BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ VNCHTHỜI KỲ HẬU NGUYỄN KHÁNHPHẦN 4Cựu Sĩ quan tùy viên Đặng kim ThuBan Biên Tập: Bài viết trình bày các dữ kiện liên quan đến một giai đoạn đầy khó khăn chuyển tiếp từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hoà. Xin dành quyền nhận xét các nhân vật lịch sử cho quý vị độc giả. (Tiếp theo) Tướng Nguyễn Khánh sau khi quậy “đục nước”VNCH, rồi cầm “nắm đất quê hương” đi lưu vong. Tưởng vậy là đất nước đã qua cơn sóng gió, ánh bình minh sẽ ló rạng, nước nhà sẽ yên ổn trở lại. Nhưng không, vẫn còn có những cơn sóng ngầm không kém nguy hiểm và làm rung rinh các chính phủ kế tiếp. Nếu trong thời kỳ khủng hoảng chính trị trầm trọng sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, chúng ta chỉ nói về các cuộc tranh giành “áo mão cân đai” của một số tướng tá trong quân đội không thôi, thiết nghĩ cũng chưa đủ để thấy toàn cảnh tệ trạng của đất nước, mà cần phải nói thêm về các chính phủ dân sự kế tiếp, một số các chính khách lúc đó cũng không đặt quyền lợi đất nước lên trên mà chỉ lo cho cá nhân, phe nhóm hoặc đảng phái của họ. Họ không đoàn kết để lo cho vận mệnh dân tộc mà chỉ lo chia rẽ, bè phái không kém gì các quan lớn trong quân đội thời đó. Cũng cần xác định rõ, một số người tham dự vào chính trường sau khi lật đổ ông Diệm không hoàn toàn đại diện cho toàn thể các thành phần lãnh đạo trong quân đội và các chính trị gia nổi tiếng cuả miền Nam. Trong giai đoạn này, không phải tất cả các sĩ quan cao cấp, cũng như các chính khách dân sự đều là những người thiếu tâm huyết, hoặc thiếu khả năng chuyên môn. Một số không có cơ hội tham dự vì không cùng phe cánh, hoặc đã bị chụp mũ liên quan đến chế độ trước. Một số khác, có lòng tự trọng, cảm thấy ngao ngán với tình thế bất ổn đang xảy ra. 1. Nội các Trần văn Hương. Ra đời trong một hoàn cảnh đầy khó khăn do Tướng Nguyễn Khánh dựng lên không bao lâu trước khi ông Khánh bị lưu vong, Thủ Tướng Hương lại phải đương đầu ngay với cuộc khủng hoảng trong nội bộ Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) Bác sĩ Nguyễn xuân Chữ, Quyền Chủ Tịch THĐQG, phản đối ông Hương vì cho rằng thành phần chính phủ không phản ảnh đúng nguyện vọng của các chính đảng. Ông Chữ lôi kéo sinh viên và Phật Giáo Ấn Quang của thượng toạ Thích trí Quang vào cuộc. Họ tổ chức hội thảo, nhóm họp, biểu tình đòi chính phủ Hương phải cải tổ nội các, thay đổi thành phần chính phủ. Ông Hương phản ứng lại bằng cách cho bộ Thông Tin ra thông cáo: “Chính phủ không cải tổ, Thủ Tướng không từ chức.” Sinh viên và Phật Giáo Ấn Quang lại sôi nổi tổ chức hội thảo, tổ chức “đêm không ngủ”, kết tội chính phủ Trần văn Hương gồm toàn các chuyên gia già nua, không có kinh nghiệm chính trị. Thậm chí có người cho rằng chẳng ai biết đến tên họ trước đây bao giờ. Ông Hương lại phải lên tiếng trên đài phát thanh và tuyên bố: “Chính phủ cương quyết phải tái lập uy quyền quốc gia; tách rời tôn giáo và học đường ra khỏi chính trị.” Lời tuyên bố này đúng về mặt lý thuyết, nhưng đối với bối cảnh chánh trị thời đó của VNCH, thì chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Thật vậy, kể từ sau ngày Tổng Thống Diệm bị lật đổ, Phật Giáo Ấn Quang do Thích trí Quang cầm