Menu

TÌNH ĐỒNG HƯƠNG

Vũ đình Hiếu




       Trong những năm đầu trên bước đường tha hương, thỉnh thoảng tôi nhận được những cú điện thoại bất ngờ liên quan đến người Việt Nam tỵ nạn, những đồng bào ruột thịt, người Việt thân thương, định cư ở Fargo và Moorehead.  Một buổi sáng cuối thu năm 1979, đang ngồi học bài, bà giám đốc văn phòng xã hội Lutheran gọi điện thoại hỏi tôi có biết gia đình ông Cung không?  Tôi trả lời không biết!  Bà ta cho biết gia đình này được nhà thờ First Lutheran bảo lãnh, đã đến Fargo định cư gần sáu tháng nay, và nhờ tôi liên lạc để xem họ cần giúp đỡ gì không?

       Cầm tờ giấy ghi số điện thoại, điạ chỉ gia đình ông Cung, tôi ngỡ ngàng, sao chuyện này mình không biết!  Mọi người Việt sinh sống ở Fargo tôi đều quen.  Nơi thành phố nhỏ, mọi chuyện liên quan đến người tỵ nạn, cơ quan xã hội, các nhà thờ đều nhờ tôi.  Cuối mùa hè vừa qua, tôi ra phi trường đón gia đình ông Bảo, là gia đình 'mới nhất' đến định cư,.  Còn gia đình ông Cung chưa hề biết, mà những người Việt khác ở Fargo cũng không biết.  Tôi gọi điện thoại hỏi thăm, ông Cung rất vui mừng cho biết gia đình ông được nhà thờ First Lutheran bảo lãnh cùng với gia đình ông bà Báu.  Cả hai gia đình đã sống ở Fargo gần sáu tháng, rất buồn vì không quen biết ai, chỉ có hai gia đình cùng nhà thờ bảo lãnh thăm viếng, an ủi nhau.

       Tôi gửi lời chào mừng, an ủi và hứa sẽ thông báo cho tất cả mọi người Việt ở Fargo, đến thăm viếng, liên lạc thường xuyên với gia đình ông.  Sau khi cúp điện thoại, khoảng mười phút sau, ông Cung gọi điện thoại lại mời tôi đến nhà ăn cơm trưa.  Đến ba giờ chiều, mới phải đi làm, thành phố Fargo nhỏ, lái xe đến nhà ông Cung mất khoảng mười phút, tôi nhận lời rồi ra xe.

       Theo điạ chỉ ghi trên tờ giấy nhỏ, gia đình ông Cung sống trong một chung cư ở phiá nam thành phố.  Khu này tôi quá rành, hầu như tuần nào cũng đến chơi một hai lần.  Trong chung cư có Riệm, Dzung là hai tay độc thân, căn apartment của hai chàng là nơi họp mặt thường xuyên của những người 'ế vợ' và người Việt cư ngụ ở Fargo, Moorhead.  Hai vợ chồng ông Cung đón tiếp tôi rất niềm nở, chân tình có lẽ mừng vì bắt liên lạc được với người đồng hương.  Tôi ngạc nhiên, cả hai vợ chồng đều còn trẻ, anh Cung chỉ hơn tôi một, hai tuổi.  Hai vợ chồng có ba, bốn người con, cháu lớn nhất khoảng sáu, bẩy tuổi tên Bích nằm dài trên ghế sa-lông, thiếu vẻ năng động như người đau ốm.

       Ngồi nói chuyện với hai vợ chồng, tôi được biết nhà thờ First Lutheran bảo lãnh gia đình anh cùng gia đình ông bà Báu.  Nhà thờ này lớn nhất ở Fargo, năm 1975, họ bảo lãnh hai gia đình là gia đình ông Mạc, và gia đình anh Nho.  Cả hai gia đình đều thành công, tự lập ngay từ những ngày đầu mới đến Fargo.  Gia đình ông Mạc lúc đó mở một nhà hàng Tầu cỡ lớn, rất đông khách ở Fargo tên là Cửu Long (Nine Dragons).Còn gia đình anh Nho đã dọn về tiểu bang Texas, nơi ấm áp và có nhiều cơ hội làm ăn.  Lần này nhà thờ First Lutheran cũng bảo trợ hai gia đình.  Họ không biết rằng những gia đình đến sau cần được giúp đỡ nhiều hơn.  Trên bước đường tỵ nạn, họ đã trải qua biết bao khó khăn, những năm tháng dài chờ đợi trong các trại tỵ nạn.

