Menu


Đêm Biệt Động Quân

với niềm vui và nỗi nhớ

An Pha



       Một buổi tối thật vui đánh dấu năm thứ 47 ngày thành lập binh chủng Biệt Động Quân.  Vui vì ở Mỹ, có dịp nào tập trung được năm sáu trăm bạn chiến đấu ngày xưa để nhắc lại những kỷ niệm cũ với nhau không?  Vui vì có những bạn lính, bạn tù đã phải bay vài ngàn dặm về gặp nhau chỉ mày tao chi tớ, để nhắc lại những kỷ niệm khó quên trong những ngày hành quân, để được gọi nhau bằng thẩm quyền, bằng đích thân đối với những niên trưởng đáng kính trong thời trận mạc, thời tan đàn sẻ nghé, tù đày và những năm tháng còn lại của người lính già.

       Nhưng trong niềm vui hội ngộ, cũng có nỗi ngậm ngùi vì những người đã ra đi từ thời còn chinh chiến, trong những trại cải tạo của cộng sản, và mới đây Ngô Minh Hồng ngã xuống vào thời định cư ở quê người.  Biệt Động Quân sẽ còn những mất mát như thế, bởi vì chúng tôi, các bạn, các niên trưởng ở vào thời điểm 2007, cũng đã mấp mé thất thập cổ lai hy.  Sức khỏe rồi cũng sẽ suy tàn dần, chưa ra đi thì cũng sẽ chẳng còn làm được việc gì lớn lao được nữa.  Người trẻ nhất thì năm nay cũng gần 60, già nhất cũng đã trên 80.  Ngậm ngùi vì những người lính mà tôi gặp trong đêm hội ngộ Biệt Động Quân tối 22 Tháng Bảy đều là những những người chiến đấu quả cảm, huy chương đầy ngực áo, đều là những người lính thiện chiến và có lý tưởng, đều là những người từng đổ máu trên chiến trường... nhưng cuối cùng đã ngã ngựa vì người bạn đồng minh thiếu trung thành, và một vài nhà lãnh đạo VNCH không những thiếu sáng suốt mà lại còn thiếu cả tư cách.

NT Nguyễn bảo Toàn và NT Nguyễn thành Chuẩn đang cắt bánh        Trong câu chuyện khi gặp lại, không thấy ai phủ nhận hay biện minh cho sự thất bại của mình.  Cũng không thấy ai oán hận về những nguyên nhân dẫn tới việc chém ngang đời binh nghiệp của họ . Điều mà họ nói tới nhiều là làm sao giữ lại được tinh thần trong sáng và chính trực của người lính.  Ngoại trừ một vài hiện tượng làm buồn lòng những đồng đội xuất hiện trong suốt 32 năm qua, người lính VNCH, dù thuộc binh chủng nào đi nữa, cũng đã giữ được tinh thần chống Cộng, tinh thần không chấp nhận cộng sản trong suốt những năm tháng lưu lạc.

       Mặc dù trong những năm tháng gần đây, lợi dùng hình ảnh không hay ho lắm của một thiểu số phần tử chống Cộng cực đoan làm những điều phản tác dụng, nguy hại đến chính nghĩa của những người quốc gia chân chính.  Nhóm tay sai cộng sản đã ra sức bôi nhọ và khôi hài hóa những người giữ được nhân cách và tinh thần chống Cộng trong sáng, chỉ cốt để xóa nhòa biên giới Quốc-Cộng.

       Trước đây, có một giai đoạn khá dài, một số người trẻ và những người có chút đầu óc cấp tiến thường ngộ nhận về người lính VNCH, ngộ nhận về lớp cha anh họ.  Một số gia đình cựu binh gặp khó khăn không phải vì cuộc sống ở Mỹ mà vì những ngộ nhận ấy giữa bố mẹ và con cái.  Những người trẻ ấy trưởng thành ở đây với điều kiện sống thanh bình, no đủ, không phải đối phó với chiến tranh nên vội cho rằng ngày nay bố mẹ họ quá rảnh rỗi để làm những chuyện tập họp hay quá quan tâm đến công cuộc chống Cộng không ích lợi gì.

