Menu

Tình Chiến Hữu

Giao Chỉ, San Jose.


(Chuyện đầu năm 2011 viết tặng ông đại tá Nguyễn Mạnh Tường).

Chuông Gọi Hồn Ai

Bước vào đầu năm 2011, chiến hữu B.M.Hùng từ Washington, D.C gửi ra một bản tin hết sức đau lòng. Tin đại tá Nguyễn Mạnh Tường sắp qua đời trong cô đơn tại nhà thương Bascom, San Jose. Nhắn tin vợ ông đã ly dị và 2 con bên Úc mau mau liên lạc. Bản tin tiếp theo của liên hội cựu quân nhân Bắc Cali, nhắn anh tổng thư ký, xin chuẩn bi ma chay cho người chiến binh cao niên sắp ra đi mà gia đình đã bỏ rơi.

Kèm theo bản tin rất ngắn nhưng vô cùng đau đớn là một bài viết về cuộc đời chinh chiến của đại tá Nguyễn Mạnh Tường. Người viết là chiến hữu Trần Thúc Vũ, một sĩ quan đã từng phục vụ lâu dài tại chiến trường Bình Định. Bài báo hết sức chi tiết, hết sức sôi nổi, hết sức nồng nàn. Không những nêu cao thành tích của của ông Tường, mà phô diễn một tình cảm vô cùng trân quý của cấp dưới đối với niên trưởng trong tình huynh đệ chi binh.

Bài báo này xứng đáng là một thiên anh hùng ca của ông đại tá quê Thái Bình. Trong suốt một tuần lễ Email nhận được tới tấp đến sốt cả ruột về chuyện tử sinh của người hùng mặt trận Bình Định. Sau cùng nhận được cả Email của phu nhân đề đốc tập thể Hồ Văn Kỳ Thoại. Chưa hết cô con gái út của tôi, chẳng đọc Email Việt ngữ bao giờ mà cũng nhận được lời nhắn gửi tìm gia đình cho ông già nằm bệnh viện. Cháu đẩy qua cho bố để tiếp tay. Tin bên Úc cho biết đang lụt lớn nhưng xem chừng vẫn có anh em lội nước đi tìm vợ con cho đại tá Tường. Chưa có kết quả.

Đại tá Nguyễn mạnh Tường, hai hình ảnh, một con người...

Đi thăm người cô đơn. Chẳng biết đầu đuôi, tôi bèn tìm vào thăm. Điện thoại phòng bệnh không ai trả lời, bèn rủ bạn cùng khóa Cương quyết là ông Nguyễn Đình Tạo lên đường. Chúng tôi học khóa 4 phụ Cương Quyết II Đà Lạt 1954. Ông Tường khóa 5 Vì Dân,1955. Có lẽ cùng một đợt tuổi, Chẳng quen biết nhiều nhưng gặp mặt chắc nhận ra.

Ông Tạo nói rằng “Sao nghe nói có tin “lui” đi rồi”. “Mình cứ vào Bascom thử coi.” Hỏi tới hỏi lui ở cái nhà thương mới sửa lại khá vĩ đại, sau cùng người ta tra sổ và cho số phòng. “À, còn số phòng là còn sống. May quá, nhưng sao lại nằm ở khu bị cháy. Chẳng hiểu tai nạn làm sao.”

