Menu

KỶ VẬT NGOÀI CHÂN MÂY

Hoa Hoàng Lan *


       LTS: Cám ơn nhà văn Hoa Hoàng Lan đã gởi tặng chuyện này cho anh Chủ Nhiệm, một đoản văn rất nhiều ý nghĩa xin được đăng tải để gởi đến bạn đọc bốn phương cùng thưởng lãm… Hoa Hoàng Lan (San Jose, USA)

Tạp chí Dân Văn, số 104, Germany

 

      Động ngập ngừng trước câu hỏi của người phỏng-vấn buổi thi vào quốc tịch Mỹ:

      - Trong đơn xin vào quốc-tịch Mỹ, anh có ghi xin được đổi tên. Nếu còn giữ ý định đó, cho biết tên anh muốn đổi?

      Động liếm môi suy nghĩ trước cái nhìn có ý chờ đợi của phỏng-vấn-viên là một người Mỹ trắng trung-niên, đẹp trai và vô cùng lịch-sự.  Mười lăm phút trước đây, những câu hỏi lung tung, không ăn nhập gì đến việc phỏng-vấn thi vào quốc-tịch của Động đã được đặt ra.  Và Động đã trả lời trôi chẩy, đôi khi pha chút dí-dỏm khiến cho không khí trở nên thân mật.  Động đã vất bỏ được những lo ngại ban đầu khi bước chân vào phòng.  Phỏng-vấn-viên cũng linh hoạt hẳn lên và không còn nghiêm nghị nữa.  Một quyết định nhanh như chớp xẹt qua trí óc Động.  Hình ảnh người cha oai hùng trong quân-phục Biệt-Động-Quân đã khiến cho Động thay đổi ý định.  Động trả lời ngay:

      - Dạ thôi.  Bây giờ tôi không muốn thay đổi tên nữa.  Xin cho tôi được giữ lại tên cũ.  Họ là Hoàng.  Tên là Động và chữ lót là Biệt.

      Người phỏng-vấn ghi chép trên giấy rồi đưa chàng ký tên sau khi tuyên-bố Động đã đậu.  Chàng thở phào nhẹ nhõm.  May mà ông ta không hỏi tại sao như những câu hỏi lúc nãy.  Nếu không, Động lại phải mất công dài dòng giải thích.  Sau khi nghe ông chúc mừng.  Động cảm ơn và ra về.

      Trên đường về, Động sung sướng và hài lòng trước quyết định giữ nguyên tên của cha Động đã đặt cho là Hoàng Biệt Động, không có gì thay đổi.  Động cảm ơn hình ảnh người cha đã đến kịp lúc để anh có một quyết định sáng suốt: giữ lại kỷ-vật của cha đã cho chàng, cái tên mà cha chàng đã đặt cho với niềm đam-mê binh-nghiệp thuở sinh tiền của Người.  Chữ Người, chàng luôn viết hoa để tỏ lòng trân quý người cha đã không còn nữa.  Động vô cùng yêu quý cha chàng, thế mà suýt chút nữa, chàng đã bồng bột xóa bỏ kỷ-vật cuối cùng của cha để lại cho chàng, cho đời một tên gọi đặc biệt, không bao giờ trùng giống với tên người khác.  Mặc dù, khi còn đi học, tên họ của Động đã gây cho chàng không biết bao nhiêu sự chọc ghẹo của bè bạn, trai cũng như gái.  Các bạn đã cười hô hố khi tên chàng được xướng lên.  Thôi thì đủ thứ, nào là:

      - Động!  Động gì?  Động đình hay động... chùa?

      Hoặc:

      - Này, động gì thế?  Động đất hay động... mả?

      Những lúc đó, chàng chỉ muốn thu tay đấm vỡ mấy cái miệng cười rộng đến mang tai ấy.  Nhưng rồi chàng đành cười xòa tha thứ, khi biết bạn bè chỉ chọc cho vui.  Vì sau đó, các bạn đã bảo chàng:

      - Cậu dở quá!  Nếu có ai hỏi thế, cậu cứ nói cậu là Động-Đình-Hồ có phải hay mà lại thơ mộng không?  Mình lại thích có cái tên thơ mộng như cậu.

