Đồn Năm Xu RỗngNguyễn chánh Dật, Virginia
Trong lãnh vực tình báo và phản tình báo, kiên nhẫn là một đức tính và cũng được xem như một trong những yếu tố quan trong đưa đền thành công. Nhờ một phát giác tình cờ của một em bé bán báo vào năm 1953, Cục Điều Tra Liên Bang FBI đã âm thầm theo dõi một thời gian dài 5 năm bằng tất cả nghiệp vụ chuyên môn, và cuối cùng đã bắt được Đại Tá Rudolph Ivanovich Abel, một trùm gián điệp tại New York vào năm 1957. Có thể nói “Vụ Án Đồng Năm Xu Rỗng” là một thành công rực rỡ của cơ quan FBI kể từ ngày thành lập. 1. Nguồn gốc: Chiếu ngày thứ Hai, 22-6-1953, cậu bé đi giao báo “Brooklyn Eagle” gõ cửa một trong những khách mua báo quen thuộc của cậu tại chung cư 3404, toạ lạc trên Đại Lộ Foster vùng Brooklyn, Nghe tiếng gõ cửa, một thiếu phụ ra mở. Khi thấy cậu bé giao báo quen thuộc, bà liền quay lưng đi vào nhà, rồi trở ra trong phút chốc cùng chiếc ví trên tay. Bà nói: - Tiếc quá Jimmy. Hôm nay tôi không có tiền lẻ. Em có thể đổi cho tôi 1 dollar thành bạc cắc được không? Sau khi nhanh nhẹn gom hết tiền lẻ trong túi và đếm, cậu nói: - Cháu cũng không đủ bạc cắc. Cháu sẽ nhờ những người chung quanh đổi dùm. Đối diện là phòng của 2 phụ nữ khác. Hai bà láng giềng này đã gom chung bạc cắc đủ cho cậu bé đổi 1 dollar. Sau khi đã giao báo và nhận tiền, Himmy rời chung cư. Khi nhìn đám bạc cắc trong tay, cậu ngẫu nhiên nhìn thấy có một đồng xu khác lạ nằm lẫn trong đó. Đó là một đồng 5 xu. Khi để nó trên ngón giữa, cậu cảm thấy nó nhẹ hơn. Khi thả đồng 5 xu xuống đất, nó tách ra làm 2 phần, phiá trong là một tấm hình có chứa những hàng đầy số. Thứ Tư 24-6-1953 tức là 2 ngày sau, trong một cuộc thảo luận của một cuộc điều tra khác, một thám tử của Sở Cảnh Sát New York nói chuyện với một nhân viên của FBI về đồng 5 xu rỗng kỳ là này, do một cậu bé ở Brooklyn khám phá mà ông vừa nghe được. Viên thám tử này đã nhận được thông tin qua một viên sĩ quan cảnh sát khác, mà con gái của ông ta biết cậu bé này. Khi thám tử của New York tiếp xúc với Jimmy, cậu bé đã trao cho họ đồng 5 xu rỗng và tấm hình. Sau đó, các vật này đã được trao lại cho FBI. Khi khám nghiệm, nhân viên FBI ở New York cho biết, tấm ảnh chụp bằng siêu phim chẳng có gì khác hơn là 10 cột số đánh bằng máy chữ. Trong đó, gồm 5 con số, 7 cột chứa 20 hàng số, và 3 cột chứa 21 hàng sồ. Với kinh nghiệm chuyên môn, họ thừa hiểu ngay rằng họ vừa khám phá đầu mối của một công điện gián điệp được mã hoá. Ngay lập tức, chúng được gói kỹ và chuyển về phòng thí nghiệm của FBI tại Washington, DC. Đồng 5 xu rỗng được chuyển giao ngay cho một toán chuyên viên FBI về khoa học xem xét. Người dân thường ít khi gặp những loại bạc cắc này. Nếu họ có gặp thì loại chỉ được dùng trong những trò ảo thuật mà thôi. Thỉnh thoảng cũng gây chú ý cho nhân viên công lực, tuy nhiên đây là lần đầu tiên họ thấy được 5 xu rỗng giống như thật. Mặt trước là loại 5 xu có hình Tổng Thống thứ ba JEFFERSON, được đúc vào năm 1948. Trên chữ R cửa chữ “TRUST” có một lỗ thật nhỏ, được khoan rất tinh vi để một mũi kim hay bất cứ một vật nhỏ nhọn nào cũng có thể đút vào để tách đồng xu thành 2 mảnh. Mặt sau cuả nó là loại 5 xu, được đúc bằng hợp kim ĐỒNG pha