Menu


LIÊN ĐOÀN 2 BĐQ

DAKTO 1970

LTC JD Lock


Trong năm 1960, để chống lại quân du kích cộng sản đang gia tăng các hoạt động trong miền nam Việt Nam. Quân đội VNCH thành lập các đại đội bộ binh nhẹ, đặt tên là Biệt Động Quân để đối phó. Một số sĩ quan, hạ sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ đã tốt nghiệp khóa huấn luyện BĐQ/HK được đưa đến các đại đội biệt lập BĐQ/VN trong vai trò cố vấn. Con số BĐQ Hoa Kỳ phục vụ trong các đơn vị BĐQ/VN có thể lên tới 2000 quân nhân.

Nhiệm vụ chính yếu cho các cố vấn Hoa Kỳ trong các đơn vị BĐQ/VN là cố vấn... bao gồm vấn đề yểm trợ hỏa lực của phi pháo. Nhưng trên thực tế ngoài chiến trường, họ cũng phải chiến đấu như những quân nhân BĐQ/VN.

Ngày 4 tháng Tư năm 1970, trung sĩ nhất Gary L. Littrell, bỗng dưng được biết rằng mình là quân nhân Hoa Kỳ duy nhất trong toán cố vấn cho tiểu đoàn 23 BĐQ chưa bị thương. Sau khi tiểu đoàn này bị trung đoàn 28 Bắc Việt pháo kích bất ngờ bằng súng cối lên tuyến phòng thủ của tiểu đoàn trên đồi 763 trong tỉnh Kontum. Littrell gọi được phi cơ đến di tản các cố vấn Hoa Kỳ bị thương, nhưng trực thăng không vượt qua được màng lưới đạn của địch bắn lên. Mặc dầu anh ta đã can đảm đứng trên bãi đất trống ra hiệu cho trực thăng đáp xuống. Và sau đó, chỉ còn mỗi mình trung sĩ Littrell điều động các phi cơ Hoa Kỳ lên yểm trợ cận phòng, sát ngay tuyến phòng thủ của tiểu đoàn 23 BĐQ.

Trời vừa rạng sáng, quân đội Bắc Việt mở lại trận điạ pháo lên phòng tuyến của tiểu đoàn BĐQ đang bị vây trên đồi. Gary Littrell vẫn phải tiếp tục làm nhiệm vụ liên lạc xin không trợ. Đến 10 giờ sáng, một trực thăng bay vào được bãi đáp, tiếp tế thêm đạn dược cho BĐQ và gửi ra thêm một cố vấn BĐQ Hoa Kỳ, hạ sĩ Raymond Dieterle đến thay thế cho ba viên cố vấn Hoa Kỳ bị thương. Chuyến này cũng di tản được ba cố vấn Hoa Kỳ cùng với một số binh sĩ BĐQ bị thương trong những đợt pháo kích vừa qua.

Trong thời gian còn lại trong ngày, hai cố vấn Hoa Kỳ hướng dẫn phi cơ oanh kích, điều chỉnh tác xạ pháo binh làm cho binh sĩ BĐQ/VN lên tinh thần và trung đoàn 28 Bắc Việt khựng lại, không dám tấn công. Đêm hôm đó, đặc công địch bò vào phòng tuyến nhưng bị các binh sĩ BĐQ đã đề cao cảnh giác, khám phá và đẩy lui.

Sáng sớm ngày 6 tháng Tư, địch quân thử một trận tấn công nhỏ, dọ dẫm khả năng chiến đấu của tiểu đoàn BĐQ và cũng bị đẩy lui. Tiếp theo là những đợt pháo kích của địch để tạo áp lực, làm xuống tinh thần binh sĩ BĐQ, và hai cố vấn Hoa Kỳ Littrell, Dieterle gọi pháo binh Hoa Kỳ phản pháo để địch ngưng pháo kích.

