Tình Người Nơi Chốn Không CùngPhạm Gia Đại(Trích từ chương Chín trong Hồi Ký: “Những Người Tù Cuối Cùng” của tác giả Phạm Gia Đại.) Viết để tưởng nhớ một người tù bất khuất, không đầu hàng trước nghịch cảnh, bình tâm trước căn bệnh nan y, và không chịu khuất phục trước kẻ thù trong trại giam sau ngày Miền Nam VN mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt 30-4-1975. Câu chuyện về những ngày cuối của Ông Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân, một nhà trí thức khoa bảng mà tôi vô cùng kính phục. o O o Có nhiều người đã hỏi tôi là lý do nào, động cơ nào đã giúp cho tôi sống sót được sau bao nhiêu năm tháng chịu muôn vàn khó khăn thiếu thốn đầy ải khổ nhục trong ngục tù cộng sản? Câu hỏi đó tôi không thể nào diễn đạt lại được thật đầy đủ trong một câu trả lời bởi vì không phải chỉ có một lý do, một động cơ, mà có rất nhiều yếu tố đã giúp cho những người tù cuối cùng tồn tại. Chính ngay chúng tôi những người tù khi bước chân ra khỏi trại giam họ cũng tự hỏi và phân vân tại sao mình vẫn còn sống? Một trong những yếu tố căn bản và vô cùng quan trọng là yếu tố gia đình bao gồm vợ con, bố mẹ, anh chị em, họ hàng. Những người đã cưu mang, đến thăm, tiếp tế các nhu yếu phẩm thuốc men tiền bạc cho người tù. Ngoài ra, những lời nguyện cầu của gia đình, của chính họ hằng đêm chắc cũng thấu đến trời xanh và Ơn Trên, Trời Phật đã ban cho họ niềm hy vọng, tạo nên một nghị lực phi thường, một sức chịu đựng bền bỉ để vượt qua những cơn phong ba bão táp tưởng nhiều lần đã chôn vùi cuộc đời họ trong bốn bức tường trại giam. Nhưng có một yếu tố rất nhân bản đã giúp cho những người tù thêm sức mạnh để sống còn trong cái chốn không cùng ấy chính là Tình Người với hai chữ viết hoa. Trại tù “cải tạo”, một nơi chốn chỉ thấy toàn chết chóc, bệnh tật, khổ ải như một địa ngục, nơi mà con người không có quyền được sống như một con người, hay còn thua một con vật, thì tình người đã nở ra rực rỡ như ánh ban mai ngời sáng và tinh khiết như cánh hoa Sen giữa chốn bùn lầy. Tình người là tình đồng đội, là tình anh em chiến hữu đồng cam cộng khổ trong cảnh tù tội, là tình bạn chia sẻ với nhau từng hạt muối, từng điếu thuốc lá thuốc lào trong những ngày Đông băng giá, chia sẻ những giọt mồ hôi nhọc nhằn của những tháng năm lưu đầy và lao động cưỡng bức trong một môi trường phi nhân tính. Càng ở lâu trong tù thì tình người, tình bạn ấy lại càng thắm thiết và gắn bó, càng nương tựa vào nhau, đem cho nhau thêm sức mạnh và niềm tin. