Menu


Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân

Bài viết: Mũ Nâu Hồ công Bình

- Trình bày Ngô nhật Tùng
- Trích Đặc san KBC do Tú Quỳnh xuất bản


        Cuộc tổng công kích Mậu Thân và mồng 5 tháng 5 (đợt 2) của Cộng Sản vào các đô thị miền Nam đã nói lên dã tâm xâm lăng trắng trợn, điên cuồng của bè lũ 13 tên Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương Cộng Sản Hà Nội lãnh đạo.  Họ đã tung tất cả lực lượng quân sự chính qui lẫn du kích vào trận địa để tranh giành cho bằng được một vị trí chiến lược quan trọng, để cái đám u mê MTGPMN có một thủ đô, và đó cũng là uy thế chính trị của CSBV trên chính trường quốc tế.

        Ban lãnh đạo đã ra lệnh cho cán binh phải tử thủ, nếu cần, xiềng xích chân xạ thủ vào các súng cộng đồng (12 ly 7).  Một hành động mà bất kỳ một nhóm vũ trang của quan đội nào trên thế giới cũng không dám làm, thế mà Cộng Sản Việt Nam lại không chừa. Quả là dã man, tàn ác chưa từng thấy (hình ảnh này được chứng nhận trên khắp mặt trận như Phú Văn Lâu Huế,nhị tỳ Quảng Đông, Chợ Lớn v.v...).  Hành động này sau đó vẫn được tiếp diễn ở Khana, Kampuchia 70 treo trên cành cây, trong tay lái T54 và PT76 ở Đông Hà, Quảng Trị, cùng với lời thề sinh Bắc tử Nam.  Thế mà họ đã không làm được gì hơn sau một tháng cầm cự yếu ớt, cố bám vào cái nghị quyết của Ban Bí Thư từ Đảng CS đã đề ra.  Bọn họ đã sát hại bao nhiêu binh sĩ, bao nhiêu sanh linh vô tội và chính họ đã phải chuốc lấy bao oán hờn của cả nhân dân hai miền.

Chien Loi Pham        Hà Nội đã tính toán sai lầm và quá chủ quan với những báo cáo chính trị, binh vận, cùng với quân sự là hai mũi giáp công đi đôi với nhau, vận động nhân dân nổi lên cướp chính quyền. Thất bại, lâm vào ngõ cụt không còn cách nào khác hơn là phân tán thật mỏng, lợi dụng đêm tối, rút lui thật nhanh về các chiến khu (Bời Lời, Tam Giác Sắt, biên giới VN, Kampuchia, Lào), bổ sung quân số, rèn cán chỉnh quân, tạm thời lấy thế du kích chiến làm nòng cốt, cầm chân và gây tiêu hao Quân lực VNCH để quân đội CS có thời gian chỉnh đốn, trấn an và tuyên truyền láo phét với dân chúng về cuộc xâm lăng, tổng nổi dậy cướp chính quyền thất bại vừa qua.   Sau khi phản công khắp các mặt trận, lấy lại thế chủ động, nhận định tình hình, hiểu rõ ý đồ của quân địch,  Quân lực VNCH soạn thảo kế hoạch tổng tấn công vào các khu an toàn của quân đội CS.  Đây cũng là kếhoạch mở đầu cuộc hành quân vượt biên vào lãnh thổ Kampuchia với nhiệm vụ chủ yếu:

  • Tìm và tiêu diệt địch.
  • Phá huỷ hệ thống tiếp liệu, an toàn khu cuả quân CS trên lãnh thổ Kampuchia
  •  Mở đường vào giữ an ninh Quốc lộ I từ Gò Dầu Hạ (Tây Ninh) qua Svay Rieng đến Kampong Cham.
  • Khai thông thuỷ lộ Mekong qua Nek Luong đến Nam Vang để kiều bào quay về Việt Nam tránh nạn cáp duồn.
  • Trợ giúp quân đội Kampuchia kiểm soát điều hành lãnh thổ.

        Cuộc hành quân vượt biên lấy tên là chiến dịch Toàn Thắng 42, khai diễn lúc 6:07:10 29/02/70.

        Phi cơ va phi pháo yểm trợ sâu gần 30 km sâu trong lãnh thổ Kampuchia.

