Vào khoảng cuối năm 1974, tôi trở ra đơn
vị sau gần một tháng nằm quân-y viện Quy-Nhơn chữa bệnh sốt
rét. Lúc ngồi tâm sự với thiếu-úy Trần-Thiện-Danh, một
người bạn rất thân từ những ngày cùng phục vụ trong
đại-đội 1, tiểu đoàn 95 Biệt-Động-Quân. Danh mới
về làm ban 3 lúc tôi nằm quân-y-viện, cho biết hiện giờ các liên đoàn
BĐQ đã kéo lên trên Kontum thay đổi vùng trách nhiệm cho các đơn vị
thuộc sư-đoàn 23 Bộ-Binh. Tình hình chiến trường rất căng
thẳng, biết đâu "tụi nó" (Cộng Sản Bắc Việt. Đi hành
quân trên vùng cao-nguyên thường dùng danh từ CSBV thay cho Việt Cộng) đang
tính chuyện "Mần" thành phố Kontum cũng như trận Mùa-Hè Đỏ Lửa
năm 1972.
Hai người bạn ngồi nói chuyện trong trung-tâm
hành-quân chưa đã. Tụi tôi rủ nhau qua câu-lạc-bộ ngồi uống bia
nói chuyện tiếp. Tại đây, gặp mấy ông sĩ quan ban 2, truyền-tin,
tôi được biết thêm lúc này đơn vị đang gặp khó khăn trong
vấn đề tiếp-vận và hỏa lực yểm trợ. Pháo binh
phải hạn chế đạn dược tối đa, chỉ bắn yểm
trợ trong trường hợp có đụng độ với địch quân.
Riêng ban 3 tụi tôi không phải chấm các hỏa tập tiên liệu cho pháo
binh bắn quấy rối hằng đêm nữa (Đề phòng đặc công bò vào
ban đêm).
Càng gần đến ngày Tết, sự căng thẳng,
lo-âu càng gia tăng. Một số cửa tiệm buôn bán ngoài phố đã
đóng cửa, kể cả quán cơm bình dân mà mấy ông bạn civil của tôi
thường đưa đám Biệt-Động-Quân đi ăn (mỗi
khi ra phố tôi hay kéo theo một, hai người bạn). Sau Tết, tôi
phải "chạy gạo" trong đơn-vị rồi nhờ một quân nhân
cho vào ba-lô đem ra phố tiếp tế cho hai ông nhà giáo. Mấy cô giáo đã
ra đi từ trước Tết, sau khi nhắn lời từ giã ... Cũng hơi
buồn nhưng thực ra thân tôi lúc đó đã nhẹ đi mười phần ...
Trong cuộc đời, không có gì làm cho tôi sợ hơn
là phải lo cho đàn bà và trẻ con.
Thành phố không còn những sinh hoạt bình
thường nữa, vẻ nhộn nhịp bớt hẳn đi. Dân Kontum
một số đã di tản đến những thành phố khác, nơi họ có bà
con ruột thịt ... họ không muốn bị vạ lây. Những người
ở lại thường vì chuyện làm ăn hoặc nhiều lý do khác, họ vẫn
còn tin tưởng nơi binh chủng Biệt-Động-Quân, những chiến
sĩ Mũ Nâu sẽ giữ vững thành phố Kontum. Trong số kẹt lại
có hai người bạn học cũ trước khi tôi vào quân ngũ. Hai ông
bạn nhà giáo lúc đó đang ở nhà, học trò phần lớn đã theo gia đình
di tản, trường học vắng như chùa Bà Đanh ... vừa
chán nản vừa lo, hai ông giáo ở nhà luôn cho được việc.
Hồi còn đi học, tôi thuộc type "ba-gai", đi
lính chọn binh chủng Biệt-Động-Quân nên tôi được đi nhiều
nơi, biết nhiều thành phố, điạ danh của quê hương. Hai
người bạn thuộc type "Thầy yêu bạn mến", theo học ngành
sư-phạm rồi được bổ nhiêm lên tỉnh lẻ Kontum dậy
học ... Tưởng sao! Vẫn gặp lại tôi, lúc đó không còn
dáng dấp thư sinh nữa, đen-đủi trông phong sương hơn
nhiều. Hai ông nhà giáo coi bộ cũng "mát mặt" vì tôi, hết sợ băng
cao-bồi du-đãng ... Biệt-Động-Quân chỉ cần "để nhẹ"
là đo đường đo đất, công-tử mất dậy con mấy ông
hội-đồng tỉnh, tụi tôi "làm luôn". Hai ông giáo có vẻ hơi ớn
bọn này, hỏi tôi.
