Menu

Niềm Đau Quốc Hận 30/4

Trong Thi Ca VN Hải Ngoại

TUYẾT MAI


       30 tháng Tư, 1975 là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử.  Đây là ngày Quốc hận của mấy mươi triệu đồng bào Miền Nam.  Ngày hôm ấy, hằng triệu dân quân Miền Nam bị rơi vào cảnh kinh hoàng.  Hằng vạn người đổ ra biển đi tìm tự do.  Nhiều tướng lãnh và quân cán chính đã khẳng khái tuẫn tiết để bảo toàn danh dự.

       Sau đó trên đường đi tìm tự do, hằng vạn người bị chết trên đường vượt biên, băng rừng, hằng trăm ngàn người bị đày đọa trong ngục tù từ Nam ra Bắc hay bị thảm sát.  Đây là một giai đoạn đen tối, đau thương nhất trong lịch sử VN.

       Trên bước đường lưu vong, khi hạnh phúc không còn trong tầm tay, khi con tim đã chín muồi với đau thương thì những lời thơ trong lòng thi nhân tự nó trào tuôn.  Bằng những xúc cảm chân thành thi sĩ đi vào thi ca bằng tấm lòng chứa chan tình yêu quê hương, Tổ Quốc.  Lời thơ nói lên tâm hồn cô đơn sâu thẳm và sầu muộn tràn đầy.

       Mời độc giả lắng lòng, hồi tưởng lại những xót xa cho quê hương máu lửa ba mươi hai năm trước đây, với những giọt nước mắt cho người nằm xuống.

“Chiều ấy Lai Khê u uất lắm
Đất trời cây cỏ ngập màu tang
Khi người nằm xuống, Người nằm xuống
Ta đã mất rồi!  Mất Việt Nam.
Sáng Ba Mươi giặc tràn Phú Lợi
Quân ta về trấn thủ Bình Dương
Ta vẫn nghe tiếng Người trong máy
Lòng trung Tổ Quốc vẫn vang vang

… Đồi Bam-mốt Sư Đoàn bị bức tử
Đêm ba-mươi vang vọng những hồn oan
Bao nhiêu năm! cờ tang chưa xả
Sống lưu đày lòng đau nhục mang mang
Trời Tháng Tư vẫn nghẹn ngào trong nắng
Hởi hồn Người! Còn vang tiếng Việt Nam.
              (Tưởng nhớ Tướng Lê NguyênVỹ) - Đăng Nguyên.

       Nhà thơ Thương Việt Nhân ghi lại hình ảnh một người lính tử trận ở Cầu Rạch Chiếc.
“Ba mươi Tháng Tư, mây trời ôm khói lửa
Anh, người lính sau cùng đối diện kẻ thù
Ngả xuống bên cầu Rạch Chiếc
Anh chưa kịp nói lời từ biệt
Nhưng vinh-hạnh anh đền xong nợ nước

… Mỗi Tháng Tư về ray rứt trong tim
Ký ức hiện về đâu phải kiếm tìm
Anh, người lính sau cùng bên cầu Rạch Chiếc
Sống mãi trong tôi từng Tháng Tư qua”
               (Bên cầu Rạch Chiếc) Thương Việt Nhân.

       Tháng Tư, 1975 là cái mốc thời gian đáng ghi nhớ của bao nhiêu người lính kiêu hùng:
“Tháng Tư chợt nhớ quê nhà
Quặn đau từng mãnh sơn hà nát tan
Thàng Tư bẻ kiếm không hàng
Rừng đau núi phủ màu tang ngất trời
Tháng Tư, kinh sử tơi bời
Xót ai tuẫn tiết với lời thề xưa
Ngồi buồn đếm từng cơn mưa
Nỗi đau bút mực như vừa gom chung
Tháng Tư thẹn mặt anh hùng
Ngước lên, nhìn xuống trùng trùng nghiệt oan
Tháng Tư lệnh xuống qui hàng
Ba mươi năm vẫn chưa tan nỗi hờn”
              (Nỗi Đau Bút Mực Tháng Tư) Lê Khắc Anh Hào

        Nhà thơ Vương Đức Lệ diễn tả tâm trạng cô độc trong nhà giam:

