận. Nàng không gánh vác hết được những oan nghiệt cứ diễn ra nhan nhản hàng ngày. Người dân căm hận, họ cắn chặt môi đến bật máu để đè nén sự phẩn uất. Nước mắt họ đổ ra âm thầm để tiễn đưa người thân không may vừa nằm xuống, hay bị bắt đi làm tôi tớ cho lũ người hiếu sát. Người anh trai tật nguyền của nàng cũng không được hưởng phần ngoại lệ. Vào đêm anh bị bắt đi, mẹ nàng rũ xuống như một thân lá úa. Cảnh thiếu thốn, lo sợ cộng thêm nỗi buồn phiền, mất mát người con trai, bà mẹ như không còn sức lực chịu đựng nỗi nghịch cảnh thương đau. Tuổi già sức yếu, cụ ngã bệnh nặng nằm liệt giường và trong một ngày buồn thảm, cụ đã từ giả cõi đời ra đi vĩnh viễn, để lại cho người thân nỗi uất hận, đau đớn không nguôi. Vùng đất bình an của người con gái bị nạn năm xưa bỗng dậy sóng, ngập tràn khói lửa và tang tóc, nhưng cha con nàng vẫn cố bám lấy mảnh đất quê hương, nơi có nấm mộ bà mẹ hiền lành vừa nằm xuống và chờ đợi mong manh, hy vọng có ngày anh trai sẽ trở về. Thế rồi không bao lâu sau đó, quận lỵ nơi chôn nhau cắt rốn của nàng bị địch cưỡng chiếm và áp đặt bộ máy cai trị theo kiểu CS. Căn cứ tiền đồn BĐQ, nơi có vị sĩ quan trẻ tuổi nàng chưa hề biết mặt bị bao vây, ngày đêm hứng chịu những trận mưa pháo dồn dập như rung chuyển đất trời. Những trận đánh đẫm máu liên tiếp diễn ra đã nhận chìm mảnh đất nhỏ nhoi xuống tận cùng vực thẳm. Nàng liên tưởng đến số phận những người lính trung dũng, nghĩa nhân đã cứu sống nàng mà chẳng hề bao giờ nghĩ đến chuyện ơn nghĩa. Họ bây giờ ra sao? Còn sống hay đã chết? Nàng theo dõi cuộc chiến dửng dưng như một người ngoài cuộc. Nàng không biết phải làm thế nào để giúp đỡ những người lính nghĩa tình kia. Cho đến một đêm, bỗng có nhiều tiếng máy bay vần vũ trên bầu trời biên giới rồi sau đó là những chùm tiếng nổ đinh tai điếc óc kéo dài do tiếng bom từ phi cơ thả xuống, san bằng ngọn đồi máu thành bình địa. Sáng hôm sau, nghe dân chúng to nhỏ thì thầm là đơn vị của người ân nhân trẻ tuổi kia đã âm thầm rút đi, sau đó Không quân đã đánh bom ngay trên đồi, chôn sống tập thể hàng tiểu đoàn lính xâm lược Bắc Việt. 5- Sau ngày 30-04-75, cả miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản. Cuộc đổi đời bi thảm nhất trong lịch sử đã dìm cả một dân tộc vào tận cùng vực thẳm đen tối bắt đầu. Thân phận người con gái cũng không may mắn gì hơn. Ngày ngày nàng quần quật trên những cánh đồng cằn cỗi thiếu phân bón, lam lũ từ tờ mờ sáng đến tối mịt vẫn không đủ cơm áo lo cho hai miệng ăn, lo thuế má hợp tác xã và lo đóng góp trăm thứ công nợ. Nàng vay mượn ít vốn xoay qua đi buôn thì lại bị CS phê bình, kiểm điểm là chây lười lao động, bỏ nhiệm vụ sản xuất để trở thành giai cấp bóc lột. Tất cả mọi giải pháp đều trở nên bế tắc. Nàng rơi vào tình thế tuyệt vọng. Đã bao đêm thao thức trằn trọc, nàng âm thầm khóc thương mẹ, thương