Có lẽ các bác thì thầm cái chuyện Tân Khoá Sinh nó xưa lắm, xưa đến cả 30 năm, thì hẳn là thế, nhưng phải để tôi kể ra, là vì tôi lục nó ra từ cái ba lô của cái anh chàng nào đó trong truyền thuyết bao nhiêu năm. Các bác biết không nhỉ? Truyền thuyết kể lại rằng, khi rời khỏi trường Võ Bị, có người còn đang bị đứng nghiêm gặp cằm ở cột cờ Trung đoàn Sinh Viên. Đến lúc phải di tản, những người khoá đàn anh đã đi mất hút nên không có ai ra lịnh cho anh ta thao diễn nghỉ hay tan hàng. Đến bây giờ bóng của anh ta, giờ này vẫn còn đứng với cổ ba ngấn và ba lô tác chiến số 6 ở nơi sân cỏ Trung đoàn năm xưa. Các bác cùng tới đây để tôi dở ba lô cuả anh chàng này ra đọc, rồi mình xem những người ngày xưa nay đã trôi dạt ra sao. Những ngày cuối năm, khi mùa đông giá lạnh của Đà lạt bắt đầu thì trường Võ Bị lại có thêm chừng 250 người trai tráng ưu tú, của cả miền Nam được tuyển chọn vào để được huấn luyện thành Sinh Viên Đà Lạt. Họ có đến 2 tháng trui luyện trong sự nhọc nhằn để làm hành trang cho suốt 4 năm đại học quân sự. Ngày thứ nhất các anh lớn làm quen với họ, bằng cách cho họ chạy nhảy, bò trong những giao thông hào, sình bùn ướt lạnh và kèm theo những tiếng la hét đến bàng hoàng. Đêm đầu tiên đó, đi ngủ lúc nào, đố mấy ai còn nhớ. Có nhớ chăng là nhớ tiếng kèn dậy sáng. Tiếng kèn mở đầu một ngày kinh khủng khác. Năm 1966, một toán Thiếu sinh quân Vũng Tàu ghé thăm trường Đà Lạt, tôi được tháp tùng theo mấy anh lớn lớp 11, 12. Năm ấy tôi vừa mới học đệ ngũ, tuổi chừng 13, 14 thế mà đã quyết định vào Võ Bị từ đó. Nếu giả thử không vào thì có lẽ cả đời ấm ức, không biết Dalat Tân khoá sinh như thế nào. Như thế tôi đã là người độc nhất vào Võ Bị Đà Lạt từ trường Thiếu Sinh Quân năm 1971. Điều lạ lùng hi hữu là năm 1971, tôi ở ngay cái phòng mà tôi đã ở vào năm 1966 và nằm ở cùng cái giường. Cái hi hữu rợn người, rợn người như tiếng nói của Trung đội Trưởng 13 Huỳnh Thương. Âm thanh gì, mà cứ như là tiếng của hai thanh nứa cứa kèn kẹt vào nhau. Nghe da gà nổi lên chạy trong người. Trần Tường E28, vừa chạy vừa thì thầm với tôi: - Chắc chỉ 1, 2 tuần thôi chứ kéo dài, làm sao mình chịu nổi Có Tân khoá sinh nào ngờ đâu, lột xác gì kéo dài cả hai tháng. Sau hai tháng huấn nhục, khoá 28 mất một số người. Người vì sức khoẻ, người vì học vấn. Một người bị phạt cho đến chết, riêng Đại đội E mất thêm một người: Trương Văn Minh, vừa hết tuần lễ huấn nhục, anh ta tự tử bằng súng. Đại đội E, khóa 28 phải thức đêm, thức ngày đứng nghiêm gác đúng một tuần. Hai người gác, hai bên quan tài cho đến khi người nhà của Minh từ miền trung tới nhận xác. Cách luyện kim và kiếm quý của Nhật Bản thì sắt phải trui từ nhiệt độ thấp đến nhiệt độ thật cao, phần sắt phần kẽm phải tách ra hoàn toàn, cho đến khi thép tinh tuyền rồi mới trui trong nước. Người Nhật bản sau này đã dùng thêm hoá chất để nhúng lưỡi kiếm vào. Làm sao, khi nhúng vào nước hoá chất xong, lưỡi gươm sẽ cực kỳ bén mà thanh gươm vẫn còn độ đàn hồi. Phải bén đến nỗi để sợi tóc vào mà thổi thì sợi tóc bị đứt đôi. Nhưng vẫn còn sức đàn hồi đến nỗi khi búng vào thanh, mũi kiếm vẫn rung lên bần bật. Mục đích rèn và trui là để bén để chặt các loại thép tạp khác được mà vẫn không bị thô cứng để khỏi bị gãy. Từ ngày đầu đến ngày cuối của 2 tháng huấn nhục chúng tôi đã được nung rèn và có những người đàn anh khác thì trui để hoàn tất. Những người trui tính tình hiền hoà, điềm đạm và hiền hoà, có thể kể điển hình như là thủ khoa khoá 25, NT Lê Xuân Thảo và NT Trần Hữu Hạnh F25. Ngày xuống tóc 1 phân, nhìn thấy hỡi ôi. Cái đầu tươm tất trở thành trọc lóc, nhếch nhác, và khiếp đảm. Liên đội EF ở ngay bìa của Trung đoàn sinh viên sĩ quan, gần Quân Sự Vụ. Làm cái gì cũng thua thiệt cả, từ chạy nhảy đến ngay cả hớt tóc cũng phải đợi ban đêm đổ xuống mới được vào hớt tóc. Trời thì lạnh đến cái gì cũng phải teo, chỉ có cây súng Garant M1 lạnh lẽo, nặng chình chịch là không teo thôi. Phạm Công Thành, người bạn cùng phòng sau khi hớt xong thì tự mình xoa đầu cười bẽn lẽn để bạn bè cùng nín cười theo. Chắc chắn là ngày xưa còn bé, chàng bị đậu mùa nên đầu bị thẹo như B52 cày đều đặn từng hố. Thoạt nhìn Thành ai cũng thấy ngầu lắm, nên bạn bè đặt chàng cái tên là Thành B52. Ngày học gỡ và ráp súng Garant, Thành đánh đâu mất cái chốt giữ súng, không biết đến giờ có tìm ra chưa! Lúc tìm không ra, Thành thở