Menu

Trỗi dậy mùa Xuân

Vũ Ánh
(tặng các bạn HO của tôi)



       Tôi yêu quân đội từ trước thời gian theo lệnh gọi lên đồi Tăng Nhơn Phú. Tình yêu đến bất ngờ do nghề nghiệp mà tôi lựa chọn đưa lại: Phóng Viên Mặt Trận.  Ở vào cái tuổi 23 lúc chiến tranh bắt đầu lan rộng, tôi muốn vá trời lấp biển, muốn "ngon" hơn tất cả những người nổi danh nhất trong lịch sử phóng viên mặt trận từ các thế chiến và cuộc chiến tranh Triều Tiên mà tôi đã có dịp đọc hay phải đọc vì đòi hỏi của giáo trình khi còn học nghề.  Thế là sau khi được trang bị một số kiến thức cần thiết, tôi nhảy ngay ra tiền tuyến.

       Những trận đầu làng nhàng, đi với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và Đại Đội tương đối ít nguy hiểm khiến tôi tưởng bở đòi lên đi theo Trung Đội để tạo nhiều cảm xúc hơn.  Và rồi mùa mưa năm 1966, lần đầu tiên tôi sợ đến "tiểu" ra quần trên kinh Thác Lác và chứng kiến cái chết của Phóng viên Huỳnh Thành Mỹ lúc đó đang làm phóng viên nhiếp ảnh cho hãng thông tấn AP.  Tiểu Đoàn 42 BĐQ trong trận đó "bị" khá nặng.  Cộng quân cố gắng chọc thủng phòng tuyến vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn diễn ra suốt ngày hôm đó, nghĩa là từ 10 giờ sáng và cho tới 4 giờ chiều.  Tôi nghe rõ tiếng kèn thúc quân ma quái của quân Cộng.  Dù lấy hết can đảm và bình tĩnh, tôi cũng chỉ nói vào trong máy ghi âm được gần một phút.  Nhưng mắt tôi đã chứng kiến hết mọi diễn biến từ đầu đến cuối và tôi bắt đầu hiểu tính chất bi hùng tráng của cuộc chiến tự vệ của người lính VNCH, đồng thời một nguồn cảm hứng mãnh liệt dấy lên trong lòng.  Tôi biết rằng mình sẽ không bỏ cuộc, sẽ phải theo chân những người lính này mãi mãi chừng nào chiến tranh còn diễn ra.  Rồi tôi tự cho mình một nhiệm vụ mà không cần hỏi ý kiến hay nhận lệnh từ bất cứ cấp chỉ huy nào trong ngành của tôi lúc đó: phải tường thuật tất cả những gì xảy ra nơi chiến trường và trong đời của những người lính, kể cả những khi họ nằm xuống, hay đã phải để lại một phần thân thể nơi chiến trường.  Hậu phương cần phải được biết điều đó.

Phóng Viên Mặt Trận luôn cận kề những chiến trường lửa đạn.        Tuổi trẻ khiến tôi nghĩ một cách lý tưởng rằng những diễn biến của mặt trận chính là những khuyến cáo chính xác nhất để chính quyền có thể tổ chức một hậu phương đoàn kết và vững mạnh.  Tôi đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh mà nếu ai không phải là Lính, không sống với Lính sẽ không bao giờ tin được.  Đó là, khi theo những chiếc quân xa cùng với những người lính trở về hậu cứ sau mỗi cuộc hành quân thế nào cũng nghe những tiếng khóc, những lời trì xiết, chửi rủa từ Tổng Thống cho đến những ông Tư Lệnh Sư Đoàn, các ông Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng và nhất là các Đại Đội Trưởng và Trung Đội Trưởng.  Họ cho các ông ấy "ăn" đủ thứ.  Khi ấy những người mẹ, người vợ lính bị kích xúc do đang phải đối mặt với những mất mát không thể nào bù đắp lại được.  Tôi cũng đã chứng kiến những người vợ lính còn rất trẻ, ngồi như tượng đá, không khóc thành tiếng, nhưng nước mắt cứ lặng lẽ chan hòa tưởng như dòng lệ ấy không bao giờ ngưng được.  Nỗi đau khổ của họ có bao nhiêu người biết, bao nhiêu người hay?

