HousingletamanhMùa xuân 2000, sau mười năm đến định cư Hoa Kỳ, diện HO tị nạn Cộng Sản, mấy đứa con hùn tiền lại mua một căn nhà cho cha mẹ ở, khu vực góc đường Beach và Orange, thuộc thành phố Anaheim, California. Thằng con cả và đứa gái giữa, sau khi tốt nghiệp Đại Học Bereley đều làm việc ở San Jose. Thằng út, khi ra khỏi UCLA, làm gần nhà, ba đứa đều xúi Ba Má bỏ Housing để cho chúng nó “chăm sóc”! Kể từ ngày đặt chân đến quê hương thứ hai, bà vợ giành lãnh khâu may vá, bếp núc. Ông Duy giành phần đi học, hai năm sau vào làm việc ở Disneyland Hotel. Mấy đứa con, ưu tiên không được làm gì cả ngoài việc mài quần ở ghế nhà trường! Lúc mới qua, 1990, ông Duy họp cả nhà, gồm năm người, “phán”: “Gia đình mình bây giờ bắt đầu một cuộc đời mới, hãy quên hết những gì có ở Việt Nam. Bây giờ chúng ta phải bò từ điểm số không đến số mười… Các con cố học tập, ở Mỹ, có bằng cấp mới có thể tìm việc làm tốt. Ba má cho chúng con mười năm để hoàn thành việc học!” Như ước đoán của ông Duy, “kế hoạch” mười năm đã “hoàn thành xuất sắc”! oOo Ông Duy hồi tưởng lại năm đầu tiên, lúc đó thằng út được mười sáu tuổi rưỡi. Chương trình trợ giúp của chính phủ cho những gia đình tỵ nạn Cộng Sản từ Việt Nam có con nhỏ được lo chu đáo. Thường thường, chương trình “đào tạo” nghề, tìm công ăn việc làm của Orange County kéo dài, vì những người thụ hưởng đều theo học Anh Văn… ít ai muốn lo tìm việc làm, trong lúc có con nhỏ, hàng tháng lãnh trợ cấp xã hội! Ông Duy cũng ở trong “diện” có con nhỏ. Nhưng không ai hiểu nổi lo của ông là thằng con út chỉ còn tí thời gian là mười tám tuổi! Vì thế ông vào văn phòng ở quận Cam xin không học Anh Văn nữa và muốn học nghề. Nhân viên Quận Hạt hỏi: - Anh muốn học nghề gì? - Tôi muốn học nghề AutoCad. - Chương trình học nghề nầy là sáu tháng, chính phủ cho anh một nửa tiền học, còn một nửa anh phải vay. Anh nghĩ sao? - Tôi đã quyết thì phải theo. Thế là người ta giới thiệu ông Duy đến một College trên đường Chapman thuộc thành phố Orange để làm thủ tục nhập học. MTI College, năm 1990, do ông Bùi Đức Tốn làm Giám Đốc. Chương trình học sáu tháng, học phí là sáu nghìn sáu trăm Đô ($6,600.00), chính phủ cho một nửa, ông Duy ký vay $3,300.00. Lần đầu tiên, sau bao năm rời ghế nhà trường, cuộc đời chinh chiến và tù tội…ông Duy trở lại màu đũng trên ghế nhà trường. Ông thích thú với chiếc máy computer xa lạ, hiểu biết mơ hồ về mọi thứ! Thời gian đầu học những từ chuyên môn về Dot, học thêm Anh văn ngay trong trường. Ban ngày lái chiếc xe cũ đi học, ba giờ sáng thức dậy lái xe “bỏ báo” cho tờ Rigisters dọc theo con đường Lampson, từ Brookurst đến Euclic. Tuy trong lòng quyết tâm học và quyết chí làm, nhưng vì mất ngủ nên khi ngồi trong lớp, học thì ít mà ngủ thì nhiều. Tiếng Anh lạng quạng, chữ được chữ mất. Tai nghe giọng phát âm của Mỹ lùng bùng… Có hôm, Giám Đốc Bùi Tốn vào “thanh sát” thấy ông Duy ngủ ngồi trong lúc giáo sư người Mỹ giảng về cách xử