Menu
Menu

Sĩ Quan Tuỳ Viên cuả Đại Tướng

Cựu Sĩ Quan Tùy Viên Đặng kim Thu


Ban Biên Tập: Bài viết trình bày các dữ kiện liên quan đến một giai đoạn đầy khó khăn chuyển tiếp từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hoà. Xin dành quyền nhận xét các nhân vật lịch sử cho quý vị độc giả.

(Tiếp theo)

Lời nói đầu: Bài viết này góp nhặt những điều tôi được nghe kể bởi các giới chức có thẩm quyền và ở “trong cuộc”, rất khả tín, với mục đích cống hiến cho quý độc giả biết thêm về những chuyện “vụn vặt, lỉnh kỉnh” ở hậu trường chính trị.

Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà sụp đổ mà hầu như ở giai đoạn này đất nước thiếu vắng lãnh tụ anh minh, người cầm quyền thì thiếu bản lĩnh và khôn ngoan để tránh cho đất nước tránh những xáo trộn đáng tiếc, thậm chí những đổ vỡ tai hại. Một số có binh quyền nhưng chưa tột đỉnh lại ôm mộng “công hầu” muốn ”tranh bá đồ vương”, thêm vào đó “đồng minh” lại xen vào nội bộ chính phủ hơi nhiều. Bên ngoài thì CS gia tăng đánh phá khắp mọi nơi ở vùng quê, khiến cho đồng bào hoang mang, xã hội bất ổn, nước nhà nghiêng ngửa, nhân tâm ly tán,

Người đời thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy.” mà tôi chỉ nghe chứ không thấy rồi viết lại như một “chuyện kể” cho nên kính xin quý vị thuộc hàng niên trưởng của tôi trong quân đội và quý vị trưởng thượng mắt có chứng kiến các sự kiện mà trong phần nội dung bài viết này có sai sót, kính xin quý vị giúp ý kiến sửa sai hoặc bổ khuyết thì thật là vạn hạnh cho tác giả.

Cựu Sĩ Quan Tùy Viên Đặng kim Thu.>

Một lần khác tôi lại qua Virginia thăm Đại Tướng Viên. Thầy trò chẳng có chuyện gì mới để nói, nên ông cứ chuyện xưa tích cũ kể lại cho tôi nghe, vì tôi ở bên cạnh ông cả ngày.

Đại Tướng Viên nói,

Ngày 5-11-63, ông Khiêm gọi điện thoại cho ông Viên để cho biết ông Khiêm đã quyết định cho ông Viên trở về lại Lữ Đoàn Nhảy Dù. Ông Khiêm nói với ông Viên trong điên thoại: “Họ âm mưu giết “ông cụ” (Tổng Thống Diệm) nhưng tôi không biết nên không làm sao ngăn cản được. Ông Minh hoàn toàn quyết định cả. Ông Đôn, ông Xuân, ông Kim, và cả ông Đỗ Mậu cũng đều đồng lòng như vậy. Thôi thì chuyện đó cũng đã qua rồi, có thương tiếc ông cụ cũng không làm ông sống lại được. Nhưng còn nữa chưa hết đâu. Anh (Đại Tá Viên) về Lữ Đoàn Nhảy Dù, ráng nâng cao tinh thần anh em sĩ quan và binh sĩ trở lại sau mấy ngày bị chao đảo vì đảo chánh... Đợi đó!”Sinh nhật của Đại Tướng Viên năm 2004 (Tác giả đứng, người thứ ba từ bên phải.)

Đại Tướng Viên nói tiếp: Sau khi ông tham dự vào cuộc “chỉnh lý” với Tướng Khiêm xong ông mới biết rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn tới “chỉnh lý” không phải chỉ có chuyện các ông ấy muốn trung lập thân Pháp không mà thôi, ngoài ra còn một động lực chính khác nữa.

Tháng 12-1963, ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara trong buổi họp với Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ và Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (HĐQNCM), có đưa ra các đề nghị và khuyến cáo một số vấn đề trong đó có 2 việc quan trọng đối với ý muốn của người Mỹ. Đó là:

*Hoa Kỳ đề nghị đưa cố vấn Mỹ xuống tới cấp tiểu đoàn và chi khu (quận).