“Phòng giam hai bệ ngủ
Quanh quất một mình ta
Chợt thèm hơi thở nhỏ
Dẫu tiếng thở dài xa

Mờ mờ ô cửa gió
Chân ai bước lại qua?
Trừng trừng đôi mắt đỏ
Soi mói , rợn da gà…

Xủng xẻng xâu chìa khóa
Dừng lại riêng phòng ta
Ầm ầm khuôn cửa mở
Đêm đen bỗng vở oà…”
              (Cô Độc)

       Rồi hằng vạn người đổ ra biển cả đi tìm tự do, Nhà thơ Đào Văn Bình ghi lại cảnh trời mây non nước đêm vượt biên:

“Thuyền đã xa rồi Côn Sơn ơi!
Bóng em vụt tắt ở ngàn khơi
Thuyền đi như thể vào vô tận
Chỉ có sao trời đưa lối thôi”
              (Giã từ Côn Sơn)

       Bên cạnh những chết chốc chiến tranh, những bài thơ hoài hương luôn để lại trong lòng người những ấn tượng sâu sắc, những nỗi đau buồn xót xa, thương nhớ về một miền quê hương yêu dấu, đã ngàn trùng cách xa.  Và chúng ta không biết đến bao giờ có thể trở về để sống lại với những kỷ niệm êm đềm của ngày xưa cũ.  Dù lưu lạc ở chân trời nào, góc biển nào, chúng ta vẫn tương tư, vẫn ấp yêu, nhớ hoài nhớ mãi hình bóng quê nhà thân yêu.

“Mùa Xuân nào ta sẽ về thăm Quảng Trị
Mình sẽ về thăm Chợ Sải, Chợ Cầu
Nhớ ghé thăm làng Trí Bưu, Xuân Mỵ
Xem biển đời còn cuộn sóng nương dâu
Mùa Xuân nào mình về thăm Ái Tử
Ca dao xưa nơi mẹ vẫn bồng con
Bên đầu cầu gánh quá nhiều bom đạn
Tang thương ơi nước lở với non mòn!
Mùa Xuân nào về thăm cầu Bến Hải
Nước dưới sông sao tê tái vô tình
Chia một lần là chia lìa mãi mãi
U uất đời vết cắt: Mẹ Gio Linh”
              (Mùa Xuân Nào Ta về Thăm Quảng Trị) Phan Khâm.

        Hoàng Trùng Dương mang tâm trạng của kẻ lưu vong biệt xứ, bơ vơ ở một miền đất lạ với bao nỗi đắng cay, khổ nhục, cả thể xác lẫn tinh thần.  Nhất là những ngày Xuân, Xuân đất khách không có nắng ấm và hoa mai vàng rực rỡ, chỉ có hoa tuyết rơi não nuột, lạnh lùng:

“Xuân về hồn thấy chơi vơi
Rừng trơ trụi lá, tuyết rơi lạnh lùng
Cảnh buồn khêu gợi nhớ nhung,
Vời trông cố quốc ngàn trùng cách xa
Người đi cạn chén quan hà
Giọt buồn đọng lại nhạt nhòa lệ dâng
Lưu vong đã mấy mùa Xuân
Nhìn hoa tuyết rụng lâng lâng gợn sầu.”
              (Kiếp Lưu Vong) Hoàng Trùng Dương.

       Hoàng Song Liêm cũng cùng tâm trạng của Hoàng Trùng Dương, một nỗi buồn man mát như cánh chim lạc đàn trong ngày Tết tha hương:

“Pháo nổ nhà ai buồn gác trọ
Nửa đêm ngoài phố bước chân mau
Khói trầm ai thả mùi hương Tết
Trừ tịch đêm nay sầu lại sầu
Đã mấy mùa Xuân xứ lạ
Bồi hồi tưởng Tết cố hương xa
Chén cơm manh áo sao mà nặng
Thao thức năm canh mấy tiếng gà”
              (Xứ Lạ Quê Người)

       Mẹ vẫn là hình ảnh thương yêu nhất trong tâm tưởng của những đứa con xa xứ.  Làm sao quên được hình ảnh Mẹ rưng rưng dòng lệ trong buổi tiễn đưa con.  Nhà Thơ Phan thị Ngôn Ngữ diễn tả nỗi niềm thương nhớ mẹ cha da diết:

”Nỗi nhớ trong tôi là ước hẹn
Buổi trùng phùng tay nắm nghẹn ngào vui
Nước mắt trong tôi pha lẫn giọng cười
Mẹ chống gậy đón con đầu lộ vắng
Chén trà sen ngát hương chiều tĩnh lặng
Cha ngồi nghe con kể chuyện tha hương
Nắng đầu xuân nhảy múa ở quanh vườn”
              (Nỗi Nhớ) Phan thị Ngôn Ngữ.

