Menu

ĐẶC NHIỆM BAT 21

Vũ đình Hiếu


Môt trong những cố gắng tuyệt vời do phòng Tìm Kiếm Quân Nhân Mất Tích (JPRC) thực hiện trong tháng Tư năm 1972, tiếp cứu Trung Tá Không Quân bị bắn rơi Iceal Hambleton. Một nhiệm vụ đặc biệt nổi tiếng có mật hiệu là Bat 21, đi cứu Trung Tá Hambleton bị bắn rơi gần Đông Hà, Quảng Trị trong trận Muà Hè Đỏ Lửa.

Trung Tá Hambleton là một sĩ quan nhiều kinh nghiệm trong Không Lực Hoa Kỳ. Năm đó ông ta 53 tuổi, đã phục vụ 30 năm trong quân đội và sắp mãn thời gian phục vụ tại Việt Nam. Những cố gắng trong việc tiếp cứu Hambleton là một trong những điều khó khăn và tổn thất nhiều nhất trong suốt cuộc chiến. Câu chuyện này đã trở nên một huyền thoại, đã được quay thành phim do tài tử Gene Hackman đóng vai Trung Tá Hambleton và Danny Glover đóng vai người phi công “Điều Không Tiền Phương” (Forward Air Control - FAC). Trong chuyên giải cứu này, một câu hỏi quan trọng được nêu lên: Không Lực Hoa Kỳ đã rất tốn kém về bom đạn, tầu bay, vũ khí cùng nhân lực để cứu một phi công lâm nạn, điều đó có đáng thực hiện không?

Trận tấn công quy mô của quân Bắc Việt được người Hoa Kỳ gọi là “Easter Offensive – Trận Tổng Tấn Công trong lễ Phục Sinh”, người Việt Nam gọi là trận “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Trong trận này quân Bắc Việt không xử dụng đơn vị nhỏ mà xử dụng cấp quân đoàn với nhiều sư đoàn tham chiến, được các đơn vị chiến xa, trọng pháo cùng với đơn vị phòng không mạnh mẽ yểm trợ cho trận tấn công. Mục tiêu của trận tấn công này là tỉnh cực bắc của miền Nam Việt Nam, sát vùng phi quân sự, bên kia đất Lào là những căn cứ dưỡng quân, tiếp vận của quân CSBV. Mặc dầu bị tấn công bất ngờ, nhiều đơn vị VNCH đã anh dũng chống cự lại nhưng vẫn phải triệt thoái. Riêng sư đoàn 3 Bộ Binh, một đơn vị tân lập bi bao vây không lối thoát.

Quân Bắc Việt đã sứa soạn cho trận tấn công, lợi dụng thời tiết xấu ngăn cản sự yểm trợ của Không Lực Việt-Mỹ. Để đỡ cho sư đoàn 3 Bộ Binh, ngày 2 tháng Tư, các pháo đài bay B-52 được lệnh thả bom trên các trục lộ tiến quân của quân Bắc Việt. Không Lực Hoa Kỳ biết rằng trong vùng hành quân, địch có đem theo hỏa tiễn điạ-không (SAM), do đó trận không tập được tăng cường thêm hai máy bay EB-66 để làm rối loạn hệ thống radar các dàn hỏa tiễn SAM. Tên gọi cho hai chiếc máy bay này là BAT 21 và BAT 22.

Mặc dầu Không Lực Hoa Kỳ đã đề phòng sẵn, các dàn hỏa tiễn SAM Bắc Việt vẫn dò được những phi cơ Hoa Kỳ. Địch quân phóng lên ba hỏa tiễn, hai cái đầu hụt, cái thứ ba trúng phi cơ có tên BAT 21. Loại máy bay này có sáu người phi hành đoàn, chỉ mỗi mình Trung Tá Hambleton bung được dù xuống đất an toàn. Một phi cơ “Điều Không Tiền Phương” theo dõi chiếc dù của Hambleton rơi xuống vùng đất đã bị địch chiếm vội báo tín hiệu cấp cứu.

