Menu


Xuân Kontum 1975

Phong Vũ


      Hàng năm gần đến ngày tết ta, tết của người Việt tha phương, gia-đình tôi cũng chuẩn bị nhộn nhịp đón xuân cũng như ai.  Nói là gia-đình cho có vẻ hùng-hậu chứ sự thực chỉ có hai vợ chồng.  Nhà tôi, cũng như những người vợ, người mẹ Việt-Nam khác, nàng chịu khó mua xắm, trang hoàng nhà cửa cho có không khí của ngày tết.  Còn phần tôi đã quá quen với nhiệm vụ do nàng giao phó.  Nhiệm-vụ của người trai thời ... bình!

      Sáng chủ nhật cuối năm, trong khi nàng bận rộn với công việc dưới bếp.  Phải công nhận là nàng làm quá nhiều việc... ôm điện-thoại nói chuyện với mấy bà bạn hơn tiếng đồng hồ vẫn chưa dứt, chỉ cầu mong nàng đừng đem chuyện nhà cửa, chồng con ra đi học lại với thiên hạ.  Năm nay tôi chịu khó dậy sớm để nàng khỏi than trách 'Chồng với con gì đâu... lười như hủi!  Chuyện gì cũng phải nói!'.

      Uống xong ly cà-phê, tôi dọn dẹp lại bàn thờ ông-bà, lấy mấy tấm ảnh xuống, phủi cho hết bụi rồi lấy khăn thấm nước lau đi cho sạch và làm cho tấm ảnh thêm sáng sủa.  Nhiệm vụ này tôi đã quá quen thuộc từ lúc còn nhỏ,  Khi học trò bắt đầu nghỉ học, mẹ tôi thường bắt anh em tôi dọn dẹp nhà cửa để ăn tết, đứa thì lau nhà, đứa thì đánh bóng lư đồng, v.v... Ngày tết nơi quê-hương trang trọng lắm chứ!  Ôi biết bao nhiêu kỷ niệm, một số hình ảnh quen thuộc, thân thương chợt thoáng qua trong đầu tôi.

       Khoảng cuối tháng Giêng năm 1975, đơn vị tôi đang bận hành quân trong vùng Kontum, tỉnh cực bắc trên vùng cao-nguyên trung phần.  Tình hình năm nay nghiêm trọng hơn mọi năm, địch quân đã đánh chiếm tỉnh Phước-Long. Các liên-đoàn Biệt-Động-Quân được bộ Tổng-Tham-Mưu gửi ra tăng cường cho Quân-Đoàn II, và lập tuyến phòng thủ trên Kontum.  Tụi tôi đang chờ đợi một trận thử lửa với địch quân.  Một hôm tôi ra phố Kontum ghé thăm hai người bạn thầy giáo thấy nhà cửa lạnh lẽo, buồn tênh.

Nguy Hiểm ở phía trước

      - Bạn hiền!  Không chuẩn bị đón xuân hay sao?  Có gì đâu mà xuân với xiếc!  Tuị tao chuẩn bị về quê ăn tết!
      - Uả!  Công-chức không phải ở lại nhiệm sở hay sao?
      - Bị báo cáo đào-nhiệm, nhiều người vẫn đi.  Tụi tao chỉ về ăn tết thôi, qua tết trở lại. 
      - Nhớ nghe không!  Biệt-Động-Quân còn đây, không để mất Kontum đâu.  Có chuyện gì tao chết trước rồi mới tới phiên tụi bay!
      - Thằng này! Hay nói bậy không sợ xui.
      - Hồi mới đi lính tao cũng sợ, bây giờ thì...

      Nói thế thôi, chứ tôi đã 'thủ cẳng' bỏ trong ba-lô tấm bản đồ (1/100000) có hai thành phố Pleiku và Kontum, trường hợp BĐQ chịu không nổi áp-lực của địch, tôi sẽ dùng thuật kinh-không bay về Pleiku.  Rồi như chợt nhớ ra, một ông bạn nói.?!  

      - Mấy cô-giáo gửi lời hỏi thăm mày!  Có muốn nhắn gì không?
      - Sao không nhân cơ-hội 'Bơm' tao lên! Bộ muốn tao ở giá trên này hay sao?
      - Có chứ! Từ từ... bây giờ mấy cô nàng sợ phải ở giá chứ không phải mày!