Đúng 6 giờ 30 phút sáng hôm sau, một đợt pháo kích nặng nề lên phòng tuyến tiểu đoàn 23 BĐQ, tiếp theo bộ binh Bắc Việt thuộc trung đoàn 28 tấn công toàn diện. Mặc dầu đuợc phi cơ yểm trợ, nhưng với những đợt tấn công biển người, địch quân vào sát được phòng tuyến. Nhưng sau đó vẫn bị các chiến sĩ anh dũng tiểu đoàn 23 BĐQ đẩy lui.

Đêm hôm đó BĐQ chặn đứng những cuộc tấn công nhỏ, quấy phá của địch. Cuối cùng, lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 8 tháng Tư, tiểu đoàn BĐQ đã kiệt sức, được lệnh rút khỏi ngọn đồi 763, băng rừng, băng qua giòng sông Dak Pơ Kô bắt tay với tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân. Các sĩ quan trong tiểu đoàn, cùng với hai cố vấn Hoa Kỳ, coi lại đạn dược, xắp xếp thứ tự đội hình để rút lui. Họ đem theo thương binh và đồng đội đã tử trận.

Tiểu đoàn bắt đầu rút ra khỏi ngọn đồi lúc 11 giờ, dưới sự chỉ huy của vị tiểu đoàn phó. Không ngờ địch quân đưa quân truy kích. Khi xuống tới chân đồi, đơn vị Biệt Động Quân quá mệt mỏi vì đã phải chiến đấu không ngừng từ mấy ngày qua và phải đem theo thương binh, tử sĩ, dừng lại nghỉ ngơi để lấy lại sức.

Ngay đúng lúc đó, đạn súng cối của địch rơi xuống và bộ binh Bắc Việt chuẩn bị tấn công. Nhanh trí, trung sĩ Littrell vào tần số liên lạc với tiểu đoàn 22 BĐQ bên kia bờ sông Dak Pơ Kô, yêu cầu bắn yểm trợ bằng súng cối. Littrell xin phi cơ Hoa Kỳ yểm trợ, nhưng lúc đó phi cơ không có sẵn, phải chờ theo thứ tự ưu tiên. Thiếu hầm hố phòng thủ, bị địch pháo kích và tấn công, tiểu đoàn BĐQ phân tán mỏng để thoát ra khỏi vòng vây, bỏ lại xác chết đồng đội và những người bị thương.

Trung sĩ Littrell kéo theo Dieterle chạy ra khỏi chỗ bị phục kích, họ gặp mấy binh sĩ BĐQ lạc mất đơn vị, đi theo. Littrell khích động các binh sĩ BĐQ “Mình là BĐQ, ngẩng đầu lên chiến đấu”. Dẫn dắt cả nhóm đi về hướng tiểu đoàn 22 BĐQ bạn, Littrell yêu cầu tiểu đoàn 22 BĐQ bắn súng cối nơi phiá sau để ngăn chặn, không cho địch quân đuổi theo.

Trước khi đến được bờ sông Dak Pơ Kô, nhóm này gặp địch chận đường một lần nữa, làm ba binh sĩ BĐQ bị thương. Trung sĩ Littrell cõng người bị thương nặng trên lưng, dìu hai người khác bị thương, lội qua sông, đến được phòng tuyến tiểu đoàn 22 BĐQ bạn.

Trong những trận đánh với trung đoàn 28 Bắc Việt, tiểu đoàn 22 BĐQ bị thiệt hại nặng, 218 thương vong, 19 quân nhân mất tích. Qua sự can đảm trong trận này, trung sĩ nhất Gary L. Littrell được ân thưởng huy chương Danh Dự (Medal of Honor).

Liên đoàn 2 Biệt Động Quân với ba tiểu đoàn 11, 22 và 23 là đơn vị trừ bị trên Quân Đoàn II, vùng 2 chiến thuật, nên tham dự hầu hết những trận đánh lớn trên vùng 2 chiến thuật: Dak To, Ben Het, Dak Seang, v.v...