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng vợ chồng trước kia cũng không ở với nhau mỗi ngày hai mươi bốn tiếng và một tuần bẩy ngày như thời gian chúng tôi trong trại giam được. Trong những năm đầu lưu đầy trên xứ Bắc với một năm chỉ hai bộ quần áo tù và đôi dép râu cho lao động, chúng tôi đã phải tự kiếm cho mình một đôi guốc mộc, phải nói là nhờ vào các anh trong đội Mộc rất nhiều mới cung cấp đủ guốc và sau đó hầu như ai cũng có một đôi. Một hôm, tôi đang đi đôi guốc trên hàng hiên bước xuống sân thì trặc chân một cái và bị bong gân. Bàn chân bên phải sưng vù lên một cách nhanh chóng. Tôi không biết phải làm sao, may có anh Trung, Đại Úy Cảnh Sát Đặc Biệt, huấn luyện viên Thái Cực Đạo đã lại bên cạnh dìu tôi vào chỗ nằm và chữa cho tôi. Anh nói phải ráng nhịn đau mới chữa được, nếu không để đến ngày mai chỉ có nước lết đi thôi. Tôi bám chặt hai song sắt chịu đau, các ngón tay anh miết nhiều lần vào chỗ sưng vù trên bàn chân tôi, anh nắn lại ngay chỗ gân bị bong. Lúc ấy tôi thấy đau thấu xương luôn nhưng khoảng chỉ mười phút sau chỗ sưng vù đó từ từ xẹp xuống thật là hiệu quả trông thấy. Mấy ngày sau tôi đi lại được bình thường thật là may mắn. Từ đó tôi quen thân với anh, lại càng cảm thương cho anh hơn khi biết người vợ mới cưới của anh trước khi anh đi tù đã bước thêm bước nữa, chỉ mường tượng thôi tôi cũng biết anh đau khổ như thế nào. Tuy vậy, anh vẫn luôn vui cười với mọi người, hòa đồng với anh em và được mọi người quí mến. Trong trại tôi ở có hai anh huấn luyện viên về Thái Cực Đạo và đều là đệ tam đẳng huyền đai là anh Trung và anh Xuân, không kể Thầy Khuê đệ tam đẳng Nhu Đạo của võ đường Quang Trung. Tuy nhiên hành động anh Trung tình nguyện đứng ra cứu giúp ông nguyên viện trưởng viện đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân đã làm cho tôi cảm phục anh nhiều hơn. Trong tù ba năm đầu ông Xuân tương đối khỏe mạnh. Khi đó không hiểu sao lại ông lại thích mặc áo quần mầu đà như những tu sĩ tại gia, có thể lòng ông đã hướng về sự tu hành rồi? Mỗi buổi sáng ông thường rất siêng năng luyện tập thể dục đều đặn. Ít lâu sau, ông có triệu chứng ăn không tiêu hóa và nhờ có gia đình vợ con ở bên Pháp gửi về thuốc lọc máu, gia đình nghĩ rằng trong tù ăn uống không được vệ sinh nên gây ra bệnh. Lúc đó sức khỏe tôi cũng không khá đau ốm liên miên nên ông Xuân có bảo tôi lấy vài gói về uống thử xem sao. Tôi từ chối vì ông là người cần thuốc hơn. Thế rồi ông sụt cân mau lẹ, ăn uống trở nên khó khăn. Cuối cùng phải khênh xuống bệnh xá trại lúc ấy có bác sĩ Trương Như Quýnh trước kia tôi nghe nói ông làm việc tại bệnh viện Sàigòn, anh Đại Tá Đức, trước thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, là những người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa rất có lương tâm chức nghiệp trông nom. Bác sĩ Quýnh là anh của Trương Như Tản trong “mặt trận giải phóng”. Sau tháng Tư năm 1975 chiếm xong miền Nam, Bắc Việt trở mặt và đã tiêu diệt hết các người có công trong “mặt trận”. Vì vậy ông Trương Như Tản đã phải bỏ nước trốn ra nước ngoài rồi lên tiếng tố cáo Hà Nội đã diệt trừ “mặt trận giải phóng miền Nam” để nắm lấy hết quyền hành trong tay sau khi đạt được chiến thắng. Ông Xuân điều trị một thời gian dài tại bệnh xá và có vài lần được đưa ra bệnh xá thị trấn nữa, nhưng bác sĩ Quýnh một hôm nói nhỏ với