Xin giới thiệu đến các bạn một loạt truyện về những người thương binh QLVNCH sau 1975 được anh gọi là KHÚC THƯƠNG BINH . Truyện của anh Nguyễn Văn Hưởng , người đã đoạt giải nhất trong cuộc thi viết truyện ngắn năm 2004 với tác phẩm GIOT NƯỚC MẮT......
Trên đường trở về thăm quê vợ vào những ngày cuối năm nay, tôi bị nhiều “băng rôn”, cờ xí, treo chắn khắp các nẻo dẫn vào thị trấn Cà Mau đập vào mắt. Tôi không buồn đọc mấy dòng chữ vàng vọt viết trên nền vải đỏ, nên lên tiếng hỏi anh tài xế:
- Lễ lộc gì mà họ treo cờ xí, "băng rôn" nhiều vậy chú?
Bằng chất giọng mỉa mai, anh nói như than:
- Ôi mấy "cha nội" này đang chuẩn bị kỷ niệm 50 Năm, ngày tập kết ra Bắc của bộ đội Việt Minh!
Nghe anh tài nói xong, tự nhiên trong đầu tôi nảy sinh một sự so sánh. Tuy tôi chưa biết chính xác, có bao nhiêu người đi theo kháng chiến, đánh đấm đã đời, rồi bị buộc phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ cả vợ con theo lệnh Bác Đảng ra Bắc. Nhưng chắc chắn con số đó không thể nào sánh với cả triệu người Bắc di cư vào Nam tìm tự do cùng thời điểm này. Tôi là một trong số người theo cha mẹ bỏ lại họ hàng thân tộc, nhà cửa ruộng vườn, tự nguyện trốn vào Nam. Nên tôi biết: nếu được tự do chọn
lựa vùng đất sống theo đúng tinh thần Hiệp Định Genève 1954, thì chắc chắn con số người di cư vào Miền Nam sẽ khó mà tưởng tượng được.
Nhớ lại hồi 54, dân miền Bắc chỉ cần vượt qua lằn ranh vĩ tuyến 17 là có người tiếp đón, có đất để dung thân. Còn sau “Tháng Tư Đen”, việc ra đi tìm đất sống, nó gian nan, vất vả, nguy hiểm gấp trăm nghìn lần so với thời điểm 54. Bởi nếu trốn bằng đường bộ, phải gian nan vất va vượt qua cả một đất nước Chùa Tháp, dọc đường có biết bao cạm bẫy, ghê gướm nhất là lỡ gặp phải bọn Khờ Me Đỏ, quân diệt chủng Cam-Pu-Chia. Đi đường biển, phải đương đầu với công an biên phòng; loại cướp thời đại, bọn hải tặc Thái Lan, rồi còn phải một mất một còn với sóng gió đại dương…
Có hàng triệu người may mắn đến các nước lân bang như: Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông... Nhưng biết bao người đã bị chìm sâu dưới lòng biển cả, bỏ thây nơi hoang đảo xa xôi hay bị vùi xác giữa chốn rừng sâu nước độc... Nên khó ai biết rõ con số người Việt đã bỏ nước ra đi. Phóng viên đà BBC hỏi một bà cụ đã đến được bến bờ tự do, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển:
- Xin bà cho biết, những ai muốn trốn khỏi Việt Nam?
Bà cụ đáp không cần suy nghĩ:
- Nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng dông tuốt.
Tôi xem lời nói ấy là “thống kê” chuẩn xác hơn hết về con số người Việt Nam muốn lìa xa quê hương đất nước sau biến cố 30-4.
Những xác người trôi dạt vào bờ, những đôi mắt thất thần sợ hãi của phụ nữ bị hải tặc hãm hiếp, những bộ xương khô nằm thoi thóp trên con thuyền mong manh trôi
dạt giữa biển đông...Đã làm rúng động lương tâm nhân loại, đã khiến hầu hết mọi chính phủ và nhân dân các nước phát triển trên thế giới giang tay tiếp đón những người liều chết vượt biên, cấp cho người tỵ nạn một nơi chốn dung thân an toàn để tái lập lại cuộc sống. Họ còn kêu gọi, làm áp lực buộc nhà cầm quyền Việt Nam, phải tôn trọng nhân quyền, nới lỏng kềm kẹp...