dụng DOT như thế nào. Ông Duy được mời lên văn phòng … Sau khi nghe hoàn cảnh, Giám Đốc Bùi Tốn bèn “mướn” sinh viên Duy, ngoài giờ học thì quét dọn, sơn phết trong trường, mỗi tháng cho lương 600 đô, bằng với tiền bỏ báo! Thế là ông Duy “quit” nghề lái xe “quăng” báo vào từng nhà mỗi sáng! Năm 1990, computer chưa có hệ thống windows. Đĩa (Disket) được bọc trong lớp giấy cứng vuông khoảng 3 inches, chứa độ 500 đến 700 KB. Nếu muốn xử dụng, ta phải vào DIR tìm files chương trình và mở ra bằng …exe. Thời đó AutoCad 9 là mới nhất! Làm quen với màn ảnh nhỏ là thích thú vô kể. Ông Duy say mê học vẽ và làm quen với “con chuột”… Chương trình DOT cũng là một trong những hấp dẫn rất lạ và thích thú… Đi sâu vào thế giới “kỹ nghệ họa” và những cách thức vẽ Mechanical hay sơ đồ nhà cửa … đã biến ông Duy thành một người mê môn kỷ thuật trên màn ảnh nhỏ! Đang miệt mài học, đến tháng thứ ba thì có giấy mời của văn phòng thuộc Orange County. Ông Duy lo lắng không biết việc gì, hay là mình bị làm sai sót giấy tờ trong việc khai báo… Đây là căn bệnh lo sợ đem từ Việt Nam qua, mỗi khi phường xã hay Công An “mời” là có chuyện, nên suốt mấy, ngày vợ chồng bàn nhau, xem lại những giấy tờ cần thiết sẽ đem theo, nếu cần thì đưa ra “năn nỉ”! Buổi gặp viên chức quận hạt có vẻ như là một cuộc phỏng vấn rất trang trọng,cảm động không thể ngờ trước đó. Lúc ông Duy được nhân viên văn phòng hướng dẫn vào căn phòng rộng, ông hoảng hốt nhìn lên dãy bàn có ba người ngồi, hai nam một nữ. Trong đó có một bà mập da đen chừng 40 tuổi, hai người đàn ông đều là da trắng. Bà da đen ngồi giữa nhìn ông Duy cười: - Chào! Anh tên … Có đúng không? - Vâng! Thưa bà đúng. - Anh đến Hoa Kỳ được bao lâu? - Bốn tháng. - Theo báo cáo của bên Sở Xã Hội, anh là người duy nhất muốn học nghề để thoát ra, không muốn nhận tiền trợ cấp. Chúng tôi xét thấy cần khuyến khích anh có cuộc sống độc lập, nên cấp chương trình Housing cho gia đình anh. Ông da trắng ngồi kế đặt câu hỏi: - Hiện nay các con anh như thế nào? - Chúng đang học ESL, đứa nhỏ nhất đang vào trường trung học Wesminster. - Rất tốt, anh sẽ đến cơ quan Housing trên đường Broadway thành phố Santa Ana, gặp có Hương làm thủ tục….! - Cảm ơn bà, cảm ơn các ông! Chúng tôi rất cảm kích và biết ơn County đã giành may mắn cho gia đình tôi! Ông Duy ra khỏi phòng họp mà lòng vui lâng lâng giống như ngày ông được tin gia đình được đi Mỹ theo diện HO. Ông muốn về nhà thật gấp khoe tin vui với vợ con, nhưng cảm thấy trong lòng xao xuyến và cần phải ngồi lại. Ra gần chỗ đậu xe, ông Duy ngồi xuống lề đường. Ông cảm giác giống như mình đang đi trên con thuyền vượt sóng… Ông rút điếu thuốc châm lửa, cầm tờ giấy nhỏ trên tay như một phép lạ của thần Đèn trong chuyện cổ tích… Ba hôm sau, ông Duy đến cơ quan Housing thuộc thành phố Sata Ana, góc đường Broadway và đường 17th. Buổi sáng thứ Hai, phòng đầy người, đa phần là người gốc Mexico, sắp hàng dài đợi đến phiên, trước