      Khi ra đời, tên của Động cũng đã gây cho Động những phiền toái, ngộ nhận trong nhiều trường-hợp.  Nhất là thời-gian ở đảo tỵ-nạn.  Có người cứ nhất quyết tên chàng phải còn gì nữa chứ không thể chỉ là... Hoàng-Biệt-Động.  Anh chàng trưởng toán cứ nhất định:

      - Thì ai chả biết ông là lính Biệt-Động-Quân tên Hoàng.  Nhưng còn cái họ của ông, nói rõ để tôi ghi vào sổ chứ!

      Động nhấn mạnh từng tiếng một:

      - Thì tôi họ Hoàng, tên là Biệt-Động mà lại. Tôi lưu ý ông là tôi không hề đi lính Biệt Động Quân một ngày nào hết.  Đó là binh-chủng của bố tôi.  Khi Việt-cộng chiếm Saigon thì tôi mới chín tuổi, làm sao đi lính Biệt Động Quân được?

      Anh chàng trưởng toán tròn mắt kinh ngạc.  Nhưng trước một sự thật hiển nhiên như vậy, anh vội cúi xuống, nắn nót ghi tên Động vào sổ với ba chữ: Hoàng-Biệt-Động.  Một chuỗi dài những kỷ-niệm trong gia-đình với người cha đã quá cố đang tuần tự diễn ra trong trí Động.  Anh nhớ như in, như là mới hôm qua đây, sau chuyến hành-quân về, cha chàng đã bế đứa em gái út của chàng - con bé Thiên-Nga - tung nó lên cao rồi lại ghì chặt lấy nó và hôn như mưa lên khuôn mặt bụ sữa của nó, khiến con bé thích chí, cười như nắc nẻ. Đó là những hình ảnh hạnh-phúc cuối cùng của gia-đình Động trong Tết năm 1975. Cha Động là một sĩ-quan Biệt-Động-Quân, quanh năm suốt tháng đi hành-quân xa. Ông say mê đánh giặc còn hơn cả say mê gia-đình với người vợ trẻ cùng năm đứa con - ba trai hai gái - mà ông đã đặt cho những cái tên rất đặc biệt và rất... lính Việt-Nam Cộng-Hòa như Động là đứa con đầu lòng, mang tên binh-chủng hào-hùng của cha: Hoàng-Biệt-Động. Đứa con trai thứ hai, Hoàng-Lôi-Hổ, và đứa thứ ba Hoàng-Thám-Báo. Hai cô con gái xinh xinh, ông đặt tên con chị là Hoàng-Phượng-Hoàng, và con bé út là Hoàng-Thiên-Nga. Khi cha Động đặt tên cho hai con gái là Phượng-Hoàng và Thiên-Nga, mẹ Động tưởng cha Động say mê chim muông, cầm thú, nhưng mẹ Động đã lầm khi nghe chồng giải thích Phượng-Hoàng là tên một chiến-dịch của Cảnh-Sát Quốc-Gia, nhằm tiêu-diệt tận gốc rễ bọn Việt-cộng, gọi là hạ tầng cơ-sở của chúng, từ các đợn-vị xã ấp trở lên. Còn Thiên-Nga, cha Động đã cười duyên dáng mà bảo:

      - Thiên-Nga là tên của chiến-dịch tình-báo cũng của Cảnh-Sát Quốc-Gia, do toàn Nữ Cảnh-Sát có nhiệm-vụ theo dõi để khám phá những hang ổ Việt-cộng nằm vùng.

      Mẹ Động bật cười khi nghĩ rằng gia-đình của mình như một quân-đội với các binh-chủng dữ dằn như Biệt-Động-Quân, Lôi-Hổ, Thám-Báo, Phượng-Hoàng và Thiên-Nga.  Mẹ chàng thắc mắc nếu còn sinh đẻ nữa, cha Động sẽ đặt tên những binh-chủng nào cho các con đây?  Mẹ nói đùa:

      - Đừng có ngông-nghênh đặt tên con là Nhẩy Dù với Thiết-Giáp nhé!  Nếu hết tên đặt thì... cột buồng trứng lại, chứ đừng đặt tên con mà gọi không thuận tai đấy!

