Phần 2NGÀY TA BỎ NÚIVương mộng Long. . . . Nhảy lên chiếc xe Jeep, tôi phóng nhanh tới cái nút chặn hướng đông của Đại đội 1/82. Từ đây tôi và toán cận vệ chạy bộ lên chỗ Đại đội 3 và Đại đội 2 đang chạm địch. Quân của Trung úy Phước (ĐĐ3/82) đang nằm trong rừng, bên phải lộ. Phước chiếm được ngọn đồi cao, nằm dài theo hướng đông tây. Còn Trung úy Đăng ở bên trái con đường. Đại liên VC từ hai hướng nam bắc con lộ đang bắn tới tấp vào bên trái dốc chữ "S" nơi đơn vị của Trung úy Đăng bị sa lầy. Đại đội của Đăng đang kẹt trong rừng khọt (cây dầu rái) lơ lửng giữa con suối và con đường. Tôi gọi pháo binh và cối 81 bắn cản trước mặt đại đội của Đăng để đơn vị của anh bò từ từ lên cao, bắt tay với Đại đội 3/82. Khi Đại đội 2 bắt tay được Đại đội 3, tôi ra lệnh cho hai đại đội quây tròn trên đỉnh đồi bên phải tỉnh lộ. Tôi xử dụng pháo từ Kiến-Đức bắn ngay mặt lộ để ngăn địch truy kích. Nhưng tiếng súng của địch đã êm. Như thế là chúng không chủ tâm giao chiến, hoặc chúng chưa có lệnh giao chiến với TĐ 82/ BĐQ. Chỉ nhìn thoáng qua trận địa, tôi đã hiểu ngay chủ đích của địch là nhử quân ta tiến sát khu chữ "S" rồi chúng dùng hai khẩu 12,7 ly kềm chân quân ta. Sau đó bộ binh địch bao vây chia cắt hậu quân của ta. Bao vây chia cắt là chiến thuật cổ điển, nhưng rất hữu hiệu khi chặn đánh một đoàn quân đang khai lộ. Trung úy Đăng báo cáo với tôi rằng khi đơn vị anh còn cách cái xác của Thượng sĩ Ngon chừng một trăm thước thì đại liên địch khai hoả. Đại úy TĐP hăng hái xông lên với trung đội đi đầu của Đại đội 2/82. Ông Hoàn nói với Đăng, -"Kỳ này mình lấy cây 12,7 ly về cho Thái Sơn giải buồn!" Nhưng chỉ năm phút sau, từ con suối bên trái trục tiến quân, địch vừa bắn vừa ào ạt xung phong lên cắt đơn vị anh thành ba phần. Trung đội đi đầu của Chuẩn úy Đức bị mất liên lạc. Tình trạng của Đại úy TĐP không biết ra sao. Xế trưa, tôi áp dụng cách rút sâu đo, cho quân lui từ từ về hướng Kiến-Đức. Chiều đó chúng tôi mới về tới tiếp điểm của Đại đội 1/82. Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày tôi nghe tiếng Hoàng Long trong tần số nội bộ của Delta. Ông tiểu đoàn phó nói rất nhỏ, có lẽ ông ta đang bị địch bám sát, -"Tôi đi với đứa con đầu của thằng Delta. Tôi bị đánh bọc hậu mất liên lạc với đàng sau. Hiện tôi ở trên triền một ngọn đồi hướng bắc con đường, nhưng không xác định được tọa độ. Chúng nó (VC) đang đuổi theo tôi." - " Rồi! Bình tĩnh! Anh còn bao nhiêu người cho tôi biết đi?" - "Tôi còn sáu chục người!" - "Sáu chục thì đủ mạnh để đánh mở đường về với tôi rồi. Cứ hướng bốn nghìn tám trăm mà phóng đi! Càng nhanh càng tốt! Giữ liên lạc với tôi!" Có tiếng bấm ống nghe "xẹt!xẹt!" rồi tiếng Hoàng Long thì thào, -"Thái Sơn ơi! Tôi còn có sáu người thôi! Tôi ngụy thoại thành sáu chục đó (!) Tôi với năm thằng lính của Delta là sáu. Tụi tôi bị chúng nó (VC) cắt ngang từ phút đầu. Cái máy này là của trung đội đầu của thằng 2" Thực là dở khóc, dở cười. Tuy vậy tôi cũng an tâm là ông Hoàn vẫn còn sống. Tôi ôn tồn, "Thôi được rồi! Bây giờ làm theo tôi chỉ. Đi thẳng hướng sáu nghìn tư cho tới con suối hướng bắc ngọn đồi anh đang đứng. Sau đó quẹo trái, ngược