Điều may mắn là trên bầu trời đang có sẵn những phi vụ cấp cứu cho một phi công bị bắn rơi trước đó. Khi hai chiếc khu trục A-1 Skyraider bay vào vùng, các dàn súng cao xạ của địch bắn lên như đan lưới. Sau khi các khu trục cơ đã làm chủ tình hình, trực thăng cấp cứu bay vào. Bất ngờ súng phòng không của địch lại bắn lên dữ dội làm rớt chiếc trực thăng cấp cứu. Một người duy nhất trên trực thăng sống sót, bị địch bắt sống, áp tải qua phiá bên kia vùng phi quân sự, ba nhân viên phi hành đoàn khác chết. Lúc đó đã xế chiều, các phi phụ cấp cứu tạm ngưng, chỉ có những phi tuần đến oanh kích xung quanh khu vực nơi Trung Tá Hambleton đang ẩn trốn. Nguy hiểm hơn nữa, vị trí ông ta rơi cách tuyến phòng thủ của QLVNCH 4 cây số, ngay trên trục tiến quân chính của quân Bắc Việt.

Qua hôm sau, 3 tháng Tư, các phi vụ tiếp cứu vào vùng bị phòng không địch bắn lên dữ dội. Hai trực thăng CH-53 Jolly Green bị trúng đạn nhưng lết về đến phi trường Phú Bài ở Huế. Chiều hôm đó một máy bay quan sát OV-10 do Đại Úy William Henderson và Trung Úy Mark Clark bị trúng hỏa tiễn mang trên vai SA-7 (Bộ Binh Bắc Việt được trang bị loại vũ khí này). Cả hai phi công nhẩy dù ra trước khi chiếc máy bay nổ tung trên trời. Đại Úy Henderson bị bắt lúc đang lẩn trốn trong một bụi cây gần bờ sông. Clark vẫn còn trốn các toán quân Bắc Việt đi lùng. Như vậy là có hai phi công đang nằm trong vùng địch kiểm soát. Đêm đó Trung Tá Hambleton báo cáo, địch dùng đèn Pin đi tìm ông ta.

Hai ngày kế tiếp 4, 5 tháng Tư, thời tiết trở nên xấu, công việc tiếp cứu hai phi công bị bắn rơi phải tạm ngưng. Qua ngày hôm sau, thời tiết trở nên tốt trở lại, các phi tuần A-1 được lệnh vào đánh các dàn phòng không của địch. Mọi nỗ lực đều dồn vào việc giải cứu các phi công lâm nạn. Các cố vấn Hoa Kỳ trong các đơn vị VNCH yêu cầu yểm trợ, Không Lực Hoa Kỳ làm ngơ.

Mặc dầu tiêu thụ không biết bao nhiêu tấn bom, quân Bắc Việt vẫn trả đũa mạnh mẽ. Sau những trận oanh kích, chiếc FAC ra lệnh cho trực thăng Jolly Green bay vào cứu Hambleton. Viên phi công trực thăng rất can đảm, bị trúng đạn vẫn cố gắng bay đến chỗ Hambleton đang lẩn trốn. Phi cơ bị hư hại nặng phải bay ra bị bắn theo rớt xuống cách đó khoảng 3 cây số. Chiếc này bốc cháy liên tục trong mấy ngày sau đó, tất cả phi hành đoàn 6 người đều hy sinh để cứu một phi công.

Tin tức về chuyện cứu phi công tới tai Đại Tướng Abrams trong Saigon. Ông ta ra lệnh tìm cách khác. Ngày hôm sau, 7 tháng Tư, thêm một chiếc OV-10 bị bắn rơi, thêm môt phi công nằm trong tầm tay của địch. Trung Úy phi công Bruce Walker có lên máy liên lạc, còn Trung Úy TQLC Larry Potts không thấy gọi cấp cứu.

Một sĩ quan Hoa Kỳ tên là Anderson bay ra Đà Nẵng, ghé phòng Cố Vấn Hải Quân (Navy Advisory Group), một phần thuộc đơn vị tối mật MAC-SOG (Biệt Kích). Anderson thảo kế hoạch cho một sĩ quan Người Nhái (SEAL) cùng một toán sáu quân nhân Biệt Hải Việt Nam bơi dọc theo sông Miễu Giang đến điểm hẹn gặp các phi công lâm nạn rồi đưa họ về. Các phi công sẽ được máy bay liên lạc ra lệnh tìm cách di chuyển ra bờ sông.

Đến Đà Nẵng, Anderson xin một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ Craig Dorman tìm một người can đảm tình nguyện làm chuyến “Kinh Kha”. Cuối cùng một sĩ quan người nhái Hoa Kỳ Tommy Norris đang làm việc dưới quyền Sutherland trong vùng châu thổ sông Cửu Long xin đi. Máy bay của quân đội Hoa Kỳ tức tốc đem chàng ra Đà Nẵng gặp Anderson.

