Menu
Menu

Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân

70 Ngày Tử Chiến Ở Khe Sanh

Vương Hồng Anh


Mặt trận Khe Sanh Mùa Xuân 1968:

Trong cuộc chiến Việt Nam giai đoạn 1965-1975, trận đánh Khe Sanh diễn ra vào Mùa Xuân 1968 được các nhà quân sử Việt Nam, Hoa Kỳ và cả thế giới ghi nhận đó là một trong những trận chiến lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20. Đây là một mặt trận mà CSBV muốn dựng lại "kịch bản chiến trường Điện Biên Phủ" nhưng đã bị liên quân Việt-Mỹ vô hiệu hóa.

Theo hồi ký của cựu đại tướng William C. Westmoreland, nguyên tư lịnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, khi trận chiến Khe Sanh bùng nổ, vị đại tướng này đã đề nghị với đại tướng Cao Văn Viên tăng cường 1 tiểu đoàn Biệt động quân để cùng với lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ bảo vệ cụm cứ điểm Khe Sanh. Đại tướng Viên đã chỉ thị cho trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn 1 & Vùng 1 chọn 1 tiểu đoàn tinh nhuệ để tăng viện cho mặt trận Khe Sanh. Cuối cùng theo đề nghị của trung tá Nguyễn Văn Hiệp, liên đoàn trưởng Liên đoàn 1 Biệt động quân, tiểu đoàn 37 Biệt động quân đã được giao phó trọng trách này.

Ngày 27 tháng 1/1968 (trước tết Mậu Thân 3 ngày), từ phi trường Đà Nẵng, toàn bộ tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân (BĐQ) do đại úy Hoàng Phổ, tiểu đoàn trưởng chỉ huy, được không vận đến Khe Sanh. Theo sự phối trí lực lượng của bộ chỉ huy Liên quân Việt-Mỹ tại căn cứ này, tiểu đoàn 37 BĐQ được phân nhiệm phòng thủ phía đông phi đạo, ngăn chận không cho các đơn vị đặc công CSBV lọt qua các hàng rào kẻm gai để vào phi trường. Ngay từ khi mới nhận phòng tuyến, tiểu đoàn 37 BĐQ đã bị Cộng quân pháo kích liên tục, tiếp đó là các đợt tấn công bộ chiến. Đã có kinh nghiệm chiến đấu và phòng ngự trong tình hình khốc liệt của chiến trường, người lính Biệt Động Quân đã bình tỉnh chống trả các đợt xung phong của Cộng quân cũng như dễ dàng nhận ra kịp thời những tín hiệu pháo kích của địch. Cứ mỗi lần nghe tiếng gió của đạn ra khỏi nòng là khoảng 21 giây sau sẽ nổ. Thời gian đó đủ để quân trú phòng kịp thời ẩn núp ngay trong chiến hào.

* Tiểu đoàn 37 Biệt động quân và 10 tuần lễ kịch chiến quanh phòng tuyến phía đông phi đạo:

Theo lời của một số sĩ quan và hạ sĩ quan, binh sĩ của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân kể lại với các phóng viên, họ phải trực chiến suốt đêm vì Cộng quân thường mở những đợt xung kích vào buổi tối khi mà tầm quan sát của quân trú phòng bị giới hạn. Lợi dụng bóng đêm, các toán đặc công của Cộng quân thường bò vào hàng rào cắt kẽm gai và đổi hướng các loại mìn định hướng của quân trú phòng gài quanh căn cứ. Sự đổi hướng quay vào phía trong của loại mìn định hướng nếu không phát hiện sẽ gây thương vong cho quân trú phòng khi Cộng quân mở các đợt tấn kích. Một sĩ quan kể lại là suốt đêm cả đơn vị phải thức trắng, ngày thì phải lo đối phó với các đợt pháo kích, và từng tiểu đội phải cho người bò ra hàng rào, kiểm soát lại hệ thống mìn định hướng và hệ thống hàng rào kẽm gai.

Trong suốt thời gian diễn ra trận chiến, việc cung cấp nước uống cho quân trú phòng cũng là một trong những mối bận tâm hàng đầu của bộ chỉ huy căn cứ. Tuy nhiên, có những ngày địch quân pháo liên tục, các phi vụ yểm trợ nước và thức ăn không thực hiện đúng như kế hoạch tiếp tế. Chính vì thế việc tiết kiệm tối đa nước uống đã được chiến sĩ Biệt Động Quân thực hiện ngay từ ngày đầu. Uống ít nước, không sử dụng nhiều nước để rửa mặt, luôn luôn đề phòng tình trạng thiếu nước do không tiếp tế được.

Một hạ sĩ quan đã kể lại rằng có ngày không nhận được nước tiếp tế, anh chỉ còn khoảng 1/2 bi đông nước. Vào những trường hợp đó, anh chỉ hớp vài ngụm nước cho khỏi khát nước, nước tiểu anh đã hứng để rửa mặt. Trong 70 ngày quyết chiến với Cộng quân tại phòng tuyến Khe Sanh, những người lính của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân đã chứng minh cho đồng minh Hoa Kỳ thấy sự chịu đựng phi thường và tinh thần chiến đấu dũng cảm, khả năng tác chiến và phòng ngự của một đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

* Nhật ký hành quân của tiểu đoàn 37 Biệt động quân:

Trong suốt 10 tuần lễ chiến đấu dưới những trận mưa pháo của địch, tiểu đoàn 37 Biệt động quân đã chận đứng hàng loạt đợt tấn công của đối phương. Sau đây là một số trận đánh được ghi vào chiến sử trận Khe Sanh do Ủy ban Quân sử Hoa Kỳ phổ biến:

- Ngày 21 tháng 2/1968: Cộng quân tấn công cường tập vào tuyến phòng ngự của 1 đại đội/tiểu đoàn 37BĐQ. Địch đã tung nhiều đợt xung phong nhưng đều bị đẩy lùi: 35 Cộng quân bỏ xác ngoài hàng rào.