Lần hồi, ai cũng biết, đông đảo Quân - Dân - Cán - Chính Việt Nam Cộng Hòa, thành phần trực tiếp chiến đấu vì Miền Nam tự do, là những người hứng chịu nhiều khổ đau nhất, bị đàn áp nhiều nhất. Sự “xóa bỏ hận thù, hòa giải hòa hợp dân tộc” sau cuộc chiến chỉ là trò bịp ra rả trên đài phát thanh, trên các loa đặt tại góc phố, hay treo nơi đầu đường xó chợ. Còn trong thực tế, hầu hết người Miền Nam đều bị quy chụp thành “ngụy quân”, “ngụy quyền”, “ngụy dân”, bị đối xử như những tội đồ của chế độ Cộng Sản. Một số bị giết chết, thủ tiêu dưới nhiều hình thức, còn đại đa số bị “lùa” vào các trại tù, ngụy trang dưới mỹ từ: “Trại Học Tập Cải Tạo”. Tuy cuộc “tắm máu” không diễn ra, nhưng việc “phơi xương” là một hiện thực, đã phô bày trước mắt dân chúng Miền Nam và cả thế giới cho đến tận bây giờ.
Quốc gia Hoa Kỳ là nơi đón nhận nhiều dân tỵ nạn Việt Nam nhất. Ngoài việc làm nhân đạo ấy ra, chính giới Mỹ còn trực tiếp can thiệp, thương lượng để nhà cầm quyền Việt Nam mau chóng thả tù nhân cải tạo, tù nhân lương tâm... Tôi hết sức vui mừng đón nhận tin: những ai bị “học tập” trên 3 năm, thì mảnh “bằng tốt nghiệp” trường cải tạo, chính là tấm “giấy thông hành” giúp cho người tù cùng gia đình họ có đủ điều kiện xin định cư tại Mỹ.
Nhưng có một thành phần khốn khổ, bất hạnh nhất lại bị lãng quên hay ít được nhắc nhở đến trong nhiều thập niên qua. Đó chính là các thương binh Miền Nam, những người đã dâng hiến một phần thân thể cho quốc gia dân tộc. Nhớ đến họ, tôi tự hỏi: không biết họ sống và chịu đựng như thế nào suốt trong bao nhiêu năm qua???
Từ lúc bắt đầu nghĩ đến các chiến hữu thương binh, tôi chỉ biết nhìn ngắm họ qua thân nhân, bạn bè hiện sống nơi quê nhà. Những người này đều lành lặn xác thân, vậy mà cuộc sống họ vẫn dẫy đầy thiếu thốn, khó khăn. Họ luôn cần đến sự chia sẻ của chúng tôi về vật chất cũng như tinh thần. Hà huống gì những thương binh tật nguyền bị lãng quên, thì thử hỏi nỗi khó khăn của họ kể sao cho xiết!???
Cuộc chiến đã qua đi gần ba thập niên. Quân Lực Miền Nam bị buộc phải tan hàng. Dù muốn dù không, tất cả lính tráng ngày xưa đều trở thành những cựu chiến binh. Nhưng có một thành phần, không bao giờ có thể trở nên “cựu” được, đó là các thương binh, những người đã đóng góp máu xương trong cuộc chiến. Họ là thành phần cam phận sống trong đau khổ, đói nghèo, bệnh hoạn... Nhiều người đã chết lần mòn theo năm tháng.
Cái mốc thời gian 30 năm sau cuộc chiến sắp đến, không biết mỗi người lính từng chiến đấu vì Miền Nam Tự Do, còn sống được bao nhiêu “cái 30 năm” nữa? Để cùng nhau hàn huyên chuyện quá khứ, nhắc nhở nhau những việc cần làm... Giờ đây, nhìn lên cổ áo, không còn những ngôi sao, những bông mai bạc, mai vàng để nhận ra vị tướng này, ông tá nọ hay ông úy kia. Cũng không còn các vị Tư Lệnh, Đơn Vị Trưởng, không còn Hệ Thống Quân Giai... Nghĩa là, không còn ai ra chỉ thị, kiểm soát, không còn cảnh “thi hành trước khiếu nại sau”. Tất cả mọi hành động, mọi việc làm đều phải tự mình nghĩ ra, tự buộc mình làm và cũng tự mình phán xét mình.
Nhắc đến con số trên 3 tỷ mỹ kim từ hải ngoại gởi về nước hàng năm, được nêu trên báo chí và đài phát thanh. Tôi thiết nghĩ, không ai có thể phủ nhận được cái tình yêu thương nồng nàn của người Việt Nam tha hương đối với thân nhân và gia đình. Cử chỉ và tình cảm thủy chung cao đẹp ấy, như đã tiềm ẩn trong lòng mỗi người Việt Nam từ lúc chào đời. Qua lăng kính của một người sinh sống bằng nghề mua bán Ve Chai, hằng ngày tôi có dịp gần gũi với một số khách hàng chuyên thu gom những “cặn bã cuộc đời” mang đến bán cho tiệm để kiếm sống và gửi về cho thân nhân mình. Tôi càng cảm thấy tỏ tường hơn về cái tình gia đình quý báu ấy.
