Ba Mươi Năm Nhìn Lại,
Chiến Tranh Việt Nam?Lữ Anh ThưĐó là đề tài của buổi hội thảo do Trung Tâm Việt Nam (Vietnam Center) thuộc Đại Học Texas Tech tổ chức tại thành phố Lubbock, Texas vào 2 ngày 17 và 18 tháng 3 vừa qua. Hơn 30 năm sau, vẫn còn biết bao thắc mắc, bao bàn bạc về sự thất thủ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đây là lần đầu tiên tôi đến thành phố này, lần đầu tiên tham dự cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam do Vietnam Center tổ chức. Tôi đã nghe rất nhiều về những buổi hội thảo trước đây do Trung Tâm này tổ chức, đã muốn đến tham dự từ lâu nhưng mãi đến lần này mới thực hiện được ý định. Niềm nô nức đến Lubbock là được học hỏi những điều mới mẻ, được cất lên tiếng nói của mình, và được gặp những người bạn mới Mỹ cũng như Việt. Quầy rượu giữa sân khách sạn là nơi tôi đã gặp Phó Đô Đốc E. Tiđs và phu nhân cùng một số sĩ quan từng phục vụ tại Việt Nam. Tuy đã ngoài bát thập tuần, Phó Đô Đốc Tiđs vẫn còn rất minh mẫn. Ông đã kể cho tôi nghe thời kỳ ông tham chiến tại Việt Nam dưới quyền Đô Đốc Zumwalt. Đa số các vị này đã đến đây nhiều lần và có sự liên hệ thân mật với Vietnam Center. Tuy nhiên,họ cũng có mặt lần này để làm nhân chứng cho tình chiến hữu, tình đồng minh và tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân Lực Việt Nam Công Hòa (QLVNCH). Trong thành phần diễn giả Việt Nam, người ta nhận thấy cựu Đại Tá Đỗ Kiểm, cựu Đại Tá Mai Viết Triết, nhà văn Hải Triều, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, Giáo sư Nguyễn Thế Tiến, Thủy Quân Lục Chiến Trần Ngọc Toàn, Biệt Động Quân Vũ Hiếu, Người Nhái Nguyễn Văn Kiệt và một số thuyết trình viên trẻ như Nguyễn Minh Triết đến từ Canada, Hoàng Tuấn từ miền Đông Bắc Hoa Kỳ và Nguyễn Vinh của Texas. Về phía Hoa Kỳ thì có Tiến Sĩ Lewis Sorley, tác giả của những tác phẩm về chiến tranh Việt Nam vô cùng giá trị như A Better War, Vietnam Chronicles: the Abrams Tapes; Tiến Sĩ James Willbanks, Tiến Sĩ Andrew Wiest, Tiến Sĩ Mark Moyar, Tiến Sĩ Larry Berman (tác giả của No Peace, No Honor-Nixon, Kissinger and the betrayal in Vietnam), nhà văn trẻ Jay Veith, cùng một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam mà chúng ta chưa được dịp làm quen như Bill Laurie, Steve Sherman. Diễn giả danh dự cho buổi dạ tiệc là cựu Trung Tướng Lữ Lan. Đi một ngày đàng, học một sàn khôn là châm ngôn ông bà ta ngày xưa thường nói. Cho nên trong chuyến đi này, tôi cảm thấy đã học hỏi được rất nhiếu, cả điều hay lẫn điều không hay. Cái hay đầu tiên mà tôi nhận thấy là tình chiến hữu, tình đồng đội mà những người cựu chiến binh Mỹ vẫn dành cho QLVNCH, rằng chúng ta vẫn còn những người bạn tốt, can đảm, dám nói lên sự thật để bảo tồn uy tín cho một quân lực đã bị thế giới cố tình dìm vào quên lãng. Riêng các cựu chiến sĩ của QLVNCH thì tấm lòng đối với quân lực vẫn chẳng soi mòn sau hơn 30 năm. Và như tất cả các cuộc hội họp, những cuộc hội thảo hàng lang là những cơ hội học hỏi thích thú nhất.
Hội thảo về QLVNCH khai mạc ngày Thứ Sáu 17 tháng 3. Mở đầu là bài tham luận của
Tiến Sĩ Lewis Sorley. Trong phần nói chuyện dài 30 phút, TS Sorley đã đưa ra
những bằng chứng cụ thể để phản bác những dư luận sai lầm đầy ác ý từ trước đến
nay về QLVNCH. Ông cho rằng sự tham chiến của HK tại VN là cần thiết, sự hy sinh
là xứng đáng cũng như nhận định những sai lầm của HK trong việc trang bị khí giới
cho QLVNCH. Và đối với một người thuộc thế hệ con cháu, đây là lần đầu tiên tôi
được nghe xác nhận rằng trong thời kỳ đầu của HK tại VN, họ đã đẩy QLVNCH sang
một bên (shove to the side) để dành quyền hành quân.