Chúng tôi tưởng tượng sẽ gặp một ông già cô đơn buồn tủi, nằm nhà thương cả tháng vợ con không biết tin, anh em cũng chẳng có ai. Nhưng không phải. Đại tá khóa Vì Dân nằm trong phòng đặc biệt. Giây, ống đầy người. Đã 2 tuần rồi chưa tỉnh. Ông bị phỏng nặng phải cho thuốc dịu đau ngày đêm nên mê man thường trực. Lại thêm bệnh tiểu đường nên việc điều trị khó khăn. Phải đến tận nơi mới thấy Nguyễn mạnh Tường không hề cô đơn. Hỏi chuyện cô y tá thường trực nên biết đầu đuôi. Nằm tại khu này được 3 tuần lễ mà đã có hơn l00 lần thăm viếng. Có bạn đứng ngoài phòng kính ngó vào. Có bạn trang bị đồ nhà thương vào luôn bên trong. Ai cũng hỏi han chi tiết. Nhà thương không biết ông già này là ai mà các giới chức vào thăm mệt nghỉ. Luật chỉ cho mỗi lần vào 2 người. Y tá trưởng đặc cách cho vào một lần 4 người. Vì bên ngoài còn chờ nhiều quá.

Số người thăm viếng, hỏi han được lập thành danh sách. Anh em nhà binh đọc qua thấy tên tuổi bằng hữu quen thuộc. Lại nhận ra anh này anh kia, tưởng đã đi xa mà vẫn còn quanh đây. Riêng phần bệnh nhân, chưa có gia đình về thăm, chứ còn phần chiến hữu thì ông đã có quá nhiều. Thừa cán bộ để bổ sung cho mặt trận Bình Định. Dù nằm im một chỗ trong cơn hôn mê, nhưng Nguyễn Mạnh Tường không hề cô đơn.

Nhắc lại từng kỷ niệm.

Khi chúng tôi đến thăm, lại nhân dịp gặp mấy sĩ quan trực. Đại úy nhẩy dù tới lui nhiều lần cùng với cô vợ. Đại úy thiết giáp thì lên phiên trực một mình. Cả 2 anh em đều hết lòng thương mến và ca tụng ông thầy. Tôi chưa từng thấy bao giờ anh em lại nhiệt tình với tấm lòng huynh đệ chi binh như thế. Thường chỉ thấy bạn bè cùng trang lứa, cùng chiến đấu, cùng ăn nhậu hết mình. Hoặc đôi khi thầy trò giúp đỡ nhau nên trở thành ơn nghĩa. Nhưng anh em đi với ông thầy Nguyễn Mạnh Tường thì chỉ có từ chết đến bị thương. Vậy mà sao lại hết lòng với nhau, dù cho cuộc binh đao đã có đến 35 năm xưa cũ.

Hai vợ chồng ông nhẩy dù kể chuyện ông thầy anh hùng và xuất sắc vang cả nhà thương, tôi phải kéo anh em ra một góc. Ông thiết giáp đem quân từ Pleiku xuống duyên hải tham dự trận giải cứu căn cứ không quân đã hạ một câu nhẹ nhàng. “Ông Tường là mãnh sư của Bình Định. Khi ông còn trung tá mà đã chỉ huy các đại tá.”

Trong cuộc chiến tại Việt Nam, mong được cấp tướng khen cấp tá để đường công danh thuận buồm suôi gió. Nhưng hơn một phần ba thế kỷ đã qua đi, cấp úy khen cấp tá mới thực là tấm huy chương vàng ngọc. Ông già mãnh sư một thời, nằm khò khè bất động là người nhận được những tấm huy chương cao quý đó. Anh em bảo tôi, bác phải đọc câu chuyện của Trần Thúc Vũ.

Đọc lại Tiểu sử.