dòng con suối đi riết về hướng tây. Hết suối là về tới chỗ tôi. Làm ngay đi!" - "Tôi nghe 5! Thái Sơn nhớ báo cho tụi thằng Hồng Hà (Thiếu úy Học) tránh ngộ nhận tôi đó nhe!" - "Ừ! Thôi! Lẹ lên!" Từ đồn Kiến-Đức, Thiếu úy Thủy báo cáo rằng, nơi cái cống sập, chiếc tank từ hướng Bù-Binh bò lên đã hiện nguyên hình là cái máy cày cài cành lá ngụy trang. Ba tên cán binh VC trên xe, đã vứt xe, nhảy xuống đường định chạy thoát thân khi trái hỏa tiễn XM 202 xé nát đầu chiếc máy cày. Hai băng M16 đốn ngã 3 tên giặc. Ba khẩu AK 47 và một khẩu phòng không 12,7 ly cháy theo chiếc xe tank dỏm. Chiếc xe máy cày bị bắn cháy đã trở thành chướng ngại vật cản trở xe tank nằm giữa đường Bù-Binh, Kiến-Đức. Gần tối hôm đó Đại úy tiểu đoàn phó và năm người lính theo ông về tới tiền đồn bắc của Đại đội 1/82. Trước đó vài phút, trung đội của Chuẩn úy Đức chui ra khỏi rừng hướng nam con lộ và liên lạc được toán tiếp đón của Đại đội 1. Người mang máy PRC 25 cho Đại úy Hoàn có mặt trong trung đội của Chuẩn úy Đức. Cái máy truyền tin của ông tiểu đoàn phó đã bị bắn bể từ phút đầu tiên. Tính tới 5 giờ chiều, Đại đội 2/82 còn thiếu 14 người. Đêm xuống, sương mù dày đặc, trăng thượng tuần có cũng như không. Các tiền đồn không dám gài mìn bẫy vì sợ quân bạn thất lạc trở về vướng bẫy. Gần sáng, Trung tá liên đoàn trưởng cho lệnh tôi bỏ Kiến-Đức, tìm mọi cách rút về Nhơn-Cơ. Sáng 21/3/75, tôi chuẩn bị đánh một trận nhổ chốt thần tốc. Tôi xin pháo binh của tiểu khu một hỏa tập thu gọn trong ô vuông mỗi chiều một cây số từ đầu tới cuối khúc đường chữ "S". Pháo 105 ly Nhơn-Cơ bắn không ngừng từ khi tôi xuất quân, và chỉ được phép chấm dứt khi tôi yêu cầu. Về phần pháo binh Biên Phòng Kiến-Đức thì 500 quả đạn nổ 105 ly được chất lên xe. Hai khẩu đại bác được hai toán BĐQ đẩy bằng tay di chuyển trên hai bên bìa đường. Đại bác trực xạ ngay sát mép rừng hướng trước mặt. Quả đạn sau nổ chỉ cách quả đạn trước hai chục thước. "Đùng! Đoàng!" "Đùng! Đoàng!" ra khỏi nòng một, hai giây là đạn nổ. Khẩu súng bên trái bắn vào rừng bên phải. Khẩu bên phải bắn vào rừng bên trái. Sở dĩ phải bắn như thế vì bắn mục tiêu ở bên lề đường đối diện dễ hơn bắn mục tiêu cùng phía với súng. Cứ thế, "Đùng! Đoàng!" hai họng đại bác thay nhau tiến lên, bắn liên tục . Đàng sau lưng tôi là khẩu 81 ly của tiểu đoàn và bốn khầu 60 ly của các đại đội. Tôi cho cối 81 ly bắn đạn thời nổ chậm (delay) trong khi cối 60 ly bắn đạn chạm nổ. Tầm bắn di động từ gần ra xa dần theo hướng tiến quân. Sau mỗi đợt pháo, tầm xa tăng lên một vòng tay quay. Tiếng cối depart "kinh! kinh!" liên hồi kỳ trận, âm vang dội trong khe núi. Đạn cối nổ "ùm! ùm!" Cây cành gãy răng rắc. Mưa đạn cối đang rơi hai bên đoạn đường ngắn ngủi hơn một cây số rừng rậm. Thêm vào đấy là tiếng đại liên, trung liên, M79, lựu đạn, và tiếng quân ta reo hò, la hét. Khói và bụi cuồn cuộn trước mặt. Biệt Động Quân hàng ngang trong rừng, song song với hai khẩu đại bác ngoài đường. Những người lính miệng hô "Biệt Động! Sát!" vừa bước tới, vừa bóp cò. Quân đàng trước vừa hết đạn thì dừng lại, thay băng đạn mới; quân đàng sau lên thay, tiếp tục vừa bắn vừa tiến. Người thì