Không chỉ Tiến Sĩ Lewis Sorley mà hầu hết những diễn giả Hoa Kỳ sau đó đều bày tỏ lòng cảm phục cho người bạn đồng minh QLVNCH và tỏ ý trách cứ chính phủ Hoa Kỳ đã có quyết định bỏ rơi quân dân Miền Nam Việt Nam. Ông Bill Laurie đã thẳng thắng chỉ trích giới truyền thông Hoa Kỳ là đã lừa dối ông cùng đồng đội của ông về những gì xãy ra tại Việt Nam. Ông cho biết khi ông được biệt phái sang vùng 4 chiến thuật, những người chiến sĩ Mỹ ông gặp tại chiến trường đều hăng hái vui vẻ chiến đấu. Theo lời ông, họ đã những có nụ cười lớn khi khoe rằng họ đã đá đít những tên việt cộng (they were ears to ears bragging we whacked their butts). Ông còn nói thêm, những gì ông học được, ông đã học trong những quán cốc với những người bạn chiến binh VNCH. Một trong những thuyết trình viên trẻ trong chương trình hội thảo là anh Nguyễn Minh Triết, một ứng viên trong chương trình Tiến Sĩ Sử học tại Đại học Ottawa, Canada. Phần trình bày của anh gồm 3 lý luận, và một trong 3 lý luận đó là trong cuộc chiến dành độc lập từ 1954-1963, đã có một cuộc nội chiến lồng trong chiến tranh độc lập. Lập luận của anh dựa trên một số tài liệu khảo cứu và trên một số cuộc phỏng vấn cá nhân. Không ít những gia đình Việt Nam bị xâu xé vì đã có thân nhân tham chiến cả 2 bên, quốc gia và cộng sản. Lập luận trên của anh đã làm bất bình một số cử tọa người Việt, cho rằng chiến tranh VN là cuộc chiến ý thức hệ, không phải là nội chiến. Theo người viết, cả 2 lập luận đều có lý. Cuộc chiến dài trên 20 năm tại Việt Nam tuy là để chống lại chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa ngoại lai, tuy nhiên đã do người Việt Nam gây đến cho người Việt Nam. Chưa kể rằng gọi như thế (nội chiến) là để phân biệt với những gì cộng sản thường rêu rao là chiến tranh chống Mỹ, nhằm tuyên truyền một chính nghĩa để bào chửa cho bạo lực. Nếu không gọi là nội chiến, chúng ta có thể gọi cuộc chiến tương tàn Bắc tấn công Nam là cuộc chiến gì. Một học giả Hoa Kỳ đã thắc mắc nếu lập luận của anh NMTriết do một người da trắng đưa ra, liệu có bị cử tọa VN chống đối? Một thuyết trình viên trẻ khác là anh Hoàng Tuấn trình bày về cuộc nổi loạn của thương phế binh vào những năm 1970-71 cũng đã làm cử tọa bất bình vì đã đưa một hình ảnh tiêu cực về chiến sĩ VNCH. Tuy nhiên, theo anh Hoàng Tuấn thì anh muốn nói lên cảm tưởng của những người thương phế binh VNCH rằng khi bị tàn phế, họ đã không được đền bù xứng đáng. Anh Hoàng Tuấn còn quá nhỏ khi chuyện thương phế binh cắm dùi xãy ra. Anh không nhớ gì và dựa hoàn toàn sự nghiên cứu của anh qua tài liệu lưu trữ tại Đại Học Cornell. Ngay tại Hoa Kỳ này, cựu chiến binh Mỹ còn không được lo lắng chu toàn thì nói gì đến VN trong thời chiến. Diễn giả đặc biệt trong giờ cơm trưa ngày Thứ Sáu là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu giám đốc chương trình Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành của Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc tại Hoa Kỳ. Trong phần trình bày của ông, GS Bích đã bàn lại một số vấn đề như tên gọi cuộc chiến, bằng chứng bạo lực mà cộng sản Hà Nội đã mang đến cho miền Nam, so sánh vũ khí trang bị giữa thế giới cộng sản cho miền Bắc và thế giới tự do tức Hoa Kỳ cho miền Nam, và bàn cờ chính trị quốc tế vào thời điểm 1975. Theo GS Bích, cuộc chiến VN cần được gọi là chiến tranh Đông Dương vì đã xãy ra trên lãnh thổ VN, Lào và Cam Bốt như ông đã từng tranh luận với ông Douglas Pike, một sáng lập viên của Vietnam Center. Nói về bạo