Ê! Coi chừng tụi nó về học lại với
ông già!
Lo gì! Tụi tao đâu có "ăn đời ở
kiếp" như mấy ông Điạ (Điạ-Phương-Quân), việc gì phải
lấy điểm. Con nhà mất dậy... phải thế mới
được.
Thành phố nhỏ đi đâu cũng đụng
nhau, mấy tay anh hùng xa-lộ "lạng" Honda tán gái nham-nhở gặp BĐQ là kể
như "rồi". Hai người còn giới thiệu mấy cô bạn đồng
nghiệp, có hôm đưa tôi đến một tiệm bán sách vở do một cô giáo
trông nom. Người đẹp nói chuyện "sách vở" không lại ... Đó
là bản lĩnh năm xưa lúc tôi "chưa vợ", bây giờ thì nhà tôi chê là ...
đã hết hơi mà "hót" cũng hết hay!
Mỗi lần có dịp ra phố, tôi thường ghé
thăm hai ông giáo độc thân để chuyện trò, nghỉ ngơi. Bạn
bè có vẻ lo lắng cho tôi và tình thế nói chung. Nghe tin tức về trận
đánh trên Ban Mê Thuột, mặt ông nào cũng
dài ra trông thảm hại, chỉ có tôi vẫn vô tư, đùa giỡn như
thường lệ "Nhầm nhò gì ba chuyện lẻ-tẻ! Biệt-Động-Quân
còn đây, tụi tao bị đổ máu mũi thì thằng Cộng Sản ít ra cũng
bể mặt". Ít lâu, sau khi đã mềm người trên đoạn đường
dài liên tỉnh lộ 7B, về đến Tuy Hòa tìm người bạn khác đang làm
cho ngân-hàng Việt-Nam Thương-Tín tôi vẫn lập lại
câu nói trên cho ông bạn này nghe. Lúc gặp nhau ở Saigon, cả bọn đều
lắc đầu hết ý kiến.
Trở lại chuyện Kontum, tôi lưu luyến thành
phố này nhất, hơn các thành phố khác mà mình đã có dịp đi qua.
Có lẽ tại đơn vị đơn vị tôi đi hành quân trên Kontum lâu nhất,
biết bao nhiêu chiến hữu bạn bè trong đơn vị đã hy sinh xương
máu, có người đã vĩnh viễn nằm lại trên những ngọn đồi
vô danh trong vùng rừng núi xung quanh thành phố Kontum. Trong đám bạn bè nhà binh,
tôi là người may mắn nhất, đơn vị đi hành quân nơi đâu cũng
gặp bạn bè cũ, những người có đời sống rất êm đềm,
không phải khoác áo trận, trèo đèo lội suối. Trong đám bạn học cùng
lớp làm việc trên Kontum, có mình tôi nghề nghiệp khác thường không giống
ai ... Trường hợp bị giải ngũ, tôi cũng
chẳng biết làm gì để nuôi thân, chắc phải kiếm vợ gấp
để có người lo cho mình!
Mỗi lần ra phố, tôi được hai ông giáo
đưa đi ăn rồi đến thăm mấy cô giáo độc thân
thuê nhà ở trọ chung với nhau ... Thật cũng lạ, mấy cô giáo dường
như tươi hơn khi có mấy ông bạn đồng nghiệp đến
chơi, các cô được dịp trổ tài nội trợ, làm bánh, nấu chè
để ngồi tán dóc ... quên đi ngài hiệu trưởng "hắc ám", quên
cả học trò! Thường tụi tôi ở chơi đến gần giờ
giới nghiêm mới ra về, đến nhà còn tiếp tục nói chuyện cho đến
khuya mới đi ngủ. Sáng hôm sau, trước khi chia tay trở lại vùng hành quân,
tôi còn được "ủy lạo" một gói nhỏ có cà phê,
thuốc lá, những thứ mà gần như ai đi lính cũng đều "ghiền".
Lúc đó tôi quá vô tư, cầm tỉnh bơ không biết xấu hổ mặc
dầu lương nhà binh cộng thêm tiền hành quân và vài phụ cấp vớ vẩn
khác, tôi có nhiều tiền hơn các vị giáo chức. Cuộc
đời chinh chiến của tôi như vậy kể cũng huy hoàng, cứ vài ba
tuần tôi mò ra phố một lần, sau trở thành thói quen. Trường hợp
bị kẹt không ra được, mấy ông bạn cũng nhờ những quân nhân
trong đơn vị đem vào cho tôi.