*Tiến hành dội bom phiá bắc Vĩ Tuyến 17, ở vùng Vĩnh Linh, Đồng Hới.

Nhưng Thủ Tướng Thơ và Tướng Minh, Đôn, Xuân, Kim cương quyết gạt bỏ cả 2 đề nghị này.

Đề nghị thứ nhứt sẽ khiến cho các tiểu đoàn trưởng và các chi khu trưởng có cảm nghĩ rằng họ bị lệ thuộc vào cố vấn và đó cũng là lý do cho VC tuyên truyền rằng chúng ta là lính đánh thuê.

Đối với đề nghị thứ hai: dội bom phiá bắc Vĩ Tuyến 17 sẽ làm cho VNCH mất chính nghĩa trong cuộc chiến tự vệ mà chúng ta đang được dân chúng ủng hộ. Ngoài ra, chúng ta sẽ bị quốc tế lên án là muốn mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Chúng ta bị cho là kẻ gây chiến chứ không phải là tự vệ.

Về phần của Đại Sứ Cabot Lodge, ông đề nghị với Tướng Minh mỗi tuần gặp nhau họp một lần để cả hai thảo luận về chính sách của quốc gia và công việc hàng tuần của chính phủ. Tướng Minh cũng khước từ và nói rằng khi nào có việc gì cần thì mới gặp nhau chứ không nhất thiết phải gặp hàng tuần. Vì lý do đó mà Đại Sứ Lodge nghĩ rằng ông Minh không muốn hợp tác với ông nên tỏ thái độ không bằng lòng ông Minh.

Qua thăm dò của Đại Sứ Lodge và Tướng Paul Harkins, Trưởng Phái Bộ Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam, thì HĐQNCM do Tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch, và chánh phủ do ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Thủ Tướng, không phải là những người dễ bảo, mà cũng không phải là những cộng tác viên tốt đối với kế hoạch leo thang chiến tranh của Tổng Thống Johnson, vì vậy cần thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo cho phù hợp với sách lược của Hoa Kỳ.

Còn ông Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara thì sau chuyến viếng thăm VN hồi tháng 12-63 trở về đã báo cáo cho Tổng Thống Johnson rằng tình hình hiện nay có thể sẽ dẫn tới một chính phủ trung lập ở miến Nam VN, hoặc một chính phủ bị ảnh hưởng Cộng Sản, hoặc do CS kiểm soát; trừ khi chúng ta (Mỹ) ra tay sớm để đảo ngược tình thế trong một thời gian càng nhanh càng tốt.

Dựa theo báo cáo trên, tổng Thống Johnson hoàn toàn thất vọng với HĐQNCM do Tướng Minh lãnh đạo, nên ông muốn tìm một người khác để thực hiện chính sách và mục tiêu của ông.

Đại Sứ Lodge và Tướng Paul Harkins biết rỏ trong hàng ngũ tướng lãnh lúc đó, ngoài Tướng Khiêm còn có thêm Tướng Khánh cũng tỏ ra bất mãn vì trong ngày đảo chánh 1-11-63 tướng Khánh chần chừ đến gần sáng ngày 2-11 mới gửi công điện ủng hộ HĐQNCM. Vì lý do đó, ông Minh không cho thăng cấp và cũng không được chia tiền như các tướng khác trong HĐQNCM. Ông Khánh nghe tin mình không được thăng cấp bèn bay vào Saigon năn nỉ Tướng Dương văn Minh xin thêm một sao. Tướng Minh xiêu lòng nên đồng ý cho thăng trung tướng. Ông Khánh bèn chạy đi mua cặp lon mới, đem thẳng tới nhà Thủ Tướng Thơ nhờ gắn lên bâu áo.

