Menu
Menu

Ngồi Lại Trên Cầu

Tường Lam


Trong toàn cõi miền Nam Việt Nam, qua trên một phần tư thế kỷ chiến tranh lửa đạn ngút ngàn, đa số chiếc cầu bắc ngang một dòng sông, dù nhỏ lớn đều có một tiểu sử đau thương, đẫm máu bởi những trận đánh trên cầu, thậm chí còn bị phi cơ không tập.

Cầu Mây Tức nằm giữa ranh giới giữa hai tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình, giữa huyện Vũng Liêm và Càng Long. Theo ngôn ngữ người Miên: ‘’Mây’’ là đục, ‘’Tức’’ là nước, cầu Mây Tức là Cầu Nước Đục.

Năm 1973, cầu nầy bị đặc công Cộng Sản đánh sập. Sáng sớm hôm sau Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Quân Đoàn IV, đến thị sát đập một cây can và bẻ một bông mai trên ve áo của trung úy Thạch S. quăng xuống dòng sông.

Đầu năm 1975, đại đội đặc công VC tràn ngập cầu nhưng thối lui vì trận mưa lựu đạn của chốt phòng thủ, để lại trên cầu nhiều xác chết trong đó có tên đại đội trưởng trên tay còn nắm chặt khẩu K.54, trước đó năm phút còn thét lớn ‘’đầu sống, chống chết’’. Chỉ huy trận nầy là thiếu úy trẻ đẹp trai, mang kính cận thường được bè bạn gọi đùa là ‘’Trịnh Công Sơn’’.

Sau sáu năm tù “cải tạo”, tôi trở về bán cặp loa nhạc làm vốn, đi mua mía ép đường. Trước khi cùng gia đình sang Mỹ theo diện HO độ hai tháng, tôi mua căn nhà gạch chữ đinh mặt dựng, rộng, đẹp, khang trang của một cán bộ hồi hưu, giá nhà tương đối rẻ vì không chịu nổi sự đai nghiến của hai bà vợ, một già một trẻ. Căn nhà nằm sát cầu và dòng sông Mây Tức, nửa trên lộ, nửa dưới sông tiện bề cho vựa buôn bán vật liệu xây cất. Tôi ủy quyền cho vợ chồng người em trai thứ Bảy ở và trông coi ngôi nhà.

Nhiều năm qua đi, tôi từ Mỹ trở về thăm lại chốn xưa. Thức dậy khi trời còn sớm tinh mơ, tôi pha cà phê, ngồi trên sa lông trong hàng ba lót gạch bông, nhìn ngắm chiếc cầu trong màn sương sớm lờ mờ.

Kỷ niệm tháng ngày áo trận, giày saut, lại trở về. Tôi nhớ đêm đêm căng mắt nhìn và bắn vào đám lục bình mà đặc công thường hay ngụy trang để gài mìn phá cầu.

Rời quân trường Bộ Binh, rời Vũ Đình Trường,
thấy đài Trung Nghĩa như thuyền vỡ đôi,
mưa nào nhỏ xuống mặn môi,
nhìn Tăng Nhơn Phú ngỡ đồi hoa sim.

Tôi gác bên nầy bãi Tự Tin, trông sang đồi Hăm Chín, cây Mẹ Bồng Con muôn đời vẫn hướng mắt về đâu? Thủy ơi! Thủy ơi! Chúng mình còn thương được bao lâu?

Giã từ quân trường, tôi ra mặt trận. Tôi được chỉ định làm Trung Đội Trưởng, phụ trách hai trung đội đóng ở cầu Mây Tức và đồn Đập Ấu. Ban chỉ huy đại đội đóng ở cầu Mỹ Huê chịu trách nhiệm bảo vệ quận Càng Long.

Cầu ngày đó bằng sắt, lót ván. Đà cầu gác trên các cây thông tròn, làm bằng trụ đèn có tẩm dầu, đang chéo hình chữ X. Mỗi lần nước ròng chảy xiết, cầu rung và đong đưa như răng mấy cụ già mừng ngày khánh thọ.

Thiếu úy Khang, vị sĩ quan tiền nhiệm, đạp phải mìn tử thương trong buổi sáng mở đường an ninh trục lộ từ cầu đến đồn Đập Ấu.

