Bàn Tay...Nguyễn TrãiCon đường Quốc lộ 14, từ Pleiku đi Kontum còn tương đối an ninh cho những chuyến xe đò và nhứt là xe nhà binh chạy ngược xuôi chở quân, đồ tiếp tế nhiên liệu, lương thưc cho những cánh quân, những đơn vị trú đóng vùng Kontum, Tân Cảnh, Benhet vào ban ngày vào những năm 1970-1971. Từ KonTum, nối dài cho đến Tân Cảnh, QL14 vẫn còn là đường tráng nhựa rất tốt, nhưng từ Tân Cảnh đi về hướng Căn Cứ Ben Het chỉ là con đường rải đá gồ ghề, dằng xốc. Đơn vị của tôi nằm ngay trên con đường dằng xốc này, nhưng vì địa thế hiểm trở chật hẹp nên con đường đã xẻ đôi căn cứ ra làm hai, có nghĩa là con đường chạy ngang chính giữa căn cứ. Đây là Căn Cứ Hoả Lực Dakto. Căn cứ Hoả Lực nằm trên đỉnh ngọn đồi thấp, phía dưới chân đồi có con suối và chiếc cầu sắt bắt ngang uốn cong hai vòng trước khi lên đến đỉnh. Đơn vị của tôi từ Qui Nhơn tăng phái lên vùng Dakto-Tân Cảnh, gồm có sáu khẩu đại bác 105 ly, yểm trợ trực tiếp cho Trung Đoàn 42 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 22 BB, chịu trách nhiệm lãnh thổ ở đây. Nhưng bỗng nhiên tình hình chiến cuộc trở nên sôi động, nên mới có một Lữ Đoàn Nhảy Dù tăng viện, và đã xãy ra chuyện ”Người Ở lại Charlie“, một ngọn núi cao ngất cách xa tôi ngoài tầm đạn 105 ly. Đơn vị này hiện có pháo binh cơ hữu của Nhảy Dù yểm trợ. Buổi chiều trên căn cứ Hoả lực Dakto, tôi đang thư thả ngắm trời mây sông núi trong không khí “không tiếng súng nổ“ trong chốc lát, thì từ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 22 đang đặt tại Tân Cảnh, trong đó có Bộ chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn kèm theo, đã ra lệnh cho tôi chuẩn bị “thế lên đường“. Dân Pháo Binh mà nghe lệnh “Thế Lên Đường“ là phát chán vì phải dọn tất cả, nặng nhứt là chất hết đạn đại bác lên xe, trung bình chừng hai ngàn quả, khiến lính các khẩu đội vác mệt nghỉ. Trời miền núi vùng Tam Biên (ngã ba biên giới Việt Miên Lào) xuống nhanh và mau tối. Khi tôi báo cáo “Sẵn sàng“ về Bộ Tư lênh Sư Đoàn, thì đầu máy bên kia bảo “chờ“. Trời sẫm tối không nhìn thấy gì trước mặt. Than ôi! Giờ này mà còn chờ thì biết chừng nào mới “Thế lên Đường” để đến vị trí mới, chiếm đóng vị trí, rồi tác xạ yểm trợ ngay cho các đơn vị bạn đang chạm địch? Gióng hướng súng ban đêm là nổi cực hình cho Pháo Binh vì hạn chế tối đa tiếng động nhất là ánh đèn pin. Tôi bốc máy thúc dục “Sao cho lệnh đi chưa?“ Dĩ nhiên là không nói bạch văn mà phải dùng ám danh đàm thoại cho địch không biết. Bên đầu máy vẫn bảo chờ. Tôi sốt ruột lắm. Cuối cùng vì lý do gì không biết, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đã ra lệnh hủy bỏ, vì đã điều động đơn vị 155 ly khác đến thế chỗ tôi sắp chiếm đóng. Thế là khỏe re, nhưng phải cho lệnh Pháo Đội xuống đạn và quân dụng ở lại tại chỗ. Một giờ khuya đêm đó, tôi nhận lệnh yểm trợ tối đa cho căn