Dù được thăng cấp nhưng Tướng Khánh cũng không được Tướng Minh cho vào thành viên của HĐQNCM, lại còn bị Tướng Minh đưa ra Đà Nẵng hoán chuyển với Tường Đỗ Cao Trí. Do đó, ông Đại Sứ Cabot Lodge và Tướng Harkins nhắm vào 2 ông Khánh và Khiêm, để thúc đẩy 2 ông đứng ra tổ chức cuộc đảo chánh với mỹ từ là “chỉnh lý”. Sau khi cân nhắc kỹ để chọn người thì họ thấy Tướng Khiêm có ưu thế hơn Tướng Khánh. Tướng Khiêm đang ở Saigon lại là thành viên nòng cốt trong HĐQNCM nên ít bị nghi ngờ và dễ điều động quân hơn là Tướng Khánh ở tận ngoài Đà Nẵng mà lại không phải là thành viên của HĐQNCM nên rất khó điều quân mà không bị bại lộ.

Muốn cho Tướng Khiêm có quân trong tay, khởi đầu Đại Sứ Lodge và Tướng Harkins liên tục gây sức ép đưa ý kiến với Tướng Minh rằng Tướng Tôn Thất Đính đang giữ 2 chức vụ rất quan trọng: Tổng Trưởng An Ninh kiêm tư Lệnh Quân Đoàn III. Cùng lúc đảm nhiệm 2 chức vụ e rằng Tướng Đính khó chu toàn nhiệm vụ, vậy nên cần phải giao bớt chức Tư Lệnh Quân Đoàn III lại cho Tướng Khiêm. (Chuyện này Tướng Khiêm cũng không biết trước, chỉ khi “chỉnh lý” xong mới biết. Lúc đầu, Tướng Khiêm cứ tưởng rằng Tướng Minh hạ tầng công tác mình.)

Kết quả là ngày 5-1-64, HĐQNCM ra quyết định giao cho Tưóng Khiêm đảm nhận chức vụ Tư Lệnh QĐ III, thay thế Tướng Đính ngay khi Tướng Khiêm vừa từ Đại Hàn tham dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Phác Chính Hy trở về.

Riêng đối với Tướng Harkins, trước đây ông đã có nhiều thiện cảm với Tổng Thống Diệm, nên khi TT Diệm bị sát hại ông tỏ ra có nhiều ác cảm với các tướng chủ truơng giết TT Diệm. Do đó, ông ta có nhiều hoạt động âm thầm và rất tích cực để hỗ trợ cho Tướng Khiêm tiến hành cuộc “chỉnh lý” một cách êm thắm không đổ máu.

Sau khi thực hiện cuộc “chỉnh lý” xong, Tướng Khiêm ẩn vào hậu trường, không tham dự cuộc họp báo, giao cho Tướng Khánh chủ tọa và làm chủ tịch HĐQNCM thay thế Tướng Minh và đứng lập chính phủ mới, giải tán chánh phủ Nguyễn ngọc Thơ. Đến lúc này thì chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được điều họ mong muốn là có người lãnh đạo mới, khả dĩ họ tin tưởng người đó để sẵn sàng hợp tác với họ trong kế hoạch leo thang chiến tranh.

Quả đúng như vậy. Chỉ một tuần lễ sau ngày “chỉnh lý”, Tướng Khánh chấp thuận cho việc đưa cố vấn Mỹ xuống đến cập tiểu đoàn và chi khu, mà trước đây Tướng Minh không đồng ý.

Trong suốt thời gian Tướng Khánh cầm quyền, Hoa Kỳ đã ráo riết chuẩn bị gia tăng cường độ chiến tranh mà cao điểm là biến cố tàu Maddox ở vịnh Bắc Việt, dẫn đến việc Hoa Kỳ ném bom miền Bắc và tăng thêm số cố vấn Mỹ lên đến 23.000 người.

Nắm được quyền lực trong tay và được Mỹ hỗ trợ, Tướng Khánh bắt đầu thoả mãn ý muốn của Hoa Kỳ một cách nhiệt tình, ký thoả hiệp cho Mỹ xây dựng quân cảng Cam Ranh, thiết lập các căn cứ trên đất liền cho bộ tư lệnh cấp sư đoàn, mở thêm các phi trường quân sự phục vụ cho cuộc hành quân.

Quốc Trường Phan khắc Sửu (bên trái) và Đại Tướng Nguyễn Khánh

Đối với nội bộ, Tướng Khánh bắt đầu thực hiện các thay đổi nhân sự mà trước đây Tướng Minh đã sắp xếp:

*Trung Tướng Trần Thiện Khiêm: Tổng Tư Lệnh Quân Đội, kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng.

