Tự Truyện 1Dak-Tô và Em(Vương Mộng Long - k20)Trich Từ Tập San BĐQ số 27"Loan em, Thật là hấp tấp vội vàng viết những dòng này. Anh biết nếu không, sẽ chẳng bao giờ còn có can đảm mà viết được nữa. Anh yêu Loan như tình cờ bắt gặp một cái đích, mà từ đã bao lâu, mình tìm kiếm hoài công. Tình yêu đến như bão chớp. Anh sợ là tình đơn phương. Như cách biệt giữa một phương trời, giữa một tâm hồn và một vì sao vừa khám phá, đặt tên. Đừng cười anh, ‘lính gì mà đa cảm!’ gặp người có một lần mà đã không thể nào quên được. Có thể là tầm bậy, Loan ạ. Nhưng dối sao được với chính mình? Biết khổ thế này, thà đừng đi họp là hơn. Để người khác đi thay lại đỡ rộn lòng. Có lúc nghĩ lại, đừng cười, phải cám ơn cái ông Tr/u Ninh đã lựa HĐKL/SĐ23 mà ra xét xử. Nói cho cùng, cũng chỉ là thiên mệnh. Bây giờ thì anh dừng lại ở em, ở Loan, cảm thấy mình mệt mỏi, không muốn đi tìm nữa. Có một điều, sợ lời mình chỉ là độc thoại, cô đơn đến thế đó, Loan ơi! Nhưng dù thế nào cũng viết, cho nó vơi đi! Như nước sông đầy, đổ về biển, lòng biển rộng bao la Loan ạ! Yêu người, thấy hồn mình chợt đau, đau êm ái, nhưng thật sâu, và thật đậm đà. Ngày tháng ở đây thật là dài, từ hôm về, từ hôm xa Loan, tất cả thành xa lạ, ngay chính trong phòng của mình. Chỉ còn nhớ, và nhớ cao vọi đỉnh trời. Nhớ kinh hồn! Hôm em đi học, nằm nhà anh đọc "Ung Thư" trong Văn, thấy anh chàng (quên tên) gọi tên người yêu vang dội cả xóm, anh cười. Chiều qua, mưa như bão, một mình lái xe ra Biển Hồ, đứng trên đồi cao, bắc loa tay gào thật lớn ‘Loan ơi! Loan ơi!’ lúc đó mới thấy chàng ta có lý. ‘Loan ơi!’ tên em bay tung trên mặt hồ, đập vào vách núi, dội lại, và tan trên sóng nước, mưa lớn vô cùng, gọi tên em trong mưa, ướt như ma mà lòng ấm áp dị thường. Loan ơi! Ừ đó! Anh lại gọi tên em bây giờ, khi đang ngồi viết, gọi nhẹ trong hồn mà nó âm vang len vào từng cơ trong thân. Anh Biện mới lấy xe đi phố, anh trốn Biện vào phòng viết cho Loan, gọi tên em trên giấy. Viết rối lại xé, đốt tên em, thả gió cho bay tít chín từng trời. Biện biết chuyện rồi. Tối qua ngồi kể chuyện Loan cho anh nghe. Biện không trách gì anh cả. Hai đêm rồi, ngồi với nhau đến một, hai giờ sáng mới ngủ. Anh rửa ảnh em thật lớn, có thể ngày mai, ngày kia hoặc chiều nay đem theo hình bóng êm đềm thương yêu nhất vào trận đánh khốc liệt đang đợi chờ. Chắc khi em đang đọc thư này thì anh đã đi hành quân rồi, một cuộc hành quân lớn nhất từ đầu năm tới giờ. Đồng thời mẹ anh cũng đang đọc thơ anh, người mẹ thương con hơn cả bản thân mình, anh đã gọi tên Loan bên tai mẹ trong thơ, chắc mẹ sẽ mừng và mẹ sẽ lo, mẹ sợ con bà chưa hội đủ những ước mơ cao vời của Loan, sợ sự cách biệt sang hèn giữa hai nhà. Nhưng anh phải cho mẹ biết, vì anh đã quyết định rồi. Anh chỉ xin mẹ một lần, và nếu không thành, anh sẽ vác ảnh Loan theo bên mình đúng một trăm năm. Ừ, anh sẽ yêu Loan suốt một trăm năm. Loan ạ! Sống thiếu bao nhiêu năm, xuống dưới lòng đất, sau cuộc đời này, còn phải trả cho em đủ số, và hơn thế nữa. Thật là kỳ lạ! Trí óc anh hồi này nó thế nào ấy! Đừng cười anh nghe Loan. Yêu Loan thật nặng và thật sâu. Nhưng từ biệt không nói được gì, ở gần không nói được gì- Khổ thật! Muốn nói, nhưng nói làm sao? Đứng trơ ra cũng kỳ! Kịp khi lên máy bay còn muốn trở về, mong chuyến bay hủy bỏ. Gọi tên Loan cả ngày, Loan có biết đâu? Loan có biết được đâu? Anh Biện đi suốt buổi trưa, chắc ra quán "Sương" với ông T/u Vy để nghe "Tình Nhớ" rồi, Biện biết anh đang nhớ Loan, Biện để anh yên một mình ở nhà, ở nhà buổi trưa thật im lặng, nhớ em, yêu em đến điên hồn Loan ơi! Long"
