Menu

TOÁN BIỆT KÍCH VIPER

Special Forces First Sergeant Alan G. Cornett, who served in Vietnam from 1966 to 1973


Ngày 29 tháng Mười Một năm 1966, tôi chứng kiến trung sĩ Russ Bott và trung sĩ Willie Stark cùng với bốn biệt kích quân Việt Nam lên trực thăng đi hành quân. Tên gọi của toán biệt kích Delta có biệt danh là Viper và khu vực họ sẽ xâm nhập nằm ngay sát biên giới Lào và miền bắc Việt Nam. Tất cả ăn mặc quần áo ngụy trang “cọp vằn”, trang bị đến tận răng để chiến đấu.

Thời tiết hôm đó xấu, mây giăng thấp, mầu xám ảm đạm, mưa bay lất phất và những cơn gió lạnh. Với điệu kiện thời tiết như thế, sẽ gây khó khăn cho phi công trực thăng, có lẽ chuyến xâm nhập sẽ được hoản lại. Rồi, có ai để ý đến ý kiến của tôi. Sau này tôi được biết thêm, khi trực thăng bay gần đến bãi đáp để thả toán biệt kích, họ đang bay trên một lớp mây thật dầy, không nhìn rõ dưới đất. Trở ngại này làm cho các phi công trực thăng phải bay vòng ngọn núi để đến bãi đáp đã định sẵn.

Các phi công trực thăng cũng có thể lấy lý do này bay về, không thả toán biệt kích, nhưng họ bị áp lực rất mạnh từ cấp chỉ huy trên cao, vẫn phải vào thả toán biệt kích để lấy tin tức của địch. Phải bay thật thấp mới thấy điạ hình điạ vật trên mặt đất, các phi công định hướng sai khi chọn giòng sông (Tchépone) để xác định điểm đứng. Khi các trực thăng thả toán biệt kích xong xuôi bay về, các sĩ quan tham mưu LLĐB trong hành quân Delta mới biết rằng, các phi công đã đáp lầm bãi đáp và toán biệt kích Viper đang ở “đâu đó” trên đất Lào. Trong căn cứ hành quân tiền phương Khe Sanh, đêm đó mưa lớn tạt vào chiếc lều tạm trú, có tôi nằm bên trong.

Các cấp chỉ huy trong hành quân Delta đêm đó, bảo đảm sẽ ngủ không yên, họ ăn cũng không ngon, vì tất cả đang ngồi trên ngọn lửa. Có thể có một vụ scandal sắp xẩy ra, vừa mất mặt, mất việc (job), trong khi toán biệt kích Viper là nạn nhân, sẽ phải gánh chịu những đòn... vỡ mặt, vỡ mũi. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chắc cũng không được “mát mặt” khi được nghe những lời nguyền rủa “Quân đội Hoa Kỳ đã dùng trực thăng chở toán biệt kích xâm nhập nước Lào”.

Sáng hôm sau, ngày thứ Năm, một máy bay liên lạc truyền tin của Lục Quân từ Đà Nẵng bay lên căn cứ hành quân tiền phương Khe Sanh. Viên phi công chạy vào trung tâm hành quân báo cáo, cả khu vực xâm nhập (sai bãi đáp) đã bị bao vây, toán biệt kích Viper đã chạm súng với địch, liên lạc với phi cơ quan sát yêu cầu cho biết vị trí chính xác điểm đứng của họ.

Theo lời viên phi công báo cáo, mọi người biết rằng, toán biệt kích Viper đã biết họ xuống không đúng bãi đáp, vùng hành quân xâm nhập. Đã bị lộ và chạm súng với địch. Sáng sớm hôm nay, họ đã liên lạc với phi cơ thám thính (FAC), yêu cầu xác định điểm đứng, báo cáo chạm địch và đang chạy về hướng đông bắc.

Đến giữa buổi sáng, khoảng 10 giờ, gío đã ngừng thổi, lớp sương sớm đã tan, tôi có thể nhìn xa khoảng 200 thước. Nhưng từ trên trời nhìn xuống lại là vấn đề khác, lớp mây dầy đặc vẫn còn che phủ bầu trời. Một máy bay thám thính (FAC) do John Flanagan lái, đem theo một trung sĩ LLĐB hành quân Delta, ngồi ghế sau, cố tìm toán biệt kích Viper.

Với kinh nghiệm, John Flanagan tìm được toán biệt kích, lúc đó vẫn còn trên đất Lào, dưới khu vực phi quân sự, và ngay giữa lòng một khu vực tình nghi có một trung đoàn Bắc Việt đóng quân. Trở về Khe Sanh, viên phi công FAC chỉ vào bản đồ hành quân vị trí toán biệt kích Viper. Họ đang ở cách khu vực hành quân xâm nhập (đúng) khoảng bốn, năm cây số về hướng tây bắc. Phi công John Flanagan cho biết thêm, nhìn thấy nhiều toán binh lính Bắc Việt với vũ khí, xung quanh khu vực toán biệt kích đang lẩn trốn (... đời đen).