*Thiếu Tướng Lâm Văn Phát: Tư Lệnh QĐ III, thế chỗ Tướng Khiêm.

*Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng: Tư Lệnh QĐ I, thế chỗ của Tướng Khánh.

*Đại Tá Nguyễn chánh Thi:Tư Lệnh Sư Đoàn 1, thay thế Đại Tá Trần Thanh Phong.

* Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, nguyên Tư Lệnh QĐ IV, được Tướng Khánh cho trở lại phục vụ.

*Trung Tá Lê nguyên Khang: Trong ngày đảo chánh 1-11-63, bị xem là người tín cẩn của TT Diệm nên ông cũng bị quản thúc tại Tổng Tham Mưu. Tại Bộ Tư Lệnh TQLC, Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên, tham mưu trưởng kiêm lữ đoàn phó, vì là cháu vợ của Đại Tá Đỗ Mậu và đã được móc nối từ trước, đứng ra điều động TQLC tham gia đảo chánh được Tướng Minh cho lên trung tá, thay thế luôn Trung Tá Lê Nguyên Khang làm Tư Lệnh TQLC. Sau đó, ông Khang được chỉ định đi làm tuỳ viên quân sự ở Phi luật Tân.

*Hải Quân Trung Tá Lê Ngọc Lực, người được coi như đã giết Hải Quân Đại Tá Hồ tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân, ở Thủ Đức sáng ngày 1-11-63, được thăng trung tá, được cử đi làm tổng lãnh sự ở Thái Lan. Khi được Tướng Khánh gọi về Saigon, Tr/T Lực sợ bị trả thù nên đào ngũ trốn luôn ở nước ngoài.

Tôi xin mở ngoặc nói rõ hơn về cái chết của Đại Tá Hồ tấn Quyền mà tôi được nghe Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Sông Ngòi ở Đồng Tâm kể lại, nhân dịp ông ghé Chi Khu Chợ Gạo dùng cơm trưa với Đại Tá Tỉnh Trưởng Chung Văn Bông sau khi 2 ông đi thanh tra hoạt động của Giang Đoàn 56 tuần thám trên kinh Chợ Gạo hồi tháng 1-73 mà tôi là chi khu trưởng.

Sáng ngày 1-11-63, lúc Đại tá Quyền đang đánh quần vợt thì Thiếu Tá Lực và Đại Úý Nguyễn Kim Hương Giang đến mời Đại tá Quyền đi Thủ Đức để mừng sinh nhật của ông, do vài sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh HQ tổ chức.

Mới đầu Đại tá Quyền từ chối. Ông nói rằng Tổng Thống có thể gọi bất cứ lúc nào nên không muốn đi xa. Th/T Lực nài nỉ mãi và nói rằng vì anh em sĩ quan muốn dành sự ngạc nhiên cho Tư Lệnh nên không báo sớm cho biết. Cuối cùng thì Đ/T Quyền đồng ý.

Trên xe có 3 người: Đ/T Quyền cầm lái, Th/T Lực ngồi ghế trước, Đ/U Giang ngồi băng sau. Sắp tới Thủ Đức, Th/T Lực thình lình rút lưỡi lê dấu trong người ra khống chế ĐT Quyền bắt quẹo vô con đường nhỏ. Đ/T Quyền lủi xe vào lề và chống cự lại. Vì giỏi võ Nhu Đạo và mạnh hơn Th/T Lực nên ông quyền đã đoạt được con dao.

Thấy tình thế nguy hiểm nếu Đại Tá Quyền thoát được, Đ/U Giang liền rút súng ra bắn chết Đ/T Quyền.

*Đại tá Trần ngọc Huyến, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia, Đà lạt.

Theo lời kể của Tướng Đôn cho Đại Tướng Viên ghe. Trong ngày đảo chánh 1-11-63, Đ/T Huyến, điều động sinh viên sĩ quan của Trường VB ra chiếm cứ các công sở và đài phát thanh Đà lạt, tự xưng là Tổng Trấn Đà lạt. Ông đã ra lệnh bắt Thiếu tá Phước, thị trưởng; rồi bắt thêm 2 người con của ông bà Ngô đình Nhu (Ngô đình Trác và Ngô đình Quỳnh), đang nghĩ mát ở Biệt Điện số 2 (Nhà nghỉ mát của ông bà Nhu), và giải giao về Saigon cho HĐQNCM.