Lá thư này đã cũ lắm rồi, nó nằm lẫn trong số rất ít những kỷ vật còn sót lại của gia đình tôi. Những kỷ vật ấy, ngoài lá thư, còn có, hai tấm ảnh mặt sau có ghi chữ xanh mù mịt, một tấm thiệp cưới, năm tờ sách xé từ quyển "Let’s Learn English," một trang chúc mừng đám cưới của Tòa Soạn "Nguyệt San Biệt Động Quân" số tháng 10 năm 1970, và một quẻ xâm. Lá thư năm trang rưỡi, viết bằng bút bi mực xanh trên giấy mỏng. Những tờ giấy pơ-lua (pelure) rách góc, rạn nứt, ố vàng. Chữ viết trong thư trông như những con giun, rất khó đọc. Có nhiều chữ tác giả của nó phải nhờ người nhận thư đọc dùm cho, mới biết ngày đó, bốn mươi năm trước, mình đã viết gì. Vào một ngày đầu mùa mưa Pleiku năm 1969, tôi đã viết lá thư này. Tôi đã viết một hơi, không ngừng nghỉ, từ dòng đầu, tới dòng cuối. Tôi cũng không đọc lại, để duyệt lỗi chấm câu, lỗi chính tả. Tôi sợ rằng, nếu đọc lại, tôi sẽ thấy những điều không ổn, tôi sẽ xé nó đi, và không có can đảm viết lại lần nữa. Cái bì thư đề tên người nhận là cô Đinh thị Loan 14 A Khu Độc Lập A Ban-Mê-Thuột, đã dán tem, tôi còn đắn đo với bao nhiêu là câu hỏi nẩy ra trong đầu: Có nên gửi lá thư đi không? Nếu thư tới tay Loan mà cô ấy xé nó đi? Nếu thư tới tay Loan mà cô ấy đã có người yêu? Nếu thư tới tay Loan mà tôi không còn sống sót trở về? Nếu tôi trở về mà chiến trường đã lấy mất một phần thân thể, tôi thành phế nhân? Nếu... Cuối cùng, tôi đánh liều, trao nó cho ông Bưu Tín Viên KBC 4047 của tiểu đoàn 11/Biệt Động Quân, một ngày trước khi lên trực thăng nhảy vào chiến trường Dak-Tô. Cùng lúc, tôi cũng gửi thư cho mẹ tôi và cho bác Đinh văn Võ, thân sinh của Loan và Biện. ----o---- Truyện tình của tôi bắt đầu từ một chiều thu 1968. Hôm đó, trên Núi Voi, Đà-Lạt, một chiếc trực thăng tải thương đáp xuống vị trí của đại đội 1/TĐ11/BĐQ để bốc đi những quân nhân đang lên cơn sốt vì bị ong vò vẽ đánh. Chuyến bay này cũng đem tới cho chúng tôi một bao cát sách báo, thư từ. Cả tháng trường lội núi, băng rừng, không thấy thôn làng, phố xá, vừa thấy cái bao cát mang tin tức hậu phương, chúng tôi mừng quá. Tôi cho đơn vị dừng quân. Sau khi an bài vị trí trú quân đêm, tôi cho phép anh em đốt lửa sưởi và hong giày vớ. Bên bếp than hồng, quan tâm sự với quan, lính tâm sự với lính. Chuyện cửa, chuyện nhà, chuyện gì cũng dốc hết cho nhau nghe. Thiếu úy Duyên, Chuẩn úy Biện, và Thượng sĩ Ngọ có thư. Thư của Biện có cả hình ảnh gia đình. Tựa lưng vào một gốc thông, anh chàng vừa đọc thư vừa tủm tỉm cười. Tôi không có thư, tôi xin đọc ké thư của Biện. Biện không cho. Biện móc trong bì thư, đưa cho tôi xem một tấm ảnh đứa em gái của Biện, - Tôi có năm đứa em gái.Tôi thương con bé này nhất, nó tên là Loan. Nó hiền lắm, hết giờ học là nó ở nhà phụ giúp me tôi. Me tôi tin cẩn nó lắm, tiền bạc trong nhà giao cho nó quản thủ. Không suy chuyển một xu. Trong ảnh là một cô nữ sinh, cỡ mười bốn, mười lăm tuổi. Cô bé mặc áo dài trắng, tay phải ôm chồng vở trước ngực. Bàn tay trái đang làm điệu, cong cong, ngoéo về đằng sau. Cô bé cười, cái miệng và cặp mắt thực dễ thương. Chẳng hiểu vì sao, tự nhiên, tôi thấy có cảm tình với người