TƯỞNG NIỆM NGÔ MINH HỒNGJohn C. Cruden (Col. Ret)Theo tài liệu: Patrolling, Summer 2007, trang: 65-66Lời giới thiệu: Hai huyền thoại Biệt Động Quân vừa mới ra đi trong tháng Ba năm nay 2007. Đại Tướng Robert C. Kingston, cựu cố vấn trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân QLVNCH. Người thứ hai là Trung Tá Ngô Minh Hồng, cựu liên đoàn trưởng Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân. Đại Tá hồi hưu John C. Cruden ghi lại những kỷ niệm với Trung Tá Ngô Minh Hồng trong bài viết dưới đây. Tôi viết những giòng này để vinh danh một quân nhân, một Biệt Động Quân đã ra đi trong năm nay. Đó là cựu Trung Tá Ngô Minh Hồng. Tôi đã làm việc với ông ta hai lần với nhiệm vụ là một cố vấn trưởng, nhờ vậy tôi đã quen biết ông ta đã hơn ba mươi năm qua. Đây là những lời truy điệu của tôi. Lần đầu tiên tôi gặp ông ta, trong một căn cứ hỏa lực cỡ nhỏ nơi phiá nam thành phố Saigon. Ông Hồng là một Thiếu Tá đầy nghị lực, đã tốt nghiệp trường Chỉ Huy, Tham Mưu (Command and General Staff College) Hoa Kỳ. Chúng tôi làm việc gắn bó với nhau từ đó. Tiểu đoàn 38/BĐQ do ông ta chỉ huy là một tiểu đoàn có tiếng tăm trong Quân Đoàn 3, đã chiến đấu rất anh dũng trong trận “Tổng Công Kích” Tết Mậu Thân năm 1968. Trong trận đánh vùng Cholon, hai trung đoàn thuộc sư đoàn 9 VC đã kiểm soát khu vực trường đua Phú Thọ, tiểu đoàn 38/BĐQ đã chiến đấu vào đến trung tâm thành phố và giải tỏa khu vực trường đua. Nơi này (trường đua Phú Thọ) sau đó được đặt bộ chỉ huy cho liên đoàn 5 Biệt Động Quân trong suốt thời gian Tết Mậu Thân. Ông Hồng đưa cho tôi xem một “Lệnh Truy Nã, Sống hoặc Chết” của VC. Họ đã “treo giá” ông ta và các sĩ quan trong tiểu đoàn 38/BĐQ. Và trong một tương lai gần sẽ có thêm tôi trong “bảng phong thần” của địch. Là một trong những đơn vị lưu động chiến thuật, chúng tôi phải di chuyển thường xuyên, đôi khi kéo dài hằng tuần lễ cấp đại đội và cấp tiểu đoàn. Vấn đề yềm trợ tiếp vận cho đơn vị (tất cả các đơn vị VNCH, quân đội nghèo) là một vấn đề. Binh sĩ BĐQ phải đem theo gạo để tự túc nấu cơm ăn hàng ngày, những bao gạo treo lủng lẳng trên ba lô người chiến binh. Tuy vậy, ông Hồng vẫn giữ một “nghi thức” đặc biệt mỗi buổi tối, sau một ngày lặn lội mệt nhọc. Mỗi buổi tối, sau khi dừng quân, ghi nhận tin tức về địch do các trung đội lục soát trong khu vực hành quân báo cáo, ông ta cùng sĩ quan tham mưu soạn thảo chương trình “hoạt động” cho ngày hôm sau. Sau đó ông Hồng cùng tôi về chỗ nghỉ ngơi. Lúc đó ông ta lôi ra từ trong ba lô một chai rượu nhỏ “Drambuie Liqueur”, rót ra, đo lường cẩn thận rồi đưa cho tôi một ly. Thế là đủ, theo tôi nghĩ trong trận chiến chống du kích, chút rượu làm tinh thần bớt căng thẳng. Sau khi làm việc với ông Hồng trong nhiều cuộc hành quân, tôi được lệnh thuyên chuyển qua làm cố vấn trưởng cho tiểu đoàn 33 Biệt Động Quân, đúng vào thời gian các trận tấn công của QL/VNCH