Menu

DELTA THUNG LŨNG TỬ THẦN

Donald J. Taylor, Sergeant Major (Retired), U.S. Army Special Forces

Project Delta Recon Team Leader, July 1968 - July 1970


Chương trình Delta tăng phái cho sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Cass Park không được thành công cho lắm. Đến cuối tuần lễ thứ ba trong tháng Tư năm 1969, Delta đã hành quân xâm nhập ba tuần lễ vào thung lũng A Shau. Và không một toán biệt kích nào thành công, lấy được những tin tức quan trọng về địch quân cho sư đoàn 101 Dù Hoa Kỳ tổ chức cuộc hành quân vào thung lũng A Shau sắp tới.

Trung đội “Thẩm định trận đánh bom” (BDA) cùng với tiểu đoàn 81 xung kích mở cuộc hành quân vào thung lũng, đem về được ít tin tức của địch. Những toán biệt kích sáu người và những toán biệt kích “chạy đường mòn” xâm nhập vào đều đem về “hậu quả tai hại”. Một toán biệt kích với ba quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ, ba Việt Nam bị mất tích. Một toán biệt kích “chạy đường mòn” cũng bị mất tích. Phi đoàn trực thăng Tấn Công 281 rơi ba trực thăng, và cuộc hành quân chỉ còn một tuần lễ sẽ chấm dứt.

Sau ba tuần lễ hành quân xâm nhập, Các cấp chỉ huy Hành Quân Delta chỉ có thể nói rằng, địch quân có những toán “lùng và diệt” cấp trung đội, chống lại những toán biệt kích Delta xâm nhập vào giang sơn của họ. Những trung đội này có thể được gom lại nhanh chóng để đương đầu với trung đội “Thẩm định trận đánh bom”. Và nếu đưa cấp đại đội xung kích (Người Hoa Kỳ gọi là Biệt Động Quân) vào, sẽ đụng với cấp tiểu đoàn của địch.

Kỹ thuật xâm nhập, dò thám của Delta không có hiệu qủa trong thung lũng A Shau. Sư đoàn Dù 101 Hoa Kỳ phải tìm cách khác, dựa vào kỹ thuật tân tiến, khoa học. Họ giao cho Delta những máy dò điện tử đặt trên mắt đất (UGS) và dụng cụ nghe lén điện thoại... Bỗng nhiên, Hành Quân Delta “làm việc” với những dụng cụ điện tử tối tân, hiện đại.

Sau chuyến xâm nhập vào thung lũng A Shau trước đây, một nửa toán biệt kích của tôi (3 người) xin “xuất gia”, nên được bổ sung hai quân nhân LLĐB/HK và một Việt Nam. Tuy nhiên, trung sĩ David L. Grange Jr. và trung sĩ William R. “Grit” Pomeroy Jr. chỉ đi với toán biệt kích của tôi một lần để gài máy dò điện tử (UGS). Nhiệm vụ cấp bách, chúng tôi chỉ có một này để học cách gài máy dò, thực tập lại vài kỹ thuật tác chiến.

Sư đoàn 101 Dù trao cho chúng tôi năm máy dò điện tử (UGS), có một thiếu úy đi theo để huấn luyện cho các toán biệt kích Delta cách gài máy dò. Máy dò điện tử là một hộp sắt mầu đen, cỡ thùng đạn đại liên 50, nặng khoảng 25 cân Anh (lbs). Trọng lượng này phần lớn là bình điện nằm bên trong. Ngoài ra còn dụng cụ đo lường số lượng địch quân trong khu vực và cuộn dây cable nặng tới bốn mươi cân Anh. Đại đội trinh sát (viễn thám) sư đoàn Dù chắc mừng hơn trúng số, khi LLĐB (Delta) “gồng” những chuyện này cho họ.

Kỹ thuật lúc đó vẫn còn đơn sơ, toán biệt kích đào một rãnh thật nhỏ, rộng 6” (inches), sâu 6” rồi chôn sợi dây cable ngang con đường mòn địch di chuyển, đầu bên kia gắn vào máy dò. Sau đó dựng cần antena ngụy trang trên một cành cây, mở máy dò, chôn xuống đất trong một bụi rậm. Xong đâu đó, phải xóa bỏ mọi dấu vết, để che dấu tai mắt của địch quân. Sợi dây cable sẽ đo lường mức độ di chuyển, số người đi ngang qua, chuyền vào máy dò để lưu trữ. Hàng ngày, máy bay thám thính sẽ bay ngang qua khu vực thâu thập dữ kiện (data) gửi về bộ tư lệnh sư đoàn Dù cho chuyên viên phân tích. Viên thiếu úy Nhẩy Dù nhấn mạnh rằng, sau khi mở máy dò (activate), máy sẽ tự động phát nổ khi bị di chuyển, trường hợp bị địch khám phá.

