Menu

CHUYỂN GIAO CÁC TRẠI LLĐB BIÊN PHÒNG

QUA BIỆT ĐỘNG QUÂN

Vũ Đình Hiếu


Vào ngày 4 tháng Giêng năm 1971, câu chuyện về lực luợng Dân Sự Chiến Đấu (Civilian Irregular Defense Group) được coi như chấm dứt. Vấn đề cải tuyển các trại LLĐB biên phòng này qua Biệt Động Quân đã hoàn tất. Một điều thành công trong giai đoạn Việt Nam Hóa chiến tranh.

Trong những năm 1961, 1962, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã thiết lập một dẫy các trại biên phòng, biệt lập dọc theo đường biên giới miền nam Việt Nam. Việc xây dựng các tiền đồn biên phòng này nhắm vào ba mục tiêu:

  1. Nới rộng ảnh hưởng của chính quyền miền nam đến các vùng xa xôi, hẻo lánh.
  2. Bảo đảm vấn đề an ninh cho dân chúng trong vùng.
  3. Tách dân chúng ra khỏi sự lệ thuộc vào địch quân.

Các quân nhân LLĐB Hoa Kỳ góp phần vào việc xây dựng các trại biên phòng đến từ Okinawa. Họ chỉ đóng vai trò tạm thời cho đến năm 1964, khi liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ đóng trong căn cứ Fort Bragg, tiểu bang North Carolina được gửi sang Việt Nam.

Binh sĩ trong các trại biên phòng này được tuyển mộ, đa số từ sắc dân trong vùng và một ít người tìng nguyện từ đời sống dân sự. Do đó họ được gọi là Dân Sự Chiến Đấu. Lúc mới bắt đầu, LLĐB Hoa Kỳ hoạt động với người Rhade trong khu vực xung quanh Ban Mê Thuột. Phần lớn binh sĩ trong lực lượng Dân Sự Chiến Dấu là người Thượng, một số ít người Miên và người Việt.

Văn hóa miền nam có nhiều mầu sắc, kết hợp bởi nhiều sắc dân tộc thiểu số. Người Thượng là sắc dân tộc đông đảo nhất trên vùng cao nguyên. Họ khác biệt với người Việt về bản chất, mộc mạc, đơn sơ và về ngôn ngữ (họ có tiếng nói, ngôn ngữ riêng của họ). Mặc dầu không có cuộc kiểm tra dân số chính xác trên vùng cao nguyên, nhưng đồng bào Thượng được ước chừng khoảng một triệu người.

Trước đây, họ là nhóm người chiếm đa số trên vùng cao nguyên, nhưng bị loại ra khỏi chính quyền trung ương vì vấn đề nếp sống lệ thuộc vào điạ dư biệt lập của họ, và họ không thể cạnh tranh với người Việt, tiến bộ hơn. Ngoài ra vấn đề kinh tế đơn giản làm cho họ không cần thiết phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tuy vậy, chính quyền miền nam vẫn công nhận nếp sinh hoạt của đồng bào Thượng, và rất cần cảm tình cũng như sự ủng hộ của họ.

Trong việc xây dựng các trại biên phòng, lý thuyết căn bản đầu tiên là tổ chức đồng bào Thượng, đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ, sau đó huấn luyện họ chống lại quân địch. Lực lượng Dân Sự Chiến Đấu được quân Mũ Xanh, LLĐB Hoa Kỳ tổ chức thành những đơn vị chiến đấu. Mỗi trại DSCĐ (CIDG) được trao cho mộ số nhiệm vụ đặc biệt.

  1. Tổ chức thám thính biên giới và ngăn chặn đường xâm nhập, giao liên, tiếp vận của địch.
  2. Mở các trận tấn công tiêu diệt, phá hoại hậu phương của địch.
  3. Nhận diện và phá hủy hạ tầng cơ sở của địch (nằm vùng).
  4. Bảo đảm an ninh trong khu vực.
Miền nam đã có tổ chức Lực Lượng Đặc Biệt từ năm 1957, gọi là liên đoàn 77 Quan Sát. Đến năm 1961, đổi tên thành Lực Lượng Đặc Biệt. LLĐB Việt Nam đưa sĩ quan đến các trại DSCĐ để chỉ huy và tham mưu, trong khi đó quân Mũ Xanh LLĐB Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò cố vấn. Mỗi trại có ba đại đội với quân số 132 người trong mỗi đại đội, ba trung đội viễn thám (Recon), một đơn vị súng nặng với hai đại bác 105 ly, một ban tâm lý chiến và một BCH. Như vậy tổng cộng có 530 người theo bảng cấp số cho mỗi trại.

