BUỒN VUI VỚI TRÂU ĐIÊN TRƯỞNGTrâu Điên Tô Văn Cấp.Khoảng tháng 8-9/1975 tại trại tù Long Giao, trong một buổi “lên lớp”, tên VC đang nói phét về chính sách khoan hồng nhân đạo “trước sau như một” của chúng đối với “ngụy quân, ngụy quyền”, và kể đủ thứ tội của tất cả các quân binh chủng.Quân Y có tội, Tuyên Úy cũng có tội. Rồi bất ngờ hắn lòi đuôi chồn sạo, cáo nói láo bằng câu kết luận: - “Nhưng những cái gọi là Trâu Điên, Cọp Ba Đầu Rằn thì phải thẳng tay trừng trị”. “Cọp Ba Đầu Rằn” là TĐ42/BĐQ lừng danh Vùng IV, nón sắt sơn màu rằn ri với đầu con cọp đen nhe răng. Tuy tiểu đoàn có 4 đại đội, nhưng khi hành quân, một đại đội nằm nghỉ, chỉ cần 3 đại đội thôi cũng đủ làm VC bạt vía kinh hồn nên chúng hận đến xương tủy. Cọp Ba Đầu Rằn là vậy. TQLC tôi chỉ biết đến thế thôi, đúng sai cần các Cọp Ba Đầu Rằn nói tiếp, phần tôi xin trở về với Trâu Điên. Dĩ nhiên Trâu chẳng dám múa rìu chuyện “đánh đấm” qua mắt thợ họ nhà Cọp, mà chỉ xin kể vài kỷ niệm buồn vui với các Trâu Điên Trưởng, tức các Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC từ khi mang danh Trâu Điên. TĐ2/TQLC đã có nhiều vị Tiểu Đoàn Trưởng tiền nhiệm, nhưng chỉ mang danh Trâu Điên từ thời Thiếu tá Lê Hằng Minh sau trận An Quý 1965, tới Trung Tá Ngô Văn Định, Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc và cuối cùng là Thiếu Tá Trần Văn Hợp. Trong 4 Trâu Điên Trưởng này thì 3 vị đã hy sinh! Tôi có dịp phục vụ dưới quyền 4 ông với nhiều điều buồn vui, nay xin nhớ lại như một nén nhang dâng lên các anh đã khuất. *** Trâu Điên Trưởng LÊ HẰNG MINH Sau 15 ngày bị trọng cấm vì tội phạm thượng, bị nhốt quân cảnh Q.C.202, tôi từ giã TĐ5/TQLC để theo toán bổ sung quân số về trình diện TĐ2/Trâu Điên hiện đang hành quân tại thành phố Đà Nẵng (5/66). Đang vui cùng đồng đội cũ, nay bị đổi sang đơn vị mới khiến tôi mệt mỏi chán chường. Tôi dựa lưng vào tường, ngồi bệt dưới sân của Quân Trấn Đà Nẵng, chợt thấy một ông thiếu tá nhỏ con, nón sắt áo giáp súng đạn đầy người đi tới đi lui, lại thêm bộ râu trông “hách” hơn râu của mình, tôi quay sang hỏi người hạ sĩ ngồi bên cạnh: - Ông nào trông ngầu quá vậy? - Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2 Lê Hằng Minh của mình, thiếu úy ơi. Đây là lần đầu tiên tôi được đến gần vị tiểu đoàn trưởng TĐ Trâu Điên, vị tiểu đoàn trưởng tôi từng nghe danh từ lâu, nay trông thấy ông rồi và về với Trâu Điên, đơn vị đầu tiên tôi mong được phục vụ. Được về chiến đấu dưới màu áo rằn ri sóng biển TQLC đã khó, mà cái áo rằn có hình Trâu Điên nghếch mũi cười nhe răng trên cánh vai phải lại càng khó hơn. Vậy là tôi đã được làm Trâu Điên với Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh, người tôi ngưỡng mộ. Tháng 5/1966, TĐ1 và TĐ2/TQLC tham dự vào vụ “Biến Động Miền Trung”, dẹp biểu tình tại Đà Nẵng, khiêng bàn thờ Phật bị thầy trò Thích... đem bày xuống đường làm vật cản lưu thông ở Huế, vừa ổn định an ninh ở nội thành là TQLC hành quân diệt địch quẩn quanh thành phố, đuổi chúng từ bờ biển Phù Liêu, Gia Đặng, tới nga ba sông Vĩnh Định, Bích La Thôn QT. Biết bao xác VC đã nổi lên tại khúc sông này! Sau khi dẹp loạn trong, giết giặc ngoài xong, TĐ2/TQLC trở lại Huế để tham dự lễ mừng chiến thắng được tổ chức tại Phú Văn Lâu. Trong dịp này một số quân nhân TQLC được gắn huy chương và thăng cấp, trong đó có Trâu Điên Lê Hằng Minh, được thăng cấp trung tá. Đang nghỉ dưỡng quân ở xóm phía ngoài đầu cầu An Hòa (Huế), Đại Đội Trưởng ĐĐ4 Nguyễn Xuân Phúc đi họp về ra lệnh cho đại đội chuẩn bị hành quân. Ông cho biết tiểu đoàn sẽ di chuyển ra Quảng Trị bằng xe. Đại Đội 4 đi sau cùng nhưng Trung Đội 43 của tôi đi đầu đại đội nên tôi phải theo dõi đoàn xe. Để chắc ăn biết khi nào tới phiên mình nên tôi ra đứng sát ngay lề đường để theo dõi các đơn vị đi chuyển. Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh ngồi trên xe Jeep mui trần với nhiều cần câu (antena), trên kính chắn gió phía tay phải còn khoác một vòng hoa chiến thắng, có lẽ vòng hoa này do các em gái hậu phương quàng cho ông trong buổi lễ mấy hôm trước. Ông mặc áo jacket bên ngoài, trên cầu vai áo jacket là cặp lon trung tá TQLC bằng kim tuyến trắng tinh. Kể từ ngày về tiểu đoàn, tôi chưa được phép trình diện TĐT, lần đầu tiên tôi trông thấyông tại Quân Trấn Đà Nẵng với cấp bậc thiếu tá, lần này đứng bên lề đường đưa tay chào trung tá khi xe jeep của ông từ từ đi qua. Dĩ nhiên ông không bận tâm chào lại và cũng chẳng biết tên thiếu úy kia là ai. Không ngờ đó là lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vị tiểu đoàn trưởng thần tượng của tôi. ...Đó là ngày 29/6/1966, đoàn xe TĐ2 di chuyển trên QL1 từ đầu cầu An Hòa hướng ra Quảng Trị, vừa qua khỏi cột mốc cây số 17 thuộc Quận Phong Điền, Huế thì bị 1 trung đoàn địch độn thổ phục kích sát quốc lộ trên một tuyến dài mà cả một đoàn xe gần như lọt vào vòng. Lúc đó vào khoảng 9 giờ sáng, cuộc phục kích và phản phuc kích chỉ xẩy ra trong vòng 20 phút, nhưng Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh cùng 42 chiến sĩ đã bị tử thương, gần 100 quân nhân bị thương, trong số đó có anh Xuân Phúc bị bắn từ ngực xuyên ra sau lưng. Trần Văn Hợp bị bắn vào bắp chân và tôi, đạn xuyên cánh tay. Đổi lại thì 233 VC phơi xác, 9 cháu ba-ác “được” bắt sống. Vị Tư Lệnh SĐ1/BB, Đại Tá Ngô Quang Trưởng đến thị sát chiến trường ngay sau khi khói súng chưa tan, ông nhận xét về trận này: “Trong cuộc đời binh nghiệp, kể cả hồi Pháp, tôi chưa hề thấy trận phục kích nào lại biến thành trận phản phục kích tuyệt vời như trận Phò Trạch này.” (trích MX Tôn Thất Soạn, Tuyển Tập 2/TQLC) Trong bài viết này, tôi không nói về lý do và những khó hiểu đằng sau vụ TĐ2/TQLC bị cả một trung đoàn VC phục kích ngay trên QL1 sát nách thành phố Huế! Điều đáng buồn là thân phận người lính chiến lại bị ngay “bạn” ở hậu phương đâm sau lưng bằng lưỡi lê đầu súng AK47! “Bạn” đây chính là thày trò “thích đâm hậu” đi cùng VC bày binh bố trận. Là một trung đội trưởng chưa có dịp trình diện Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh, chỉ mới nghe danh mà chưa được nghe “tiếng nói” nên tôi không có nhiều kỷ niệm vui buồn với Ông, tôi xin ghi lại cảm tưởng của cựu Th/tá Tá Lâm Tài Thạnh, TĐT/TĐ9/TQLC, khi Thạnh còn là Ch/úy trung đội trưởng của TĐ2, nói về vị tiểu đoàn trưởng của mình: “Vào một sáng Chủ Nhật, không có tiền đi phố, tôi và Quang (khóa 18/VK) tự cấm trại, đang lau chùi vũ khí thì TĐT Minh đi ngang, thấy vậy ổng lấy xe jeep chở chúng tôi ra hồ tắm Ngọc Thủy (Thủ Đức) giải khát. Ổng lái và cho tôi ngồi bên cạnh. Lần đầu tiên trong đời và có lẽ cũng rất hiếm hoi trong đời lính, một tiểu đoàn trưởng lái xe chở một chuẩn úy trung đội trưởng ngồi ghế trưởng xa đi uống nước..” Phong cách cư xử của Trâu Điên Lê Hằng Minh đối với thuộc cấp như trên là có tài “lãnh đạo” trong đó. Chỉ huy thì dễ, chỉ việc... chỉ tay ra lệnh, la hét và chửi thề khiến thuộc cấp sợ mà phải tuân theo. Nhưng lãnh đạo lại là một nghệ thuật khiến kẻ dưới vui vẻ tình nguyện chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vu. Lãnh đạo chẳng phải là cái gì to lớn ghê gớm khó khăn lắm đâu. Khi một thuộc cấp gặp trường hợp vợ ốm con đau mà đơn vị trưởng mau mắn thăm hỏi và cho họ đi phép ngay, đó cũng là một cử chỉ lãnh đạo. Đừng vin cớ “vì nhu cầu công vụ” mà từ chối quyền lợi của thuộc cấp, dùng quyền chỉ huy không cho họ đi phép là không đúng, nói thẳng ra là “ép nhau”. Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh không chỉ là một cấp chỉ huy giỏi mà còn là một sĩ quan có tài lãnh đạo, sự hy sinh của Ông là một mất mát lớn cho TQLC nói riêng và QLVNCH nói chung. Sau khi Trung Tá Lê Hằng Minh tử trận thì tân TĐT/TĐ2 Trâu Điên là Đồ Sơn Ngô Văn Định. Đồ Sơn Ngô Văn Định vốn là sĩ quan thuộc TĐ2/TQLC từ khi ông còn là trung úy đại đội trưởng, nay ông được chỉ định quay về làm tiểu đoàn trưởng. Trâu Điên Trưởng NGÔ VĂN ĐỊNH Phải nói ngay mà không sợ mang tiếng là nịnh thượng cấp, theo tôi, Đồ Sơn Ngô Văn Định là một trong những quân nhân có nhiều huy chương, Anh Dũng Bội Tinh với 21 ngành Dương Liễu, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương từ khi còn là trung úy đại đội trưởng, Đệ Tứ Đẳng khi là tiểu đoàn trưởng và Đệ Tam Đẳng khi là lữ đoàn trưởng. Đồ Sơn cũng là một trong 2 Lữ Đoàn Trưởng TQLC chỉ huy trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Tôi không thể nói nhiều về những chiến công của ông mà chỉ xin ôn lại những kỷ niệm “buồn vui” của một đại đội trưởng với Trâu Điên Trưởng Đồ Sơn quanh cuộc chiến. Tôi phục vụ dưới quyền chỉ huy của Đồ Sơn Ngô Văn Định từ 1966-1969, tính tròn 3 năm. Đây là vị tiểu đoàn trưởng lâu đời nhất của tôi, tôi theo ông liên tục trong mọi cuộc hành quân khắp 4 vùng chiến thuật, qua nhiều trận lớn nhỏ. Tôi nhận thấy, ngoài tài chỉ huy, Đồ Sơn còn là cấp chỉ huy “mát tay”, ít ra là đối với riêng cá nhân tôi, ông đã giúp tôi thoát chết nhiều lần trong gang tấc, nhưng kỷ niệm buồn với tôi là khi ông vừa về làm tiểu đoàn trưởng TĐ2. Khi TĐP Nguyễn Xuân Phúc hướng dẫn và giới thiệu các sĩ quan trong tiểu đoàn cho tân TĐT Đồ Sơn, anh Phúc giới thiệu tôi với Đồ Sơn và nói: - “Đây là thiếu úy Cấp, mới từ TĐ5 đổi về, đánh đấm cũng được lắm”. Chả hiểu ông đã đọc hồ sơ quân bạ của tôi chưa, nhưng khi 2 ông vừa bước đi thì tôi nghe Đồ Sơn nói nhỏ với anh Phúc: “Đánh đấm được thì sao TĐ5 lại thải ra?” Đúng, ít khi nào đơn vị cũ lại buông ra một quân nhân đánh đấm được và cấp chỉ huy đơn vị mới sẽ kém vui khi phải nhận “hàng thải”, cũng chính vì cái chuyện “đánh đấm” mà tôi bị đuổi khỏi đơn vị cũ. Nhưng thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu ông Đồ Sơn mới biết hàng thải tôi không tồi lắm. Chỉ trong vòng 1 năm, từ đầu Mậu Thân 68, đến đầu năm 1969, đại đội tôi cùng toàn thể Trâu Điên đã được 3 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội, nói nôm-na là kiếm cho quân kỳ tiểu đoàn được thêm 3 nhành Dương Liễu. Đáng nhớ nhất là trong một cuộc hành quân vùng Bời Lời, Hố Bò, đại đội tôi đã phải thay tới 4 lần cố vấn Mỹ* (* Một TĐ/TQLC đi hành quân luôn có 2 cố vấn Mỹ, cố vấn trưởng đi với TĐT, cánh A, cố vấn phó đi với TĐP, cánh B. Nhưng khi một đại đội hoạt động biệt lập thì được một cố vấn đi theo để sẵn sàng yểm trợ hỏa lực và tải thương) Ngày 14/9/1968, Đại Đội của tôi nhảy “diều hâu” xuống vùng Cầu Khởi, phía Bắc quân Khiêm Hanh, Tây Ninh. Vì đi một mình nên đại đội có cố vấn Mỹ đi theo. Vừa chạm đất liền bị Tiểu Đoàn 14D/VC bao vây tấn công, chúng tôi trong tình trạng thập tử nhất sinh. “Ngài” cố vấn Mỹ rét quá nên nhân chuyến tải thương, ông ta leo lên trực thăng đi luôn. May mà Đồ Sơn đã kịp thời đổ quân TĐ2 (-) xuống ngay sau lưng địch khiến chúng hốt hoảng phải nới vòng vây đại đội tôi để quay ra chống cự với Trâu Điên bao vây chúng phía ngoài. Sau trận Cầu Khởi, TĐ2 lại đổ bộ trực thăng ngay vào mật khu Hố Bò (TN). Nhưng mới thả xuống được ĐĐ1 của tôi và