Menu

30 Năm Tưởng Nhớ.

Nguyễngọchấn, CNN


       Phoenix Az. Ngày 30 tháng Tư năm 2005 đánh dấu đúng 30 năm kể từ ngày chúng ta rời xa quê hương, giã từ vũ khí.  Nhân ngày đau buồn này bất cứ nơi nào có người Việt Tỵ Nạn Cộng sản đều có những buổi lễ tưởng niệm để nhớ về những người anh em đã nằm xuống.

       Đối với ngưòi Việt Nam là như vậy, đối với người lính Mỹ, ngày này cũng là một vết nhơ trong lịch sử của họ.  Người lính Mỹ cũng có những nỗi đau không kém gì chúng ta.  Vì thế, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Sàigòn thất thủ, nơi nào có lễ tưởng niệm của người Việt Nam cũng có những người cựu chiến binh Mỹ đến chia sẻ.

       Phóng viên Người Việt đến tham dự ngày “30 năm Tưởng nhớ” do Hội cựu chiến binh Hoa Kỳ, Cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hoà và Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Arizona tổ chức vào 3 ngày 29-30 tháng Tư và 1 tháng Năm, năm 2005.

       Đêm thứ sáu, gia đình Biệt Động Quân họp mặt tưởng niệm tại nhà hàng New Happy, qui tụ hơn 200 cựu quân nhân các cấp thuộc binh chủng Biệt Động Quân và các cố vấn cũng như các đơn vị bạn.  Buổi họp mặt là dịp cho các chiến sĩ mũ nâu đã chiến đấu bên nhau suốt 20 năm cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975.  Hơn 50 sĩ quan và hạ sĩ quan cố vấn binh chủng từ khắp nơi đã dành trọn ngày cuối tuần về đây ôn lại kỷ niệm xưa.

       Tối thứ Bẩy, tại sảnh đường Hyatt Hotel giữa thủ phủ Arizona, hơn 500 cựu chiến binh thuộc nhiều Quân Binh Chủng Việt Nam Cộng Hoà, Hoa kỳ và Úc Đại Lợi đã có mặt để cử hành Lễ Tưởng Niệm cho các đồng đội đã ngã gục trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Việt Nam.  Có 6 vị Tướng chọn nơi này để chia sẻ với các chiến hữu.  Phiá Việt Nam có Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, nguyên Tư lệnh sư đoàn 18 Bộ Binh, Trung Tâm Trưởng, Trung Tâm điều hợp Trung Ương Tập Thể Cựu Chiến sĩ VNCH. Phiá Hoa kỳ có các tướng: James Joy; G. Maxon; Monte Morgan; Edison Scholes và tướng Paul Slack.

       Trong buổi lễ 30 năm tưởng nhớ, ông Pat Chorpenning, Bộ trưởng Cựu Chiến Binh tiểu bang Arizona đọc bài diễn văn thật cảm động:

       “Tôi biết rất khó khăn khi ngồi viết bài diễn văn này.  Có nhiều kinh nghiệm mà chúng ta không còn muốn nhớ tới, nhưng có những điều vẫn gợi cho chúng tôi mối cảm xúc xao xuyến trong tôi cũng như trong lòng mọi người khác.  Nhưng rồi tôi vẫn phải tiến bước vì còn bổn phận với chính tôi, gia đình tôi, các chiến hưũ của tôi cả người Việt lẫn người Mỹ.  Tôi muốn nói ra để những người Việt Miền Nam yêu chuộng tự do biết rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi và ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi tới mức nào khi nhìn lại 30 năm qua”.  Nhắc về kỷ niệm ông Pat Chorpenning trầm giọng:

       “Từ ngày 8 tháng Năm, năm 1969, cuộc đời tôi thay đổi mãi mãi. Lúc ấy tôi là một thanh niên 22 tuổi, tốt nghiệp đại học, là chồng, là cha một cháu gái 6 tháng tuổi, là cha tương lai trong lúc Nini, vợ tôi đang mang thai con trai của chúng tôi. Tôi nhận lệnh của đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và hoàn toàn tin tưởng vào hành trình 20, 25 năm binh nghiệp của tôi. Thế nhưng, cuộc đời tôi đã vỡ toang trước mắt. Trong một thoáng vàng son, đời tôi và các bạn tôi đã thay đổi toàn diện.

       Buổi sáng hôm ấy, tôi cảm thấy đau nhói bởi những mũi sắt nhọn đâm vào khắp thân xác tôi.  Tôi kinh hoàng nghĩ hằng tôi sắp chết. Tôi nhớ là tôi đã cầu xin Thượng đế và tuyên hưá với Ngài, hãy cho tôi được sống, tôi nguyền sẽ làm việc công ích giúp đỡ người khác.  Cho đến nay tôi vần giữ lời hứa ấy....Mỗi năm, đúng ngày 8 tháng Năm, gia đình tôi tổ chức party lớn, mọi người chúc tôi bằng câu nói: “Rất vui mừng vì tôi vẫn còn sống”.

       Tướng Edison Scholes cũng có những kỷ niệm, nhưng ông hậm hực nói về giới truyền thông và chính trị gia ở Washington, ông nóí:

       “Trong lúc những chàng trai trẻ làm nhiệm vụ thiêng liêng với tổ quốc, hy sinh ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản ở những nơi xa xôi, hiểm nghèo thì chính khách tại thủ đô đã trói tay họ, giới truyền thông bôi nhọ họ, văn nghệ sĩ ca ngợi kẻ thù, biến họ thành những kẻ xâm lăng.  Hỡi các bạn chiến hữu của tôi, nếu có ai tuyên truyền nhảm nhí, xuyên tạc, các bạn cứ hỏi thẳng họ “Các anh có mặt ở đó, thời gian ấy không?  Nếu chưa, các anh không có quyền nóí về chúng tôi”.”