Để cố vấn cho LLĐB/VN, quân Mũ Xanh Hoa Kỳ gửi đến mỗi trại biên phòng một toán A LLĐB gồm ba sĩ quan và 11 binh sĩ.

Một khía cạnh khác của lực lượng DSCĐ là tổ chức, huấn luyện một số đơn vị tác chiến lưu động, để tiếp ứng cho các trại biên phòng như một lực lượng trừ bị chiến thuật. Điều đáng ghi chú là các trại biên phòng chỉ huy bởi sĩ quan LLĐB Việt Nam, người Hoa Kỳ chỉ làm cố vấn. Các đơn vị lưu động được chỉ huy hỗn hợp Việt-Mỹ. Vai trò chính yếu của LLĐB Hoa Kỳ là phát triển khả năng chiến đấu cho lực lượng DSCĐ. Người Hoa Kỳ trả lương, huấn luyện và làm nhiệm vụ cố vấn. Có lúc quân số lên đến 60.000 người, lực lượng DSCĐ đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phòng vệ lãnh thổ trên vùng cao nguyên và dọc theo đường biên giới miền nam Việt Nam kể từ năm 1961.

Đến năm 1967, LLĐB Hoa Kỳ bắt đầu chương trình cải tuyển các trại nội điạ sang Điạ Phương Quân, chỉ giữ lại 38 trại biên phòng trên khắp miền nam. Đến tháng Năm năm 1970, liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện đợt cải tuyển cho các trại biên phòng qua Biệt Động Quân. Họ được lệnh chấm dứt tất cả các hoạt động trên toàn lãnh thổ miền nam Việt nam. Việc cải tuyển qua Biệt Động Quân Biên Phòng bắt đầu từ đầu năm 1971. Thay đổi từ một Dân Sự Chiến Đấu sang Biệt Động Quân QLVNCH bao hàm một ý nghiã, người Thượng trở thành một quân nhân trong QLVNCH. Tuy nhiên, đồng bào Thượng không bị chi phối bởi luật động viên của chính quyền miền nam, quyết định “ở lại” là một nhiệm ý. Nếu không muốn trở thành một Biệt Động Quân, họ có thể giã từ nếp sống quân ngũ, trở về nơ họ sinh sống trước khi gia nhập lực lượng DSCĐ. Ngoại trừ không muốn, hoặc bị loại vì lý do sức khoẻ, già yếu, các binh sĩ gốc người Thượng được trả lương nhưmột người lính BĐQ cùng với tất cả quyền lợi, trợ cấp, hưu trí, v.v...

Trong thời gian 90 ngày hoán chuyển, các trại DSCĐ được tổ chức lại như khuôn mẫu của các tiểu đoàn BĐQ Việt Nam, gồm ba đại đội tác chiến, một BCH cùng đại đội công vụ.

Sự thành công của một trại Biệt Động Quân Biên Phòng tuỳ thuộc vào vị tiểu đoàn trưởng và viên sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ. Người Thượng có vẻ sẵn sàng cho một thử thách mới, gần 90% binh sĩ gốc người thiểu số được cải tuyển. Họ chấp nhận đổi mầu mũ beret xanh qua mầu nau của binh chủng Biệt Động Quân Việt Nam.