        Lực lượng tham gia chiến dịch:

       Quân lực VNCH được tổ chức thành các chiến đoàn đặc nhiệm.  Mỗi chiến đoàn gồm 3-4 tiểu đoàn Bộ binh (BĐQ, ND, TQLC tăng phái), một thiết đoàn Kỵ binh, tiểu đoàn Pháo binh, Hổn Hợp 105, 155, đại đội Công binh Chiến đấu, đại đội Vận tải và Quân y.  Mục tiêu:   Khu Mỏ Vẹt (tây nam tỉnh Tây Ninh trải dài đến Mộc Hóa, Kiến Tường), vựa thóc và là khu hậu cần của quân đội CS.

       Tiểu đoàn 30 BĐQ, tiểu đoàn chủ lực của Liên Đoàn 5 BĐQ, đã cùng với dân chúng Sài Gòn, Chợ Lớn phản công đánh bật quân chính quy CS ra khỏi các cứ đẫm máu Nhị tỳ Quảng Đông, đường 46, đại lộ Đồng Khánh, Phù Định v.v...trong hai cuộc tổng công kích của CS vào thủ đô, và tiểu đoàn còn đang trên đường truy kích Công quân đến Cầu Xáng, mật khu Lý Văn Mạnh bên giòng sông Vàm Cỏ Đông, Đức Hòa, Hậu Nghĩa.  Từ thủ đô rong duỗi về khu vườn tràm, vườn thơm, mật khu của CS, những người lính chiến Mũ Nâu tiếp tục gánh vác nhiệm vụ truy lùng và tiêu diệt nốt thành phần cố trụ bám vùng ven đô, một vùng sình lầy cỏ năng bát ngát xen lẫn hoa tràm ngây ngây, nhưng lại là nơi đầy hiểm nguy với những hầm chông, mìn bẫy giết người của Cộng quân.

       Tiểu đoàn 30 BĐQ được chỉ huy bởi Thiếu tá Phan Văn Sanh, K17/Đà Lạt, một trong những cấp chỉ huy tiểu đoàn, có thể nói rằng được nhiều binh sĩ, HSQ, SQ binh chủng Mũ Nâu biết đến qua tài lãnh đạo, đức độ, lòng can đảm, điềm tĩnh của ông khi đối phó với tình thế cực kỳ nghiêm trọng.   Và theo nhận xét của đa số, ông là mẫu người của quân đội, chất lính đậm nét trong ông.

       Với dáng người cao đều đặn, mặt xương, trán cao, hai bên tai không một sợi tóc đen dài nào, môi mím như đanh lại thêm đôi mắt có thần, cái nhìn như xoáy vào người đối diện, nét dáng ấy cùng với phong cách đã khiến cho bao nhiêu người nếu đã là quân đội khi gặp ông đều có ý nghĩ kính phục và ngưỡng mộ, dù sĩ quan nào có "bực" đi chăng nữa cũng thế mà thôi

       Ngay khi trình diện đơn vị của ông, tôi đã được nghe nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan kể rằng -   Ông từng là cấp trung đội trưởng gan dạ, tài giỏi và từng chức vụ đi qua đến khi ông chỉ huy tiểu đoàn là cấp bậc Đại úy và ngay sau đó ông đã được đề nghị thăng cấp tại mặt trận, không một ai có thể ganh tỵ với ông.   Trận Mậu Thân, Tổng công kích đợt 2, những lần hành quân kế tiếp, ngày này tháng nọ, dưới trướng ông vang lên trong ống liên hợp PRC25.   "Lữ Bình đây 25,  yên tâm" như một lực vô hình nào đó thúc đẩy, tăng thêm trong tôi cái linh hoạt, lối phản ứng nhạy bén để điều khiển đại đội thanh toán nhanh gọn mục tiêu, cũng như kịp thời phản ứng dù đang lọt vào ổ phục kích trở thành phản phục kích và truy kích để đi đến chiến thắng.

       Năm 1968, Mậu Thân, đây là thời gian mà tài năng ông được quảng bá rộng rãi qua báo chí Sài Gòn, các ký giả, phóng viên chiến trường và cũng của các hãng thông tấn ngoại quốc như RFB, URI v.v...phỏng vấn, quay phim hình ảnh ông và tiểu đoàn. Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, Tư Lệnh Quân Đoàn III cũng đã ghé mắt đến ông.