       Cho nên, những kỷ niệm về lính, về trận mạc không thể xóa nhòa được trong tôi, dù đã trên 40 năm.  Chúng luôn luôn sống động và luôn luôn là chiếc đồng hồ báo thức mỗi khi tôi gần như chìm đắm vào những cơn mê sảng của lòng hận thù trong đời tù của mình sau ngày 30-4-1975.

       Vì tình yêu thiêng liêng với quân đội cho nên khi bị đẩy vào sau những cánh cổng nhà tù Cộng Sản, lớp trẻ chúng tôi lúc ấy lại muốn đội đá vá trời khi cố gắng thực hiện lại hình ảnh hùng tráng của đoàn tù binh Anh bên Cầu Sông Kwai.  Chúng tôi gọi nhau có khi bằng cấp bậc, có khi gọi bằng anh xưng em, coi những người lớn cấp hơn vẫn là những người chỉ huy cũ của mình.  Chúng tôi cố gắng chứng tỏ cho kẻ thù thấy rằng, dù đã là người ngã ngựa, đã thất trận nhưng vẫn không dậu đổ bìm leo, vẫn trật tự có trên có dưới.  Thậm chí đã có lúc chúng tôi muốn coi những nhà trưởng, đội trưởng của chúng tôi trong nhà tù Cộng Sản giống như vị Đại Tá người Anh trong phim, người đã tự nguyện vào nằm trong "chuồng cọp" thay cho những sĩ quan và binh sĩ dưới quyền.  Chúng tôi không mấy thành công trong việc giữ những thể diện ấy và trong rất nhiều trường hợp, chúng tôi phải nằm "chuồng cọp" vì những lời tâu hót của nhà trưởng, hay đội trưởng thường là những sĩ quan đàn anh của chúng tôi.

       Đã có một thời gian những bài sổ tay tôi viết về một vài hiện tượng của những cựu quân nhân ở quận Cam này từng có những ngô nhận về tôi và khoác cho tôi đủ thứ áo.  Tuy nhiên, tôi không quan tâm lắm tới chuyện này vì tôi biết một cách chắc chắn là do vài cá nhân đó đã có những hành vi làm mất thể diện quân đội VNCH trong trại giam, nên sang đây đã cố gắng sửa lại hình ảnh kém vinh hạnh của họ bằng những tiểu sảo chính trị rất buồn cười: chỉ có chống Cộng bằng cách động dao động thớt mới đúng.  Còn các kiểu khác đều là tay sai hay nằm vùng của Cộng Sản.  Vì yêu quân đội, tôi sẽ không bao giờ cố gắng chịu đựng cái lối đánh trống thổi kèn để chống Cộng bằng miệng hay làm chính trị một cách hoang tưởng của những cá nhân này.

       Cũng vì thế cho nên khi Lê Thiệp gởi cho cuốn "Đỗ Lệnh Dũng", tôi đã đọc hết ngay truyện ký này trong một đêm.  Cuốn sách đến tay tôi bằng đường bưu điện đúng lúc quận Cam đang vào Mùa Đông.  Ở vào cái tuổi 66, thức trọn đêm trường lạnh lẽo để đọc hết gần 400 trang sách, nhưng sáng ra vẫn không càm thấy "oải" vì cuốn sách toát ra cái hơi ấm của tình người, củng cố được niềm tin cho chúng ta rằng trong những điều kiện khắt khe của một cuộc đổi đời, chúng ta vẫn còn tìm được nhiều người tốt.  Những người lính chúng tôi vẫn một dạ trung thành với lý tưởng và chính nghĩa quốc gia.  Tôi không thể lầm lẫn chính nghĩa và chính quyền.