Nghe lời anh em, tôi về đọc lại tài liệu.Trước tiên là tiểu sử ông này hết sức đặc biệt. Bắt đầu từ trung úy nhẩy dù đã tham gia đảo chánh ông Diệm. Trong lúc tư lệnh Nguyễn Chánh Thi và ông Liễu chạy qua Cambốt, thì ông Tường và anh em bị đi tù Côn Đảo cùng cụ Phan khắc Sửu. Trải qua 4 năm từ 1960 đến 1964 mới trở lại quân đội, sau cùng về sư đoàn 22 bộ binh với cấp bậc trung tá. Đại tá công binh Nguyễn văn Chức về làm tỉnh trưởng Bình Định bèn yêu cầu tổng tham mưu và quân đoàn đưa về mấy chục ông trung tá để tăng cường cán bộ cho mặt trận duyên hải của vùng II chiến thuật. Từ đó trung tá Nguyễn Mạnh Tường trở thành anh hùng của vùng đất ngày xưa là quê hương Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ. Sau Bình Định ông về làm đại tá tư lệnh phó cho tướng Lê Nguyên Vỹ, sư đoàn 5 và trải qua 13 năm tù cải tạo. Cho đến năm 93 còn bị kết án thêm 12 năm tù phản nghịch. Mãi đến 1998 mới được quốc tế can thiệp rồi HO qua Mỹ 1999. Ông xa gia đình từ 1975, vợ con vượt biên đi Úc, và từ ngày đó đến nay chưa gặp lại.

Những trang chiến sử.

Tiểu sử Nguyễn Mạnh Tường đã ly kỳ khác biệt, nhưng trang chiến sử của ông mới thực là phi thường. Đất tung hoành của ông một thời là Quy Nhơn, Bình Định. Một tỉnh lớn nhất của miền Nam với 14 quận, 10 ngàn cây số vuông. 120 cây số dọc từ Cù Mông xuống Bình Khê. 90 cây số ngang từ biên giới Pleiku xuống bờ biển Phương Mai. Đây là chiến trường thử lửa của các đơn vị danh tiếng nhất của cộng sản và liên quân Việt Mỹ. Các đơn vị Hoa kỳ lần lượt tham chiến tại Bình Định là Sư đoàn không kỵ số 1, Sư đoàn 101 bộ binh, Lữ đoàn dù 173, và sư đoàn Mãnh hổ Đại Hàn. Phía Việt Nam có 2 Trung Đoàn của sư đoàn 22 bộ binh, 18 tiểu đoàn địa phương quân, 12 đại đội biệt lập, 620 trung đội nghĩa quân. Bình Định cũng là nơi có trên 10 tiểu khu trưởng thay phiên nhau. Trước sau chỉ có một mình tiểu khu phó Nguyễn Mạnh Tường là nổi bật.

Thành tích của ông Tường là xử dụng địa phương quân đánh giặc như tổng trừ bị của tổng tham mưu. Ông cả gan giả lệnh của quân đoàn để điều động thiết giáp tham chiến. Xin biệt động quân qua đường đi huấn luyện để tham dự hành quân. Với quyết tâm và tài dùng binh của cấp sư đoàn, ông đã tạo chiến thắng Ba Gi lừng danh vùng II chiến thuật. Với mưu trí và nhiệt huyết can trường, ông đã cứu được căn cứ không quân Phù Cát thoát khỏi trận tấn công khốc liệt của cộng sản.

Và cũng chính con người đó, say men với binh đoàn, nên vợ con từ Saigon ra thăm, chờ đợi 2 tuần không gặp phải quay về. Phải chăng đây là nguyên nhân sự tan vỡ gia đình không hàn gắn được 35 năm sau. Đoạn kết của câu chuyện tình:

Trong số anh em cùng khóa, anh Thọ Đan là một trong những người thân tín và biết nhiều về bạn Tường. Anh biết từ đầu đến cuối cuộc tình và cũng là người được Tường ủy nhiệm chính thức về các quyết định y khoa khi người bệnh không tỉnh lại. Từ Côn Đảo trở về, chính cụ Phan khắc Sửu làm mai mối cho anh Tường lập gia đình với con một ông Bang Trưởng người Việt gốc Hoa. Cuộc tình duyên như thế phải chăng là lý do cho định mệnh chia cắt sau này.