cứ Phượng Hoàng (căn cứ mà hồi chiều lệnh cho tôi di chuyển đến), vì đơn vị đại bác 155 ly của người bạn Lâm Xuân Thảo bị tràn ngập biển người sau nhiều đợt địch pháo kích liên tục. Đơn vị của tôi đã bắn liên tục từ khuya cho tới tờ mờ sáng thì được tin Pháo đội 155 ly bị “xoá sổ“, một số lính bị bắt sống. Trung Uý Thảo chết tại chỗ nhưng không toàn thây vì trận xáp lá cà của địch. Tôi bàng hoàng xúc động thương tiếc cho người bạn trước tôi một khoá và cũng rùng mình nghĩ rằng Thảo đã chết thế mình. Tôi không hiểu tại sao đến giờ phút sau cùng thì thay đổi lệnh không cho tôi thay thế, mà là một đơn vị 155 ly, đến đó để yểm trợ cho căn cứ 5 và 6 đang bị áp lực địch vây. Thảo chết không toàn thây nhưng vẫn lấy được xác. Được tin anh ra đi, tôi nghẹn cứng cổ họng, thương cho người bạn cùng đi học một khoá Đại Đội Phó Chiến Tranh Chính Trị ngày nào. Chúng tôi, cùng ở trong Pháo Binh Sư Đoàn và cùng cấp bậc, được tham dự khoá học này, nên chúng tôi rất thân nhau. Ngày mãn khóa, Trường Chiến Tranh Chính Trị tổ chức buổi lể Sinh Nhật Tập Thể vừa dùng để mãn khóa vừa để cho các khoá sinh biết cách thực hành khi trở về đơn vị của mình. Khi buổi lễ chấn dứt, Thảo đã nghịch phá, cắm nhiều đèn cầy xung quanh chiếc giường của tôi, rồi rải nhiều hoa tươi, và cắm một bình hoa thật to trên đầu giường. Hắn đã cắm một tấm bảng viết vội “Cố Đại Uý Nguyễn Trãi“ ngay chính giữa. Ngoài ra, hắn để xắc đựng quân trang dài tròn to bằng thân tôi và chiếc nón sắt của tôi trên đầu. Tất cả được phủ bằng poncho nên trong giống y chang một thây người chết nằm đó. Sau khi thắp sáng tất cả đền cầy, hắn chạy ra hành lang gọi tôi vào phòng. Khi nhìn thấy một thây người trùm kín, ghi tên tôi, với ánh đèn cầy tỏ sáng và hoa tươi, tôi lạnh toát cả người. Tôi liên tưởng tới chuyện không may, như báo trước một điềm xấu sẽ xảy ra cho tôi trong những ngày kế tiếp, khi trở lại mặt trận. Tôi giận lắm, tôi biết ngay là thằng Thảo nó làm trò chơi thật quá đáng này. Tôi vừa hét vừa đá mạnh làm tung toé hết hoa và đèn cầy. Sau đó, tôi đạp văng chiếc nón sắt cùng túi đựng quân trang rơi xuống giường, rồi hầm hầm bỏ ra ngoài. Hành động giận dữ của tôi tưởng đủ để cho nó hiểu rằng tôi ghê sợ không thích trò chơi này, ngỏ hầu nó ân hận việc làm của mình. Khi nguôi giận, tôi trở lại phòng thì lại thấy trò chơi cũ được lập lại. Tôi lại đá và hất tung chiếc giường, trong tiếng cười cuả những người cùng khoá đang chứng kiến. Thực tình tôi rất sợ hình ảnh này vì linh tính báo cho tôi biết sẽ có điều không may xảy ra cho tôi khi trở về đơn vị. Giờ đây tin Thảo đã vĩnh viễn ra đi làm tôi xúc động mạnh. Chuyện này đáng lẽ ứng vào tôi. Sao Thảo lại chết thế tôi?? Hay đây là một điềm gỡ đã ứng nghiệm của một trò chơi “dại dột” trong trường Chiến Tranh Chính Trị? Một năm sau, cũng tại Căn Cứ Hoả Lực Dakto, năm 