Menu
Menu

PHI VỤ YỂM TRỢ PHÁ HUY

Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân Biên Hoà

Trần văn Phúc


Lúc 5 giờ chiều ngày 28/4/1075 tôi và T/U Nguyễn Thành Bá nhận lịnh cất cánh khẩn cấp 2 chiếc A-1 Skyraider ở phi trường Tân Sơn Nhứt để hộ tống Tr/Tá Phan Văn Mạnh, Trưởng Phòng Hành Quân Chiến Cuộc SĐ 3 KQ di tản về TSN. 

Khi chúng tôi di chuyển ngang qua trạm Hàng Không Quân Sự cũ, Đ/Tá Nguyễn Văn Lê, Tham Mưu Phó HQ cùa SĐ3 KQ đứng chào (thay vì vẫy tay). Đây có phải là điềm «gỡ» như các truyền thuyết trong KQ là chào vĩnh biệt? Nếu như vắn số thì chiều hôm qua 27/4/75 tôi đã bỏ mạng trên bầu trời Hố Nai rồi. Tuy không tin dị đoan nhưng tôi vẫn gọi anh Bá:

- «Ê, 2! Bữa nay xảy ra chuyện gì đây? Làm gì mà ông Lê đứng chào tụi mình? Ghê quá đi thôi!» (Ngày hôm sau có tin đồn dỏm: Đ/Tá Lê tử nạn tại đây vì bom của tên Nguyễn thành Trung.)

Sau khi liên lạc Tr/Tá Mạnh, danh hiệu Đồng Nai 10, trên tần số FM, tôi đươc biết rằng nhiệm vụ của chúng tôi là hộ tống ông cùng 10 chuyên viên của Đoàn Vũ Khí và Đạn Dược SĐ 3KQ di tản về TSN sau khi phá huỷ căn cứ Biên Hoà? 

Trong thời gian chờ đợi toán chuyên viên hoàn tất việc đặt chất nổ, chúng tôi bay bao vùng trên BH. Từ 4.000 bộ tôi thấy dân chúng tụ tập từng toán đông nghẹt trên mặt đường, nhất là trên đoạn QL 1 từ cổng số 1 và số 2. Anh Bá ngỏ ý muốn bay thấp để xem căn nhà của anh ở Dốc Sỏi. Tôi nghĩ có thể đây là lần cuối cùng chúng tôi bay trên không phận BH nên tôi bắt đầu xuống thấp chừng trăm bộ trong đội hình chiến đấu.

Đến vòng thứ hai khi bay ngang qua Cầu Mới, Biên Hoà, tôi vừa quẹo trái từ Tây sang Đông, bên kia sông Cù Lao Phố thì một phi tuần 4 chiếc A-37 từ hướng Đông Bắc lao tới cùng cao độ thấp, cách nhau chừng hơn ngàn mét. Tôi hoảng hốt và với phản ứng tự nhiên, tôi kéo cần lái thật mạnh để phi cơ bay vút lên cao, vừa nghiêng cánh trái tôi vừa «hét» trong vô tuyến:

- « Số 2 coi chừng 4 chiếc A-37 hướng 10 giờ cùng cao độ.»

Thật hú hồn! Suýt đụng nhau trên không trong đường tơ kẽ tóc. Khi quẹo vòng lại tôi nhìn thấy 1 phi tuần 4 chiếc A-37 trang bị đầy bom trong đội hình “Finger Tip” (chiếc số 2, 3, và 4 bay cùng bên cánh trái của chiếc số 1) lưa thưa, khoảng cách khá xa và không đều với nhau. Tôi thầm chê không biết ai dạy đám nầy lối bay Formation «không giống ai» như thế?

 Có thể vì chói ánh mặt trời chiều nên bọn chúng không hề thấy chúng tôi và ung dung tiến tới như không có chuyện gì xảy ra?