lực gây chiến, GS Bích đã dựa trên một bản dự thảo báo cáo nộp lên cho tướng việt cộng Võ Nguyên Giáp cho thấy số lượng quân lính bộ đội đã gởi vào Nam trong suốt cuộc chiến lên trên một triệu người. Người ta phải đặt dấu hỏi vào con số được Hà Nội chính thức công bố vì nó ít hơn so với con số dự thảo. Phải chăng cộng sản Hà Nội đã cố tình báo cáo con số nhỏ hơn để che đậy tổn phí nhân mạng mà họ đã phí phạm để thôn tính miền Nam. Tuần báo Newsweek đã từng gọi quân dân miền Nam là những con thỏ đế so với con hùm cộng sản. Ấy vậy mà 300 ngàn con thỏ đế Nam Việt Nam đã tiêu diệt gần 1 triệu con hùm cộng sản. Phần trình bày của GS Bích đã trả lời cho một nhận định sai lầm rằng quân dân miền Nam đã không tranh đấu cho tự do. Các diễn gỉa Vũ Hiếu,Trần Ngọc Toàn cũng như Đỗ Kiểm/Trần Đỗ Cẩm đã nói về Binh chủng Biệt Động Quân VN,Thủy Quân Lục Chiến VN trong trận Bình Gỉa và cuộc hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với hải quân Trung Cộng. TQLC Trần Ngọc Toàn đã phản đối việc chiến sĩ TQLC VN đã phải hy sinh để cứu một TQLC Mỹ rồi lại bị Mỹ bỏ quên trong cuộc tải thương sau đó. Ông cũng cho biết sự phối hợp giữa TQLC Mỹ và VN không được thuận thảo. Cựu Đại Tá Đỗ Kiểm trong phần tường thuật cuộc hải chiến đã nhận định rằng mệnh lệnh của cấp chỉ huy VN trong trận Trường Sa đã không phù hợp với thực tế vì cấp chỉ huy trên đất liền đã không nắm vững tình hình chiến trận. Phần trình bày của Tiến Sĩ James Willbanks nói về trận An Lộc mà chính ông đã tham chiến. Ông đã ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của QLVNCH, kiên trì dưới làn mưa pháo và trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề suốt 2 tháng dài. Ông cũng nhận định rằng đã có những sự việc tiêu cực xãy ra, tuy nhiên không đáng kể. Ông cho biết năm 2005, ông đã trở lại thăm An Lộc. Cộng Sản Việt Nam đã xóa hết mọi dấu tích của cuộc chiến tàn khốc năm nào, kể cã san bằng nghĩa trang của lữ đoàn biệt kích dù VNCH. Người Nhái Việt Nam Nguyễn Văn Kiệt đã làm say mê cử tọa khi anh tường thuật lại cuộc mạo hiểm của anh cùng Tom Norris vào lòng đất địch để cứu một phi công Mỹ bị bắn rơi tại vùng sông Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khi anh kết thúc câu chuyện, cử toạ đã đồng loạt đứng lên dành một tràn pháo tay dài cho lòng dũng cảm của anh. Cựu chiến binh Hoa Kỳ Bill Laurie đã bày tỏ sự bất bình của anh ta qua lời nhận định rằng người phi công được cứu sống, Hambleton, khi viết câu chuyện thành sách và sau đó thành phim, đã không nhắc đến người đã cứu mạng mình. Bill Laurie sau đó đã thố lộ tôi đã phải cố gắng lắm để dằn lời thô tục dành cho tên Hambleton. Trong phần trình bày về sự bức tử của miền Nam và của QLVNCH, cựu Đại Tá Đỗ Kiểm đã liệt kê những sự cắt giảm viện trợ về vũ khí và đạn dược cho miền Nam của chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ trong suốt thời gian từ sau Hiệp Định Paris, mặc nhiên phủ nhận mọi cam kết trước đó. Trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, miền Nam đã không thể nào đối phó nổi với một miền Bắc được thế giới cộng sản dành cho mọi viện trợ tối tân nhất. Điều đáng nhắc đến là tại một buổi hội thảo về chiến tranh VN qua các đời Tổng Thống Mỹ liên hệ tổ chức tại Boston một tuần trước đó, người ta đã được nghe một cuộn băng thu thanh cuộc trao đổi giữa TT Nixon và cố vấn an ninh Kissinger. Trong đó, Nixon và Kissinger đã biết trước chỉ trong tối đa hai năm sau ngày ký kết hiệp định, miền Nam sẽ bị miền Bắc thôn