Menu

Hành Quân Daniel Boone

Theo tài liệu trong cuốn ‘S.O.G.’ tác giả John L. Plaster

Vũ đình Hiếu


Ngồi đằng sau chiếc máy bay quan-sát, Wilcorek để-ý đường 19 nơi hướng đông bắc lãnh thổ Cambodia. Con đường này rộng đủ cho hai xe chạy, bụi bay lên mù-mịt chứng tỏ có đoàn xe đang di chuyển ở dưới, khu vực xung quanh không có làng mạc hay dấu hiệu nào của dân cư. Trong tháng Mười năm 1965, nơi thung-lũng Ia-Drang, sư-đoàn 1 Không-Kỵ Hoa-Kỳ mất 304 quân, khi chạm súng với hai trung đoàn chính-quy Bắc Việt, di chuyển và nhận tiếp tế từ bên Miên qua.

Năm 1966, đường 19 được bí mật nối liền với đường 110 và 96 trên đất Lào, điều này cho biết hệ thống đường mòn Hồ-Chí-Minh không dừng lại ở Lào và tiếp tục đi về hướng nam qua đất Cambodia. Cuối năm 1966, các toán biệt-kích thường xuyên phát giác đoàn quân xa của địch chuyển quân qua Miên. Đầu năm 1967, tướng Westmoreland cùng đô-đốc Grant Sharp tư lệnh Lực-Lương Thái-Bình-Dương, yêu cầu giới chức thẩm quyền ở Washington D.C. cho phép biệt-kích thuộc đơn vị SOG xâm nhập, dò-thám lãnh thổ Cambodia. Tháng Năm 1967, Đoàn Nghiên-Cứu Quan-Sát (SOG) được ưng thuận tổ chức hành-quân Daniel Boon, vượt biên qua Miên.

Chính quyền Sihanouk có nhiều liên hệ mật thiết với giới lãnh đạo Hà-Nội, các toán biệt-kích xâm nhập qua đất Cambodia phải dấu thật kín để bộ Ngoại-Giao Hoa-Kỳ có thể chối cãi dễ dàng. Các toán bìệt-kích chỉ có nhiệm vụ lấy tin tức tình báo chiến lược, không được tấn công, phá hoại, phục kích hoặc gài mìn bẫy. Họ được dặn dò thêm, cẩn thận nhầm lẫn lính Cambode và lính cộng-sản Bắc Việt, cả hai đều mặc quân phục xanh, trang bị AK-47. Trực thăng võ trang là hỏa lực duy nhất yểm trợ cho các toán biệt-kích hoạt-động bên Miên trong trường hợp khẩn cấp.

Lúc ban đầu, hành quân Daniel Boon chú trọng vào khu vực rừng núi rậm rạp tây bắc Cambodia, ráp-ranh với cao nguyên trung phần thuộc lãnh thổ Quân-Khu II / VNCH. Chuyến đầu tiên êm-xuôi, chuyến thứ hai xâm nhập ngày 15 tháng Sáu năm 1967. Trung Sĩ Nhất Lowell Stevens làm trưởng toán biệt-kích tuyên bố như sau ‘Đó là ngày dài nhất trong đời tôi’. Được một chiếc H-34 không phù hiệu Kingbee thuộc phi-đoàn 219 KL/VNCH đưa vào vùng xâm nhập nơi một sườn núi trong đất Lào khoảng 100 thước. Trưởng toán (One Zero) Stevens, toán phó Trung-Sĩ Roland Nuqui và bốn biệt-kích Nùng chạy ra khỏi bãi đáp cỏ tranh bị cháy, biến mất vào trong cánh rừng núi rậm rạp theo sau là những tiếng gọi nhau ơi-ới cùng tiếng súng bắn báo động. Họ đã bị địch phát giác.

Nhiệm vụ của toán biệt kích này là tìm kiếm hai con đường mòn, trạm đóng quân, vị trí đặt súng đại bác của pháo binh CSBV trong vòng năm ngày. Họ đã bị lộ khi xâm nhập, bây giờ chỉ cầu an, quân Bắc Việt đang bủa lưới bao vây toán biệt-kích. Đặt khẩu tiểu liên Thụy Sĩ K xuống đất, Stevens báo cáo ‘Bọn Bê-Bối (lính Bắv Việt) đang bao vây tụi tôi. Yếu cầu triệt xuất ngay tức khắc’.