Địch ngày đêm tấn công, bắn sẻ, thả mìn mong đánh sập cầu, cắt đứt giao thông, cô lập tỉnh Vĩnh Bình.

Thông trục lộ là một việc làm đầy gian nan của Chi Khu Càng Long. Sáng sáng các nơi báo cáo về Trung Tâm Hành Quân. Khi biết các cầu an toàn ai cũng thở phào nhẹ nhỏm. Đào đường đắp mô của địch xảy ra như cơm bữa. Riết rồi Chi Khu đốn dừa cưa khúc để sẵn, khi đơn vị báo về đường bị đào, tức tốc dừa được chở đến, độn và lấp đất lên cho đoàn xe đi qua, sau khi bị dồn đọng hằng mấy trăm thước.

Sáng ra không thấy xe hai bánh hoặc bạn hàng gánh gồng gà vịt, trái cây... đi ngang là lực lượng đồn trú biết chắc khúc đường trên kia bị đắp mô.

Đơn vị thường ngày đi ban mô, phá mìn. Những lần phản phục kích, máu thấm trên những thửa ruộng bị quần nhầu nát, khi lúa còn xanh con gái, mới ngậm đồng đồng. Bên nầy có người hy sinh phủ cờ vàng ba sọc đỏ lên quan tài, mang về quê chôn cất trong nước mắt mưa tuôn của gia đình, vợ con. Bên kia xác được kéo lên bờ đường, áo đen, quần xà lỏn, khăn rằn quấn cổ, bàn chân hà ăn loang lổ ngón to bè như quả chuối ngự, vì cả đời có được mang giày dép!

Dân tộc tôi không cần “mặt trận” nào giải phóng. Chúng tôi chỉ cần con cá lóc nướng trui vài xị rượu đế trong vắt như mắt mèo và bài ca vọng cổ ‘’Tình Anh Bán Chiếu’’, sau những buổi gặt lúa vần công cho nhau, và suốt năm bồ lúa vẫn nằm khoanh tròn giữa nhà cho cuộc sống ấm no. Và tôi một thanh nhiên mới lớn đâu phải giã từ sách vở, bỏ thành phố vẫy tay giã biệt ‘’Con đường tình ta đi’’ để lao vào cuộc chiến đẫm máu anh em. Đêm đêm, chúng tôi ôm súng xiết cò, dưới ánh sáng hỏa châu, “giết ngày không đủ tranh thủ giết nhau cả ban đêm’’, đạn lên nòng và máu chảy thành sông. Nhân danh bất cứ điều gì để gây chiến tranh đều đáng nguyền rủa.

Tết Mậu Thân áp lực địch thật nặng nề. Tôi ra lệnh tu sửa lại hệ thống phòng thủ khẩn cấp, trữ dừa làm đà, đắp đất dầy làm mái che, gài thêm lựu đạn, mìn claymore, đạn dược phân phối đến từng hố cá nhân, đêm ngày ăn ngủ và chiến đấu tại chỗ. Đắp thêm bao cát trong ụ súng cối và lô cốt đặt khẩu đại liên, làm mấy lớp ngựa sắt và nhiều vòng kẽm gai bít kín trục lộ trước bảy giờ tối, đề phòng địch xung phong chính diện. Lính gác rọi đèn pin suốt đêm cả những khi mưa tầm tã. Bắn xuống những dề rau mát, lục bình, bụi dừa nước trôi ngang vì đặc công có thể gài mìn hoặc bám vào đấy để tấn công bằng bộc phá.

Mặt trời lên, cổng rào mở, xe cộ, người đi kẻ lại quang gánh trên vai, vui cười trò chuyện. Họ đâu biết rằng mấy người lính đứng bên kia thành cầu, môi bập bập mấy điếu thuốc giồng, mắt thâm quầng, đỏ hoe vì thiếu ngủ hằng đêm ôm súng giữ cầu.

Lạ một điều, từ lúc đơn vị về đóng ở đây, cứ vào buổi chiều một thiếu nữ tóc dài biếng chải, đôi mắt mệt mỏi thẫn thờ, thường đi ngang và đứng lại trên cầu, mắt thăm thẳm nhìn xuống dòng nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ thành lời. Cô đứng bất động, tay trì lên thành cầu thật lâu và sau đó từng bước nhỏ, nhẹ nhàng đi về phía bên kia và khuất mình sau con dốc.

