Menu
Menu

Thế Chân Vạc

Phạm G. Đại


Tình hình thế giới và nhất là chính trường Hoa Kỳ biến chuyển rất nhanh trong hơn ba thập niên sau khi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản.

Hoa Kỳ đã xoay qua nối lại bang giao với Cộng Sản VN năm 1995 và Tổng Thống Clinton là TT đầu tiên của Mỹ qua thăm viếng VN sau 20 năm chiến tranh lạnh và ngồi ăn phở tại Hà Nội.

CSVN đã được từ từ gỡ bỏ các cấm vận về kinh tế, và sau ông Clinton thì TT Bush cũng ban nhiều ân huệ cho CSVN ra khỏi các nước cần quan tâm về đàn áp tôn giáo CPC và gia nhập vào thương mại thế giới.

VN đã mất đi nhiều hải đảo và đất liền vì đảng CSVN đã dâng cho Tầu Cộng, và hiểm họa mất nước ngày càng gần kề với việc Tầu Cộng được quyền khai thác hầu hết các tài nguyên trong nước và được sinh sống trong các khu vực tự trị của họ ngay trên quê hương chúng ta. Những mầm mống cho một âm mưu Hán hóa và Bắc thuộc lần nữa được sự tiếp tay của đảng CSVN từ trên sáu thập niên đến nay.

Cộng đồng người Việt Quốc Gia tại hải ngoại bắt đầu nhìn thấy trước mắt chúng ta không phải chỉ có một kẻ thù mà một kẻ thù và một đối thủ: CSVN và Trung Cộng và Hoa Kỳ, hay nói một cách khác, chúng ta bị rơi vào tình trạng Thế Chân Vạc như năm 1972 tại miền Nam trước kia.

CSVN thì muôn đời vẫn là kẻ thù số một của dân tộc VN mà chúng ta phải chống lại chúng bằng mọi phương pháp và dưới mọi hình thức cho tới khi nào chủ nghĩa Cộng Sản không còn trên quê hương VN nữa.

Hoa Kỳ thì từ một người bạn đồng minh tốt bụng, qua cuộc đi đêm của Henry Kissinger và TT Nixon với Chu Ân Lai, Trung Cộng năm 1972, đầu tiên ngụy trang dưới hình thức ngoại giao thi đấu bóng bàn, thì đã chuyển ngay sang tư thế đối thủ không còn là đồng minh của VNCH nữa khi dâng miền Nam cho CS Tầu Red China để đổi lấy những quyền lợi trong giao dịch thương mại giữa Trung Cộng và HK.

Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã phải đương đầu với cái Thế Chân Vạc này từ năm 1972 ấy, khi mà Nga Sô tuôn vũ khí tối tân cho CSVN; Trung Cộng thì hô hào “đánh Mỹ cho đến người Việt Nam cuối cùng” và họ đưa quân Tầu vào miền Bắc để thay thế các đơn vị quân đội Bắc Việt hầu vét hết thanh niên qua Trường Sơn tiếp tục xâm nhập trái phép vào miền Nam. Khi mà HK chuyển hết trách nhiệm chiến đấu cho QLVNCH qua chương trình “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” mà không trang bị đầy đủ cho chúng ta về quân sự vũ khí đạn dược. Ngược lại còn cắt dần các viện trợ vế kinh tế và quân sự với mục đích làm giảm tiềm năng chiến đấu của QLVNCH ngõ hầu dọn đường cho quân Cộng Sản Bắc Việt vào xâm chiếm miền Nam để làm vừa lòng Trung Cộng.

Tiếc rằng các cấp lãnh đạo của VNCH lúc đó đều xuất thân từ quân đội và thiếu khả năng về chính trị, không có tầm nhìn xa chiến lược và vẫn cứ dựa vào HK, vẫn cứ hy vọng rằng HK sẽ không bỏ rơi VNCH trong khi đã nhìn thấy rõ là quân đội Mỹ và toàn bộ các lực lượng Đồng Minh đang rút hết ra khỏi miền Nam từ những năm đầu thập niên 70.