1972, “Mùa Hè Đỏ Lửa”, trong đêm CSBV ào ạt tấn công Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 42 BB trong đó có Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn, và Bộ Tư Lệnh Tiền Phương. Pháo đội 105 ly của tôi đã bắn liên tục từ 10 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau. Vì khoảng cách gần mút tầm nên tôi cho xử dụng thuốc nạp 7, là thuốc nạp hết cỡ. Vì vậy, nòng súng giật lùi rất mạnh làm cho càng súng một khẩu đã bị gãy. Theo dõi trên hệ thống vô tuyến, tôi biết giờ nào các ông xếp của mình rời hầm chỉ huy, giờ nào mất liên lạc, và giờ nào địch quân tràn ngập căn cứ, qua giọng nói vang lên trong máy của những sĩ quan “Đề Lô”. Tôi mất liên lạc với cấp chỉ huy trực tiếp, nên quay sang yểm trợ cho một cánh quân Nhảy Dù thuộc Lữ Đoàn 2, gần Tân Cảnh. Viên sĩ quan”Đề Lô” của Nhảy Dù gọi tôi xin yểm trợ. Khi tôi kiểm soát vị trí mục tiêu, và điểm đứng (toạ độ điểm đứng của sĩ quan này) thì thấy khoảng cách rất gần. Sau khi điều chỉnh nhiều lần để bắn “hiệu quả”, mục tiêu chỉ còn cách đơn vị bạn dưới 50 mét. (Khoảng cách không an toàn và không cho phép tác xạ vì quá gần quân bạn.) Tôi đích thân gặp người Sĩ Quan Đề lô và nói, -“Không thể bắn cho anh được vì quá gần quân bạn.“ Người SQ “đề lô” ấy trả lời, rất dõng dạc, -“Anh cứ bắn đi. Bắn cho đến khi nào không còn nghe tiếng của tôi nữa thì coi như tôi đã chết.“ Câu nói rất anh hùng và khí tiết của một Sĩ Quan Pháo Binh hy sinh thân mình để cứu đơn vị đã làm tôi sững người, bất động. Tôi nghẹn lời vài giây vì xúc động. Tôi không có sự chọn lựa nào hơn khi nghĩ đến những loạt đạn “Bắn Hiệu Quả“ sẽ cứu được đại đơn vị cuả bạn. Tôi cũng đang cầu xin an toàn cho viên sĩ quan “Đề Lô”. Sau đó, tôi gọi danh xưng của người này nhiều lần và không thấy tăm hơi gì hết. Tôi lặng người đi và nghĩ rằng anh ta đã chết. o O o Lúc bấy giờ tôi mất liên lạc hoàn toàn với các cấp chỉ huy của tôi từ phía Trung Đoàn 42 và Pháo Binh Sư Đoàn. Tôi biết tất cả Bộ Tư Lệnh đã di tản ra ngoài và đang ở đâu đó. Từ giờ phút này tôi thực sự cảm thấy bơ vơ, giống như “rắn mất đầu“. Tôi không biết phải làm gì ngoài việc tự phòng thủ căn cứ. Từ trên một ngọn đồi của căn cứ Dakto nhìn về hướng Tân Cảnh, tôi thấy hai chiếc phản lực đang nhào xuống, ngóc đầu lên liên tục, và rồi một cột khói mịt mù bám theo một chiếc. Chắc là bị dính hoả tiển SA7 của địch? Khi Bộ Tư Lênh đã bị tràn ngập thì cũng là lúc bọn VC quay mũi dùi sang căn cứ của tôi bằng đại bác 130 ly. Tôi nghe tiếng depart rất rõ và xác định được hướng bắn từ đâu. Nhưng nó cách tôi 18 cây số lận, còn súng của tôi có phản pháo cũng chỉ gãi ngứa vì chỉ có 11 cây số 100 mét. Thế là cứ chịu trận ăn pháo địch mà không có một phản ứng nào. Tất cả hấm hố, đài tác xạ, hầm đạn đều trúng đạn của địch tan nát. Hệ thống truyến tin bị sập đổ, gãy cần