BẠC, ra đời vào thời kỳ 1942-1945, vì trong Đệ Nhị Thế Chiến, NICKEL rất hiếm. FBI dồn mọi nỗ lực để giải mã công điện, trong khi đồng nghiệp của họ ở New York đã tung ra một cuộc điều tra hầu khám phá nơi xuất xứ của đồng bạc cắc. Hai thiếu phụ đổi tiền lẻ cho cậu bé được nhận diện dễ dàng. Họ nhớ cậu bé và có nhận đổi tiền lẻ cho cậu ta, nhưng cả hai không nhận đã đưa cho cậu bé đồng bạc rỗng này. Họ không bao giờ có ý làm như vậy, cũng như chưa bao giờ trông thấy đồng bạc như vậy. Chủ nhân của những cửa hàng bán vật lạ và hiếm ở vùng phụ cận New York được nhân viên FBI đến tiếp xúc và đưa tấm ảnh đồng xu cho họ thấy, nhưng câu trả lời là chẳng ai được thấy nó bao giờ. Một người nêu ý kiến là diện tích của đồng xu quá nhỏ, làm sao có thể nhét vào đó một miếng giấy? Tại Washington, DC, mọi cố gắng giải mã bức công điện đều thất bại. Thêm vào đó, họ không dò tìm được hãng xưởng nào đã chế tạo ra loại máy đánh chữ dùng để đánh những hàng số trong công điện, mặc dù phòng LAB của FBI thường lưu trữ hồ sơ những dữ kiện của bất cứ một xưởng chế tạo máy đánh chữ nào tại Hoa Kỳ. Cuối cùng, họ đã nghi ngờ đây là một máy đánh chữ được chế tạo tại ngoại quốc. Từ 1953 đến 1957, họ vẫn không ngừng giải quyết bí ẩn này. Nhiều nhân viên gián điệp đã trốn thoát khỏi các quốc gia Công Sản để tìm tự do tại Hoa Kỳ được tiếp xúc, nhưng vẫn không có thêm một tia hy vọng nào. Việc tìm kiếm đồng xu bí ẩn được tung ra khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. Những Tokens dùng để mua vé đi xe điện ngầm, hoặc bất cứ vật gì có hình dáng tương tự, đều được nhân viên từ nhiều nơi chuyển về FBI. New York gửi về đồng nửa dollar có thể chứa những vật nhỏ hơn. Los Angeles gửi về loại một cent mang hình Lincoln làm năm 1953, và cuối cùng 2 đồng xu rỗng được tìm thấy ngay tại Washington, DC. Không có một sự liên hệ nào giữa những đồng xu này với đồng xu rỗng đang được FBI tìm kiếm. Nỗ lực của FBI từ tháng này sang tháng khác đi vào ngõ cụt, nhưng họ không nản chí. Cuối cùng sự kiên nhẫn cuả họ đã được đền bù qua một may mắn tình cờ. 2. Chuyện chạy trốn của một điệp viên Nga. Thượng tuần tháng 5, 1957, một trung tá Nga Sô khoảng 36 tuổi, thuộc Cơ Quan Tình Báo KGB đã điện thoại đến Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Paris. Ngay sau đó, viện trung tá này đã đích thân đến toà đại xứ để được thẩm vấn. Viên trung tá này đã khai: -“Tôi là một sĩ quan cuả cơ quan tình báo Sô Viết. Trong 5 năm qua, tôi đã hoạt động gián điệp tại Hoa Kỳ. Nay, tôi cần sự giúp đỡ cuả Toà Đại Sứ ở Paris.” Điệp viên này cho biết vừa nhận được lịnh triệu hồi về Moscow sau 5 năm hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông ta rất sợ khi phải trở về quê hương, nơi Đảng Cộng Sản đang cai trị. Do đó, ông ta muốn trốn khỏi Liên Sô. Hayhanen sinh ngày 14-5-1920 gần Leningrad. Mặc dù, có trình độ học vấn khiêm nhường, anh ta lại được xem như một sinh viên xuất sắc. Vì thế năm 1939, anh nhận được một chứng chỉ tương đương để có thể dạy cấp trung học. Tháng 9-1939, Hayhanen được bổ nhiệm đến một cơ sở tại làng Lipitiz. Hai tháng sau, anh ta được cảnh sát mật vụ của Công Sản tuyển mộ vào cơ quan NKVD. Vì đã được học và thành