Anh chị sinh được 2 con, một trai, một gái. Cuối tháng 4 năm 75, một lần nữa anh bỏ cơ hội ra đi cùng gia đình để lên sống những giờ cuối cùng với Sư đoàn 5. Sau này, khi anh đi tù thì chị và gia đình gốc Hoa vượt biên qua Úc. Từ đó không hề liên lạc. Khi anh được trả tự do, đã vào chùa ở Saigon đóng vai cư sĩ. Tại đây anh có dịp cưu mang giúp đỡ một cô bé bất hạnh. Cô này hiện đã trưởng thành, có gia đình bên Đức và là dưỡng nữ còn liên lạc với cha nuôi. Khi HO vào Mỹ, anh Tường đã có lần qua Úc nhưng vẫn không gặp được vợ con. Chuyện gia đình phức tạp và hết sức tế nhị chỉ còn lại những tin tức rất mong manh. Con trai Nguyễn Mạnh Tuân hiện là bác sĩ, cô con gái Nguyễn Tường Ngọc Hương trở thành phi công lái máy bay thương mại. Chẳng hiểu duyên cớ vì sao mà bây giờ các con chưa tìm gặp lại thân phụ. Hay là phép lạ trùng phùng chưa đến lúc xẩy ra vào giây phút cuối. Từ Việt Nam qua Hoa Kỳ, Nguyễn mạnh Tường vẫn nương náu cửa chùa. Từ chùa Saigon đến chùa San Diego. Rồi tuổi già đưa anh vào nursing home.

Sau cùng bạn Vì Dân, Thọ Đan đưa ông Vì Dân, Mạnh Tường từ San Diego về Half Moon Bay, tại dưỡng đường cao niên ở miền Nửa vừng trăng khuyết. Đại Tá Tường trao cờ VNCH cho thế hệ hậu duệ

Tại đây lại có cuộc tao ngộ trùng phùng của 2 tay đảo chính, Đại tá Phạm văn Liễu, gốc thủy quân lục chiến đã nằm chờ đại tá Nguyễn Mạnh Tường, gốc nhẩy dù. Một ông đã ngoài 80 và một ông đã hơn 7 chục. Trong tình chiến hữu thì vẫn là huynh đệ chi binh. Lại thêm hoàn cảnh cũng là những tay hảo hán Bắc Kỳ, một thời chọc trời khuấy nước.

Cùng nằm một phòng tại quán trọ cao niên cạnh ghềnh đá của thị trấn bên con đường liên tỉnh lộ số 1, ngó ra biển Thái Bình. Mãnh sư mũ đỏ và cọp biển mũ xanh bây giờ đều là những anh hùng thấm mệt. Bằng hữu một thời tuy còn lai vãng nhưng chẳng thể nào gần nhau như trong doanh trại ngày xưa. Một ông vợ chết ngồi xe lăn, đẩy ra đẩy vào lại gặp ông bị vợ bỏ.

Rồi sau cùng bác Phạm văn Liễu ra đi cũng âm thầm như khi ông đến bãi biển Nửa vừng trăng khuyết.

Khi anh em tổ chức tưởng niệm ông Liễu ở San Jose thì ông Tường đến dự. Rồi tai nạn xảy ra. Ghé ở nhà anh bạn trẻ vong niên, đêm khuya ông lúng túng một mình, nước sôi nhà tắm lột mất nửa người. 911 gọi đến để Bascom đón người anh hùng vào nằm ở phòng hồi sinh đã mấy tuần mà vẫn chưa tỉnh.

Tình chiến hữu.

Nhắc đến tình chiến hữu chung quanh ông Tường, anh Thọ Đan nói rằng người nối vòng tay lớn chính là Vì Dân, Vũ trọng Mục. Ông Mục nốt kết anh em từ trong ngục tù ra ngoài thế giới tự do. Từ tiểu khu Bình Định đến sư đoàn 5, và ông động viên cả con cháu trong nhà. Kỹ sư Oánh ở Union City cũng phải công nhận. Tình chiến hữu còn hơn anh em ruột thịt.