       Có một lần, con trai của một bạn HO của tôi hỏi tôi rằng: “Cháu thấy chú cởi mở nên cháu mới nói. Bố cháu họp hành hoài, không biết để làm gì vậy chú?”  Tôi hỏi lại: “Thế cháu có biết, năm 30 tuổi như tuổi cháu bây giờ, bố cháu làm gì không”.  Nó nói không cần suy nghĩ: “Không”.  Tôi nói:

       “Cháu phải hỏi chứ, hỏi thật kỹ để xem hồi trẻ ông ấy có rảnh rang như 38 năm sau không chứ.  Đây, năm 30 tuổi, bố cháu đã là người chỉ huy một tiểu đoàn, một battalion đấy.  Không phải tự nhiên ông ấy được người ta cử chỉ huy tiểu đoàn.  Ông ấy không còn điều kiện học hành thoải mái như cháu bây giờ mà thời chiến.  Bố cháu bị gọi động viên vào trường sĩ quan, rồi ra trường với cấp bậc chuẩn úy, cấp sĩ quan thấp nhất trong quân đội.  Ra nhận đơn vị, ông ấy phải vác ba lô súng dài đi học chỉ huy 6 tháng từ một cấp hạ sĩ quan có kinh nghiệm nhất trong đơn vị, rồi mới được chỉ huy một trung đội, nghĩa là khoảng hơn hai chục người lính.  Mươi, mười hai năm sau bố cháu sau khi bị thương vài lần mới lên được cấp trung tá.  Khi ấy, quân đội mới cất nhắc vào từng chức vụ từ thấp đến cao, đại đội phó, đại đội trưởng, tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng.  Đến lúc mang được cấp hiệu đó, bố cháu đã phải đổ khá nhiều máu, mồ hôi và đôi khi sôi nước mắt để làm tròn nhiệm vụ.  Khi mẹ cháu lấy bố cháu, bà đã phải sống những đêm dài khắc khoải chờ tin chồng giữa tiếng đại bác từ xa vọng về và bổn phận lo dậy dỗ các cháu thay cho bố cháu miệt mài ngoài chiến trường bom đạn chả biết nhường nhịn ai.

        Chiến tranh không phải là cuộc tập trận giả, cũng chẳng phải là những trận đánh trong phim cháu thường coi.  Nó tàn nhẫn, đau đớn, chết chóc, thương tật, buồn đau hơn trong phim nhiều lắm.  Thế rồi bố cháu đi tù vì biến cố Tháng Tư 1975.  Một vài năm sau, mẹ cháu đành lên thăm bố cháu lần cuối ở Hoàng Liên Sơn để báo tin cho bố cháu biết rằng bà đành phải mang hai anh em cháu đi vượt biên vì tương lai của các cháu, chứ không phải tương lai của bố cháu hay của mẹ cháu.  Cháu có biết không, hôm gặp mặt mẹ cháu xong, trở vào trại, bố cháu đã nói với chú: Vợ tao ôm hai đứa nhỏ đi.  Tao buồn nhưng mừng nhiều hơn.  Không biết đến bao giờ mới gặp lại tao, nên tao có ký một giấy thuận ly dị để nếu đến được bến bờ tự do, bà ấy cần phải bước đi bước nữa nuôi con...  Bây giờ tao là ‘con bà phước như mày’, như thế cũng thanh thản...  Bố cháu là một trong số ít những bạn đồng cảnh còn giữ được mẹ cháu đến nay.  Bà ấy đã thật can đảm chờ đợi bố cháu dù biết rằng chỉ là chờ đợi một hình bóng mong manh...  Cháu đừng vội trách bố cháu và nên hỏi kỹ.  Không biết được quá khứ của bố cháu, thì làm sao cháu có niềm hãnh diện khi là con của bố cháu chứ.  Chuyện giản dị như vậy, cháu đã không làm được, còn nói gì đến những chuyện lớn lao phức tạp khác... rồi lại còn trách bố cháu nữa.