       Ăn cơm xong, anh Cung vót một chiếc đũa làm tăm xỉa răng. Tôi nói với anh.

       - Đằng sau chung cư có tiệm 'Stop and Go' trong đó có bán tăm, qua bên đó mua.

       - Tôi có đi qua mua vài thứ cần dùng, nhưng không biết họ có tăm xỉa răng.

       - Trong khu này có hai ông độc thân, Riệm, Dzung, có chuyện gì qua nhờ họ.

       - Có lẽ tôi đã gặp, nhưng không dám hỏi, sợ họ không phải là người Việt.

       - Anh chị đừng ngại. Ở đây không có bao nhiêu người. Người Việt mình rất thương nhau, đoàn kết.  Biết có thêm gia đình anh chị, mọi người đều mừng.  Chiều nay, tôi nói hai ông độc thân qua thăm anh chị.

      Lần này, gia đình anh Cung không phải đợi lâu, ngay chiều hôm đó có khách tới thăm,  Hai ông độc thân Riệm, Dzung đem đồ tiếp tế, qua ủy lạo, rồi từ nhà anh Cung họ gọi điện thoại báo tin cho các gia đình người Việt khác, ai cũng hỏi thăm tới tấp.  Tôi ngồi làm việc trong Trung Tâm Điện Toán trường North Dakota State University, cũng vui lây, chỉ muốn về sớm góp mặt với mọi người.  Người Việt ở Fargo là thân nhân, là anh em, là bà con ruột thịt.  Trong phòng làm việc lúc nào cũng hơi lạnh, để làm nguội máy điện toán.  Tôi khoác lên người chiếc áo len, ngồi thẫn thờ ... Thân phận tỵ nạn, biết ngày nào mới được trở về quê hương.

       Cuối tuần đó, nhà anh Cung như có đại hội, đủ mặt anh tài.  Mấy hôm nay, hai ông bà vui ra mặt, chị Cung đã có thêm 'phe ta', chị Bảo và chị Yến, em gái anh Bảo tâm sự.  Tôi được giới thiệu bà Báu và A-Khìn, hai mẹ con trong gia đình cùng nhà thờ bảo trợ.  Anh Cung cho biết có mấy người bên Moorhead đến thăm, tặng bao gạo, thùng mì, chai nước mắm, những món quý giá ở North Dakota.  Trong thành phố Fargo, có một tiệm bán thực phẩm Á Đông 'Tô Chi', chủ người Hoa Kỳ, vợ Tầu, bán giá đắt đỏ.  Người Việt kẹt lắm mới đến mua, thường thì có ông độc thân nào hay đi Minneapolis, Winipeg, Canada chơi mua về một lố, chia lại cho những gia đình cần dùng.  Mấy chuyện 'chợ búa', thực ra tôi cũng không rành, chỉ nghe nói lại.

       Trước khi bắt liên lạc được với người Việt, chỉ có hai gia đình anh chị Cung và ông bà Báu người Việt gốc Hoa quen biết nhau.  Ông bà có ba người con trai, đứa nhỏ là A Khìn nên thường đi với mẹ, và một đứa con gái út bị chết lúc ở trại tỵ nạn.  Chưa gia đình nào có xe, muốn đi thăm nhau, họ phải đi bộ. Những lúc nhớ con gái, bà Báu cùng A Khìn đi thăm gia đình anh Cung để chơi với đàn con của anh chị,  A Khìn cũng có bạn để vui đùa.

       Mấy tay đàn ông đang ngồi nói chuyện nơi phòng khách, chợt chị Cung lấy mấy cái áo lạnh cho bà Báu, A Khìn mặc vào để ra về.  Mùa đông, mặt trời đi ngủ sớm, tôi ngạc nhiên, chưa đến năm giờ chiều, hai mẹ con đã vội ra về.