Qua ngày thứ Sáu, gió thổi mạnh, đem những đám mây đến khu vực Khe Sanh. Mưa vẫn rơi tầm tã, thời tiết trong ngày rất xấu. Tôi vẫn lo ngại cho toán biệt kích Viper, và một toán khác dưới quyền trung sĩ St. Laurent. Họ là những người đang... đi trong mưa gió. Chiếc máy bay bao vùng lại nhận được báo cáo từ toán biệt kích Viper, rằng họ lại chạm địch và lần này đã có người trong toán bị thương.

Tôi đang ngồi trong lều, thượng sĩ Stamper bước vào bên trong, ra lệnh cho tôi chuẩn bị túi cứu thương, và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào có lệnh. Đúng lúc đó, trung sĩ Irby Dyer bước vào. Thượng sĩ Stamper, bất ngờ phút chót thay đổi nhân sự, ra lệnh cho anh ta chuẩn bị chứ không phải tôi. Tôi lại ngồi xuống cái ghế bố...

Vị chỉ huy quyết định mở cuộc hành quân, cấp cứu, triệt xuất toán biệt kích Viper. Hợp đoàn trực thăng cấp cứu gồm có một chiếc “bốc” chính, một chiếc phụ, một trực thăng chỉ huy và hai trực thăng võ trang. Thượng sĩ Stamper quay trở về trung tâm hành quân theo dõi các hoạt động hành quân Delta, trung sĩ Dyer (người phải đi thay tôi) ra bãi đáp trực thăng. Là nhân viên cứu thương, anh ta phải ngồi trên chiếc trực thăng bay vào cứu toán biệt kích.

Tôi vội vàng băng bó cho một quân nhân LLĐB Việt Nam rồi chạy vào trung tâm hành quân để “nghe ké” chuyện gì sẽ xẩy ra. Tôi cùng với thượng sĩ Stamper ngồi chăm chú nghe lời đối thoại trên máy truyền tin, giữa hợp đoàn trực thăng cấp cứu và trung sĩ Russ Bott, trưởng toán biệt kích Viper. Trung sĩ Russ Bott báo cáo lên chiếc trực thăng chỉ huy, một quân nhân LLĐB Hoa Kỳ trong toán, trung sĩ Willie Stark đã bị thương nặng. Sau đó, người trưởng toán biệt kích lo âu hỏi, hợp đoàn trực thăng cấp cứu đã lên vùng chưa, toán Viper có người bị thương nặng nên không thể di chuyển được.

Ngồi trong trung tâm hành quân nghe những lời đối thoại cũng “lạnh” người, vừa lo âu cho số phận toán biệt kích Viper. Có lúc chỉ nghe lời đối thoại một chiều... toán Viper bị tấn công, thêm hai người nữa bị thương nhẹ. Ngồi nghe những lời đối thoại, đôi lúc tôi cảm thấy tức tối, sôi gan. Hợp đoàn trực thăng vẫn chưa xác định được vị trí toán biệt kích ở dưới đất. Trong khi đó toán biệt kích báo cáo, nghe tiếng trực thăng bay ngang qua đầu nhưng không biết chiếc nào, không biết có phải chiếc vào “bốc” không. Cuối cùng, chiếc trực thăng chỉ huy gọi về Khe Sanh, yêu cầu John Flanagan lái chiếc máy bay thám thính (FAC) lên bao vùng, tìm giùm toán biệt kích.

Phải công nhận, phi công lái chiếc FAC, Flanagan rất sốt sắng, chơi rất đẹp trong ngày hôm đó. Flanagan đem theo trung sĩ LLĐB Tommy Tucker ngồi ghế sau. Mặc dầu gío thổi rất mạnh trong khu vực Khe Sanh, Flanagan vẫn cất cánh bay về hướng biên giới Lào-Việt. Khi chiếc FAC vào đến khu vực hành quân, các trực thăng chỉ còn nhiên liệu để bay thêm 20 phút nữa. Flanagan gọi toán biệt kích Viper và nhận ra giọng trung sĩ Bott cùng tiếng súng AK-47 của địch và tiếng nổ lớn của lựu đạn. Quân Bắc Việt biết trực thăng đến cứu toán biệt kích xâm nhập nên tấn công quyết liệt.