thạo xử dụng tiếng Phần Lan, Hayhanen được chuyển đến một vùng có chiến tranh, làm thông dịch viên cho một toán NKVD. Ngoài ra, anh ta cũng được gửi đến vùng giao tranh để phiên dịch những tài liệu tịch thu được, cũng như phỏng vấn tù binh trong cuộc chiến giữa Phần Lan và Liên Sô (1939-1940). Năm 1940, chiến tranh kết thúc. Hayhanen được giao nhiệm vụ tìm hiểu sự trung thành và lòng tin cậy của những công nhân Sô Viết đang làm việc tại Phần Lan, saư đó chuyển những tin tức, và nguồn tin tức cho nhóm người này. Nhiệm vụ chính của anh ta là nhận diện những thành phần chống đối Liên Sô. Hayhanen đã trở nên một chuyên viên đáng tin cậy về những tin tức tình báo thu thập được tại Phần Lan. Vào tháng 5-1943, anh ta được chấp thuận cho vào Đảng CS Liên Sô. Khi Đệ II Thế Chiến xảy ra, anh ta được giao nhiệm vụ Đại Diện Cao Cấp của KGB tại quận Segozerski với bộ chỉ huy đóng tại làng Padani, với công việc nhận diện những phần tử chống đối, bất phục tùng của dân điạ phương. Mùa hè năm 1948, Hayhanen được KGB gọi về Moscow vì cơ quan này muốn giao cho Hayanen một công tác mới, đòi hỏi anh ta phải đoạn tuyệt, cắt đứt mọi liên lạc, tình cảm với gia đình. Nơi đây anh ta được học và trau dồi Anh ngữ, cũng như được huấn luyện đặc biệt công việc chụp hình tài liệu, mã hoá, và giải mã các công điện. Trong thời gian được KGB huấn luyện, Hayhanen làm việc như một chuyên viên cơ khí ở thành phố Valga, Estonia. Muà Xuân năm 1949, anh ta vào lại Phần Lan với tên mới là Nikilai Maki, lý lịch mới là một công nhân lao động sinh ra tại Hoa Kỳ. 3. Lý lịch của Maki thật. Người thật mang tên Eugene Nichlai Maki, sinh vào ngày 30-5-1919 tại Enaville, Ohio. Mẹ của ông là người được sinh ra tại Hoa Kỳ, nhưng cha của ông là một di dân từ Phần Lan đến vào năm 1905. Vào giữa thập niên 1920, cha mẹ cuả ông Eugene Maki có ấn tượng tốt đẹp về một nước Nga được canh tân, nên đã bán hết tài sản, nông trại, từ Idaho đến New York mua vé tàu thuỷ trở về Châu Âu, và định cư tại Estonia. Thoạt tiên, khi tới biên giới nước Nga, họ đã có nhận xét rõ ràng là nước này không phải là nơi lý tưởng, dù đã cải cách. Những lá thư viết về cho những người hàng xóm cũ cho thấy ông bà Maki không hạnh phúc chút nào. Họ buồn rầu và nhớ Hoa Kỳ. Năm tháng trôi qua, những ký ức về gia đình Maki từ từ phai mờ theo thời gian. Đối với nhiều cư dân, họ đã quên mất gia đình Maki đã từng cư ngụ tại đây, ngoại trừ vài ba người sống lâu năm tại Enaville, Idaho. Vì thế, một kế hoạch sắp đặt cho một Eugene Maki mới xuất hiện được tiến hành ở Moscow. 4. Hayhanen thở thành Maki. Từ tháng 7-1949 đến tháng 10-1952, Hayhanen sống tại Phần lan với tên và lý lịch mới. Trong thời gian này, anh ta hết sức cẩn thận để người khác khỏi chú ý đến mình. Cấp chỉ huy muốn anh sinh hoạt như một người bình thường, một công dân làm việc tốt. Việc nguỵ tạo này là phần khởi đầu cho việc giao nhiệm vụ gián điệp cho Hayhanen. Thời gian ở Phần Lan, Hayhanen quen và kết hôn với Hanna Kurukka. Sau khi Hayhanen về Hoa Kỳ được 4 tháng, cô đã qua Hoa Kỳ đoàn tụ với chồng vào ngày 20-2-1953. Hayhanen đã dấu kỹ lý lịch nên Hanna cũng chỉ biết tên chồng là Maki. Ngày 3-7-1951, Hayhanen, đang sống ở