Bà Ngô minh Hồng và NT Nguyễn thành Chuẩn        Buổi tối 22 Tháng Bảy, có mặt chị Ngô Minh Hồng.  Chị mặc chiếc áo màu đỏ sậm, màu của chiếc nón có huy hiệu binh chủng mà anh thường đội.  Ngồi bàn ở cách xa sân khấu nhưng tôi vẫn nhận ra chị trong số những phu nhân của các niên trưởng trong ban hợp ca.  Tôi chỉ gặp chị có một lần trong vành khăn tang vào buổi tôi đến chào kính trước linh cữu của anh vào lúc nhà quàn sắp đóng cửa.  Chúng tôi quen biết nhau trong khói lửa của binh đao ở cương vị khác nhau.  Ông là tiểu đoàn trưởng BĐQ, còn tôi là một nhà báo “thí mạng cùi” lặn lội để săn tìm những góc cạnh khác của cuộc chiến giữ nước.  Mức thân tình gia tăng khi chúng tôi gặp nhau ở trung tâm huấn luyện nhảy dù.  Ở bãi tập cũng như khi lên máy bay để lao ra khỏi không gian, bao giờ anh Hồng cũng lao ra kế tôi.  Thường khi ra trước cửa máy bay, anh hay vỗ vai vai tôi để khích lệ.  Bây giờ, anh đã đi xa nhưng các đồng đội cũ của anh vẫn còn nhớ tới người lính già có một thời trẻ chiến đấu lừng lẫy này.  Buổi tối vinh danh anh, không biết chị Hồng có khóc không, nhưng tôi biết chị và các con anh đều hãnh diện.  Suốt một đời anh vào sinh ra tử và vẫn đứng thẳng lưng trước kẻ thù ở vào hoàn cảnh khốn quẫn nhất trong các trại tù của cộng sản.  Sang đây, cứ mỗi lần đến Factory Cafe là y như rằng thấy anh lui cui sau cốp xe, rồi khập khiễng ôm một chồng tập san Biệt Động Quân đi phân phát cho những chiến hữu và bạn bè, lòng bỗng chùng xuống, mắt bỗng thấy cay cay.

       Trong buổi tối 22 Tháng Bảy, có biết bao nhiêu người như Ngô Minh Hồng.  Họ nói với nhau đủ thứ chuyện, chuyện lính, chuyện vợ con, chuyện chăn dắt cháu nội ngoại, chuyện công việc, chuyện non nước bên này và bên kia bờ đại dương, chuyện những kẻ phản bội.  Họ nói: “Nếu mấy người này phản bội sớm hơn vào 32 năm trước thì bọn này không đau.  Nhưng họ phản bội muộn quá và với giá rẻ nữa làm nhục mọi người”.  Nhưng dù câu chuyện được đưa đẩy đến đâu, chuyển sang vấn đề gì cũng có một điểm rất rõ rệt: những người lính già này dù đã thất trận vẫn giữ vững một quan điểm, chế độ cộng sản không phải là chế độ đáng sống Họ đang sống trong một đất nước tự do, con cái phần đông đã thành công.  Tuy nỗi nhớ quê hương dằn vặt, chưa người nào đánh đổi sự trở về thăm quê bằng cách bán rẻ nhân cách của mình.  Những người lính ấy cũng không có nhu cầu hòa giải với bất cứ ai.  Mong muốn của họ chỉ là những người cộng sản nên hòa giải với chính nhân dân Việt Nam và những người bất đồng chính kiến đang ở quê nhà, đồng thời thật sự cởi trói cho 80 triệu dân bằng cách phục hồi lại nhân quyền cho họ, nhất là đừng bao giờ sử dụng đám tay sai để gây chia rẽ trong các cộng đồng tị nạn Việt Nam ở hải ngoại.  Chấm hết.

       * Trích báo Người Việt ngày Thứ Ba, 24 tháng 7 năm 2007