Chúng ta đã mất miền Nam ngay từ năm 1972, nhưng vì QLVNCH quá giỏi, tinh thần chiến đấu và chấp nhận hy sinh cao với các chiến thắng rực rỡ của Mùa Hè Đỏ Lửa, tái chiếm Quảng Trị, với Kontum kiêu hùng; An Lộc Bình Long Anh Dũng nên các sư đoàn Bắc Việt và VC đã bị chặn đứng không thể vào Sàigòn được.

Rất nhiều cuốn sách của tác giả Mỹ và Việt đã viết về những trang sử oai hùng này của QLVNCH. Rất nhiều những cố vấn Mỹ chiến đấu bên cạnh các đơn vị của chúng ta lúc đó sau này cũng viết lại và khẳng định sự dũng cảm của QLVNCH để bác bỏ những luận điệu tuyên truyền bôi xấu QLVNCH để lấy cớ cho Mỹ rút lui ra khỏi miền Nam trong danh dự.

Một cuốn sách xuất bản năm 2009 với tựa đề “Ride the Thunder” của tác giả Richard Botkin có so sánh trận tái chiếm cổ Thành Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 với chiến thắng của quân đội Mỹ trong trận Iwo Jima, Thế Chiến thứ II:

Tiểu Đoàn 5 TQLC tại Đông Hà, 1972

“The expulsion of the Communist from Quang Tri at such high cost to the tiny Republic was their equivalent to the American triumph at Iwo Jima”

(Đẩy bật Cộng quân ra khỏi Quảng Trị và chịu một tổn thất lớn lao như vậy cho môt nền Cộng Hòa nhỏ bé được xem tương đương như chiến thắng của Hoa Kỳ trong trận Iwo Jima).

Tác giả phục vụ trong US Marine cho nên ông viết nhiều về những anh hùng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và VN như các cố vấn HK cho các đơn vị TQLCVN; đặc biệt ông ca ngợi Thiếu Tá Lê Bá Bình, Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn 3 TQLC “Sói Biển” mà ông gọi là một anh hùng trong trận chiến tại Đông Hà năm 1972 ví như “David chống lại Goliath” theo các đánh trận của TQLC.

Trận chiến đấu mà ông cho là một huyền thoại giữa TĐ 3 TQLC này của Thiếu Tá Lê Bá Bình chỉ có 700 tay súng chống lại các trung đoàn Bắc Việt quân số lên đến 20 ngàn người với xe tăng và pháo binh yểm trợ đang tìm cách vượt cây cầu Đông Hà để nghiền nát TĐ Sói Biển này, rồi chiếm thị xã Đông Hà trên đường vào Quảng Trị.

Trước trận đánh, Thiếu Tá Bình đã yêu cầu viên cố vấn là đại úy John Ripley cho lên tần số phát thanh một bài hịch cho quân sĩ và cho cả kẻ thù bên kia sông nghe thật là hào hùng để: Cho mọi nơi đều nghe thấy - nhất là kẻ thù bên kia dòng sông về quyết tâm tử thủ của TĐ 3 Sói Biển TQLC này như sau

“Đã có tin đồn rằng Đông Hà thất thủ.”
Các TQLC VN đang hiện có mặt tại đây.”
Các lệnh của tôi đưa xuống là giữ chân kẻ thù ở Đông Hà.”
Chúng tôi sẽ chiến đấu tại Đông Hà.”
“Chúng tôi sẽ ngã xuống tại Đông Hà nhưng chúng tôi sẽ không rút lui.”   
Ngày nào mà còn một binh sĩ TQLC còn hơi thở,
“ngày đó Đông Hà còn thuộc về chúng ta.”

Tác giả, cũng là một sĩ quan TQLC HK, đã ví Th/Tá Lê Bá Bình với những vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, như Lê Lợi; và Richard Botkin đã viết về tầm quan trọng của trận chiến này giữa TQLCVN và quân Bắc Việt như sau:

“Đây là một câu chuyện oai hùng của một số lượng quân số ít ỏi TQLC Mỹ-Việt đã chiến đấu sáng ngời và đã làm chuyển hướng cuộc chiến tranh VN”.