vượt qua biên giới Cambodia. Chúng tôi đụng nhiều trận đánh khốc liệt, nhưng nói chung vẫn đạt được mục đích. Sau đó tôi được ân thưởng huy chương “Anh Dũng Bội Tinh” (Cross of Galantry) từ vị tiểu đoàn trưởng 33/BĐQ trong một lễ khao quân. Trong niềm vinh dự đó, chính ông Hồng đã tìm đến tôi và chúc mừng. Đó cũng là một vinh dự đặc biệt. Lần thứ hai phục vụ với tiểu đoàn 38/BĐQ sau khi tiểu đoàn bị tổn thất nặng, mất đi nhiều sĩ quan nồng cốt cũng như binh sĩ. Ông Hồng đã xin cho tôi về lại tiểu đoàn 38, khi tiểu đoàn đang được tái huấn luyện ở trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Và một lần nữa, ông ta đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo chỉ huy, một ông thầy, một người làm các tân binh mới bổ xung về tiểu đoàn, hãnh diện là một chiến sĩ Biệt Động Quân. Ông ta cũng làm các sĩ quan mới thuyên chuyển về tiểu đoàn vững tâm. Trong lần hành quân thực tập cuối cùng trước khi lên đường hành quân. Tiểu đoàn biệt động quân dàn quân như đánh giặc thật, và cũng lần này, ông Hồng đã cứu mạng tôi. Tiểu đoàn di chuyển qua “căn cứ rừng” để tấn công mục tiêu. Khi chúng tôi đang xem xét một bụi tre, nghi ngờ có lựu đạn gài của địch, chợt ông Hồng đang đứng bên cạnh, xô tôi ngã, rồi bắn một phát súng ngang qua tai tôi. Ông ta đã bắn một con rắn độc treo lủng lẳng trên đầu bụi tre, còn chút nữa đã cắn tôi. Khi tôi rời tiểu đoàn 38/BĐQ, thuyên chuyển qua Lực Lượng Đặc Biệt, rồi phục vụ trong Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (Study and Observation Group, Nha Kỹ Thuật, Lôi Hổ). Có lẽ ông Hồng là vị tiểu đoàn trưởng xuất sắc nhất trong liên đoàn 5 Biệt Động Quân, và hiển nhiên, ông ta sẽ tiến xa hơn nữa. Quả thực đúng như tôi đã tiên đoán, ông ta được thăng cấp trung tá và nắm quyền chỉ huy đơn vị nổi tiếng, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân vào năm 1970. Trong trận chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, khi tình hình chiến trường ngoài Quảng Trị trở nên nghiêm trọng, liên đoàn 5/BĐQ đã được không vận từ Saigon ra tăng cường cho Quân Đoàn I. Trong các trận đánh ngoài Quảng Trị, liên đoàn đã diệt gọn một đơn vị cấp tiểu đoàn của địch, sau đó nằm giữ phòng tuyến, ngăn chặn các mũi tiến quân của các đại đơn vị Bắc Việt. Bắt đầu từ buổi sáng ngày 27 tháng Tư năm 1972, quân đội Bắc Việt mở đợt tấn công mới, mạnh mẽ về hướng thành phố Quảng Trị, nhằm chiếm đóng thành phố này. Lúc 7:15 phút, phòng tuyến do liên đoàn 5/BĐQ đảm trách bị bộ binh Bắc Việt được chiến xa T-54 hổ trợ tấn công. Biệt động quân đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch và giữ vững phòng tuyến. Trung Tá Ngô Minh Hồng không ngừng điều động đơn vị, binh sĩ chống trả quyết liệt, bắn hạ nhiều chiến xa T-54 của địch. Khi Saigon xụp đổ năm 1975. Tôi viết một lá thư cho ông Hồng, cho biết số điện thoại và điạ chỉ của tôi. Tôi quả quyết với ông ta, cố gắng xoay sở