Trong lúc thực tập, mở máy tắt máy, không hiểu vì lý do kỹ thuật hay viên thiếu úy sư đoàn 101 Dù không thông suốt, tất cả năm máy dò điện tử (UGS) đều phát nổ, bốc cháy. Cà đám biệt kích dẫm lên nhau để chạy, viên thiếu úy bị phỏng cả hai bàn tay. Ông ta mới vừa dặn dò chúng tôi trước khoảng 5, 10 phút, phải thật cẩn thận. Loại chiến cụ mới nhất của quân đội Hoa Kỳ, và cả sư đoàn Dù 101 chỉ có... năm máy dò điện tử.

Không một máy dò điện tử “sống sót” qua buổi huấn luyện, toán biệt kích của tôi nhận nhiệm vụ đi gài máy nghe điện thoại lén. Dụng cụ nghe lén là một máy giống như máy cassette Sony, và đường dây điện thoại của địch, chúng tôi phải đi tìm trong thung lũng A Shau.

Dụng cụ nghe lén cũng đơn giản, dễ xử dụng, chúng tôi chỉ cần nửa tiếng đồng hồ chỉ dẫn rồi vào trung tâm hành quân để nghe thuyết trình về chuyến xâm nhập và nhiệm vụ. Khu vực hành quân dành cho toán biệt kích, ban tham mưu bộ chỉ huy Hành Quân Delta tin là có đường dây điện thoại của địch giăng ngang qua. Chúng tôi có nhiệm vụ xâm nhập, đi tìm đường dây điện thoại, gắn máy nghe lén (thâu âm), rồi phải quay trở lại ngày hôm sau (24 giờ) thâu hồi máy nghe len, đem về. Theo như lời ban tham mưu Delta, chuyến xâm nhập này... dễ dàng.

Mới đầu tôi cũng tưởng máy nghe lén cũng tương tự như máy dò điện tử (UGS), phi cơ có thể thâu hồi dữ kiện (data). Không ngờ, toán biệt kích phải “nằm vùng” 24 tiếng đồng hồ, quay trở lại ngày hôm sau để thâu hồi máy nghe lén. Ban tham mưu Delta không thực sự hoàn toàn hiểu được sự nguy hiểm đang chờ đợi các toán biệt kích trong thung lũng A Shau.

Với quân số đông đảo trong thung lũng, địch quân sẽ trông thấy trực thăng vào thả toán biệt kích. Chúng sẽ cho người dò tìm toàn biệt kích, lần mò đến chỗ gắn máy nghe lén điện thoại, và đưa một trung đội đến bố trí điểm phục kích... chờ toán biệt kích quay trở lại với mục đích thâu hồi máy nghe lén. Thung lũng A Shau qủa là một Thung Lũng Tử Thần. Chiều hôm đó tôi đi bay trên chiếc FAC, thám sát khu vực hành quân, tìm điểm xâm nhập, triệt xuất. Khu vực hành quân này nằm tận cùng thung lũng, nơi điạ thế bắt đầu nâng cao lên trở thành vùng cao nguyên thuộc Quân Đoàn II VNCH. Những con suối trong khu này đổ vào sông A Sáp, uốn quanh lên hướng tây bắc và qua Lào.

Thung lũng A Shau trải dài từ hướng đông nam lên tây bắc, như một đường hầm, phần nở rộng ở trên, thắt lại nơi cuối thung lũng. Vùng hành quân cho toán biệt kích của tôi nằm tận cùng phiá nam, nơi các đơn vị Bắc Việt đi ngang qua, để xâm nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Thung lũng A Shau cũng là nơi phát xuất cho các đơn vị tấn công thành phố Huế vào năm trước (Tết mậu Thân 1968).

Hành quân biệt kích xâm nhập thung lũng A Shau là một thử thách khó khăn nhất. Ngoài những căn cứ, trạm canh gác báo động của địch, toán biệt kích cũng phải tránh né người Thượng sinh sống trong khu vực. Sau khi trại LLĐB A Shau di tản trong tháng Giêng năm 1966, ước chừng có khoảng 30000 người Thượng thuộc sắc tộc Pa Kô sống trong thung lũng. Khi LLĐB đi khỏi, người Thượng bắt buộc phải cộng tác với địch quân nếu không muốn bị tiêu diệt.