Giữa những trận pháo kích như mưa của Cộng quân, hai cố vấn Mỹ đã can trường nhận trách nhiệm luồn xuống dưới gầm cầu Đông Hà và đã thành công phá sập được cây cầu này hầu ngăn chiến xa địch tiến qua.

Hàng chục ngàn Cộng quân đã vượt qua được con sông và một trận chiến đẫm máu xẩy ra trong bốn ngày đêm không ngừng nghỉ.

TĐ 3 Sói Biển TQLC VN đã giữ đúng lời hứa tử thủ dù với một tổn thất cao nhất nhưng Cộng quân đã không tiêu diệt được TĐ này và không chiếm được Đông Hà. Và sau 4 ngày đêm quần thảo, TĐ 3 TQLC đã bị thương tổn nặng nề nhưng các trung đoàn Bắc Việt đã không thể tràn ngập TĐ 3 TQLC, chúng cũng bị tổn thất nghiêm trọng và quân Bắc Việt và chiến xa T-54 đã buộc phải rút lui về hướng Cửa Việt tìm đường khác tiến xuống Quảng Trị.

Tiếc rằng tác giả chỉ phục vụ trong các đơn vị TQLC VN mà thôi nên đã không đơn cử được hàng ngàn gương anh hùng khác trong những binh chủng của QLVNCH.

Những tài liệu trong các sách đã được xuất bản cho thấy một điều là QLVNCH đã chiến đấu oai hùng và miền Nam mất vào tay Cộng Sản nguyên nhân chính vì chính phủ Hoa Kỳ đã cam tâm bỏ rơi Đồng Minh VNCH.

Trong tình hình mà HK không còn chống Cộng nữa thì chúng ta trong các cộng đồng Quốc Gia VN tại hải ngoại nên làm gì? Dù cho HK không còn chống cộng nữa nhưng VN -là quê hương của chúng ta- đang sống trong đọa đầy dưới chế độ Cộng Sản man rợ thì những người Việt Quốc Gia vẫn phải có bổn phận chống Cộng cho đến khi chế độ này bị tiêu diệt.

Trước năm 1975, QLVNCH đã bị Hoa Kỳ đẩy dần vào thế bị động và thất thế dần trên chiến trường vì thiếu vũ khí trang bị, thiếu xăng cho máy bay và thiếu đạn cho pháo binh cho các cuộc hành quân, v.v. Trong khi phía quân xâm lược Bắc Việt lại được cả khối Cộng Sản đứng đàng sau hỗ trợ mạnh mẽ hơn thì việc mất miền Nam chỉ còn là thời gian.

Hiện nay, chính phủ Mỹ đã bang giao với CSVN, đang thông thương với VN, vì quyền lợi của HK, và đi ngược lại với nguyện vọng của hàng triệu người Việt tại hải ngọai. Chúng ta hầu hết đã là công dân HK cho nên dù muốn hay không chúng ta vẫn phải tuân theo luật pháp của HK, nhưng con đường chống Cộng chúng ta vẫn phải đi tới cùng dù là chông gai đầy khó khăn.

Sự đoàn kết là cần thiết hơn bao giờ hết trong các cộng đồng người Việt và những gì có thể làm được cho một quê hương VN không còn CS thì không nên từ nan. Tất cả các phương thức chống cộng đều có hiệu quả như biểu tình, phổ biến các tin tức bài viết chống cộng, thúc đẩy các vị dân cử tại Quốc Hội tranh đấu tích cực cho nhân quyền tại VN, yểm trợ các nhà bất đồng chính kiến tại VN, yểm trợ những người yêu nước đang bị CSVN cầm tù tra tấn vô nhân đạo trong trại giam, tẩy chay các hàng hóa của VC hay Trung Cộng,v.v.. để cho những người tranh đấu chống quân xâm lược phương Bắc, chống lại đảng CSVN thấy rằng họ không lẻ loi đơn độc.

Góp gió sẽ thành bão và khi thời cơ đến cơn bão này sẽ giúp làm sụp đổ chế độ độc tài đảng trị tại VN.

Bưởi-CVA Nam California

<