Ngày 10 tháng Tư, Norris, Anderson cùng toán cảm tử quân Việt Nam ra đến một tiền đồn của QLVNCH đối diện với địch quân. Tiền đồn này gần phi công lâm nạn Hambleton, trên đường số 9. Trong đồn chỉ có một trung đội Biệt Động Quân và hai chiến xa.

Theo kế hoạch của Anderson, phi công FAC gửi điện văn ra lệnh cho ba phi công đang trốn ở ba nơi, tìm cách ra chỗ có bùn (bờ sông). Đêm hôm đó Norris cùng toán biệt kích xuống sông Miễu Giang. Toán biệt kích được lệnh tìm kiếm trong vòng một cây số.

Khi toán biệt kích xuống sông, Anderson dùng hồng ngoại kính theo dõi các hoạt động của địch và liên lạc với máy bay điều không FAC. Phi công Clark di chuyển trước vì chàng ở gần bờ sông. Anh ta ra quá sơm, quá điểm hẹn làm Norris cùng toán biệt kích phải quay lại “tóm cổ” anh ta đem về giao cho Anderson. Chàng phi công Clark là người đầu tiên được cứu thoát. Toán biệt kích vẫn còn hai “Trự” nữa phải đi tìm.

Qua sáng ngày 11, quân Bắc Việt trông thấy hai chiến xa cuả QLVNCH, chúng pháo kích vào tiền đồn nhỏ làm chết 5 và bi thương 15 quân nhân (BĐQ + Thiết Giáp). Anderson chạy ra giúp mấy quân nhân Việt Nam bị thương cũng bị một mảnh súng cối trúng mặt bị thương và được lệnh quay trở vào Saigon. Tuy nhiên vận may ở với người Hoa Kỳ, máy truyền tin cấp cứu phi công Hambleton đem theo đúng ra đã hết pin, vẫn liên lạc tốt (Bi bắn rơi từ hôm 2 tháng Tư).

Ngày 13, chỉ còn lại Trung Úy Norris cùng Trung Sĩ Nguyễn Văn Kiệt, người nhái HQVN lấy một cái bè bỏ không đi tìm Hambleton. Lúc này Trung Tá Hambleton đã kiệt sức, được Norris cùng Trung Sĩ Kiệt bỏ lên bè, lấy bùn đắp lên ngụy trang rồi chèo trở về. Trên đường về họ bị lộ nhưng Norris đã gọi các phi tuần A-1 Skyraider đến oanh kích cản địch, và họ đã thành công.

Viên phi công Bruce Walker kém may mắn hơn. Ngày 15 tháng Tư, FAC ra lệnh cho anh ta tìm cách di chuyển ra bờ sông nhưng chỗ ẩn trốn của anh ta nằm giữa lòng địch. Ngày 18, FAC ra lệnh cho Walker di chuyển về phiá đông. Địch tìm thấy anh ta, sau đó FAC không còn liên lạc được với Walker nữa. Walker vẫn còn mất tích cho đến nay.

Trung Úy Tommy Norris được ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương (Medal of Honor), Trung Sĩ Nguyễn Văn Kiệt được huy chương Thập Tự của Hải Quân (Navy Cross). Darrell Whitcomb viên phi công FAC trong đặc nhiệm BAT 21 đã nghiên cứu rất kỹ về chuyện này. Tổn thất rất cao:

  • 2 UH-1 Huey
  • 1 CH-53 Jolly Green
  • 2 OV-10 Quan Sát
  • 1 A-1 Skyraider
  • Nhiều phi cơ khác bi trúng đạn hư hại
  • Hơn 850 phi vu cấp cứu, yểm trợ.
  • Hàng triệu Dollar bom đạn
  • 11 quân nhân tử trận, hai phi công bị bắt sống.
Để cứu một phi công bị bắn rơi?

Ông Darrell Whitcomb đã giải ngũ với cấp bậc Đại Tá. Trong chuyến hội nghị về QLVNCH vừa qua, ông ta có tham dự cùng với người hùng Nguyễn Văn Kiệt. Ông ta rất cảm động khi được nghe anh Kiệt kể lại chuyến ra đi “Kinh Kha” của anh trong sứ mạng BAT 21.

 

From the book: George J. Veith, “Code-Name Bright Light”. The Free Press, NY. 1998. Pages: 318-325.

Dallas, May 16, 2006 vđh