Những người Thượng là những tay săn bắn tài giỏi. Họ thuộc điạ hình, điạ vật trong thung lũng như khu vườn của họ... và chắc rằng, quân đội Bắc Việt xử dụng họ để tìm dấu vết toán biệt kích xâm nhập. Sáu tháng trước đó, tôi cùng Mũ Xanh Jerry Nelson trông thấy một toán người Thượng đi tìm chúng tôi. Họ đã đi săn bắn khi còn là những đứa trẻ, nên thuộc từng ngọn đồi, giòng suối, bụi rậm trong khu vực thung lũng.

Sau khi bay thám sát khu vực hành quân chừng ba mươi phút, tôi chọn bãi đáp chính trên một ngọn đồi nơi hướng tây, cách khu vực dò thám tìm dây điện thoại của địch khoảng một cây số. Trong khu vực dò thám trông rất rõ một đường mòn, chạy dọc theo chân núi theo hướng đông tây. Với điạ thế này, trực thăng chở toán biệt kích sẽ bỏ đội hình khi còn cách mục tiêu khoảng 15 cây số, bay thấp sát đầu ngọn cây, dọc theo bờ sông cho đến bãi đáp thả toán biệt kích.

Ngày hôm sau, tôi thuyết trình kế hoạch xâm nhập, hành quân dự trù cho ban tham mưu Delta cùng toán biệt kích rồi chúng tôi lên đường vào lúc xế chiều, trước khi trời tắt nắng. Theo đúng kế hoạch, chiếc trực thăng chở toán biệt kích tách ra khỏi đội hình khi còn cách mục tiêu khoảng 15 cây số. Lần này toán biệt kích cũng phải xâm nhập bằng thang dây, leo xuống từ trực thăng (tất cả các khoảng trống trong thung lũng A Shau đủ rộng cho trực thăng đáp đều có người của địch canh gác).

Khi xuống tới mặt đất, toán biệt kích vội vã di chuyển đến và bắt đầu leo lên một rặng núi nơi hướng đông bãi đáp. Lộ trình di chuyển cho toán biệt kích, tôi dự trù leo lên tới đỉnh núi, sau đó di chuyển về hướng nam, đến khu vực lục soát, tìm dây điện thoại của địch.

Để được an toàn, toán biệt kích tiếp tục leo núi, cho đến khi trời tối hẳn mới tìm một điểm đóng quân đêm. Lần này cẩn thận hơn, tôi cho gài một quả mìn chống biển người Claymore, trên lộ trình toán biệt kích vừa đi qua.

Nằm trong đám cỏ tranh không được lâu, chúng tôi nghe tiếng cuốc đào xới trên núi. Mới đầu nghe như tiếng vọng (echo) trở lại, nhưng tiếp theo là những nhát cuốc vào lòng đất nghe rõ hơn. Địch quân đang đào hầm hố phòng thủ, ngay trên rặng núi bên cạnh, và trên đỉnh núi, có lẽ chúng chuẩn bị cho những trận oanh kích của phản lực và trực thăng võ trang. Sáng mai... toán biệt kích sẽ biết ngay.

“Vấn đề” trở nên xấu hơn, sau nửa đêm, mưa bắt đầu rơi và kéo dài suốt đêm cho đến sáng hôm sau. Với thời tiết mưa gió, trực thăng cũng như các phi tuần phản lực không thể lên đánh yểm trợ, giải vây cho toán biệt kích. Di chuyển cũng khó khăn vì đang ở trên núi, trời mưa, lộ trình rất trơn, dễ bị trượt chân. Mà cũng không thể nằm lại nơi đóng quân đêm, nằm chờ địch quân đến “thăm”. Tôi đợi cho trời sáng hẳn mới ra lệnh cho “Grit” thâu hồi quả mìn Claymore đặt đêm qua, để di chuyển. Nghe tiếng địch quân đào hầm hố trên đỉnh núi đêm qua, chúng tôi sẽ di chuyển trên sườn núi, đi vòng theo hình dáng của qủa núi.

Trong khi ngồi chờ Grit đi lấy quả mìn về, tôi cùng với Dave Lange và một LLĐB/VN đưa mắt nhìn xa về hướng lộ trình toán biệt kích đã đi qua, để ý quan sát nếu có địch quân bám theo đuôi. Chợt một hình bóng hiện ra từ một bụi rậm chỉ cách chỗ đám biệt kích khoảng mười lăm thước. Tôi nhìn kỹ lại, bóng đen biến thành mầu xám, rồi lửa loé ra từ mũi súng, rồi nhiều ánh lửa khác từ trong bụi cây loé lên. Khoảng cách quá gần, chúng tôi chỉ nhìn thấy tia lửa lóe ra từ mũi khúng. Bên trái tôi là Dave Lange, bên phải là một LLĐB/VN, cả ba chúng tôi đều nổ súng cùng lúc theo phản ứng tức thời. Grit và một LLĐB/VN khác, ném lựu đạn xuống và trận đọ súng kết thúc. Chúng tôi ở vị trí trên cao nên có lợi thế hơn.