- Ngày 29/2/1968: Suốt đêm Cộng quân tung ba đợt tấn công liên tiếp vào tuyến tiền đồn của một đại đội tiểu đoàn 37 BĐQ nhưng đều bị đẩy lùi. Dù một đoạn kẽm gai đã bị cắt đứt nhưng địch đã không lọt vào vòng trong được.

- Ngày 8 tháng 3: Một thành phần của tiểu đoàn 37 Biệt động quân vượt hàng rào, truy kích các chốt tiền tiêu của đối phương, hạ sát 26 CQ ở phía đông phi đạo.

* Tổng lược về mặt trận Khe Sanh:

Theo các quan sát viên quân sự, kế hoạch tấn công căn cứ Khe Sanh là một phần của cuộc tổng công kích của Cộng quân trong Tết Mậu Thân. Cộng quân khai hỏa tại mặt trận Khe Sanh trước Tết 10 ngày nhằm đánh lạc hướng phán đoán của liên quân Việt-Mỹ và để thu hút sự chú ý của các tư lịnh chiến trường quân đội Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho rằng Khe Sanh là chiến trường quyết định, các nơi khác là phụ thuộc. Tuy nhiên bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH và bộ tư lịnh của đại tướng Westmoreland đã nhận được những báo cáo đặc biệt là Cộng quân sẽ mở cuộc tổng công kích toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, trong đó Cộng quân muốn "lập" một Điện Biên Phủ tại Khe Sanh. Những thông tin tin báo chiến trường đã được kiểm chứng qua lời khai của một sĩ quan Cộng quân ra đầu hàng tại Khe Sanh.

Theo hồi ký của đại tướng Westmoreland, vào chiều ngày 20/1/1968 (trước tết 10 ngày), một trung úy Cộng quân tên là Lã Thanh Tòng, đã xuất hiện ở cuối phi đạo sân bay Khe Sanh, tay cầm cờ trắng, xin ra đầu hàng. Giải thích về lý do ra hàng, Tòng cho biết đương sự xứng đáng được thăng cấp và giữ chức vụ cao hơn, nhưng đã bị một sĩ quan Cộng quân khác kém tài hơn tranh đoạt nên đã sinh ra bất mãn. Tòng đã trình bày chi tiết về kế hoạch tấn công Khe Sanh rằng ngay đêm 20/1/1968 rạng ngày 21/1/1968, Cộng quân sẽ tấn công hai vị trí phòng thủ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại đồi 861 và đồi 881. Lời khai của Tòng đã được chứng minh vì ngay đêm đó Cộng quân đã khởi sự tấn công vào hai vị trí trên.

Cũng theo lời khai của Tòng, các đơn vị Cộng quân đã được chuẩn bị để thực hiện cuộc tổng tấn công vào dịp tết. Vài ngày sau khi Tòng ra đầu hàng, B 52 đã thả bom xuống một vùng núi đá ong ở Lào. Theo phân tích của cơ quan tình báo chiến trường thuộc bộ tư lịnh của tướng Westmoreland, vùng núi đá nói trên có thể là bộ chỉ huy của một lực lượng lớn Cộng quân đang đồn trú để chỉ huy các đơn vị quanh Khe Sanh và toàn bộ khu Bắc miền Trung. Sau vụ bị ném bom này, làn sóng vô tuyến của bộ chỉ huy này bị im tiếng trong vòng hai tuần. Ngày 21 tháng 1/1968), Cộng quân đã bắt đầu cuộc pháo kích và tấn công các tiền đồn quanh căn cứ Khe Sanh. Quân trú phòng với sự yểm trợ hữu hiệu của Không quân và pháo binh đã đẩy lùi các đợt tấn công của đối phương. Một đơn vị Cộng quân muốn chọc thủng phòng tuyến ở gần phi đạo nhưng đã bị pháo binh và không quân xạ kích và cuối cùng phải rút lui.

Cùng cần ghi nhận rằng, trong thời gian tiểu đoàn 37 Biệt động quân tham chiến tại Khe Sanh, chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Động Quân Quân lực VNCH là đại tá Trần Văn Hai (sau này là chuẩn tướng tư lịnh Sư đoàn 7 Bộ Binh và đã tự sát trong ngày 30/4/1975), đã cùng với 2 sĩ quan tham mưu đến tận Khe Sanh để thăm viếng tiểu đoàn này. Vị chỉ huy trưởng Biệt Động Quân đã ở lại Khe Sanh 2 ngày đêm và đi thăm từng trung đội Biệt Động Quân đang bố phòng dọc theo các giao thông hào.

Kể từ ngày 21/1/1968 khi Cộng quân khởi sự tấn công cho đến ngày 8/4/1968-ngày mà liên quân Việt-Mỹ khởi động cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh, quân trú phòng Việt-Mỹ đã trải qua 11 tuần lễ chiến đấu dưới những trận mưa pháo. Riêng với tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân, những người lính Mũ Nâu đã trải qua 10 tuần lễ thức trắng tử chiến với Cộng quân để giữ vững phòng tuyến phía Đông của phi đạo cho đến ngày trở về hậu cứ.

Tuần sau: Các trận đánh của Sư đoàn 5 Bộ binh và Liên đoàn 5 Biệt động quân trên chiến trường Miền Đông Nam phần.