ĐĐ3 của Trần Văn Thương thì bị đụng nặng. Súng phòng không quá mạnh và địa thế không cho phép tiểu đoàn đổ quân tiếp tục nên ĐĐ1 và ĐĐ3 cầm cự tới ngày hôm sau tiểu đoàn mới xuống đầy đủ. Suốt đêm đó, TĐT Đồ Sơn và Ban 3 Đinh Xuân Lãm luân phiên bay Cvà C đề hướng dẫn “Hoả Long” yểm trợ. Tiếng nói của các anh và Hỏa Long đã giúp chúng tôi giữ vững vị trí trước những đợt tấn công dồn dập của VC trong đêm. Trong cuộc hành quân nhẩy vào Hố Bò này, đại đội tôi lại nhẩy đầu và có cố vấn Mỹ đi theo, vừa chạm đất là CV Mỹ bị thương. Mỹ mà bị thương thì Mỹ họ phải tải thương ngay và thả CV khác xuống thay thế. Nhưng rất tiếc là phòng không mạnh quá và VC cũng thả khói màu tím nên trực thăng nhầm LZ, thả lộn cố vấn vào vùng địch khiến đại đội tôi lãnh “đại họa” là phải đi tìm anh ta về bằng mọi giá. Tìm được, nhưng anh ta bị thương và phải tải thương. Tiểu đoàn chưa kịp bổ sung cố vấn, nhưng tình hình quá nặng nên buộc lòng Chiến Đoàn Trưởng phải đưa CV khác xuống cho tôi để họ lo hỏa lực yểm trợ và tải thương. Khi đụng trận, có CV để xin yểm trợ hỏa lực và tải thương thì tuyệt, nhưng các chàng cũng ưa báo cáo linh tinh nên tôi không thích có CV đi theo Hôm sau, trong khi đang lục soát, thu dọn chiến trường và chuẩn bị đóng quân đêm thì tiểu đoàn được lệnh di chuyển ngay để B52 “trải thảm” vùng này. Khi đại đội 4 của Vũ Đoàn Doan đi sau cùng chưa rời khỏi vị trí thì 2 đại đội đi đầu đụng nặng. Tiếng B.40 và RPD nổ ròn. Quân ta đã bị thương và tử thương. Trời đang tối dần, tối dần!!! Trong đêm giữa rừng sâu, lệnh thượng cấp bắt di chuyển gấp, trả mục tiêu lại cho B.52 nhưng địch lại cầm chân tiểu đoàn! Đây là lúc khó khăn nhất của cấp chỉ huy, TĐT Ngô Văn Định đã quyết định: “Ở lại chiến đấu, không nhường B52” và ông đã thông báo quyết định này cho 2 cố vấn Mỹ biết. Thực tế chiến trường đang xẩy ra trước mắt buộc 2 cố vấn của tiểu đoàn phải làm việc khẩn cấp với hệ thống cố vấn cao hơn để xin hủy bỏ hay chuyển hướng các phi vụ B.52 đang từ Thái Lan hướng về mục tiêu mà TĐ2/TQLC còn đang kẹt tại chỗ. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, thời hạn ấn định TĐ2 rời khỏi mục tiêu đang cạn dần. Đêm lạnh mà các cố vấn lau mồ hôi trán liên tục. Cuối cùng, cố vấn tiểu đoàn thở phào nhẹ nhõm báo cho Đồ Sơn biết B52 đã phải “nhường” mục tiêu lại cho TĐ2. Tin loan ra khiến chúng tôi an tâm diệt Cộng mà không còn lo hỏa lực khủng khiếp của bạn từ trời rơi xuống. Trong chiến trận, chuyện KQ bạn đánh lầm quân ta cũng không hiếm, nhưng B52 thì chưa bao giờ xẩy ra. Bốn mươi năm sau, khi ôn lại chiến trường xưa, Đồ Sơn tâm sự: “Khi quyết định ở lại chiến đấu mà không di chuyển theo lệnh trên, tôi biết sẽ gặp khó khăn lắm nhưngtôi cũng không thể hy sinh thêm đồng đội vì bất cứ lý do gì. Vả lại kinh nghiệm cho tôi biết B52 sẽ không bao giờ dám trải thảm một khi còn có người Mỹ trong vùng mục tiêu. Lúc đó trong tay mình (TĐ2) còn có 2 cố vấn Mỹ mà.” Sau 3 năm theo chân Đồ Sơn khắp bốn vùng chiến thuật, bị thương lai rai thì có. Nhưng đến khi Đồ Sơn bị trọng thương (4/69), thì tôi bị trọng thương theo sau đó. Vào 6/1969, tôi bị loại khỏi vòng chiến và rời TĐ2/TQLC từ đấy. Xin gửi lời cám ơn muộn màng đến Đồ Sơn. Là đại đội trưởng, đôi khi tôi thường “khắc khẩu” với tiểu đoàn trưởng, nhưng nhờ hợp “mạng” nên Đồ Sơn đã nhiều lần giúp tôi thoát hiểm trong đường tơ. Trâu Điên Trưởng NGUYỄN XUÂN PHÚC Sau khi ngồi tù 15 ngày, tôi bị đổi về TĐ2. Tôi buồn lắm, nhưng “kỷ luật là sức mạnh” nên tôi bước tới trước mặt Trung Úy ĐĐT/ĐĐ4 Nguyễn xuân Phúc, đứng nghiêm đưa tay chào và xưng danh đúng quân cách nhưng “ông ta” vẫn ngồi, 2 chân gác trên bàn, tay cầm điếu Ruby Queen gõ gõ lên hộp quẹt Zippo rồi nhếch mép cười ruồi: - “Ông đánh lộn bên TĐ.5 rồi bây giờ về đây kiếm tôi nữa phải không?” Đã từng nghe danh ông niên trưởng này từ lâu, nay đụng mặt trong hoàn cảnh bất đắc dĩ khiến tôi đành phải cắn môi đến rớm máu để nuốt cục buồn. Tôi muốn trả lời ông câu: “chưa biết”, nhưng thôi, đành im lặng! Sau giây phút căng thẳng, ông đứng dậy quẹt lửa, châm điếu thuốc, nhả khói rồi chậm rãi chân bước đi, miệng nói:
Đại đội phó là Trung úy Trần Văn Hợp, người bạn cùng khóa. Hắn mới đón tôi từ quân trấn về đây thì còn trình diện gì nữa nên tôi xách ba lô đi tìm chỗ khuất trong một khách sạn xây cất dở dang bỏ hoang, là nơi đại đội đang đóng quân, để tránh mặt mọi người, giăng võng nằm trong một góc tối. Rồi vài ngày sau, cũng đến lúc “xếp” Phúc gọi tôi ra lệnh: - “Ông xuống nhận Trung Đội 3 để sáng sớm mai đi hành quân”. Tôi không hỏi thêm bất cứ điều gì để cho xếp biết tôi “bất cần”, và tôi gọi trung đội phó, Trung Sĩ 1 Tuyết, truyền lệnh vắn tắt “chuẩn bị sáng mai đi hành quân”. TĐ2/TQLC tiến quân dọc theo những xóm làng ven biển, đụng tại mục tiêu Phù Liêu Gia Đặng, quân ta truy kích địch về tới ngã ba sông Vĩnh Định, thôn Bích La (QT). Địch hết đường thoát nên tử thủ tại đây nhưng rồi cũng bị TĐ1 và TĐ2 đánh tan. Suốt cuộc hành quân này Đại Đội Trưởng Nguyễn Xuân Phúc luôn để trung đội tôi lẽo đẽo theo sau và không hề ra lệnh hay nói năng gì cả. Tại Phù Liêu, khi cánh quân đi đầu nổ súng, Thiếu Úy Kiệt (K20/VB) tử thương thì ở phía sau, VC từ dưới cát chui lên “chặt khúc đuôi”, tấn công ào ạt vào Trung Đội 3 của tôi. Trung đội đã nhanh chóng phản ứng cấp thời. May mắc đơm vị không hề hấn gì mà VC còn bỏ lại vài cây AK, vài xác chết. Tôi báo lên đại đội nhưng xếp vẫn im lặng, không lên tiếng khen chê. Tại thôn Bích La, VC bị kẹt vào giữa gọng kìm của 2 tiểu đoàn TQLC (1 và 2) và ngã ba sông nên nửa đêm chúng liều chết tìm cách thoát thân, chui đầu vào tuyến TĐ2! Hẳn không cần diễn tả thì độc giả cũng biết chuyện gì xẩy ra khi quân ta bắn “bia di động”. Riêng Trung Đội 3, tôi cho đặt mìn claymore trước tuyến nên khó có tên VC nào thoát. Sáng sớm hôm sau, trong khi tôi đang cho trung đội thu lượm vũ khí và đếm xác địch thì “xếp Phúc” đến, tay cầm ca nhôm café, ông vỗ vai tôi và nói: - “Làm một hớp cho ấm bụng, chú mày làm ăn được lắm”. - “Cám ơn trung úy, tôi là đồ bỏ nhưng nhờ lính của “xếp” đánh giặc giỏi”. Thực ra thì tôi biết ông ta đến nhưng tôi cứ lờ đi như không hay không thấy. Khi phải chào thì tôi chào theo đúng cấp bậc nhà binh chứ không có “niên trưởng” gì cả, dù ông đã gọi tôi với tiếng “chú” tràn đầy tình thương anh em. Với tôi, hai chữ “niên trưởng” có cái gì ấm cúng thân tình anh em, còn danh xưng “xếp” chỉ là tiếng gọi xách mé, thiếu tôn trọng người đối diện. “Xếp” cũng biết điều đó nên ông mỉm cười, điệu cười trịch thượng dễ ghét, im lặng móc thuốc hút và “mời” một tôi điếu, dặn dò vài câu huề vốn rồi đi đến chỗ trung đội của Chính, K20 VB. Sau một đêm vất vả với súng đạn nhưng được bình an, sáng sớm trời lạnh mà được rít một hơi thuốc, ngửa mặt lên trời nhả khói vòng tròn là niềm hạnh phúc nhất của lính đánh giặc. Điếu thuốc đầu ngày làm tôi sảng khoái, nhất là điếu thuốc mời từ tay “xếp”, một người mà tôi ghét cay ghét đắng ngay từ khi về trình diện. Hình như tôi say thuốc, nhìn qua khói thuốc, tôi thấy dáng Anh đi đầy vẻ tự tin, thái độ “kẻ cả”. Tôi chợt nhận ra cử chỉ của mình vừa rồi đầy mặc cảm tự ti! Còn Anh, tuy kích thước thấp hơn tôi nhưng anh lại cao hơn tôi một “cái đầu”. Tay tôi mân mê điếu thuốc hút dở dang, điếu thuốc