dài nói lưng lửng 'Bỏ mẹ rồi, chắc là Nghiêm Như Cẩu làm thịt tao quá, có cúng kiếng, giỗ chải, thì từ nay nhớ đến ngày'. Thành B52 đã qua Mỹ, dẫu cày nát rừng nhưng nghe bạn bè mời gọi cũng đã đón xe bus vượt cả bao dặm đường tới chơi. Cái tình bằng hữu nghĩ đâm thương. Cũng đêm đầu tiên đó, ở khu hớt tóc Đinh Hoàng Tiến E28, chàng dám xưng danh rồi nói hung thần Huỳnh Thương: - Tui không muốn làm sinh viên Võ Bị nữa. Xin thưa, trả lại súng! Thế là trời sầu đất thảm. - Chỗ này đâu phải là cái thùng rác, cái khu chợ gia binh ai muốn ra, muốn vô ra là được đâu. Muốn ra là phải thân tàn phế, mới ra được. Gặp Huỳnh Thương, người hung thần số 1, thì còn gì nữa mà khóc với cười, thế cứ như là xử tử Đinh Hoàng Tiến làm gương, ai nấy từ đó vào lề, vào phép. Cái dốc nhựa lên khu hớt tóc, khu trạm xá sao mà kinh hoàng thế không biết. Kể từ đêm đó, ai cũng hiểu ra là một người làm có thể gây ra vô số những hiệu quả cho cả tập thể, tuỳ theo tốt hay xấu. Năm thứ 4, khi làm Đại đội trưởng huấn luyện tôi có hỏi chuyện với em trai Niên trưởng Huỳnh Thương. Tên thằng nhỏ K31 này là Huỳnh Tường, nó có ngón đá Đảo Sơn Liên Hoàn Cước. Trong các tài tử đóng film bấy giờ từ Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long, Trần Tinh thì chỉ có Địch Long mới giỏi đá ngược, liên tục như cái quạt như thế. Nếu ai mà hỏi nó là 'Huỳnh Tường, kể cho tôi biết, gia đình anh có những ai là Sinh Viên Võ Bị Đà lạt? Chắc chắn là bạn sẽ té ngửa ra mà nghe: - 'Anh em nhà họ Huỳnh chúng tôi, quê ở Nha Trang. Trước tiên thì có Huỳnh Hương Khoá 23, tới Huỳnh Thương Khoá 25, Huỳnh Nhượng Khoá 28, còn tôi là Huỳnh Tường Khoá 31.' Nếu bạn cắc cớ hỏi thằng nhỏ Huỳnh Tường là anh gọi mấy ổng là gì. Nó sẽ thừa sức khôn mà trả lời 'Thưa Đại đội trưởng tôi gọi họ là Niên Trưởng' Kinh nghiệm đến 4 đời rồi mà.' Thế là hết cớ để phạt vả lại Huỳnh Tường K31, khí phách đã đủ để thành cấp chỉ huy giỏi sau này, cho nên không có cần phải huấn luyện riêng hay trấn nước. Sau tôi có gặp NT Huỳnh Thương tại Nha Trang. Tôi thấy ngoài khả năng gầm thét từ khi kèn đồng thổi lên dậy chạy sáng đến trời tối, ổng còn biết ...khè khè, hì hì và biết kể chuyện nữa! Thực ra, liên đội EF, khoá 28 còn thấy ông cười trước đó một lần. Cái lần mà Tân Khoá Sinh Nguyễn Thế Lương đang chạy trong hàng, xưng danh to sang sảng và xin được đi cầu. - Giờ này mà đi cầu gì anh. Tự thắng nghe không! - Xin nói tự thắng. Một vài phút sau, về đến doanh trại. Huỳnh Thương gọi Nguyễn Thế Lương ra khỏi hàng và cho phép lên lầu làm vệ sinh thì Nguyễn Thế Lương cũng vẫn thái độ hùng dũng, ưỡn ngực, xưng danh như thường lệ và nói: - Thưa khỏi cần! Huỳnh Thương ghé sát mặt vào, gần như nhảy xổ luôn vào người Nguyễn Thế Lương mà quát: - Khỏi cần cái gì anh? anh nói khỏi cần cái gì ? - Xin nói khỏi cần, vì nó ra rồi. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi thấy Huỳnh Thương nhảy dạt ra, tít cả hai mắt quay sang chỗ khác mím chi cười. Một kỷ niệm tuyệt vời mà cả liên đội EF không bao giờ quên. Nguyễn Thế Lương còn thường hát bài 'Như cánh vạc bay' của Trịnh Công Sơn. Lời hát sao mà dễ thương lạ lùng, nếu sau này gặp nhau, chuyện trò thì thế nào các bác cũng nên hỏi Nguyễn Thế Lương hát lại cho nghe. Làm một bãi trong quần thì ít, chứ đái trong hàng thì đếm làm sao mà hết. Cứ hễ đứng nghiêm một hồi lâu, để nghe dạy cơ bản thao diễn 1, 2 một hai, 1, 2, một hai ba bốn. Trời lạnh như cắt không quen thì đâm ra buồn tiểu. Khi hàng quân bắt đầu di chuyển thì lại có những bãi nước lêng láng để lại đằng sau. Cái này thì phải hỏi Nguyễn Minh Thu E28. Thu xoay sở chỗ nào cũng được. Trốn tù đến cả 2 lần. Từ Sàigòn đến Nam Vang đi đường sông, xông đường bộ, leo đường núi, qua Thái Lan. Nếu qua Mỹ phải bằng thứ gì đó, chứ không phải bằng máy bay, thì chắc Thu cũng qua được. Ở Nam Vang mài kiếng đeo mắt, kiêm nghề chữa trĩ nội ngoại. Qua Mỹ học xong Nhãn khoa, mở nơi rửa xe, mở nhà hàng bán rượu. Đố ai nằm ngủ không mơ! Trong số bạn bè cùng đại đội, tôi còn nhớ hai người mỗi lần xưng danh lên là ai cũng phải tủm tỉm cười trong bụng là: - Tân Khoá Sinh Huỳnh Toàng có G Trí, Tân Khoá Sinh Lê Khán thiếu G Chiến. Lê Khán Chiến sau đi sư đoàn 25 và bị chết cũng trong giờ thứ 25. Khi dẫn quân ra lộ thì bị bắn tẻ ở Thủ Thừa Long An. Huỳnh Toàng Trí có cái miệng hay cười tới mang tai, người này đi buôn thì số dách. Bây