tôi và anh Võ là ông Xuân bị cancer bao tử. Cả hai đứa tôi đều bị “sốc” khi nghe tin ấy vì ông Xuân rất là một người trí thức mà tôi rất thương mến, tính tình hiền hòa khiêm nhường không ngờ lại mắc phải chứng bệnh nan y này. Ông Quýnh nhìn chúng tôi lắc đầu, nhưng vần đề ở đây cần có một người túc trực bên ông Xuân vì ông Xuân không còn khả năng tự ăn cháo hay uống nước được nữa. Khi đó anh Trung đệ tam đẳng huyền đai Thái Cực Đạo xuất hiện, anh tình nguyện xin xuống bệnh xá để tự tay chăm sóc cho ông Xuân những tháng ngày cuối đời. Anh Triệu Huỳnh Võ, trước kia là Thứ Trưởng Bộ Thông Tin, người mà bạn bè vẫn nói đùa là có họ mà không có tên, anh và tôi rất thân nhau. Mỗi buổi chiều sau giờ lao động về trại, chúng tôi vội vàng ăn qua loa để xuống thăm ông Xuân cho kịp trước giờ kẻng đánh vào buồng. Khi ông Xuân còn tương đối tỉnh táo ông thường hay hỏi tôi về thời sự bên ngoài và về việc Mỹ can thiệp thả tù nhân có hay không? Tôi cố tóm lược một số tin quan trọng liên quan đến vấn đề này cho ông nghe là mọi việc đang tiến triển tốt nhưng trong lòng lại nghĩ rằng có lẽ khi nó đến thì đã quá trễ rồi vì bệnh của ông đang bộc phát rất nhanh. Ông nắm tay tôi nói: - Anh hãy nhớ rằng mai mốt có người bạn của anh nằm trên ngọn đồi ngoài kia nhe! Tôi vội quay mặt chỗ khác để ngăn sự xúc động và cố an ủi ông: - Ông viện trưởng đừng quá bi quan, bác sĩ Quýnh của mình rất là giỏi sẽ cố chữa cho ông mà, đừng lo. Thực ra thì ngay ngoài đời cũng còn bó tay với căn bệnh này, huống chi trong trại giam thiếu đủ thứ thuốc men và phương tiện. - Sao anh cứ gọi tôi là viện trưởng vậy? - Chúng ta mất hết cả rồi nhưng cái học thức của mình thì không mất ông viện trưởng à. Từ khi anh Trung xuống bệnh xá, ông Xuân vui hẳn lên, tinh thần cũng phấn chấn hơn, nhưng chẳng thoát khỏi số mệnh vì bệnh ông càng lúc càng trở nặng. Ban đầu anh Trung còn đút cho ăn được vài thìa cháo, sau ông Xuân phải khó khăn lắm mới nhấp được vài giọt nước cầm hơi. Bác sĩ Quýnh nói rằng cancer đã di căn từ bao tử lên chẹt lấy cổ họng rồi. Ông Quýnh còn cầm tay tôi ấn vào bên cạnh cổ xuống ngực của ông Xuân để có thể cảm thấy rõ cái di căn khủng khiếp này. Một buổi chiều trong những ngày cuối của ông Xuân, tôi và anh Võ xuống thăm ông, tôi không cầm được nước mắt vì ông Xuân chỉ còn đúng là một bộ xương, đầu ông chỉ còn là một cái sọ người không hơn kém. Nếu không có cái môi trên còn mấp máy một chút, đó là một cái sọ người trên bộ xương của một người đã chết khô. Tôi và anh Võ lại nói chuyện một lát với bác sĩ Quýnh và anh Đức rồi vội về buồng. Anh Đức làm việc tại bệnh xá có kể cho tôi nghe về mẹ của anh cũng bị cancer ruột trước năm 1975. Bà cụ chỉ còn nằm chờ ngày ra đi mà thôi, nhưng cụ vẫn kiên tâm hàng đêm niệm Phật và cầu nguyện Đức Phật Bà Quán Thế Âm. Thế rồi một buổi tối khi đang ngủ, mẹ anh nằm mơ thấy Phật Bà hiện về sáng một góc trên trời, Ngài rưới nước Cam Lồ vào