in dấu tay của Trung úy Nguyễn Xuân Phúc. Có lẽ điếu thuốc đó đã làm thay đổi thái độ bất cần của tôi. Hơn 50 năm sau, tôi còn nhớ đó là điếu Ruby Queen đựng trong bao màu tím nhạt. Phong cách “người lớn”, rộng lượng của cấp chỉ huy hay hành động “tiểu nhân” ích kỷ của kẻ lớn lon có thể làm thay đổi hẳn thái độ của thuộc cấp theo hướng kính trọng hoặc khinh bỉ, tôi đã gặp cả hai trường hợp như thế. Chỉ một điếu thuốc giữa không khí đặc quánh với khói súng mà tôi bỏ chữ “xếp”, xếp Phúc thay bằng một tiếng ANH PHÚC (viết hoa). Sau một thời gian, anh được điều đông đi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiều Đoàn 6/TQLC. Trước khi đi, anh xiết mạnh tay tôi và khẽ nói: - “Chú mày đã phạm một lỗi lầm rất đáng tiếc, dễ gây ngộ nhận và ác cảm với cấp chỉ huy lúc ban đầu. Đường binh nghiệp của chú mày sẽ vất vả lắm đấy, phải thật cẩn thận”. À thì ra thế, lúc đó tôi mới ngộ ra rằng thuở ban đầu khi tôi vừa trình diện thì Anh đã thử thách tôi. Điều đó dễ hiểu, cấp chỉ huy nào cũng bực khi phải nhận về một quân nhân “ba gai”, hỗn với cấp chỉ huy, cái khó là làm sao trị được những “con ngựa chứng”. Tôi nói với anh: - “Bản tính tôi đâu phải thế, tôi rất hiền và luôn luôn biết kính trên nhường dưới mà”. Tháng 4/1969, Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn Ngô Văn Định bị trọng thương, anh Phúc quay trở lại làm TĐT/TĐ2 với dàn đại đội trưởng là 3 Đ/úy K19VB là Trần Văn Hợp, Đ/úy Vũ Đoàn Doan, Đ/úy Tô Văn Cấp và Tr/úy Lâm Tài Thạnh K17 TĐ. Đối với tôi, đây là thời gian TĐ2 tương đối vui và ổn định, “hành quân” ở hậu phương thì “ồn ào”, đụng trận ngoài tiền tuyến thì không khí nhẹ nhàng. Mỗi lần lần đụng trận thì các đại đội trưởng liên lạc hàng ngang và “ra lệnh” cho nhau luân phiên công thủ còn ông TĐT thì yên lặng theo dõi mà không hề hối thúc. Ngày 19/6/1969, TĐ2 đi hành quân ở Chương Thiện. Vì TĐ Phó đi phép để chuẩn bị nhận tiểu đoàn mới nên anh Phúc giao cánh B cho tôi chịu trách nhiệm. Thực ra trong 3 tên K19 này thì thằng nào làm phó cho anh cũng được, nhưng anh lại giao cho tôi và rồi tôi bị trọng thương khiến anh Phúc dậm chân chửi thề: - “C..., mưu sự do tao, thành sự tại thằng VC”. Tôi hiểu ý nghĩa câu chửi thề của Anh. Anh muốn nâng đỡ tôi nhưng không hiểu tại sao tôi lại đen đến thế, đen cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Vạn sự (rắc rối) khởi đầu (gian) nan chăng? Sau khi tôi bị thương, tuy không còn chiến đấu bên Anh ngoài chiến trường nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau, kể cả khi anh làm lữ đoàn trưởng, là anh kéo tôi đi theo để xem anh uống còn tôi thì “phá mồi” hoặc đấu võ “mồm”. Lần đầu tiên, khi trình diện năm 1966, gặp Trung Úy ĐĐT/ĐĐ4 Nguyễn Xuân Phúc tại Đà Nẵng thì lần sau cùng lại gặp Trung Tá LĐT/LĐ369/ Nguyễn Xuân Phúc cũng tại Đà Nẵng, trên bãi biển Non Nước vào sáng 29/3/1975. Không ngờ đó là lần sau cùng tôi găp Anh. Anh Phúc không cho tôi huy chương và cấp bậc, tiền bạc thì lại càng không vì anh quá nghèo, ngoài ra tôi ghét cay ghét đắng, có thể nói là hận anh ngay từ khi mới trình diện, nhưng “ở lâu mới biết lòng người có nhân”. Phong cách chỉ huy và tài lãnh đạo, cung cách “sống đẹp” với người xung quanh của Anh đã khiến tôi kính và phục, nếu không muốn nói Anh là “thần tượng” của tôi. Không chỉ riêng tôi, mà khi tiếp xúc với những người biết Anh, những ai từng làm việc với Anh thì hầu như tất cả đều dành cho Anh cảm tình yêu mến, một sự “NGƯỠNG MỘ”. Nửa đường gẫy gánh, binh nghiệp của Anh chưa thành công, nhưng Anh đã thành danh, ở một nơi nào đó trên Thiên Quốc, nơi anh đang cười vui, đánh nhịp hát “Trấn Thủ Lưu Đồn”. Trâu