       Đáp lời, thiếu Tướng Lê Minh Đảo đồng ý với Tuớng Scholes ở điểm bọn phản chiến đã tuyên truyền, tiếp tay với kẻ thù, ông trình bày rằng:

       “Trong thời chiến tranh lạnh bọn phản chiến và khối Cộng Sản Việt Nam đã đầu độc dư luận Tây Phương,  Chủ thuyết ấy tuyên truyền rằng chiến tranh Việt Nam là bẩn thiủ do các nông dân nổi dậy chống chính quyền thối nát và họ không thể tồn tại được...

       Trong bài nói chuyện, Tướng Đảo nêu ra vài điểm, cử tọa yên lặng, lắng nghe: “Sự hiện diện của Quân Lực Hoa Kỳ và Đồng minh để ngăn ngừa sự bành trướng của Cộng Sản qua ngả Bắc Việt mang mục tiêu cao cả.  Quí vị đã tới giúp chúng tôi ngăn ngừa Cộng sản, bảo vệ tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt nam.  Người Hoa Kỳ đã thắng trận ở Việt Nam nhưng đã thua cuộc chiến vì, theo lời nhận định của Tướng Không Quân Curtis LeMay “Lý do duy nhất người chiến binh Hoa kỳ bị đổ máu và mất mạng ở Việt nam vì các nhà lãnh đạo đã trói tay họ ra phiá sau.  Lý do duy nhất chúng tôi không thắng là vì các nhà lãnh đạo không muốn thắng”.

       Nóí đến dư luận đã bóp méo tinh thần chiến đấu của QLVNCH, Tướng Lê Minh Đảo hùng hồn:

       “*Trước khi người Mỹ liên hệ tới chiền trường Việt Nam, chúng tôi đã chiến đấu với Cộng Sản Bắc Việt từ 1948 đến 1965.

       *Khi quân lực Hoa Kỳ và Đồng minh nhập cuộc, chúng tôi chiến đấu song hành với quí vị từ 1965 đến 1972.

       *Sau khi quân lực Hoa kỳ triệt thoái, chúng tôi không chỉ chiến đấu với quân chính qui Bắc Việt mà chúng tôi phải đương đầu với cả khối Cộng sản.  Chúng tôi chiến đấu với sự viện trợ giới hạn của Hoa Kỳ và cuối cùng đã bị cắt đứt toàn diện, trong khi ấy Liên Sô và Trung Cộng gia tăng viện trợ vũ khí, đạn dược, tiếp liệu cho Bắc Việt.  Chiến sĩ của chúng tôi phải hy sinh nhiều hơn.  Chúng tôi đã dùng mọi nỗ lực, quân lực chúng tôi hy sinh càng lúc càng nhiều và ngày định mệnh đã đến: “30 tháng Tư năm 1975.... Tướng Đảo dừng lại một phút như nuốt nỗi nghẹn ngào cho thời điểm đau xót nhất của đời binh nghiệp... ông tiếp:

...    Hôm nay, chúng ta nghiêm chào những người sống sót và cúi đầu trước vong linh những anh hùng đã nằm xuống, xin gởi tấm lòng biết ơn sâu xa và tri ấn đến những gia đình có người thân đã ra đi, họ không còn trở lại nhưng họ vẫn sống mãi trong tim mọi người chúng ta.

       Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những thành viên còn bị giam cầm, những người mất tích ở chiến trường. Họ sẽ không bao giờ bị quên lãng.

       Nhân dịp này chúng tôi không quên cám ơn nhân dân và chính phủ Hoa kỳ đã nhân từ đón nhận chúng tôi vào cộng đồng, giúp chúng tôi có cuộc sống tự do và danh dự mà chúng tôi đang thụ hưởng...”

       Sáng 1 tháng Năm tại Đài Chiến sị Trận Vong ở công viên Phoenix, hàng trăm cựu quân nhân Việt Mỹ và đồng bào tới tham dự lễ tưởng nhớ, nghiêm chào quốc kỳ Việt Mỹ, đặt vòng hoa.  Buổi tuởng nhớ 30 năm mở đầu bằng cuộc diễn hành với các Quân Binh chủng,  Đại Diện các đơn Vị Việt Nam và Hoa kỳ.  Sau cùng, kết thúc với phần thăm viếng các gian hàng triển lãm quân trang quân dụng trong công viên Phoenix

 

Lễ Truy điệu chiến sĩ Trận Vong

 

 

Truy điệu chiến sĩ: Lễ truy điệu theo nghi thức Ái Nhĩ Lan, tưởng niệm các chiến hưũ Việt Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam, tổ chức tại Hội truờng Hyatt Hotel, Phoenix Arizona. Hình Nguyễn Ngọc Chấn, NV

 

 

 

 

Tướng Lê Minh Đảo và Trung Tướng 
Edison

 

 

Tướng Đảo đặt vòng hoa: Lễ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm ở Phoenix. Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và Trung Tướng Edison đang nghiêm chào tượng đài chiến sĩ trận vong.  Hình Nguyễn Ngọc Chấn, NV.

 

 

 

Lễ Chào Quốc kỳ Việt Mỹ

 

 

 

 

 

Lễ Chào Quốc Kỳ: Lễ Chào Quốc kỳ Việt Mỹ được cử hành trọng thể tại công viên Phoenix Arizona nhân ngày 30 tháng Tư năm 2005.  Hình Nguyễn Ngọc Chấn NV

 

 

 

 

 

* Trích báo Người Việt ngày 7 tháng 5 năm 2005