Menu

HIỆP ĐỊNH PARIS THÁNG GIÊNG 1973 VÀ HẬU QỦA

BĐQ Vũ Đình Hiếu

Paris CFP 2023 Conference 1973


I. LỜI GIỚI THIỆU

Hiệp định Ngừng Bắn Paris có tên chính thức là “Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình cho Việt Nam” Đó là một hiệp ước hòa bình, tất cả các thành phần tham dự ký thuận ngày 27 tháng Giêng năm 1973, để thiết lập ngừng bắn ở Việt Nam và chấm dứt cuộc chiến. Thành phần tham dự hiệp định Paris gồm có: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt), Hoa Kỳ và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (Việt Cộng). Trong thời gian ký hiệp định, quân đội Hoa Kỳ đóng quân bất động trong các căn cứ, tinh thần xuống thấp, từ từ di chuyển về các khu vực gần bờ biển để chuẩn bị hồi hương. Thực ra, khoảng hai năm trước khi hiệp định ký kết, quân đội Hoa Kỳ không tham dự hoặc mở một trận tấn công lớn nào đối với quân đội Bắc Việt… Rất có thể, người Hoa Kỳ và Bắc Việt đã có những thỏa thuận ngầm và họ phải chứng tỏ … ước vọng chuyện hòa bình.

Theo Jussi Hanhimaki, một sử gia người Phần Lan, chính quyền Hoa Kỳ áp lực rất mạnh cho chính quyền Nam Việt Nam (VNCH) để ký tên (chấp thuận) bản hiệp định mặc dầu (VNCH) đã biết chắc sự sụp đổ của quốc gia. Trong thời gian thương thuyết, Tiến Sĩ Henry Kissinger nói rằng, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp bằng quân sự, 18 tháng sau khi ký kết bản hiệp định. Điều này ám chỉ, Hoa Kỳ để cho miền nam Việt Nam sụp đổ 18 tháng sau đó. Bài viết này sẽ xem lại chi tiết bản Hiệp Định Paris, chuyện gì đã xẩy ra, và hậu qủa đối với chính quyền, quân đội miền Nam Việt Nam. [1]

II. CÁC BIẾN CỐ LỚN TRONG TRẬN CHIẾN VIỆT NAM

Trước khi Hiệp Định Hòa Bình Paris được ký kết ngày 27 tháng Giêng năm 1973, bắt buộc phải có những chuyện xẩy ra nghiêm trọng, dẫn đến chương cuối cùng cho việc nhúng tay của người Hoa Kỳ trong Trận Chiến Việt Nam và quân đội Hoa Kỳ có thể rút về nước với danh dự. Phần này sẽ nhìn lại những biến cố lớn, quan trọng, khúc quanh của cuộc chiến trước khi bản hiệp định được ký kết.

II. 1. TRẬN TẤN CÔNG TẾT MẬU THÂN, THÁNG GIÊNG 1968

Cuối năm 1967, ngày 21 tháng Mười Một, Tướng William Westmoreland báo cáo rất lạc quan về Chiến Tranh Việt Nam. Ông ta nói “Năm 1968, chúng ta sẽ bắt đầu một giai đoạn mới. Chúng ta đã tiến đến một điểm quan trọng, và viễn tưởng trận chiến kết thúc đã hiện ra.” Nhưng chính quyền cộng sản Hà Nội đã có “chuyện khác” trong đầu. [2]

Trận tấn công Tết Mậu Thân bùng nổ trong hai ngày cuối tháng Giêng năm 1968. Quân cộng sản gọi trận tấn công bất ngờ này “Tổng Công Kích / Tổng Khởi Nghĩa” (TCK / TKN), lợi dụng thời gian ngừng bắn trong dịp tết, tung ra khoảng 85.000 quân (đa số quân Việt Cộng trong miền nam) tấn công cùng lúc năm thị xã lớn, nhiều căn cứ quân sự, và hơn 100 quận lỵ, làng mạc trong khắp miền nam Việt Nam.

Tại Huế, thành phố cổ kính, kinh đô cũ triều đại cuối cùng ở miền trung Việt Nam, 7.500 quân chính quy Bắc Việt (NVA) cùng với quân Việt Cộng điạ phương, tấn công bất ngờ, tràn ngập, gần như chiếm được gần hết thành phố. Quân đội Hoa Kỳ, sau đó VNCH phản công để lấy lại thành phố Huế, địch quân cố gắng cầm cự, kéo dài trận đánh hơn ba tuần lễ, gây nhiều thiệt hại, đổ nát cho thành phố, thiệt hại nhân mạng lên đến hàng ngàn người cho cả đôi bên. Hầu hết các thành phố chính trong miền nam Việt Nam đều bị tấn công, nhưng với cường độ khác nhau, nhẹ hơn so với thành phố Huế.

Cùng thời điểm đó, mọi cặp mắt viên chức, sĩ quan cao cấp Việt Mỹ đều tập trung về hướng bắc Quân Đoàn I (VNCH). Tại căn cứ Khe Sanh, sáng ngày 30 tháng Ba năm 1968, dưới màn sương che phủ, binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đại đội B, trung đoàn 26 chuẩn bị tấn công lên một cao điểm (ngọn đồi nhỏ), cách căn cứ khoảng 800 thước về hướng nam. Mục tiêu cho trận tấn công này, thâu hồi tử thi binh sĩ TQLC/HK chết trong một trận đánh trước đó. Vào ngày 26 tháng Hai, một đơn vị TQLC/HK tuần tiễu xung quanh căn cứ, đuổi theo ba binh sĩ Bắc Việt, nơi một trạm quan sát. Lính Bắc Việt dụ cho toán tuần tiễu Hoa Kỳ đuổi theo, rơi vào điểm phục kích của địch. Cấp chỉ huy Hoa Kỳ ra lệnh cho một đơn vị khác khoảng 50 quân đi tiếp viện, cũng bị lọt vào ổ phục kích. Kêt qủa 30 người lính TQLC bị giết, 17 người khác bị thương.

Truyền thống TQLC/HK không để lại xác đồng đội trên trận điạ, nhưng hỏa lực của đơn vị Bắc Việt qúa mạnh, không binh sĩ TQLC nào tiến lên được, nên phải rút về căn cứ hành quân Khe Sanh, để lại hơn hai mươi xác chết trên ngọn đồi nhỏ đó cuối tháng Hai năm 1968.

Trận phục kích này ít người biết, đa số phóng viên chiến trường, báo chí, truyền thanh, truyền hình tập trung vào trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân, lúc đó quân đội VNCH đang nỗ lực đánh đuổi quân Việt Cộng ra khỏi các thành phố trong miền nam Việt Nam. Các chuyên viên phân tích quân sự phỏng đoán, Hà Nội có khoảng 40.000 quân chính quy Bắc Việt (3 sư đoàn) bao vây căn cứ Khe Sanh với 6.000 TQLC/HK và 500 Biệt Động Quân VNCH (tiểu đoàn 37/BĐQ). Pháo binh Bắc Việt trung bình pháo kích 150 hỏa tiễn, đạn súng cối, và đạn pháo binh vào căn cứ hàng ngày, gây tổn thất cho hơn một tá binh sĩ TQLC/HK mỗi ngày.

Các trận đánh nhỏ xẩy ra xung quanh căn cứ Khe Sanh rất thường xuyên, và sẽ kéo dài trong vài tháng kế tiếp. Trong khi đại đội B, trung đoàn 26 TQLC/HK chiến đấu với quân đội Bắc Việt, Tổng Thống Lyndon Johnson họp với các cố vấn cao cấp: Bộ Trưởng Quốc Phòng mới Clark Clifford, Thư Ký Báo Chí George Christian, và Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Walt W. Rostow. Ban tham mưu của Tổng Thống Johnson trong tòa Bạch Ốc vừa viết xong bài diễn văn quan trọng về chính sách Hoa Kỳ ở Việt Nam cho ông ta nói trên đài truyền hình tối hôm sau. Bài diễn văn sẽ ảnh hưởng những gì người Hoa Kỳ đang mong đợi về Chiến Tranh Việt Nam.