Điên Trưởng TRẦN VĂN HỢP Cùng được chọn về TQLC nhưng khác tiểu đoàn nên chúng tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau. Ngày bị thuyên chuyển về TĐ2, thấy Hợp mang xe đến đón khiến tôi mừng thầm, ít ra cũng có một người bạn cùng khóa ở đơn vị mới thì cũng đỡ bơ vơ. Nghĩ vậy nên tôi đến chào Trung Úy Hợp đúng theo quân kỷ. Hắn đưa tay cho tôi bắt, nói cho chính xác là “nó” hững hờ đưa tay ra cho tôi cầm, rồi chỉ tôi leo lên phía sau xe GMC trong khi “nó” ung dung lên “cabin” ngồi một mình! Đắm tàu tưởng gặp phao hóa ra đụng bọt biển! Đó là lý do tôi không thèm trình diện Tr/Úy Hợp theo lệnh của xếp Phúc. Có một cái gì đó gần giống nhau của 2 sĩ quan ĐĐ4/TĐ2 này trong cách đối xử lạnh nhạt với tôi. Không hiểu sao lúc đó tôi lại không đi uống rượu, chửi thề, xuống xóm giải sầu hoặc “chịu chơi” zoọc về Saigon chơi chịu cho bõ ghét. Sau vài lần thử lửa, nhất là sau trận Bích La thôn, cả hai đã cho tôi một nụ cười. Khi Hợp lên làm đại đội trưởng ĐĐ4 thay anh Phúc thì tôi cũng được hưởng ké, làm đại đội phó cho Hợp, cùng nhau vui chơi và làm việc cho đơn vị mà không phân biệt trưởng phó. Chính vì sự “lạm quyền” đó mà đã có lần Hợp chửi tôi “ngu”. Ở Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định) vào thời điểm 1967, du kích rất nhiều và ẩn hiện như ma, ngày thì lặn, đêm đêm chui ra vác loa kêu gọi “Lính Thủy Đánh Bộ” đầu hàng! Nghe mãi nhức đầu, sôi máu nên một đêm tôi lựa mấy tay “đen-đen” như tôi để đi bịt miệng mấy tên du kích này và túm được 1 tổ tam-tam với 1 AK, 1 mã tấu và một chị thổi... loa. Hí hửng tôi mang loa về khoe. Xếp Hợp khen toán phục kích giỏi rồi ghé tai tôi nói nhỏ: - “Mày ngu bỏ mẹ, du kích vùng này đông như cỏ dại. Nhiệm vụ này đâu phải của mày, lỡ xảy ra chuyện gì thì liệu có đáng không?” Lần đầu gặp nhau tại Đà Nẵng, nó đưa tay cho tôi cầm khiến tôi ghét nó bao nhiêu thì lần tại Bồng Sơn nó chửi tôi “ngu” thì tôi lại phục nó bấy nhiêu. Tôi hiểu tấm lòng của cấp chỉ huy xen lẫn tình bạn bè trong lời hắn sỉ vả tôi: “mày ngu”. Một thời gian ngắn sau tôi lên coi đại đội. Tuy không còn chung đại đội, nhưng dù hành quân hay về hậu cứ thì 3 tên độc thân Hợp, Chính, và tôi đều buồn vui có nhau như anh em một nhà. Rồi Chính tử trận bên kinh Cái Thia (31/12/1967), tôi bị thương ở Chương Thiện, Hợp tiếp tục cầm súng và sau Hạ Lào 719 thì thay thế anh Phúc để trở thành TĐT/TĐ2 Trâu Điên. Không thể kể hết những trận đánh và chiến công của Hợp, vả lại nếu có thì đó là công trạng của cả một tiểu đoàn mà không của riêng ai. Vì thế trong bài “Vui Buồn” này, tôi sẽ ít đề cập tới “tiếng súng chiến trường” mà chỉ là tâm tình riêng. Thời gian 1973, mỗi khi các tiểu đoàn trưởng về họp tại BTL/SĐ (Hương Điền) thì Hợp đều ghé Phòng Ba tìm tôi. Nhưng hắn chỉ im lặng đưa tay cho tôi bắt, và tôi nắm trong đó được một ít tiền lẻ đủ vài chầu cơm hàng cháo chợ của quán mụ Luyến bên bờ Phá Tam Giang. Có lúc tôi giả bộ chê “Sao mày rách thế?” thì hắn chỉ mỉm cười. Ít nói là bản tính của Hợp, kín tiếng ngậm miệng ngay cả khi “mở rộng bàn tay”. Những đàn em như Lê Quang Liễn, Trần Quang Duật đều không hay biết gì về việc TĐT Trần Văn Hợp đề nghị thăng cấp thiếu tá cho họ. Liễn và Duật tâm sự: - “Tụi tôi không hay gì cả, chỉ khi anh ấy gọi lên BTL gắn lon mới biết.” Sống chết với nhau nhưng chúng tôi không hề biết tôn giáo của nhau, chẳng chùa mà nhà Chúa cũng không, đời lính tráng chỉ biết theo đạo ù-ù, nhưng “cách cho” của Hợp có vẻ như làm theo lời khuyên của thánh kinh: “Khi tay phải làm việc thiện thiện đừng cho tay trái biết”. Sáng 29/3/75 Hợp và tôi gặp nhau tại bờ biển Non Nước, lênh đênh