Theo mấy chú lính nói lại, cô ta tên là Thụy Trâm, đang học lớp 12 trên tỉnh, là người tình của thiếu úy Khang. Thụy Trâm bỏ học như người mất trí sau cái chết không toàn thây của thiếu úy Khang.

Ngoài những trận đánh đẫm máu, giờ đây cầu Mây Tức lại cõng trên lưng một chuyện tình thương đau thời chinh chiến.

Mỗi lần đi ngang qua cầu, Thụy Trâm đều được mấy chú lính chào bằng câu:

- Người đẹp ăn cơm chưa?

Thụy Trâm không cười.

- Tui không còn là người đẹp đâu.

Cho đến một hôm, đang đứng quan sát và nghiên cứu, tôi thầm nghĩ nếu tôi là đặc công hoặc đơn vị tác chiến của địch, tôi sẽ bố trí các thành phần tác chiến như thế nào để tấn công đồn. Tôi, phải nhìn từ mắt của địch, để thấy thấy sự phòng thủ sơ hở của mình. Thụy Trâm đến sau lưng tôi hỏi:

- Ông là chuẩn úy Anh chỉ huy ở đây phải không?

- Vâng! Sao cô biết tên tôi?

Thụy Trâm nhìn xa xôi và hỏi:

- Ông biết hát không?

Tôi hỏi tò mò:

- Không, nhưng điều đó có gì đáng nói đâu?

Thụy Trâm nhè nhẹ bước đi và lắc đầu:

- Không biết hát mà còn bày đặt để râu.

Tôi thấy hơi tự ái và bị ‘’sốc’’. Thụy Trâm đã đi xuống bên kia cầu, tôi nghe một chút buồn phiền.

Hai tuần sau tôi được gia đình Thụy Trâm mời đi dự giỗ. Đến bàn thờ đốt nhang cho ông bà, cạnh bàn thờ chánh, một chiếc bàn thấp hơn có bình bông tươi và bát nhang cùng hình thiếu úy Khang đẹp trai, mắt cương nghị nhìn tôi.

Mẹ Thụy Trâm cho biết:

- Con Trâm thờ thằng Khang đó! Ngày hai buổi cúng cơm và nó chỉ ngồi ăn cơm với thằng Khang thôi! Không ngồi cùng mâm với gia đình nữa. Đồng thời mấy tuần nay bệnh Thụy Trâm trở nặng, đêm không ngủ và ngồi gục trên bàn thờ thằng Khang. Nó thức dậy giữa đêm khuya mở cửa đi lên cầu, nhứt là những đêm trăng sáng. Tôi phải thức canh cửa không khéo mấy chú lính gác tưởng VC bắn chết thì tôi làm sao. Mong chuẩn úy thông cảm, báo cho mấy chú lính biết và tôi đang thu xếp chở nó lên nhà thương Biên Hòa điều trị. Gia đình tôi đội ơn chuẩn úy.

Mấy đêm sau, tôi đang nhận công điện ngày mai gom đại đội đi hành quân thì trung sĩ trưởng ca gác báo cho tôi biết cô Thụy Trâm đang đòi mở rào cho cô ta lên cầu ngồi vì đêm nay trăng sáng.

Tôi đứng trong nầy rào, Thụy Trâm lễ phép:

- Xin chuẩn úy vui lòng mở cửa rào cho tôi lên ngồi trên cầu, trăng sáng tôi nhớ anh Khang quá!

Tôi mũi lòng, mở rào. Lên đến giữa cầu, Thụy Trâm đứng lại và chỉ xuống chân mình:

- Nơi nầy mỗi mùa trăng sáng tôi nôn nóng từ trên tỉnh về, tối đến Khang ôm đàn và hát cho tôi nghe. Ôi! Nếu bây giờ Khang sống lại, so phím và hát cho tôi nghe bản ‘’Bên Cầu Biên Giới’’ của Phạm Duy, tôi sẽ chết theo Khang ngay.