miệng của mẹ anh, sau khi mẹ anh uống được nước thánh ấy, ngày hôm sau cụ tự nhiên thấy trong người khỏe lại, ăn được ít cháo, rồi ăn cơm và dần dần bình phục hoàn toàn trước con mắt kinh ngạc của vị bác sĩ điều trị cho cụ. Anh nói rằng chính nhờ mẹ anh đã khỏi bệnh một cách diệu kỳ như vậy, nên anh dốc lòng tin và theo đạo Phật, nhưng anh không biết cụ đã khấn nguyện những gì, nếu biết thì anh sẽ khấn cho ông Xuân. Chỉ vài ngày sau, tôi được tin ông Xuân qua đời đúng vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Hôm đó một ngày mùa Đông tiết trời ảm đạm, mây xám giăng mắc đầy trời, gió Bấc thổi từng cơn lạnh buốt qua ngọn cây và lùa vào trong buồng giam. Có lẽ ông Trời cũng thương cảm và tiếc nuối cho một nhân tài của đất nước vừa nằm xuống. Tôi nghe nói dưới bệnh xá đã đề nghị khi ông Xuân mới mắc căn bệnh để xin cho ông về nhà may ra có thân nhân chăm sóc có thể sống thêm một thời gian nữa chờ gặp vợ con bên Pháp, nhưng không có kết quả. Tôi cũng không hiểu sao cộng sản lại ác độc và lạnh lùng đến như vậy. Tại sao họ không cho ông về nhà một thời gian để được chết bên cạnh người thân? Ông trước kia chỉ là viện trưởng đại học thôi và dù ông có tham gia vào Nội Các cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa đi chăng nữa, ông cũng đâu có làm gì đến độ cộng sản phải căm thù nhất định không tha ông trong những ngày ông lâm trọng bệnh cuối đời. Quả là chúng ta vẫn chưa hiểu được con người cộng sản tính toán mưu toan những gì trong đầu của họ. Điều mà tôi vô cùng khâm phục ở ông viện trưởng là lúc ông biết mình mang trong người căn bệnh nan y hết thuốc chữa này khi thân đang trong tù tội và đứng trước cửa Tử, ông Xuân vẫn bình tĩnh, sống từng ngày một với thái độ can đảm chấp nhận chứ không than thân trách phận hay lộ vẻ bi quan. Ngay cả khi căn bệnh phát tác dữ dội gây khó thở vì bị di căn chẹn ngang cổ họng, cùng bao nhiêu đau đớn, ông không ăn rồi không uống được dù là chỉ vài giọt nước, ông vẫn bình thản đón chờ thần chết đang dần đến bên giường. Anh Trung sau mấy tháng trời thức đêm thức hôm trông coi người bệnh, người anh sút giảm trông thấy, nhưng anh vẫn gắng gượng cười nói chuyện với các bạn tù khi họ xuống thăm ông Xuân. Đến khi ông Xuân mất, anh Trung trở về ở cùng buồng giam với tôi, anh gần như kiệt sức muốn nhuốm bệnh. Tôi thấy buổi tối hôm đó, anh tìm cách xông hơi để ra bớt chất độc trong người, nhưng không có phương tiện nên anh đành phải trùm chăn kín với cây đèn dầu hôi bên trong ngồi dưới đất trong một góc phòng suốt mấy đêm liền mới thấy anh tỉnh người ra một chút. Trước khi chuyển trại, chúng tôi có dịp đi làm cỏ cho ngọn đồi nghĩa trang, tảo mộ cho những bạn tù đã yên nghỉ và sửa sang lại ngôi mộ cho ông Xuân sạch sẽ khang trang lần cuối cùng. Khi tôi đang lượm mấy nhánh cỏ, bỗng nhiên một cọng cỏ đâm vào ngón tay tôi làm ứa máu và nhỏ giọt xuống trên mộ của ông. Tôi hiểu rằng ông muốn nhắn