Trong cuộc chiến vừa qua, hai tiếng “gia đình” cũng đã lên đường nhập ngũ, để hình thành “gia đình binh sĩ”, “gia đình quân đội”, “gia đình Mũ Đỏ”, “gia đình Mũ Nâu”... Cái tình “gia đình” nồng nàn ấy nở rộ thành một vườn hoa muôn sắc. Trong suốt những năm dài chiến đấu, khu vườn ấy đã mọc lên trăm ngàn đóa hoa: sống chết có nhau nơi chiến trường, thăm hỏi thương binh bên giường bệnh, quà Xuân gởi biếu cô nhi quả phụ... Tiếc thay sự liên cảm tốt đẹp ấy cũng bị bức tử chung với chính thể Miền Nam.
Như bao người tỵ nạn khác, từ khi có được cuộc sống no đủ nơi hải ngoại, lúc nào tôi cũng chăm lo cho gia đình riêng của mình mà quên đi cái “gia đình quân đội”. Có nhớ chăng là nhớ đến cương vị, cấp bậc, màu cờ sắc áo đã bị xóa mất sau biến cố 30-4. Nhưng còn các thương binh đồng đội sống vất vưởng nơi quê nhà, thì tôi lại không hề quan tâm đến. Trong giây phút này, tôi đang tự trách tôi: đã quên đồng đội, quên những thương binh, cô nhi quả phụ hiện sống nơi quê nhà. Nghĩ đến điều này, khiến lòng tôi ray rứt. Giờ đây, tuy có muộn màng, nhưng cũng chưa phải quá trễ. Tôi nguyện sẽ hợp lực với những người có lòng, để cùng trợ giúp, viếng thăm, chăm lo cho khối thương binh, cô nhi quả phụ khốn khổ trong nước.
*
Mỗi lần đọc lại đoạn hồi ký của cựu Trung Úy Lê Ngọc Danh, Tùy Viên Tư Lệnh Quân Đoàn IV Quân Khu IV, viết lại sự kiện Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đi thăm thương binh tại bệnh viện Phan Thanh Giản Cần Thơ chiều ngày toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị buộc buông súng. Đoạn bút ký ấy khiến tôi xúc động đến nỗi khiến lời viết lưu lại mãi trong lòng tôi:
“Tư Lệnh đi từ đầu phòng đến cuối phòng hỏi thăm từng bệnh nhân, rồi Tư Lệnh đi qua dãy kế bên và tiếp tục hơn một giờ buồn tẻ và nặng nề chầm chậm trôi qua. Gần giường một thương binh, anh cụt hai chân, vải băng trắng xóa, máu còn rịn ra lóm đóm đỏ cuối phần chân đã mất. Tư Lệnh đứng sát bên và hỏi:
- Vết thương của em đã lành chưa?
- Thưa Thiếu Tướng, vết thương mới mấy ngày còn ra máu chưa lành.
Với nét mặt buồn buồn, Tư Lệnh nhíu mày lại làm cặp mắt kiếng đen lay động. Tư Lệnh chưa kịp nói, anh thương binh này bất chợt chụp tay Tư Lệnh mếu máo:
- Thiếu Tướng đừng bỏ tụi em nhe Thiếu Tướng.
- Qua không bỏ các em đâu! Qua ở lại với các em…”
Cứ mỗi lần nhớ đến đoạn bút ký, tôi lại như nghe được tiếng Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam: “Qua Không Bỏ Các Em Đâu”. Ôi! Tiếng “Qua” bình dị, êm ái, dịu dàng, thân thương... phát ra từ đáy lòng vị Chỉ Huy Trưởng đáng kính. Tôi nghĩ: khi nói lên lời tâm tình chân thành ấy, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã nhất quyết ở lại với đất mẹ, không bỏ rơi đồng đội. Tôi xem đây là Mệnh Lệnh sau cùng, ông ban ra cho quân nhân thuộc cấp, mà tôi là một trong những số đó. Mệnh Lệnh này, tôi đã không tuân hành từ bao năm qua. Nay tôi nguyện với lòng: mỗi khi về thăm các chiến hữu thương binh, tôi quyết tâm làm đúng theo Mệnh Lệnh: "Qua Không Bỏ Các Em Đâu"
Nguyễn Văn Hưởng
San Diego