Bước lên lề, tựa tay vào thành cầu, trong gió mát, con nước mười sáu tràn bờ, trăng sáng vằng vặc trên đỉnh đầu, tôi lắng nghe giọng mềm, nhỏ và xa vắng của Thụy Trâm:

Dừng đây soi bóng bên dòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu
Tuổi xanh như lá rụng cuối trời
Một vùng thương đau chốn làng cũ quê xưa

Thụy Trâm chỉ hát bốn câu thì dừng, đứng yên và lặng thinh như pho tượng, nước mắt tuôn thành dòng, lấp lánh trên má trong đêm trăng lồng lộng soi rõ từng cơn sóng nhấp nhô đôi bờ.

Tôn trọng nỗi đau thương của Thụy Trâm, tôi lặng lẽ bỏ vào lô cốt cũng là phòng ngủ của ‘’Tư Lệnh’’ cầu Mây Tức. Đó là chiếc ghế bố xếp, áo giáp kê làm gối và trên đầu chiếc radio Ấp Chiến Lược đang phát thanh chương trình Dạ Lan,

“Tiếng nói của người em gái hậu phương, gửi đến các anh chiến sĩ can trường trên khắp các nẻo đường đất nước.” ngọt ngào như mật rót vào tai! Yêu lính bằng lời mà.

Trời sáng tỏ. trung sĩ trưởng ca gác vào báo cáo tình hình trong đêm vô sự, duy chỉ có cô Trâm vẫn còn nằm ngủ bên thành cầu. Thật tội nghiệp! Tóc tay buông xõa, rã rời, gương mặt nằm nghiêng xanh xao! Một cánh hoa rũ tàn. Đêm vừa qua, quân số giữ cầu tăng thêm một, nhưng bất khiển dụng.

Chuyện ấy tái diễn mấy lần, sau cùng tôi làm mặt quạu với Thụy Trâm:

- Mỗi tháng cô chỉ được lên cầu ngủ một lần vào đêm rằm với điều kiện mùng mền chiếu gối đầy đủ. Nếu cãi lời tôi, cô sẽ không bao giờ được bước lên cầu nầy nữa dù đêm hay ngày.

Trâm cúi đầu rơm rớm nước mắt:

- Chuẩn úy ra lệnh sao! Trâm xin nghe vậy.

Tôi quay bước bỏ đi, nghe lòng mình chùng xuống. Thật đáng thương cho người con gái, khi phải đón người yêu từ mặt trận về mà thân xác nằm trong ‘’hòm gỗ cài hoa’’!

Bên kia đường hướng về đồn Đập Ấu là một nhà máy xay lúa nhỏ đã ngưng hoạt động, mấy chục căn nhà lá tả tơi nằm khít vào nhau hai bên ven đường. Đêm đến, khi dân tay xách, nách mang tản cư xuống quận lỵ ngủ, dãy nhà vô chủ thắp đèn bão trước hiên, đong đưa theo gió từng cơn, tăng thêm vẻ buồn thiu cho khu phố! Gió chiều rờn rợn nước sông, người chỉ huy cũng nghe se sắt nhưng tuyệt đối giữ kín trong lòng.

Có một việc nếu xảy ra đúng như dự tính của đặc công Cộng Sản thì cái lon ‘’quai chảo’’ trên ve áo tôi sẽ bay xuống dòng sông và có thể tôi bị truy tố ra toà án về tội: Tắc trách để cầu sập giữa ban ngày. Đơn vị giữ cầu phối hợp với Trung Đội Đồn Đập Ấu đi mở đường rà mìn và ban mô giữa khúc đường xã Phú Tiên. Du kích bắn sẻ rồi rút, thu một quả mìn bằng đạn pháo binh 105 ly lép, một cuộn dây điện. Mô được ban, lộ thông, xe cộ và người an toàn qua lại.

Tôi và trung đội giữ cầu trở về, cất vũ khí nhào xuống sông tắm giặt. Mấy chú lính đùa giỡn, cười đùa tát nước vào nhau, hồn nhiên như trẻ nít. Bỗng Hạ Sĩ Sơn phóng mình bơi thật nhanh sang bờ bên kia, chụp và cắn lìa sợi dây điện đang quơ lên mặt nước, Sơn la lớn:

- Trái mìn lớn quá, chuẩn úy ơi!