      Cha Động đã cười vui với vợ:

       - Thiếu gì tên hay. Còn biết bao nhiêu tên tuổi dữ dằn, vang danh chiến-trường, Việt-cộng nghe thôi cũng đủ ra... chiêu-hồi hết, như Thám-Kích, Thám-Sát, Trinh-Sát, Biệt-Kích, Beo Gấm hoặc Thủy-Quân.  Em đẻ đến năm... 2000, anh cũng chưa hết tên để đặt cho con!

       Mẹ Động nguýt yêu cha Động:

       - Thì anh đẻ thử một lần đi.  Tự đẻ thì tha hồ đặt tên.  Em hết... trứng rồi!

       Nhưng rồi mẹ Động không có cơ-hội để sinh thêm con cho chồng đặt tên nữa, và gia-đình quân-đội của anh không có cơ-hội để thêm những binh-chủng hào-hùng, khét tiếng trên chiến-trường nữa, vì tháng 5 năm 1975, cha Động đã bị lùa vào trại cải-tạo, bỏ lại Saigon cho mẹ Động những đứa con mang những tên tuổi mà Việt-cộng không bao giờ muốn nghe được như Biệt-Động, Lôi-Hổ, Thám-Báo, Phượng-Hoàng và Thiên-Nga . Những Biệt Động, Lôi Hổ, Thám Báo, Phượng Hoàng và Thiên Nga đã phải bỏ học “xếp bút nghiên lên đường... kiếm gạo’’ với mẹ để sống còn và nuôi cha Biệt-Động-Quân chính hiệu, một “Cọp Ba Đầu Rằn’’ đang sa cơ, mắc bẫy trong trại tù cải-tạo miền Bắc.  Một người hùng của Biệt-Động-Quân với phương-châm “hoặc xanh cỏ, hoặc đỏ ngực’’ khi giết giặc Cộng.  Những chiến-công hiển-hách, lẫy-lừng đã như một đam-mê bất tuyệt của cha Động. Động còn nhớ một kỷ-niệm cha chàng thường kể: trong khi toán quân đánh xáp lá cà với Việt-cộng, một tân sĩ-quan đi phía trước bị trúng hỏa-lực mạnh của địch và vết thương phá nát bụng. Một tiếng hét thất-thanh, xé lòng:

       - Đại-Úy... Em rồi...

       Rồi thu hết sức tàn, sĩ-quan đó dùng đôi tay cố nhét ruột gan đang đổ ra, lòng thòng phía trước bụng, rồi ngã vật xuống.  Cha của Động đau đớn và bất lực nhìn đôi tay với mười ngón nhuộm đỏ máu tươi của chiến-hữu mình quơ quào trên mặt đất trước khi tắt thở.  Ông vuốt mắt cho bạn và điên cuồng nhào lên phía trước.  Sau lần hành quân đó, cha Động đã yêu cầu mẹ của Động đừng bao giờ sơn đỏ móng tay, để không nhắc lại hình ảnh đau thương với mười ngón tay nhuộm máu của chiến-hữu vừa nằm xuống.  Từ đó, không bao giờ mẹ của Động sơn đỏ móng tay để làm đẹp nữa.  Nghe lời chồng, và cũng yêu lính như chồng, nên mẹ Động đã vất hết những lọ thuốc sơn móng tay đỏ đỏ, hồng hồng.

       Động còn nhớ như in những ngày phép sau đợt hành-quân, cha của Động từ chiến-trường trở về, trong nhà vui biết bao.  Cha chàng thường đưa cả nhà đi ăn nhà hàng, để mẹ chàng khỏi nấu nướng vất vả.  Cha chàng nói trong tiếng cười vang:

       - Đời lính mà!  Que sera sera?  Biết ra sao ngày mai?  Vui được ngày nào cứ vui.  Ngày mai?  Chết lúc nào, ai biết?  Thây kệ!