tính. Kissinger trong một thông điệp gởi Thủ Tướng Trung cộng Chu Ân Lai đã hứa rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào miền Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cuộn băng thu thanh đã thu rõ chủ trương của chính phủ Nixon ngày đó, quyết định bỏ rơi Việt Nam vì đã không còn phù hợp trong chính sách toàn cầu của Mỹ. Đêm Dạ Tiệc của chương trình hội thảo đã được tổ chức tại sân trong nhà của khách sạn Holiday Inn. Diễn giả danh dự là cựu Trung Tướng Lữ Lan. Trong phần trình bày của ông, TT Lữ Lan đã phân tích và so sánh 2 bộ máy chiến tranh quốc gia và cộng sản, trình bày về thể loại chiến tranh mệnh danh là chiến tranh trường kỳ và toàn diện và chiến thuật mà VNCH và Hoa Kỳ đã dùng để đối phó. Ông cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong việc phối hợp với các cố vấn Hoa Kỳ và những khó khăn gặp phải khi cần thuyết phục họ thay đối chiến thuật. Và cuối cùng, #273;ã nói đến nổi xót xa của những ngưòi cựu chiến sĩ QLVNCH khi phải đối đầu với những lời phê bình 30 năm sau là QLVNCH đã không chiến đấu cho tự do. Ông cho biết đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng không những cho người chiến sĩ tị nạn mà luôn cả anh linh 300 ngàn tử sĩ. Ngoài những diễn giả kể trên còn có một số học giả Hoa Kỳ nói về thuyết chống du kích của Ngài Robert Thompson. Ngài Robert Thompson đã thành công trong cuộc chiến tranh chống du kích tại Mã Lai, đã chỉ trích chiến thuật áp dụng tại chiến trường VN, nhưng đã có lời khâm phục tinh thần chiến đấu của QLVNCH. Một bài bình luận khác đã nhận định về sự vô hình của người chiến sĩ VNCH trong báo giới Hoa Kỳ. Hình ảnh của người chiến sĩ VNCH luôn bị mô tả như một kẻ bất tài, vô tướng. Tiến Sĩ Phil Beider kết luận rằng bất cứ một ai chiến đấu cho tự do cũng đáng được một sự tôn kính. Tựu chung,cuộc hội thảo tái lượng định QLVNCH sau 30 năm do Vietnam Center tổ chức tại Lubbock đã có kết quả tương đối tốt đẹp, đã ghi nhận lại tinh thần chiến đấu và gương hy sinh anh dũng của QLVNCH. Sự thật đã được trả lại cho lịch sử. Những sai lầm về chỉ huy, lãnh đạo nếu có, cũng không thể phủ nhận sự dũng cảm của người lính VNCH. Điều đáng tiếc là đã không có một bài tham luận nào nói về cuộc chiến chiếm lại Cố Đô Huế và cuộc thảm sát tại đó vào năm 1968, cũng như đã không có bài tham luận nói về chính sách trả thù thâm độc và tàn bạo của cộng sản VN qua học tập cải tạo và kinh tế mới. Một điều đáng nói khác là cuôc hội thảo với sự tham dự của những học giả, sử gia tên tuổi của Hoa Kỳ, vẫn không tạo được sư chú ý của giới truyền thông Mỹ. Chỉ có tờ nhật báo và đài truyền hình ABC/CBS tại địa phương. Chẳng bù với buổi hội thảo tại Boston tuần trước đó. Điều đó cho thấy dư luận Hoa Kỳ sau 30 năm vẫn thiếu khách quan, thiếu trung thực và thiếu công bằng cho miền Nam Việt Nam. Trong phần thảo luận về cái chết của QLVNCH, một câu hỏi đã được đặt ra về hiệp định Paris và sự đi đêm giữa Mỹ và việt cộng. Hành động này đã cho thấy sự thiếu tương kính giữa hai đồng minh Mỹ Việt và đã cho cộng sản VN chính nghĩa chiến đấu chống đế quốc Mỹ? Trong lúc chủ tọa đoàn cố gắng tìm lời giải thích thì Phó Đô Đốc E. Tids đã lên máy vi âm để bày tỏ lòng ân hận của ông về những gì đã xãy ra và thay mặt cho quân lực Hoa Kỳ, ngỏ lời xin lỗi đối với QLVNCH. Đây, đối với người viết, là giây phút đáng ghi nhớ. 30 năm đã qua, VNCH đã không còn, nhưng một lời tương tự đã xoa dịu phần nào nỗi đau của người Việt quốc gia. Virginia 03/06 |