ăng ten không còn liên lạc với ai được. Hầm chỉ huy của Tiểu Đoàn Biệt Động Quân bảo vệ Căn Cứ Pháo Binh cho tôi cũng bị pháo sập. Ông Tiểu Đoàn Trưởng đã bị thương. Tôi chưa biết xoay sở ra sao trong tình cảnh này, trong khi bộ binh địch chưa tiến tới gần căn cứ của tôi. Tất cả lính của pháo đội đều trú ẩn dưới hố cá nhân mà chiều cao bằng với mỗi con người trừ cái đầu nhô lên để chiến đấu cá nhân. Đơn vị Pháo Binh của tôi ai cũng được trang bị thêm một khẩu M72, trong lúc này rất cần thiết để chống xe tăng địch; trên miệng hố cá nhân mỗi người đều có một khẩu M16 và một khẩu M72, chờ chiến xa địch tiến đến. Sư Đoàn Bắc Việt, nhất là đơn vị pháo binh địch đang có một “đề lô” áp sát đơn vị tôi. Bọn này cũng tiết kiệm đạn ra phết, chỉ tác xạ khi nào có người đi trên mặt đất sau khi san bằng căn cứ. Căn cứ vào nhiều đợt pháo kích bằng 130 ly; tôi đoán là “đề lô” của địch rất gần, gần sát nên chúng pháo kích chính xác lắm. Cũng đã xế chiều , người nào cũng mệt mỏi và đói. Khi đạn130 ly không còn nổ trên căn cứ, tôi leo lên khỏi miệng hố đi kiếm soát một vòng xung quanh các hố cá nhân. Tôi gọi lớn Ban Hoả Đầu Vụ đem lương khô cho tôi và cho lính còn đang dưới hố cá nhân. Binh Nhứt Nguyễn Văn An, dáng người lùn, mập không lanh lợi, tay cầm gói gạo sấy đã đổ nước chạy đến miệng tro cho tôi. Lúc này tôi đã đi đến chổ khác. Bọn “đề lô” Việt Công ma mãnh không kém, vừa thấy có người trên mặt căn cứ là gọi pháo tiếp. Một tiếng nổ đạn depart từ một khu núi quen thuộc từ sáng tới giờ phát ra, nên chúng tôi biết ngay là sẽ ăn đạn pháo 130 ly kế tiếp. Không ai bảo ai, Binh Nhứt An tự động nhảy xuống cái hố trống của tôi, còn tôi thì nhảy vào hố khác cách đó chừng 100 mét (hố bỏ trống). Loạt pháo này chỉ chừng trên dưới một chục quả rồi ngưng. Tôi chạy thục mạng về hố của mình, thì hỡi ôi, phía dưới hố chỉ còn lại đôi giày trận của An. Hình hài An nát bấy nhừ y như bầm tiết canh vịt, vì một quả đạn 130 ly rơi đúng xuống hố mà An đang núp. An đã chết thế cho tôi trong giây phút này. Làm sao tin được, một viên đạn bay theo chiều hình cong parabol từ trên cao có thể rớt trúng phóc vô miệng một cái hố cá nhân chỉ vừa vặn đúng cho một thân con người. Viên đạn rớt đúng ngay lúc tôi đã rời chỗ khác, và An đã chết thay thế tôi. Sát miệng hố có chiếc xe GMC 10 bánh đậu từ lâu dùng để phát điện cho hệ thống truyền tin đánh “morse“. Chiếc xe đã hư nát lủng nhiều lỗ đạn và xẹp bánh từ những đợt pháo kích trước, giờ đây thịt da nhão nhoẹt nát bấy và nhỏ như thịt bầm của An một phần được bắn lên và đang bám trên thành cửa xe. Tôi lặng người đi và tưởng như trong mơ, tôi thực sự xúc động trước cái chết của người lính thuộc cấp chết thế cho mình. Cái số của tôi chưa tới??? Điều gì đã khiến cho tôi rời cái hố? Một sự tình cờ xảy ra hay có sự “sắp xếp của bàn tay vô hình nào