      Rồi lệnh cấm quân được ban ra, quân nhân phải ở tại vị trí chiến đấu không được ra phố.  Đêm giao-thừa thật buồn, không một tiếng súng bắn thay pháo, cũng không một trái hoả châu thắp lên để sưởi ấm lòng chiến sĩ.  Nơi chiến trường, trong hầm, nơi giao thông hào những người lính vừa cầm súng chiến đấu vừa đón xuân, họ chuyền cho nhau điếu thuốc lá, ly cà-phê, tán dóc cho quên đi nỗi nhớ nhà.

      Sáng mùng một, ai không phải trực được phép ra phố chơi.  Xe không có, tụi tôi lội bộ xuống núi, đi chừng một tiếng đồng hồ ra tới một làng nhỏ rồi quá giang xe ra phố Kontum.  Mới đi bộ lần đầu hơi ngại, sau đó quen đi, mấy người lính BĐQ ở sâu trong rừng họ đi bộ hơn hai ba tiếng đồng hồ là chuyện thường.  Ra tới phố, không khí khác hẳn trong vùng hành quân, mới có không khí của ngày tết.  Bọn tôi chưa biết đi đâu, xuất hành về hướng nào, trong túi chẳng ai có tiền trừ 200 đồng do một cô cùng đi trong chuyến xe 'lì-xì' cho.

       Bốn người lững thững đi về hướng trung tâm thành phố nơi có quán ăn nhậu, rạp xi-nê.  Chợt một ông trong bọn nói 'Đưa tiền đây cho tao!  Bảo đảm chút nữa tụi mình có đủ mục ăn nhậu'.  Tôi nghĩ thầm trong bụng 200 đồng chỉ đủ mua bao thuốc lá, nhưng không sao, nhìn ngắm thiên hạ thưởng xuân cũng vui mắt.  Trước rạp ciné, rất đông người đi thưởng xuân, đủ xạp hàng buôn bán bánh mứt, thêm mấy xòng đánh bạc, bầu-cua-cá-cọp.  Chuyện cờ bạc trong mấy ngày xuân cũng là điều hợp pháp, truyền thống, tục-lệ của dân tộc.  Trong rạp ciné, nhiều người chen lấn nhau để mua vé vào xem chiếu bóng.  Mấy ngài quân-cảnh, cảnh-sát có mặt để giữ an-ninh, trật-tự cũng đứng tụ lại nói chuyện, họ cũng lờ đi làm như không trông thấy mấy ông tướng quảng-lạc mặc quân-phục Biệt-Động-Quân.

      Một lúc sau, Danh quay trở lại cùng với hai đệ-tử hối tụi tôi đi theo.

       - Tụi mình đi kiếm gì ăn trước đã rồi tính sau.
       - Tiền ở đâu ra?  Không lẽ đầu năm đã phải đi ăn giựt, ăn chạy!  Tôi hỏi nhỏ.
       - Tao có dư mà ... đừng lo!  Mình còn nhiều mục nữa, tết nhất phải vui mới được!  Cho bõ cả năm đi hành quân liên tục, ở trong rừng chơi với khỉ.

      Tụi tôi ghé vào một tiệm ăn, làm mỗi người một bụng rồi kéo nhau đi, hướng về khu hội chợ tết do trường thánh Theresa tổ chức.  Nơi này đông người hơn và nhiều trẻ con được cha mẹ, anh chị dắt đi chơi.  Có đủ loại trò chơi trúng giải thưởng cho cả trẻ em lẫn người lớn, tụi tôi tấp vào quầy bắn súng có cô nữ sinh mặc áo dài xanh, xinh xắn trông nom.  Dàn xạ-thủ BĐQ bắn như 'để' lấy được mấy giải thưởng làm người đẹp sợ quá mời đi chỗ khác.

        - Thôi! Các anh để cho người khác chơi... bên kia còn nhiều trò chơi khác.
        - Mấy món đồ chơi này tụi tôi cũng chẳng ... ăn được, thôi tặng lại cho ban tổ chức.

      Ra khỏi quầy bắn súng, một ông bạn đã lên tiếng.

       - Cứ làm ra vẻ 'đạo-đức', người đẹp mà xí-gái một chút, tụi mình mỗi đứa ôm một món đồ chơi... sao không tặng luôn quả tim cho người đẹp! 
       - Tại người ta không thèm hỏi! 
       - Nếu cô ta hỏi tao có chịu lấy cô ta không? 
       - Tao bằng lòng ngay, không cần phải suy-nghĩ... Người đẹp muốn đổi ý cũng đã muộn.  