Những người viết diễn văn cho Tổng Thống đã bắt đầu từ ngày 3 tháng Hai, những tuần lễ sau đó, không đem lại nềm vui, phấn khởi cho vị Tổng Thống Hoa Kỳ, những trận đánh lớn tiếp tục xẩy ra trên khắp miền Nam Việt Nam, con số tổn thất về nhân mạng (chết) lên đến hơn 500 người mỗi tuần. Càng có nhìều người Hoa Kỳ cho biết sự nghi ngờ về cuộc chiến Việt Nam. Trong một bữa ăn sáng trong tòa Bạch Ốc khoản đãi các lãnh tụ trong Quốc Hội thuộc đảng Dân Chủ, lãnh tụ Thượng Viện Robert Byrd nói với Tổng Thống Johnson rằng, bản thân ông ta chưa từng đặt câu hỏi trước quần chúng (công cộng), nhưng vẫn tin rằng “Có điều gì không đúng ở đó (Việt Nam)” Ông Byrd nói, Việt Cộng không xuống tinh thần như chính quyền (Hoa Kỳ) đã tuyên bố, và họ đã “có thể tấn công khắp nơi trong miền Nam Việt Nam” Một thống kê trong tháng Ba cho biết, uy tín của Tổng Thống Johnson xuống tới mức thấp nhất.

Ngày 10 tháng Ba, tờ báo New York Times đăng trên trang đầu hàng chữ lớn “Westmoreland yêu cầu thêm 206.000 quân, gây nên cuộc tranh luận trong chính quyền” Tin tức, về cấp chỉ huy Ha Kỳ ở Việt Nam xin tăng cường thêm một con số lớn quân gây chấn động trong quần chúng Hoa Kỳ cũng như trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân. Ngoại Trưởng Dean Rusk phải ra điều trần (trả lởi) trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện. Trong giữa tháng Ba, 139 Dân Biểu Hạ Viện yêu cầu Quốc Hội xem xét lại toàn bộ chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam. Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy (em trai Tổng Thống John F. Kennedy, cựu Thẩm Phán Quốc Gia), đề nghị riêng với Tổng Thống Johnson, lập một ủy ban thẩm định lại chính sách Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Ngày 22 tháng Ba, Tổng Thống Johnson quyết định không nghe theo ai (cố vấn, dân biểu, nghị sĩ…) chỉ cho tăng thêm một ít quân, rồi tuyên bố sẽ triệu hồi Tướng Westmoreland về Hoa Kỳ giữa mùa hè và đưa ông ta lên làm Tham Mưu Trưởng Lục Quân (trong quân đội Hoa Kỳ các tướng lãnh làm nhiệm vụ tham mưu, cấp chỉ huy là các chính khách, họ được người dân bầu (chọn lựa) để lãnh đạo quốc gia). Hiển nhiên, chính quyền Hoa Kỳ ở Washington đã mất tin tưởng nơi cấp chỉ huy quân đội ở Việt Nam.

Sau đó, Tổng Thống cùng các cố vấn phân tích, xem xét các giải pháp về trận tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân. Trước đó, việc ngừng thả bom miền Bắc là một nghĩa cử quan trọng cho giới lãnh đạo Hà Nội biết, người Hoa Kỳ rất biết điều và sẵn sàng thương thuyết.

Ngày 20, 22 tháng Ba, Tổng Thống Johnson họp với các cố vấn, bàn về chuyện tuyên bố ngừng thả bom trong bài diễn văn sẽ nói trên hệ thống truyền thanh, truyền hình toàn quốc vào cuối tháng. Trong lần họp đầu (ngày 20), cả hai nhân vật cao cấp, Ngoại Trưởng Rusk và Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy bầy tỏ cảm xúc cho rằng, vòng trong (thân cận, gần gủi với tổng thống) đã bắt đầu cảm thấy “nguồn hy vọng đã bị trận tấn công Tết Mậu Thân lấy đi mất.” Theo ông Rusk “đa số dân chúng không tin tưởng trận chiến Việt Nam có thể kết thúc (không có đoạn kết).”

Đúng 9:00 tối ngày Chủ Nhật 31 tháng Ba, Tổng Thống Johnson ngồi trước ống kính các đài truyền hình, tuyên bố “Chào buổi tối các người bạn Hoa Kỳ của tôi. Tối nay, tôi muốn nói với qúy vị về chuyện hòa bình ở Việt Nam…” Sau khi nói về các giải pháp của ông ta đưa ra (về vấn đề Việt Nam) trong bài diễn văn nói trước công chúng ở San Antonio, Texas, Tổng Thống Johnson nói tiếp “Tôi sẽ đi bước đầu tiên để giảm bớt sự mâu thuẫn (với Bắc Việt)”, vị Tổng Thống Hoa Kỳ tuyên bố:

Chúng ta chuẩn bị ngay tức khắc tiến tới hòa bình qua những cuộc thương thuyết… Chúng ta đang giảm bớt… mức dộ thù hận như hiện nay. Và chúng ta làm chuyện này đơn phương và ngay bây giờ. Tối nay, tôi đã ra lệnh cho các phi cơ, các chiến hạm của chúng ta không được tấn công Bắc Việt nữa, ngoại trừ khu vực nơi hướng bắc vùng phi quân sự (DMZ), nơi mà họ vẫn tiếp tục đưa thêm quân vào, đe dọa các vị trí tiền phương của chúng ta, và di chuyển các đơn vị chính quy, đồ tiếp liệu, đe dọa nền an ninh của chúng ta.

Tổng Thống Johnson tiếp tục “Bây giờ, cũng như trước đây, Hoa Kỳ sẵn sàng gửi đại diện đến các hội nghị, bất cứ lúc nào để thảo luận, đàm phán, tìm đủ mọi cách để đưa cuộc chiến tranh xấu xí này đến sự kêt thúc. Tôi đang tiến cử một người Hoa Kỳ nổi tiếng, Đại Sứ Averell Harriman là nguời đại diện cho cá nhân tôi để nói chuyện. Tôi yêu cầu Tổng Thống (Chủ Tịch) Hồ Chí Minh trả lời một cách sốt sắng, cho bước tiến mới này tiến tới hòa bình.”

Rồi thì, đến phần cuối, Tổng Thống Johnson làm cả nước sửng sốt, kết thúc bài diễn văn:

Trong khi những người con trai của đất nước đang ở ngoài trận tuyến xa xôi, với những mầm mống chống đối ngay tại quê nhà… Tôi không nghĩ rằng, mình nên dành riêng một tiếng đồng hồ, hay một ngày cho chuyện cá nhân, hay cho một nhiệm vụ nào khác hơn là nhiệm vụ của văn phòng này - Tổng Thống đất nước của các bạn. Theo đó, tôi sẽ không ra tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa, và cũng không nhận sự tiến cử của đảng chính trị thêm một nhiệm kỳ làm Tổng Thống của các bạn.

Ba ngày sau, hôm 3 tháng Tư, đài phát thanh Hà Nội tuyên bố rằng họ (Cộng Sản Băc Việt) đã sẵn sàng nói chuyện (thương thuyết).

Quần chúng Hoa Kỳ chấn động, gần năm mươi ngàn (50.000) điện văn, đa số tán đồng gửi đến tòa Bạch Ốc trong thời gian từ ngày 31 tháng Ba cho đến 2 tháng Tư. Thị trường chứng khoán tăng lên 20 điểm. Một thăm dò ý kiến phỏng vấn 57 nhà báo, cho thấy 43 người đồng ý bài diễn văn của Tổng Thống Johnson, chỉ có 5 người chống đối. [3]

II. 2. TRẬN TẤN CÔNG LỄ PHỤC SINH (MÙA HÈ ĐỎ LỬA) 1972

Ngày 30 tháng Ba năm 1972, quân đội Bắc Việt phóng ra một trận tấn công mới, quy mô với nhiều đơn vị lớn cấp sư đoàn, cố gắng tìm chiến thắng bằng giải pháp quân sự (võ lực). Hà Nội xử dụng khoảng 100.000 quân với 10 sư đoàn, cùng nhiều trung đoàn độc lập, được hàng trăm chiến xa, cùng các đơn vị pháo binh yểm trợ. Đa số là các sư đoàn chính quy Bắc Việt, không như trận tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân, đa số là các đơn vị Việt Cộng trong miền nam.

