TIỂU ĐOÀN 39 BIỆT ĐỘNG QUÂNFred Caristo TĐ37, LĐ1/BĐQVũ đình HiếuLời tường thuật dưới đây đăng trên báo Stars and Stripes, ngày 2 tháng 6, 1965. “Viên đại úy Hoa Kỳ đã trúng đạn tử trận ngay từ lúc bắt đầu trận đánh. Người trung sĩ bị thương trong đêm. Trực thăng không thể bay vào khu vực đang bị tấn công để di tản anh ta, và anh ta bị trúng đạn chết trong đợt tấn công cuối cùng của địch. Lời báo cáo cuối cùng của anh ta trên hệ thông truyền tin là, tuyến phòng thủ sắp sửa bị địch tràn ngập (overrun). Thi thể “bầy nhầy” của hai quân nhân Hoa Kỳ cho biết, họ bị địch quân “bắn cho hả giận” sau khi đã chết, nhưng không bị phanh thây, như thân xác của binh sĩ biệt động quân Việt Nam. Nhiều xác chết bị mổ bụng, gương mặt vẫn còn đậm nét hãi hùng, đau đớn trong những giây phút cuối của cuộc đời. Một thiếu úy biệt động quân không có mặt lúc tiểu đoàn bị tấn công, vào vùng hành quân để đem xác về, than rằng “Tiểu đoàn đâu rồi? Hiện giờ, tôi không có tiểu đoàn. Tiểu đoàn tôi đã chết”. Bài báo kết thúc câu chuyện về tiểu đoàn 39/BĐQ. Bản báo cáo “Sau cuộc Hành Quân” (AAR – After Action Report), gửi đến cho gia đình quân nhân tử sĩ của trung sĩ TQLC, dựa vào những điều sau đây: Những cuộc phỏng vấn với một thiếu tá, một đại úy lục quân (cả hai người được dấu tên), và ba biệt động quân Việt Nam tham dự trận đánh. Họ kể lại như sau: VC giết tù binh bị thương. Người trung sĩ TQLC bị thương ở đùi, và vài viên đạn bắn vào đầu (bắn sau khi đã chết). Bản báo cáo cũng cho biết, có một “sĩ quan liên lạc” bên cạnh viên trung sĩ TQLC trong suốt trận đánh, rồi sau đó bỏ rơi người trung sĩ, chạy một mình trước đợt tấn công cuối cùng của địch. Ngoài ra, bản báo cáo có nói rằng, khoảng thời gian sau nửa đêm ngày 31 tháng Năm, viên trung sĩ TQLC đề nghị “nếu, họ có thể cho một trực thăng vào, đó là điều tốt để di tản anh ta và đem về được xác viên đại úy đã trúng đạn chết ngay từ lúc đầu” Trong tháng Hai năm 2002, tôi liên lạc được với người con gái của cố trung sĩ Willie D. Tyrone, người chiến binh TQLC đã hy sinh, 37 năm về trước trong quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Donna Tyrone lúc đó được ba tuổi khi cha cô ta, trung sĩ Tyrone tử trận. Cô ta có nêu vài câu hỏi, muốn biết sự thực, những gì đã xẩy ra cho người cha trong ngày lễ Tưởng Niêm, năm 1965. “Tại sao bài biết trên báo Stars and Stripes năm 1965, bỏ tên cha cô ta (Tyrone) ra ngoài?”, “Tại sao TQLC/HK lại làm việc trong một đơn vị Lục Quân Việt Nam (Biệt Động Quân)?”, “Ông ta bị mưu sát? Như một vài người bạn đã đặt giả thuyết với cô ta”, “Tại sao cha cô ta không được tản thương?, khi biết rằng ông ta đã bị thương”, “Tại sao người sĩ quan Liên Lạc bỏ chạy, bỏ rơi cha cô ta cho đợt thảm sát cuối cùng?”, “Cha cô ta có xứng đáng được ân thưởng Huy Chương Danh Dự không? Như một số người đề nghị”, và còn nhiều câu hỏi khác nữa. Quân Việt Cộng tấn công quận Sơn Tịnh vào đêm 29 tháng Năm, năm 1965. Trong kế hoạch, địch sẽ nhử cho quân đội VNCH đổ quân trên con đường đi từ thành phố Quảng Ngãi đến quận Sơn Tịnh. Họ sẽ tổ chức phục kích đánh tan các đơn vị VNCH trước khi vào đến trận điạ. Đại úy Wallace, cố vấn trưởng tiểu đoàn 37/BĐQ ra lệnh cho tôi, sĩ quan phụ tá cố vấn trưởng, làm nhiệm vụ liên lạc trong bộ chỉ huy hành quân, đặt tạm trong phi trường Quảng Ngãi. Khi đến bộ chỉ huy hành quân, tôi được lệnh “ứng chiến”, đi theo tiểu đoàn 39/BĐQ. Lý do, “Họ” (cấp chỉ huy Hoa Kỳ) muốn tôi đi thay cho đại