trong ảnh ngay. Cầm tấm ảnh, tôi chợt nhớ gia đình... Tôi đang nhớ mẹ tôi. Mẹ tôi đang ở ngoài Hội-An... - "Ở trong đó, con thương đứa nào, nhớ báo cho mẹ biết. Mẹ sẽ vào hỏi vợ cho con." Mỗi lần về thăm mẹ, mẹ tôi thường căn dặn tôi câu đó. Đưa ngón tay trỏ ra móc ngoéo tay Biện, tôi đùa, - Ông cho tôi "gởi bao gạo" được không? - Chỉ sợ trung úy không có công chờ. Em nó còn nhỏ quá mà! Nó đang học lớp đệ tứ Trung Học Ban-Mê-Thuột. - Đệ tứ thì đệ tứ! Chờ thì chờ! Có sao đâu? Để có dịp nào ghé qua Ban-Mê-Thuột, tôi sẽ tới nhà ông "coi mắt" người đẹp này. Tôi trả lại cái ảnh cho Biện, và rồi hai đứa chúng tôi cũng quên mất chuyện này. Trước Tết năm đó, sau khi chấm dứt hành quân mở đường Đức-Lập, Gia-Nghĩa, đơn vị tôi đã có dịp ghé Ban-Mê-Thuột. Chúng tôi phải trú quân ở phi trường Phụng-Dực hai ngày để chờ phương tiện chuyên chở về Pleiku. Phụng-Dực chỉ cách Khu Cư Xá Độc-Lập của Sư Đoàn 23/ Bộ Binh chừng vài cây số. Gia đình anh Biện cư ngụ tại đây. Ông cụ thân sinh của Biện đang là Thiếu tá Chỉ Huy Trưởng Tồng Hành Dinh Sư Đoàn. Ấy vậy, mà tôi quên khuấy lời hứa "gởi bao gạo" cho nhà anh. Tôi cứ nằm khoèo ở sân bay, đọc truyện "chưởng", giao chiếc jeep cho các ông sĩ quan đại đội đi đâu thì đi. Tôi cũng quên cả lời hứa sẽ ghé "coi mắt" cô nữ sinh lớp đệ tứ Trung Học Ban-Mê-Thuột. Rồi một ngày, khăn gói gió đưa, tôi về qua thành phố cao nguyên sương mù bụi đỏ... Đầu tháng Năm năm 1969, Trung úy Vương Mộng Long bị chỉ định đích danh, đại diện Liên đoàn 2/Biệt Động Quân đi họp Hội Đồng Kỷ Luật tại Bộ tư lệnh Sư Đoàn 23 /Bộ Binh để xử phạt Trung úy Ninh vừa từ quân lao về đáo nhậm liên đoàn. Tôi tới Ban-Mê-Thuột cùng ngày anh Biện (đã lên thiếu úy) từ Dục-Mỹ tạt về thăm gia đình, trước khi nhập khóa Viễn-Thám Dục-Mỹ. Tôi cùng Thiếu úy Biện đi đón em gái anh, khi cô ta chấm dứt giờ học nhóm ở nhà người bạn gái cùng lớp. Lúc đó là năm giờ chiều ngày 12 tháng Năm năm 1969. Vừa thấy mặt em gái anh Biện, tôi nhận ra ngay cô bé này là người trong cái ảnh mà Biện đã cho tôi xem vào buổi chiểu ngày đại đội 1/11 BĐQ bị ong vò vẽ đánh chạy có cờ trên đỉnh núi Voi, Đà-Lạt. Khi người con gái ấy bước lên xe, không hiểu vì sao tim tôi hồi hộp lạ. Tôi có cảm tưởng như tôi đã quen người này lâu lắm rồi. Lúc ấy, lòng tôi háo hức như tâm trạng một người đi xa về, vừa gặp lại người thân. Tôi nghe nơi đáy tim mình có một niềm vui rộn ràng, dào dạt, lâng lâng... Sáng Thứ Hai, Hội Đồng Kỷ Luật do Trung tá Phùng chủ tọa, chỉ diễn ra chưa tới hai tiếng đồng hồ. Sau khi đóng dấu chứng thực trên sự vụ lệnh, tôi quay lại nhà anh Biện nghỉ ngơi, chờ máy bay đi Pleiku. Bác Võ gái bận việc dưới Qui-Nhơn chưa về, nên hai hôm sau, khi anh Biện đi Dục-Mỹ rồi, thì trong nhà chỉ còn tôi, bác Võ trai, Loan, với một đứa em trai, và ba đứa em gái. Ngoài anh Biện đã đi lính, Loan còn một người chị gái và hai người anh trai hiện sống xa nhà. Do đó mọi việc trong nhà hầu như đều do một tay Loan quán xuyến. Tôi thấy cô ấy quả là một người nội trợ đảm đang. Sáng nào cô ấy cũng dậy thật sớm, pha cà phê cho ông bố, cho tôi, rồi cho bốn đứa em ăn điểm tâm. Sau đó cô bé mới ăn sáng, vừa ăn vừa học bài. Trưa về, cô lại dọn cơm cho cả gia đình, đút cơm cho bé Hồng, xong rồi cô ấy mới ăn cơm. Nhà có u già, nhưng tối tối, tôi thấy cô bé cũng phụ giặt quần áo cho các em. Tôi ngạc nhiên vì sao trong một