Tìm cách chiến thắng bằng võ lực, được chính quyền Hà Nội thông qua bằng nghị quyết số 19, họp từ cuối tháng Mười Hai năm 1970 qua tháng Giêng năm 1971. Bộ Chính Trị Hà Nội nhận ra vài điểm có lợi cho họ. Các phong trào phản chiến gia tăng ở Hoa Kỳ gây khó khăn cho chính quyền Tổng Thống Richard Nixon về chính sách đối với cuộc chiến Việt Nam. Tổng Thống Hoa Kỳ bị ép buộc rút quân đội Hoa Kỳ về nước, không cần thiết tình hình chính trị, quân sự trong miền Nam Việt Nam. Đến năm 1972, các đơn vị tác chiến Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi miền Nam. Hà Nội hy vọng, một chiến thắng lớn sẽ làm mất uy tín của Tổng Thống Hoa Kỳ, phá hủy chính sách xử dụng quân đội của ông ta, và có thể làm ông ta thất cử, kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ trong tháng Mười Một sắp tới.

Một lợi điểm khác, kết qủa trận tấn công của quân đội VNCH sang đất Lào đầu năm 1971, Lam Sơn 719. Khi quân đội Bắc Việt phản công, quân đội miền Nam rút lui hỗn loạn. Hành quân Lam Sơn 719 cho thấy khuyết điểm của quân đội VNCH, họ là những mục tiêu tốt cho chiến xa và hỏa lực pháo binh, mặc dầu đã được không lực Hoa Kỳ yểm trợ.

Suốt năm 1971, quân đội Bắc Việt tận dụng mọi nỗ lực chuẩn bị các đơn vị tác chiến, tiếp liệu yểm trợ cho trận tấn công, và đặt tên cho trận tấn công quy mô này là “Nguyễn Huệ”, tên của một vị Hoàng Đế, đại anh hùng dân tộc, đã đánh tan quân xâm lăng Tầu năm 1789. Các đơn vị Bắc Việt đang đóng quân trên đất Lào được lệnh quay trở về miền Bắc để bổ sung quân số, tái trang bị. Trận tấn công được chính thức xác định, và nghị quyết số 20 họp tiếp theo nghị quyết 19, chấp thuận cho việc chuẩn bị tấn công.

Các mục tiêu của Bộ Chính Trị Hà Nội qúa nhiều tham vọng. Thứ nhất, họ muốn chiến thắng bằng cách đánh bại quân đội VNCH. Thứ hai, tạo áp lực trên bàn hội nghị (thương thuyết). Tướng Võ Nguyên Giáp, cấp chỉ huy tối cao trong quân đội Bắc Việt, cùng với ban tham mưu của ông ta hy vọng, nếu trận tấn công vẫn không thể kết thúc chiến tranh, quân cộng sản vẫn chiếm được nhiều đất đai, gây trở ngại cho chương trình bình định và Việt Nam Hóa (chiến tranh). Trận tấn công quy mô sẽ làm quân Việt Cộng trong miền nam lên tinh thần, gây khó khăn cho nền kinh tế miền Nam Việt Nam, làm giảm úy tín Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và thúc đẩy phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ.

Tướng Giáp tổng hợp các mục tiêu chính trị, quân sự vào kế hoạch hành quân (lệnh hành quân). Ông ta hình dung ba mũi dùi tấn công gần như cùng lúc (cùng thời điểm). Nơi mặt trận hướng bắc, Tướng Giáp dự trù cho hai sư đoàn chính quy 304 và 308, cùng với ba trung đoàn độc lập tấn công, được khoảng 200 chiến xa, vài đơn vị pháo binh yểm trợ. Cánh quân này bố trí dọc theo vùng phi quân sự (DMZ), nhắm vào mục tiêu thành phố Quảng Trị, thủ phủ tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, một sư đoàn thứ ba, 324B từ đất Lào hướng mũi tấn công, tạo áp lực lên thành phố Huế từ hướng tây (nước Lào). Mục tiêu tối thượng của mũi tấn công nơi hướng bắc, đánh chiếm hai thành phố Quảng Trị, Huế, kéo dài đường biên giới miển Bắc xuống phiá nam, đe dọa thành phố Đà Nẵng, nơi bờ biển, lớn thứ hai trong miền Nam Việt Nam.

Mũi thứ hai nhắm vào thành phố Kontum, tỉnh xa nhất trên vùng cao nguyên, do hai sư đoàn 2 và 320 đảm trách, cánh quân này được một trung đoàn chiến xa yểm trợ. Mục tiêu cho trận tấn công này là đánh chiếm thành phố Kontum, sau đó tiến về hướng nam đe dọa thành phố Pleiku, thủ phủ Quân Đoàn II VNCH. Để yểm trợ cho mặt trận cao nguyên, quân đội Bắc Việt mở thêm một mũi tấn công khác, xử dụng sư đoàn 3 (Sao Vàng) cầm chân sư đoàn 22 Bộ Binh VNCH dưới vùng duyên hải, bảo vệ thành phố Qui Nhơn, không lên tăng viện vùng cao nguyên.

Trục tấn công thứ ba nơi phiá nam, trong vùng III Chiến Thuật, xử dụng ba sư đoàn (công trường) Việt Cộng 5, 7, và 9. Trục tấn công này cũng được 200 chiến xa yểm trợ tấn công quận Lộc Ninh gần biên giới Miên trước, sau đó là thị trấn An Lộc thủ phủ tỉnh Bình Long. (cả ba sư đoàn Việt Cộng gần như hoàn toàn mới, đa số được bổ sung quân từ miền Bắc vào).

Bài viết này tập trung vào đề tài Hiệp Định Hòa Bình Paris, nên không đi sâu vào chi tiết trận Tấn Công Lễ Phục Sinh (Mùa Hè Đỏ Lửa 1972). Xin xem bản đồ các trận tấn công của quân đội Bắc Việt.

Ba mũi dùi tấn công của quân đội Bắc Việt / Việt Cộng: Quảng Trị, Kontum, An Lộc [4] Trận tấn công Lễ Phục Sinh, quân đội Bắc Việt / Việt Cộng tổn thất 40.000 quân tử trận, 60.000 người khác bị thương, mất tích hoặc bị bắt. Quân đội VNCH và Hoa Kỳ (Đa số VNCH) mất khoảng 10.000 quân tử trận, 33.000 bị thương và 3.500 người mất tích. Quân cộng sản chiếm được khoảng 10% đất đai của miền Nam Việt Nam. [5]

Sau trận tấn công quy mô lễ Phục Sinh, ngoài tổn thất về quân số (nhân mạng), quân dụng, vũ khí, quân đội Bắc Việt nhận thây rằng họ mất đi khả năng tác chiến (tấn công) và phải mất nhiều thời gian để chấn chỉnh, bổ sung nhân lực, vật lực. Tướng Văn Tiến Dũng, sau chuyến thanh tra nói với các sĩ quan cao cầp Trung Ương Cục Miền Nam (Việt Cộng trong miền Nam) rằng, không hy vọng chấm dứt cuộc chiến dễ dàng hoặc sớm hơn từ 3 đến 5 năm nữa. Cuối cùng Hà Nội cũng hiểu được chuyện đó (chiến thắng quân đội VNCH không dễ dàng), và họ phải thực sự thương thuyết để người Hoa Kỳ rút về nước, bằng những thỏa thuận chấp nhận được.

Trận tấn công lễ Phục Sinh thất bại, dẫn đến hướng đi và kết qủa của cuộc thương lượng cuối cùng giữa Hoa Kỳ và Hà Nội. Đầu tháng Ba năm 1972 (trước trận tấn công lễ Phục Sinh), Tiến Sĩ Henry Kissinger đồng ý gặp Lê Đức Thọ ở Paris ngày 24 tháng Tư để tiếp tục việc thương thuyết. Sau đó, buổi họp được dời lại, đến ngày 2 tháng Năm. Theo Kissinger thời điểm đó (đầu tháng Năm) có lợi cho Hà Nội, trên chiến trường, thành phố Quảng Trị ngoài vùng I chiến thuật đã rơi vào tay cộng quân, hai thành phố Kontum (vùng II) và An Lộc (vùng III) cò nguy cơ xụp đổ mất về tay địch bất cứ lúc nào. Tướng Creighton Abrams, người lên thay Westmoreland có cái nhìn xấu hơn về cuộc chiến (Việt Nam), gửi một công điện báo cáo cho Kissinger, Quân Đội VNCH đã mất tinh thần chiến đấu, và có thể thua trận về phía cộng sản.