       Trong những ngày lưu lạc tha hương, nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ chẳng những chỉ nhớ mẹ nhớ cha mà nhớ luôn cả Bà Ngoại, êm ru đưa cháu đi vào giấc ngủ thần tiên:

“Chiếc võng gai mấy mùa mưa nắng
Mỗi trưa ngồi - con nhổ tóc sâu
Trong tiếng gù gù của lũ chim câu
Ngoại dắt con qua từng trang Kiều lẩy
Câu Lục vân Tiên như mái dầm mái đẩy
Giọng Ngoại chèo lúc nhặt lúc khoan
Để hồn con là cánh vụ xoay tròn
Rồi ngủ rụng trên vai còm của Ngoại”
              (Tuổi Thơ Con Là Chỗ Ngoại Nằm).

       Đứng bên này bờ đại duơng, nhìn về chân trời xa, chẳng thấy quê hương chổ nào, nhưng trong tâm trí chúng ta vẫn còn nguyên hình ảnh của Saigon xưa cũ với những nhịp xe lăn đâu đó nửa khuya và những đêm hò hẹn trong quán cóc bên đường.

“Khi trở lại – Sai Gòn lạ thế
Đường thay tên vội vã những góc đời
Sài Gòn ngày xưa còn đó trong tôi
Quen thuộc cả từng hàng hiên góc phố

… Khi trở lại Sài Gòn – tôi xưa cũ
Nghe chênh vênh ngơ ngác một chốn về
Vẫn ánh đèn màu-quán cóc café
Vẫn những hàng me đang mùa lá đổ
Trên áo ai phất phơ bay chiều cuối phố…”
              (Sài Gòn Khi Trở Lại)  Phan thị Ngôn Ngữ.

       Vâng! 30 Tháng Tư là ngày Quốc hận!  Bao nhiêu năm lưu lạc xứ lạ quê người chúng ta vẫn luôn quay đầu hướng về cố quốc với muôn ngàn niềm thương nỗi nhớ, với đầy ấp kỷ niệm nồng nàn.  Những thảm mạ xanh tươi, những giòng sông của tuổi thơ, rồi chiến tranh với hận thù chất ngất, rồi nỗi đau chia lìa ngày bỏ xứ ra đi.  Tất cả những mãnh vụn tâm tình của đời người tỵ nạn được gom góp lại thành dòng thơ Quốc hận.

       Nhưng, chúng ta không thể dừng lại đây để chỉ khóc than, thương tiếc, hoài niệm về cố hương xa xôi…Tám mươi triệu đồng bào ở quê nhà đang trông chờ sự dấn thân đấu tranh của chúng ta ở hải ngoại.  Chúng ta tạm biệt chứ không phải vĩnh biệt quê hương.

       Tự do, dân chủ, hạnh phúc, ấm no, không thể đến với những vần thơ tuyệt vời, với ước mơ suông.  Hãy dũng mãnh đứng lên đấu tranh cho một ngày về vinh quang trên quê hương, Việt Nam yêu dấu ngàn đời của chúng ta.

“Tôi cũng như anh vẫn một lòng
Bên trời canh cánh nợ non sông
Trong tim dòng máu còn luân chuyển
Còn khắc ghi hoài nỗi nhục vong
Mẹ Việt Nam ơi! Con còn đây
Ba mươi hai năm là mấy vạn ngày
Khắc khoải chờ mong ngày trở lại
Diệt lũ bạo quyền, góp bàn tay.
              (Ba Mươi Hai Năm Biệt Xứ) Yên Sơn.

       * Trích Việt Báo Thứ Bảy, 4/21/2007, 12:02:00 AM