Thường khi 1 phi tuần khu trục chỉ bay 2 chiếc ít khi 3 nhưng hôm nay có những 4 chiếc là một phi tuần nặng. Một phi vụ đặc biệt gì đây của các phi đoàn A-37 từ Vùng I và II mới di tản về TSN vào tháng trước? Tại sao họ bay ngược về hướng nầy?

Tôi có ý hoài nghi điều gì đó. Lẽ ra tôi nên bay theo bọn nầy nhưng tôi gọi anh Bá:

- «Giờ nầy mà mấy thằng Ma Gà A-37 còn mang bom đạn đi lang thang đâu đây???»

Rồi tôi lại tiếp tục bay thấp dọc theo QL1 đến Thủ Đức, quẹo trái qua xa lộ BH. Phiá dưới, từng đoàn xe thiết giáp đậu dọc theo bên đường, mỗi chiếc cách nhau khoảng chừng trăm thước.

Sau 2 tuần biệt phái Cần Thơ tôi trở về Biên Hoà ngày 19/4/75. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những đơn vị bạn thân thương đang dàn quân ở dưới đất. Đến Long Bình, tôi vừa quẹo trái định theo QL 1 để trở lại Biên Hoà, thình lình trong vô tuyến tôi nghe tiếng Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, SĐT/SĐ3 KQ danh hiệu Đồng Nai 01, gọi báo phi trường TSN đang bị 3 chiếc A-37 ném bom và ý của ông muốn chúng tôi trở về bảo vệ Tân Sơn Nhứt.

Tôi điếng cả hồn, vội lên cao độ trực chỉ về TSN. Nghĩ ngay tới phi tuần A-37 vừa gặp qua, tôi trả lời ông:

- «Đồng Nai 01! Phải là 4 chiếc. Không phải 3 đâu. Chúng tôi vừa gặp bọn chúng cách đây không lâu.»

Ông trả lời:

- «Khi chúng tôi vào “Final” để đáp TSN, chúng tôi thấy chỉ có 3 chiếc nhào xuống thả bom. Chúng tôi vội bay trở ra và bây giờ tình trạng phi trường rất lộn xộn. Chúng tôi sẻ bay đi Vũng Tàu ngủ qua đêm.» (Tướng Từ Văn Bê, CHT/ KT và TVKQ cùng trên chiếc trực thăng nầy.)

Sau khi bay vòng quanh TSN vài ba vòng, tôi được Đài Kiểm Soát Không Lưu Sài Gòn xác định tình hình tại Tân Sơn Nhứt. Sự thiệt hại của phi trường rất nhẹ. Một vài chiếc phi cơ bị trúng miểng bom, nặng nhất là trạm HKQS cũ bị sập hoàn toàn. Một chiếc C-47 trúng bom. Tôi đã thấy khói đen đang bốc lên cao ở gần Whiskey #7 (Taxiway#7) cách trại Davis hơn 100 mét về hướng Bắc, nhưng tất cả Taxiway và 2 phi đạo không hề bị trúng bom. 

Biết chắc chắn phi đạo ở TSN còn khả dụng, chúng tôi không cần phải bay đi Cần Thơ, tôi cùng T/U Bá an tâm trở lại Biên Hoà để tiếp tục phi vụ.

Thật vô cùng may mắn là từ khi di tản về TSN ngày 21/4/75, các phi cơ A-1 thường khi đậu bên trong trạm HKQS nầy, nhưng từ 1 giờ trưa nay (ngày 28/4/75) bỗng dưng tất cả A-1 được dời về khu Tây, gần bãi đậu A-37 và trại Davis. Nếu không dọn đi thì những chiếc A-1 đậu trong trạm HKQS trúng bom của giặc. Những quả bom mang dưới cánh phi cơ phát nổ thì sự thiệt hại ở TSN thật khó lường.Can Cứ Không Quân Biên Hoà

Trong thời gian bao vùng ở BH, tôi không ngớt nghĩ tới chuyện gặp 4 chiếc A-37 nầy. Tôi tự trách là đã không làm tròn bổn phận, đã thấy dấu hiệu bất thường của phi tuần 4 chiếc A-37 bay ngược hướng với đội hình bất thường. Tôi đã không cảnh giác để phi tuần nầy thừa cơ gây xáo trộn lợi dụng cuộc di tản của KQ từ Vùng I và II mà bay vào ném bom TSN.