gia đình khá giả như thế, mà cô ta không hề tỏ ra chút gì kênh kiệu, tự kiêu. Buổi tối, tôi ngồi ngây, cả giờ, ngắm nhìn Loan ngồi học bài. Cái nét dịu dàng, giản dị, trong sáng, và thơ ngây ấy vừa mong manh, vừa quyến rũ, đã khiến trái tim tôi rung động thực tình.Tôi muốn được ngồi ngắm người ấy suốt đêm. Tôi muốn dang tay ra ôm cái đẹp mơ màng, như sương, như mây ấy vào lòng, nhưng lại sợ rằng một cử chỉ mạnh tay, có thể làm cho nó tan đi mất. Hai chúng tôi không nói chuyện với nhau. Đôi lúc mắt tôi và mắt Loan gặp nhau, cô chớp mắt rồi cúi xuống vở. Mỗi lần như thế, tim tôi lại đập liên hồi. Tôi chẳng biết cô ấy nghĩ gì. Không hiểu cô ấy có thấy cảnh tôi đang bối rối hay không? Ở Pleiku, khi tiếp xúc với những cô bạn nữ sinh Minh-Đức hay Bồ-Đề, tôi có ấp úng bao giờ đâu? Ở nhà các cô Minh-Đức, tôi đã từng thao thao cho các cô nghe truyện Chúa Jésu hóa phép khiến nước biển cạn tới đáy để dẫn con chiên qua Hồng-Hải. Còn khi ngồi với các cô Bồ-Đề, tôi lại làu làu giảng giải sự tích cây bồ đề của Phật Thích-Ca. Những lần ấy, tôi nói năng suôn sẻ lắm. Truyện Chúa cũng rành, mà truyện Phật cũng thông! Vậy mà, trong chuyến đi Ban-Mê-Thuột lần này, cái lưỡi của tôi dở tệ! Gần chục ngày ở đây, tôi chẳng nói với cô ta được câu nào cho ra chuyện. Có vài dịp đối diện, tôi định khen cô ấy dễ thương. Tôi muốn nói cho cô ấy biết rằng, nếu tôi được nhìn cô ấy mỗi ngày, tôi sẽ cảm thấy đời hạnh phúc lắm. Nhưng đến lúc cần mở miệng nhất, tôi lại đâm ra bối rối, nói chẳng thành lời. Những ngày sống trong gia đình này, với tôi, thật là êm đềm và hạnh phúc. Tôi ước gì được ở mãi Ban-Mê-Thuột, không về. Trong một tuần lễ dài, sáng sáng tôi đứng nhìn cô ta lên xe đi học. Rồi đi quanh quẩn trong nhà, đọc sách, nhớ nhung. Tôi chỉ mong sao cho mau tới giờ cô ta tan trường về. Ở Pleiku, tôi cũng đã quen vài cô học trò trung học, cùng trang lứa với Loan. Nhưng với họ, tôi chỉ tiến tới nửa vời, chưa bao giờ mở miệng với cô nào câu "tôi yêu..." Vậy mà, vừa gặp Loan, tôi đã thấy tim mình rộn ràng, đã cảm thấy cuộc đời mình sẽ bị cột chặt vào đời người con gái đó, gỡ không ra. Tôi tự nhủ thầm rằng, tôi đã tìm thấy người mà mình trông đợi bấy lâu nay rồi. Tôi tự hứa sẽ yêu cô ta trọn đời. Cô ấy hiền lành dễ thương như thế, nếu mai đây tôi lấy được cô ấy, chắc những đứa con tôi cũng sẽ rất dễ thương... Sự vụ lệnh của tôi cho phép tôi có một ngày họp, và hai ngày đi đường. Đúng lý ra, sau ngày họp, tôi phải trở về Pleiku ngay. Nhưng tôi cảm thấy, tôi không thể rời xa Loan ngay được. Tôi cứ nấn ná ở lại trong nhà cô ta, được ngày nào, hay ngày nấy. Tôi ở Ban-Mê-Thuột đến ngày thứ năm thì ông Đại úy (K16 VB) Hồ khắc Đàm, tiểu đoàn trưởng, điện thoại gọi tôi về để đi hành quân gấp, ông nói rằng vì tôi bận đi công tác xa, tiểu đoàn thiếu đại đội trưởng, nên ông xin trì hoãn lệnh nhảy vào Dak-Tô. Qua tin tức từ Đài BBC, Đài Sài-Gòn và Đài Quân-Đội, tôi cũng biết chuyện Liên đoàn 2/ Biệt Động Quân đang chạm nặng và chờ đợi tăng viện, nhưng tôi cứ phớt lờ. Tôi ù lì tới mức, ông Trung tá Tiến, trưởng phòng 4/SĐ 23/ Bộ Binh phải đích thân lái xe ra Cư Xá Độc-Lập A, tới tận nhà ông Thiếu tá Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư-Đoàn để gặp tôi. Ông giao hẹn rằng, đúng ngày thứ hai tuần sau tôi phải theo chuyến Beaver đặc biệt để về lại Pleiku. Ông Tiến còn hăm, nếu tôi