đầu, tỏ ra ngạo mạn, tự đắc, muốn nhúng tay sâu vào chính trường để khuynh đảo chính phủ, vì vậy chính quyền không thể coi thường, chứ đừng nói chi việc muốn loại họ ra khỏi sân khấu chính trị của VNCH như lời tuyên bố của Thủ Tướng Hương. Thủ Tướng Hương vẫn cương quyết giữ vững lập trường, tuyên bố: “Nhất định không lùi bước, bằng mọi cách phải tái lập trật tự.” Do đó, phong trào chống đối chính phủ của sinh viên và Phật Giáo do Thích trí Quang lãnh đạo ngày càng lan rộng, gây khó khăn thêm cho chính phủ của ông. Ông Hương là nhà chính trị có khí phách không đầu hàng trước áp lực chính trị, vì vậy sự đối đầu giữa chính phủ và lực lượng chống đối chính quyền trở nên bế tắc vì không bên nào chịu nhượng bộ. Báo chí hồi đó đã đặt cho ông Hương cái biệt danh “ông già gân”. Nhận thấy tình hình rối ren như vậy, không thể đứng ngoài nhìn, nên Hội Đồng Tướng Lãnh nhóm họp ngày 24-1-65 để tìm phương cách giải quyết. Sau ba ngày thảo luận, các tướng lãnh nhận định rằng cần phải vãn hồi trật tự xã hội và cũng để xoa diụ sự chống đối cuả Phật Giáo, Hội Đồng Tướng Lãnh quyết định: a. Lưu nhiệm Quốc Trưởng Phan khác Sửu. b. Bãi nhiệm Thủ Tướng Trần văn Hương và đưa đi quản thúc tại Vũng Tàu. c. Đề cử Phó Thủ Tướng Nguyễn xuân Oánh là thủ tướng và đứng ra thành lập nội các mới. Trong lúc đang tiến hành chọn lựa nhân sự, ông Oánh lại bị Thích trí Quang theo cái lối “được đằng chân lân đằng đầu” gây áp lực đòi phải dành chức Tổng Trưởng Nội Vụ cho Trung Tướng Nguyễn chánh Thi. Thượng Toạ Thích trí Quang còn cao ngạo doạ rằng “nếu để người khác ngoài Tướng Thi là Tổng Trưởng Nội Vụ thì xã hội vẫn bất ổn.” Ông Nguyễn xuân Oánh nghe vậy bực tức và tự ái nên xin từ nhiệm. Thế là nội các chưa thành hình đã bị chết oan. 2. Nội các Phan huy Quát. Sau khi nội các Nguyễn xuân Oánh bị chết yểu khi chưa ra mắt quốc dân, đồng bào; có nhiều cuộc vận động chính trị của các đảng phái diễn ra mà kết quả là sự ra đời của nội các Phan huy Quát. Thành phần nội các mới này, gồm có: a. Phó Thủ Tướng, kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu. b. Phó Thủ Tướng, kiêm Tổng Trưởng Ngoại Giao: Bác Sĩ Trần văn Đỗ. c. Phó Thủ Tướng phụ trách Kế Hoạch: Luật Su Trần văn Tuyên. Như vậy BS Phan huy Quát có thể được xem như đã thành công trong việc mời được gần như tất cả các phe phái chính trị, tôn giáo, và quân đội đang kình chống nhau, cùng tham gia vào nội các của ông. Tuy vậy, cũng không phải là hoàn hảo vì cũng còn bị áp lực của Phật Giáo Ấn Quang mà theo như Thiếu Tướng Lê nguyên Khang, Tư Lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến, một thành viên quan trọng của Hội Đồng Quân Lực lúc đó, đã phát biểu cảm tưởng, đại ý như sau: “BS Quát đã chọn được những nguời tốt, có năng lực cho nội các, nhưng có thể bị chống đối bởi các chính khách miền Nam. Vì toàn là người Bắc và người Trung nên có thể nội các không tồn tại lâu vì không thể hiện được đoàn kết dân tộc.” Một ngày sau khi nội các Phan huy Quát trình diện Quốc Trưởng Phan khắc Sửu, Hội Đồng Quân Lực ra quyết định thành lập Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp để thay thế THĐQG đã bị giải tán. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Thủ Tướng Phan huy Quát là đối phó với các tướng trẻ (Lên tướng sau khi ông Diệm bị lật đổ) mà ông đã thấy rõ tham vọng của họ. Ông cũng thấy rõ họ là mối đe doạ cho chính phủ của ông; cũng như ông nhận thấy càng ngày Hội Đồng Quân Lực càng chế ngự chính trường. Ngoài ra Trung Tướng Trần văn Minh (Minh nhỏ) vừa được cử thay thế Tướng Khánh trong chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Lực cũng than phiền nhiều về những hành vi và những phát biểu lạm quyền của ba tướng Thi, Kỳ, Có... cho nên Thủ Tướng Quát kết hợp với Trung Tướng Trần văn Minh và cũng được sự hỗ trợ của Đại Sứ Mỹ Taylor giải tán Hội Đồng Quân Lực. Đây là bước khởi đầu cho việc va chạm của tân nội các với phe quân nhân. 3. Một âm mưu đảo chánh (20-5-65) Ngày 21-5-65, Phủ Thủ Tướng ra tuyên bố cho biết đêm hôm trước cơ quan an ninh đã bắt giữ khoảng 40 người có liên quan đến một âm mưu đảo chánh.Theo thông cáo thì người chủ mưu cũng lại là Đại Tá Phạm ngọc Thảo đang tại đào và mục tiêu đảo chánh là ám sát Thủ Tướng Quát và vài yếu nhân khác. Bản thông cáo cũng nói rõ là có sự nhúng tay của Việt Cộng, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể nào. Nhưng theo các giới chức thạo tin thì họ cho rằng sở dĩ chính phủ ra thông cáo như vậy là muốn che đậy sự thật. Các nhà chính trị và giới báo chí nhận định rằng Đại Tá Phạm ngọc Thảo đang trốn chui trồn nhủi, đang bị truy nã gắt gao thì làm sao có diều kiện đi móc nối để tổ chức đảo chánh. Vả lại 40 người bị bắt không ai có liên quan gì với Phạm ngọc Thảo cả. Họ cho rằng vụ âm mưu này là hệ quả của việc giải tán Hội Đồng Quân Lực vừa qua. Ngày 25-5-65, Thủ Tướng Phan huy Quát lại chỉ định ông Trần văn Thoàn làm Tổng Trưởng Nội Vụ thay thế ông Phan hoà Hiệp, và ông Nguyễn trung Trinh (có quốc tịch Pháp) thay thế ông Nguyễn văn Vinh làm Tổng Trưởng Kinh Tế. Trong buổi lễ trình diện thành phần nội các mới, Quốc Trưởng Phan khắc Sửu từ chối không ký sắc lệnh bổ nhiệm hai ông Thoàn và ông Trinh vớ lý do chưa nhận được đơn từ chức của ông Phan hoà Hiệp và ông Nguyễn văn Vinh. Lý do ông Sửu đưa ra cũng chỉ là cái cớ. Riêng Quốc Trưởng Sửu cũng có những bất mãn ngầm vì thái độ coi thường vai trò Quốc Tưởng của Thủ Tướng Quát vì ông Sửu chỉ được ông Quát thông báo về sự thay đổi nhân sự này khoảng 15 phút trước lễ trình diện tân nội các. Thế là mâu thuẫn quyền lực giữa Quốc Trưởng và Thủ Tướng bắt đầu. 4. Áp lực chính trị từ phiá dân chúng. Ngày 27-5-65, một phái đoàn đại diện Lực Lượng Công Giáo Đoàn Kết do linh mục Hoàn Quỳnh hướng dẫn đến yết kiến Quốc Trưởng Phan khắc Sửu và sau đó gặp Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp trình kiến nghị yêu cầu giải nhiệm chính phủ Quát vì các lý do sau đây: a. Chính phủ Quát không được sự ủng hộ của đồng bào miền Nam. b. Chính phủ Quát chỉ phục vụ quyền lợi đảng phái vì thế gây nhiều chia rẽ nghiêm trọng. c. Chính phủ Quát đã để cho Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng mà không ký hiệp ước trước, vì thế đã hạ thấp chủ quyền quốc gia và uy tín của chính phủ. d. Quy chế về các tôn giáo mà chính phủ Quát đang soạn thảo là độc tài và có ý muốn xoá bỏ quyền tự do tôn giáo. Đầu tháng 6-65, nhiều phái đoàn tôn giáo và đảng phái chính trị khác tiếp tục dâng kiến nghị lên