Đầu tháng Ba năm 1975, liên đoàn 22
Biệt-Động-Quân được một chiếc máy bay quan-sát L-19
bao vùng cho cuộc hành quân. Đến trưa, bỗng dưng phi công L-19 báo cho trung-tâm
hành-quân biết rằng họ được lệnh
rời vùng trách nhiệm của đơn vị tôi để bay về hướng
Ban Mê Thuột. Ngay sau đó trung tâm hành quân của bộ chỉ-huy BĐQ
Quân-Khu II báo cho biết là phe ta phát hiện một đoàn quân xa của địch
đang chuyển quân về hướng Ban Mê Thuột, do đó
chiếc L-19 được giao cho nhiệm vụ khác. Mấy hôm sau, đi ăn ngoài
phố với mấy ông thầy giáo, gặp mấy ông pilot trực
thăng quen ngồi bàn bên cạnh, tôi biết thêm đoàn xe của địch bị
bắn cháy tới 80 chiếc.
Tình hình càng ngày càng bết, các đơn vị
Biệt-Động-Quân được lệnh "cấm quân" để sẵn sàng
chiến đấu. Thành phố buồn thiu, mấy quán cà-phê tôi thường ghé
cũng đóng cửa vì giờ giới nghiêm tăng lên, lính tráng
bị cấm quân. Tin Ban Mê Thuột thất thủ làm cho dân tình thêm hoang mang,
mấy ông nhà giáo mếu không nổi, sự lo
lắng hiện rõ nơi quầng mắt, trên nét mặt mọi người.
Tôi không dám nói đùa nữa, trấn an rằng chuyện đâu còn có đó
rồi lảng sang chuyện khác. Thực ra trong vùng hành quân tụi tôi cũng
đang lo, các đơn vị BĐQ bạn đã được lệnh lần
lượt rời Kontum di chuyển về gần Pleiku. Còn lại một mình
liên đoàn 22/BĐQ, một mình tụi tôi "gồng" sao nổi. Danh
than thở, rất có thể mình bị bỏ rơi làm con chốt thí cho các đơn
vị bạn rút đi êm thấm. Tôi đáp lại một cách bâng quơ
"Không lẽ đời mình tàn nơi đây!".
Trong lúc đang hoang mang vì những lời đồn
đãi, ngày 15 tháng Ba, đơn vị tôi (tất cả
các tiểu đoàn trực thuộc) được lệnh tái tiếp tế khẩn
cấp để chuẩn bị di chuyển. Các toán tiếp liệu phải làm
việc suốt đêm, đem vào vùng hành quân cho mỗi quân nhân thêm đạn dược
và ba ngày đồ-ăn khô (đồ hộp). Sáng hôm sau (16/03/75)
tôi ra phố rủ mấy ông giáo vào quán cà-phê Thanh-Tâm. Cả thành phố hôm đó
chỉ còn mỗi quán này mở cửa, ngoài đường phố
vắng vẻ, tôi báo tin cho hai người bạn biết đơn vị tôi sắp
rời Kontum, đi đâu chưa ai được biết. Ngay bây giờ cả hai
phải về nhà lấy quần áo, đồ cá nhân rồi đi theo tôi vào trại
Đinh-Bộ-Lĩnh (Trước là trại Lực Lượng Đặc Biệt B-15),
vào đó đã rồi tôi sẽ tìm cách "gửi" đi, trước khi
Biệt-Động-Quân bắt đầu rút.
Hai ông giáo nghe nói vậy lật-đật đi ngay, còn
tôi ngồi chờ, phân-vân chưa biết tính
sao ... Chỉ hy vọng nhờ đưa dùm hai ông bạn đi trước về
Pleiku, rồi từ đó họ phải tìm mấy người đồng nghiệp
khác lo cho nhau, còn tôi phải theo chân đơn vị chưa biết "ngày mai sẽ ra
sao?". Lúc đó "băng" Biệt-Động-Quân chỉ biết sắp sửa
nhẩy vào Ban-Mê-Thuột làm chuyện lớn (Cho tụi nó chết hết, rồi
mình cũng chết luôn ... chúng ta cùng chết). Lúc đó
tôi mới biết lo, ngồi đợi hai ông bạn về nhà lấy đồ như
ngồi trên lửa. Có tin đồn mình (VNCH) sẽ cắt đất Kontum cho
thằng Cộng Sản làm tôi càng thêm lo. Tuy sợ bị báo cáo đào ngũ, tôi
vẫn tự nhủ ... Hôm nay với mọi giá, tôi phải đem
hai người bạn đi cho bằng được ... nếu không, sẽ không còn
cơ hội nào khác để nhìn mặt bạn bè. Hai ông giáo đã lo cho
tôi nhiều, cho tôi quên đi những gian truân trên bước đường hành quân
nơi vùng Kontum.