không chịu về đi hành quân thì ông ta sẽ cho Quân Cảnh áp tải tôi ra máy bay. Đến nước này tôi mới chịu thua. Sáng ngày 20 tháng Năm năm 1969, dự trù tài xế sẽ chở tôi ra phi trường trước, rồi quay về đón Loan cùng các em đi học. Tới giờ hẹn, tôi nấn ná không chịu đi. Tay cầm cái kiếng mát Ray-Ban, tôi cứ quay quay cái gọng kính, đi đi, lại lại, quanh nhà. Có vài lần, tôi tới bên bàn học của Loan, ngập ngừng định ngỏ lời, "Loan ơi! Anh yêu Loan!"nhưng miệng tôi cứ ấp úng, không nói được. Sau cùng do có điện thoại thúc giục của ông Trung tá Tiến, tôi đành miễn cưỡng leo lên xe ra phi trường L19. Ông Trung tá trưởng phòng 4 Sư đoàn đang đứng chờ tôi bên chiếc máy bay, ông cằn nhằn, -Tiều đoàn đang chờ cậu về hành quân, mà cậu cứ cà rề, cà rề hoài. Nếu cậu không phải là con ông Võ thì tao đưa cậu ra hội đồng kỷ luật rồi đó! Trung tá Tiến là bạn của Thiếu tá Võ. Ông ta tưởng tôi là con trai bác Võ! Bởi vậy ông đã thân mật xưng "tao" và gọi tôi là "cậu." Tôi nghĩ bụng, "Như thế cũng hay! Biết đâu mai mốt mình trở thành con rể bác Võ?" Chiếc Beaver rộng thênh thang, tôi là hành khách độc nhất. Anh trung úy pilot Mỹ cho tôi biết, anh ta sẽ bay thẳng về đáp bên phi trường Holloway, Pleiku. Tôi tâm sự với anh rằng tôi phải về đơn vị để đi hành quân gấp. Tôi không biết ra đi lần này có còn sống sót hay không. Tôi nhờ anh đảo trên nóc trường Trung Học Ban-Mê-Thuột cho tôi vài vòng, hi vọng tôi có thể nhìn thấy người tôi yêu lần cuối cùng. Nghe tôi tả oán, anh phi công Mỹ động lòng. Chiếc máy bay rà sát ngọn cột cờ trên sân trường Trung Học Ban-Mê-Thuột hai vòng, rồi mới ngóc đầu bay về phương bắc. Trong sân trường đầy học trò. Có nhiều nam nữ sinh ngửa mặt nhìn lên.Tôi chẳng phân biệt được ai với ai. ----o---- Về Pleiku, tôi cứ buồn vẩn vơ, nhớ nhung người ở xa. Ngày tháng trở nên dài đằng đẵng. Tiểu đoàn còn nằm ứng chiến chờ lệnh. Ngày nào cũng có những chuyến Chinook tải thương binh từ Kontum về Quân Y Viện Pleiku. Nghe đâu, Tiểu đoàn 22/ Biệt Động Quân bị thiệt hại khá nặng, vừa được rút ra Tân-Cảnh. Tiểu đoàn 23/ Biệt Động Quân còn kẹt lại trong vùng. Tiểu đoàn 23 /Biệt Động Quân đang bị một trung đoàn Cộng-Sản bao vây. Có lúc tôi thấy mình thật là mềm yếu khi nghe tin không vui truyền về từ chiến trường. Trong tâm trạng rối bời, tôi viết lung tung trên từng trang giấy của quyển Anh Văn "Let’s Learn English" những dòng chẳng ăn nhập gì với nhau, -"Anh vẫn biết yêu em là một phiêu lưu nguy hiểm.
-"Bé Loan, sao mình lại nhớ con bé ấy được nhỉ? Đẹp ở cái mục nào? mà mình lại có vẻ muốn láng quáng?Hiền! ừ hiền! dám nhụt chí anh hùng kỳ này cũng nên! Sắp hành quân, đừng nghĩ bậy!" - "Dak-Tô! Dak-Tô! Nghe như một tiếng gọi thật buồn. Ngày mai anh đi. Bên cái chết, anh sẽ nghĩ gì về em? Loan ơi!" cuối trang này, tôi đã ghi lại hai chữ "Loan ơi!" tới mười tám lần! Và sau khi nhận lệnh hành quân, tôi viết tiếp, - "Dak-Tô! Dak-Tô! Tôi sẽ gọi tên Loan suốt ngày để tìm một nhiệm màu của tình yêu, hướng dẫn đại đội tôi, trong suốt cuộc hành quân đầy đe dọa này!" -"Đinh thị Loan!.......... Dak-Tô!" Tôi đã tô thật đậm tên Đinh thị Loan và địa danh Dak-Tô trên trang giấy cuối cùng của quyển sách, rồi yên tâm chuẩn bị lên đường. Trưa 24 tháng Năm, tôi tập họp đại đội, cho lệnh cấm quân, và trang bị sẵn sàng. Ngày 25 tháng Năm chúng tôi tới tuyến xuất phát. Từ căn cứ 6 