Trận đánh kể trên xẩy ra trong tháng Tư năm 1970, ba cố vấn Hoa Kỳ theo tiểu đoàn 23 BĐQ bị thương. Qua năm sau, ngày 3 tháng Ba năm 1971, tiểu đoàn 22 BĐQ có hai cố vấn Hoa Kỳ đi theo là trung úy Orie J. Dubbeld và trung sĩ nhất James E. Duncan. Tiểu đoàn tham dự một cuộc hành quân tảo thanh, lùng và diệt, trong khu vực tam biên Việt-Miên-Lào. Tiểu đoàn BĐQ di chuyển lên một ngọn đồi, đào hầm hố phòng thủ.

Trong lúc giao tranh với địch quân, một quả đạn súng cối của địch rơi trúng hầm trú ẩn của hai cố vấn Hoa Kỳ. Sĩ quan trợ y tiểu đoàn BĐQ vào cứu, báo cáo lên cấp chỉ huy, trung úy Bubbeld đã chết tại chỗ, trung sĩ nhất Duncan hấp hối và chết ít phút sau đó. Ngoài ra còn có một số binh sĩ BĐQ khác bị thương nên toán quân y tiểu đoàn rất bận rộn, phải tạm để xác hai cố vấn Hoa Kỳ tại chỗ.

Sau đó vị tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 22 BĐQ nhận thấy rằng, không thể tiếp tục nằm giữ ngọn đồi được nữa. Ông ta ra lệnh cho rút những binh sĩ sống sót ngoài tiền đồn về để cùng rút lui. Biệt động quân định đem theo xác chết cùng với thương binh, tuy nhiên địch vẫn tiếp tục cường độ tấn công, nên không thể thực hiện được. Do đó họ chôn tạm xác binh sĩ rồi vùng lên bắn tối đa, đẩy lui địch ra xa để rút lui.

Những nấm mộ này nằm cách đường 511 khoảng một dặm về hướng bắc, cách biên giới Việt-Miên năm dặm về hướng đông, cách ngã ba biên giới mười dặm và cách Tân Cảnh, Dak Tô mười một dặm về hướng tây nam, trong tỉnh Kontum, nam Việt Nam.

Trong phần báo cáo sau cuộc hành quân, viên sĩ quan trợ y tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân xác nhận, căn hầm của trung úy Dubbeld và trung sĩ nhất Duncan trúng đạn súng cối của địch và cả hai đều tử trận. Viên sĩ quan cùng mấy quân nhân sống sót của tiểu đoàn cho biết tọa độ, vị trí nơi chôn hai viên cố vấn Hoa Kỳ và xác binh sĩ BĐQ tử trận. Khu vực nơi trận đánh xẩy ra, có sự hiện diện đông đảo quân đội Bắc Việt nên không thể đưa toán tìm kiếm, thâu hồi (SAR) tử thi vào để mang về Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ liệt kê trung úy Dubbeld và trung sĩ nhất Duncan vào danh sách “Tử Trận, Không Lấy Được Xác”.

Binh chủng Biệt Động Quân Việt Nam gồm những quân nhân ưu tú, can đảm của quân đội VNCH. Đạt được nhiều thành tích, chiến công và nhiều huy chương đủ loại của chính phủ Hoa Kỳ lẫn Việt Nam. Tiểu đoàn 42 và 44 BĐQ đã được ân thưởng huy chương cao qúy nhất của QL/VNCH. Các tiểu đoàn BĐQ khác: 43, 21, 37, 41 và 52 đều được ân thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh. Hai mươi ba đơn vị BĐQ được ân thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Tiểu đoàn 42 đạt được bẩy lần, tiểu đoàn 44 được sáu lần. Liên đoàn 1 BĐQ, tiểu đoàn 43 BĐQ được bốn lần.

Mười một huy chương danh dự của Tổng Thống Hoa Kỳ (PUC) được trao cho các đơn vị Biệt Động Quân. Tiểu đoàn 37 được ba lần, tiểu đoàn 42, 39 BĐQ được hai lần. Liên đoàn 1, tiểu đoàn 21, 44, và 52 được một lần. Ngoài ra nhiều quân nhân BĐQ được huy chương của Hoa Kỳ như ngôi sao bạc, ngôi sao đồng, v.v...

Dallas, TX. March 29, 2010

Vđh