giờ nghe nói chàng vẫn còn ở Việt Nam. Đổi đời, nhiều người mất mát, chàng cũng mất mát. Nghe nói tên tuổi chàng từ đó đã mất chữ G. Đẹp như con gái nhất, có lẽ là Nguyễn Tấn Công. Tóc để như mấy tay chơi nhạc trong band Beatles. Nguyễn Tấn Công bị mấy con sư tử khoá 25 gầm thét, trêu chọc kinh hồn. Thậm chí Nguyễn Tấn Công phải mang tác chiến số 0 đầu tiên. Nhằm ngày ông Táo về trời, chàng Công là người đầu tiên bị đội mũ đi hia, chẳng mặc quần, đi từ hành lang này sang hành lang kia. Tôi nghe kể lại là một khoá K20s nào đó, ở đại đội F, khi huấn nhục, đã phải tuân lịnh để cuả quý cương cứng mang cái nón sắt đầy nước đi suốt hành lang dài ngoằng ngoặc ở lầu 3 liên đội EF, mà không được đổ ra một giọt nào. Chuyện có thật hay không thì tôi không biết, sẵn kể đây để biết đâu, có người kiểm chứng cho rõ. Suốt thời kỳ Tân Khoá Sinh (TKS), Công ở trong phái đoàn thiện chí muôn năm, cho nên bị đổi danh lại là Nguyễn Tiến Lùi. Về sau vì văn hoá yếu, Nguyễn Tấn Công ra trường cuối năm thứ hai cùng với Đào Thanh Bình, Nguyễn Văn Sáng. Yểu điệu nhất, hát hò nhiều nhất phải là Hoàng Như Cầu E28. Cầu cũng dính liền với bịnh xá và phái đoàn thiện chí với cái chân cà nhắc, bịnh tứ muà. Nay Hoàng Như Cầu đang ở Mỹ, có đến 5 đưá con. Cho đến bây giờ, suýt soát cả 30 năm, qua những lá thư từ Mỹ cuả Cầu gởi cho, tôi tin rằng nếu phải cho điểm trong hệ thống tự chỉ huy, chắc chắn Hoàng Như Cầu vẫn cho tôi điểm cao nhất. Đẹp trai và duyên dáng, trong khoá chắc lọt vào tay Lưu Đức Sơn E28. Quê của Sơn ở Đơn Dương, lúc hết những tuần lễ TKS, leo núi Lâm Viên và lễ gắn Anpha. Trong đêm văn nghệ, Sơn đóng vai giả gái, mặc áo ba tằm. Đóng với Phạm Văn Hùng là ông Nảng Ông Nang: "Ông Nảng, ông Nang ông ra đầu đình, ông gặp cô Nỉnh cô Ninh. Cô Nỉnh cô Ninh, cô ra đầu đàng cô gặp ông Nảng ông Nang." Thế rồi: "Khớp con ngựa, ngựa ô ngựa ô ăn khớp, ăn khớp kiệu giang.. là đưa, ý a đưa nàng, đưa nàng, anh đưa nàng dìa dinh" Thuở đó, NT Lý Công Pẩu K26, xếp đặt huấn luyện và văn nghệ cho K28. Một người tài hoa nhưng vận số ngắn ngủi. “Hồng hà, bao la sông nước, chưá muôn phù sa Hồng hà, bao la nước phù sa.” “Đất cho ta sống, quê hương ta bồng. Đất cho ta chết, quê hương ta về. Rồi ngày mai nước ta vươn lên màu đất mới, rồi ngày mai nước ta tươm lên hồng môi cười, rồi ngày mai quê hương xanh lên màu sông núi, và ngày mai dân ta quyết sống vì đất này.” Ba của Phạm Văn Hùng K28, thương tôi và Lưu Đức Sơn lắm. Ông đã thường xuyên thăm hỏi và viết thơ cho cả hai đứa chúng tôi. Sau này, vào năm 1976. Lưu Đức Sơn bị mất trong lúc trốn ra khỏi trại giam Đơn Dương. Phạm Văn Hùng, còn gọi là ông Cố Lội, vì tính Hùng ngang bướng và hay nói 'nộn' chữ L ra chữ N. Khi về Sàigòn, học nhảy dù, một vài chúng tôi đã ghé nhà Hùng. Trong hình ảnh tâm khảm của cả gia đình này, họ đã in hằn một cảm tình tốt đẹp về Võ Bị Đà Lạt. Về sau có đổi đời, cực kỳ hàn vi, miếng cơm chỗ ngủ không có, khi tôi cùng kiệt ghé thăm, họ vẫn đối với những người bạn của con trai mình như những chàng trai Sinh Viên má đỏ, môi cười ngày nào. Huấn luyện TKS K28 đợt 1 ở đại đội E: - Đỗ Viết Toán, Đại đôi TrưởngKhông biết có phải là người ta nhìn sang bãi cỏ của nhà hàng xóm thường xanh tươi hơn bên nhà mình không chứ đại đội E rất thấy toàn là Hung thần còn đại đội F sao toàn là những hiền thần. Huấn luyện TKS K28 đợt 1 ở đại đội F:
- Đinh Văn Quế (SVSQ cán bộ DDT/TKS-DDF)Còn Huấn luyện TKS K28 đợt 2 đại đội E, thì có: - Trần Kiến Võ, Đại đội trưởngTay còn tay có, tay vó tay không, sông đời ngũ thập, ai còn ai mất, ai nhớ ai không? Người huấn luyện mà chúng tôi, khoá 28 đại đội E, kính mến nhất là NT Trần Việt Doanh. Ông ta huấn luyện TKS với cả tấm lòng của người đàn anh. Niccolo Machiavelli trong cuốn Quân Vương có nói: 'Thưa đức ngài, một chính quyền lý tưởng là một chính quyền làm cho dân thương và sợ, nhưng nếu phải chọn lựa giữa thương và sợ thì nên chọn làm cho dân sợ, chính quyền đó cai trị lâu dài hơn... so benefits should be granted little by little, so that they may be better enjoyed.' Có lẽ, với khoá 25, chúng tôi có kính và sợ thì đúng nhất, còn thương và kính thì chỉ có dành cho một số NT như Trần Việt Doanh. Vào những ngày cuối tuần, trong những tuần lễ cuối cùng của huấn luyện, chỉ còn Trần Việt Doanh vẫn còn gắn bó, chạy bộ với chúng tôi vòng này sang vòng khác, ngay cả