anh, thương cha già đau ốm kéo dài mà không có thuốc thang chữa trị, rồi nàng cũng thương cho số phận hẩm hiu của mình. Cuộc sống sầu thảm cứ kéo dài triền miên, người con gái hầu như quên bẳng tuổi xuân và tình cảm cũng già nua chồng chất theo với tháng năm cơ cực. Cho đến một ngày cuộc đời nàng bắt đầu bước vào một khúc quanh định mệnh. Vùng đất rừng núi hẻo lánh quê nàng bỗng mọc lên những trại tù. Hàng đoàn tù nhân chính trị nằm trong chính quyền và quân đội miền Nam bị đưa đến đây giam cầm và lao động khổ sai. Cũng chính thời gian đó cha nàng ngã bệnh nặng. Những đêm thức trắng canh giấc ngũ cho cha già, cô gái đã suy nghĩ thật nhiều đến chữ hiếu, đến người y sĩ công an là cán bộ trạm trưởng y tế của trại giam lớn tuổi hơn cô cả con giáp, từ bấy lâu nay đã đeo đuổi, tán tỉnh nhưng lòng nàng vẫn dửng dưng nguội lạnh. Cuộc đời nàng chưa bao giờ nghĩ đến tình yêu, trái tim nàng chưa hề một lần biết rung động của vị ngọt lứa đôi, mà lòng thì luôn khát khao một hình bóng nhân hậu, phong trần và kiêu bạc như người sĩ quan trẻ tuổi năm nào đã thoáng qua đời nàng. Bệnh tình cha già mỗi ngày một thêm trầm trọng. Trong lúc nàng cứ mãi cắn đắng, ray rứt hoài với lời cầu hôn của người đàn ông mà nàng không hề để tâm. Cuối cùng vì quá thương người cha duy nhất còn lại trên đời, nàng đành nhắm mắt vì chữ hiếu hy sinh, chấp nhận làm vợ một người đang nắm giữ quyền lực trong tay để cha nàng được can thiệp đưa đi bệnh viện tỉnh cứu chữa. Những ngày hoa mộng của tình yêu lứa đôi, của hạnh phúc vợ chồng, vĩnh viễn không có trong cuộc đời con gái. Nàng sống âm thầm đau khổ, những cơn bão lòng xô xát không nguôi cứ cấu xé tâm hồn. Nàng cam chịu phần số bạc bẽo mà định mệnh đã an bày. Người con gái bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời hiu quạnh đã chẳng bao giờ tìm được cho con tim mình một dung nhan tình yêu đích thực. Tình yêu của nàng chỉ là ảo tưởng, chỉ là áng mây trôi. Tình yêu của nàng không tự nguyện mà chỉ là một cuộc đổi chác ép buộc ghê tởm, do đó đã là nỗi đau hằn sâu muôn thưở trong tâm tưởng người con gái, như vết răng rắn độc đã cắn nàng năm nào còn mãi in đậm dấu trên thân xác. Nàng vĩnh viễn chẳng bao giờ tìm được cho đời mình một bến đậu bình yên. Nàng lại nhớ những người ân nhân năm xưa, nhớ vị sĩ quan VNCH trẻ tuổi đã cứu nàng thoát hiểm. Những con người có tấm lòng cao thượng và đáng yêu. Họ thi ân mà không cầu báo. Không biết bây giờ họ còn sống hay đã chết? Nếu đã chết, thì thân xác họ có được vun đắp cho một nấm mồ không? Và có ai thắp cho họ nén nhang sưởi ấm tấm thân đã nằm xuống vì đại nghĩa quốc gia dân tộc? Nhược bằng nếu còn sống, thì họ hiện đang trôi giạt phương trời nào? Hay cũng chỉ là những người tù khổ sai không bản án, đang lây lất kéo lê kiếp sống tàn tạ trong gông cùm xiềng xích của kẻ thù, sau ngày buồn