       Đỗ Lênh Dũng cũng thuộc thế hệ chúng tôi.  Anh không chọn binh nghiệp.  Dũng mặc áo lính vì lệnh tổng động viên.  Anh thú nhận là cho đến khi tốt nghiệp khóa 3/68, ra trường đáo nhậm đơn vị rồi anh vẫn chưa có ý thức gì về cuộc chiến mà người ta gọi là cuộc chiến ý thức hệ.  Anh mặc áo lính chỉ vì "người ta sao tôi vậy" trong khi anh đủ điều kiện để "người ta sao nhưng tôi không vậy".  Nhưng khi bắt đầu vào cuộc rồi, người sĩ quan trẻ tuổi, tâm hồn vẫn còn như tờ giấy trắng này đã ghi trọn hình ảnh chiến đấu của những đồng đội của mình, hoàn cảnh của họ, những thiệt thòi mà họ phải chịu đựng.  Khi một người có hoàn cảnh giống như những người khác chung quanh thì tự nhiên tình cảm và mối liên hệ phát triển.

       Thực tế của những năm tác chiến khiến Đỗ Lệnh Dũng cảm thấy một điều: không thích thú hay ham muốn những vị trí có chữ "thọ" lớn ở hậu phương nữa.  Không phải vì Dũng cảm thấy xấu hổ mà vì anh biết rằng các đồng đội của anh ở tiền tuyến đang cần tới mình.  Một người càng dày dạn với chiến trận, càng yêu quân đội hơn, một tình yêu chân thực, giản dị chứ không phải tình yêu bị thúc đẩy bởi khát máu chém giết.  Với tình yêu lớn lao ấy và lý tưởng, Đỗ Lệnh Dũng đã không bỏ đồng đội dù biết rằng mình có thể đi vào chỗ chết.

       Trận Đồng Xoài với Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng thu gom tàn quân mở đường máu mong thoát khỏi vòng vây của Cộng quân khi Chi Khu Đồng Xòai thất thủ là một thiên anh hùng ca biểu tượng cho các đơn vị Quân Lực VNCH bị đẩy vào cảnh "mãnh hổ nan địch quần hồ".  Bằng tất cả trái tim và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, Dũng đã bảo vệ danh dự của một người lính cho tới giờ phút chót, không bỏ trốn trước địch quân.

       Lê Thiệp đã nhập vai và viết truyện ký về một người đi trong chiến tranh bằng một lối kể chuyện nhỏ nhẹ, nhưng đầy hấp dẫn.  Anh bỏ hầu kết những tĩnh từ nào có thể khiến cho người đọc hiểu lầm là cựu Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng viết một bản cáo trạng với chế độ hiện nay ở Việt Nam.  Lê Thiệp chỉ trình bày một Đỗ Lệnh Dũng, chàng thanh niên bước vào trận mạc chỉ vì đạo luật tổng động viên, nhưng khi bước vào rồi, anh làm hết bổn phận và trách nhiệm với một ước mơ giản: khi hết chiến tranh, anh được phép trả súng quay lại trường Luật và làm công việc mà mình thích.

       Phần nói đến lao tù Cộng Sản thì không có gì khác những điều mà phần đông những anh em HO chúng tôi đã trải qua, có khi còn nhiều trường hợp kinh hãi hơn nữa.  Tuy nhiên, cảnh giải giao tù binh ra ngoài bắc theo đường Trường Sơn thì hoàn toàn là một kinh nghiệm mới mẻ và Đỗ Lệnh Dũng là người đầu tiên kể lại trên sách vở.  Trong cảnh khốn quẫn đó, Dũng gặp được một số người ở phía đối phương còn giữ được lương tri và tình người.  Đây phải chăng cũng là một an ủi cho những gian khổ mà anh và những đồng đội của anh đã trải qua.