       - Ủa! Còn sớm mà.  Sao bà không ở lại chơi thêm chút nữa?

       - Trời tối rồi!  Mẹ con tôi phải đi về.

       - Chưa đâu!  Bà cứ ở đây chơi.  Khi nào muốn về tôi đưa về, không phải đi bộ.

       Đúng sáu giờ chiều, tôi đưa hai mẹ con bà Báu về.  A Khìn ngồi đằng sau chỉ đường, bà Báu ngồi bên cạnh kể chuyện, những nỗi cơ cực trong trại tỵ nạn, nỗi cô đơn buồn chán nơi đất lạ quê người, về những người con, nhớ thương đứa con gái út vắn số.  'Mỗi lần nhớ con gái, tôi rủ A Khìn đi thăm gia đình anh Cung, mùa đông hay mùa hè tôi vẫn đi'.  Kể xong, bà âm thầm gạt nước mắt, tôi lặng người đi.  Con đường như dài thêm, hai bên đường tuyết phủ trắng xóa.

       Quay trở lại nhà anh Cung, mọi người đang chờ. Tôi báo cáo.

       - Nhà ông bà Báu đâu có gần! cách xa bẩy con đường (blocks).  Mùa hè còn đi bộ được, mùa đông không nên.  Anh Cung nhắn bà ta, có chuyện gì cần nên cho anh em mình biết.  Giúp được gì, mình sẵn lòng.

       - Tội nghiệp hai ông bà, mất đứa con gái út, hay lên đây chơi với mấy đứa con tôi.  Tụi nhỏ gọi bà Báu là bà ngoại.  Chị Cung tiếp lời.

       - Hôm nào ngại đi, bà ta làm cơm mời cả nhà lên ăn, không đi bà giận.  Trời mùa đông như thế này, vợ chồng con cái dắt nhau đi.  Anh Cung cõng một đứa, còn đứa út, tôi phải quấn trong cái chăn, bế đem theo.

       Tôi hỏi qua chuyện sức khỏe đứa con gái lớn của anh chị Cung, vì lần nào đến thăm, trông thấy cháu thường nằm trên ghế sa lông chứ không chạy nhẩy, vui đùa như những cháu khác.

       - Cháu Bích của ông bà có đau ốm gì không?  Lúc nào cũng nằm như người bị sốt rét?

       - Đúng rồi!  Cả nhà đều bị chứ không phải mình nó.  Vợ chồng tôi cùng với mấy đứa em của nó vừa mới khỏi xong.  Tụi này là những người tỵ nạn đầu tiên đến đảo Garland, bên In-Đô (Indonesia) phải phá rừng làm nhà, ai đến cũng đều bị bệnh sốt rét.  Mà sao anh biết?  Ông này cái gì cũng biết!

       - Hồi xưa đi hành quân trên vùng cao nguyên Kontum, Pleiku tôi cũng bị sốt rét, nằm liệt giường trong những bệnh xá, quân y viện rồi đấy chứ.  Cuối năm 1974, nằm quân y viện Qui Nhơn, tưởng không qua khỏi, lần đó mẹ tôi phải từ Saigon ra thăm nuôi.  Còn trường hợp cháu Bích, người bảo trợ biết chưa?

       - Bà bảo trợ, vợ ông bác sĩ nói rằng cháu bị cúm như trẻ con thường bị trong mùa đông.  Tôi không biết phải nói sao cho bà ta hiểu bệnh sốt rét.

       Cuối tháng Giêng, mùa đông năm đó lạnh dữ, tuyết được xe ủi tạt qua hai bên đường làm thành một bức tường dài dọc theo các con đường.  Những con đường nhỏ trong khu apartment tôi ở, ít xe chạy, tuyết đóng trên đường thành một lớp dầy, độn trên mặt đường rất trơn trượt.  Đang ngồi học bài, chuông điện thoại reo.  Người đầu dây bên kia là anh Minh, làm việc cho cơ quan xã hội Lutheran ở Moorehead.  Anh được anh em Thanh, Việt giới thiệu, muốn đến gặp tôi, để nhờ đưa đi thăm người Việt ở Fargo và bàn chuyện tổ chức Tết Nguyên Đán sắp đến.