nhủ với tôi hãy nhớ một người bạn, một người tù đã nằm xuống tại đây trên ngọn đồi lộng gió này. Lần tảo mộ đó đâu ngờ lại là lần chót, chúng tôi sẽ không còn cơ hội nào săn sóc nơi an nghỉ của các bạn tù trên ngọn đồi nghĩa trang đó nữa. Ngọn đồi ấy cán bộ trại không chịu cho làm hàng rào quanh khu nghĩa trang, nên chỉ một thời gian sau trâu bò qua lại sẽ phá húc đổ hết các mộ bia và dẫm đạp lên cả mộ phần, nhưng họ cũng chẳng mấy quan tâm. Tình người đã thể hiện đậm nét qua những săn sóc tận tình của anh Trung, của bác sĩ Quýnh và anh Đức dành cho ông viện trưởng Nguyễn Duy Xuân. Trong những tháng ngày nằm tại bệnh xá trong sự săn sóc tận tình của những người bạn tù nên khi nhắm mắt xuôi tay chắc ông Xuân cũng phần nào được an ủi. o O o Thời gian ấy anh Võ và tôi đều trong đội gạch. Anh ở tổ máy còn tôi tổ đất nhưng không hiểu sao chúng tôi rất hợp nhau nên thường tâm sự với nhau. Khi mới được thăm nuôi, anh Võ có ít cà phê và phích đựng nước sôi. Trong đó nhất là vào mùa Đông mà có phích nước nóng thì không còn gì mơ ước hơn. Mỗi buổi trưa có hai giờ để nghĩ ngơi tại buồng nên khi vừa ăn xong cái bánh bột hấp là khẩu phần ăn trưa, anh Võ thường pha một phin cà phê đen với cái vợt pha bằng bí tất tự tạo, xong anh ra dấu cho tôi qua cùng thưởng thức. Các bạn ai nấy đều đang nằm sắp lớp như cá mòi trên ván gỗ nên tôi bước nhè nhẹ qua từng người một đến chỗ anh Võ. Ngồi nhấp ngụm cà phê đầu tiên và khi tôi gật đầu là anh biết hôm đó anh pha ngon. Hai đứa cùng im lặng thưởng thức những giọt cà phê thơm ngon xong không ai nói với ai một tiếng, rồi về tìm giấc ngủ. Tình bạn đơn giản như vậy của những người đồng cảnh ngộ nhiều lúc đã đem đến cho họ một niềm vui ấm áp khó mà diễn tả, khó mà quên được, nhất là trong thời gian tù đày xa nhà với những đêm Đông lạnh giá nằm trong buồng giam nghe gió hú từng cơn bên ngoài dội vào vách tường hay trên nóc nhà. Tình bạn, tình người nơi tận cùng của thế giới đày đọa là niềm hạnh phúc nhỏ bé của người tù khi mà họ hầu như mất hết chỉ còn đôi tay trần chai sạm vì sương gió. Với Tình Người luôn luôn được thắp sáng, dù chúng tôi sống trong cảnh tù đày gian nan, vẫn giúp nhau thoát qua những giây phút tuyệt vọng khốn cùng. Những đợt thả người từng đợt ấy làm cho chúng tôi dần dần xa nhau, kẻ ở lại người trở về với gia đình. Rồi thời gian trôi qua ai cũng tất bật lo cho cuộc sống và những người tù này tản mát đi khắp nơi. Có nhiều người tình cờ gặp lại nhau, hay nghe được tin tức nhau nhưng nhiều người cũng biệt vô âm tín. Lúc tôi qua Mỹ định cư vài năm, đang làm cho Hội Cộng Đồng Người Việt tại Quận Cam, Nam California, một hội thiện nguyện giúp cho những người tỵ nạn từ Việt Nam mới qua, bất ngờ chị Nguyễn Duy Xuân từ bên Pháp đến Cali, chị đi theo một người bạn vào văn phòng tìm gặp tôi. Tôi mời hai chị ngồi rồi từ từ kể lại cho chị nghe hết thời gian khi anh Xuân mới mang bệnh và được bác sĩ Quýnh, anh