Trung sĩ Bott cho Flanagan biết, trung sĩ Willie Stark bị thương nặng, ba binh sĩ LLĐB Việt Nam đã chạy lạc. Hiện giờ chỉ còn anh ta cùng với Stark và đang bị địch quân bao vây, tấn công. Rất “thiện nghệ”, Flanagan nói Bott gõ “Morse” vào tay cầm máy truyền tin và anh ta sẽ dò theo tiếng Morse. Trung sĩ Russ Bott gõ chữ “Payoff”, và qủa nhiên có tiếng máy bay quan sát (FAC) bay ngang qua. Tiếp theo, Flanagan nói Bott tung một quả khói mầu, đánh dấu vị trí, để anh ta chỉ điểm cho trực thăng vào “bốc”.

Một làn khói tím bay lên cao, Flanagan hỏi lại với Bott cho chắc chắn rồi bay trở lại chỗ làn khói tím bốc lên. Lần này Flanagan trông thấy toán biệt kích (chỉ còn lại hai người) đang trốn trong một đám cỏ tranh, cao hơn đầu người (cỏ voi, elephant grass) trên một triền núi. Không nghe tiếng súng địch bắn lên phi cơ, Flanagan điều động chiếc trực thăng “bốc” bay vào.

Khi chiếc trực thăng bay vào trên đầu toán biệt kích, cả “thế giới” nổ bùng lên. Đám cỏ tranh, rẽ ra khắp nơi, đủ loại súng bắn lên chiếc trực thăng. Biết trực thăng sẽ vào cứu toán biệt kích, địch quân, xử dụng toán biệt kích Viper làm mồi bẫy trực thăng. Chiếc máy bay quan sát, bay vòng trở lại, bắn xuống một quả hỏa tiễn “Willie pot” khói trắng, đánh dấu mục tiêu cho hai trực thăng võ trang vào oanh kích.

Chiếc trực thăng trúng đạn cố bay lên, trôi dạt về phiá trái khoảng 200 thước, khựng lại, rồi tiếp tục bay nghiêng qua bên trái, lộn ngược rồi đâm xuống đất. Chiếc trực thăng cháy bùng lên, lăn xuống sườn đồi. Tất cả mọi người trên trực thăng đều tử nạn, gồm có hai phi công, hai xạ thủ đại liên và y tá LLĐB Irby Dyer. Hai chiếc trực thăng võ trang vòng lại đánh tour thứ hai, một chiếc trúng đạn, hư hỏng hệ thống điều khiển tác xạ. Một ngày xui xẻo trong hành quân Delta.

Trong căn cứ Khe Sanh, chúng tôi xắp xếp lại câu chuyện kinh hoàng xẩy ra cho hành quân Delta. Chúng tôi nghe được giọng nói của vị chỉ huy trên chiếc trực thăng C&C, ông ta ra lệnh cho toán biệt kích Viper, tìm cách trì hoãn, di chuyển ra chỗ khác, tìm cách mưu sinh, thoát hiểm. Sau đó họ báo cho toán biệt kích biết, các trực thăng sắp hết xăng, phải quay trở về Khe Sanh lấy nhiên liệu.

Có thể nói, toán biệt kích Viper bị bỏ rơi... không còn cách nào hơn. Máu nóng bốc lên trong người, tôi nghe tiếng nghiến răng. Thượng sĩ Stamper, đã đứng lên, trong ánh mắt dường như ông ta muốn nói với tôi “Mình phải đi cứu toán biệt kích Viper”. Tôi nghĩ thầm trong đầu “Có tôi nữa. Tôi cũng là một phần trong hành quân Delta”.

Trong khi đó, trên chiếc máy bay quan sát FAC, phi công Flanagan phải chứng kiến, phải nghe những lời nói đau lòng nhất. Tuyệt vọng, trung sĩ Russ Bott, trưởng toán biệt kích Viper gọi chiếc FAC “FAC, làm ơn cứu bọn tôi. Chúng tôi bị nặng lắm!”. Đó là câu nói cuối cùng của toán biệt kích Viper nhận được trên hệ thống truyền tin. Đó là lời nói của một chiến binh can đảm, trưởng toán biệt kích Russ Bott đã không nghe lệnh cấp chỉ huy, bỏ rơi đồng đội, chạy một mình.

Còn lại một mình, trên chiếc FAC chỉ có hỏa tiễn khói trắng “Willie pot”, Flanagan cũng biết chẳng làm được gì. Chàng không nỡ bay về, lượn vòng bắn mấy quả Willie pot xuống những vị trí đặt súng của địch, rồi bay vòng qua chỗ chiếc trực thăng lâm nạn, bốc cháy quan sát. Chỉ còn làn khói đen bốc lên, không thấy dấu hiệu có người sống sót ở dưới. Flanagan vòng trở lại chỗ toán biệt kích Viper. Đám cỏ tranh bị dập nát, lan rộng ra, như có nhiều người bước vào... Không thấy dấu vết của toán biệt kích...

Chiếc máy bay quan sát FAC bay về căn cứ hành quân tiền phương Khe Sanh... trong nỗi cô đơn.

Dallas, TX. April 2, 2010

vđh