III. CÁC CUỘC THƯƠNG THUYẾT BÍ MẬT

Trong buổi họp (mật) ngày 2 tháng Năm, Kissinger lập lại những điều người Hoa Kỳ chấp nhận (nhượng bộ) đưa ra vào cuối năm 1971, trước trận tấn công lễ Phục Sinh, và được Tổng Thống Nixon xác nhận trong bài diễn văn hôm 25 tháng Giêng năm 1972. Tổng quát, những điều đó bao gồm: Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi (Nam Việt Nam) trong vòng sáu tháng, sau khi bản hiệp định đã được ký kết. Một ủy ban Liên Hợp Quốc Tế bao gồm đảng cộng sản để theo dõi, kiểm soát tự do bầu cử. Và Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đồng ý từ chức một tháng trước các cuộc bầu cử. Nhưng đại diện chính quyền Hà Nội Lê Đức Thọ bác bỏ những điều khoản nhân nhượng, người Hoa Kỳ đưa ra.

Ngày 8 tháng Năm, Tổng Thống Nixon đứng trước ông kính truyền hình tuyên bố việc thả mìn, phong tỏa hải cảng Hải Phòng, lớn nhất miền Bắc. Cuộc phong tỏa này cô lập miền Bắc Việt Nam, làm yếu đi các trận tấn công của quân đội Bắc Việt, do đó họ phải quay trở lại bàn hội nghị để thương thuyết. Tổng Thống Liên Bang Nga Sô Podgomy viếng thăm Hà Nội, nói với giới lãnh đạo miền Bắc Việt Nam, đã đến lúc phải thương thuyết.

Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam (DRV - Bắc Việt) thực sự tiến tới việc thương thuyết cũng như Hoa Kỳ, nhưng đối với Việt Nam Cộng Hòa (RV – Nam Việt) chuyện này không thể chấp nhận được. Trong Saigon, Tổng Thống Thiệu của Nam Việt Nam nhận thấy không có lợi cho quốc gia VNCH trong các cuộc thương thuyết, miền Nam Việt Nam vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Ông Thiệu cảm thấy lo lắng biết rằng chính quyền Hoa Kỳ đang tìm cách thương thuyết trực tiếp với Bắc Việt. Trong khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird và Tướng Abrams cho rằng chương trình Việt Nam Hóa thành công, Tổng Thống Thiệu nhận định rằng, quân đội của ông ta có thể bị địch quân đánh tan nếu không có không lực Hoa Kỳ yểm trợ, và quốc gia đang lâm nguy, do đó ông Thiệu cảm thấy cần phải theo dõi mọi cuộc thương thuyết, đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt, chỉ có lợi cho họ.

Theo yêu cầu của Hà Nội, Lê Đức Thọ gặp Tiến Sĩ Henry Kissinger ở Paris ngày 19 tháng Bẩy 1972. Trong buổi họp, Kissinger có thể nhìn thấy Lê Đức Thọ thay đổi thái độ, nhưng họ vẫn không đưa ra nhượng bộ mới nào. Họ đồng ý gặp nhau ngày 1 tháng Tám, sau đó là ngày 14 tháng Tám. Trong lần họp thứ hai, Thọ làm giảm đi vị thế của Hà Nội, đưa ra chi tiết về cuộc ngừng bắn và tương lai của Tổng Thống Thiệu. Ngưòi Hoa Kỳ không thể chấp nhận những đề nghị (đòi hỏi) của Hà Nội. Nhưng họ đang tiến tới một thỏa thuận (cả hai đều đồng ý). Cuối cùng Thọ và Kissinger đồng ý gặp nhau ngày 15 tháng Chín.

Biết rằng Hà Nội đã bớt cứng rắn (biết điều), ngày 17 tháng Tám, Kissinger bay đến Saigon báo tin cho Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu biết, kết qủa ba buổi họp cuối cùng với Lê Đức Thọ. Trong Saigon, Kissinger đụng phải “bức tường đá”, ông Thiệu đã cảnh giác về một thỏa hiệp (ngầm) có thể xẩy ra có lợi cho người Hoa Kỳ và Bắc Việt. Tổng Thống VNCH chống đối hoàn toàn đề nghị của Hoa Kỳ về một Ủy Ban Ba Thành Phần Hòa Giải, Hòa Hợp Dân Tộc. Nỗi lo sợ lớn nhất của ông Thiệu là việc rút quân đội Hoa Kỳ về nước và chuyện hòa bình sắp đến.

Trong lần họp ngày 15 tháng Chín, đại diện Bắc Việt càng mềm dẻo hơn, đề nghị một chính phủ liên hiệp, nhưng Kissinger từ chối. Thọ yêu cầu Kissinger “một sự đồng ý trên nguyên tắc” trước ngày 15 tháng Mười. Điều này rõ ràng, Bắc Việt đang tìm kiếm một thỏa hiệp nhanh chóng và đề nghị một phiên họp hai ngày trong vòng một tuần lễ. Kissinger đồng ý họp ngày 26 tháng Chín, nhưng kết qủa không tiến xa hơn.

Buổi họp chính yếu xẩy ra ở ngoại ô thành phố Paris ngày 8 tháng Mười, Lê Đức Thọ sẵn sàng một thỏa thuận nhanh chóng, đưa ra đề nghị ngừng bắn ngay tức khắc, trao đổi tù binh, quân đội Hoa Kỳ hồi hương, Bắc Việt ngừng đưa thêm quân vào miền Nam Việt Nam (điều này khó chấp thuận… quân đội Bắc Việt không phải rút về miền Bắc), và việc thành lập “Ủy Ban Hòa Giải, Hòa Hợp Dân Tộc” bao gồm các đại diện chính quyền Thiệu (Nam Việt Nam), Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (PRG), “Trung Lập” (thành phần Thứ Ba). Nhóm thứ ba “Trung Lập”, sẽ trông nom, điều hành các cuộc bầu cử, đưa miền Nam Việt Nam đến hòa bình. Điều này có thể nói là một “thông qua” trong lịch sử. Những cuộc họp kéo dài tiếp tục trong các ngày 9, 10, 11 trong tháng Mười, và chân trời bắt đầu hiện ra nơi cuối đường. Sang ngày 12 tháng Mười, Kissinger và Lê Đức Thọ đồng ý trên tất cả các điều khoản chính, ngoại trừ việc thay thế quân dụng cho quân đội VNCH và chính quyền VNCH trả tự do cho các tù chính trị. Ngày 17 tháng Mười, họ bàn tiếp chuyện ngừng bắn trên đất Lào và Cambodia (điều này Lê Đức Thọ đã đồng ý trên nguyên tắc) vẫn cần phải cho vào khuôn mẫu. Cả hai Kissinger và Lê Đức Thọ tin tưởng sự thương lượng của họ sẽ được cấp trên chấp thuận, ủng hộ (trường hợp Kissinger phải có thêm sự đồng ý của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu). Họ (Kissinger, Thọ) đồng ý xắp xếp thời khóa biểu cho hiệp định ngừng bắn Paris hiệu lực (áp dụng các điều khoản trong bản hiệp định): 21 tháng Mười, Hoa Kỳ ngừng thả bom miền Bắc, 22 tháng Mười, phê chuẩn bản hiệp định ở Hà Nội, và ngày 30 tháng Mười, chính thức ký kết bản hiệp định ở Paris.