Tôi nhìn quanh toán biệt kích, may mắn không ai trúng đạn. Tất cả nhanh chóng lục ba lô lấy thêm đạn và lựu đạn phòng thân. Grit luôn luôn đem theo tám quả lựu đạn M-26, bốn qủa đựng trong bao đựng bi đông nước, bốn qủa dự trữ bỏ trong ba lô. Trong trận đánh chớp nhoáng vừa qua, anh ta đã xử dụng hết bốn qủa trong túi bi đông nước, bây giờ phải lôi từ trong ba lô ra thay vào.

Mọi người trong toán biệt kích có vẻ đều bình an, nhưng tôi ngửi thấy mùi khét, một thứ mùi da thịt cháy. Sức công phá, vận tốc của viên đạn với khoảng cách gần, cọ xát vào da thịt có thể gây ra mùi khét như bị đốt cháy. Tôi quay đầu nhìn quanh, sau lưng áo “cọp vằn” (quần áo LLĐB) Dave Lange, có một lỗ nhỏ, xung quanh thấm máu đã thành mầu đen. Thật lạ và may mắn cho Dave, viên đạn đi xuyên qua ngực mà không trúng vào một miếng xương sườn, ra luôn sau lưng. Tôi lên tiếng hỏi Dave một câu hết sức ngu xuẩn. “Dave!”, tiếng trả lời “Yeah!”. “Anh có sao không?”, “Tôi không sao. Thế còn anh thì sao?”. Câu hỏi ngược lại làm tôi ngạc nhiên. “Dave. Tôi không sao, nhưng anh đã bị trúng đạn”.

Anh chàng Dave quá hăng say, căng thẳng vẫn chưa biết mình đã ăn đạn, suýt chết. Rồi tỉnh bơ hỏi “Vậy hả. Đạn trúng chỗ nào?”. Rồi giơ tay đưa khẩu CAR-15 lên cao, tay trái sờ lên ngực, dính đầy máu “Ô. Cuc cứt!” (Oh. Shit!). Tôi nói Grit, lôi anh chàng Dave lui vào bên trong, băng vết thương cho anh ta, tôi và mấy quân nhân LLĐB/VN vẫn quan sát mọi động tịnh xung quanh vị trí toán biệt kích.

Nhận định tình hình, tôi biết chắc toán biệt kích đã bị bao vây. Tiếng địch quân la hét trên đỉnh núi, dưới chân núi. Chắc họ đang gọi toán tiền sát vừa đấu súng với bọn tôi, đâu biết đã bị tiêu diệt. Vị trí đã bị lộ, toán biệt kích trả lời địch quân với một quả đạn 40 ly từ khẩu M-79 đã cưa ngắn nòng.

Tôi gọi đài tiếp vận truyền tin, yêu cầu cho phi cơ thám thính FAC lên vùng, chúng tôi đã chạm địch và một LLĐB/HK bị thương, chúng tôi cần được triệt xuất khẩn cấp. Vài phút sau, chiếc FAC đã bay trên đầu, nhưng không thấy toán biệt kích vì nhiều cây cao che khuất. Fac yêu cầu tôi đánh dấu bằng lựu đạn khói. Một quả vẫn không thấy, chúng tôi ném thêm một quả nữa và FAC cho tôi biết, vị trí của toán biệt kích không nằm trong khu vực hành quân ấn định.

Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu, phi công FAC muốn ám chỉ điều gì, sau này tôi mới biết, ngày hôm qua, phi cơ trực thăng đã thả toán biệt kích vào nhầm bãi đáp. Thực ra, lỗi lầm này do phi công FAC, điều động trực thăng thả biệt kích vào nhầm bãi đáp. Đặc biệt trong thung lũng A Shau, điều nhầm lẫn rất dễ xẩy ra, từ rặng núi lớn có những nhánh nhỏ chạy dài ra xuống chân núi như những ngón tay. Từ trên cao nhìn xuống rất giống nhau, muốn chắc chắn phải đếm những ngón tay mới đúng vị trí.