Bảng hoán chuyển các trại LLĐB qua Biệt Động Quân Biên Phòng. --- Theo tài liệu: “The Green Beret in Vietnam 61-71”, Francis J. Kelly, Brassey’s Inc. Trang 151-153 “Montagnards Become Rangers”, Major Thomas Johnson Dallas, Texas 28/9/1994

  Trại   Ngày hoán chuyển   TĐ/BĐQ/BP   Quân số
               
  Vùng I chiến thuật            
  Mai Lộc (A-101)   27/08/1970   Đóng cửa   ---
  Hà Thanh (A-104)   31/08/1970   TĐ87/BĐQ   415
  Trà Bồng (A-107)   31/08/1970   TĐ61/BĐQ   486
  Minh Long (A-108)   30/09/1970   TĐ68/BĐQ   386
  Ba Tơ (A-106)   30/09/1970   TĐ69/BĐQ   400
  Gia Vực (A-???)   30/09/1970   TĐ70/BĐQ   460
  Tiên Phước (A-102)   31/10/1970   TĐ77/BĐQ   422
  Nông Sơn (A-105)   31/10/1970   TĐ78/BĐQ   392
  Chu Lai (B-11)   31/10/1970   Đóng cửa   ---
  Đà Nẵng (Com. C)   1/11/1970   Đóng cửa   ---
  Thường Đức (A-109)   15/11/1970   TĐ79/BĐQ   396
               
  Vùng II chiến thuật            
  Polei Kleng (A-241)   31/08/1970   TĐ62/BĐQ   403
  Plei Mrong (A-213)   31/08/1970   TĐ63/BĐQ   443
  Tieu Atar (A-271)   30/09/1970   TĐ71/BĐQ   414
  Trang Phuc (A-233)   30/09/1970   TĐ72/BĐQ   399
  Plei Djereng (A-251)   31/10/1970   TĐ80/BĐQ   479
  Đức Cơ (A-253)   31/10/1970   TĐ81/BĐQ   457
  Plei Me (A-255)   31/10/1970   TĐ82/BĐQ   464
  Bu Prang (A-236)   30/11/1970   TĐ89/BĐQ   377
  Dak Pek (A-242)   30/11/1970   TĐ88/BĐQ   298
  Dak Seang (A-245)   30/11/1970   TĐ90/BĐQ   431
  Kontum (B-24)   30/11/1970   Đóng cửa   ---
  Ban Mê Thuột (B-23)   15/12/1970   Đóng cửa   ---
  Ben Het (A-244)   31/12/1970   TĐ95/BĐQ   430
  Đức Lập (A-239)   31/12/1970   TĐ96/BĐQ   400
  Pleiku (Com. B)   15/01/1971   Đóng cửa   ---
               
  Vùng III chiến thuật            
  Trà Cú (A-316)   31/08/1970   TĐ64/BĐQ   334
  Bến Sỏi (A-320)   31/08/1970   TĐ91/BĐQ   386
  Thiện Ngôn (A-323)   30/09/1970   TĐ73/BĐQ   333
  Lộc Ninh (A-331)   30/09/1970   TĐ74/BĐQ   358
  Đức Huệ (A-325)   31/10/1970   TĐ83/BĐQ   253
  Katum (A-375)   31/10/1970   TĐ84/BĐQ   369
  Tây Ninh (B-32)   31/10/1970   Đóng cửa   ---
  Hớn Quản (B-33)   31/11/1970   Đóng cửa   ---
  Tống Lê Chân (A-334)   31/11/1970   TĐ92/BĐQ   318
  Trảng Sụp (A-301)   31/11/1970   TĐ65/BĐQ   427
  Bù Đốp (A-341)   31/12/1970   TĐ97/BĐQ   300
  Biên Hòa (Com. C)   1/1/1971   Đóng cửa   ---
               
  Vùng IV chiến thuật            
  Tô Châu (A-442)   31/08/1970   TĐ66/BĐQ   379
  Thạnh Trị (A-414)   31/08/1970   TĐ67/BĐQ   315
  Tuyên Nhơn (A-415)   30/09/1970   TĐ75/BĐQ   302
  Cái Cái (A-431)   30/09/1970   TĐ76/BĐQ   398
  Bình Thạnh Thôn (A-413)   31/10/1970   TĐ86/BĐQ   332
  Chi Lăng (A-432)   31/10/1970   TĐ85/BĐQ   210
  Mộc Hóa (B-41)   31/10/1970   Đóng cửa   ---
  Ba Xoài (A-421)   30/11/1970   TĐ94/BĐQ   408
  Vĩng Gia (A-449)   30/11/1970   TĐ93/BĐQ   460
  Cần Thơ (Com. D)   1/12/1970   Đóng cửa   ---
  Chi Lăng (B-43)   1/12/1970   Đóng cửa   ---