đó??” Một cách tránh pháo kích địch hiệu quả nhứt không gì bằng ẩn người trong hố cá nhân. Đạn rớt trước mặt hay sau lưng hố không bao giờ gây thiệt mạng. Chưa bao giờ tôi gặp một trường hợp đạn pháo kích rớt chính xác xuống miệng hố. Điều gì đã khiến tôi rời khỏi cái hố cá nhân của riêng tôi? Tim tôi đập mạnh hơn. Tôi lặng người và TIẾC THƯƠNG CHO AN. Người đi trong cuộc chiến thường hay tin tưởng vào SỐ MẠNG, hay là TRỜI KÊU AI NGƯỜI ẤY DẠ, hoặc ĐẠN TRÁNH MÌNH CHỨ MÌNH KHÔNG THỂ TRÁNH ĐẠN. Tâm tư tôi bị giao động mạnh khi nhìn xuống hố, tôi không có thể nhận ra một thứ gì cái còn lại là của một con người, vì nó nát bấy như băm nhỏ. Một viên đạn đại bác 130 ly làm sao có thể rớt ngay phóc vô một cái hố đường kính chỉ chừng năm mươi centimet. Nếu như lúc đạn đang bay trong không trung, tốc độ gió mạnh hơn, hay gió đổi chiều chỉ một chút cũng làm viên đạn lệch đi; hay người xạ thủ địch quân giật cò chậm hơn 1/50 giây cũng sẽ làm viên đạn lệch qua chỗ khác vì sự quay của trái đất sẽ đổi chỗ viên đạn rơi. Nhiều yếu tố để khiến một viên đại bác rơi trúng đích, nhưng có điều gì đã khiên tôi bồn chồn đói bụng mà phải rời hố, để rồi một binh sĩ thuộc cấp chết thế mình. Tôi nhắm mắt lại và lặng người không dám nhìn vào đáy hố, chỉ còn rõ nhất là đôi giày trận của Binh Nhứt An. Trong nổi hụt hẫng kèm theo lo âu, chưa biết phải làm gì thì Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Biệt Động Quân bảo vệ Căn Cứ chuyển cho tôi một cái lệnh. Hệ thống truyền tin gần và xa của đơn vị tôi coi như hoàn toàn tê liệt; chỉ còn duy nhứt đơn vị bảo vệ căn cứ của tôi là chỗ dựa trong lúc này. Lệnh của Trung Tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Đoàn, cho tôi “triệt thoái khỏi căn cứ đi về trại BENHET ngay bây giờ”. Thì ra vẫn còn có người nghĩ đến tôi. Thực ra họ nghĩ đến 6 khẩu đại bác thì đúng hơn. Tôi không liên lạc trực tiếp với Quân Đoàn, mà chỉ thi hành lệnh qua trung gian là Biệt Động Quân Quân Khu 2. Đơn vị Pháo Binh của tôi mất tiêu hết đâu rồi, đâu còn xếp lớn xếp nhỏ gì để liên lạc. Tôi trở lại Pháo đội và ra lệnh “cấp tốc di tản khỏi nơi này.“ Khi đề lô địch thấy lố nhố người xuất hiện chạy đi chạy lại trên mặt đất thì họ bắt đầu khai hỏa trở lại, làm cho công việc chuẩn bị trở nên phức tạp hơn. Chỉ móc được 5 khẩu đại bác vào những chiếc GMC nào còn chạy được dù là bể bánh xe, hay bể kết nước. Tôi phải bỏ lại một khẩu vì không còn kịp. Nếu cố gắng kéo cho được 6 khẩu và đầy đủ phụ tùng thì tôi e sẽ có quân nhân trúng đạn pháo kích. Do đó, tôi quyết định tự tay tôi rút khối kích hoả của khẩu bỏ lại và ném ra xa, giấu đi, làm vô hiệu không cho địch quân xử dụng khẩu đại bác này khi họ tràn ngập. Tôi cất chiếc nón sắt ra khỏi đầu và cúi xuống hố, nơi có xác bầy nhầy bị băm nhỏ, như chào vĩnh biệt Binh Nhứt Nguyễn Văn An. Đạn pháo kích địch vẫn tiếp tục rơi. Tôi chạy thiệt nhanh lại đoàn xe đang chờ và phóng hết ga về hướng căn cứ BENHET, căn cứ đầu não của Biệt Động Quân Biên Phòng của vùng rừng núi Tam Biên. Đi về hướng BENHET tức là không về hướng đồng bằng mà càng tiến gần với ngả ba biên giới Việt Miên Lào. Khi đến BENHET, tôi gặp người Trung Tá Biệt Động Quân, căn cứ trưởng. Ông ta bảo tự bố trí phòng thủ tạm và chờ sẽ có lệnh sau.. . Khi mặt trời khuất sau rặng núi, tôi quyết định dùng một chiếc GMC và lựa một toán lính gan dạ, lanh lẹ cùng tôi chạy trở lại căn cứ Dakto để lấy khẩu đại bác bị bỏ lại. Vì tôi là người dấu khối kích hỏa, biết chỗ nên tôi phải đi. Vả lại, có tôi cùng đi, binh sĩ sẽ lên tinh thần. Địch quân không ngờ rằng có người trở lại nên không phản ứng kịp và chúng tôi đã hoàn thành công tác lấy được khẩu đại bác trở về. Ở đây pháo đội không gióng hướng súng để tác xạ yểm trợ nữa, mà chỉ bắn trực xạ phòng thủ vị trí, vì đêm nào cũng nghe tiếng xích của xe tăng địch gầm rú xung quanh. Cả pháo đội thức bét con mắt để trông chừng mà trực xạ. Tới ngày thứ tư mới có trực thăng câu đại bác và toàn bộ pháo đội tôi từ Benhet về Kon Tum. Không phải Quân Đoàn thương tiếc đơn vị tôi mà cho trực thăng hai cánh quạt đến bốc, mà vì cả Sư Đoàn vừa bị tan hàng không còn một khẩu đại bác nào để tử thủ KonTum. Khi trực thăng đáp xuống là lúc đạn pháo kích bắt đầu rơi tới tấp. Trực thăng không thể chờ nên cũng liều mạng móc súng, đạn 105 ly, và dụng cụ. Coi như chơi trò ú tim hên xui may rủi, nếu lỡ trúng đạn thì đành chịu. Mỗi lần chỉ đáp được một trực thăng vì xuống một lúc dễ trúng đạn pháo kích. Sau 10 chuyến thì chuyển xong hết đơn vị. Chỉ khi nào trực thăng lên đến độ cao an toàn thì tôi mới biết mình thoát nạn. Thời điểm này là lúc Cộng Quân Bắc Việt đang vây. KonTum chỉ còn có cái lõm. Trực thăng vừa đáp xuống thành Dapla là nhận dàn chào đạn của VC ngay. Bọn nó ở đây sẵn và pháo kích liên tục. Cái số của tôi may mắn nên không làm sao cả. Những ngày gian khổ và nhiều nguy hiểm tại KonTum cũng qua đi khi có các đợn vị Pháo Binh của Sư Đoàn 23 đến được. Nhưng họ không thể mang theo đại bác vì trực thăng không thể câu súng qua đèo ChuPao. Không biết do ông lớn nào thương nghĩ tới, đã truyền lệnh cho tôi từ Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn 23, ra lệnh tôi bàn giao tất cả súng đại bác lại cho nhân viên Pháo Binh Sư Đoàn 23 để chuẩn “trực thăng vận” về Pleiku nhận súng ở đó và tái phối trí. (Tôi là dân Pháo Binh Sư Đoàn 22) Gia đình tôi từ quê cha sanh mẹ đẻ cho tới quê vợ không biết tin tức tôi ra sao trong hai tháng. Ba tôi chạy ngược chạy xuôi hết đi coi bói ông thầy này tới bà nọ để mong tin con. Cả một sư đoàn 22 và cả một Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn của tôi tan nát, còn ai theo dõi số phận của tôi. Do đó, làm sao từ Nha Trang và Sài Gòn biết được. Khi về đến Pleiku, đơn vị đã ổn định, tôi được đi phép đặc biệt về thăm nhà. Tất cả “gia tài“ quân ngũ của tôi để lại tại căn cứ Đệ Đức. Khi Bồng Sơn bị tràn ngập, căn cứ mất, tôi cũng mất hết tất cả. Nơi này có hai ông Tiểu Đoàn Trưởng và Tiểu Đoàn Phó tiểu đoàn của tôi cũng mất tích và chết sau đó. Tôi không còn đồ đạc gì nên cứ mặc quần áo trận lên xe đò về Nha Trang. Vừa ngồi lên xe đò nhỏ từ Qui Nhơn đi Nha Trang, một cô ngồi sát bên bảo, - “Anh mặc đồ này khi vô tới Hảo Sơn, Vũng Rô, tụi nó chận và bắt anh đó.“ Cô nói tiếp, “Để em đưa cái áo này cho anh mặc đỡ.“ Tôi nghĩ bụng, “Về tới đây còn gặp rắc rối.“ Thế là tôi cũng phải nghe lời cô ấy. Tôi nhớ đến chuyện Binh Nhứt An đã thế chỗ tôi trong hố cá nhân, để rồi thịt xương bị nổ tung và bằm như tiết canh. Tôi thở ra và nghĩ không ngờ vẫn còn thế giới vô hình đâu đây. Tôi không biết phải làm gì với em gái tôi để gọi rằng đền ơn cứu mạng.(Tôi tin là người em gái của tôi, đã chết khi vừa tròn 3 tháng tuổi, đã luôn phù hộ cho tôi.) Kể từ đó tôi rất tin tưởng CON NGƯỜI TA CHẾT ĐI VẪN CÒN LINH HỒN, cũng như tôi tin CON NGƯỜI TA SỐNG CHẾT ĐỀU CÓ SỐ. Đến năm 1975, vùng Dakto-Tân Cảnh-Ben Hét coi như mất luôn vào tay địch. Ta chỉ còn giữ được KonTum. 1972, Sư Đoàn 22 Bộ Binh cùng với một Liên Đoàn Biệt Động Quân ồ ạt tái chiếm ba Quận Bắc Bình Định là Hoài Ân, Bồng Sơn, Tam Quan. Có lúc quân ta dàn cả 52 khẩu đại bác trong rừng dừa Vạn An để bắn TOT (Time On Target) vào vùng đất địch. Chỉ trong hai giờ tác xạ không ngưng nghỉ, các đồi núi trơ xương chỉ còn đất với đá mà không có cây cối nữa. Pháo đội của tôi chiếm đóng đồi Vạn An. Cứ sáng sáng năm giờ là pháo binh địch bắn vào căn cứ của tôi. Mà hễ bị pháo kích là chúng tôi bắt buộc phải phản pháo. Tôi chạy ra khẩu đội ra lệnh thì lính mới dám ngóc đầu lên vì địch bắn rát quá. Tôi đứng ngay giữa hai càng súng ra lệnh nạp đạn trực xạ vì súng địch chỉ cách chừng 1000 mét. Một quả đạn súng cối 82 ly của địch rớt làm rách áo giáp và xẻ nát thịt bắp đùi người xạ thủ nạp đạn rồi rớt xuống trước mặt tôi mà không nổ. Người lính ngã xuống. May mắn, nếu quả đạn ấy nổ thì tôi cũng banh xác rồi. Vào đầu tháng 3 năm 1975, khi Cộng quân đã chiếm Ban mê Thuột, sau đó cắt đứt quốc lộ 19 từ Pleiku xuống Qui Nhơn, thì pháo đội tôi đóng tại chân đèo Mang Giang gần Lăng Mai Xuân Thưởng. Chúng pháo kích suốt ngày đêm để khống chế đơn vị tôi không cho yểm trợ Trung Đoàn Bộ Binh. Những chuyến xe tiếp tế, có khi lên tới 20 chiếc, dồn dập chở đạn 105 ly tới mỗi ngày. Một lần khi tôi leo lên chiếc GMC đứng trên 200 thùng đạn đại bác để kiểm soát số đạn chở đến bị sai thì những quả 82 ly của địch rót đến tới tấp. Có một quả rơi ngay dưới chân tôi và nằm trên những thùng gỗ đạn 105 mà không nổ. Thật là huyền diệu, và may mắn. Những ngày cuối cùng của