Quốc Trưởng Sửu đòi bất tín nhiệm Thủ Tướng Phan huy Quát. Ngày 9-6-65, Thủ Tướng Quát họp báo giải thích về sự bất đồng giữa ông và ông Sửu và cho biết đã yêu cầu các tướng lãnh đứng ra làm trung gian hoà giải. Được các tướng lãnh nhận lời, ngày 11-5-65 Thủ Tướng Phan huy Quát triệu tập một phiên họp Hội Đồng Chính Phủ Đặc biệt tại Phủ Thủ Tướng dưới sự chủ toạ của Quốc Trưởng Phan khắc Sửu và sự hiện diện của Trung Tướng Phạm xuân Chiểu, Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp; Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng; Thiếu Tướng Linh quang Viên, Tổng Trưởng Thông Tin;... Thủ Tướng Quát trình bày mọi khiá cạnh của vụ tranh chấp giữa ông và Quốc Trưởng Sửu, với hy vọng các tướng lãnh sẽ giúp ông giải quyết cuộc khủng hoảng cho êm đẹp hài hoà. Tuy nhiên, cả ông Sửu lẫn ông Quát không ai chiụ nhượng bộ ai, khiến cho bầu không khí trong phòng họp càng thêm ngột ngạt và căng thẳng. Thấy vậy, Trung Tường Chiểu với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp lên tiếng: “Đất nước trong tình trạng chiến tranh, hai vị phải sớm hoà giải. Ván đề mâu thuẫn không thể kéo dài, Tình trạng kình chống nhau như thế này mãi sẽ khiến đất nước lâm nguy.” Đã vậy mà lời qua tiếng lại không giảm bớt gay gắt, mỗi người càng thêm cay cú nhau. Bất ngờ, Thủ Tướng Quát tuyên bố ngay tại buổi họp là ông quyết định từ chức ngay và giải tán chính phủ. Tuyên bố của ông Quát khiến cả phòng họp sửng sốt. Ông Sửu nghe vậy đành phải tuyên bố từ chức theo. Cuộc khủng hoảng nội các của chính phủ ông Quát chỉ vì một lý do pháp chế nhỏ nhặt mà cả hai ông vì “tự ái về uy quyền” không tương nhượng nhau dẫn đến hậu quả là chính phủ dân sự sụp đổ. Quyền hành tập trung trở lại về tay các tướng lãnh tạo điều kiện thuận lợi cho Hoa Kỳ thực hiện việc leo thang chiến tranh. Ngay sau buổi họp, một tuyên bố chung được công bố với sự đồng ý của 3 Quốc Trường Sửu, Thủ Tướng Quát, và Trung Tướng Chiểu. Bản tuyên bố chung có đoạn như sau: “Sau khi duyệt xét lại tình hình ngày một khẩn trương của đất nước, chúng tôi đã nhận thấy rằng cơ cấu và thể chế quốc gia hiện tại không còn phù hợp với tình thế. Sau khi hội ý với các thành viên trong nội các ngày 11-6-65, chúng tôi đồng thanh quyết định trao trả lại trách nhiệm và quyền lãnh đạo quốc gia cho Quân Lực VNCH, mà người đại diện là Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu đang là Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Quyền này trước đây đã được Hội Đồng Quân Lực ủy thác cho chúng tôi...”
Tất cả mọi người trong phòng họp đồng thanh vỗ tay tỏ ý đồng ý với đề nghị của Trung Tướng Thiệu. Nhưng sau khi dứt tiếng vỗ tay, Tướng Thi đứng lên phát biểu: - “Tôi rất cám ơn quý vị đã tín nhiệm tôi. Tuy nhiên, tính tôi bộc trực, thẳng thắn, nên không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ làm chính trị. Làm chính trị thì phải có thủ đoạn mà tôi vốn không biết thủ đoạn và rất khinh bỉ thủ đoạn. Vậy một lần nữa, tôi xin cám ơn tất cả quý vị đã đặt lòng tin vào tôi, nhưng rất tiếc tôi không thể nhận và xin nhường cho người khác.” Trung Tướng Thiệu, chủ toạ, lại hỏi: - “Anh Thi không nhận. Vậy có vị nào chiụ nhận vai trò này không?” Vài giây yên lặng trôi qua. Cuối cùng, Tướng