một cửa sổ, phía trong là một nữ nhân viên dáng vẻ Việt Nam khoảng 40. Đến phiên ông Duy, cô nhân viên nói bằng tiếng Anh với ông, ông cười cầu tài: - Xin lỗi, cô là Việt Nam? - Dạ! Chú cần cháu giúp gì ạ! Ông Duy mừng quá, đúng là tha hương ngộ… đồng hương. Ông lắp bắp: - Cô tên Hương phải không? - Sao chú biết tên cháu? -N gười ta biểu chú đến đây gặp cô Hương nên chú hỏi vậy cho chắc ăn. Cô Hương cười tươi: - Mà ai vậy chú? Ông Duy vui quá: - Tôi đến xin Housing, tôi mới đến Mỹ bốn tháng! - Trời! Chú ơi, Nếu muốn xin được Housing ít nhất phải ở Mỹ năm năm, mà phải chờ lâu lắm. Chú biết không, hồ sơ chờ (waiting list) con đang giữ, bây giờ là 58,075. Nếu chú xin thì ở con số 58,076… - Tôi có biết gì đâu, mới qua Mỹ, đường sá đi đến đây còn chưa thông, công việc chưa có gì ổn định. Housing là gì tôi còn chưa hiểu nổi… Nhưng trên County biểu tôi đến gặp cô đưa cho cô giấy nầy… Nói xong ông Duy thò tay vào túi lấy giấy đưa cho cô Hương. Liếc qua nhanh và cô ta nhìn ông: - Chú chờ con một tí năm phút. Nói xong cô đẩy cửa vào bên trong, có lẽ là văn phòng của Boss. Hồi lâu cô trở lại, nói với ông: - Đây là trường hợp đặc biệt, chú được County xét khuyến khích. Chúc mừng chú. Chú về lo những giấy tờ sau đây… tuần tới, ngày… đến gặp cháu để sắp xếp hồ sơ và thời gian đợi phỏng vấn… Nhớ hôm đó chú dẫn vợ và cháu nhỏ đến có mặt trong lúc làm thủ tục… - Cảm ơn cô, chào cô! oOo Thế là hai tháng sau, gia đình ông Duy được cơ quan Housing quận Orange thuận cấp cho nhà hai phòng. Một phòng cho vợ chồng ông, một cho thằng con út. Hai đứa lớn không được trong danh sách vì chúng trên 18. Ông Duy thắc mắc, được giải thích là trường hợp của ông là ngoại lệ. Lý do được cấp vì có con nhỏ, không muốn nhận tiền cấp dưỡng, muốn làm việc… cho nên hai đứa lớn không có trong danh sách được hưởng. Đúng là ông Duy số “chó ngáp nhằm ruồi”! Mới đến Hoa Kỳ mấy tháng trời mà được cấp Housing, trả tiền 1/3 lương hàng tháng làm việc gọi là “low income”. Bạn bè của ông đồng cảnh ngộ mãi năm năm sau mới xin, mà cũng phải chờ lâu mới được chấp thuận. Nếu ở Việt Nam, chắc người ta sẽ đồn là ông Duy chạy tiền hay có bằng COCC. Ai cũng ngạc nhiên và chúng mừng cho gia đình ông! Bản thân ông Duy thì cho đây là phước nhà, mình tính không bằng trời tính. Ông xin học nghề vì ông lo thằng con út đã lớn, mấy tháng sau nó sẽ lên tuổi 18 mà ông chưa có việc gì làm thì sẽ sống ra sao! Hay không bằng hên là thế! Nhờ gia đình được chương trình Housing trợ cấp, nên mấy đứa con của ông Duy cũng thong thả lo học hành thành công. Bảy năm sau, chúng ra trường và cùng tìm được việc làm tốt. Thế là thời hạn mười năm “bò từ số không đến số mười”, các con ông đã phá kỷ lục là bảy năm. Ba năm sau ông xin trả Housing để ba đứa con mua nhà cho vợ chồng ông ở… Mười năm hưởng ân huệ từ chương trình phúc lợi của quê hương thứ hai, đã giúp cho gia đình ông Duy tự đứng lên với đôi chân của chính mình! Thanksgiving 2012 |