xuôi Nam, chia nhau gói mì tại vịnh Cam Ranh, rồi về bãi biển Vũng Tàu những ngày giữa tháng 4/75, chỗ nào thì cũng chỉ nhìn nhau lắc đầu, mong sao không còn phải lui nữa Những ngày cuối tháng 4/75, trong khi “hậu phương” SG tìm mọi phương tiện để ra biển thì tất cả quan lính TQLC lại từ bờ biển Vũng Tàu lui về cố thủ tại căn cứ Sóng Thần (Thủ Đưc) rồi theo lệnh tông-tông, cởi bỏ áo lính giầy sô để mặc áo tù đi chân đất! Cúi mặt! Sáng 30/4/1975, sau khi Tổng Thống DVM ra lệnh đầu hàng, các Tiểu Đoàn Trưởng họp cùng Đại Tá TLP/SĐ tại BCH/CC Sóng Thần và nhận lệnh “giã từ vũ khí”! Trời bỗng đổ một cơn mưa rào, Hợp và tôi dựa lưng nhau chùi nước mắt. Chúng tôi vất xe jeep, lội bộ từ Thủ Đức về Thị Nghè vì gia đình chúng tôi cùng ở trong trại gia binh Cửu Long. Khi đi ngang ngã ba Giồng Ông Tố, thấy 2 bên súng nổ, mấy tên VC/BK vác AK chạy tới chạy lui trên xa lộ miệng chửi tục: - “Đm... tụi Trâu Điên còn ngoan cố chống cự”. Đang khóc trong lòng mà tôi cũng phải mím môi cười thầm bên tai Hợp: - “Mình thua đàn em rồi!” Sau vài tuần ngơ ngáo, 14/6/75 chúng tôi cùng “rủ nhau” vào tù, gặp đủ mặt “anh hào” cùng chung một trại Long Giao, không sót một ai, cùng chia nhau trái đắng. Trong buổi “lên lớp” đầu tiên tại trại tù Long Giao về đề tài “Ngụy Quân, Ngụy Quyền”, “giáo viên” đã dõng dạc và dứt khoát tuyên bố: - “Những cái gọi là Trâu Điên và Cọp Đầu Rằn thì sẽ bị trừng trị đích đáng”! Tôi lại có dịp thúc cùi chõ vào ba sườn Trâu Điên Hợp nói nhỏ: - ”Họ muốn xin mày cái ngưu-pín.” Mặt Trâu Điên Hợp vẫn tỉnh bơ, quả thật điếc không sợ súng, “mặt dầy” như da Trâu. Rồi kẻ trước người sau lưu đày đất Bắc, tôi và Hợp bắt tay từ giã tại trại tù Suối Máu năm 1976 mà không biết đó là lần chia tay sau cùng! Trâu Điên Trần Văn Hợp đã bị “trừng trị đích đáng” như lời tuyên bố của “giáo viên”. Đời binh nghiệp của Hợp gắn liền với Tiểu Đoàn Trâu Điên. Từ ngày đầu tiên là trung đội trưởng của Đại Đội Trưởng Phúc cho tới khi Hợp là tiểu đoàn trưởng, và những ngày cuối cùng cũng vẫn thuộc quyền LĐT Nguyễn Xuân Phúc nên Hợp có những đức tính cần có và đủ của một cấp chỉ huy tác chiến lý tưởng. Trần Văn Hợp chính là “bản sao” của anh Nguyễn Xuân Phúc. “Cấp chỉ huy giỏi thì không có thuộc cấp tồi”. Trần Văn Hợp là Tiểu Đoàn Trưởng Trâu Điên cuối cùng và không còn nữa nhưng vẫn còn mọi sự mến mộ của bạn bè và lòng kính trọng của thuộc cấp, thượng cấp. Một thượng cấp trong Binh Chủng đã nói về Trần Văn Hợp như thế này: - “Có thể ghét, nhưng không ai có thể khinh thường Hợp được.” Dù đã về Thiên Quốc như các Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Văn Hợp hay còn nặng nợ với trần gian như Đồ Sơn Ngô Văn Định, tôi xin nghiêng mình kính phục các TRÂU ĐIÊN TRƯỞNG, những cấp chỉ huy lý tưởng của Binh Chủng TQLC, những người con yêu quý của QLVNCH. Các anh đã cùng quân nhân các cấp chiến đấu khắp mọi miền đất nước từ Bến Hải đến Cà Mau, Campuchia, Hạ Lào, làm đẹp màu cờ sắc áo rằn ri với dây biểu chương màu Tam Hợp và quân kỳ vì TĐ2/TQLC Trâu Điên đã 8 lần được tuyên dương công trạng trước Quân Đội. Sau chiến thắng Mậu Thân ở Saigon, trận Cầu Khởi và Bời Lời, TĐ2 về hậu cứ để tái trang bị. Ngày 28 tháng 12 Tổng Thống VNCH, PTT, Đại Tướng TTMT và phái đoàn tướng lãnh đến hậu cứ TĐ2 ở Thủ Đức thăm và khen thửơng anh em Trâu Điên. Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Phó TT, Đại Tướng TTMT cùng phài đoàn tướng lãnh đến thăm và khen thưởng các đơn vị tại chiến trường là chuyện bình thường, nhưng đến thăm một tiểu đoàn tại hậu cứ sau những ngày hành quân dài thì không là bình thường, mà là một niềm vui cho Trâu Điên. |