       Lần đầu tiên gặp anh Minh trong căn phòng nhỏ của tôi.  Trong nhà chẳng có đồ đạc, một cái giường độc thân, một cái bàn học, một cái ghế, thế thôi.  Tôi pha cà phê 'Café Du Monde' mời anh, đó là món đặc biệt, tôi phải đặt mua (order) tận Louisiana.  Tôi và anh Minh ngồi dưới đất, dựa lưng vào tường nói chuyện.  Đã từng sống trên vùng cao nguyên đất đỏ, thiếu cà phê thuốc lá tôi nhịn không nổi, hôm đó đụng 'thứ thiệt'.  Trong phòng mịt mù khói lửa, anh Minh nhâm nhi ly cà phê, phì phà điếu Lucky, gật gù nói với tôi 'Cậu vẫn còn classic lắm!  Tôi đồng ý với cậu, uống cà phê phải hút thuốc lá Lucky này mới đúng chỉ số'.  Tôi hút thuốc lá nặng đô bao nhiêu năm, sau này vợ nói quá, nói tới nói lui, nói đi nói lại, nói dài nói dai, càng nói càng dở, than phiền không ngớt.  Khiếp quá! tôi phải chịu thua chuyển qua thuốc lá có đầu lọc.

       Tôi đưa anh Minh đến thăm gia đình anh Cung trước, hy vọng với khả năng chuyên môn làm việc xã hội, anh giúp đỡ anh chị Cung được nhiều hơn.  Họ trở nên thân thiết nhanh chóng, một phần vì đến Hoa Kỳ khoảng cùng thời gian, phần khác vì cùng phe 'có gia đình', không như băng độc thân bọn tôi.  Anh Minh không có vợ con, tuy nhiên đến định cư ở Moorehead cùng với mấy người em, một người đã có vợ con.

       Tôi bàn với Riệm, Dzung mời tất cả mọi người đến nhà chơi, và mời anh Minh cùng mấy người em đến bàn về chuyện tổ chức Tết Nguyên Đán.  Tôi trình bầy trước về tình trạng người Việt ở Fargo, bữa tiệc Tết đầu tiên.  Qua mỗi mùa đông hãi hùng, một số gia đình lại ra đi về những tiểu bang khác.  Ông Mạc lúc đó quá bận chuyện làm ăn, không còn ai để ý đến cộng đồng người Việt.  Chỉ còn những chàng độc thân, cựu quân nhân gom lại mỗi cuối tuần, uống rượu cho quên đi ngày tháng.  Anh Minh cho biết, văn phòng xã hội Lutheran ở Moorehead sẽ giúp đỡ, mượn một nhà thờ để người Việt tổ chức Tết.  Cũng như lần tổ chức trước đây, anh yêu cầu mọi người đóng góp, đặc biệt các bà lo giùm phần ẩm thực.

       Bữa tiệc xuân được tổ chức vào trưa thứ Bẩy, tổ chức cho có lệ, để khỏi quên phong tục tập quán của dân tộc.  Hôm đó tuyết xuống nhiều, gần như một trận bão tuyết nhỏ.  Người Việt ở Fargo, Moorehead tổng động viên cũng chỉ hơn ba mươi mống.  Phiá người Hoa Kỳ có mấy bà trong văn phòng xã hội (Lutheran Social Services) và người đại diện cho hai nhà thờ bảo trợ gia đình anh Cung và ông Bảo.  Tôi đón gia đình anh Cung đi ăn tiệc, ông bà cũng đóng góp một món ăn, tôi chỉ có tài đưa đón, ăn ké.  Nhìn tuyết rơi trên đường đi, chị Cung phát ra một câu 'Đi ăn Tết cũng khổ!  Tuyết thế này chắc chẳng ai đi!'.  Cháu Bích vẫn bị cơn sốt rét hành, ói mửa trên xe.  Đến nhà thờ, anh chị Cung phải tìm một góc cho cháu nằm đắp chăn.