và căn cứ Dak-Mot pháo binh Hoa-Kỳ bắn không ngừng. Ngồi chờ trực thăng nơi cuối phi trường Phượng-Hoàng, tôi thấy xa xa, núi rừng hướng nam, những cột khói bụi bốc cao ngút trời. Trong vùng lửa đạn mù mịt ấy, Trung đoàn 28/ Mặt Trận B3 Cộng Sản và Tiểu đoàn 23/ Biệt Động Quân đang quần thảo. Vài phút nữa, tôi sẽ bay vào tiếp tay cho quân bạn. Chúng tôi lên tàu vào lúc buổi trưa. Đại đội tôi lại đi đầu. Bãi đáp sẽ là triền tây bắc của ngọn Ngok Dơrlang, cao 882 mét, nằm cách quận lỵ Dak-Tô chừng 15 cây số về hướng tây nam. Trực thăng chuyển quân và võ trang bay nườm nượp như ong. Đoàn máy bay chui vào vùng khói bụi. Chưa tới mục tiêu, chúng tôi đã nghe phòng không địch "Toác!Toác!Toác!" ròn rã. Bốn chiếc Cobra đảo lên, chúc xuống. Rocket theo nhau xịt khói "Oành! Oành!" Phòng không tạm thời im tiếng. Dưới bãi đáp, thương binh nằm la liệt. Trung tá Daniels, cố vấn trưởng của liên đoàn nhảy theo đại đội tôi để tiếp tay quân y Biệt Động Quân. Hai đại đội trưởng của Tiểu đoàn 23/ BĐQ vừa bị loại khỏi vòng chiến. Họ được chiếc tàu thả tôi xuống, tải thương đi. Một trong hai sĩ quan đó là Đại úy Nguyễn thới Tân, bạn cùng khóa 20 Võ Bị của tôi. Tân bị gãy tay. Tôi chỉ kịp vỗ vai bạn một cái, rồi vội vàng chia tay. Đạn pháo địch rơi không biết cơ man nào mà kể. Tiếng réo của 105 ly cứ "Xèo! Xèo!" trên đầu. Đại đội tôi chưa đổ bộ hết, đã có người bị thương vì pháo. Kiểm quân xong là, "Xung phong!... Sát!" -"Biệt Động!... Sát!" Vừa tràn xuống chân đồi, chúng tôi đã gặp B40. Địch thật là chịu chơi! Dám ra mặt nghênh chiến giữa ban ngày. Lợi dụng hỏa lực hùng hậu của Cobra yểm trợ, Biệt Động Quân tiến lên ào ạt. Từng đợt, từng đợt, chúng tôi mở rộng vòng đai kiểm soát ra xa. Hết Cobra, quân ta ngừng, chờ F4 C Phantom. Từ lúc đặt chân xuống đất, cho tới khi tiểu đoàn hoàn tất việc chuyển quân, đã có ít nhứt sáu phi xuất F4C và hai phi xuất Skyraiders được xử dụng chỉ riêng cho mặt trận hướng đông nam của tôi. Đại đội tôi đánh nhanh như vũ bão. Đánh bao vùng từ nam lên bắc. Cứ thế, chúng tôi đánh nhau với địch cho tới khi trời tối. Ra quân ngày đầu, đại đội tôi hạ sát được gần ba chục địch quân, thu gần hai chục vũ khí. Chúng tôi thiệt mất bảy người bị thương, không có người chết. Tôi thầm cám ơn Niên trưởng Lê phú Đào (K10VB) vì lời chúc lành, ông đã nói với tôi, khi tiễn tôi lên tàu, "Chúc chú mi gặp nhiều may mắn. Kỳ này tha hồ mà lượm súng!" Đêm ấy, đại đội 1/11 có nhiệm vụ phòng thủ tuyến nam của đồi 882. Tôi không thể chợp mắt được một phút nào. Tôi cùng Thiếu úy Vy và Thượng sĩ Thống, thường vụ đại đội, luân phiên đi tuần tra các trạm gác giặc. Sau đó, tôi trở lại, ngồi bó gối trong lều. Điếu thuốc trên môi, mắt dõi theo đóm hỏa châu chập chờn, lòng tôi trĩu trong nỗi nhớ. Nửa khuya, tôi cắm cái écouteur vào chiếc máy thu thanh nhỏ để nghe tin tức. Lúc ấy, trên làn sóng ngắn của Đài Phát Thanh Quân-Đội, đang là chương trình Dạ Lan. Giọng một nữ ca sĩ nỉ non, "Ngày nao, trên quê hương, vó ngựa hồng gục ngã. Em nhắc đến tên anh, với điệu buồn xa lạ..." Chiếc AC 47 rời vùng, hỏa châu ngừng soi, pháo binh của ta lại bắt đầu làm việc. Chiến địa sục sôi không ngừng nghỉ phút nào. Đạn đại bác bay vèo vèo. Trong màn đêm, trên các hỏa tập tiên liệu xung quanh Ngok Dơrlang, những đóm lửa bừng lên rồi tắt. Qua một đêm không ngủ, sáng 26 tháng Năm tôi được lệnh mở