Nguyễn cao Kỳ lên tiếng nhận trách nhiệm. Hội trường có người vỗ tay, có người im lặng. Liền đó, Trung Tướng Thiệu tuyên bố nghỉ giải lao vài phút. Trong lúc nghỉ họp, Trung Tướng Thiệu nhắm vào những người lúc nãy không vổ tay, nói nhỏ thuyết phục họ: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, không ai muốn nhận. Giờ anh Kỳ đã tình nguyện, thôi cứ để anh Kỳ làm đi.” Vào họp trở lại, mọi người đồng ý để Tướng Kỳ làm thủ tưóng với danh xưng mới: “Chỉ Tịch Ủy Ban hành Pháp Trung Ương” và tiềp theo là bầu Trung Tướng Phạm xuân Chiểu làm Tổng Thư Ký Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Ngày 19-6-65, chính phủ Nguyễn cao Kỳ trình diện trước Ủy Ban Lãnh Đạo quốc Gia và ra mắt đồng bào. Cũng để đánh dấu ngày quân đội lên nắm chính quyền trở lại, ông Kỳ chọn ngày này làm “Ngày Quân Lực”. 5. Những khó khăn ban đầu. Dù nội các chiến tranh có những nỗ lực rất đắng kể và đã ghi lại được một số thành tích trong hai năm cầm quyền, nhưng cũng có những thất bại khó tránh lúc ban đầu. Hành động đầu tiên cuả chính phủ Nguyễn cao Kỳ là thiết lập “pháp trường cát” ngay giữa trung tâm Saigon, trước chợ Bến Thành. Tử tội đầu tiên bị xử bắn là một tên VC bị lực lượng Cảnh Sát bắt quả tang mang 10 kg chất nổ, định mang tới một câu lạc bộ Mỹ ở đường Võ Tánh, Gia Định. Hành động này bị VC trả đũa ngay lập tức. Hai ngày sau, “Mặt Trận Giải Phóng miền Nam” loan báo trên đài phát thanh của chúng là đã xử bắn một tù binh Mỹ bị bắt trong trận Bình Giả để trả đũa. Ngày kế tiếp, lúc 8 giờ tối, VC đặt bom nhà hàng Mỹ Cảnh ở bến Bạch Đằng, Saigon, gây tử thương 44 người, lảm bị thương 81 người, trong đó có 17 người ngoại quốc. Người bị xử bắn tại “pháp trường cát” là một gian thương người Hoa tên là Tạ Vinh, đã gây ồn ào sôi nổi trong dư luận một thời gian. Nhưng hành động này của chính phủ Nguyễn cao Kỳ bị quốc tế lên án là quân phiệt, sắt máu; nên “pháp trường cát” trở nên im lìm, dần dà chìm vào quên lãng của người dân. Một quyết tâm khác cuả “Nội Các Chiến Tranh” là muốn diệt gian thương và trừ khử các trùm du đãng, nên ngày 26-5-65 lập ra Tổng Đoàn Trừ Gian để chống đầu cơ, tích trữ. Một thời gian ngắn sau người ta lại phát giác ra chính các thành viên trong Tổng Đoàn Trừ Gian đã bao che cho gian thương nên chúng vẫn lộng hành. Những người trong “Biệt đội bài trừ du đãng” lại trở thành “đại bàng” của các tay “anh chị giang hồ”! Thế là Tổng Đoàn Trừ Gian bị giải tán. Một số thành viên của Tổng Đoàn bị đưa ra toà với đủ loại tội trạng. Sự cố gắng làm trong sạch xã hội cũng bị thất bại. 6. Ổn định tình hình chính trị. Các chính phủ dân sự trước đây đều đã không tồn tại quá 4 tháng lý do là tình hình chính trị bất ổn tạo ra bởi các vụ đảo chánh và âm mưu đảo chánh, các cuộc xuống đường biểu tình của các đoàn thể, tôn giáo, sinh viên, sự bất tương nhượng của các chính khách. Tướng Kỳ và các cộng sự viên của ông đều thấy rõ chuyện này, nên mục tiêu hàng đầu cuả nội các mới là tổ chức lại guồng máy chính quyền sao cho hợp với thời chiến. Ngoài việc giữ lại một vài tổng trưởng có khả năng của nội các Phan huy Quát, Tướng Kỳ cũng cố gắng mời được các khuôn mặt mới tham gia vào nội các của ông, trong đó có vài vị đã từng từ chối tham gia