       Chất lính đậm nét trong ông mà tôi muốn đề cập - nón sắt trên đầu, áo thun (T-Shirt) xanh quân đội Mỹ.   Khẩu rouleau 5 viên ngắn nòng bên hông, thế là ông rảo bước cùng cố vấn tiểu đoàn kiểm tra thường xuyên hệ thống phòng thủ của Đại đội Trừ bị và Đại đội Chỉ huy, ông khiển trách thẳng thừng SQ/ĐĐT, HSQ/TV/ĐĐ thiếu tinh thần trách nhiệm, ít quan tâm đến đời sống, ăn uống, sinh hoạt giải trí của binh sĩ v.v... Những ngày nghỉ phép của ông không quá 4 ngày, có khi chỉ tạt về ghé thăm nhà một vài tiếng là trở về đơn vị ngay, có thể tập thể quân đội đã là chất keo dính liền với con người ông, ngay cả trong thời gian phép, ông trở về trại gia binh Trần Công Ngọ cùng chỉ huy hậu cứ phác họa kế hoạch sửa chữa nhà ở, giải quyết gạo, nhu yếu phẩm quân tiếp vụ cho gia đình HSQ và binh sĩ, giải quyết nhanh tiền tử cho thân nhân tử sĩ.   Điếu thuốc Salem trắng nhạt một góc môi, được cắn chặt ít thấy nở nụ cười, ông có những giây phút đăm chiêu suy tưởng thường nhật. Ít rượu, không ăn chơi, trai gái, đây là một nét son, khó có một sĩ quan tiểu đoàn trưởng nào được như ông.

       Trải qua ba tiểu đoàn (TĐ 38, 30, 43 BĐQ) biết rất nhiều vị Liên đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Đại đội trưởng, tôi chưa gặp được một người có được những mẫu mực như ông.  Có những vị được điểm này mất điểm kia.  Khi viết những giòng này tôi tin chắc rằng những sĩ quan thuộc quyền của ông nay vẫn còn, và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ.  Có người đã là ĐĐT, TĐP, TĐT như chiến hữu Nguyễn Văn Nam, Đỗ Thanh Quang, Đinh Trọng Cường, Hoàng Kim Truy, Trần Văn Xuân, Lê Chi Lăng v.v...những người đã vào sinh ra tử với ông, hiểu rõ cuộc đời và cách sống của ông hơn tôi, hẳn không cho là ca tụng ông quá trớn, không phải vì ông đã...ra đi.

       Ông chỉ huy luôn Chi đoàn 2/15 Thiết kỵ, và đặt đơn vị thuộc quyền xử dụng của Chiến đoàn vượt biên 318, vượt tuyến xuất phát, trở ra xa lộ Đại Hàn theo quốc lộ I hướng tây dong ruỗi, Hóc Môn, Củ Chi, Phước Hiệp, ngã ba Trung Hòa đi qua,  Trảng Bàng bỏ lại.  Đây thị trấn Gò Dầu Hạ, đoàn xe dừng lại để chuẩn bị nẻo đường thiên lý, ông vào họp với Đại tá Trần Quang Khôi,  Chiến đoàn trưởng CĐ 318, bỏ lại con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo trên quốc lộ I và cũng là phố chính của thị trấn Gò Dầu. Cô Loan 19 vẫn êm ái air cover cho đơn vị.

       Ông trở ra, một phiên họp bỏ túi ngay trên cabot xe jeep.  HSQ/B3 phân phát bản đồ nước bạn - 1/50.000, 1/100.000. Khu Mỏ Vẹt hiện ra, hướng tây nam thị trấn, hướng nam của thị trấn Chipu.   Một thị trấn sát biên giới của tỉnh Svay Rieng.  Vòng qua đồn biên giới, tiểu đoàn 30 BĐQ cùng chi đoàn Thiết kỵ vượt biên không có passport.  Trục tiến quân quá dài gần một ngày đường, binh sĩ mệt mỏi, nhưng đơn vị phải tiến vào mục tiêu ngay, mục tiêu vẽ bút chì đỏ bằng cái "bánh bao" trên bản đồ, target này qua target kế tiếp 6-8 khu đường ruộng.

       Chạm địch đầu tiên lúc 17:00H trong ngày, chi đoàn M113 trải thành tuyến dài cỡ 1km yểm trợ, mục tiêu là một phum (bảng) Miên nằm sát biên giới.  Đủ loại đạn réo trong không gian: CKC, AK47, B40, B41.  Cuối mùa khô, ruộng đất nứt nẻ, lúa gặt xong trơ gốc rạ thúi, rau ôm vượt lên xanh tươi, thoang thoảng trong gió mùi thơm rau ôm dậy lên khi M113 vượt qua.  Mục tiêu thật rõ nét, sau hàng thốt nốt lêu khêu, bên lũy tre mấy chục nóc gia, bóng dáng Cộng Sản cùng Miên Cộng chạy loáng thoáng.