đợt tấn công mới về hướng chính đông. Đại đội 4 theo chân đại đội tôi, sẵn sàng tiếp cứu khi đơn vị tôi chạm nặng. Suốt ngày hôm ấy, Thẩm Quyền 5 đã bay trên đầu, vào tần số nội bộ của tiểu đoàn, theo dõi và cổ vũ cho cánh quân đi tiên phong. "Thẩm Quyền 5" là danh xưng truyền tin của Đại tá Nguyễn Bá Liên, Tư lệnh Biệt Khu 24. Trong năm tiếng đồng hồ, đánh lên, tụt xuống một ngọn đồi không tên tuổi, tôi chiếm được vị trí đóng quân cấp tiểu đoàn của địch. Trên ngọn đồi cỏ tranh này, các hố cá nhân cũng như cộng đồng của Việt-Cộng, không có bờ đất làm ụ súng. Địch đã san đất cho sát mặt cỏ, rồi ngụy trang miệng hố bằng cành lá khô để tránh sự phát hiện của phi cơ. Vì thế, việc kiểm soát rất khó khăn.Trong khi lục soát mục tiêu, Hạ sĩ Nghết và Thiếu úy Vy, đã chết vì một loạt đạn AK bắn lên từ một hố cá nhân phía sau lưng. Tài liệu trên xác địch, cho tôi hay, đơn vị địch đang đương cự với Tiểu đoàn 11/ Biệt Động Quân bây giờ là Trung đoàn 66 của Mặt Trận B3. Đó là đơn vị xuất sắc số 1 của Cộng Quân trên chiến trường Tây Nguyên trong thời gian này. Chiến trường la liệt xác giặc. Hàng trăm vũ khí của địch bị tịch thu chất thành đống nơi đỉnh đồi. Chiến thắng lớn, nhưng lòng tôi buồn vô cùng. Mới vào trận được hai ngày, tôi đã mất một số thuộc cấp thân cận nhứt. Ngoài Thiếu úy Vy, và Hạ sĩ Nghết, tôi còn thiệt mất tám người chết và năm bị thương. Hạ sĩ Trần Đợi, xạ thủ M 60, cùng hai người mang máy truyền tin cho tôi là Binh nhứt Nguyễn Thiên và Binh nhứt Nguyễn Cưởng nằm trong số những người chết này. Với tôi, Vy là một người bạn khá tương đắc, đồng thời là một trợ thủ xuất sắc. Anh là người bà con gần của Đại tá Liên. Nhiều lần Vy từ chối đề nghị thuyên chuyển về làm việc ở Bộ Tư Lệnh Biệt Khu 24. Bạn tôi nằm đó, nằm yên như đang ngủ. Viên đạn xuyên qua tim một người chiến sĩ ở chiến trường, ngày mai, khi tin về, viên đạn sẽ xuyên qua tim một người vợ trẻ đang chờ chồng ở cư xá Trần Quý Cáp, Pleiku. Vợ của Vy đang mang thai đứa con đầu. Vết thương trong tim người góa phụ không biết tới bao giờ mới thôi nhỏ máu? Trước ngày hành quân, đại đội tôi có năm sĩ quan. Hai người đang đi thụ huấn, còn lại ba người. Tới tuyến xuất phát, anh sĩ quan đại đội phó của tôi được điều động sang xử lý đại đội 4 thay Đại úy Nguyễn Lạn (K20 VB) để anh Lạn lên xử lý chức vụ tiểu đoàn phó. Thiếu úy Vy tử trận, tôi không còn sĩ quan nào dưới tay. Từ giờ phút này, tôi vừa làm đại đội trưởng, vừa kiêm chức trung đội trưởng trung đội 2. Trách nhiệm đè nặng trên vai con chim đầu đàn của đơn vị. Đêm 26 tháng Năm, tin tình báo kỹ thuật cho hay, địch đang tăng cường lực lượng để bao vây và tấn công tiêu hao các đơn vị Biệt Động Quân trong khu vực. Một đơn vị Cộng -Sản đã có mặt trên cái yên ngựa hướng đông nam và nhiều cuộc chạm súng rất ác liệt đã xảy ra bên hướng Tiểu đoàn 23/BĐQ. Cũng trong đêm đó, một đơn vị Đặc-Công của Việt Cộng xâm nhập vùng hướng nam đồi 882 nhưng bị chúng tôi đẩy lui. Gần sáng, một lực lượng đông đảo của Cộng-Quân chuyển dịch áp sát chân ngọn đồi do đại đội tôi phòng thủ. Sáng 27 tôi được lệnh xuống núi ngăn chặn mũi dùi này của địch.Thời tiết rất xấu. Mưa to gió lớn. Không yểm giới hạn. Trận đánh cứ giằng co mãi. Chúng tôi đã hạ được hơn hai chục tên giặc, nhưng đại đội tôi cũng hụt thêm gần chục người, vừa chết vừa bị thương. Sau khi thấy tôi không thể