Tướng Minh và Tướng Mai hữu Xuân dự mưu gọi bà Nhu, đang ở ngoại quốc, về nhận 2 đứa con rồi bắt giam và lập hồ sơ đưa ra toà xét xử. Tướng Đôn không đồng ý, nói: “Chồng và anh chồng của bà ấy vừa chết. Bắt giam bà ấy đưa ra toà là thất đức lắm. Vả lại bà ta không ngu dại gì mà về.” Đang nói qua lại thì bà Nhu từ Pháp gọi về ngay văn phòng của Tướng Đôn, có Tướng Minh và Xuân đang ở đó. Khi Tướng Minh bốc điện thoại lên thì bà Nhu hỏi ngay về 2 đứa con của mình. Tướng Minh trả lời: “Chúng tôi hiện đang giữ 2 đứa con của bà đây. Vì tụi nó còn vị thành niên nên cần có bà về nhận lãnh. Chúng tôi sẽ giao lại cho bà.”. Bà Nhu quát to trong điện thoại: ‘Tôi không dễ bị bọn người phản bội âm mưu lường gạt để bắt tôi. Các ông muốn làm người hùng thì có giỏi giết luôn 2 đứa con của tôi đi!” Nói xong, bà Nhu cắt máy điện thoại. Sau đó, Tướng Đôn lo thủ tục xuất cảnh và mua vé máy bay cho 2 con của bà Nhu qua Pháp, và báo cho bà Nhu ra đón.

Khi đảo chánh thành công, Đ/T Huyến rời trường VB, tham gia vào nội các của Thủ Tướng Thơ với chức vụ Thứ Trưởng Thông Tin.

Qua sự việc kể trên, Tướng Khánh không biết gì cả nên đâm ra tức giận Đ/T Huyến vì cho rằng ông Huyến đã vượt hệ thống quân giai, qua mặt Tướng Khánh, để lập công và tạo uy tín cá nhân với HĐQNCM, vì trường VBQGVN nằm trong lãnh thổ trách nhiệm của Vùng II.Thủ Tướng Nguyễn ngọc Thơ

Khi nắm được quyền trong tay, Tướng Khánh cho giải tán chính phủ Nguyễn ngọc Thơ. Vì thế Đ/T Huyến phải trở về quân đội.

Không biết có phải lý do ở trên không hay vì duyên cớ thầm kín nào khác, Đ/T Huyến bị đưa ra Sư Đoàn 22 BB làm cố vấn cho một tiểu đoàn trưởng thuộc Trung Đoàn 42 BB ở tận vùng rừng núi thuộc Biệt Khu 24. Lý do Tướng Khánh nêu ra để “đì” Đ/T Huyến là từ ngày vào quân đội đến khi lên tới đại tá, ông Huyến chưa có một ngày ở đơn vị tác chiến. Đì cho biết!

Đại Tuớng Viên kể thêm:

Theo lời Tướng Đôn, Tướng Khánh bay lên trên đó chỉ để hạch hỏi về chuyện tiền bạc của Phủ Tống Thống (PTT) mà ông Chánh Văn Phòng của PTT giao lại, và cặp da riêng của Tổng Thống mà Tướng Xuân đã lấy đi khi TT Diệm vào nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn, mà tuyệt nhiên Tướng Khánh không đả động gì tới chuyện trung lập thân Pháp mà các tướng đã bị gán ghép. Cho nên trước khi trả lời Tướng Khánh về vấn đề tiền bạc, Tướng Đôn hỏi lại Tướng Khánh: “Anh nói chúng tôi có ý định trung lập, vậy anh có bằng chứng gì cụ thể không?”

Tướng Khánh trả lời: “Bằng chứng sẽ cho biết khi các anh ra toà.”

Tướng Đôn: “Vậy nếu anh không có bằng chứng thì phải thả chúng tôi ra.”