những lúc thực tập tác chiến ban đêm hoặc những ngày cuối tuần. Khi chạy với nhau, đếm mãi thấm mệt, ông ta mới cho chúng tôi bài học rằng, TKS chính là bài học đầu đời về đời lính. Lính nhà nghề phải là những người lính biết tuân lịnh thi hành, còn bản thân những người huấn luyện cũng phải chạy bộ, thức đêm thức khuya để huấn luyện như thể trải qua thêm một mùa TKS thôi. Khi đầu mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan đã nghe tin ông tử trận ở Chu Pao. Chúng tôi lặng người đứng mặc niệm. Khi có dịp đi ngang ở ranh giới KonTum và Pleiku, Tôi vừa chạy, vừa leo, băng vượt lên đồi cao, như thời kỳ huấn luyện mà nhớ đến ông. Tôi không phải là người mê tín dị đoan, nhưng sao tôi có cảm giác, như có bao nhiêu người quen bên cạnh, cái cảm giác cực kỳ mạnh và rùng rợn như lúc tôi lên Chuà Cọp, ở Khánh Dương. Nơi mà bộ chỉ huy lữ đoàn 6 nhảy dù làm cứ điểm, vì vừa gần đường lộ, vừa có khoảng trống để tiếp vận trực thăng, nhưng không ngờ là điểm tập trung tác xạ tiên liệu của Cộng Sản. Cả tiểu đoàn mất liên lạc từ đó. Tôi thầm hứa sẽ có ngày nào tôi mang rượu và bánh đến thăm thêm một lần nữa. Có nhiều người rất hiền hoà, như NT Cao Văn Thi K25 có thế đời mới đỡ khốn khó. Đời sống như những dòng sông chia thành nhiều nhánh mà trí nhớ càng ngày càng mất. Tôi nghe tên nhiều NT khác thân quen lắm, không biết sau này chén tạc chén thù, có còn nhớ đến nhau? Thuở đó, đâu đã có đào người yêu gì. Sau này đi ra công tác miền Trung mới bắt đầu có vớ va vớ vẩn. Thế mà mấy NT trong đội thiện xạ như NT Hồ Ngọc Hiệp K25, Trưởng khoa Thiện xạ bắt lên coi bia xem có trúng được viên nào không, cứ đổ thừa là chúng tôi đạn bắn gởi đào hết trơn vì có người bắn 3 viên để điều chỉnh tầm tác xạ mà chẳng trúng được một viên. Lờ quờ nhất là Nguyễn Thế Hân, đang nằm tác xạ, cầm ngay khẩu súng đứng lên đưa qua, đưa lại ngó phát gớm. - Thưa cán bộ, tại sao súng của 'em' bắn không được. Đây nè! Bóp nó không nổ. ...!! Nguyễn Thế Hân xưng 'Em' giọng Bình Định quê ta thế là hôm đó buổi trưa, bị Đại đội trưởng lên bục gầm lên: - Đại đội E, thậm chí, có người đã xưng em. Lập tức các Trung đội trưởng của 10 đại đội, 30 tiếng cùng gào lên cùng một lượt, nghe sao muốn xón ra quần. - Trời ơi, xưng em! - Em nào thế? Mang em lên bục cho tôi. Em ơi là em. Chết đại đội E đã đành, chết rụm luôn cả khoá 28. Em Nguyễn Thế Hân ơi, chết mấy anh rồi, Thế Hân em ôi! - Bắn súng gởi đào, lại tình tứ xưng em đó, Đại đội trưởng. Đại đội E bị phạt tưng bừng ở dốc B52. Trời ơi, 45 độ, còn cách nói khác là độ dốc 100%, cứ phải tấn công lên rồi lăn xuống. Khi lăn rồi, muốn stop cũng không được. Có hết đâu, về lại doanh trại, mệt muốn chết đi không nổi, rồi cũng lại Nguyễn Thế Hân lên tiếng: - Thưa cán bộ, lau cầu tiêu xong có được bấm nút không? Thế là cả bọn bị bò từ cầu tiêu về phòng, vì câu hỏi lờ quờ. Phía bên này phòng vệ sinh, xưng danh hỏi: - Thưa cán bộ, vòi nước bị hư. Phía bên kia phòng vệ sinh, lại có người xưng danh hỏi: - Thưa cán bộ, xin phép được giật nước. Sau này mới biết, nếu không vừa chỉ cho cách làm, vừa phạt cả lũ thì chắc Cán bộ bị Tân khoá sinh quay tới, quay lui như dế. Chẳng trách được, hồi đó ai cũng sợ Nguyễn Thế Hân mở miệng thế không biết. Cũng từ đó đã sinh ra cái tên 'Phong Càm Ràm', Lương Đình Phong đứng trong hàng cằn nhẳn, cằn nhằn: - 'Giời ạ! Sao mà có người ngu thế không biết, ngu mà không để đại đội khác ngu bớt, bao nhiêu cái ngu, đại đội mình cứ lấy hết mẻ nó rồi, thì chả trách sao không bị bò miết!' Phong hay nấu Hà Thủ ô mùi nực mũi. Bây giờ Phong ở đâu? Chỉ biết là đơn vị cuối cùng của Phong cùng với lữ đoàn 258 Thuỷ quân lục chiến (Tqlc) với tôi. 8 giờ sáng, tháng 4 ngày 30 vẫn còn trong hàng ngũ nghiêm chỉnh ở ngã 3 Long Thành. Lờ quờ cùng với Nguyễn Thế Hân E28 là Võ Hữu Lợi E28 và Trần Thái Lập E28. Cả ba cùng có cái tật là đi chân nào, đánh tay nấy, thế là thêm một một màn, đi ve vẩy cho cả làng coi. Trần Thái Lập vừa đi vừa run lập cập, đánh luôn hai tay ra phía trước cho chắc cú. Ai nhìn ba ông đi thì cũng bật cười liền. - Kìa kìa, Đại đội E, cơ bản thao diễn đi như ve vẩy trong chợ Hoà Bình. - Đi như vậy có đẹp không? Bị mồi là phải binh vực cho bạn mình, do đó khi trả lời cho Đại đội trưởng, cả đại đội E, phải rống lên: - Đẹp! - Chời chời ! Mấy ông đi, như đi bán dép, mà đẹp hả chời? Muốn bò tới phạn xá phải không? Đại