       Tiếng của ông vang trong máy PRC25.  Lính ĐĐ của tôi và ĐĐ 2 của Thu Hoàng Nghĩa Hội tấn công mục tiêu bên cánh trái, lần theo bờ mẫu lớn, cho đơn vị trải dài, trung đội 1 và 3 tập trung hỏa lực vào mục tiêu yểm trợ không cho địch ngóc đầu, để trung đội 2 lập đầu cầu ở phum.  Hoàng hôn phủ dần trên mục tiêu và rồi bóng đêm ngự trị trọn vẹn, những lằn đạn lửa chéo nhau đan trên không.  Một màn lưới lửa, những ngôi nhà phát lửa, một đoàn người hàng một lẫn trẻ con từ trong mục tiêu và nơi khác xa hơn với đuốc trên tay lầm lủi ra đồng trống, như con rồng lửa vẫy vùng về hướng Bắc ra quốc lộ, hẳn là dân Miên chạy loạn lẫn lộn VC và Miên cộng trong đó. Chi đoàn Thiết kỵ và tiểu đoàn không thể nào tác xạ vào họ được và đó cũng là quyết định của ông.

       18:00H trong ngày, tiểu đoàn chiếm lĩnh trận địa, lục soát mục tiêu, hàng đống quân trang, cả máy may, lương khô, gạo, đành phá hủy, đốt sạch, chôn xác địch quân, phát hiện ở các giếng nước trong làng súng ống cột thành bó, kể cả máy đánh chữ, được kéo lên cho M113 chở. tang vật .  Sự kiện xãy ra, quá đủ đẻ xác định những phum Miên sát biên giới điều là những điểm hậu cần của Cộng sản, một hành lang tiếp vận của quân đội cộng sản, quân chủ lực còn đang ở mật khu.

       Những ngày kế tiếp sau, đơn vị chúng tôi tiến quân theo trục tiến quân, quãng đường trên 50 cây số, cùng với chi đoàn Thiết kỵ, càn quét một vùng rộng phía nam quốc lộ I và hướng đông nam của tỉnh Svay Rieng (Soài Riêng), vào Prasaut giải thoát kiều bào nạn cáp duồn, ngược lên hướng bắc tiến đánh thị trấn K.Chak.  Thế quân đi như chẻ tre, vô vàn vũ khí chiến lợi phẩm, tinh thần binh sĩ lên cao, chờ đụng độ với lực lượng chính quy cộng sản. Kampuchia trước đây là thuộc địa của Pháp, được trao trả độc lập, nhưng đời sống văn hóa vẫn còn ảnh hưởng Pháp, giới thượng lưu vẫn còn thích xài xe Peugeot, Citroen, sinh ngữ Pháp dân cạnh đồn điền cao su và vùng phụ cận hầu như tuyệt đại đa số là công nhân cạo mũ cao su cho đồn điền, tất cả plantation trên lãnh thổ Kampuchia vẫn còn người Pháp làm chủ như Peang Cheang, Chup, Krek, Snoul.

       Chính nơi đây, những đồn điền bạt ngàn này là nơi trú quân của Cộng quân Bắc Việt, Molotova, xe Honda 90 thồ, đạp thồ, đủ loại lưu thông thường xuyên trong các đường "lot" cao su.  Vào trận đồ, mới thấy trận đồ hoạt động.  Lúc này tiểu đoàn đang hoạt động trong plantation Peang Cheang, phía đông của tỉnh Kampong Cham (một tỉnh lớn hàng thứ hai của Miên).  Nhiệm vụ khai thông và an ninh đường, nên hàng ngày luôn có một râu (đại đội) của tiểu đoàn lãnh nhiệm vụ này trên đoạn đường 5 cây số, băng qua đường cao su.

       Đây không phải là địa thế bằng phẳng quang đãng mà là rừng cao su với nhiều độ cao khác nhau, và là nơi trú quân của cộng sản, trong khu rừng bạt ngàn thật cẩn trọng nếu không, dễ dàng đưa đơn vị vào cửa tử.  Hành quân mở đường thiết nghĩ không có phương cách chiến thuật nào khác hơn.  Lấy trục lộ chính làm tâm, bung rộng đội hình, lục soát, phối trí quân bảo vệ, tránh thói quen.  Có người cho rằng đây là một cuộc hành quân đơn thuần, thực ra đó là một trọng trách đầy nguy hiểm, bám đường để rơi vào ổ phục kích của địch là điều trước sau cũng phải gặp.

