Menu

Thiếu thông tin, không có tự

do báo chí tại Việt Nam

Dân biểu Loretta Sanchez



        Truyền thông có một vai trò lịch sử lớn trong việc củng cố các nền dân chủ và thúc đẩy phát triển khắp thế giới. Là một người bênh vực nhân quyền, tôi cho rằng sức mạnh của truyền thông và tranh đấu cải thiện nhân quyền phải tiến hành tiếp Bà Loretta Sanchez, Dân Biểu Liên Bang, Hoa Kỳ tay nhau.  Tuyên truyền nhà nước và kiểm duyệt báo chí nhằm bóp méo sự thật và lèo lái tư tưởng của tập thể công dân dưới chế độ.  Dù cho chính quyền Việt nam cố gắng lập luận rằng có tự do báo chí nhưng làm thế nào họ có thể giải thích việc giam giữ những nhà báo như Nguyễn Vũ Bình và Trần Khải Thanh Thủy.  Mặc dầu Hiến Pháp Việt nam nói “người công dân được hưởng quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, quyền được tiếp nhận thông tin và quyền hội họp, lập hội và biểu tình phù hợp theo pháp luật”, thực tế dòng thông tin hãy còn trong sự định đoạt của chính quyền.  Những sự kiện và con số thống kê tự chúng giải thích điều ấy:

  • Ở Việt Nam không có báo tư nhân nào trong số hơn 500 tờ báo và tạp chí.
  • Gần 2,000 trong số 5,000 trang mạng Internet hiện nay bị đóng lại vì đưa lên những nội dung mà nhà nước xem là có tích cách “lật đổ” hay “phản động”.
  • Ký giả ngoại quốc bị theo dõi chặt chẽ khi tường thuật những chuyện quốc nội Việt Nam và thường bị trục xuất nếu được coi như đi ngược lại lợi ích nhà nước.
  • Đài phát thanh Á Châu Tự do thường xuyên bị gây nhiễu làn sóng điện.
  • Các ký giả, văn thi sĩ, những người bênh vực dân chủ và nhân quyền cùng những nhà “đối lập trên mạng lưới điện toán” tiếp tục bị sách nhiễu, đặt dưới sự quản thúc tại gia, lãnh những bản án tù nặng nề.

       Và xin quý vị nhìn qua các tựa đề tin tức.  Tiếp theo chuyến đi Việt Nam của tôi hồi Tháng Tư vừa qua, trên báo chí Hoa Kỳ và Âu Châu có những tựa:

  • Cảnh sát Việt Nam ngăn cản các bà vợ của những nhà đối lập gặp đại sứ Hoa Kỳ (AP 6 Tháng Tư 2007);
  • Bọn côn đồ được thuê mướn ở Hà Nội bám sát phái đoàn của nhà lập pháp O.C (Orange County Register 6 Tháng Tư 2007).

       Trong khi đó thì truyền thông do nhà nước Việt Nam kiểm soát đưa tin:

     - Tổ chức khủng bố xếp đạt chương trình cho chuyến thăm viếng Việt Nam của bà Sanchez (Vietnam Net Bridge, 8 Tháng Tư 2007).

       Ngược lại, tại địa hạt của tôi (Đơn vị Bầu Cử Dân Biểu Liên Bang số 47), nơi có một trong những cộng đồng dân Việt lớn nhất ngoài Việt Nam, các tựa đề tin tức đề cập đến những chuyện trấn áp, khủng bố chính trị và tôn giáo đã cho thấy một hình ảnh đúng đắn hơn về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.  Đấy đã là những phương tiện truyền bá cho người Mỹ về thực trạng bất công ở Việt Nam.

       Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới 3 Tháng Năm vinh danh tự do báo chí và nhìn nhận sự khó khăn còn tiếp diễn cho các ký giả trong việc tự do tường trình báo tin tức.  Các ký giả ở Việt Nam phải đương đầu với kiểm duyệt và khủng bố hàng ngày.  Mặc dầu có rất nhiều báo chí và cơ quan truyền thông hoạt động ở Việt Nam, thông tin vẫn bị kiểm duyệt và theo dõi nghiêm ngặt.  Các ký giả có nguy cơ bị cảnh sát công an trả thù nếu lên tiếng chống lại chính quyền.

       Là một thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Hạ Viện và đồng sáng lập viên Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Nam tại Hạ Viện, tôi đã tham gia trong các cuộc thảo luận về vấn đề bóp nghẹt truyền thông cùng những vi phạm liên tục về đàn áp tự do ngôn luận và thông tin ở Việt Nam.

       Năm nay tôi đã dẫn đầu một nỗ lực quốc tế trong việc yêu cầu phóng thích tức khắc nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cựu ký giả tờ Tạp Chí Cộng Sản, đang bị cầm tù.  Ông Bình bị bắt giữ sau khi đã phổ biến qua Internet những bài viết kêu gọi tiến tới thể chế dân chủ đa nguyên.  Theo lời bà vợ, ông Bình đã nhiều lần bị đầu độc bằng thực phẩm trong nhà tù và cần được quan tâm đến tình trạng sức khỏe ngay.  Mặc dầu yêu cầu từ Quốc Hội này được sự ủng hộ của Ngoại Trưởng Condoleezza Rice, chính quyền Việt Nam vẫn không trả tự do cho ông.

       Một vụ trấn áp báo chí khác mới đây liên quan đến việc bắt giữ Trần Khai Thanh Thủy, một ký giả và nhà văn từng được giải thưởng.  Được biết bà Thủy bị bắt đưa vào nhà tù ngày Thứ Bảy 21 Tháng Tư tại nhà riêng trong khi đã bị quản thúc tại gia.  Theo ủy ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ), bà Thủy bị truy tố với tội danh vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam ngăn cấm việc loan truyền thông tin được coi như có hại cho nhà nước.

       Ngay trong năm nay, hội Ký Giả Không Biên Giới đã ghi nhận có 7 ký giả Việt Nam bị bắt bỏ tù vì sự vi phạm luật hình sự với những bài họ đã viết hay đưa lên mạng lưới điện toán.  Hiệp hội này nói rằng “Về lãnh vực thông tin qua Internet, Việt Nam vẫn còn là một trong những nước đàn áp mạnh mẽ nhất thế giới”.  Họ cho biết: “Chính quyền Việt Nam ngăn chặn truy cập vào tất cả những trang mạng nào bị coi là “nguy hại” về chính trị và đạo đức, bao gồm các trang tin tức ngoại quốc và những trang của các tổ chức nhân quyền do người Việt hải ngoại thành lập.”

       Mặc dầu những hạn chế như thế, các ký giả ở Việt Nam vẫn liều mạng tường trình những tin tức trung thực nhiều khi có tính cách thách thức và chất vấn chế độ.  Dù chính quyền Việt Nam đã cắt đứt và theo dõi những kênh thông tin của họ bằng việc cài đặt bức tường lửa trên đường Internet, gây nhiễu tín hiệu điện thoại, đóng cửa các cơ sở truyền thông và bắt giữ các ký giả, họ vẫn cứ viết.

       Tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng các đồng viện Quốc Hội Hoa Kỳ để thúc đẩy sự cảnh giác và thảo luận vấn đề đàn áp nhân quyền ở Việt Nam có tác động thế nào đến mối quan hệ bang giao giữa hai nước.

       Tự do ngôn luận là một quyền căn bản của con người và là một phương tiện thiết yếu để do lường tính cách trong sáng và sự cởi mở ở một xã hội.  Chính quyền Việt Nam còn phải trải qua một đoạn đường dài để đạt tới tình trạng ấy nếu hy vọng rằng một ngày kia quốc gia này có thể là một thành viên hội nhập hoàn toàn trong cộng đồng quốc tế.

       * Trích Việt Báo ngày 3 tháng 5 năm 2007