úy Christopher O’Sullivan, cố vấn trưởng tiểu đoàn 39/BĐQ (vị đại úy tóc vàng trong tờ Stars and Stripes) là vì ông ta đi phép (R&R) mới trở lại đơn vị, vẫn còn “mới” cho một cuộc hành quân có “tầm vóc” cỡ lớn. Tôi đang xếp ba lô, chuẩn bị đi theo tiểu đoàn 39/BĐQ... thì vị đại úy “đẹp trai, tóc vàng” xuất hiện. Ông ta có vẻ tự tin và hãnh diện làm việc trong tiểu đoàn BĐQ, chống lại lệnh hoán đổi của cấp chỉ huy “Khi nào đại úy O’Sullivan này có mặt ở Việt Nam, không ai có thể thay thế ông ta trong tiểu đoàn 39/BĐQ”. Dó đó, đại úy O’Sullivan, trung sĩ nhất Tyrone lên trực thăng đi vào lịch sử... Khi vừa vào vùng hành quân, đại úy O’Sullivan trúng một viên đạn vào đầu, chết ngay tức khắc. Trách nhiệm liên lạc, phối hợp hỏa lực nay chồng chất lên đôi vai trung sĩ Tyrone và anh ta là người Hoa Kỳ duy nhất trên trận điạ trong suốt cuộc hành quân. Đến đây có một câu hỏi đáng được nêu lên, trong khi trận đánh đang xẩy ra: Toán cố vấn của tỉnh Quảng Ngãi đâu? Và toán cố vấn của hai tiểu đoàn bộ binh? Đôi khi cứ để câu hỏi đó không có câu trả lời tốt hơn! Trên bầu trời lúc đó có trực thăng chỉ huy và hai chiếc “gunships”, nhưng không dám bắn yểm trợ vì khoảng cách giữa địch và ta rất gần. Khi chiếc C&C báo tin đại úy O’Sullivan đã tử trận, mọi người Hoa Kỳ trong bộ chỉ huy hành quân sửng sốt. Chris (Christopher O’Sullivan) là người rất tốt, anh ta mất đi để lại vợ và các con ở Astoria, New York. Vấn đề bây giờ là làm sao đem trung sĩ Tyrone ra khỏi trận điạ, anh ta báo cáo bị thương nơi vai trái. Một lần nữa, tôi được lệnh sẵn sàng “lên đường”, nhưng trời xẩm tối nhanh chóng nên đình lại. Lúc đó trung sĩ Tyrone tiếp tục báo cáo cho biết, tiểu đoàn 39/BĐQ không còn khả năng tác chiến cấp đơn vị nữa. Tiểu đoàn bị phân tán ra thành nhiều toán nhỏ vẫn tiếp tục chiến đấu, và đạn dược đã gần hết. Tình trạng nơi bãi chiến trường trở nên bết hơn, mấy chiếc trực thăng báo cáo đã gần hết nhiên liệu, và khi họ rời chiến trường, trung sĩ Tyrone sẽ không còn liên lạc được nữa. Lệnh cho mấy chiếc thăng quay trở về phi trường Quảng Ngãi lấy nhiên liệu thay vì về Đà Nẵng. Và điều làm tôi ngạc nhiên, khi chiếc trực thăng chỉ huy (C&C) thả “hành khách” xuống phi trường, lấy nhiên liệu, rồi tự động cất cánh “dông” một mạch về Đà Nẵng (có lẽ viên phi công mục kích cuộc tàn sát ở dưới đất nên...), để lại hai chiếc gunships nằm cô đơn trong phi trường. Tiếp theo là “Phái đoàn VNCH”, bỗng nhiên dọn dẹp bộ chỉ huy hành quân (tạm thời đặt trong phi trường) rồi ra về (theo kiểu hành chánh). Nhóm cố vấn tỉnh Quảng Ngãi cũng “khăn gói” ra về luôn. Trước khi nhóm cố vấn ra về, có vấn đề bàn cãi về chuyện tiếp tế đạn dược cho tiểu đoàn 39/BĐQ đang bị bao vây. Cả hai phi công trực thăng võ trang đều tình nguyện đem đạn dược vào cho tiểu đoàn BĐQ. Những người còn lại trong “bộ chỉ huy hành quân” gom lại được mười thùng đạn, chất lên một trong hai chiếc trực thăng võ trang. Vị sĩ quan cố vấn trưởng tỉnh Quảng Ngãi ra lệnh cho tôi, đem đạn tiếp tế cho họ (TĐ39/BĐQ) rồi xuống tiếp tay với trung sĩ Tyron trên trận điạ. Khi tôi được trực thăng đưa vào vùng hành quân, ngay tức khắc, tôi tìm cách liên lạc với trung sĩ Tyron qua máy truyền tin PRC-25. Mặc dầu cuộc bắn giết ở dưới vẫn tiếp tục, trung sĩ TQLC Tyron vẫn tỏ ra bình tĩnh. Địch quân gia tăng áp lực nơi vị trí của anh ta, chúng hy vọng sẽ gây nhiều thiệt hại cho đơn vị BĐQ khi trời vẫn còn chút nắng, chưa tối hẳn. Phiá bên ta rõ ràng bị áp