       Đại đội 1 của tôi lãnh nhiệm vụ ngày hôm đó, nhưng tôi thấy ông (25) có vẻ khác khi họp hành quân.  Sau cùng ông tăng cường thêm một râu (đại đội 4) của Thúy Hoàng Kim Trung mà Thiếu úy Tuyến xử lý thường vụ, cập trái quốc lộ đi sau bảo vệ và tahy đổi giờ giấc phát xuất.  Khi hừng đông chưa ló dạng, đại đội tôi đã ở trong tư thế sẳn sàng xuất phát, lộ trình phải được bảo đảm an ninh trước 11 giờ trong ngày để đoàn Convoy lưu thông.

       Vẫn đội hình hàng ngang hai trung đội, nhưng tôi cho bung khoảng cách thật rộng về cánh phải của quốc lộ, mỗi binh sĩ cách nhau một khoảng cây cao su, trung đội còn lại hàng dọc giữ cạnh sườn phải, trung đội chỉ huy bám đường.  Với đội hình này cùng khoảng cách đó đại đội tôi có thể kiểm soát thật rộng cánh phải quốc lộ.  Hai giờ đi qua sau khi rời khỏi vị trí phòng thủ đêm với Bộ chỉ huy tiểu đoàn, đứa con đầu tiên cánh phải phát giác dây điện thoại âm thoại viên đại đội cho hay, chụp ngay ống liên hợp tôi hét trong máy:  "Cắt ngay dây điện thoại, lục soát cẩn thận. Báo cáo"- tôi ra lệnh tiếp "chạm địch, bám vào cây cao su chiến đấu".

       Tay chưa rời ống liên hợp, tôi đã nghe tiếng AK vút qua đầu thật chát chúa, cùng hai âm thoại viên, tay ống liên hợp băng băng hướng lên trung đội của Thiếu úy Đài. Thấy được trận địa và đường dây điện thoại bị cắt, tôi nghĩ ngay là tôi đang đi vào giữa phòng tuyến của địch khoảng cách không đầy hai hàng cây cao su, đứa con đầu tiên phát giác bất ngờ tổ hỏa lực nặng của địch cách đường 30m, phác họa ngay kế hoạch, để trung đội cặp sát đường yễm trợ hỏa lực, một tổ thiện chiến của trung đội cánh phải đột kích bằng lựu đạn ngay tức khắc; ban lịnh xong đang theo dõi từng bước của tổ đột kích, tiếng của ông đã vang trong máy: Bravo đây 25, cho biết tình hình ngay.

       Tôi hiểu ngay ông đã theo dõi đứa con của ông ngay khi tiếng súng đầu tiên phát hỏa, ông đã vào hệ thống liên lạc nội bộ của tôi, hẳn ông đã nghe diễn tiến sự kiện, cùng cách thức điều quân cuả tôi.  Dù vậy tôi vẫn briefing cho ông biết ý định và cách giải quyết.  Có dây điện thoại, có tổ hỏa lực nặng thì ít ra đơn vị tôi đụng phải cỡ tiểu đoàn; tôi xin đẩy thằng râu 4 (đại đội 4) lên song song giữ cạnh sườn trái cho tôi.  Không ám danh đàm thoại, ông OK ngay và điều động đại đội 4 lên tức thời.

       Quyết định sáng suốt của ông tăng cường thêm một râu mở đường, thay đổi giờ xuất phát sớm hơn, tránh thói quen hàng ngày, thêm vào đó bung rộng đội hình, tiến thật nhanh, di động anh em, từ chỗ bị phục kích, đơn vị tôi trở thành nhiệm vụ đột kích rạng đông, bài học mà tôi không quên tịa các căn cứ Rừng Núi Sình Lầy Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ.  Bởi vậy, đứa con đầu tiên đã đánh bung hầm hố cộng sản của tổ hỏa lực, một số chết, một số bỏ chạy về phía sau vất lại ba lô quân trang, nhờ vậy tôi biết là tôi đã chạm phải trung đoàn 271 chính quy của cộng sản.