đội trưởng lên bục lại gầm lên hỏi: - Đi như vậy có đẹp không? - Không! Trần Thái Lập cập đã mất vào năm 1998. Anh bị đau tim (chắc là vì khoá 25 quá). Chị Lãm Thuý, vợ một người khoá đàn anh, lên tiếng xin những người bạn khoá 28 dùm cho Lập, mổ tim một lần, sống thêm được vài năm. Bạn bè K28 đã giúp thêm lần nữa cho gia đình Lập. Thôi sống chết là số mạng nhé, Trần Thái Lập. Nói là không ai có người yêu là không đúng hẳn. Thực ra Nguyễn Đức Nhâm người nhỏ con, có bờ vai bị tật đi hơi lệch, ai để ý lắm mới nhận ra. Nhâm còn có vết thẹo trên thái dương trái, là người độc nhất có người yêu đến thăm mỗi tuần. Chàng Nhâm và nàng Hoa yêu nhau thắm thiết. Nguyễn Đức Nhâm hay chạy đến tôi nói những chuyện mà anh đã khám phá ra, từ phương trình đến kết quả của bài tập kéo thước tính. Những chuyện mà cho đến bây giờ tôi vẫn thấy hữu dụng. Chẳng hạn như nếu mình mang giầy và đừng để cơ thể chạm đất, thì cho dù mình có chạm dòng điện dương xoay chiều thì cũng không bị giật. Tôi thí nghiệm và đúng như Nhâm nói, sau này mới biết trong trường hợp này thì cơ thể mình không bị giật vì đã trở thành vật sợi dây nóng. Tương tự như các con chim trời bay đậu lên dây điện cao thế. Nhâm khắc tên nàng Hoa cùng với tên cuả mình khắp bàn học. Có một hai thằng quỷ nào muốn ghẹo, bèn bảo nhau khắc dùm thêm hai chữ “made in” Nhâm Hoa khắp mọi nơi, mọi chốn. Từ khe cửa ở Khu văn hoá vụ đến Khu tác xạ đều có hai chữ Nhâm Hoa. Thậm chí cánh cửa cầu tiêu cũng made in Nhâm Hoa. Như đã nói, Đại đội E là nơi quan khách hay ghé, nên bị phạt kỹ lưỡng đã đành mà địa thế chẳng có ngon chút nào, toàn là đứng đằng sau người ta thì làm sao mà chạy về nhất được. Từ tấn công hai apartments, đến tấn công về Phạn xá toàn là về hạng ruồi bu, tức là chẳng ai thèm chạy nữa thì mình mới về được trong số 10 người chạy về đầu. Ấy thế mà Vũ Quang Phát E28 lại ngon lành hơn cả thảy. Cái giò nó dài, quê nó ở ngay Đà Lạt, nên chạy như gió. Chả hiểu thế nào, mà Vũ Quang Phát len làm sao qua được cả 250 người đứng đằng trước mà cứ về được trong số 10 người chạy về nhất mới lạ. Phạm Ngọc Châu E28 chạy cũng rất khá. Theo lời của Minh F28 thì Châu trong đơn vị nhảy dù, tử trận ngay tại ngã Tư Bảy Hiền, Sàigòn trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chạy thì phải thở, tội nghiệp Phạm Kim Sơn cứ phải đeo núm vú mà chạy, cho nên cả đời có bao giờ chạy được hạng nào đâu. Mấy chàng tèng tèng trong đại đội E như Nguyễn Hữu Nhẫn (đá banh), Nguyễn văn Sáng (mất tích khi trốn trại học tập ở Tây Ninh), Nguyễn Hữu Thạnh, Hồ Hữu Trí (Judo), Phạm Văn Trường, Nguyễn Hữu Dụng cuả đại đội E28, thì coi như ẩn được trong đám đông. Huỳnh Văn Châu K25, dạy coi phương giác, chấm điểm đứng. Có 3 cách chấm điểm đứng căn bản. Bài học cần thiết nhứt của đời lính mà lại dạy vào buổi trưa buồn ngủ muốn lịm người đi. Mắt vẫn mở nhưng mờ đục. Bài học chưa xong, mấy ông kiến càng đã đợi để a lê hấp ra bò bò cho tôi, bò hết nổi thì lăn, nên có nhớ gì đâu. Về sau tôi được một niên trưởng khoá 27, ở lữ đoàn 258 Thủy quân lục chiến (Tqlc), thẩy cho cuốn cẩm nang. Tôi học lại từ đầu: - Tìm 3 điểm đặc biệt ngoài địa thế bằng mắt thường có thể nhìn thấy, lấy phương giác nghịch, giao điểm của 3 điểm đó trên bản đồ là điểm đứng của mình. - Tìm 1 điểm đặc biệt như ngọn núi và ước chừng khoảng cách, từ đó phỏng chừng điểm đứng. Dùng con đường hay con sông để kiểm soát lại điểm đứng. - Vào ban đêm, nhờ pháo binh bắn đạn khói hoặc trái sáng ở một toạ độ chuẩn, từ đó tìm ra phương giác và điểm đứng. Trong thời kỳ TKS nhiều người đã luyện được môn tà công gọi là Ngủ Trong Hàng. Ngủ khi đang chạy bộ, ngủ trong khi đang ngồi học, ngủ khi gác, ngủ trong xe khi chở vợ con đi shopping, ngủ bất cứ chỗ nào cũng được. Thậm chí khi ngủ gục còn ngáy ù ù được nữa. Nguyễn Thành Hướng E28 (làm nghề họa sĩ sau này), đã ngủ gục khi đang ngồi học mà còn ngáy. Bạn bè ngồi bên cạnh bèn cùng ngáy phụ cho lớn. Giáo sư văn hoá vụ, đưa hai tay lên trời than: - Úi mẹ ơi ! cha sinh viên này siêu quá rồi! Ngủ gục mà còn ngáy nữa. Sau này, khi vào đại học bên xứ người, nhiều người chứ không hẳn riêng một mình tôi, đã phát huy được khả năng ngủ trong hàng của thời kỳ huấn luyện là ngồi mắt mở to nhìn giảng viên mà hồn người thì đã siêu thoát trong cơn mộng du. Ấy, giảng viên, dạy thì thì cứ dạy, giảng gì thì cứ giảng, chỉ cần biết