tiến xa hơn lằn ranh kiểm soát ngày hôm trước, đại úy tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho Đại úy Lạn dẫn Đại đội 4/11 lên thay nhiệm vụ của đại đội tôi. Cánh quân này cũng chỉ chịu đựng được nửa giờ rồi đành phải dội ngược trở lại. Tới chiều, đại úy tiểu đoàn trưởng đành rút chúng tôi về vị trí cũ, phòng thủ chung tuyến với tiểu đoàn. Khi quân ta co cụm lại thì địch tung quân chốt chặn tất cả các điểm nước. Tình hình trở nên trầm trọng. Coi như hai Tiểu đoàn Biệt Động Quân đã bị bao vây bởi một Sư-Đoàn Cộng-Sản gồm Trung đoàn 40 Pháo và hai Trung đoàn Bộ binh 28 và 66 của Mặt Trận B3. Suốt ba ngày ròng rã, từ khi đơn vị tôi nhảy xuống đất, pháo địch không ngừng tàn phá những ngọn đồi chúng tôi trấn giữ. Địch pháo đủ loại, liên tục từ khi mặt trời ló dạng, cho tới khi chạng vạng, nghĩa là khi tiền sát viên Cộng- Sản không còn nhìn thấy mục tiêu để mà điều chỉnh pháo được nữa. Pháo binh Hoa-Kỳ từ căn cứ hỏa lực Dak-Mot và căn cứ hỏa lực số 6 (Ngok Ring Rua) chỉ có thể phủ vùng xung quanh chúng tôi chừng năm cây số. Pháo 105 ly của địch nằm về hướng biên giới bắc Cambode, ngoài tầm phản pháo của quân bạn, vì vậy địch tha hồ tưới đạn lên đầu quân ta mà không sợ bị phản pháo. Mặt khác, lưới phòng không 12,7 ly càng lúc càng chằng chịt thêm, không chừa một khe hở nào cho trực thăng có thể đáp. Hàng chục thương binh của hai Tiểu đoàn 11 và 23/Biệt Động Quân còn đang chờ phương tiện. Chưa có tải thương thì chúng tôi không thể bỏ ngọn đồi này được. Năm sáu xác Biệt Động Quân cuộn trong poncho để nơi bãi đáp, có cái bị đạn trái phá đánh tung xuống triền đồi. Ban đêm, trời lạnh, mùi thối của tử thi không nồng nặc như lúc ban ngày. Đêm nay không có dấu hiệu gì của Đặc-Công, nhưng trận đánh này quá căng thẳng, nên anh em không ai ngủ yên được. Tôi ngồi dựa lưng vào một gốc cây khô. Dưới kia là thung lũng sâu, mờ mờ.Trăng thượng tuần bị mây mù che khuất. Trời trở gió. Tôi chui vào lều, bật cái đèn nhỏ cắm từ cục pin PRC 25, tìm tấm bản đồ. Mặt sau cái bao bản đồ hành quân là hai cái ảnh của Loan. Hôm đi chơi thăm Lâm-Tuyền Cốc, Loan đã chụp một cái ảnh đứng một mình, và một cái khác ngồi trên tảng đá, bên cạnh anh Biện. Về Pleiku, tôi phóng hai tấm ảnh lớn ra, cắt bỏ hình anh Biện, giữ hình Loan lại. Ngày lên đường vào Dak-Tô, tôi để hai ảnh Loan đàng sau tấm bản đồ. Lần đầu trong đời, tôi nặng lòng thương nhớ một người con gái. Vào chiến trường, với hai tấm ảnh của nàng, tôi cảm như nàng đang ở bên tôi. Tôi thấy đôi mắt to đen đang nhìn tôi, và miệng nàng đang cười chúm chím. Không biết hôm nay Loan đã nhận được thư của tôi chưa? Không biết sáng mai em đi học, trời mưa hay nắng? Không biết em có nhớ gì tôi không? Tôi mở ba lô, lấy quyển sổ tay, ghi lại tâm sự của mình, Đêm trên đồi 882 (Gởi người tình nhỏ ở Ban-Mê-Thuột)
Nửa đêm, B52 đánh ầm ầm vùng Tam Biên. Sau đó Spooky bao vùng, liên tục bắn phá những vị trí phòng không trên các chỏm núi. Mờ sáng ngày 28 tháng Năm, hai chiếc HU1 D bất thình lình rà sát đọt cây, ào xuống đem hết thương binh đi. Tôi được lệnh mở đường xuống núi. Bên trái trục tiến của đại đội tôi có một cánh quân của Đại úy Nông đức Chiêu, Tiểu đoàn trưởng TĐ 23/BĐQ. Hai tiểu đoàn Biệt Động Quân nương vào nhau, tìm cách đục thủng vòng vây của địch. Chúng tôi vượt qua một cái yên ngựa rồi leo lên ngọn 843. . . . . . . |