Henry Kissinger quay trở về Hoa Kỳ ngày 12 tháng Mười. Ông ta trình lại cho Tổng Thống Nixon, người chấp thuận bản hiệp định, nhưng khuyến cáo Kissinger rằng, Tổng Thống VNCH Thiệu vẫn phải đồng ý, không nên lép vế trong bản hiệp định vì cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Với lời cố vấn, quyền hạn, Kissinger bay qua Paris gặp Xuân Thủy trưởng phái đoàn Bắc Việt trong hòa đàm Paris ngày 17 tháng Mười, sau đó bay đi Saigon gặp Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ ngày 18 đến 22 tháng Mười. Sau khi gặp Xuân Thủy, Kissinger hối hả lên phi cơ bay đi Saigon gặp con người khó thay đổi Nguyễn Văn Thiệu. [6]

IV. CHUẨN BỊ CHO VIỆC KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS

Trước khi Tiến Sĩ Henry Kissinger và đoàn tùy tùng đến Saigon, Tổng Thống Thiệu đã biết “những gì đã và đang xẩy ra giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt (ít ra cũng biết phần nào)” Hai hôm trước đó, tỉnh trưởng Quảng Tín (nơi phiá nam Đà Nẵng, vùng I chiến thuật) gọi điện thoại cho ông Hoàng Đức Nhã, anh em họ cố vấn đặc biệt cho Tổng Thống Thiệu, báo cáo tài liệu lấy được trên tử thi lính Băc Việt, cho biết các điều hướng dẫn cho tất cả các đơn vị chính quy Bắc Việt đang đóng quân trong miền nam, chuẩn bị cho trường hợp ngừng bắn rất có thể xẩy ra trong một thời gian rất gần, và sự thành lập một chính phủ liên hiệp trong miền Nam Việt Nam.

Nhã lập tức vào dinh Độc Lập báo cáo cho Tổng Thống Thiệu. Ông ta nói với tổng thống, có điều gì đó đã được quyết định sau lưng chúng ta, Washington (Hoa Kỳ) và Hà Nội đã tiến đến một thỏa hiệp. Sau đó hai người (Ông Thiệu và Nhã) bàn về thỏa hiệp (những gì có trong bản hiệp định) và ảnh hưởng đến miền Nam Việt Nam.

Sáng ngày 19 tháng Mười, Kissinger cùng đoàn tùy tùng được đón tiếp trong phòng họp lớn dinh Độc Lập, cạnh phòng làm việc của tổng thống. Hoàng Đức Nhã cũng hiện diện trong buổi họp, vơi tư cách thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ghi chép những điểm quan trọng trong buổi họp. Sau phiên họp, ông Nhã thuyết trình sơ qua cho mọi người trong nội các chính quyền Nam Việt Nam biết rõ hơn, sau đó họp riêng với Tổng Thống Thiệu,bàn luận và phân tích những chuyện xẩy ra và họ (VNCH) phải đối phó thế nào. Kissinger và đoàn tùy tùng ngạc nhiên vì sự có mặt của Hoàng Đức Nhã trong phòng họp, tên của ông Nhã không có trong danh sách các cố vấn của Tổng Thống Thiệu. Kissinger giới thiệu bản hiệp định là điều tốt nhất để chấm dứt chiến tranh, tái lập nền hòa bình cho Việt Nam. Ông ta cũng nói rằng, trong bản hiệp định này, Hà Nội đồng ý không đòi hỏi những gì họ đã theo đuổi từ nhiều năm qua.

Sau nhiều lần bảo đảm với VNCH về những lợi ích của bản hiệp định, và lời hứa của Tổng Thống Nixon không bỏ rơi miền Nam Việt Nam, Kissinger yêu cầu VNCH xem qua bản hiệp định rồi chấp thuận, để ông ta đem ra Hà Nội lấy chữ ký trong vòng ba ngày. Những chuyện “khó có thể tin” được khi Kissinger “giảng bài” xong.

Chúng tôi (VNCH) quá ngạc nhiên, bản hiệp địnhtrao cho chúng tôi viết bản tiếng Anh, do đó chúng tôi yêu cầu họ (người Hoa Kỳ) cho xin bản tiếng Việt, và khoảng bốn tiếng đồng hồ sau, họ đưa cho chúng tôi bản hiệp định tiếng Việt. Tổng Thống Thiệu yêu cầu Kissinger làm sáng tỏ vài điểm. Ông Nhả hỏi (Kissinger) “Ông sẽ làm chuyện gì kế tiếp?” Ông ta trả lời, mình (ông ta) nên quay trở lại Hà Nội, hạn cuối cùng ngày 23 tháng Mười, để cho Bắc Việt xúc tiến (hoàn tất) bản hiệp định. Chúng tôi (VNCH) hiểu ngay, tòa Bạch Ốc muốn công bố bản hiệp định trước cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ.

Tổng Thống Thiệu cám ơn Kissinger và nói rằng, sẽ cho biết ý kiến của nội các VNCH sáng ngày hôm sau. Sau đó, ông Thiệu ra lệnh cho Nhã, Nguyễn Phú Đức phụ tá đặc biệt Tổng Thống về các dịch vụ Quốc Tế, Đại Sứ VNCH ở Hoa Kỳ Trần Kim Phượng, và Phạm Đăng Lâm Đại Sứ VNCH ở Pháp, cũng là trưởng phái đoàn VNCH trong hội nghị Paris, phân tích và là báo cáo về bản hiệp định cho ông ta.

Trên nguyên tắc, bản hiệp đình yêu cầu Nam Việt Nam (VNCH) ngừng chiến tranh theo các điều kiện của Hà Nội. Hoa Kỳ cũng đồng ý di chuyển tất cả các đơn vị quân đội ra khỏi miền nam Việt Nam, ngay cả việc quân đội Bắc Việt có thể ở lại trong miền Nam. Tất cả tù binh chiến tranh phải được trả tự do và hồi hương. Một chính phû liên hiệp tạm thời sẽ được thành lập dưới danh xưng “Cơ quan hành chánh Hòa Giải, Hòa Hợp Quốc Gia”. Cơ quan này sẽ theo dõi, điều hành việc bỏ phiếu quyết định tương lai cho miền Nam Việt Nam.

Bốn người (Nhã, Đức, Phượng, và Lâm) báo cáo ngắn gọn cho tông thống, ông Thiệu trả lời, lần đầu tiên được biết bản hiệp định như thế. Tất cả mọi yêu cầu, điều kiện từ phiá VNCH không được cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Việt cứu xét. Tổng Thống Thiệu ra lệnh tôi phân tích đầy đủ chi tiết bản hiệp định ngừng bắng tiếng Việt, báo cáo lại cho ông ta. Sau gần ba tiếng đồng hồ đọc, phân tích bản hiệp định, tôi tìm ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, phiá VNCH không nên ký thuận. Bản hiệp định này gần như hoàn toàn khác biệt với những gì chúng ta (VNCH) bàn luận với người Hoa Kỳ trong hai năm vừa qua. Chúng tôi (VNCH) ngạc nhiên, sửng sốt, bản hiệp định chỉ nói đến ba quốc gia Đông Dương: Việt Nam (bao gồm Nam Việt Nam, không phải là một quốc gia riêng biệt), Lào, và Cambodia. Bản hiệp định cũng không nói đến khu vực Phi Quân Sự (DMZ) do hiệp định Geneva 1954 thiết lập. Hơn nữa, quân đội Bắc Việt không bị bắt buộc phải quay về miền Bắc Việt Nam, mặc dầu quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn rút về nước. Tuy nhiên điều “mất mặt” nhất cho chúng tôi (VNCH) là việc thành lập Chính Phủ Ba Thành Phần bao gồm: Nam Việt Nam, Mặt Trận Giải Phóng (NLF - Việt Cộng được Hà Nội hậu thuẫn), và thành phần “Thứ Ba”, những phần tử chống đối chính quyền VNCH trong miền Nam Việt Nam.

Tối hôm đó, Nhã gặp Tổng Thống Thiệu lần nữa, bàn luận về những điều phân tích của Hoàng Đức Nhã về bản hiệp định. Chúng tôi nhận thức rằng, Hoa Kỳ đang rút chân ra khỏi Nam Việt Nam với những điều kiện hoàn toàn có lợi cho Hoa Kỳ và Bắc Việt, để lại một tương lai “không chắc chắn” cho người dân miền Nam Việt Nam.

Sáng hôm sau, cả bốn người chúng tôi cùng với Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm gặp Kissinger cùng đoàn tùy tùng của ông ta tại dinh thự ông Lắm. Trong khi đó, Tổng Thống Thiệu họp với các vị tư lệnh chiến trường, tỉnh trưởng, về tình hình quân sự ngoài chiến trường, trong lúc quân cộng sản (Bắc Việt / Việt Cộng) đang nỗ lực “Giành Dân Lấn Đất” trước khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực. Buổi họp tại dinh Ngoại Trưởng Lắm làm chúng tôi lo lắng thêm. Người Hoa Kỳ giải thích… do đánh máy sai (lỗi lầm), và… những chuyện nhỏ khác, phía Bắc Việt không chịu bỏ qua.