Rủi cho toán biệt-kích, viên sĩ quan SOG ngồi ghế sau chiếc máy bay quan sát điều-không (FAC) không có kinh nghiệm về chiến tranh ngoại lệ, tưởng rằng Stevens nói hoảng, nên không ra lệnh cho chiếc Kingbee quay trở lại bốc toán biệt-kích. Viên sĩ-quan này đòi hỏi phải có bằng chứng áp-lực của địch. Ngồi trong bụi, toán trưởng biệt-kích cùng toán viên có thể nghe tiếng sĩ-quan Bắc Việt ra lệnh cho binh-sĩ của họ di chuyển lên đỉnh núi nơi toán biệt kích đang lẩn trốn.

Đúng ra, Stevens cùng toán viên của anh ta thuộc hành-quân Omega (Project Omega), trên giấy tờ họ là quân nhân trong Liên-Đoàn 5 LLĐB/HK. Đơn vị này tổ chức hành quân Omega do B-50/LLĐB gánh chịu và hành-quân Sigma do B-56 đảm trách. Hai hành quân, này nhiệm vụ xâm nhập vùng địch kiểm soát trong miền Nam Việt-Nam. Các sĩ quan cao cấp trong LĐ 5/LLĐB muốn dành nhiệm vụ qua Miên, cuối cùng bộ tư-lệnh Quân-Viện giao cả hai hành quân Omega, Sigma cho đơn vị SOG điều khiển.

Phải thúc giục nhiều lần, cuối cùng viên sĩ quan trên ghế sau chiếc FAC đưa vào bốn chiếc trực thăng võ trang (Huey gunship) bắn yểm trợ cho trực thăng H-34 vào bốc toán biệt-kích ra. Vì sườn núi có độ dốc cao, chiếc H-34 đem theo một quân nhân Hoa-Kỳ Thượng-Sĩ Ben Snowden, phụ giúp việc lôi các quân nhân biệt-kích lên máy bay. Khi Stevens nâng người dẫn đạo Nùng lên cho Snowden, địch quân bắn xối xả vào chiếc máy bay, chiếc Kingbee lắc lư nhưng vẫn đem các biệt kích ra khỏi vùng đang bị hỏa lực địch đàn áp.

Trúng 68 viên đạn, hỏng máy chiếc H-34 rớt xuống đất. Từ nơi trú ẩn, Stevens nhìn lên sườn núi thấy một cái hang, bên trong là khẩu đại liên, địch đã ngưng bắn sau khi chiếc máy bay rớt. Chiếc FAC gọi thêm khu trục thả bom làm thành màn lửa che cho toán biệt kích. Một chiếc Kingbee khác đáp xuống rước toán biệt-kích. Khi chiếc bày bốc kên cao khoảng 30 bộ, khẩu đại liên trong hang lại khai hỏa, bắn đứt đuôi chiếc trực thăng. Chiếc Kingbee quay vòng vòng trên trời rồi rớt xuống, phát hỏa. Tất cả biệt-kích cùng với phi hành đoàn chạy thoát ra ngoài, chạy lên một ngọn đồi khác lẩn trốn. Chỉ còn chiếc Kingbee duy nhất trên trời, nhưng chiếc này phải quay về đổ thêm xăng.

Kể cả nhân viên phi hành đoàn, tất cả chín người, chỉ có viên xạ thủ đại liên trên chiếc H-34 bị thương nặng. Từ trên đồi, họ theo dõi các khu trục A-1 Skyraider thả bom Napalm, rồi một chiếc trúng đạn rớt. Các biệt kích quân nín thở nhìn chiếc dù bị gió thổi dạt về hướng có quân Bắc Việt. Sau đó đoàn trực thăng khác xuất hiện, chiếc Kingbee còn lại xuống đón tất cả về Dakto an toàn. Stevens cùng toán biệt-kích Nùng ra khỏi máy bay, họ kiệt sức. Trong một chiếc poncho có xác Thượng Sĩ Snowden, ông ta lãnh chín viên trong số 68 viên bắn trúng chiếc Kingbee thứ nhất. Để đặt danh dự cho người quân nhân đầu tiên hy sinh trong hành quân Daniel Boon, văn phòng làm việc trong căn cứ ở Kontum được đặt tên la Snowden Hall.