Nhớ lại hồi tháng 7/1974, Th/Tá Trương Phùng, T/U Đinh Văn Đúc, T/U Nguyễn Tứ Đức, và tôi nhận lịnh của Đ/Tá Hoàng Thanh Nhã, KĐT/KĐ 23CT thả bom CBU-25 (loại bom có 6 ống dài khoảng 2 thước, mỗi ống chứa 25 quả bom nhỏ như lựu đạn) xuống Tổng Hành Dinh của MTGPMN cách Lộc Ninh vài dặm về hướng Tây Nam để trả đũa hành động vi phạm Hiệp Định Ba Lê của giặc Cộng đã pháo kích vào Biên Hoà. Chính tôi đề xướng bay theo lối đánh truy kích nầy, nghĩa là dùng yếu tố bất ngờ, bay sát ngọn cây để bọn giặc Cộng trở tay không kịp. Theo kế hoạch chúng tôi bay cập theo bên phải QL 13, qua khỏi Tống Lê Chân 5 dặm, quẹo trái về hướng Tây để đến Lộc Ninh.

  Nhờ sự gan dạ, dũng cảm, tài ba và bình tĩnh, Th/Tá Trương Phùng đã dẫn phi tuần 4 chiếc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ sau khi bay trên vùng giặc như chỗ không người, dù đã phải lướt trên những hàng rào dày đặc các dàn đại bác phòng không có radar điều khiển cũng như hoả tiễn tầm nhiệt SA-7, có nhiệm vụ bảo vệ Lộc Ninh, thủ đô của MTGPMN. 

Rồi ngày hôm nay vì thiếu đề cao cảnh giác, tôi đã bị  bọn lừa thầy phản bạn, N.T.Trung, Trần Văn On… qua mặt, bay thấp tránh radar và ném bom TSN để giết hại các đồng đội từng chia sẻ ngọt bùi với chúng.

Tôi đã đánh mất một cơ hội ngàn năm một thuở. Nếu như bọn chúng thay bằng cờ máu trên các chiếc phi cơ A-37 nầy, chúng tôi có lẽ đã bắn hạ bọn chúng, hay it ra tôi gọi về TSN để các chiếc F-5E đang túc trực ở đầu phi đạo 07 bay lên nghinh chiến.

Sự thiệt hại của cuộc ném bom nầy về vật chất tuy nhỏ nhưng về tinh thần quả rất lớn lao. Tinh thần của anh em KQ ở TSN thật sự chao đảo và lo lắng vì nghĩ rằng địch có thể nén bom thêm.

Khoảng 18 giờ 30 phút, sau khi hoàn tất việc đặt bom phá huỷ, Tr/Tá Mạnh và đoàn chuyên viên di chuyển ra cổng số 2 và bắt đầu count down 3, 2, 1. Toàn thể khu Tây của phi trường Biên Hoà chìm trong biển lửa, cuồn cuộn vượt cao hàng ngàn bộ. Những cơ sở của KT&TVKQ được điện tử hoá, những tài liệu kỹ thuật «mật và tối tân» của KQ chỉ trong nháy mắt đã tan theo mây khói.

Một đơn vị ưu tú của KQVNCH với sự chỉ huy tài ba của Chuẩn Tướng Từ Văn Bê, đã tốn bao nhiêu công sức, thời gian gầy dựng và là một đơn vị duy nhất của KQVNCH được phá huỷ lúc 18 giờ 30 phút ngày 28/4/1975 để khỏi lọt vào tay giặc.