thay phiên nhau bắn, nhưng đạn không ngừng nổ rền trời. Theo thế sâu đo, Biệt Động Quân tiến ào ào, khí thế như nước vỡ bờ. Đây là một trận đánh chớp nhoáng nhưng lại rất thảnh thơi, thoải mái, lớp lang. Mỗi cánh quân hai bên đường có sáu toán an ninh cạnh sườn. Sáu toán trang bị mìn Claymore và M79 bắn đạn chài, đạn nổ, làm nhiệm vụ chống bao vây chia cắt. Gặp đường mòn, triền dốc, những toán này dừng lại gài mìn bố trí chờ. Ra quân lần này tôi đã tận dụng tất cả hỏa lực có trong tay đánh phủ đầu không cho địch kịp ngóc lên thở. Khẩu 12,7 ly VC bên hướng nam con lộ chỉ bắn được vài viên là câm họng. Đúng như tôi đã dự đoán. Khi quân của tôi vừa chạm đỉnh dốc đầu chữ "S" nơi cái xác của Thượng sĩ Ngon đang bốc mùi, thì hai khẩu phòng không VC đặt trong khu mả của dân Thượng bên trái đường khai hỏa. Lập tức, khẩu 105 ly di động bên phải đường tương hai quả khói trắng về hướng nghĩa địa Thượng để che bớt tầm quan sát của xạ thủ địch . Hoả tập pháo binh trên mặt đường chữ "S" được chuyển xạ sang khu mả Thượng. Đạn 105 ly nổ "Oành! Oành!" trên khu ngã ba đường xe be. Dưới khe bên trái lộ, mìn Claymore bắt đầu nổ. Ba toán BĐQ ngăn chặn lực lượng bao vây chia cắt đã phát giác địch và cho mìn nổ. Những chuyên viên của chiến thuật bao vây chia cắt CSBV đang gặp khắc tinh! Hôm nay các mũi xung kích chia cắt của VC chưa kịp phóng viên B40 nào, các xạ thủ B40 đã vỡ sọ. Tiếng rên la đau đớn, tiếng quát tháo chửi bới lẫn nhau om xòm dưới khe suối bên trái con lộ. Tiếng Bắc xen Nghệ Tĩnh. Lúc này đạn M 79 của ta bắt đầu tới tấp câu xuống khe. Tôi đang chỉnh 105 ly trên trục nghi ngờ có khẩu phòng không di động của địch thì trong tần số hỏa yểm nghe có tiếng người gọi tôi từ trên trời, -"Thái Sơn cho mục tiêu, tôi phụ một tay! Bắc Bình mới xin tôi lên làm việc với Thiếu tá đây!" Bắc Bình là ông Thiếu tá Trần văn Bường (k18 VB), Tham mưu phó hành quân của Tiểu Khu Quảng-Đức. Tiếng nói trong máy hỏa yểm là tiếng nói quen thuộc của một hoa tiêu L19 mà trong nửa năm hành quân ở đây, tôi đã nhiều lần ngồi ghế sau anh ta, bay bao vùng khu vực Nhơn-Cơ , Kiến-Đức. Tôi và anh phi công này đã nhiều lần đánh phối hợp rất ăn khớp và tương đắc. Tôi hướng dẫn để anh phi công quan sát cái nghĩa địa Thượng nơi ngã ba đường xe be. Tôi nhờ anh triệt hạ giùm hai khẩu phòng không di động đang trụ ở điểm này. Tôi sơ lược tình hình bạn địch cho anh ta rõ. Hướng đề nghị cho máy bay oanh tạc ra vào là Nam-Bắc, vì quân tôi tiến theo trục Tây-Đông. Chiếc L 19 đảo sát ngọn cây một vòng. Khẩu phòng không đổi góc bắn lên trời, đuổi theo đuôi chiếc L 19. -"Okay! Tôi thấy rồi! Một cái xe bò cài lá ngụy trang có khẩu phòng không. Tôi chơi ngay!" Một trái khói phụt xuống sát bên khu mả Thượng. -"Được chưa? Thái Sơn!" -"Được rồi! Cứ từ đó dài về hướng 360 độ là địch, đánh tự do!" Sau câu trả lời "Okay! Do!" chiếc quan sát cơ bay tránh sang hướng đông. Tôi che mắt tìm những chiếc máy bay oanh tạc. Trời trong xanh. Có hai chiếc A 37 đang lượn rất cao. Hai chiếc tàu lấp lánh trong nắng. Hai chiếc tàu nhỏ tí ti. Tiếng rè rè từ A 37 "Bom đi! Pass số 1! Chỉnh!" Tôi trả lời, "Nhận!" Tôi trả lời "nhận", nhưng