Tướng Xuân trả lời Tướng Khánh: “Cặp da của ông Diệm có các tài liệu thuộc dạng bí mật quốc gia. Toà Đại Sứ Mỹ đã mượn nhưng chưa trả lại. (?)”

Tướng Kim nói: “Anh Khánh định quản thúc chúng tôi đến bao giờ? Nếu thấy chúng tôi có tội thì cứ đưa chúng tôi ra toà, còn không thì cho chúng tôi về nhà. Chúng tôi chấp nhận xuất ngũ để một mình anh mặc sức tung hoành. Chúng tôi chờ xem anh “làm mưa, làm gió” được bao lâu?”

Tướng Khánh bay về Saigon đề nghị Tướng Minh với tư cách là Quốc Trưởng ký lệnh cho các ”Tướng Đà Lạt” giải ngũ, nhưng đã bị Tướng Minh từ chối.

Vào khoảng cuối tháng 5-64, Tướng Khánh cùng đi với một phái đoàn lên Đà Lạt mở phiên toà gọi là “xét xử 5 tướng trung lập”. Tướng Khánh chủ toạ phiên xử.

Cuộc tranh luận hơn 5 giờ, nhưng chẳng có bằng chứng nào để kết tội. Vì thế Tướng Khánh đành ra quyết định kỷ luật các “Tướng Đà Lạt” không được giữ chức vụ chỉ huy từ 1 đến 6 năm. Sau đó Tướng Khánh đưa 5 tướng về Saigon.

Trường họp Đ/T Cao Văn Viên được vinh thăng thiếu tướng đặc cách mặt trận.

Cuối tháng 2-64, Đ/T Viên chỉ huy 2 tiểu đoàn Nhảy Dù gồm Tiểu Đoàn 1 ND do Th/T Đoàn Văn Nu làm TĐT và TĐ8 ND do Th/T Trần Văn Hai làm TĐT (không phải Trần văn Hai, BĐQ).

Cuộc hành quân ở vùng Hồng Ngự, Cao Lãnh sát biên giới Miên. Ta chạm địch rất dữ dội mà vào thời điểm đó được coi là một trận đánh lớn. Đ/T Viên bị thương được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hoà điều trị.

Ngày 3-3-64, một phái đoàn gồm Thủ Tướng Nguyễn Khánh, Trung Tướng Khiêm, Tổng Tư Lệnh, Th/Tướng Lâm văn Phát, Tư Lệnh QĐ III v.v... đã đến uỷ lạo binh sĩ tại bệnh viện.

Khi tới giường của Đ/T Viên, Thủ Tướng Khánh nói: “’Moi’ sắp ban hành nghị định thành lập cấp tướng 1 sao (gọi là chuẩn tướng) cho phù hợp với Mỹ. Tháng tới “moi” sẽ cho vài đại tá thăng chuẩn tướng, trong số đó có “toi”.”

Tướng Khiêm nghe vậy liền nói vô: “ Đợi tới tháng sau nguội mất, không có ý nghĩa vinh dự bằng bây giờ mình đang thăm viếng và uỷ lạo. Cho thăng cấp đặc cách mặt trận có phải danh dự hơn không? Hơn nữa, anh Viên có công nhiều trong cuộc chỉnh lý của mình mà chưa được thưởng gì cả.”

Thủ Tướng Khánh: “Cũng được, nhưng không chuẩn bị trước. Lon đâu mà gắn?”

Tướng Khiêm chỉ qua Tướng Phát: “ Mượn lon của anh Phát nè.” Thủ Tướng bèn mượn lon của Tướng Phát gắn cho Đ/T Viên, người cuối cùng từ đại tá thăng thiếu tướng theo quy định cũ. Lần này cũng lại nhờ ý kiến của Tướng Khiêm.

Trong thời gian Tướng Khánh cầm quyền đã xảy ra các biến cố đáng ghi nhận sau đây:

Ngày 13-9-64, Trung Tướng Dương văn Đức, Tư Lệnh QĐ IV và Thiếu Tướng Lâm văn Phát đem quân về Saigon “biểu dương lực lượng”, nhưng không thành công.