Ngày hôm sau 21 tháng Mười, Tổng Thống Thiệu cùng với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gặp nhóm Kissinger để trả lời người Hoa Kỳ rằng, chúng tôi (VNCH) không thể chấp nhận bản hiệp định. Kissinger lập lại những gì đã nói với chúng tôi ngày hôm trước, rồi thì yêu cầu một buổi họp riêng (trong ngày) giữa chúng tôi gồm: Thiệu, Nhã, Kissinger, và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Elsworth Bunker.

Ngày 22 tháng Mười, Tổng Thống Thiệu, một lần nữa xác nhận, không thể chấp nhận bản hiệp định (lúc đó…). Kissinger không còn kiên nhẫn, có thể không còn thời gian, và trễ chuyến bay ra Hà Nội (dự trù ngày 23 tháng Mười). Thay vì bay ra Hà Nội, Kissinger bay sang Phnom Penh trấn an Thủ Tướng Lon Nol, nói rằng bản hiệp định tốt cho người Việt Nam. Trong Saigon, người Hoa Kỳ liên lạc với các nhóm đảng phái chính trị, nói với họ rằng, bản hiệp định hứa hẹn một nền hòa bình lâu dài, và Tổng Thống Thiệu đã chấp thuận (điều này không đúng).

Trở về sau chuyến đi Phnom Penh, buổi chiều hôm đó, Kissinger cùng Đại Sứ Elsworth Bunker vào thẳng dinh Độc Lập với hy vọng sẽ thuyết phục được ông Thiệu ký tên (chấp nhận) bản hiệp định. Buổi họp rất căng thẳng, mà tôi sẽ không thể nào quên, Kissinger nói với tôi rằng, xếp của tôi (Tổng Thống Thiệu) không nên cố gắng làm một “Thánh tử đạo” sợ sẽ phải trở về Hoa Kỳ với bàn tay trắng, Kissinger đề nghị gặp ông Thiệu ngày 23 tháng Mười.

Đúng 8:00 giờ sáng ngày 23 tháng Mười, chúng tôi đón Kissinger và Đại Sứ Bunker. Tổng Thống Thiệu yêu cầu Kissinger trao tay một lá thư cho Tổng Thống Nixon, giải thích tại sao không thể chấp nhận bản hiệp định. Trước khi ra về, Kissinger yêu cầu chúng tôi giữ kín những buổi họp từ bốn ngày qua (không công bố cho quần chúng).

Sau khi thảo luận với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Tổng Tống Thiệu nói Nhã soạn bài diễn văn để nói trên hệ thống truyên hình tối hôm đó. Trong bài diễn văn, Tổng Thống VNCH nói về chính sách quốc gia trong vấn đề thỏa hiệp với cộng sản, và nhấn mạnh sẽ không nhượng bộ những vấn đề quan trọng. Bài diễn văn được Quốc Hội VNCH và dân chúng miền Nam Việt Nam hoan nghênh. Hà Nội phản ứng ngay tức khắc và công bố đầy đủ bản hiệp định ngày hôm sau, yêu cầu Kissinger mở cuộc họp báo, giải thich chuyện bế tắc này.

Trong những tháng kế tiếp, miền Nam Việt Nam (Tổng Thống Thiệu) giữ vững lập trường, chính sách căn bản đối phó với cộng sản, làm người Hoa Kỳ bực mình, tức giận, không dùng lời nói văn hoa, ngoại giao nữa. Kissinger không trở lại như đã nói với ông Thiệu và Nhã trong lần họp cuối cùng. Ông ta dùng Đại Sứ Bunker như sứ gỉa, và cử viên phụ tá Tướng Alexander Haig (đã từng tham chiến tại Việt Nam trước đó với chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng… được Kissinger nâng lên) đến Saigon. Trong lần họp với ổng Thống Thiệu và Nhã, Tướng Haig vừa an ủi vừa đe dọa “xử dụng võ lực và bạo tàn” để ép ông Thiệu chấp nhận bản hiệp định.

Trong khi đó Hà Nội ngừng thương thuyết, tiếp tục tấn công bằng võ lực quân sự trong miền Nam Việt Nam. Washington tức giận phản ứng bằng trận thả bom miền Bắc dịp lễ Noel năm 1972, để buộc Bắc Việt quay trở lại bàn hội nghị. Cuối cùng họ (Bắc Việt) chấp nhận một số đìều VNCH đòi hỏi. Trong thời gian khó khăn này, Tổng Thống Nixon gửi cho chúng tôi (ông Thiệu) mấy lá thư, hứa hẹn sẽ yểm trợ Nam Việt Nam, đồng thời de dọa sẽ cúp viện trợ nếu chúng tôi (VNCH) không chấp nận (bản hiệp định)… Miền Nam Việt Nam phải chiến đấu trên hai mặt trận, với Hoa Kỳ và với cộng sản. Dựa trên những lời hứa của Tổng Thống Nixon, sẽ trả đũa nếu Hà Nội vi phạm bản hiệp định… chúng tôi (VNCH) không còn chọn lựa nào khác ngoài việc ký tên vào bản hiệp định đình chiến Paris ngày 27 tháng Giêng năm 1973. [7]

V. HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHIẾN PARIS NGÀY 27 THÁNG GIÊNG, 1973

Bản hiệp định được ký ngày 27 tháng Giêng năm 1973 tại Paris bởi các đại diện: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (DRV - Bắc Việt), Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (PRG - Việt Cộng), và Việt Nam Cộng Hòa (RV- Nam Việt Nam). Bản hiệp định bao gồm những điểm chính sau đây:

1. Ngừng bắn tại chỗ (da beo) từ ngày 28 tháng Giêng năm 1973.
2. Quân đội Hoa Kỳ có 60 ngày để rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.
3. Trả tự do cho tù binh và cho họ hồi hương.
4. Thành lập Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát, Theo Dõi, để giải quyết những bất đồng giữa các thành phần (ký tên vào bản hiệp định).
5. Theo dõi, điều hành các cuộc bầu cử trong một thời điểm khác.

Theo bản hiệp định, vài lợi điểm của chính quyền Saigon trong cuộc chiến thay đổi. Sự thay đổi rõ ràng nhất là việc rút quân đội Hoa Kỳ về nước. Một khuyêt điểm lớn cho VNCH là quân đội Bắc Việt được phép ở lại miền nam, và họ vẫn nắm quyền kiểm soát khu vực chiếm đóng sau trận tấn công lễ Phục Sinh. Bản hiệp định đình chiến rõ ràng không có lợi cho chế độ Tổng Thống Thiệu, cho người dân miền Nam Việt Nam. Sau này, ông Thiệu mới biết, những lời hứa của Tổng Thống Nixon xử dụng sức mạnh quân đội Hoa Kỳ trong trường hợp quân đội Bắc Việt vi phạm bản hiệp định, là điều không thể được. Có thể trong thời gian đầu năm 1973, vị Tổng Thống Hoa Kỳ nghĩ rằng điếu đó có thể… nhưng điều đó đã không còn nữa sau đạo luật Case-Church ban hành trong tháng Sáu năm 1973, ngăn cấm tất cä các hoạt động quân sự ở Việt Nam, Lào và Cambodia, ngoại trừ được Quốc Hội phê chuẩn trước.

Vị Tướng lãnh Hoa Kỳ có nhiệm vụ đưa các đơn vị quân đội Hoa Kỳ cuối cùng về nước là Tướng Fred C. Weyand, như hai vị tiền nhiệm trước ông ta Westmoreland và Abrams, Tướng Weyand cũng trở nên Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ. Ông ta cũng là người đánh giá khả năng quân đội VNCH khi người Hoa Kỳ rút hết quân về nước. Theo Tướng Weyand, chương trình Việt Nam Hóa thành công, tuy nhiên một bất lợi lớn khác cho miền Nam Việt Nam, quân đội Bắc Việt từ các vị trí tiền phương không bị giới hạn về vấn đề tiếp liệu, tiếp vận, vũ khí tối tận, quân dụng và bổ sung quân số với tân binh từ miền bắc vào. Với đồ trang bị tiếp vận mới từ Nga Sô, Trung Cộng đưa vào, có lẽ quân đội VNCH không thể chống cự một trận tổng tấn công của quân đội Bắc Việt.