Trong vòng vài tháng, các toán biệt kích trong hành quân Daniel Boon đem về nhiều tin tức về hệ thống đường mòn, điện thoại, căn cứ và kho tiếp vận của địch. Phiá nam vùng tam biên, dưới tỉnh Pleiku VNCH, là một khu vực hiểm trở, rừng núi rậm rạp. Quân đội Bắc Việt xây dựng một căn cứ rất rộng lớn. Quân Bắc Việt và Việt-Cộng tập trung trong khu vực này từ ba đến bốn sư-đoàn. Trong khu vực Lưỡi-Câu gần Lộc-Ninh, địch quân đặt bộ chỉ huy tối cao của Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam (Trung Ương Cục Miền Nam hay Cục R).

Hầu hết các chuyến xâm nhập qua Miên, nhắm vào khu vực Lưỡi Câu và vùng Tam-Biên. Mùa Thu năm 1967, quân đội Hoa-Kỳ thiệt hại nhiều nhất trong trận Dakto, gần khu vực hoạt động của đơn vị SOG. Trong khi lữ-đoàn 173 Nhẩy-Dù Hoa-Kỳ đánh từng thước đất lên đồi 875 tây nam Dakto. Vài toán biệt-kích SOG xâm nhập về hướng tây 5 dặm trên đất Cambodia để yểm trợ cho lữ-đoàn 173 (Đơn vị này chưa chắc đã biết các hoạt động của SOG). Một toán do trưởng toán Stevens lãnh đạo, toán phó là Trung Sĩ Nhất Ken ‘Shoebox’ Carpenter, lội bộ qua đất Miên từ Nam Lào tìm con đường tiếp vận bí mật mà quân Bắc Việt dùng để tiếp tế cho các đơn vị đang chiến đãu trên đồi 875 và để biết địch sẽ tăng viện thêm quân hay rút lui. Toán biệt-kích này lục soát hai ngày, đến trưa ngày thứ ba họ khám phá ra con đường được trồng cây giả và rải lá nguỵ trang. Toán biệt kích bố tri và chờ xem...

Trời vừa chập tối, quân biệt kích bắt đầu nghe tiếng động cơ xe Molotova. Khoảng 10 giờ đêm, từng toán dân công xuất hiện như những bóng ma, lặng lẽ dọn đường cho xe đi. Con đường nhỏ đủ cho chiếc xe vận tải chạy qua. Nửa giờ sau, đoàn xe vận tải chạy qua đem theo đồ tiếp liệu, lương thực tiếp tế cho đơn vị đang đánh trên đồi 875. Địch không tăng viện thêm quân vào chiến trường. Khoảng 4 giờ sáng đoàn xe trở lại đem theo xác quân Bắc Việt tử trận. Trước khi trời sáng, đoàn quân ma xuất hiện, trồng lại cây, một vài dân công đi sau đeo túi lớn, rải những lá cây trên mặt đường che dấu bánh xe.

Mùa Thu năm 1967, và đầu năm 1968, SOG xử dụng quân của Liên-Đoàn 5 LLĐB/HK, hành quân Omega và Sigma cho hành quân Daniel Boon. Các toán biệt-kích đóng tại Ban-Mê-Thuột xâm nhập qua Miên. Các toán khác đóng trên Kontum đảm trách những mục tiêu vùng Nam Lào. Bộ chỉ huy ngoài Đà-Nẵng với các căn hành quân tiền phương ở Phú-Bài, Khe-Sanh và Kontum trở thành bộ chỉ-huy Bắc (CCN), các toán biệt-kích có tên tiểu bang hoặc rắn như Anaconda, California. Ban-Mê-Thuột trở nên bộ chỉ-huy Nam (CCS) các toán biệt kích có tên dụng cụ như Saw (Cưa), Hammer (Búa).

Đầu năm, ngày 29 tháng Giêng năm 1968, đơn vị SOG lãnh tổn thất mất tích đầu tiên bên Miên. Trung-Sĩ Nhất Charlie White, còn ba ngày nữa hết hạn kỳ phục vụ ở Việt-Nam, xâm nhập vào khu vực đông bắc Cambodia, chạm súng với địch, chạy đến một khoảng đất trống để trực thăng có thể dùng dây câu lên. White to con như cầu thủ chơi Football, 6 feet 4, 280 pounds. Khi trực thăng kéo anh ta lên cao khoảng 25 feet, White rớt xuống đất. Trong lúc địch đang truy kích và vì trời tối, nên phải đợi đến sáng hôm sau, đơn vị SOG mới tổ chức tìm kiếm.