       Gặp bà vợ ông bác sĩ, hội viên trong nhà thờ bảo trợ gia đình anh Cung, tôi trình bầy về sức khoẻ cháu Bích, bệnh sốt rét.  Bà ta vẫn sao y bản cũ.  Chồng bà cho là bệnh cúm, trẻ con vẫn thường bị trong mùa đông.  Biết nói thêm cũng vô ích, tôi đi lo chuyện khác, tiếp tay với anh Minh xắp đặt công việc, chương trình cho bữa tiệc.  Lúc đó có một bà 'nhà thờ' đi vào dắt thêm hai thanh niên Việt Nam còn trẻ khoảng 18, 19 tuổi.  Bà ta cho biết đến từ một làng nhỏ cách Fargo khoảng ba tiếng đồng hồ, và một nhà thờ trong làng bảo lãnh hai chàng độc thân.  Được biết có bữa tiệc Tết Nguyên Đán nên đưa hai chàng đi ăn Tết, để họ có dịp gặp gỡ người đồng hương.  Bà ta không ở lại ăn Tết, nói phải đi công chuyện, thăm đứa con gái sống ở gần đây, và hứa khoảng hai tiếng đồng hồ sẽ trở lại đón hai chàng độc thân.

       Bên ngoài, tuyết vẫn tiếp tục rơi, phủ lên vạn vật một lớp dầy làm bà con Việt-Mỹ phát 'khớp', mong cho xong chuyện để ra về.  Xong tiệc, mọi người xúm nhau lại dọn dẹp thật nhanh chóng.  Anh Minh đã lấy tên tuổi, số điện thoại của hai chàng độc thân để liên lạc.  Bà bảo trợ cho hai thanh niên này vẫn chưa trở lại đón, đâu thể nào bỏ họ lại trong nhà thờ được.  Tôi nói anh Minh xắp xếp đưa gia đình anh Cung về trước, còn tôi ở lại với hai chàng độc thân, chờ bà bảo trợ.  Anh Minh dặn tôi, đến thẳng nhà anh, phe ta 'làm ăn lớn', nẫy giờ có mấy bà nhà thờ 'kỳ đà cản mũi' mình cũng phải dè dặt, nể nang một chút.

       Còn lại ba người, cả ba đứng nơi cửa kính, nhìn tuyết rơi bên ngoài, mong bà bảo trợ như trẻ con mong mẹ đi chợ về. T ôi hỏi chuyện hai người em nhỏ, khuyên nhủ nên cố gắng, họ cho biết là nhà thờ bảo trợ rất tốt, rất tử tế.  Ngoài đường vắng tanh, không thấy bóng dáng xe cộ qua lại, trời bắt đầu xâm xẩm tối.  Buồn quá, vừa đứng mỏi chân, bọn tôi quay trở vào trong ngồi nói chuyện.  Nghe tiếng người mở cửa, bọn tôi bước ra, bà bảo trợ đang dậm chân, rũ áo cho rơi lớp tuyết dính đôi giầy, vương trên áo, mũ.  Bà ta xin lỗi đến trễ (gần hai tiếng đồng hồ), cám ơn tôi rồi hối hai thanh niên Việt ra về ngay, nếu không phải ngủ lại đêm ở Fargo.  Tuyết xuống nhiều quá đi đường xa nguy hiểm.

       Trên đường lái xe đến nhà anh Minh, tôi biết được rằng, vẫn còn nhiều người Việt cô đơn, sống lẻ loi rải rác trong các làng nhỏ trên tiểu bang North Dakota.  Chuyến đi ăn Tết của hai chàng độc thân thật vất vả gian truân.  Thời tiết xấu như hôm nay, cũng phải bốn tiếng đồng hồ nữa họ mới về đến nhà...  Mình vẫn còn may mắn.