Câu chuyện anh hùng xưa, nhớ thời niên thiếu đến đây xin tạm ngưng. Nhưng càng tìm hiểu càng thấy mối tình chiến hữu trong buổi hoàng hôn thật hết sức lạ lùng. Mỗi ngày đều có anh em kể chuyện mới về ông Tường và gửi hình ảnh của các bạn đến thăm ngồi dài ở nhà thương Bascom.

Còn chuyện bên hành lang mới thực là ly kỳ. Số là khi 2 ông Liễu và Tường vào nhà dưỡng lão bên bờ biển, Mỹ hỏi là nếu có chuyện thì các bác muốn sống bằng máy nằm chờ hay chấp nhận đi luôn. Hai ông già nói rằng bây giờ còn nằm chờ gì nữa. Xin chọn đi luôn. Mỹ bèn đeo vào tay 2 ông colonel mỗi ông một chiếc vòng để khi hữu sự không cần sống bằng máy móc. Xin để chúng tôi đi luôn. Bác Liễu thì đã đi luôn nhẹ nhàng, nhưng bác Tường may mà có chiến hữu vào kịp để chạy giấy tờ đại diện tháo cái vòng đi luôn. Nhờ vậy ông còn được chạy chữa đến hôm nay.

Chuyện hành lang lại kể rằng, bác Tường có qua Úc thăm vợ con. Nhưng vợ không nhận chồng. Thấy bà đi ngang qua rồi đi thẳng. Con Mãnh sư chiến trường Bình Định bây giờ đã thành một cư sĩ hiền lành, đành nuốt lệ quay về. Chàng có thể nghĩ rằng: “Em đi qua đời anh, không thấy gì sao em?” Nàng đã có suy tư khác. “Ông trở về dang dở đời tôi”.

Cũng tại hành lang nhà thương, chiến hữu lại bàn. Bây giờ nếu thầy Tường qua khỏi phải chăng lại về Half Moon Bay. Nếu ông đi luôn, rồi đây ai chẳng đi luôn, thì tang lễ làm sao. Nghe các ông khóa Vì Dân nói rằng sẽ không hỏa thiêu. Anh em chúng tôi sẽ chôn cất để sau này gia đình còn viếng thăm. Chuyện gia đình, không ai biết chắc được, có thể họ bay qua kịp thời. Nếu không sau này các con ông sẽ đến thăm, nếu không con thì các cháu sẽ đến thăm. Và các chiến hữu sẽ đến thăm..

Câu hỏi nêu lên là, vậy sẽ đem thầy về nằm tạm ở đâu. Các bạn Vì Dân lại nói rằng. Dưới Nam Cali có chỗ rồi. Bác Tường về đây nằm với chúng tôi. Hơn 50 năm trước, anh em ta đã Vì Dân mà ra đời thì nay ta lại Vì Dân mà nằm xuống bên nhau. Không đưa ông về được Thái Bình, không về được Quy Nhơn, cũng chẳng về được Bến Cát, thì ta về đất Bolsa.

Đó là nói chuyện sau này, bây giờ xin cầu cho ông tháo được cái vòng “Đi luôn” đeo ở tay rồi trở về với quán trọ bên đường ở miền Nửa vừng trăng khuyết. Ở đó vẫn còn các bạn Tây Đầm chờ ông thầy ra tay huyệt đạo chữa bệnh cao niên mỗi khi trái gió, trở trời. Ông sẽ ngồi xe lăn cho trọn kiếp trầm luân, ngày ngày ngó xuống phía Nam Bán Cầu, theo dõi bước chân của cô vợ Tàu lai và 2 đứa con đã trưởng thành bên Úc. Vợ đành như cơn gió thoảng, con đành như hơi rượu cay.

Ngày xưa ông đã bỏ vợ con để sống chết với binh đoàn, ngày nay ông chỉ còn mong được bao bọc tấm thân già trong chút tình chiến hữu.