có mỗi topic thôi, còn bao nhiêu để đó về ban đêm đọc sách, cần quái gì lắng nghe cho đầy óc. Vả lại ai mà có thể dạy được hai ba chương sách trong vòng 1, 2 tiếng. Chỉ cần biết được đúng chỗ giảng đường để vào ngồi, biết được tên người dạy là thằng Bâu thì đã khoẻ rồi, thế là áp dụng ngay môn công phu Ngủ Trong Hàng. Phải trầy da, tróc vẩy mới biết người dạy tên Bâu, tiếng Anh nó là Paul. Còn phải tìm cách thân thiết cái thằng nhỏ người Việt nói tiếng Anh nhanh như vẹt, tên nó là Lóc Lóc, tiếng Việt vỡ lẽ ra là Lộc! ối ối ! chữ nghĩa lờ quờ thế mà cũng qua được cầu văn hoá xứ người. Tân Khoá Sinh mà còn qua được thì cái Diploma, cái Bachelor này làm gì mà không qua. Kể đến người bạn Thái Văn Ngộ E28. Khi ra đơn vị, tôi cùng đại đội với Thái Văn Ngộ nhưng khác trung đội. Chỉ trong vòng 1 tuần, một buổi trưa nắng vào hè, nghe nói có 3 đứa lính đánh bài, ở tiền đồn, có lẽ lấy mìn chống chiến xa ngồi đánh bài, bị kích hoả, bay mất xác. Thật hư chưa biết, trưa hôm sau, lại nghe nói trung đội khác, có người lính gác hồi đêm đánh bạc thắng, gác ngủ gục, bị cắt cổ khi đang gác giữa ban ngày. Tin chưa nguội, thì Thái Văn Ngộ, tội nghiệp anh là người bị phạt nhiều nhất trong đại đội E vì ánh mắt cận thị của Ngộ rất ăn khách với hai chữ tiểu xảo. Ba khoá ra trường, cách nhau chỉ mấy tháng. Khoá 28, 29 ra vào tháng 4 năm 1975. Khoá 27 ra tháng 12 năm 1974, cách nhau vài tháng, tất cả đều đeo lon thiếu uý, cho nên cách hay nhất về xưng hô, mà không cần ai dạy ai là gọi nhau là niên trưởng như cách đó vài tháng còn ở trong trường Võ Bị. Ban trưa, Thái Văn Ngộ xách xẻng đi vào bụi, rồi đủng đỉnh về, để cái xẻng nhỏ xuống như cơ bản thao diễn, rồi nghiêm trang báo cáo với NT Khoá 27, Trung đội trưởng là 'Thưa Niên trưởng, tụi nó là ai mà đang đào gần mình lắm, mà nhìn thì nón hổng phải của mình'. Đang ngồi chơi với ông, người NT K27 nhìn qua tôi và nói trống không 'Về lại trung đội đi'. Người tôi bốc lên, chân cơ hồ không chạm đất, khi về lại trung đội, thì đã nghe tiếng đạn vang rền. Một đêm hôm trước, đứng nhìn xem trận đánh ở trường Thiết giáp, có chiếc máy bay thả trái sáng, đuôi bị dính hoả châu. Nay ban trưa chỗ mình, trận đánh cận chiến đã mở màn cuộc đời binh nghiệp. Cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi như ánh lửa cuả cái nến chưa thắp sáng đã tắt, trong đêm trao nón và cầu vai An Pha đỏ ở lầu 3 đại đội E. Hỡi Phạm công Thành B52, đọc đến đây, ngươi có nhớ đêm hôm đó không? Trung đội 1, đánh sát nách, đánh xáp lá cà. Tôi nghe trong PRC25 điều chỉnh đạn pháo binh kéo gần lại 200 mét rồi kéo gần lại 100 mét, rồi gần 50 mét sát tuyến của Trung đội1. Trung đội 2 cuả tôi, đóng cách xa 100 mét, cũng bắt đầu bị ghẻ. Một người khoá 29 cùng trung đội bị mảnh sướt nhẹ ở cổ, chảy máu, tôi cho phép anh đi theo trực thăng tải thương. Bấy giờ, tôi thầm lo cho Thái Văn Ngộ và người NT Khoá 27 tốt bụng này vô cùng. Chừng 3 giờ chiều, viên Đại đội phó, dẫn quân còn lại dàn hàng ngang xung phong lấy lại mục tiêu. Trung đội tôi bắn yểm trợ. Tôi nghe lính nói lại là Thái Văn Ngộ không bị trầy sứt gì, còn người NT K27 kia, từ đó không nghe nhắc đến nữa. Nhưng từ đó đến 30 năm sau, không hề ai gặp lại Thái Văn Ngộ. Ba đêm sau đó, tiểu đoàn Ó Biển cùng với Lữ đoàn 258, rút theo thế chân vạc về lại ngã 3 Long Thành. Buổi trưa TKS, bị phạt tơi tả nhưng chẳng hề thấy đói. Vào Phạn xá là đã nghe trăm tiếng, tiếng hò, tiếng chỉ dạy: chỉ dạy cách ăn vuông góc, ngồi cho vuông góc, chân vuông góc, không vừa nhai vừa nói, không ngó ngang ngó dọc, không gãi không cạy mũi. Vừa ăn vừa phải bật nhạc để nghe cho nó ra vẻ lịch lãm, nhưng nhạc quân hành thì không cho nghe, chỉ nghe thấy toàn nhạc điệu Bolero, chách chách chách, chách chùm, chách chum: '...Trời đêm dần tàn, tôi tới sân ga đưa tiễn người trai đi về làng, cầm chắc đôi tay, tôi hỏi nàng đêm nay lạnh không, chuyến xe đêm lạnh không, để người yêu vừa lòng....' chách chách chách, chách chùm, chách chum. Trời thì lạnh, xác thì chỉ có chạy, chẳng bao giờ biết đi. Nghe nhạc thì âm thanh muốn não cả ruột, cái bà Thanh Thuý, giọng sao mà khàn khàn khiếp đảm đến thế. Chẳng biết từ khoá nào, ai là người chủ trương những bài hát không có một chút quân hành này. Từ đó, cứ từ khoá này sang khoá khác, ai cũng phải nghe cho nhớ nỗi khổ cuộc đời. Mà kỳ cục, nghe hoài cũng không thuộc hết bài