       Mẹ chàng thường trách chồng nói gở.  Nhưng cha Động chỉ cười, nụ cười thật tươi, khoe hai hàm răng trắng và đều như những hạt bắp.  Thế là hết Bát-Đạt, Arc-En-Ciel, Đồng-Khánh, Soái-Kình-Lâm trong Chợ-Lớn, đến cơm gà Siu-Siu, cơm thố Đức-Minh Chợ Cũ, mì Cây Nhãn, thịt bò bẩy món Ánh-Hồng, phở Tàu Bay cho đến những quán cóc ở Hàm-Nghi hoặc Nguyễn-Tri-Phương, từ cua, sò, vịt lộn, đều in dấu chân gia-đình Động.  Cha của Động vui thật vui, ông luôn cười rạng rỡ với vợ con.  Rồi ca nhạc ở Queen Bee với Khánh-Ly, Đêm Mầu Hồng với anh chị em Hoài-Bắc, Hoài-Trung, Thái-Thanh, với cuộc vui đến khuya.  Ngày mai, cha Động lại rời xa vợ con, đi vào cõi chân mây, đi vào nơi khói súng với binh-chủng Biệt-Động-Quân suốt đời quân-ngũ chỉ chuyên đi tăng phái cho những đơn-vị nào cần đến.  Động thuộc lòng những chiến-công do cha chàng kể lại.

       Động đã say sưa kể lại cho bạn bè trong lớp học nghe những chiến-thắng của Tiểu-Đoàn 42 Biệt-Động-Quân của cha chàng, mà trong những buổi văn-nghệ của trường, các bạn chàng đã phải gân cổ lên để hát bài ca tụng trung-đoàn 307 của Việt-cộng với những câu “bốc phét’’ như:

       - Đây Trung-đoàn ba trăm lẻ bẩy!  Ba lẻ bẩy oai hùng biết mấy!  Ba lẻ bẩy đánh đâu thắng đấy!  Ba lẻ bẩy đánh đâu được đấy.  Động đã bật cười thành tiếng và nói nhỏ vào tai người bạn bên cạnh rằng:

       - Chính Tiểu-Đoàn 42 Biệt-Động-Quân của Bố mình đã khai-tử Trung-đoàn 307 của Việt-cộng đấy.  Bây giờ tha hồ khoác lác, nói dóc!

       Rồi lẫn trong đám đông, Động cũng cao giọng cất lời ca:

       - Đây Trung-đoàn ba trăm lé bấy!  Ba lé bấy đánh đâu thua đấy!...  Ba lé bấy đánh đâu chết đấy!...  Ba... lé... bấy!...  Ba... lé... bấy!...  Ba... lé... bấy!...

       Bạn Động cứ bịt miệng cười, tiếng cười sặc sụa bị nghẽn lại như người bị bóp cổ.  Dứt bài ca, hai đứa lăn ra bãi cỏ mà cười.  Ôi!  “Trung-đoàn ba lé bấy!  Ba... lé... bấy... Ba... lé... bấy... đánh đâu thua đấy!...  Ba.. lé... bấy... Ba ... lé... bấy đánh đâu chết đấy!...’’

       Khi cha của Động đang khổ sai trong các trại tù ở miền Bắc, thì hình ảnh kiêu-hùng của cha chàng đã được mẹ chàng lưu giữ trong tủ áo quần.  Thường xuyên, anh em Động vẫn hằng ngày nhìn thấy bộ quân-phục rằn ri hoa rừng, với phù hiệu con cọp đen nhe đủ mười ba chiếc răng nhọn, với chiếc mũ bê-rê mầu nâu treo trong tủ, cùng với đôi bốt-đờ-sô dựng bên góc tủ phủ bụi mờ lâu ngày, vì không có ai dùng đến.  Tất cả mầu cờ, sắc áo của cha đều được mẹ giữ gìn cẩn thận như những kỷ-vật.  Những cuốn an-bum đời lính trong suốt mười hai năm dài dưới chế-độ mới, đều được kín đáo cất giữ, để thỉnh thoảng mở ra xem, mẹ Động lại giọt ngắn giọt dài thương nhớ.  Sau khi bị giam cầm suốt chín năm dài, cha của Động bị một chứng bệnh lạ nên được chúng cho về.  Chỉ tám tháng sau, cha Động từ-trần trên tay mẹ chàng đang lạc giọng kêu gào:

       - Không!  Không thể được!  Anh không thể chết được!  Không!  Không thể được!  Không!  Trời ơi!  Không thể được!

       Vì mới hôm nào đây, cha mẹ Động còn lo lắng trước tương-lai mờ mịt của gia-đình.  Bàn chuyện bán nhà cho đám con Biệt-Động, Lôi-Hổ, Thám-Báo vượt biển, tìm tự-do.  Sáng qua, cha Động trở bệnh. Bác-sĩ cho đổi thuốc, nhưng những hạch nho nhỏ đã hiện lên khắp mình cha chàng.  Mẹ Động nghe tiếng chồng thở nghẹn, vội chạy vào vực chồng dậy, thì cũng là lúc Người trút hơi thở cuối cùng trên tay vợ đang gào khóc.  Năm anh em Biệt-Động, Lôi-Hổ, Thám-Báo, Phượng-Hoàng và Thiên-Nga chạy ào vào.  Họ đứng như năm pho tượng đá nhìn cha bất động trên tay mẹ đang kêu gào hoảng loạn.  Chôn cất cha xong, gia-đình Động như vừa trải qua một cơn bão lốc kinh hoàng.   Mẹ Động khủng-hoảng tinh-thần và việc mưu-sinh khó khăn vô vàn đã phải giao lại cho hai em gái Phượng-Hoàng và Thiên-Nga lo liệu.  Không kiếm được đồng lời, thì phải ăn dần đồng vốn đi.  Cuộc sống của gia-đình trở nên bi-đát vô cùng.  Rồi Biệt-Động bị gọi đi nghĩa-vụ quân-sự.  Trước những khó khăn không lối thoát của gia-đình, mẹ Động đành để cho Động đi lính, phó mặc cho thần may rủi.  Mẹ của Động buồn lắm, nhưng không thể làm hơn được, chỉ biết đêm đêm trước di-ảnh của chồng, bà khấn vái van xin chồng che chở cho đám con, và giúp bà có đủ nghị-lực đi hết con đường mà ông đã bỏ lại.

       Cuộc chiến trên đất nước láng giềng Cao-Miên ngày càng trở nên khốc-liệt với sự tham-chiến của cộng-sản Việt-Nam.  Biệt-Động đã có mặt trong đoàn quân viễn-chinh này.  Không lý-tưởng, không mục-đích, nên Biệt-Động chỉ còn biết lo lắng để sống còn.  Không quan tâm đến thắng, bại, nên trong một đợt giao tranh, Biệt-Động đã cùng vài bè bạn nhanh chân trốn sang được biên-giới Thái-Lan.  Bị giam giữ một thời-gian dài, và được đưa đến trại tỵ-nạn tại Songkhla.  Rồi may mắn qua lý-lịch của người cha - một “Cọp Ba Đầu Rằn’’ dữ dội - Biệt-Động được cho định-cư tại Mỹ đúng như ý nguyện của chàng.  Lá thư nhỏ được một tu-sĩ có lòng chuyển về Việt-Nam giùm, đã như một liều thuốc hồi-sinh cho mẹ Động và các em chàng có sức sống vươn lên như một Phù-Đổng Thiên-Vương trong chốn địa-ngục trần-gian.