      Mãi vui chơi, trời đã xế chiều, bọn tôi mua mỗi người một ổ bánh mì... và cứ thế vừa đi vừa gậm thay cho bữa cơm tối.  Được ổ bánh mì là quý lắm rồi, bọn tôi hầu như ai cũng đã trải qua những lần ôm bụng đói đi ngủ, hoặc phải ăn cơm với muối.  Cuộc chiến tranh dai-dẳng, ngày càng khốc liệt... vui được ngày nào hay ngày đó.  Trời bắt đầu tối, vẫn còn sớm chưa đến giờ chiếu ciné, chui vào quán cà-phê Giao ở góc phố ngồi nhâm-nhi ly cà-phê nghe nhạc cũng có lý.  Quán này có mấy chị em rất xinh đẹp trông coi, ai đã lên trên Kontum đều biết tiếng.  Khi tụi tôi đến nơi, quán đã đầy người, đủ mặt anh hùng hào kiệt, đủ sắc lính, bộ-binh, điạ-phương-quân, thiết-giáp, biệt-động-quân, thêm mấy ông lôi-hổ nữa... Nhiều ông đem theo 'cây si' trồng bít cả lối đi, không có chỗ cho tôi trồng cây.  Có điều may mắn cho tôi là cô em gái út của mấy chị em quán Giao là học trò của một ông bạn thầy giáo, do đó thỉnh thoảng tôi vẫn có người hỏi thăm và được quyền... ký sổ, ngoại trừ giấy hôn thú.

      Đã lâu tôi mới được xem ciné, lại đúng vào dịp tết nữa.  Ngày xuân như vậy là quá đầy đủ cho những người lính xa nhà.  Đến khi ra khỏi rạp chiếu bóng, đã đến giờ giới nghêm, loa phóng thanh yêu cầu đồng bào trở về nhà ngay, không được tụ họp ngoài đường.  Tụi tôi bàn với nhau đi kiếm phòng ngủ (khách sạn) ngủ tạm qua đêm rồi sáng mai quay trở vào vùng hành quân.  Trên Kontum chỉ có một hoặc hai khách sạn, chỗ nào cũng đóng cửa im-ỉm, đập cửa cũng chẳng có ma nào thò đầu ra.  Tôi bèn dắt mấy ông nhà binh đến nhà hai ông giáo ở tạm qua đêm, chứ bây giờ đi đâu?  Phố xá đã đi ngủ, trên đường chỉ còn những người lính canh gác, thỉnh thoảng có chiếc xe jeep quân-cảnh đi tuần chạy ngang qua.  Đến nơi, cả khu phố đã tắt đèn, bọn tôi bốn ông sĩ-quan trẻ đi vào như những bóng ma.  Nhà hai ông thầy giáo tối thui, cửa khóa, tôi mới xực nhớ ra rằng hai ông bạn nhà giáo đã về ăn tết với gia đình... Bậy thiệt!  Ham vui quên hết mọi chuyện.

      Tôi ngồi bệt xuống sàn xi măng, mấy ông bạn cũng ngồi xuống theo, hầu như tất cả đều thấm mệt, không ai nói một lời... Mấy nhà hàng xóm ở đây đều biết tôi do mấy ông nhà giáo giới thiệu, nhưng bây giờ ai dám chứa bốn ông Biệt-Động-Quân!  Thôi cứ nằm đại trước cửa nhà người ta ngủ, rồi mai tính sau.  Cũng có lý!  Ngủ trên sàn xi-măng này còn dễ hơn ở trong vùng hành quân!  (Trong vùng hành quân, điạ thế đồi núi không bằng phẳng).

      Nói rồi, mỗi người kiếm một chỗ ngả lưng.  Dãy này có chừng năm căn nhà, chỗ tụi tôi nằm là hành lang trước cửa, có mái hiên nên không sơ bị mưa hay sương xuống làm ẩm quần áo.  Tôi nằm yên cố giỗ mình vào giấc ngủ. Hai ông thầy giáo chắc đang vui xuân êm-ấm bên gia đình...  Còn bên gia đình tôi năm nay ăn tết ra sao?  Mẹ tôi thế nào cũng nhắc nhở đến tôi, tết đến con cái trong nhà không đầy đủ, chắc mẹ tôi chẳng được vui...

     Có tiếng nói của nhà tôi văng vẳng bên tai.

       - Anh làm gì mà thừ người ra thế kia?
       - Nhanh lên rồi xuống giúp em một tay!
       - Bỗng dưng anh nhớ nhà, nhớ quê hương!
       - Ơ hay! Chỉ dấm-dớ... em lại đấm cho mấy đấm bây giờ!

       Nhà tôi lúc nào cũng bận rộn, tôi phải xuống giúp nàng một tay... Ôm điện thoại tâm sự với mấy bà bạn của nàng!

Carrollton, 21-12-1999