đến Hoa Kỳ, tôi sẽ giúp đỡ gia đình ông ta. Tuy nhiên, miền Nam Việt Nam xụp đổ quá nhanh, và sau đó các Biệt Động Quân bị đưa đến các trại tù. Tôi nghĩ rằng, ông ta đã chết! Nhiều năm sau, đến một hôm, Mike Martin, cựu cố vấn tiểu đoàn 44 và 32/BĐQ gọi điện thoại, cho tôi biết rằng... ông Hồng đã sống sót qua các trại tù cộng sản, đến Hoa Kỳ và đang đi tìm tôi. Sau khi được tin mừng từ Mike Martin, chúng tôi bắt liên lạc ngay tức khắc. Sau bao nhiêu năm xa cách, chúng tôi đã gặp lại nhau và ông Hồng đã đến thăm gia đình và gặp gỡ vợ tôi. Trong một lần gặp gỡ, ông ta đã kể lại câu chuyện để thâu băng làm lịch sử. Phần còn lại trong bài viết này, tóm lược câu chuyện do ông ta kể lại. Sau khi Saigon sụp đổ, thay vì giết ông ta, CS đã tống ông ta vào một trại “cải tạo” nơi miền bắc Việt Nam. Bọn cai tù không tha một ai. Hàng ngày, ông ta vẫn phải lết ra ngoài đồng nhặt khoai để không bị chết đói. Ông ta nói rằng, lá thư của tôi gửi trước đây đã là một động lực thúc đẩy ông ta, cố gắng sống sót qua các trại tù... Hy vọng vẫn chờ đợi ở Hoa Kỳ. Cũng ngoài sức tưởng tượng, những gì ông Hồng đã phải trải qua trong thời gian tù đầy. Cuối cùng họ vẫn phải trả tự do cho ông ta để quay trở về Saigon. Mặc dầu ông không bị mất nhà cửa vì có hai người con trai đang cư ngụ, ông ta không được phép đi làm, để kiếm phương tiện sinh sống. Sau đó gặp lại các sĩ quan đàn em, ông ta được biết thêm số phận của tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân trong những giờ phút cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Sau khi Saigon đã đầu hàng, tiểu đoàn 38/BĐQ vẫn chưa chịu buông súng, vẫn tiếp tục chiến đấu trong vùng III chiến thuật. Quân cộng sản phải xử dụng một đơn vị lớn hơn đàn áp. Kết quả vị tiểu đoàn trưởng mới của tiểu đoàn, Thiếu Tá Trần Đình Tự bị địch bắt và hành quyết dã man, trước sự chứng kiến của các binh sĩ tiểu đoàn. Sau khi được trả tự do, ông Hồng cùng gia đình sống ở Saigon được vài năm, và sau đó được qua định cư ở Hoa Kỳ cùng với người vợ hiền. Đến Hoa Kỳ, tiểu bang California, không một đồng xu dính túi. Các chiến hữu trong “gia đình” Biệt Động Quân đã giúp đỡ gia đình ông. Các anh em cùng binh chủng đã đón tiếp gia đình ông rất nồng hậu trong tình đoàn kết của binh chủng. Ông ta rất cám ơn tình chiến hữu của các anh em biệt động quân, và cả tôi nữa. Ở Hoa Kỳ, ông Hồng được anh em tín tưởng. Ông ta đã làm Tổng Hội Trưởng BĐQ Hải Ngoại, rất tích cực hoạt động, thường xuyên đi đó đây, vận động giúp đỡ các gia đình biệt động quân vẫn còn kẹt lại nơi quê nhà. Khi viết những giòng này, tôi vẫn đeo chiếc đồng hồ có phù hiệu binh chủng Biệt Động Quân mà ông ta đã tặng cho tôi, đặc biệt cho tình bạn giữa hai chúng tôi. Trung tá Ngô Minh Hồng, ông là một mẫu người Biệt Động Quân lý tưởng, tôi rất hãnh diện được vinh dự làm một người bạn của ông. Dallas, Texas, Feb. 9, 2010 Vũ đình Hiếu dịch |