Turku, đã tới Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Helsinski, xuất trình một khai sinh của Idaho chứng nhận anh được sinh ở Enaville ngày 30-5-1919. Trước sự chứng kiến của một viên chức, anh đã điền vào một bản khai, trong đó anh ta giải thích rằng gia đình anh đã rời Hoa Kỳ từ năm 1928. “Tôi đã theo mẹ tôi đến Estonia khi tôi được 8 tuổi và sống chung với bà cho đến lúc bà qua đời năm 1941. Tháng 6-1943, tôi rời Estonia qua Phần Lan và đã sống ở đây vì lý do không đủ tiền trở về Hoa Kỳ.” Một năm sau, 28-7-52, Hayhanen được cấp sổ thông hành dưới tên Eugine Maki tại Hensilski. Ngày 16-10-1952, anh ta xuống tàu Queen Mary tại cảng South Hampton ở Anh, vượt Đại tây Dương đến New York ngày 21-10-1952. Nhiều tuần lễ trước khi đến Hoa Kỳ, Hayhanen được gọi về Moscow và được giới thiệu tên của một nhân viên Sô Viết có tên “Mikhail” đang ở Hoa Kỳ và cũng là người sẽ giám sát hoạt động gián điệp của Hayanen. Để bắt liên lạc với “Mikhail” ở Mỹ, Hayhanen được chỉ thỉ rằng sau khi đến Hoa Kỳ, anh ta phải đi đến một tửu điếm thuộc khu Green ở công viên Central. Gần nơi đây có một bảng hướng dẫn mang tên “Horse Carts”. Một viên chức tình báo Nga đã hướng dẫn cho Hayanen, như sau: “Anh sẽ báo cho Mikhail biết anh đã đến đây an toàn bằng cách để lại một kim bấm màu đỏ tại bảng hướng dẫn. Nếu anh nghĩ rằng anh đang bị theo dõi thì hãy để lại một kim màu trắng. 5. Hayhanen trở lại Hoa Kỳ. Những tin tức Hayhanen, đã xung cấp cho các viên chức Hoa Kỳ tại Paris vào tháng 5-1957, lập tức được kiểm chứng. Cũng có thể có vài nghi vấn về sự chính xác của những lời khai. Đồng thời, họ cũng sắp xếp với một hãng hàng không để đưa Hayhanen về lại Hoa Kỳ. Ngày 10-5-1957, ngay sau khi đến New York, Hayhanen được khám nghiệm y khoa và cũng để các nhân viên FBI phỏng vấn. Qua lời khai, Hayhanen đã cho biết “Mikhail” đã hoạt động với tư cách một gián điệp cao cấp tại New York từ mùa Thu năm 1952 đến đầu năm 1954. Họ chỉ gặp mặt khi cần thiết tại trạm xe điện ngầm công viên Prospect. Họ thường dùng những điạ điểm bí mật, không ai để ý, ở vùng New York để trao đổi những công điện hoặc những dữ kiện về tình báo. Một trong những vị trí mật này là một hàng rào sắt cuối đại lộ số 7, gần cầu Macombs. Một điạ điểm khác là dưới chân của một trụ đèn ở công viên Fort Tryon. Một trong những điểm bí mật mà Hayhanen đã nêu ở trên là một lỗ hổng của những bậc tam cấp bằng xi măng ở công viên Prospect. Những nhân viên FBI đã tìm thấy một bù loong rỗng ruột có chiều dài 2 inches, bán kính nửa inch, chứa một công điện đánh máy với nội dung: “Không có ai đến họp vào ngày 8, hay 9 như tôi đã thông báo. Tại sao? Anh ta ở ngoài hay ở trong? Giờ giấc sai? Điạ điểm đúng. Xin kiểm lại.” Cây bù loong này, được tìm thấy vào ngày 15-5-1957, đã được để tại điểm bí mật vào 2 năm trước. Chẳng may một người lo bảo trì đã trám lỗ này bằng xi măng chôn lấp con bù loong và công điện ở trong. Được hỏi về con bù loong rỗng ruột, Hayhanen cho biết để đánh lừa Hoa Kỳ, Liên Sô đã cung cấp cho gián điệp những dụng cụ rỗng như bút máy, bút chì, đinh ốc, điện trì, và đồng xu. Một vài trường hợp dùng nam châm để khỏi rớt những vật bằng kim loại. (còn tiếp) |