Một phi tuần phản lực cũng đã lên vùng, tôi chỉ điểm oanh kích trên những “ngón tay” bên cạnh, nếu không khi trực thăng cấp cứu vào “bốc” toán biệt kích sẽ có “vấn đề” với bọn chúng. Trong khi hai chiếc Phantom F-4 thả bom, bắn hỏa tiễn xuống mục tiêu, phi công FAC báo cho tôi biết, tìm một bãi đáp, trực thăng cấp cứu đang trên đường tới.

Cũng may, Dave bị thương, mất nhiều máu nhưng vẫn bước đi được, nếu không tôi phải yêu cầu cấp cứu toán biệt kích bằng dây McGuire Rig. Tôi ra lệnh di chuyển vòng theo triền núi, Grit đi phiá sau, vác ba lô cho Dave. Cả toán biệt kích đi cho đến khi tìm được một khoảng trống, có thể làm bãi đáp.

Đến một khoảng trống, có thể làm bãi đáp, chúng tôi dùng chất nổ plastic C-4 đốn ngã một cây lớn, những cành cây khác có nhánh đâm ra, chúng tôi khai quang bằng M-16. Vừa khai quang xong bãi đáp, chúng tôi có thể nghe được tiếng trực thăng đang bay đến. Tôi quang ra một qủa khói mầu đánh dấu bãi đáp, và FAC điều động chiếc trực thăng chính bay bào.

Tôi báo cho FAC, Dave bị thương, không thể leo thang dây, do đó toán biệt kích cần cả hai chiếc trực thăng vào câu lên bằng dây McGuire Rig. Lúc đó hai trực thăng võ trang vào trước và FAC điểu động hai chiếc này bắn phá khu vực xung quanh bãi đáp. Tiếng chiếc trực thăng thứ nhất nghe rõ dần rồi hiện ra ngay khoảng trống. Viên trung sĩ phi hành đoàn, nhanh nhẹn thả mấy sợi dây McGuire Rig xuống. Như tôi đã ra lệnh trước, Dave, Grit và một LLĐB/VN chạy lại, cột ba lô vào dưới dáy sợi dây, ngồi vào trong vòng và cho bàn tay trái vào vòng tan toàn, rồi giơ ngón tay cái lên ra hiệu cho người chuyên viên “câu” biệt kích, cất cánh. Chuyến đầu tiên diễn ra êm xuôi, không đến 30 giây đồng hồ. Chiếc trực thăng thứ hai bay vào đúng khoảng trống, thả xuống một thang dây dài 35 bộ. Tôi nhìn lên trực thăng, nhận ra bạn hiền, trung sĩ Johnny G. Santora, nơi cửa. Đúng lúc đó tiếng đạn nổ vang dội, như dưới âm ty điạ ngục. Chiếc trực thăng cấp cứu trúng đạn súng tiểu liên AK-47, người xạ thủ đại liên M-60 trả đũa, bắn xối xả lên sườn đồi. Tôi thoáng nghĩ, “Thôi rồi!”, chiếc trực thăng sẽ bốc lên cao và dọt lẹ, nhưng viên phi công vẫn bình tĩnh, không muốn bỏ rơi những người vẫn còn kẹt trong lòng địch. Thấy vậy, tôi bắt buộc phải leo lên thang dây giữa tiếng súng của địch.

Trung sĩ Santora phản ứng rất nhanh, có lẽ nhờ vậy cứu được chúng tôi, anh ta quang ba sợi dây McGuire Rig xuống cho hai LLĐB/VN ngồi vào, còn tôi đang móc dính vào thang dây trực thăng. Tôi ra dấu hiệu “OK!” và chiếc trực thăng bay lên cao.

Chiếc trực thăng hướng về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài, ba đưá tôi đeo lủng lẳng dưới bụng trực thăng khoảng 100 bộ. Tôi nhìn về hướng thung lũng “Tử Thần” lần chót, hy vọng không phải vào đó thêm một lần nữa.

Hai hôm sau, Hành Quân Delta dọn dẹp căn cứ hành quân Phú Bài. Thung lũng A Shau được bàn giao trách nhiệm cho đơn vị Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (SOG), và họ cũng bị tổn thất trong những ngày tháng sắp đến.

Khi bình phục, Dave Lange trở thành toán phó của tôi khi Hành Quân Delta vào thám sát khu vực An Hòa. Ít lâu sau, tôi đề nghị Dave lên làm trưởng một toán biệt kích khác khi Delta di chuyển lên căn cứ hành quân tiền phương Mai Lộc.

Dallas, Texas April 11th, 2010

vđh