Toán cấp cứu Bright Light gồm Trung-Sĩ Nhất Zabitosky và Dallas Longstreath III nhẩy xuống khu vực bãi đáp nơi bốc toán biệt kích hôm qua. Họ tìm thấy dấu vết quân Bắc Việt dàn hàng ngang lục xoát tiến lên đồi, rối tụ lại tại một điểm có cây bị gẫy, có lẽ nơi Trung-Sĩ White rớt. Không thấy có vết máu, trong vùng có nhiều dấu chân địch, và còn đơn vị Bắc Việt, toán biệt-kích Bright Light phải quay về. Bộ Quốc Phòng Hoa-Kỳ coi như Trung-Sĩ White tử trận. Trung Sĩ Zabitosky, người đi tìm, tin rằng White bị bắt, Hà-Nội trả lời không biết gì về chuyện đó.

Một trường hợp mất tích khác xẩy ra bên Miên, Trung-Úy Harry Kroske Jr. được biết rõ. Kroske rất nổi tiếng, làm trưởng toán biệt-kích Hammer trên Ban-Mê-Thuột. Toán Hammer gồm hai LLĐB/HK và bốn biệt kích Nùng lãnh nhiệm vụ dò thám khu vực Lưỡi-Câu, nơi tình nghi có căn cứ lớn quân-đội Bắc-Việt và Cục ‘R’. Sau vài ngày thực tập, toán biệt-kích phát xuất từ căn cứ hành quân tiền-phương Bù-Đốp xâm nhập vào buổi chiều.

Bãi đáp chỉ có cỏ tranh, trống trải, toán biệt kích di chuyển thật nhanh đến một cánh rừng cách đó khoảng 1/4 dặm. Vào đến bià rừng, Trung-Úy Kroske ra lệnh cho Stockdale gọi máy liên lạc trong khi anh ta cùng người hướng đạo Nùng đi sâu vào trong quan sát một con đường lớn mà họ trông thấy từ trên trực thăng khi đáp.

Stockdale báo cáo xong, tiếng trực thăng bao vùng bay về căn cứ. Còn nửa tiếng nữa, mặt trời lặn và toán biệt kích sẽ tìm điểm đóng quân đêm an toàn. Bỗng dưng, một tràng đạn AK sé tan bầu im lặng (cả biệt-kích lẫn địch quân đều xử dụng AK), rồi một tràng nữa rồi súng đạn nổ vang dội, cách Stockdale khoảng 50 feet, nơi Kroske cùng người khinh binh đi thăm dò. Stockdale vội vã gom toán biệt kích còn lại sẵn sàng ứng chiến, rồi người lính Nùng chạy trở lui báo cáo ‘Lieutenant fini! Trung-úy chết rồi!’. Stockdale bất chấp nguy hiểm chạy lên tìm Kroske. Anh ta vừa di chuyển vài bước, súng AK nổ tiếp, đạn cầy trên mặt đất văng đất buộc Stockdale phải năm xuống, mấy người lính Nùng phát hoảng bỏ chạy.

Sau này Stockdale biết rằng, Kroske đi đụng ba người lính Bắc Việt, anh ta nổ súng trước trúng hai địch quân, tên thứ ba bắn trả lại trúng Kroske hai viên vào bụng, một vào ngực. Chàng chạy trở lui, chui vào một góc rừng nằm im khoảng năm tiếng đồng hồ, đến nửa đêm. Quân Bắc Việt đi lùng khắp nơi suốt đêm, tìm không ra người lính biệt-kích Hoa-Kỳ.

Trong khi đó cách Ban-Mê-Thuột 80 dặm, một đơn vị độc nhất thuộc Không-Lực Hoa-Kỳ, Phi-Đoàn 20 Hành-Quân Đặc-Biệt gửi sáu chiếc trực thăng Huey đi cứu Stockdale. Trực thăng thuộc phi-đoàn này không sơn phù hiệu KL/HK, chỉ sơn hình con ong nên có biệt danh ‘Green Hornets’. Đơn vị cấp cứu mất gần ba tiếng đồng hồ đánh đuổi địch quân mới thả dây cấp cứu xuống câu Stockdale ra khỏi vùng nguy hiểm. Trung-Úy Kroske mất tích, không thâu hồi được xác. Stockdale trở thành trưởng toán Hammer, anh làm trưởng toán gần hai năm và rất nổi tiếng trong bộ chỉ huy Nam (CCS).