Phù Cát Bình Định, tôi bị một quả B40 bắn trúng chiếc xe của tôi trước khi qua cầu. Xe trúng đạn lật làm năm người trong xe bị thương, trong đó tôi, với sáu mảnh đạn B40. (Giờ đây sau 38 năm nó vẫn còn trong cánh tay). Sau chừng 30 phút, một người lính bò lên băng bó vết thương cho tôi thì bị một viên AK, khiến anh ta ngã xuống chết ngay. Phản ứng tự nhiên của tôi là ngóc đầu lên xem từ hướng nào bắn. Tôi liền bị ba viên AK khác bắn từ sau ót xuyên ra phía trước mặt. Cả ba viên đạn đi vô khác nhau, nhưng chỉ có một lỗ nơi ba viên đạn đi ra nên nó phá cái mặt tôi khá lớn. Đây là một điều thần diệu, chỉ cần ba viên đạn ấy nhích ra một chút xiú thì sẽ chạm tới óc và chắc chắn tôi đã chết ngay. Tôi cũng tin rằng đứa em gái tôi đã cứu tôi trong giờ phút đó. Những người lính và sĩ quan đơn vị khiêng tôi trên đoạn đường dài từ cầu Cương vào phi trường Phù Cát. Khi vào bên trong, phi hành đoàn của chiếc trực thăng HU-1B bằng lòng cho tôi đi trong khi phi trường đang khói lửa ngập trời. Ông Trung Uý Pháo Đội Phó của tôi cùng người Trung Sĩ Khẩu Trưởng khiêng tôi bỏ lên trực thăng đã có sẵn 34 người lính bộ binh trên ấy. Chiếc trực thăng cất cánh chừng 10 mét thì rớt xuống và chặt đứt đôi người Trung Uý pháo đội phó và Trung Sĩ Khẩu Trưởng, vì khi khiêng tôi bỏ lên trực thăng thì họ vẫn còn đứng dưới đất. Cánh quạt trực thặng lúc rớt xuống đã chém đứt đôi hai người. Phần trên từ ngực của họ đã bay mất, không thể tìm thấy. Sáng hôm sau tôi bị bắt làm tù binh, nhưng họ thấy tôi bị thương nặng quá nên bỏ tôi nằm tại chỗ trong phi trường. Trong trại tù Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, một ngày chúa nhật nghỉ lao động, có người bạn tù lớn tuổi, cầm tay tôi coi chỉ tay và nói chắc như đinh đóng cột, “Mạng của anh rất lớn, nhiều lần sắp chết mà không chết, vì có một vong linh của kẻ khuất mặt che chở, Nó hiện lên rành rành đây nè.“ Tôi không tin điều ấy là có thực, nhưng qua những sự kiện xảy ra, khiến tôi thoát được hiểm nguy như vậy, làm tôi phải tin rằng điều ấy có thực. Anh em bạn tù tối đến, vừa đói, vừa buồn, đau khổ không biết ngày nào trở về nhà, nên thường hay tổ chức kể chuyện cho quên hết đói và ưu phiền. Họ thấy tôi có những vết đạn còn mang trong người, nên hỏi thăm và bảo tôi kể chuyện “Những ngày cuối cùng cuộc chiến của tôi.“ Tôi đã kể lại tỉ mỉ câu chuyện bị thương, rớt máy bay. và những ngày gian nan sau đó. Sáng hôm sau Bộ Chỉ Huy Trại Tù cho người gọi tôi lên “làm việc“. Họ khủng bố tinh thần tôi từ 8 giờ sang đến 5 giờ chiều với kết luận, “còn hàm ơn luyến tiếc chế độ cũ.“ Từ ngày ra khỏi tù về với gia đình, tôi luôn tự tin rằng số tôi không chết sớm được, và có lẽ “Chỉ có Trời hại mới chết, người hại không chết.” Đây là những điều có thật tôi viết lại nhằm nói lên rằng, “Có thế giới vô hình, và Con Người Ta chết có số.“
|