Trong vụ này, Tướng Khánh nghi ngờ Tướng Đỗ cao Trí có dính liú nên ngày hôm sau 14-9-64, Tướng Khánh giải nhiệm Tư Lệnh QĐ II cuả TướngTrí, cử Tướng Nguyễn Hữu Có thay thế. Đồng thời, Tướng Khánh cho An Ninh Quân Đội bắt anh ruột của Tướng Trí là nha sĩ Đỗ Cao Minh và em rể là Thiếu Tướng Dương ngọc Lắm.

Đại Sứ Mỹ Cabode LodgeNgoài ra, Tướng Khánh còn nghi ngờ luôn cả Tướng Khiêm đứng sau lưng Tướng Đức trong vụ binh biến, nên đã tước luôn 2 chức Tổng Tư Lệnh QĐ và Tổng Trường QP của Tướng Khiêm. Thế là mâu thuẫn quyền lực giữa 2 ông phát sinh. Để bảo đảm quyền hành tuyệt đối cho mình, Tướng Khánh khó mà chấp nhận người cao tay hơn mình và đã đưa mình lên điạ vị tối cao ở lại trong nưóc. Vì thế Tướng Khánh cử Tướng Khiêm đi làm đại sứ ở Hoa Kỳ.

Đối với Tướng Minh, Tướng Khánh nhận thấy uy tín của Tướng Minh còn cao đối với quân đội và dân chúng nên dè dặt hơn, và chờ đợi cơ hội. Khi Hội Đồng Quốc Gia (thành lập tháng 9-64) đề cử ông Phan khắc Sửu là Quốc Trưởng, Tướng Khánh, gây sức ép với Quốc Trưởng Sửu, đề cử Tướng Minh làm Đặc Phái Viên của Quốc Trưởng tại hải ngoại. Ngày 12-11-64, ông Minh rời Saigon đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, một hình thức lưu vong.

Chưa chịu dừng lại ở đây, Tướng Khánh muốn loại luôn các tướng ngang tầm với mình, hoặc “cao cờ” hơn mình, để mình thành “anh cả” của các tướng trẻ. Ngày 17-12-64, Tướng Khánh và vài tướng trẻ yết kiến Quốc Trưởng Sửu trình bày việc cho các tướng “già” về hưu. Vì vấn đề pháp lý của yêu cầu này, ông Sữu truyền đạt ý kiến của Tướng Khánh và các tướng “trẻ’ lên Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) giải quyết.

Ngày hôm sau, THĐQG nhóm họp, quyết định bác bỏ yêu cầu đó vì cho rằng chuyện này không hợp pháp.

Ngay sau đó, các tướng lãnh thành lập Hội Đồng Quân Lực. Đêm 19 rạng 20-12-64 một số thành viên của THĐQG và vài chính khách bị bắt đem đi quản thúc nhiều nơi khác nhau. Trong số này có Thiếu Tướng Đỗ Mậu bị đưa đi quản thúc ở Pleiku rồi bị cho giải ngũ luôn.

Trưa ngày 20-12-64, Hội Đồng Quân Lực họp báo, tuyên bố giải tán Thượng Hội Đồng Quốc Gia.

Phản ứng của Đại Sứ Hoa Kỳ.

Đại sứ Taylor phản đối mạnh mẽ hành động phi pháp này của các tướng lãnh vì cho rằng ngang nhiên giải tán THĐQG không có lý do chính đáng sẽ gây xáo trộn lớn về chính trị cho VNCH. Ông ta cho mời các tướng đến tư dinh của ông để hỏi lý do việc giải tán THĐQG ngay trong buổi sáng hôm sau. Tướng Khánh không đi, chỉ cử các Tướng Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn cao Kỳ, Nguyễn chánh Thi, và Chung tấn Cang đi mà thôi.

