Buổi Dạy Việt Văn Cuối CùngVương mộng Long *Bởi vì cái vết mổ khó lành trên lưng, nơi mảnh cối 82 ly đã lấy đi miếng xương vai trái, mà tôi có những cái nghỉ 29 ngày tái khám liên tiếp từ giữa năm tới cuối 1969. Vài tuần một lần, tôi lại quá giang tàu bay Mỹ, đi, về, Ban Mê Thuột- Pleiku thăm em gái một người bạn cùng đơn vị (cô ta sau này trở thành thân mẫu của bốn đứa con tôi). Những lần nghỉ 29 ngày tái khám sao mà dài và buồn tẻ lạ lùng! Loanh quanh có mấy con đường dốc ngắn ngủn trong Pleiku, đi vòng vòng riết cũng chán, tôi buồn. Tới thời điểm ấy thì tôi đã ở Pleiku tới năm thứ ba. Cuối năm 1966, tôi thuyên chuyển từ Vùng 1 tới đó rồi cứ ở lì đó, không đi. Đời lính của tôi lớn lên từ Pleiku. Pleiku chứng kiến tôi trưởng thành từ anh Thiếu úy nhóc tì mới ra trường, cho tới khi tôi là một Thiếu tá chỉ huy một đơn vị Biệt Động lừng danh của Quân đoàn 2, Tiểu đoàn 82 BĐQ/BP/Pleime. Thành phố Pleiku này rất nhỏ, nhà ở, quán xá sát vách nhau. Đường Hoàng Diệu, đoạn từ Khách sạn Bồng Lai tới dốc cầu Thiết giáp có ít nhất một chục nhà sẵn sàng cho phép tôi vào bếp nhà họ lục cơm nguội ăn lúc đói lòng. Năm 1969 tôi có người bạn làm thày giáo Việt văn tại ba trường trung học ở Pleiku. Anh bận nghỉ phép để cưới vợ và để vận động xin thuyên chuyển về miền xuôi. Anh khéo léo điều đình với các vị hiệu trưởng và được chấp thuận để tôi dạy dùm anh các lớp Việt văn mà anh phụ trách, mỗi lớp hai tiếng một tuần. Anh xin nghỉ ba tháng. Thế là tôi thành thày giáo trong thời gian ba lần tái khám. Thuở còn đi học, tôi đã từng đi kèm tại gia, đến trường làm thày giáo. Đứng trên bục giảng cũng là một công việc đơn giản dễ chịu, không khó khăn lắm. Thời chiến tranh, có rất nhiều vị thày giáo xuất thân từ quân đội, họ hoặc biệt phái ngoại ngạch, hoặc đã giải ngũ. Không có ông giáo nào đi dạy trong tình trạng như tôi. Mùa Thu 1969, tôi tới trường bằng chiếc xe Jeep mang số 122963 có cái huy hiệu đầu cọp nhe nanh nơi bánh sơ cua. Tài xế là B1 Châu minh Đạt áo quần thẳng nếp, đậu xe một cách kỷ luật bên trái cổng trường chờ tôi suốt hơn hai tiếng đồng hồ. Tôi bận quân phục tác chiến Biệt Động Quân với cái bảng tên màu đỏ, chữ trắng, lon vàng. Tay trái tôi còn treo trước ngực bởi sợi dây băng cứu thương quàng quanh cổ. Những lớp tôi phụ trách gồm một lớp thuần nữ, hai lớp có nam nữ sinh học chung. Lớp nữ sinh là lớp lớn hơn. Những nữ sinh tuổi mười lăm, mười bảy, ngây thơ và nghịch ngợm. Với họ, thì ít ra có vài cô đã biết tôi lớn lên như thế nào trong cái thành phố bé xíu chật chội này. Cũng vậy, với tôi, tôi nhận ra trong lớp có đôi người đã tới ủy lạo, trao quà cho tôi trong Trại Ngoại Thương 2/Quân Y Viện Pleiku của ông Y Sĩ Trung úy Lê văn Thới sau những chiến dịch lớn như Tết Mậu Thân và Bình Tây mà tôi "có dịp" bị thương nặng. Những lần thăm viếng đó, các cô ngồi ở cuối giường bệnh, hát cho thương binh nghe. Lần nào cũng thế, tôi đều yêu cầu được nghe một lần (hai lần càng tốt) bài "Kiếp Nào Có Yêu Nhau" của Phạm Duy. Tôi nợ người hậu phương những bữa cơm thân tình, làm vơi nỗi nhớ gia đình. Tôi nợ người hậu phương tiếng hát ru trong viện quân y, làm giảm cơn đau. Tôi vui vẻ nhận lời giúp bạn đứng lớp Việt văn. Tôi nói về văn học Việt. Tôi coi đây là một dịp để đền đáp thâm tình của người hậu phương Pleiku đã dành cho tôi. Tôi dẫn những tâm hồn thơ ngây Việt đi vào rừng văn chương Việt, khởi đầu từ tiếng "trống tràng thành" trong Chinh Phụ Ngâm, qua Thanh Tịnh, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, tới Nguyên Sa, Đinh Hùng... Thời gian đi dạy ngắn ngủi của tôi chắc đã để lại một kỷ niệm khá êm đềm giữa chúng tôi, thày và trò, hậu phương và tiền tuyến. Tôi cảm thấy như thế... Buổi dạy sau cùng của tôi rơi vào lớp nữ sinh là một kỷ niệm khó quên. Cuối giờ, em trưởng lớp bạo dạn đứng lên hỏi thày, -"Thày ơi! Ngày mai thày ra trận, cái gì thày sẽ mang theo trong hành trang của thày?" -"Thày sẽ đem theo hình ảnh đôi mắt người yêu của thày! Đôi mắt âu lo nhìn theo bóng người ra trận." Tôi mỉm cười, -"Bộ thày có bồ rồi hả? Sao tụi em không thấy? Bao năm nay, xe thày chỉ chở đàn ông..." Cả lớp ồ lên, -"Thày có bồ rồi! Người yêu của thày không ở Pleiku, cô ấy ở Ban mê Thuột." Tôi thú thực, Một phút im lặng nặng nề. Rồi một cô bé bạo dạn hỏi tôi thêm câu nữa, -"Thế thày có biết người ở lại sẽ nhớ gì đối với người ra đi hay không?" Tôi suy nghĩ một lúc rồi gãi đầu nhỏ giọng, -"Thày chịu thua! Thày không biết người ở lại nghĩ gì!" Hình như trước buổi học, các em đã hội ý với nhau về câu hỏi này, tôi thấy hai ba em giành nhau đứng lên, một em nhanh miệng, -"Nụ cười của thày! Người ở lại không quên nổi nụ cười của thày! Nụ cười của thày buồn quá!" Sau ngày ấy, tôi về đơn vị tiếp tục ra chiến trường. Ba mươi sáu năm sau, tôi tình cờ đọc được trên Đa Hiệu 75 lời nhắn tin của người học trò cũ của mình. Tôi thật là cảm động. Không ngờ, biển dâu thay đổi, giờ này còn người nhớ tới tên mình. Thời gian thấm thoắt, ba mươi sáu năm đi qua. Mỗi người có riêng một hành trang, mang nó suốt đời trên vai... Seattle, tháng 11/2005 * Trích trong Tập San Đa Hiệu số 76 |