Đang ngồi chờ bỗng có một người
lính chạy ra báo tin hậu cứ đang chuẩn bị di chuyển. Tin này làm tôi
chới với, trước đây chỉ có thành phần tác chiến mới phải
đi khắp nơi, ăn thua gì đến những
quân nhân làm việc nơi hậu cứ. Không chần chừ thêm nữa, tôi trả
tiền cà-phê rồi phóng thẳng vào trại Đinh-Bộ-Lĩnh
xem tình hình ra sao? Vào đến nơi, khung cảnh thật tiêu điều, các quân
nhân trong hậu cứ đang tập họp để nhận lệnh lên
đường, các kho quân trang, quân dụng đều mở cửa. Quân xa chở
đầy quần áo trận, áo giáp, mặt nạ phòng hơi độc sẵn sàng
di chuyển. Tôi bước lại chỗ đang tập họp để nghe ngóng
tình hình, viên sĩ quan chỉ huy hậu cứ nói thẳng cho mọi người
biết là mình sẽ bỏ Kontum, nhường đất cho Cộng Sản. Ông ta
dặn dò thêm chỉ đem theo vũ khí đạn dược, tất cả vật
dụng cồng kềnh phải phá hủy và không được cho thường dân
đi theo, nếu không sẽ bị đơn vị bỏ rơi.
Đúng lúc đó có hai chiếc GMC chở quân thuộc
đại-đội trinh-sát vừa ra đến nơi. Tôi quen nhiều sĩ quan
trước ở cùng tiểu đoàn 95/BĐQ, vả lại đại đội
thường đóng quân bảo vệ bộ chỉ huy liên đoàn. Vị
đại đội trưởng ra lệnh cho binh sĩ không được ra
khỏi trại, nghỉ tại chỗ để sẵn sàng di chuyển. Tôi
gặp lại Biên, đại đội phó, bạn học cùng khoá Rừng Núi
Sình-Lầy. Biên kể cho tôi nghe những ngày đại đội về Saigon
ứng chiến trong dịp Tết vừa qua, còn tôi kể chuyện "kẹt" hai
người bạn, Biên sốt sắng nhận lời ngay "Cứ đưa mấy
ông giáo vô đây" rồi rủ tôi cùng mấy sĩ quan khác kéo nhau ra phố xem tình hình
ra sao. Tôi nhận lời, nhân tiện đón mấy ông bạn nhà giáo luôn.
Cả đám leo lên một chiếc xe Dodge chạy trở ra phố, đường xá
bấy giờ chật chội, cả một đoàn người tay xách tay mang,
chen chúc nhau đi bộ đang tìm cách thoát ra khỏi thành phố.
Khi chiếc xe đang chạy chầm chậm trên cầu
Dakbla vì rừng người làm kẹt đường,
bất chợt tôi trông thấy hai ông giáo cũng hai tay, hai túi xách đang chen lấn trong
đám người đi bộ. Tôi bảo tài xế
dừng xe lại, chạy xuống lôi hai ông bạn ra đẩy lên xe. Hạnh nói
với tôi "Tụi tao đợi mày lâu quá mà cũng chẳng biết
tìm nơi đâu. Hàng xóm đã đi hết ... lo mày bị kẹt trong đơn
vị, tụi tao đánh liều cứ đi, tới đâu thì tới". Tôi đáp
lời "Tụi mình ra nhìn lại thành phố Kontum lần chót ... Kỳ này bỏ luôn
chứ không có vụ tái chiếm như năm 72!".
Ngoài phố, con đường chính Lê-Thánh-Tôn vắng tanh,
không một cửa tiệm mở cửa, chỉ có xe quân đội di chuyển
lặng-lẽ trên đường. Bọn tôi xuống xe đi bộ, định
tìm một quán giải khát nào đó còn mở cửa vào uống bia ... nhưng hoài công,
người dân cũng biến đâu mất. Phần lớn đã ra đi từ
sáng sớm, họ đánh hơi thật nhanh,
biết đơn vị tôi rút đi, Kontum bị bỏ rơi nên đã đến
giờ phải từ biệt nếu không muốn sống dưới chế độ
Cộng Sản. Chẳng biết đi đâu, bọn tôi đi ngược trở
lại chỗ đậu xe. Tôi nói tài xế cho xe chạy một vòng để nhìn
lần chót rồi hướng về phiá cầu Dakbla ... Thế là hết, giã từ
Kontum, thành phố đã cho tôi nhiều kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ
ngắn ngủi.