Trong buổi họp này, thái độ, cử chỉ và lời lẽ của Đại Sứ Taylor không được hoà nhã, êm ấm, cho nên 4 tướng có mặt bị chạm tự ái. Ngày hôm sau, Đại Sứ Taylor đến tận văn phòng Tướng Khánh để hỏi cho rõ ràng về quyết định giải tán THĐQG. Hai người lời qua tiếng lại, có lúc tỏ ra gay gắt với nhau. Khi Đại Sứ Taylor ra về, Tướng Khánh liền triệu tập một buổi họp Hội Đồng Tướng Lãnh để thảo luận về thái độ và lời lẽ thiếu ngoại giao của Đại Sứ Taylor. Các tướng đồng thanh gửi văn thư cho Quốc Trưởng Sửu yêu cầu trục xuất Đại Sứ Taylor. Tướng Khánh cũng họp báo tố cáo Đại Sứ Taylor can thiệp quá nhiều vào chuyện nội bộ của VN.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nghe báo cáo sự việc liền tuyên bố nếu Đại Sứ Taylor bị trục xuất thì Chính Phủ Hoa Kỳ sẽ chấm dứt viện trợ cho VNCH ngay lập tức. Đại Sứ Taylor cũng ra lệnh ngưng giải ngân một số mục viện trợ quân sự đã được chấp thuận từ trước.

Nhờ sự dàn xếp khéo léo của Thủ Tướng Trần văn Hương cuộc khủng hoảng ngoại giao này đã được giải quyết êm thắm.

Ngày 9-1-65, chính phủ và Hội Đồng Quân Lực ra thông cáo chung chấm dứt cuộc khủng hoảng. Hôm sau, các thành viên của THĐQG, các chính khách đã bị bắt mấy hôm trước, được trả tự do.

Sau vụ này, tướng Khánh biết thế nào Đại Sứ Taylor cũng tìm cách loại bỏ mình, nên ông bí mật liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của VC. (Quá thơ ngây!)

Ông khởi đầu bằng cách trả tự do cho bà Bùi Thị Nga đang bị bắt, là vợ của Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của VC. Qua tay bà Nga, ông Khánh gửi một thư riêng cho ông Phát đề nghị hợp tác. Sau đó, ông Khánh cũng nhận được thư phúc đáp của ông Phát.

Điều này cũng không qua được mắt của Toà Đại Sứ Mỹ tại Saigon nên càng có thêm lý do vững chắc để Đại Sứ Taylor trình về chính phủ Hoa Kỳ loại bỏ Tướng Khánh.

Ngày 19-2-65, một cuộc đảo chánh khác do Đại tá Phạm ngọc Thảo cầm đầu, có Tướng Lâm văn Phát tham dự, mục đích cũng muốn loại bỏ Tướng Khánh. Hội Đồng Quân Lực một mặt cử Tướng Nguyễn Chánh Thi đứng ra chỉ huy lực lượng chống đảo chánh, mặt khác nhóm họp ở căn cứ Không Quân Biên Hoà. (vì Tân Sơn Nhất bị lực lượng đảo chánh bao vây.)

Trong phiên họp Tướng Nguyễn cao Kỳ phát biểu thẳng thừng rằng vai trò Tướng Khánh không còn phục vụ lợi ích gì cho quốc gia nữa, mà còn gây rối ren thêm, nên cho Tướng Khánh ra ngoại quốc cho êm.

Ngày 22-2-65, HĐQL quyết định cử Tướng Khánh làm đại sừ lưu động. Ngày 25-2-65, Tướng Khánh rời VN mang theo “nắm đất quê hương”.

Thay lời kết: Tướng Khánh cầm quyền chỉ có 13 tháng, nhưng miền Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị chưa từng có trong lịch sử VNCH.

Các Tướng Trần thiện Khiêm, Dương văn Đức, Lâm văn Phát, Dương ngọc Lắm, Nguyễn Khánh đều học cùng một khoá với nhau ở Trường Võ Bị Liên Quân Viễn Đông, vậy mà vì miếng đỉnh chung “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Nhạc sĩ Anh Bằng thấy vậy mới sáng tác bản nhạc: “Huy Đệ Chi Binh” trong thời kỳ đó nhằm cảnh tỉnh giới lãnh đạo quân nhân. Trong giới báo chí cũng lại đẻ ra mộ câu châm ngôn đầy vẻ châm biếm; “Thắng làm vua, thua đi làm đại ‘sứ”, và gọi giới quan nhân là đảng “kaki”. Buồn lắm thay!