       Hai năm sau.  Hai năm dài đằng đẵng, Biệt-Động được đặt chân lên thiên-đường Mỹ-Quốc.  Niềm vui xen lẫn nỗi buồn thiếu vắng người thân khiến Biệt-Động tủi thân muốn khóc.  Người con trai của “Cọp Ba Đầu Rằn’’ năm xưa đã phấn-đấu học hành thành đạt để người cha ngoài chân mây được mỉm cười hãnh-diện.  Vì khi còn sống, cha Động thường mong ước cả gia-đình tìm đường thoát khỏi ngục tù cộng-sản.  Những ngày cuối cùng bên vợ con, không một dấu hiệu báo trước cái chết, cha Động đã ao ước những binh-chủng quân-đội của... gia-đình như Biệt-Động, Lôi-Hổ, Thám-Báo, Phượng-Hoàng, Thiên-Nga phải được tập-trung trên đất nước Hoa-Kỳ, và phải sống oai hùng như những Biệt-Động, Lôi-Hổ, Thám-Báo, Phượng-Hoàng, Thiên-Nga của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã sống.

       Về nhà, việc trước tiên của Động là viết cho mẹ một lá thư.  Anh nhẹ đưa cây viết trên mặt giấy trắng gửi về mẹ hiền những dòng chữ:

       “Mẹ và các em yêu quý,

      Con kính báo Mẹ và gia-đình một tin vui mà con vừa có được: Con vừa thi đậu vào quốc-tịch Hoa-Kỳ sáng nay.  Nhưng đó chưa phải là tin mà con muốn khoe với Mẹ.  Mà điều quan-trọng con muốn Mẹ biết là con đã có thêm một yếu-tố cần-thiết để bảo-lãnh cho Mẹ và Lôi-Hổ, Thám-Báo, Phượng-Hoàng và Thiên-Nga sớm được đoàn-tụ với con ở Mỹ.

      Mẹ biết không?  Suốt buổi sáng nay, trong phòng phỏng-vấn, người ta đã hỏi con rất nhiều về Ba cùng những chiến-công lẫy-lừng mà Người đã tham-dự.  Con đã vô cùng hãnh-diện kể lại những gì con biết về Ba, tuy ít ỏi nhưng những kỷ-niệm đó luôn luôn đậm nét trong con.  Và trái với ý định ban đầu là con muốn đổi tên con cho dễ gọi.  Nhưng sau khi hình ảnh Ba được sống lại mãnh-liệt, con đã quyết định giữ lại tên cũ của con, cái tên mà Ba đã đặt cho con để gửi gắm tất cả đam-mê, lý-tưởng của Người . Con đã nghe được tiếng gọi thân thương, cùng với cái vẫy tay trìu-mến của Ba tít ngoài chân mây xa vời kia.

      Và thưa Mẹ, như thế tên con vẫn là Hoàng-Biệt-Động của Ba Mẹ đã đặt cho con ngày mớí sinh.  Con kính báo tin để Mẹ và các em mừng.  Kính chúc Mẹ và các em an vui, khỏe mạnh.

      Kính thư,

      Con: Hoàng-Biệt-Động.’’

      Biệt-Động ra bưu-điện gửi gấp lá thư về cho mẹ và các em ở quê nhà.  Chàng tin rằng lá thư ngắn ngủi này sẽ là niềm vui tột cùng của cả nhà.

      Giấc mộng đoàn-tụ với mẹ và các em ám ảnh Biệt-Động đêm ngày, nay đã ló dạng, đã cận kề, đã thấy hình thấy bóng.  Biệt-Động chỉ tiếc rằng cha chàng đã không còn.  Nếu còn, Biệt-Động nhất định sẽ đưa cha chàng đến thăm Trường Ranger của Mỹ, nơi đã huấn-luyện cha chàng thành một “Cọp Ba Đầu Rằn’’ khét tiếng.  Và nhiều nơi nữa trên đất nước Mỹ rộng lớn này.  Nhưng thôi...  Cha của chàng đã không còn nữa.  Những nuối tiếc không nguôi về người cha oai-hùng chỉ còn là kỷ-niệm, với cái tên Hoàng-Biệt-Động, mà chàng sẽ đem theo bên mình cho đến hơi thở cuối cùng.


        *Trích từ Tạp Chí Dân Văn số 104, Germany