tôi phải che mắt để quan sát xem bom tới từ hướng nào. Đời tôi đã có hàng trăm lần được không quân Mỹ, Việt yểm trợ tiếp cận. Đây là lần đầu tiên tôi thấy máy bay yểm trợ cho tôi đã thả bom ở tầm cao quá sức là cao. Có lẽ bom được thả từ trên cao độ mười ngàn bộ (feet) có dư! Mắt tôi thấy một chấm đen từ trên thăm thẳm hướng đông đang bay về phía mình. Chấm đen tới gần, nó vẫn giữ hình thù một cái chấm. Bom tới sát lắm rồi, mà vẫn chỉ là cái chấm! Thôi bỏ mẹ! Bom bay mà chỉ thấy một cái chấm, không thấy chiều dài của nó tức là nó đang nhắm vào đầu mình rồi! Tôi la thất thanh, "Nằm xuống! Nằm xuống!" Vừa xô thằng Bích xuống cái rãnh khô bên đường, tôi vừa nói với người phi công trên A 37, -"Sáng nay anh đã giết một tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân rồi đó! Anh ơi!" Tôi chỉ kịp nằm úp mặt trên đường nhựa thì quả bom đã chạm đất. "Ầm!" Bụi, đất, sỏi, đá, cây cối bay tung, phủ trùm một vùng. Quả bom rơi cách tôi và khẩu đại bác đi đầu chừng chục mét. Nó rơi ngay trên cạnh bắc của con đường, sát bờ suối, đàng sau một mô đất. Mô đất cao hơn đầu người và cây cối mọc trên đó đã bị sức công phá của quả bom dọn sạch ngay sau tiếng "Ầm!" vừa rồi. Chưa rõ tổn thất quân bạn ra sao, chưa rõ chính tôi có bị thương hay không, tôi quơ cái máy truyền tin, "Check Air! Check Air!" Tôi nghe anh phi công L19 đang cự nự anh phi công A 37, "Đ.M! Toa làm ăn như con c...c!" Rồi anh hỏi tôi: -"Sorry! Sorry! Thái Sơn có sao không?" -"Cám ơn anh! Thôi! Cho họ về đi! Tôi không cần họ nữa!" Tôi ném cái ống nghe của máy không lục xuống đường. Đoàn người mình mẩy đầy đất cát lồm cồm đứng dậy. Không kịp phủi bụi trên đầu tóc, họ tiếp tục chuyển đạn, nạp đạn, giựt cò. "Đùng! Đoàng!" Chỉ một khẩu đại bác bên trái đường còn nguyên vẹn. Khẩu súng bên phải đường bị mảnh bom đánh xẹp bánh. Một người chết vì quả bom. Binh nhì Đức Điếc bị vỡ sọ. Xác của Đức Điếc được kéo sang lề đường để tạm trên cỏ. "Đùng! Đoàng!" Tiếp tục! Còn một khẩu, ta chơi theo một khẩu! "Tiến lên đi! Anh em ơi! Biệt Động! Sát! Toán viễn thám của Hạ sĩ Mom Son và toán viễn thám của Binh nhất Lê văn Tuấn được gom lại thành một đội xung kích. Họ vượt suối, băng ngược lộ trình rút lui của ông tiểu đoàn phó ngày hôm qua. Khi tới điểm hẹn, Hạ sĩ Mom Son xin tôi ngừng tác xạ pháo binh trên khu mả Thượng. Rồi M72 nổ. Tiếp đến là M16. Sau cùng là lựu đạn. Bẵng đi một lúc, có tiếng Mom Son reo trong máy, -"Báo cáo Thái Sơn xong rồi! Hai cây phòng không. Một trên xe bò, một trên gò mả. Tụi tui chờ Thái Sơn nơi ngã ba." Đoạn giữa cái eo chữ "S" là nơi địch đắp mô. Lá cờ nửa xanh nửa đỏ, sao vàng của Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam đã rách tả tơi nhưng còn bay phần phật bên lộ. Đại đội 1/82 ào lên. Đạn của ta réo như mưa bão. Từ bìa rừng bên phải đường, một tên VC có lẽ là cấp chỉ huy, nhảy ra giữa đường, tay nó giơ cao khẩu K 54 bắn chỉ thiên. -"Các đồng chí! Giữ vững..." Hắn chưa hô dứt câu thì thân hình hắn đã gập xuống; khẩu K54 rơi trên mặt đường; đạn ghim kín người hắn. Từ ven rừng phía nam con lộ, nhiều cán binh VC phóng nhanh qua đường tìm cách nhào xuống suối. Súng cứ nổ ròn rã, hiệu lệnh của cuộc hành quân hôm nay là "Giết!" Bất cứ cái gì nhúc nhích trước mặt đều là mục tiêu. "Giết!" Hôm nay chúng tôi xuất quân với tất cả lòng căm thù. Chúng tôi đã tiến tới cuối đoạn cua chữ "S" hướng đông. Đại đội của Tiểu đoàn 63 BĐQ trấn giữ ngọn đồi trên tỉnh lộ gần con suối Nhơn-Cơ thấy hỏa lực của chúng tôi kinh khủng quá, họ sợ chúng tôi ngộ nhận bắn càn nên họ bỏ vị trí rút về bên kia suối. Tiếng súng tạm yên thì hai cánh quân hai bên đường được lệnh bung sâu vào rừng kiểm soát an ninh hai hông phải và trái chiến địa. Tổng kết, quân bạn có bốn chết, ba bị thương nhẹ. Chúng tôi hoàn tất cuộc nhổ chốt trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ. Con số địch bị giết vào khoảng trên dưới một trăm. Vũ khí chúng tôi tịch thu được hôm đó có lẽ nhiều hơn số địch bị giết. Sự hứa hẹn khen thưởng vì chiến công không hấp dẫn chúng tôi trong lúc này. Tôi vào quận đường Nhơn-Cơ và chỉ gặp Thiếu Tá Khánh, quận trưởng. Vừa nghe tôi báo cáo khai thông xong con đường, liên đoàn đã cho Tiểu đoàn 81 BĐQ của Thiếu tá Mẫn rút về Gia-Nghĩa. Trung Tá liên đoàn trưởng cho lệnh tôi vào đồn đóng quân chung với Địa Phương Quân của Thiếu tá Khánh và đặt ông Khánh dưới sự chỉ huy của tôi. Tôi không chịu đóng quân trong quận lỵ. Tôi tin chắc rằng, sau khi hai bãi mìn ở Kiến-Đức rơi vào tay Cộng Quân thì chỉ cần hai chiếc T54 là địch đủ sức san bằng cái đồn Nhơn-Cơ tí teo. Đồn Nhơn-Cơ chỉ có một cổng ra vào hướng tỉnh lộ từ Kiến-Đức về. Sau lưng đồn, sát hàng rào là một cái đập nước rộng và sâu. Chui vào đồn là chui vào rọ. Đại úy Hoàn, tiểu đoàn phó được lệnh gom quân đang giữ Kiến-Đức, cuốn chiếu qua mặt tôi rồi lui về đàng sau quận Nhơn-Cơ. Tôi giao cho ông Hoàn nhiệm vụ đốt cái đồi Kiến-Đức trước lúc rút đi. Chuẩn úy Bảo, một sĩ quan trung đội trưởng của Đại đội 4/82 là người sau cùng rời Kiến-Đức. Những quả mìn cơ động do Bảo gài lại nơi điếm canh hướng đông của căn cứ là những cái bẫy sau cùng chào đón những cán binh trung đoàn 271/ T10 CSBV khi họ vào tiếp thu đồi Kiến-Đức. Đại đội tăng phái của Tiểu Đoàn 63/BĐQ đã theo tôi từ trước Tết Âm Lịch, giờ này được tôi trả lại Gia-Nghĩa cho Thiếu tá Trần đình Đàng. Khẩu 105 ly bị bể bánh đã được phục hồi. Cả bốn khẩu pháo binh biên phòng đều được kéo về nơi dự trù đóng quân của ông tiểu đoàn phó cùng Đại đội 2/82 và Đại đội 4/82, trên khu chứa gỗ trước xưởng cưa Nhơn-Cơ cách tôi chừng hai cây số về hướng Gia-Nghĩa. Trưa 21 tháng Ba tôi bố trí bộ chỉ huy tiểu đoàn và hai đại đội 1/82 và 3/82 ngay ngã ba đường xe be, nơi đầu khúc cua hướng đông của đoạn đường chữ "S". Chiều hôm ấy, cách Kiến-Đức hơn bốn cây số, tôi nghe tiếng đạn cháy nổ ùm ùm, lép bép vọng về. Ngọn khói đen bốc lên cao dần. Tôi đứng bên con đường nhựa, cạnh những ngôi mộ mới. Chúng tôi đã chôn Thượng sĩ Y Ngon Near, Binh nhì Đức Điếc, ba anh BĐQ mới chết sáng nay và gần chục anh BĐQ chết hôm qua bên lề tỉnh lộ này. Lù lù giữa tỉnh lộ là một đống vũ khí chiến lợi phẩm tịch thu được của địch. Bên đường là một rờ-mọoc (remorque) súng dư dùng của ta. Một núi súng ta, súng địch, gom lại, chỉ cần hai quả lựu đạn lân tinh là cháy tiêu