Trong phi-đoàn Green Hornets, Thiếu-Úy Flemming rất nổi về tài thả những toán biệt-kích của SOG, Trong một phi vụ bay có Thiếu-Tá Paul McClellan thả toán biệt-kích Chisel nơi mục tiêu Tango-51 Toán biệt kích xuống bãi đáp an-toàn, di chuyển đến một giòng sông rộng làm nhiệm vụ thám thính sự di chuyển của địch trên sông. Chiếc trực thăng Green Hornets bay về trại LLĐB Đức-Cơ gần biên giới, nơi phát xuất của toán biệt-kích. Họ sẽ ăn trưa, lấy thêm xăng, rồi buổi chiều bay về hướng nam thả toán biệt-kích khác vào đất Miên.

Trong khi đó toán Chisel đã bố trí xong, trong một bụi cây gần bờ sông để quan sát. Toán này do Trung-Sĩ Ancil ‘Sonny’ Franks làm trưởng toán đã gần một năm, toán phó là Trung-Sĩ Charles Hughes và ba biệt-kích người Thượng. Họ đem theo Đại-Úy Randolph Harrison, cấp chỉ huy mới của đại-đội thám-kích. Ông ta đi theo để biết đàn em mình làm ăn ra sao.

Trong khi mọi người làm thêm ngụy trang chỗ ẩn núp, Hughes đang kéo cần antenna lên để liên lạc thì địch tấn công toán Chisel. Trung Sĩ Hughes cố gắng gọi cầu cứu nhưng không ai trả lời. Trưởng toán Franks biết bị kẹt nơi bờ sông, hết chỗ chạy. Toán biệt-kích cố gắng cầm cự tại vị trí, trong lúc quân Bắc Việt kéo đến càng đông. Hughes tiếp tục liên lạc cầu cứu, phi đoàn năm chiếc Green Hornets đã bay xa 30 dặm, không chiếc nào nghe được tiếng cầu cứu của Hughes.

May thay trên vùng lúc đó có máy bay FAC do Thiếu-Tá TQLC/HK Charles Anonsen lái, ông này bắt được tần số của toán Chisel và bay về hướng toán đang bị vây để nghe rõ hơn và gọi hợp đoàn Green Hornets quay trở lại. Thêm một trở ngại nữa là các trực thăng đã gần hết xăng, chỉ còn đủ nhào xuống một chuyén bốc toán biệt kích. Hai chiếc gunship cố gắng đẩy lùi quân Bắc Việt ra xa để chiếc khác xuống bốc. Không dè địch có thêm đại-liên phòng không 12 ly 7 bắn rớt một chiếc, nhưng đáp được nơi an toàn, chiếc thứ hai xuống cứu phi hành đoàn và bay thẳng về Đức Cơ vì gần hết xăng.

Toán Chisel bị đẩy lui dần về bờ sông, thêm một trực thăng phải bay về vì hết xăng, còn lại hai chiếc trên vùng, chiếc thả viễn thám do Flemming lái và chiếc gunship do Thiếu-Tá Leonard Gonzales lái. Chiếc gunship nhào xuống bắn đại liên và rocket xung quanh toán biệt-kích bị trúng đạn bốc khói. Flemming đã gần hết xăng chỉ còn cách nhào xuống bốc toán biệt kích hoặc quay về. Được FAC hướng dẫn, Thiêú-Úy Flemming nhào xuống, cùng lúc quân Bắc Việt khai hỏa dữ dội, không biệt kích quân nào ngóc lên được để chạy ra trực thăng. Rồi quân Bắc Việt xung phong, Flemming nghe tiếng báo động trên máy truyền tin ‘Tụi nó vô được rồi! Vô được rồi! Chạy đi, chạy đi!’. Thiếu-Úy Flemming kéo cần lái. Chiếc trực thăng rời bờ sông bay lên trời xanh.

Ngày 12 tháng 3 năm 2000