       Nhưng khi đọc đến đoạn Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng chào kính Đại Tá Nguyễn Văn Thọ ở ngoài Bắc, tự nhiên mắt tôi nhòa lệ.  Nó gợi trong tôi hình ảnh của những người lính Anh bên chiếc cầu định mệnh tại xứ Miến Điện xa xôi của họ hồi Thế Chiến Thứ Hai.  Nó cũng gợi lại cho tôi hình ảnh của lớp tù cải tạo chúng tôi khi chào kính những vị chỉ huy đáng kính hay vài vị chỉ huy đáng khinh trong tù chỉ để gởi một thông điệp đến kẻ thù: "Chúng tôi thua trận, các anh thắng trận muốn làm gì thì làm, nhưng điều các anh không làm được chính là không bắt chúng tôi bất kinh với những cấp chỉ huy, các đàn anh của chúng tôi".

Bìa sách Đỗ Lệnh Dũng (Lê Thiệp)        Thời gian đi qua mau quá, chúng tôi đang bước vào những mùa Xuân cuối cùng của thế hệ chúng tôi.  Ấy vậy mà vẫn cứ tưởng chuyện mới như mới xảy ra ngày hôm qua.  Tôi đã đọc khá nhiều những hồi ký viết về chiến tranh, hay lao tù, nhưng dường như chưa có cuốn nào viết về thứ hạnh phúc mà người Mỹ thường gọi là "happy ending" như Lê Thiệp.  Lê Thiệp đã mô tả về mối tình giữa Đỗ Lệnh Dũng và Song Thu.  Mối tình khởi sự từ một chuyến thăm nuôi và từ một lá thư tỏ tình do Dũng đã 'uống thuốc liều'.  Kết thúc mối tình là một đám cưới khi Dũng được thả về.  Một thanh niên và một thiếu nữa độc thân lấy nhau là chuyện thường, có gì đáng nói.  Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì trong suốt những năm tháng tù đầy, ít ra tôi cũng được biết vài mối tình đi đến những kết thúc có hậu bằng một đám cưới ngầm ở nhà thăm nuôi khi chú rể vẫn còn trong tù.  Câu chuyện như trong cổ tích.  Bởi vì ở vào hoàn cảnh xã hội biến dạng và tan nát khi Dũng được thả về, một xã hội mà trong đó, người ta đang tranh sống, tình yêu bắt đầu được tính bằng "cây", bằng danh vọng, quyền lực và lý lịch thì việc Song Thu kết hôn với một anh cựu tù cải tạo mà tất cả các cánh cửa tương lai của anh đều đã bị đóng chặt không phải là chuyệ.  Phải nói, đó là một mối tình lớn.

       Riêng tôi, tôi cho rằng mối tình này với phần kết thúc có hậu như vậy đã làm cho hơi ấm lan tỏa và bao trùm mọi chi tiết tàn khốc của truyện ký để cho trên đống tro tàn của cuộc chiến, những đóa hoa nhân ái nở rộ.

       "Đồn anh đóng ven rừng mai.
       Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?"

       Trong tất cả những bài hát viết về lính, tôi chỉ thuộc hai câu này của một ca khúc mà chính tôi cũng không nhớ tên tác giả.  Phải chăng vì tôi đã trải qua những hoàn cảnh chênh vênh của những đêm trừ tịch nằm tiền đồn, nghe bài hát này phát ra từ những chiếc radio nhỏ của những người lính xa gia đình nên nhập tâm chăng, hay là do hát gói ghém được giấc mơ Xuân thầm kín nhất của lớp thanh niên chúng tôi đang lao vào chiến tranh thời đó?

Xuân Đinh Hợi (2007)

       * Trích trong KBC Hải Ngoại số Xuân 2007


KBC Hải Ngoại

Hộp thư:  9353 Bolsa Ave. # K17
                Westminster, CA92683

Điện thoại & Fax: (714) 554 - 1974

Email:  kbchaingoai@yahoo.com
         chienhuu@hotmail.com