Điều quan trọng nhất, Tướng Weyand cảm thấy cần thiết cho Nam Việt Nam là tiếp tục viện trợ quân sự và các viện trợ khác từ Hoa Kỳ. Năm 1973 qua đi, đầu năm 1974, quân đội Bắc Việt rõ ràng vẫn ở trong miền nam. Đường mòn HCM được phát triển, mở rộng như một xa lộ. Các đơn vị Công Binh Bắc Việt đã hoàn thành ống dẫn dầu từ bắc vào trong nam, các đơn vị vận tải, chuyên chở đưa đồ trang bị tiếp liệu, vũ khí cũng như binh sĩ vào chiến trường miền nam. Đường mòn, bây giờ đã trở thành “xa lộ” HCM.

Tại Hoa Kỳ, vụ scandal Watergate làm cho chính quyền Tổng Thống Richard Nixon yếu đi, đưa đến sự từ chức của ông ta ngày 9 tháng Tám 1974. Sự xụp đổ của Tổng Thống Nixon đưa đến hậu qủa tai hại cho miền Nam Việt Nam. Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày càng không muốn tiếp tục yểm trợ cho chính quyền Nam Việt Nam như bảng liệt kê dưới đây (tỷ đô la).

FY 1973 FY 1974 FY 1975

Yêu cầu của Bộ Quốc Phòng  $2.924     $1.185      $1.450

Quốc Hội dự trù    2.562      907    700

Ngân khoản bị cắt $ 362    $ 278     $ 750

Để đáp ứng với sự cắt giảm viện trợ quân sự, trong tháng Tư năm 1974, Tổng Thống Thiệu ra lệnh bảo tồn, bớt xử dụng dạn dược “Chúng ta phải chiến đấu theo kiểu người Việt Nam… Chỉ xử dụng phương tiện trực thăng khi thực sự cần thiết (tuyệt đối). đừng để lệ thuộc vào Không Quân hay Pháo Binh yểm trợ.” [8]

VI. VIỆT NAM CỘNG HÒA PHẢI CHỐNG ĐỠ MỘT MÌNH

Toán quân Hoa Kỳ cuối cùng rời Việt Nam ngày 29 tháng Ba năm 1973. Ngày hôm sau, Tổng Thống Thiệu bay sang Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Nixon ở San Clemente, California. Tổng Thống VNCH đem theo một danh sách chi tiết những yêu cầu viện trợ, ông ta nói với Nixon “Nam Việt Nam đang phải đương đầu với những khó khăn khẩn cấp, kể cả việc tái định cư một triệu người tỵ nạn (nạn nhân chiến cuộc), tái thiết lại những khu vực bị chiến tranh tàn phá…” Trình bầy kế hoạch tám năm, ông Thiệu yêu cầu hơn 1.5 tỷ đô la viện trợ kinh tế mỗi năm cho ba năm kế tiếp, sau đó con số sẽ giảm đi hàng năm.

Về mặt quân sự, ông Thiệu yêu cầu Tổng Thống Nixon tuyên bố trước công chúng rằng Hoa Kỳ sẽ “phản ứng quyết liệt” trong trường hợp Bắc Việt vi phạm nghiêm trọng bản hiệp định. Tin tức tình báo cho biết, miền Bắc đã đưa vào Nam thêm hàng ngàn quân, hàng trăm chiến xa và súng đại bác, và hàng tấn đồ trang bị, tiếp liệu trên đường mòn HCM. Họ đã xây dựng xong ống dẫn xăng, dầu vào trong miền nam, tu bổ, sửa sang nhiều con đường trên hệ thống đường mòn HCM trong miền nam Việt Nam.

Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon trả lời các yêu cầu của ông Thiệu cho đó là mục đích chứ không phải là những bắt buộc. Ông ta nói, chính phủ của ông ta vẫn tiếp tục làm việc (thương lượng) với Quốc Hội để yểm trợ miền Nam Việt Nam, nhưng báo cho ông Thiệu biêt Quốc Hội Hoa Kỳ hiện giờ rất khó khăn trong các viện trợ quốc tế.

Ông Thiệu trở về Saigon ngày 14 tháng Tư và được nhiều nhóm đảng phái đón tiếp. Chuyến đi Hoa Kỳ của ông ta có vẻ thành công, sau đó nhiều vấn đề trở nên xấu (không may) cho ông Thiệu. Theo bản hiệp định ngừng bắn Paris, hai miền (Bắc – Nam) Việt Nam phải sắp xếp các cuộc bầu cử… chuyện này chẳng đi đến đâu. Có nhiểu vấn đề hiện ra, và cả hai bên đều không đồng ý, những ai sẽ nằm trong (được xem) là trung lập “Lực Lượng Thứ Ba”. Lực lượng này đa số tay chân xung quanh Tướng Dương Văn Minh (Minh Cồ - Big Minh), vài khuôn mặt trí thức có tiếng, khối Phật Giáo Ấn Quang, đảng đối lập, và có người đang sống ở Paris, Pháp. Nhiều người Tây Phương tin rằng, Lực Lượng Thứ Ba có thể thay thế chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhưng Tổng Thống VNCH coi họ là những phần tử thiên cộng. Tình trạng không lối thoát cho miền Nam Việt Nam.

Để sửa chữa bản hệp định ngng bắn đang bị tan vỡ, Kissinger và Lê Đức Thọ đồng ý gặp nhau ở Paris khoảng giữa tháng Năm. Nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ đã quay mặt ra nơi khác vì vụ scandal Watergate và chấp thuận một điều khoản tai hại nặng nề. Không có ngân khoản Quốc Phòng Bổ Sung cho các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam Á.

Cộc đàm phán ở Paris giữa Kissinger, Lê Đức Thọ tiếp tục kéo dài qua tháng Sáu, Kissinger ký tên vào bản hiệp định thứ hai ngày 13 tháng Sáu. Sau này, ông ta cho rằng “Sau những chuyện xẩy ra trong mùa hè năm 1973, Việt Nam biến mất, không còn chính sách nữa.” Với tư cách cá nhân, Kissinger nói với các ngưòi bạn Nam Việt Nam là, ông ta đã hoàn tất việc thương thuyết cho họ, và họ phải giải quyết các vấn đề riêng tư của họ. [9]

VII. KẾT LUẬN (KHÔNG CÓ HÒA BNH KHÔNG CÓ DANH DỰ)

Bước sang năm 1973, việc thương thuyết hòa bình xem như đã có trong tầm tay. Lê Đức Thọ bay qua Paris cho một loạt những cuộc họp với Henry Kissinger. Ông ta bí mật ngừng ở Bắc Kinh tham khảo ý kiến của Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai. Chu cố vấn “Giữ vửng phần căn bản, nhưng vẫn tỏ ra mềm dẻo… Để người Hoa Kỳ ra khỏi càng nhanh càng tốt, sau đó khoảng nửa năm hay một năm tình hình sẽ thay đổi.”

Trong khi Lê Đức Thọ đang ở Bắc Kinh, Thượng Nghị Sĩ Thurmond, một diều hâu (chủ chiến) ở Hoa Kỳ, tán đồng Nixon, viết cho Tổng Thống Hoa Kỳ ngày 2 tháng Giêng, tất cả các điều thương lượng ở hội nghị Paris để cho quân đội Bắc Việt ở lại trong miền Nam sẽ bị coi như phản bội đối với những người (Mỹ - Việt) đã chiến đấu và đã hy sinh trong cuộc chiến. Ông ta để tâm rất nhiều trong bản dự thảo cuối cùng, “… Quân đội Bắc Việt được ở lại trong miền Nam Vit Nam. Đây có thể làm nền tảng cho Hà Nội đánh chiếm miền nam. Nếu trường hợp đó xẩy ra, lịch sử sẽ phê phán sự hy sinh sinh mạng người Hoa Kỳ là vô ích.”