vào các chính phủ trước đây. Nội các Nguyễn cao Kỳ dần dà tạo được sự ổn định chính trị và xã hội, chầm dứt sự hỗn loạn của thời kỳ sau khi lật đổ Tổng Thống Ngô đình Diệm. Nói như vậy không có nghiã là nội các của ông Kỳ không gặp khó khăn về chính trị trong thời gian hai năm cầm quyền. Ông Kỳ phải trải qua nhiều sóng gió có lúc tưởng chừng như sắp bị sụp đổ, mà ba vụ quan trong hơn hết là: a. Biến động miền Trung từ tháng 4 đến tháng 6-66. b. Vụ Tướng nguyễn ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát, lạm quyền bắt giam bác sĩ Nguyễn tấn Lộc, Đổng lý Văn phòng Bộ Y Tế hồi tháng 10-66 khiến cho 6 bộ trưởng đệ đơn từ chức. c. Vụ âm mưu lật đổ Tướng Kỳ của Tướng Nguyễn hữu Có cuối năm 1966. Âm mưu bại lộ, Tướng Kỳ ra tay trước đưa Tướng Có đi lưu vong. 7. Các “ngòi nổ” cuả vụ Biến động miền Trung. Ngày 2 tháng 3 năm 1966, Tướng Kỳ và Tướng Có ra Huế tiếp xúc với thân hào, nhân sĩ, và các đoàn thể dân chúng tại Toà Đại Biểu Chính Phủ Miền Trung trong chương trình “Thăm dân cho biết sự tình”. Một nhân sĩ ở Huế, ông Hồng dũ Châu, được mời đứng lên phát biểu. (Ông Châu là một nhân sĩ được dân chúng Huế rất mến mộ, và là thân phụ của Trung Tá Hồng khắc Trân, Liên đoàn Phó Liên Đoàn 31 BĐQ, một người cùng khoá 19 Đà Lạt với người viết.) Ông Châu nói đại ý như sau: “...chính phủ của người nghèo ra đời hơn 8 tháng nay, chưa làm được điều gì cụ thể cho dân, chỉ thấy nay lệnh này mai lệnh khác, có khi trái ngược nhau khiến chúng tôi bối rối không biết lệnh nào đúng mà thi hành. Gạo thóc tiếp tế cứ bị thiếu hụt, hỏi Trung Ương thì Trung Ương bảo chờ. Dân đói lại bị bão lụt làm đói thêm. Thử hỏi sẽ phải chờ đến bao giờ? Hôm nay có sự hiện diện của cáu chính phủ gọi là của người nghèo, tôi xin thưa thật với Thủ Tướng rằng ông thật không xứng đáng, bởi vì sau 8 tháng cầm quyền dân miền Trung đã nghèo lại nghèo thêm, có lẽ không thể nghèo hơn được nữa!” Đến đây, Tướng Kỳ không dằn được cơn bực tức, quên cả cương vị thủ tướng của mình, đứng lên ngắt lời ông Châu, và nói: - “Ông là cái thớ gì mà dám nói với một thủ tướng chính phủ như thế? Đồ vô lễ.. Câm mồm!” Buổi “Thăm dân cho biết sự tình” chấm dứt giữa chừng trong bầu không khí ngột ngạt. Tướng Kỳ và Tướng Có không dùng cơm trưa ở Huế dù đã có chuẩn bị. Hai ông bay về Saigon ngay, mang theo nỗi ấm ức nghĩ rằng sự việc xảy ra là do Tướng Thi dàn dựng nhằm làm mất mặt Tướng Kỳ. Do đó, Tướng Kỳ quyết định hạ bệ Tướng Nguyễn chánh Thi. Về tới Saigon, Tướng Kỳ gọi điện thoại ngay cho Tướng Cao văn Viên; và nói không thể để Tướng Thi làm Tư Lệnh Vùng I nữa, mà phải cách chức ngay vì ông ta đã để cho người của ông công khai chỉ trích chính quyền trung ương và “xúc phạm tôi”. Trung Tướng Viên góp ý: “Sự việc này có thể làm mất mặt anh, nhưng anh không thể lấy lý do đó mà cách chức anh Thi vì không chính đáng. Vả lai theo tôi biết, anh Thi hiện giờ có một thế lực rất mạnh ở miền Trung, không khéo họ sẽ nổi loạn. Tôi đề nghị anh họp Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia giới hạn để bàn luận cho kỹ, tìm lý do khác chính đáng hơn.” Tuy là người nóng nảy, nghĩ sao nó vậy, nhưng lần này Tướng Kỳ nghe lời Tướng Viên chuẩn bị loại Tướng Nguyễn chánh Thi rất kỹ lưỡng. (còn tiếp) |