       Diễn tiến không quá nửa giờ thật bất ngờ đối với tôi, tôi cho lịnh bung rộng lục soát kỹ.  Không tiện chờ lịnh, báo cáo cho ông rõ lực lượng địch đã phát hiện, tình hình cùng chiến lợi phẩm đáng kể, một khẩu DKZ57, trên chân hai bánh xe là khẩu 12.7, 6 khẩu AK47, 2 cây B41.  Ông khen ngợi, cẩn thận có thể bị trả đũa, và có thể bị mất cả chì lẫn chài đó. Hiểu được ý ông, an tâm khi ông báo cáo về Chiến đoàn 318, và quyết định một trận đánh sắp khai diễn.

Tinh Dong Doi       

       Quả nhiên, điều dự đoán của ông đã không sai, những tiếng nổ đinh tai, rung chuyển cả khu rừng cao su Beang Cheang, đạn cối 82 vả tới, trung liên, AK, thượng liên chát chúa, dòn dã cày sới mặt đất, khói đất mịt mù trận địa, các đứa con tới tấp báo cáo bị tấn công.  Không còn cách nào khác, bám trụ hàng cây cao su cầm cự, tôi ra lịnh toàn thể các trung đội và dồn tất cả lực lượng hỏa lực qua cánh phải, cánh trái tôi đại đội 4 lên tới nơi giữ cạnh sườn trái, cũng đã chạm địch lẻ tẻ.

       Càng về sau, trận đánh bỗng trở nên khốc liệt, bọn chúng uất hận vì đã mất khẩu DKZ57, đại liên 12.7 và một số nhân mạng, tức giận vì làm hỏng kế hoạch phục kích, nhử đại đội tôi tiến sâu không thành công nên đồng loạt tấn công tới tấp.  Rừng cao su Beang Cheang bạt ngàn, cây to tàn lá xum xê, ít ra cũng phải trên 10 năm, bởi vậy nhờ đó trở thành chướng ngại vật thiên nhiên ngăn đở, trong lúc đó trung đội sườn phải bị tấn công tới tấp, phải lui về sau hai hàng cây. Hét trong máy ra lịnh -"Nằm lại sẽ cho khẩu 60 qua tiếp".

       Tôi điều động trung đội chỉ huy còn lại qua tiếp ứng và trực tiếp chỉ huy cầm cự, đồng thời báo cáo về ông tình hình đã gay go, số thương vong qua những lần địch xung phong, khẩn xin yểm trợ pháo binh.  "Cậu điều chỉnh tác xạ, cố gắng cầm cự, tôi và cua đồng lên ngay".

        Không ngờ ông lại quyết định nhanh như vậy, chỉ bấy nhiêu đó, ngắn gọn nhưng đã quá đầy đủ cho tôi và đơn vị, giây phút đó trong tôi ý chí chiến đấu kiên cường hẳn lên, cùng với đại đội 4 chịu đựng áp lực quyết tử của trung đoàn 271 chính quy cộng sản, đẩy lui nhiều đợt xung phong của địch quân.  Tiếng động cơ chiến xa M41 cùng với M113 vang lên phía sau cùng với đại đội 3 và Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn 30 BĐQ, tiếng đạn pháo binh rít qua đầu, tiếng nổ ầm vang trước mặt, rồi trọng pháo 72 của chiến xa M41, đại liên 50, 30 của M113 yểm trợ trực tiếp, tất cả tạo nên một hỏa lực kinh hồn; thêm vào đó ông đã tung đại đội 3 vào trận địa thọc vào cạnh sườn của Bộ Chỉ Huy địch quân.  Thế trận đã thay đổi, địch quân co lại trú ẩn, ông ra lịnh tổng xung phong, chiếm thế thượng phong đánh bật trận phục kích của trung đoàn lẫy lừng cộng sản này tại rừng cao su Beang Cheang vào lúc 17:00H trong ngày, gây tổn thất trầm trọng về nhân mạng cũng như vũ khí cho trung đoàn 271 này.  Một trận đánh đã đưa ông vào hàng ngũ tiểu đoàn trưởng tài ba lỗi lạc của quân lực VNCH. Đại tá Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 318 nhiệt liệt khen ngợi ông và đơn vị do ông chỉ huy, cũng như Chi đoàn Thiết kỵ tăng phái đều được tưởng thưởng xứng

       Vỏn vẹn một tháng hành quân trên xứ Chùa Tháp, dấu giày ông và đơn vị tung hoành trên khu Mỏ Vẹt tiến vào an toàn khu cao su Beang Cheang của cộng sản, trở về Việt Nam giương lá cờ vinh quang của Tổ quốc để đón nhận công lệnh tưởng thưởng. Tuyên dương Công Trạng trước QLVNCH.