Chúng tôi phụ lực lôi nó vào bờ. Đó là một thùng phuy đầy chất nổ, bao quanh bằng bập dừa, trọng lượng đủ nổi và trôi lềnh bềnh dưới mặt nước.

Mấy loạt đạn bắn vào cầu và chúng tôi đáp lễ bằng mấy tràn đại liên thật giòn. Nếu không nhờ sự nhanh nhẹn phán đoán của Hạ Sĩ Sơn, chỉ cần năm phút sau thùng phuy chất nổ được kích hỏa, cây cầu sẽ sập nằm dưới mặt nước và tôi biết trả lời sao với cấp chỉ huy để cho cầu sập giữa ban ngày! Đôi khi ‘’hay không bằng hên’’. Trước áp lực ngày càng gia tăng, yếu điểm cầu Mây Tức được bổ sung mười tân binh, thêm vọng gác và đêm bung xa hai điểm tiền đồn.

Trời tối đen như mực, đồng hồ dạ quang chỉ hai giờ sáng, tôi đi rảo một vòng yếu điểm dặn dò lính gác quan sát cẩn thận, rồi vào cố gắng ngủ một ít để năm giờ sáng cả đại đội tham dự hành quân cùng Trung Đoàn 14, Sư Đoàn 9 Bộ Binh.

Đoàng! Đoàng! Đoàng! Một loạt đạn xé màn đêm bên kia con dốc. Đơn vị báo động! Tất cả ra hố cá nhân chiến đấu. Tôi phóng nhanh về phía súng nổ. Người âm thoại viên mang máy chạy theo sau, ống liên hợp phát ra tiếng khè khè như tiếng thở của loài mãng xà. Người lính gác cho tôi biết địch cắt hàng rào bò vào. Tôi cho lịnh súng cối bắn trái sáng. Xác một phụ nữ áo bà ba tím, máu đẫm ướt ngực trái, nằm bất động. Đến gần ai cũng muốn khóc, Thụy Trâm nằm bất động trong vòng rào. Y tá mang lên cầu băng bó nhưng Thụy Trâm đã tắt thở, đạn xuyên qua tim. Trong túi áo hình thiếu úy Khang đang tươi cười bên Thụy Trâm. Cả hai đều tựa lưng vào thành cầu.

Trách nhiệm trước cái chết của Thụy Trâm là thượng sĩ thường vụ và có cả tôi, không thông báo cho số tân binh mới bổ sung, về hội chứng Thụy Trâm.

Xã Mỹ Cẩm lo quan tài, tôi quyên góp tất cả quân nhân đại đội, cộng thêm tiền xã hội thuộc khối Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu, rồi mang vòng hoa và tiền phúng điếu đến tạ lỗi và chia buồn cùng tang quyến. Gia đình đón tôi bằng nước mắt và tôi cũng khóc.

Lúc đốt nhang trước linh cửu Thụy Trâm, tôi thấy ánh mắt thiếu úy Khang nhìn tôi trách móc và lạnh lùng.

Cái chết của Thụy Trâm gây xúc động mạnh đối với người dân trong quận, làm rơi nước mắt nhiều người trong đó đa phần là bạn học của Thụy Trâm, đến tiễn đưa người bạn gái vắn số, sống chết với tình, lần cuối cùng.

Một tuần sau, chìm vào giấc ngủ thật sâu tôi thấy thiếu úy Khang tay cầm đàn, tay dắt Thụy Trâm áo tím, tóc dài. Cả hai tươi cười đứng trên đầu ghế bố, ngỏ lời cám ơn tôi cùng đơn vị đã đưa Thụy Trâm xuống gặp Khang. Hai người rất hạnh phúc bên nhau, những đêm trăng sáng vẫn về ngồi đàn hát trên cầu.

Tôi giật mình tỉnh giấc, lưng và trán ướt đẫm mồ hôi, hơi hớm Thiếu Úy Khang và Thụy Trâm vẫn còn phảng phất trong lô cốt. Qua lỗ châu mai, tôi nhìn lên thành cầu nhưng chẳng thấy ai.

Nắng lụa lấp lánh trên rặng dừa nước bên kia sông, có tiếng bìm bịp kêu, trời cũng vừa rựng sáng. Tôi đưa tách lên môi, hớp một ngụm. Cà phê đã nguội ngắt tự bao giờ.