       Đến nhà anh Minh lúc trận chiến đã sắp tàn, mấy tay độc thân đã ngất ngư con tầu đi.  Anh Minh vui vẻ giới thiệu một bà bạn từ Seattle qua chơi, bọn tôi cũng mong anh có đôi, cộng đồng người Việt ở Fargo, Moorehead có thêm nhân lực, càng vui.  Anh Cung đã say, nhưng có một điểm rất đặc biệt, khoảng nửa tiếng đồng hồ sau tỉnh người lại, chứ không gục luôn như người khác.  Khoảng tám giờ tối, chị Cung được sự hổ trợ của mấy bà khác đòi về.  Mấy ông đàn ông thấy cũng hợp lý vì tuyết rơi cả ngày, về sớm là phải.  Gia đình anh Cung, dắt díu, bồng bế trẻ con theo tôi ra xe, hôm nay như vậy là quá đầy đủ.

       Sau Tết vài hôm, khoảng mười giờ đêm, tôi đang làm bài, chuông điện thoại reo, bên kia đầu giây là bà vợ ông bác sĩ, bảo trợ gia đình anh Cung.  Bà ta lúc đó mới tin tôi, cho biết cả nhà, hai vợ chồng, con cái đã phải vào nằm bệnh viện.  Ở Fargo, không có bác sĩ nào rành về bệnh sốt rét, bệnh viện đã chuyển hồ sơ bệnh lý của gia đình anh Cung đi Chicago, để các bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh tật trong vùng Đông Nam Á nghiên cứu.  Bà ta cám ơn tôi đã giúp đỡ gia đình anh Cung và nhờ chỉ dẫn cho họ uống thuốc đầy đủ.  Cúp điện thoại đã quá mười giờ đêm, tôi chẳng dám làm phiền ai, thông báo cho bà con về tình trạng gia đình anh Cung, tiếp tục làm bài.

       Mới hơn tám giờ sáng hôm sau, chuông điện thoại lại reo đánh thức tôi dậy.  Bình thường, cuối tuần tôi ngủ đến mười hai giờ trưa là thường.  Người gọi là ông Mạc, tôi vẫn còn ngái ngủ, ú ớ trả lời.

       - Dạ! Dạ! Tôi là H. , xin lỗi ai đầu giây?

       - Tôi là Mạc đây! Cậu dậy chưa?

       - Dạ, xin lỗi bác, cháu dậy rồi.

       - Này! Gia đình Cung đã vào nằm bệnh viện cả rồi, cậu biết chưa?

       - Dạ thưa chưa!  Đêm qua bà bảo trợ gia đình anh Cung có gọi điện thoại cho cháu, nhưng chỉ nhờ cháu dặn họ uống thuốc đầy đủ.

       - Bây giờ ở đây chỉ còn cậu là người tâm huyết thôi.  Cậu cũng biết lúc này tôi rất bận, cả ngày ở nhà hàng.  Bây giờ nhờ cậu vào trong bệnh viện thông dịch giùm gia đình Cung.  Cậu lấy viết ra ghi điạ chỉ bệnh viện.  Hai vợ chồng nằm bệnh viện khác.  Trẻ con nằm bệnh viện cho trẻ con.  Cậu chịu khó giúp đỡ người Việt mình.

       - Dạ vâng!  Chút nữa cháu đi ngay.

       Tôi gọi điện thoại thông báo cho phe ta, thay quần áo rồi ra xe lên bệnh viện.  Hai vợ chồng anh Cung trông thấy tôi vào, lên tinh thần cười tươi.  Họ cho hai vợ chồng nằm chung phòng, tôi nói đùa.

       - Trong phòng chỉ có hai ông bà!  Sao ông Cung không khám bệnh cho bà xã?

       - Ông H. này lúc nào cũng đùa!  Nhưng sao biết vợ chồng tôi nằm đây?

       Tôi kể cho vợ chồng anh Cung về cú điện thoại với bà bảo trợ, với ông Mạc, rồi trấn an 'Như vậy là họ đã biết bệnh sốt rét của mình, đó là điều tốt'.  Sau đó tôi xin phép chạy qua bệnh viện nhi đồng lo cho trẻ con, để hai ông bà tha hồ khám bệnh cho nhau.

UWW 17-11-2004