hát. Tôi phải để ít dòng kể về một người bạn tên là Trần văn Sự, đại đội E năm thứ nhất. Là một người rất nhỏ bé hiền lành, không đẹp trai, ốm lắm, được cái hay nhăn răng ra cười. Dẫu TKS, trong tuần lễ huấn nhục, bị phạt tơi bời, gìờ ăn mà cứ phải, chạy vòng quanh, vì cái miệng cứ như là cười. Vừa bị chạy vừa phải rống to "Đời có gì vui đâu mà cười". Hồi đầu năm 1999 một người AET khoá 29 , tên là Hoàng Thanh Tùng tới Western Australia chơi thăm gia đình. Gặp tôi, Tùng kể lại là anh gặp được Trần văn Sự E28 ở kinh tế mới Trị An. Câu chuyện kể lại rằng Sự đang mang lúa và thồ bằng xe đạp ăn công. Sự thồ chừng 4, 5 bao lúa. Mỗi bao lúa còn nặng, bề thế hơn cái vóc dáng nhỏ bé của Sự nữa. Cái xe đạp thồ cao lồng ngồng, có hai cái cây nối dài ra để lái. Khi có tiếng xe gắn máy từ xa, thì Sự phải tìm cách nép vào đường trước. Chiếc xe đạp đã xập xuống ổ gà và đã đổ xuống trên con đường cái, nơi vắng vẻ. Trời bấy giờ, tháng 5 xứ mình, nắng chang chang. Mỗi lần có xe đi qua là để lại bụi đỏ mịt mờ đằng sau. Bụi đỏ cực kỳ nhuyễn như chơi dỡn với trò chơi ấp chụp, khi bụi lắng xuống thì dấu đi những ổ gà trên đường. Ông già Sự không làm cách gì xoay sở lên được, chỉ đứng ngó những bao lúa với cái cười cố hữu. Chiếc xe gắn máy của Tùng đã chạy qua, Tùng thoáng nhìn ái ngại, bắt gặp nụ cười không thể quên được. Đi qua chừng 10 phút sau, Tùng quyết định quay lại trong cát bụi mịt mờ đã đi qua và thương cảm kêu lên thảng thốt 'Niên trưởng' . Tùng nói ' Để tôi đỡ lên dùm Niên trưởng, sao mà tội thế này, để tôi qua được Mỹ, tôi nói dùm K28 cho niên trưởng'. Sự không nói lời nào cả. Dù bụi hay không, vì không có khoá 25, bắt ngậm miệng cho kín lại, nên nụ cười của Sự vẫn không thay đổi. - Đời có gì đâu mà không cười! Nghe Tùng kể, tôi bỗng chạnh lòng. Những người bạn nhỏ bé, cam chịu, cô đơn như Trần văn Sự có lẽ sẽ không bao giờ dám mong đợi, hoặc mơ ước một ngày nào đó, sẽ có những bạn bè từ mấy bờ đại dương, quan tâm, vượt bao ngàn dặm ghé đến tận căn nhà xiêu vẹo mà quàng tay qua vai ôm, thăm mà hỏi “mạnh giỏi không mày?” Khi nghe tôi kể lại trong một Email. Năm ngoái, Nguyễn Minh Thu E28 đã về thử tìm, nhưng không gặp được Sự. Đời người như dòng nước, cuốn trôi đi bạn bè, và vận nước cuốn trôi cả dòng đời. Mấy ai bắt gặp lại cái đám lục bình trôi ở dòng nước cũ. Những người K28 trên chỉ là một số trong 35 người ở Đại đội E trong thời kỳ Tân Khoá Sinh của liên đội EF. Đến năm thứ 4. Liên đội EF nếu so với những liên đội khác, đã xuất sắc hơn rất nhiều. Nếu chỉ riêng Đại đội E đã đào tạo được rất nhiều người trong ban tự Lãnh đạo Chỉ Huy. Trong số đó có cả Thủ khoa khoá 28: Hồ Thanh Sơn. Bắt chước NT Đỗ Viết Toán, khi làm Đại Đội Trưởng TKS, tôi cũng cố dạy TKS K31, thắt cà vạt, ăn ngồi, đứng, nói chuyện, cư xử như ông đã dạy chúng tôi: Dạy câu Kiều lẩy, dạy khúc Lý kinh, dạy khi lên xe, xuống ngựa, ăn ngồi phải phép, dạy những lúc cao lâu, chiếu rượu, ăn nói cho sành. (Thơ Trần Tế Xuyên)
Thành phố Đà lạt ở một độ cao 1475 mét. Nằm trong cao nguyên thứ ba và cao nhất của vùng đất Tây Nguyên. Ngọn đồi trường Võ bị ở độ cao 1515 mét so với mặt biển. Càng cao độ thì Oxigen càng ít trong không khí. Máu con người phải thích ứng môi trường, mà tự sinh ra nhiều hồng huyết cầu hơn để hấp thụ dưỡng khí O¬¬ 2. Do đó khi xuống nơi thấp hơn như Sàigòn hoặc Huế thì lượng hồng huyết cầu thặng dư, nên ai nhìn cũng tựa như má đỏ môi hồng. Tuổi hai mươi, thần mắt trong vắt của mấy chàng sinh viên Đà Lạt như thể cái gương, mấy cô có thể soi mặt mà chải tóc. Miệng các chàng luôn tươi cười, nói năng lịch sự hỏi ai mà không dễ phải lòng. Do đó, khi xuống đồng bằng có rất nhiều mối tình nẩy nở rất nhanh. Trong số những người bạn bấy giờ cùng Đại đội E, mà đến bây giờ tụi tôi vẫn thân là Nguyễn Tương Phùng. Phùng người Bến Tre dáng cao dong dỏng, thích thơ văn. Những năm đó mà Phùng đã đọc cho tôi những bài thơ mà tôi còn nhớ một đôi bài:
Mùa xuân con chim hót,Trong khi ở trong trại giam học tập, câu "mừng xuân anh vun lang" thì đúng hơn. Chung với nhau đi công tác chiến tranh chính trị năm 1973, năm hiêp định Paris vừa mới ký kết. Ra ngoài Huế, chúng tôi ở ngay thôn Vỹ Dạ. Hằng ngày, Phùng dạy thằng có tay chân cục mịch nghe nhạc, đánh đàn. Tôi bơi qua sông Hương, còn Phùng đứng trên bờ quan sát, để chàng quen cô em. Hai người hò hẹn nhau ở bến sông Hương. Tội nghiệp cho mấy bộ đồ đẹp như thế mà mỗi buổi chiều cứ bị giặt đi, giặt lại hoài. Đến lúc Phùng khe khẽ hát bài 'Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh, cho ta.. chút hồn nhiên' thì cô em chịu đến ôm cột đèn. Tới một ngày nọ, nàng nhờ Phùng nói cho ông cụ bà cụ biết. - Thương em đi mà, nói năng chi cho ba mệ một lần anh ơi! Mà anh Phùng nì nhớ nghe! Ba em lãng tai, có nói chi thì nói cho lớn. Rồi đến lúc Phùng cũng chìu lòng, bèn bạo dạn mà thưa với cả ông lẫn bà: - Thưa hai bác, con.. con là Phùng, con.. con thương con gái bác. - Cậu nói cái chi, tôi nghe không được mô. Phùng lên giọng thiệt lớn, như hét: - Dạ, con là PHÙNG, con... CON Thương Con GÁI BÁC. - Cậu nọi cái chi rứa, mụ khôn nghe được mô. Thấy coi mòi không xong, Phùng lui ra. Hôm sau khi ông bà cụ còn lo ra với ruộng nương thì chàng lại bén mảng đến. Thấy vắng vẻ, chàng đi đến tận bếp mà lên giọng 6 câu vọng cổ rằng: - 'Em Vy ơi, em có thương anh thì cho anh mượn đỡ.. ơ.. trái tim.. ừ.. nàng. từng, từng, tưng tưng tứng'. Đang đờn miệng thì đúng lúc đó, bà già ở đâu đi về hỏi, với giọng sông Hương núi Ngự: - Cậu Phùng muốn mượng cái chi rứa? - Dạ! con hổng, có muốn mượng cái chi hớt. - Đó rưá.. ứa đó! Nếu cậu không muống mượng, không muốn nợ nầng thì.. đừng làm em nó khộ! Hôm đó, nàng khóc khô cả nước mắt. Đến hôm sau, Phùng nói hờn nói mát: - Sao em nói là ba má em bị điếc? - Em có nói ai điệc hồi nào đâu, ba em ông bị lãng tai, chứ đâu nói mạ! - Chèng ơi! Anh ca vọng cổ, bả nghe hớt trơn. - Rứa cho đáng! Thôi nì Phùng ơi! Đến đây em đền. Về sau nữa, nghe hàng xóm bắn tiếng lại là ông có một cô con gái lớn, cô ta lấy chồng lính, đi luôn không hề thấy mặt. Nay chẳng thà chặt làm 3 khúc, 1 khúc trôi sông, 1 khúc đem chôn, 1 khúc thả giếng thì còn thấy mặt. Chứ gả cho lính thì biệt tăm tích. Đà Lạt với Bến Tre là cái xứ mô mô, ai mà biết. Còn nàng Vy thì thút thít với mạ nàng: - Mạ ôi! Ảnh hiền khô à! - Hiền khô, hay hiền ướt gì cũng là lính thứ thiệt đó con ơi. - Thì ai cũng lấy chồng lính, chứ chạy mô mà chự. - Tau biết mi thương nọ rồi mà, nọ lên nhà mi lên nhà. Mi xuống bếp, nọ theo xuộng bếp. Con ơi, lính đẹp là lính thứ dự không. Sao con không biết sao con! Cá không ăn muội.. cá ươn.. Khi phải di chuyển ra Thuận An, ngày ở xã ni, tối ngủ ở xã tê, di hành qua bao nhiêu đảo nhỏ, suốt gần cả tháng như thế. Đêm trăng tôi dạo với Phùng lặng lẽ dọc theo bờ biển gió bạt ngàn, nơi đó có ánh trăng vàng tuyệt đẹp đi theo từng bước chân. Đêm nay trăng sáng quá em ơi! Sao ta ngăn cách bởi dòng sông, bạc mái đầu. Ánh trăng phản chiếu trên sóng nước bạc đầu, vỗ thành vô vàn mảnh vụn lấp lánh như sao trời. Mặt biển Thuận An làm cho trái tim Phùng vỡ nát và nguôi ngoai từ đó. Thế là 'đành đoạn thôi những ngày hẹn ước'. Cho đến những năm sau này khi tôi gặp lại, Phùng vẫn còn nhắc với tôi đến những sợi tóc dài trong trí nhớ nhỏ nhoi. Những năm sau này, tôi cởi cho Phùng chiếc nhẫn vàng Võ Bị khắc tên tôi, như cho nhau cái tình quý nhất còn gìn giữ. Mấy mươi năm sau, tôi quay lại nơi cũ, tìm cách vào tận trong trường Võ Bị Đà Lạt xưa. Vật đổi sao dời, Hồ Than thở ngày xưa, nơi dùng poncho để thực tập vượt sông, vượt hồ. Đến mùa cạn thuở đó hồ đã biến thành ao Than Thở. Ba mươi năm quay lại, hồ đã biến thành vũng. Vũng than ôi và cái nghĩa địa có ngôi mộ Cô Thảo, có rặng thông già, nay đã biến thành nơi trồng trọt. Ra phố Đà Lạt, khi bắt chuyện, tôi có gợi đến một vài Sinh Viên Đại Học Đà Lạt, nếu họ biết trước kia có một trường Võ Bị Đà Lạt huấn luyện sĩ quan nổi tiếng ở đây không. Những thanh niên thiếu nữ trẻ tuổi, họ ngẩn người ra một lúc nói có nghe người lớn kể, nhưng rất mơ hồ và khi tôi buột miệng nói với họ là ngày xưa tôi là sinh viên của ngôi trường đó, thì họ nhìn tôi như thể huyền thoại. Huyền thoại như chính mình, nghe ai đó, nói về trường Võ Bị Hoàng Phố. Western Australia, 2001
Notes: Tôi được rất nhiều feedback yêu thương, khích lệ của nhiều người. Trong số những feedback cảm động nhất là của Hoàng Như Cầu. Người bạn cùng phòng khi xưa. AET Hồ Ngọc Hiệp K25 đưa bài cho Hoàng Như Cầu đọc, Cầu đã vừa đọc vừa khóc nức nở ngon lành: "30 năm như thể chuyện hôm qua". Cầu nói. Lại có người hỏi qua Email: "Sao trí nhớ của cậu tốt thế?". Tôi trả lời: "Thưa Niên trưởng, nó vẫn ở trong cái ba lô của người lính bị bỏ rơi, sao lại gọi là nhớ?". |