Ba tuần lễ sau, ngày thứ Ba 23 tháng Giêng năm 1973, trong Trung Tâm Hội Thảo Quốc Tế Paris, sự phán đoán của Thurmond được đem ra thử thách. Lê Đức Thọ và Kissinger được trao giải Nobel về Hòa Bình, qua các cuộc thương thuyết bí mật của họ về bản Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam. Hai nhà ngoại giao đùa vui với nhau. Kissinger nói “Tôi sửa đổi mấy trang giấy trong bản tiếng Việt của ông tối qua, ông Phụ Tá Đặc Biệt (Thọ), nhưng chỉ liên hệ tới quân đội Bắc Việt. Ông không biết chuyện đó cho đến khi về đến nhà.” Cả hai cùng cười vui.

Khoảng hơn hai năm, sau khi hiệp định Ngừng Bắn Paris được ký kết (27 tháng Giêng 1973), đến năm 1975, hồ sơ scandal Watergate được mở ra cho biết về chính quyển Tổng Thống Nixon. Trong suốt thời gian thương thuyết, ký tên vào bản hiệp định, Kissinger và Nixon đã hứa hẹn Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, Hoa Kỳ sẽ can thiệp (nhẩy vào) nếu quân đội Bắc Việt tấn công lớn, nhưng ông Thiệu đã biết những lời hứa đó rất mong manh. Trong lần cầu cứu tuyệt vọng cuối cùng, ông Thiệu viết thư tay cho tân Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford, người mà ông chưa từng gặp trước đó “Chính quyền Hà Nội cố tình lợi dụng bản hiệp định ngừng bắn Paris, cho quân đội tấn công đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Điếu đó rất rõ ràng đối với chúng tôi (VNCH) từ lúc bắt đầu cuộc thương thuyết (Hoa Kỳ, Bắc Việt)… Chúng tôi được hứa hẹn rất qủa quyết rằng Hoa Kỳ sẽ trả đũa nhanh chóng, mạnh mẽ đối với những việc vi phạm bản hiệp định… Chúng tôi coi những lời hứa đó là những bảo đảm quan trọng về hiệp định Paris. Chúng rất quan trọng cho sự sống của (đất nước) chúng tôi.”

Nhưng Tổng Thống Ford đã chấp nhận sự thật chính trị, Quốc Hội sẽ không chấp thuận ngân khoản bổ sung như đã yêu cầu, và câu chuyện người Hoa Kỳ nhúng tay vào Việt Nam sẽ kết thúc sớm. Trong bản thảo bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội, vị Tổng Thống Hoa Kỳ đọc “Và sau nhiều năm cố gắng, chúng ta đã thương luợng được một sự đồng ý để cho chúng ta rút quân đội (về nước) trong danh dự và đem các tù binh của chúng ta về.” Tổng Thống Ford gạch bỏ mấy chữ “trong danh dự”.

Cố Vấn An Ninh Quốc Gia (Tiến Sĩ Henry Kissinger) của Tổng Thống Nixon lên chức Bộ Trưởng Ngoại Giao lẽ dĩ nhiên biết trước danh dự người Hoa Kỳ đang gặp thử thách. Ngày 16 tháng Tư năm 1975, Kissinger đọc lớn một bức thư của Sirik Matak, một trong số lãnh tụ người Cambodia (hình như là Hoàng Thân của Sihanouk), từ chối tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Cambodia mời di tản. Bức thư được viết trước khi ông ta biến mất “Thưa ngài, và người bạn. Tôi chân thành cảm ơn lá thư của ông và lời mời di tản, đưa tôi đến bến bờ tự do. Tôi không thể nào ra đi một cách hèn hạ như vậy. Đối với ông và đặc biệt quốc gia vĩ đại của ông, tôi không thể nào tin được một giây phút nào đó, ông sẽ bỏ rơi chúng tôi, những người đã chọn tự do. Các ông đã từ chối không bảo vệ chúng tôi, và chúng tôi chẳng làm được gì về chuyện đó. Các ông cứ ra đi, và tôi cầu chúc ông và đất nước của ông sẽ tìm đợc niềm vui dưới bầu trời này. Nhưng nên nhớ rằng, nếu tôi chết ở đây, trên quê hương tôi yêu, điều đó buồn lắm, chúng ta đều được sinh ra và sẽ phải chết ngày nào đó. Tôi đã phạm lỗi lầm, tin tưỏng các bạn, người Hoa Kỳ.”

Đến cuối tháng Tư ở Saigon, sinh mạng hàng ngàn người Việt bị đe dọa. Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin gửi công điện (cable) cho Kissinger “một điều có thể làm cho bạo động bộc phát là bất ngờ ra lệnh di tản công dân Hoa Kỳ. Và điều dó có thể hiểu là phản bội, để cho người dân miền Nam Việt Nam với số phận của họ.” Martin yêu cầu Kissinger làm chậm lại việc di tản càng kéo dài càng tốt. Nhưng việc di tản vẫn phải tiến hành.

Đến ngày 29 tháng Tư, tình hình ngay trong tòa đại sứ Hoa Kỳ trở nên hỗn loạn, Đại Sứ Martin không làm theo lệnh của di tản của Tổng Thống Hoa Kỳ. Sáng sớm ngày 30 tháng Tư năm 1975, điện văn tối mật truyền đi từ trực thăng CH-46 Sea Knights và CH-53 Sea Stallions, trên đường bay đến tòa đại sứ Hoa Kỳ để di tản hàng người đang chờ trên nóc tòa đại sứ. Các điện văn này cũng được truyền đi đến Trung Tâm Hành Quân (Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dưong) ở Hawaii và Washington “Tất cả người Hoa Kỳ trên nóc tòa đại sứ lúc này và người Việt bên trong tòa đại sứ.” phi công trực thăng CH-53 báo cáo “Người nam Việt Nam đã xông vào bên trong tòa đại sứ, tràn ngập kắp nơi… vẫn chưa thấy dấu hiệu hận thù, phá hoại.”

Cuối cùng, lúc 7:51 phút sáng giờ Saigon, binh sĩ TQLC/HK bảo vệ tòa đại sứ nhìn thấy trực thăng CH-46 danh hiệu “Swift 22”, đó là chuyến bay cuối cùng vào đem họ về. Điện văn cuối cùng gửi đi chỉ có mấy chữ “Tất cä ngưòi Hoa Kỳ đã ra khỏi. Chấm dứt!”

Nhưng không phải người Hoa Kỳ nào cũng ra khỏi. Có vấn đề trong hệ thống liên lạc truyền tin giữa người lo việc di tản trên đất liền và những người ngoài khơi trên chiến hạm Hoa Kỳ. Giữa hạm đội chỉ huy đoàn trực thăng di tản và những nhà chính trị trong thủ đô Washington. Đại Tá Harry G. Summer Jr. nói rằng “Đó không phải là một ngày hãnh diện cho người Hoa Kỳ”. Trên nóc tòa đại sứ có hơn 420 người Việt nhìn lên bầu trời, hy vọng đoàn trực thăng sẽ trở lại đón họ, mà họ đã được hứa hẹn trước đó vài tiếng đồng hồ “Không một ai bị bỏ rơi!”

Các trực thăng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ quay trở lại… Từ tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố “Chính quyền (miển Nam) Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng. Trước khi họ đầu hàng, chúng ta đã hoàn tất việc di tản. Đó cũng là một kinh nghiệm khó khăn cho đất nưóc chúng ta…” [10]

Dallas, Texas 12/21/2022

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. https://en.wikipedia.org/wiki/Paris_Peace_Accords downloaded on 11/28/2022.

[2].https://www.upi.com/Archives/1983/11/06/On-November-21-1967 -General-William-Westmoreland-US-commander/6737436942800/ downloaded on 12/12/ 2022 at 10:55AM.

[3]. Ronald H. Spector, “After Tet, The Bloodies Year In Vietnam”, 1993, The Free Press, New York, pages: 1 – 7, 18 – 23.

[4]. Phillip B. Davidson, “Vietnam At War”, 1988, The Presidio Press, Novato, CA, 94949 Pages: 673 – 707.

[5]. https://search.yahoo.com/search: "Easter Offensive 1972"

[6]. Phillip B. Davidson, “Vietnam At War”, 1988, The Presidio Press, Novato, CA, 94949 Pages: 713 – 717.

[7]. Vu Tuong, Sean Fear, “Republic of Vietnam 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building” Van Hoc Press (publisher) 2022. Pages: 120 – 126.

[8]. Douglas Kinnard “The War Managers”, Da Capo Press Inc., New York 1991, N.Y. 10013,