hết! Sương chiều dâng, rừng núi mờ dần, lòng tôi tê dại, dửng dưng... Sáng sớm 23/3/75, tiền đồn hướng tây báo cáo có tiếng hô "xung phong" trên đồi Kiến Đức. Pháo binh đã chuẩn bị yếu tố. Hai chục tràng đạn đi để chào mừng những người chủ mới đến tiếp thu ngọn đồi này. Tiếp đó là một tiếng "Ùm!" từ hướng tây vọng lại. Như vậy là bãi mìn chống tank đã nổ! Không rõ tank địch đã vô ý cán lên bãi mìn, hay bangalore của công binh CSBV đã phá hủy nó? Và cũng từ ngày này tôi bận tâm suy nghĩ phải làm gì để đương đầu với xe tank địch trong những ngày sắp tới? Ngày 25/3/75, khoảng 9 giờ sáng tôi vào quận để thăm ông Thiếu tá Khánh. Tôi không gặp được ông Khánh. Từ mấy ngày trước, Thiếu tá Khánh đã ra Gia Nghĩa và ở lại ngoài đó không về. Tôi đi ngang hầm truyền tin thì nghe tiếng loa khuyếch âm oang oang. Thiếu tá Khánh ra lệnh cho lực lượng đồn trú: -"Các anh chuẩn bị bỏ đồn, rút về Tiểu khu. Nhớ vặn nhỏ volume kẻo ông Thiếu tá Biệt Động Quân nghe được thì rầy rà!" Người Chuẩn úy trực chi khu thấy tôi đứng trước hầm, anh ta luống cuống phân bua, -"Trình Thiếu tá, không phải lỗi em!" Tôi xua tay, -"Đừng ngại! Cứ thi hành lệnh đi! Tôi sẽ gặp xếp của anh!" Tới hầm súng cối, tôi tần ngần nhìn khẩu cối 4 chấm 2 (cối 4.2 tức cối 106 ly), đạn còn nhiều quá! Tôi gọi chiếc GMC của tiểu đoàn vào chở khẩu súng này lên cho ông Đại úy Hoàn. Thượng sĩ Năng là chuyên viên bắn 106 ly của tôi, khi chúng tôi còn ở Plei-Me. Thượng sĩ Năng chắc phải vui lắm khi nhận được khẩu cối này. Trước khi Điạ Phương Quân và Nghĩa Quân Nhơn-Cơ ra khỏi đồn, tôi nghe trong máy, tiếng Thiếu tá Trần văn Bường ra lệnh cho sĩ quan pháo binh Diện-Địa đồn Nhơn-Cơ phá hủy những khẩu đại bác 105 ly. Tôi đứng quan sát những pháo thủ Nhơn-Cơ bắn cả ngàn quả đạn về hướng Kiến-Đức, trong đó có những viên đạn phostpho. Sau cùng, họ đã thả từng quả lựu đạn màu đỏ, hủy từng khẩu pháo. Tôi nhìn cách phá súng của họ và học lóm được cách tháo ống thủy điều cho chất nước đỏ chảy ra, nòng súng thụt xuống không xử dụng được. Tới trưa hôm đó thì quận đường Nhơn - Cơ trống trơn. Tôi cho lệnh đốt quận đường rồi giựt mìn phá hủy cái cống bắc ngang suối Nhơn-Cơ. Sau đó tôi cho quân rút lên đỉnh dốc giữa đường Nhơn-Cơ, Gia-Nghĩa. Nửa tiểu đoàn quây quanh khu vườn rộng sau cái miếu Thổ Địa nơi đầu dốc. Bốn khẩu 105 ly Biên Phòng hướng về phía tây sẵn sàng đạn chống tank. Tôi lái xe ngược chiều về xưởng cưa thăm vị trí của ông Hoàn. Có tiếng động cơ xe từ hướng Kiến-Đức vọng về. Tôi quyết định cho cánh quân của Đại úy tiểu đoàn phó rút qua mặt tiểu đoàn và ngủ đêm bên bờ con sông hướng bắc trục lộ, cách tôi độ nửa cây số. Tôi xuống xe đi bộ cùng với ông Hoàn. Khi đi ngang xóm nhà của khu dinh điền Nhơn-Cơ, nơi TĐ 81 BĐQ và địch đã giao chiến suốt đêm 18 và sáng 19 tháng Ba, chúng tôi nghe mấy người lính đi bên trái báo có thương binh bạn nằm bên lề đường. Một Biệt Động Quân mang phù hiệu TĐ 81 BĐQ nằm trên bờ cỏ sát suối. Ruột gan anh đổ trên mặt cát. Đầu mặt, tay chân anh máu đã khô. Kiến lửa và ruồi nhặng lúc nhúc bu trên người anh. Người chiến sĩ BĐQ chỉ còn thoi thóp nhẹ. Tôi lần tay vào cò khẩu súng Colt. Tôi nghĩ tới viên đạn giải thoát cho bạn mình.Tay tôi run run. Tôi không đủ can đảm làm việc này! Tôi chợt nghĩ, anh chiến sĩ đã hôn mê; chắc anh ta không còn biết đau đớn là gì nữa cả. Chắc anh không cần đến viên đạn giải thoát của tôi. Tôi và Đại úy Hoàn lấy một cái poncho phủ lên người anh. Hai chúng tôi đứng nghiêm chào vĩnh biệt người bạn trẻ cùng binh chủng. Cách chỗ anh BĐQ nằm chừng năm chục mét trên dốc là hai cái xác Việt-Cộng đã sình. Hai cái xác trương to như hai con bò, áo quần căng cứng. Nắng hầm hập. Một vùng ngập chìm trong tử khí. Trưa 25/3/75, khói đen bốc lên hướng thị xã Gia- Nghĩa. Trung tá liên đoàn trưởng báo cho tôi biết tin Tiểu khu Quảng Đức đang bắt đầu rút về BLao. Bộ chỉ huy liên đoàn và hai tiểu đoàn 63 & 81 BĐQ đang án binh chờ tôi về rồi mới tính sau. Tôi lên xe chạy về Gia-Nghĩa. Gặp lại Trung tá Thanh, tôi cùng ông duyệt lại tình hình Quảng-Đức. Chúng tôi thấy những ngày trước đó, quân ta chưa có gì sứt mẻ. Tinh thần còn vững vàng. Tiếp liệu còn đầy kho. Chỉ có Kiến-Đức là nóng bỏng. Chúng tôi còn đứng vững, chưa cần tới tiếp viện. Tôi không hiểu vì sao ông tỉnh trưởng bắt chúng tôi lui binh từ từ, bỏ hết điểm này tới điểm nọ. Bây giờ ông ta lại bỏ cả tỉnh lỵ khi địch chưa tỏ ý định đánh chiếm nó. Kho tàng đã bị đốt hết. Chúng tôi có tử thủ cũng chỉ vài ngày là hết đạn, hết cơm. Chúng tôi không rút cũng không được. Tôi vội kêu Trung úy Đăng giao Đại đội 2/82 lại cho Chuẩn úy Gấm rồi lên gặp tôi. Tôi dặn dò anh dùng xe GMC đi theo bộ chỉ huy tiểu khu. Tới BLao, anh chuẩn bị lương thực tiếp tế sẵn cho đơn vị. Ra khỏi liên đoàn, tôi ghé chợ Gia-Nghĩa. Chợ quán thưa vắng. Tôi vào khu bán chạp phô. Tôi mua hai ký tép khô. Giá ba trăm đồng một ký. Tôi đưa cho chị bán hàng tờ giấy một nghìn, không nhận tiền thối lại. -"Sao bà con còn nấn ná ở đây? Người ta đi hết rồi!" -"Biết đi đâu bây giờ Thiếu tá ơi! Con thì nhỏ, đường thì xa. Em sợ tên bay đạn lạc. Thôi ở lại đây có chết cũng đành!" Chị bán tép sụt sịt, Tôi buồn bã nói với bà con đôi lời từ giã. Lúc đó có tiếng ồn ào nơi khu phố đối diện. Cửa hàng bên phải có tiếng khóc than. Cửa hàng bên trái có bóng đi ra đi vô của một bộ quần áo rằn ri. Tôi hỏi chị bán tép chuyện gì huyên náo, chị nói, "Cướp, có hai anh lính Biệt Động Quân ăn cướp! Họ ném lựu đạn vào tiệm bên phải, cướp vàng. Họ đang khảo tra chủ tiệm bên trái." Tôi ra xe phất tay cho Trung sĩ Nguyễn Chi và Hạ sĩ Mom Son sẵn sàng. Hai người này và anh tài xế đã rõ câu chuyện ăn cướp. Họ thủ thế chờ lệnh. Tôi đứng trước đầu xe hét to, "Ê! Hai anh kia đi ra không tôi bắn!" Một tên tóc tai dài lượt thượt ló đầu ra cửa. Hắn giơ tay lên nhứ nhứ quả M 26. Tôi ra lệnh, "Bắn!" Hai viên M16 trúng sọ thằng ăn cướp. Nó nằm giãy tê tê trước bục cửa ra vào. Quả lựu đạn chưa mở chốt văng trước thềm. Thằng thứ nhì cũng mặc quân phục Biệt Động Quân từ trong nhà chạy ra, trên tay cũng có hai trái M 26. Tôi hét lớn, -"Ném hai quả lựu đạn ra sau nhà!" Tên cướp ném hai trái M26 ra sân cỏ sau nhà. Chỉ một trái đã bị rút chốt an toàn. Một tiếng "ùm!" làm bay tấm tôle trên mái sau. Tôi ra lệnh tiếp, -"Nằm úp mặt xuống đất, hai tay dang ra!" Hắn riu