đau 30-04-75. Họ là những kẻ chiến bại nhưng vẫn luôn luôn ôm ấp một hoài bão, một niềm tin tất thắng của quốc gia dân tộc trước chủ nghĩa cường bạo khát máu. Họ vẫn dư thừa khí tiết của một kẻ sĩ, chấp nhận nuốt những lát khoai mì thâm đen khăm khẳm thay cơm nhưng vẫn mơ đến vừng hồng bình minh của lý tưởng tự do và dân chủ. Họ hoàn toàn khác biệt với những bè lũ của chồng nàng, những con người luôn luôn được bốc thơm, tô hồng. Và không chừng biết đâu họ lại có mặt trong đoàn tù nhân ngày ngày bị áp giải đi lao động khai rừng phá núi, biến sỏi đá thành cơm (sic). Người con gái tuổi đôi mươi mỉm cười cay đắng và khinh bỉ. Một chiêu bài dân chủ “giả tạo”, một thứ hạnh phúc “đỏ” của CS vì đã nhuộm quá nhiều máu của dân chúng. Những người lương dân đã bị phỉnh phờ, lường gạt quá nhiều rồi. Hãy dẹp đi những thứ quỷ quái đó, không còn ai tin vào những trò lừa bịp hạ tiện ấy nữa. Người con gái bỗng điên loạn. Cũng như nàng, vì muốn cứu cha già, đành phải nuốt nhục, đánh đổi cả đời con gái cho tên đồ tể Bắc Việt. Tự do gì mà cùm gông, xiềng xích, tù đày dẫy đầy trên đất nước? Thống nhất ở đâu mà phải ngăn sông cấm chợ? Độc lập gì mà máu chảy thành sông, xương cao thành núi? Hạnh phúc nào khi cha mất con, vợ mất chồng, người người bị tước đoạt tài sản và bị kết tội là “phản động”... Ôi, muôn vạn điều đau đớn, bất công phủ dày lên thân phận tội nghiệp của cả một dân tộc hiền hòa. Mọi người căm phẩn nhưng không thể nói ra thành lời. Tất cả chỉ còn là nước mắt tức tưởi, hờn căm ngày đêm âm thầm đổ xuống, chảy tràn theo suốt cả chiều dài đất nước và tiếp nối đi qua nhiều thế hệ con người... Người con gái rũ xuống mê thiếp trong nỗi đớn đau cùng phẩn. Trong cơn hôn mê, nàng không còn mơ thấy chàng sĩ quan trẻ tuổi hào hùng, kiêu bạc. Nàng cũng không còn thấy những vị bác sĩ và những y tá dịu dàng hiền lành, cứu người mà không cần biết kẻ đó là ai, thù hay bạn. Và còn nữa, nàng cũng không còn nhìn thấy những người lính trận trung nghĩa dũng cảm, khoác áo hoa rừng oai hùng, đang phóng xe chở nàng đi cấp cứu... Tất cả đã vĩnh viễn không còn trong tâm thức của người con gái hiếu thảo, đảm đang nhưng một đời lận đận. Cứ những tưởng hết chiến tranh là có thể bắt đầu lại một cuộc sống tươi đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Bom đạn ngừng rơi là có thể tạo dựng một căn nhà mới, vá víu lại cuộc sống đã bị hủy diệt quá nhiều. Thế nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng, là hoang đường. Bắt đầu chấm dứt một cuộc chiến tranh bằng xương máu và thây người, thì cũng là lúc khởi đầu cho một cuộc chiến khác, bạo ngược và nham hiểm hơn: cuộc chiến tranh không có địch thủ của một lũ người cuồng tín, giáo điều đã nhẫn tâm dìm chết cả một dân tộc xuống cái ao tù tanh tưởi, hôi hám, ô trọc của Chủ nghĩa CS, mãi mãi muôn đời, không thể hồi sinh.
|