đảo, từ trên không nhìn xuống chỉ thấy đạn lửa mầu xanh của vũ khí trong khối cộng sản. Khẩu đại liên của biệt động quân đã im lặng, không nghe tiếng súng. Khi trông thấy chiếc trực thăng, địch quân bắt đầu bắn lên làm cho viên phi công mất bình tĩnh, xạ thủ đại liên “gào lên” xin lệnh tác xạ. Viên phi công phụ đang nhắm ổ hỏa tiễn 2.75 ly sẵn sàng khai hỏa, còn viên phi công chính quay sang tôi, nói như hét “Ông bạn muốn chúng tôi làm gì? (khai hỏa, bắn vào mục tiêu nào?), Muốn bọn tôi thả anh xuống chỗ nào?” Trong khi đó, tôi cũng lụp chụp với “đồ nghề” (vũ khí, ba lô, máy truyền tin, đạn tiếp tế cho BĐQ), vẫn cố gắng liên lạc với trung sĩ Tyrone. - Anh bị thương nặng không? - Không! - Anh có thể di chuyển đến một khoảng trống không? (Để trực thăng xuống bốc) - Không? - Anh còn đủ đạn dược không? - Không nhiều lắm! Tiếp theo là im lặng... một im lặng hoàn toàn. Viên trung sĩ TQLC can đảm đã khép kín định mệnh của anh ta. Tôi quay lại trả lời viên phi công chính “Đừng đáp xuống, tôi lập lại, không xuống. Đẩy mấy thùng đạn xuống nơi chỗ tôi ném quả khói xanh. Hỏa lực của địch mạnh quá, đủ loại súng tự động và đại bác không giật. Không thể đáp xuống được”. Chiếc trực thăng đảo một vòng, khi bay ngang qua quả lựu đạn khói mầu xanh, trực thăng xà thấp cách mặt đất khoảng 100 thước, tôi cùng với xạ thủ đại liên, đạp hết mười thùng đạn tiếp tế cho tiểu đoàn 39/BĐQ ra ngoài. Trực thăng đưa tôi quay trở về phi trường Quảng Ngãi. Vừa ra khỏi trực thăng, tôi nhận được lệnh “làm xếp” trong phi trường, gồm có năm hạ sĩ quan và hai trực thăng võ trang. Chúng tôi làm được gì bây giờ? Dám nhẩy vào chiến trường... Đơn vị của địch đã “dứt điểm” hai tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn... “thượng hạng” của QL/VNCH. Tiểu đoàn 39/BĐQ. Bài viết này của Biệt Động Quân để truy điệu Trung Sĩ Willie D. Tyrone, một anh hùng trong trận Sơn Tịnh. (1) Phần trên là bài biết trích ra từ tờ báo “Stars and Stripes” của quân đội Hoa Kỳ thời gian họ tham chiến tại Việt Nam, và phần bổ xung của Fred Caristo, cựu cố vấn tiểu đoàn 37/BĐQ. Tờ báo nói không được hay về QLVNCH. Phần còn lại sẽ được lấy ra từ bài viết “Chiến Đoàn B TQLC/VN trong trận Ba Gia” do cựu Đại Tá Tôn Thất Soạn, một cấp chỉ huy tài ba, đức độ trong binh chủng TQLC. Đồn Ba Gia nằm hướng tây bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách thị xã khoảng mười hai cây số. Đồn này do một đại đội Điạ Phương Quân trấn đóng có hai khẩu đại bác 105 ly. Cộng quân huy động một trung đoàn, tấn công và tràn ngập đồn Ba Gia đêm 29 tháng Năm năm 1965. Bộ tư lệnh Quân Đoàn I điều động trung đoàn 51 Bộ Binh (trung đoàn này biệt lập, sau này sát nhập vào sư đoàn 1 Bộ Binh), tiểu đoàn 39 BĐQ cùng với tiểu đoàn 3 “Sói Biển” TQLC/VN phản công để lấy lại đồn Ba Gia. Lực lượng VNCH gây thiệt hại nhiều cho địch, nhưng sau đó địch quân cũng tăng cường thêm để đối phó với đơn vị đang hành quân giải tỏa Ba Gia. Bộ tư lệnh Quân Đoàn I xin tăng viện và bộ Tổng Tham Mưu gửi ra vùng I, chiến đoàn B “Bravo” cùng với tiểu đoàn 1 “Quái Điểu” TQLC ra tăng cường. Tiêu đoàn 1 TQLC được lệnh vào trận điạ thay thế cho TĐ39/BĐQ. Tiểu đoàn BĐQ này đã đánh bại một đơn vị VC trong ngày hôm trước, tịch thu nhiều vũ khí, nhưng sau đó địch quân dồn lực lượng chọc thủng phòng tuyến của BĐQ, nên khi được TĐ 1/TQLC vào thay, TĐ39/BĐQ được đưa về tuyến sau. (2)
(1) Theo tài liệu: Patrolling, Summer 2002, trang: 75-78 Dallas, Feb. 9, 2010 |