ríu làm theo lệnh. -"Còn ai trong nhà nữa không? Ra hết đi!" Một cặp vợ chồng già run lập cập nắm áo nhau chạy ra ngoài lộ. Ba thày trò tôi tiến lên chổ tên cướp đang run như cầy sấy. -"Mày ở đơn vị nào?" -"Dạ em là lao công của Sư đoàn 23 Bộ Binh chạy lạc về đây!" -"Quần áo Biệt Động Quân tụi mày lấy ở đâu ra?" Tôi hỏi vặn, -"Dạ nhiều lắm! Trong tiệm giặt ủi đàng kia!" Tôi co chân đá vào mặt thằng ăn cướp một cái. Miệng nó phun máu. Tôi ra hiệu cho chú Chi lục túi nó và túi thằng đã chết, gom tang vật lại rồi gọi nạn nhân ra trao cho họ. Gia chủ căn nhà bên phải chạy ra nhận lại số vàng. Họ vừa khóc vừa cám ơn. Tôi đá liên tiếp vào mặt thằng ăn cướp mấy cái nữa, nó ôm mặt lăn lộn trên mặt đường khóc lóc xin tha mạng. Tôi quát, "Cút đi!" Nó lồm cồm bò dậy, chạy một mạch xuống triền đồi khuất dạng. Tôi phân trần với dân phố đang bu quanh, -"Tụi này là lính giả. Chúng nó là quân phạm chứ không phải Biệt Động Quân. Biệt Động Quân không có những hạng người đốn mạt như tụi này!" Nói xong câu đó, tôi nghĩ tới ngày mai, chúng tôi không còn hiện diện ở nơi đây nữa. Ai sẽ thanh minh cho chúng tôi những sự mạo nhận như thế? Tôi buồn bã lên xe hướng về bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Đức. Tòa hành chánh bị đốt hư hại nhẹ. Khói từ các cửa sổ ăn loang lổ tường vôi. Khu Trung-Tâm Yểm-Trợ Tiếp-Vận chỉ có kho xăng đã cháy, vài căn nhà chứa lương thực và đạn dược bị đốt lam nham. Những chỗ khác vẫn còn nguyên vẹn. Trên mặt đất, quân trang, quân dụng, lương thực vương vãi khắp nơi. Tôi quay xe xuống đồi. Tôi hẹn với Trung tá liên đoàn trưởng, sáng mai tôi sẽ rút quân thẳng về bờ sông Kinh-Đà chờ bộ chỉ huy và hai tiểu đoàn. Điểm vượt sông tôi sẽ định sau. Sáng 26/3/75, tôi ra lệnh phá hủy bốn khẩu 105 ly ngay trên sân miếu thổ thần sau khi bắn hết gần một ngàn viên đạn về hướng Kiến-Đức. Khẩu 106 ly được ném xuống dòng sông bên đường sau khi đạn đã được gởi hết qua bờ nam đập nước. Mười giờ sáng, đại đội đi đầu ra tới bờ sông. Trước khi tới bờ sông, tôi gặp một trạm gác của Nghĩa Quân Khiêm-Đức. Tôi thấy một Nghĩa Quân ngồi trên chòi gác giặc. Anh lính đang chăm chú quan sát khu rừng rậm dưới dốc. Tôi hỏi anh lính, -"Sao em còn ngồi đây? Người ta đi hết rồi!" -"Ủa! chứ người ta đi đâu Thiếu tá?" Anh lính ngơ ngác, -"Người ta rút về BLao hết rồi! Em đi đi!" Anh Nghĩa Quân nhìn tôi bán tin bán nghi. Đến lúc thấy quân lính theo tôi đông ngời ngời, anh phát hoảng, co giò chạy về hướng thị xã. Tôi cho tiểu đoàn đi song song với bờ tây của sông Đa-Dung, xuôi về hướng nam chừng nửa cây số thì dừng lại. Càng xa những đường lộ chính hay đường xe be, càng đỡ lo chuyện rủi ro trên bờ đối diện. Tôi quyết định vượt sông nơi vắng vẻ đìu hiu nhất. Tôi chọn hai anh lính gốc dân chài cùng tôi bơi qua sông làm đầu cầu. Ba khẩu M16, ba băng đạn, ba cuộn dây nylon, ba thày trò tôi bu theo ba cái phao poncho độn bằng cành lá. Chỉ có tôi và một anh lính tới bờ bình yên. Người lính bơi trên thượng nguồn bên trái tôi chìm nghỉm giữa dòng, sau một tiếng "Ối!" thất thanh. Đa-Dung nổi tiếng là sông nhiều cá sấu! . . . . . (còn tiếp) (*) "Ngày Ta Bỏ Núi" trong Đa Hiệu 77. |