Đức nhất là anh Trung tận tình chăm sóc ngày đêm như thế nào vì tôi chứng kiến từ đầu đến cuối bệnh tình của anh. Chị nghe xong, cám ơn tôi, lau nước mắt ra về. Tôi cũng bối rối và xúc động nên quên hỏi thăm số điện thoại của chị để liên lạc lại. Một thời gian rất lâu sau này, nghe qua một anh bạn tôi vui mừng khi biết rằng chị và gia đình đã về Việt Nam để bốc mộ anh ra khỏi trại giam và đem cốt của anh qua Pháp lo liệu cho anh êm ấm, để anh không phải nằm lạnh lẽo trên ngọn đồi nghĩa trang ngoài Bắc. Đúng như lời anh nhắc tôi đừng quên anh, bây giờ anh có thể yên tâm an giấc ngàn thu trên vùng đất tự do. Vài năm sau, tôi có ý đi tìm anh Trung, người võ sĩ đầy lòng trắc ẩn ngày trước. Trong một dịp đến Virginia thăm gia đình người bạn thân là chị Sâm, tôi gặp được những người bạn tù nhiều kỷ niệm như anh Đệ, biệt danh Cả Đẫn và anh Sửu, con Trâu rồi chúng tôi ghé vào một ngôi chùa để thăm anh Trung vì nghe nói anh đã quy y. Anh Trung đã xuống tóc và trụ trì ngôi chùa nhỏ tên Pháp Vương trong thành phố, nhưng chúng tôi không có duyên gặp anh vì anh vừa hướng dẫn một phái đoàn Phật tử đến một công viên để thuyết pháp và cùng tập khí công bởi nơi khu vực chùa không cho tập trung đông người. Khi về lại Cali tôi gọi điện thoại thăm anh Trung, anh rất là mừng nói chuyện với tôi về những năm tháng còn trong tù. Tôi cũng nhắc lại công đức anh đã làm được khi tận tụy với ông viện trưởng Xuân cả năm trời tại bệnh xá của trại và cầu chúc cho anh thân tâm thường an lạc. Thời gian trôi qua thật nhanh như bóng câu qua cửa sổ nhưng mỗi khi nghĩ lại cuộc đời tù “cải tạo” và những năm tháng lưu đầy trên xứ Bắc ấy, tôi vẫn không sao quên được sự chịu đựng bao đau đớn một cách can đảm và sự ra đi trong âm thầm lặng lẽ của ông viện trưởng viện đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân. Tôi cũng không thể quên được những hình ảnh hào hùng vị tha cứu giúp người của anh Trung võ sư; không quên được ly cà phê đen cùng chia sẻ với anh Võ. Vài năm sau khi qua Mỹ, trong kỳ tôi đi công tác cho hội thiện nguyện lên Sacramento, tôi gặp lại anh Võ, có dịp ngồi cùng nhau ăn trưa. Anh Võ, tôi cùng với một người bạn nữa đã hàn huyên rất lâu, hồi tưởng lại những kỷ niệm không bao giờ quên được của một cơn ác mộng dài. Bao nhiêu biến cố đã qua đi trong cuộc đời một con người, nhưng mỗi con người có một cuộc đời khác nhau, không ai giống ai. Lúc vừa mới sinh ra với tiếng khóc chào đời, quả thật mỗi người đã mang theo một số mệnh khác nhau không biết đâu mà nói trước được là ai sẽ còn ai sẽ mất, ai may mắn và ai bất hạnh trong chốn hồng trần này, khi mà miền Nam đã mất và Sàigòn không còn nữa. Bởi vậy cứ chuyên tâm “làm Phước” như lời Thượng Tọa Thích Thanh Long vẫn thường khuyên bảo là điều nên làm hơn cả, nhất là trong thời mạt pháp khi mà quỷ dữ đang lộng hành, như Thầy Tâm vẫn thường nói.
Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm! |