HÀNH QUÂN DELTAVũ đình HiếuI. GIỚI THIỆU Chương trình Delta là một đơn vị hoàn toàn Việt Nam, do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA tổ chức dưới danh hiệu Leaping Lena, được Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ huấn luyện. Chương trình Leaping Lena là nơi phát sinh ra các chương trình hành quân biệt kích trên chiến trường miền nam Việt Nam. Đơn vị đặc biệt này là tiền thân cho kế hoạch nổi tiếng OP-35 (Operation Plan 35), trực thuộc Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (MACV-SOG, Nha Kỹ Thuật TTM). Đơn vị SOG đã tổ chức những hành quân biệt kích vượt biên qua Lào, Cambodia từ năm 1966. Việc huấn luyện kỹ thuật viễn thám cho chương trình Delta, thúc đẩy cơ quan MACV thành lập trường huấn luyện viễn thám (Recondo School) ở Nha Trang. Và cũng bắt đầu bằng chữ Hy Lạp (Greek), các chương trình khác được thành lập Sigma, Omega. Bài viết này tóm lược về sự thành lập, lịch sử của chương trình Delta. II. TỔNG QUÁT Trong tháng Tám năm 1950, Hoa Kỳ gửi một ban cố vấn nhỏ sang Việt Nam, để giúp đỡ người Pháp trong việc huấn luyện quân nhân Việt Nam xử dụng, bảo trì quân dụng của Hoa Kỳ, qua dự luật Trợ Giúp Hỗ Tương Quốc Phòng (Mutual Defense Assistant Act) năm 1949. Đúng ra toán cố vấn này không làm việc quân sự mà là một bộ phận trong phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ ở Saigon. Đến năm 1953, Hoa Kỳ có khoảng 200 hoặc 300 cố vấn tại Việt Nam. Được thành lập từ ngày 8 tháng Hai năm 1962, Bộ Chỉ Huy Quân Viện tại Việt Nam (MACV) được trao cho nhiệm vụ điều hành, kiểm soát, yểm trợ vấn đề tiếp vận cho số quân nhân cố vấn Hoa Kỳ, chuyên viên kỹ thuật, nhân viên đang gia tăng tại Việt Nam. Cơ quan MACV cùng với bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH là hai bộ chỉ huy, cho phép việc thành lập chương trình Delta. Trong năm 1965, cơ quan MACV được coi như bộ tư lệnh cho quân lực Đồng Minh, bộ phận mở rộng của Hoa Kỳ trong sứ mạng ngoại giao tại Việt Nam. Đơn vị Delta có thể được xử dụng trên nhiều chiến trường như: hành quân trong vịnh Vũng Rô, giải tỏa áp lực địch nơi trại LLĐB Đức Cơ, trận Tết Mậu Thân... Tuy nhiên nhiệm vụ chính cho hành quân Delta là trinh sát, viễn thám, trên bốn vùng chiến thuật. Hành quân Delta là sự kết hợp giữa một bộ chỉ huy B LLĐB Hoa Kỳ, bộ chỉ huy huấn luyện LLĐB Việt Nam và một tiểu đoàn Biệt Cách Dù. Bình thường, hành quân Delta đặt dưới quyền chỉ huy, xử dụng của một sư đoàn, và khu vực hoạt động rộng vào khoảng 2000, 3000 cây số vuông. Hành quân Delta có thể xử dụng không thám hoặc các toán biệt kích Delta xâm nhập để đạt mục tiêu. Quân Mũ Xanh Hoa Kỳ phục vụ trong chương trình Delta gồm 11 sĩ quan và 82 hạ sĩ quan, binh sĩ. Con số này có thể thay đổi, sau năm 1966, con số này tăng lên để lo vấn đề hành chánh, yểm trợ tiếp vận. Một đại đội 105 dân sự chiến đấu người Nùng được tuyển mộ để lo việc canh phòng, bảo vệ BCH Hành Quân Delta. Đại đội này có một trung đội đặc biệt, thường được đưa đến những khu vực thả bom (B-52) để thẩm định kết qủa trận không tập (BDA). Đội quân LLĐB Việt Nam phục vụ trong chương trình Delta gồm có 20 sĩ quan, 78 hạ sĩ quan, binh sĩ. Tất cả đều nằm trong BCH B-52. Ngoài ra có thêm một đại đội dân sự chiến đấu 123 người, tổ chức các toán “Chạy Đường Mòn” (Roadrunner), một trung đội thám sát và tiểu đoàn 81 (trước là 91) Biệt Cách Dù với 43 sĩ quan, 763 hạ sĩ quan, binh sĩ. Tiểu đoàn 81 Biệt cách Dù là lực lượng xung kích, tiếp ứng cho hành quân Delta (biệt kích). Tiểu đoàn này chia thành sáu đại đội, bốn đại đội nằm trong chương trình Delta, hai đại đội còn lại đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vị tư lệnh LLĐB/VN. Đại đội “Chạy Đường Mòn” do một sĩ quan LLĐB/VN chỉ huy, có hai hạ sĩ quan LLĐB/HK làm cố vấn. Đại đội này có nhiệm vụ trinh sát, dò thám. Phương pháp để lấy tin tức địch quân là ăn mặc, trang bị vũ khí của địch, xâm nhập khu vực địch kiểm soát, di chuyển trên đường mòn, những lộ trình địch thường xử dụng. Trung đội “Thẩm Định trận Đánh Bom” (BDA) có 30 dân sự chiến đấu và hai hạ sĩ quan LLĐB/HK. Nhiệm vụ của trung đội này là đánh giá kết qủa trận đánh bom, không tập. Trung đội này còn làm nhiệm vụ đơn vị tiếp ứng khẩn cấp cho toán biệt kích Delta. Một sĩ quan LLĐB/VN chỉ huy và một hạ sĩ quan thâm niên LLĐB/HK làm cố vấn cho trung đội thám kích. Trung đội này có 12 toán viễn thám, tổng cộng 48 quân nhân LLĐB/HK và 72 quân nhân LLĐB/VN. Mỗi toán có 4 người Mỹ và 6 người Việt Nam. Trong chương trình Việt Nam hoá chiến tranh, có hai toán biệt kích Delta hoàn toàn LLĐB Việt Nam. Nhiệm vụ cho các toán viễn thám này là trinh sát, dò thám khu vực địch kiểm soát. Những yêu cầu xử dụng hành quân Delta phải do cấp quân đoàn gửi lên bộ TTM/QLVNCH và cố vấn trưởng quân đoàn gửi lên bộ tư lệnh MACV cứu xét. Những yêu cầu xử dụng hành quân Delta sẽ được cứu xét theo thứ tự ưu tiên, và cấp quân đoàn thường được xử dụng trong thời gian 30 ngày. Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ trong vùng chiến thuật xử dụng hành quân Delta phải cung cấp những nhu cầu cần thiết cho đơn vị Delta tăng phái. Sĩ quan tham mưu trong hành quân Delta sẽ phối hợp với đơn vị được tăng phái và thường giao cho Delta một khu vực hoạt động rộng khoảng chừng 2500 cây số vuông. Khi đến vùng hành quân, Delta sẽ thiết lập căn cứ hành quân tiền phương (FOB), thường nơi đầu một phi đạo (các toán biệt kích Delta cần trực thăng để xâm nhập cũng như triệt xuất) có thể đáp loại máy bay vận tải C-123. Nếu kiếm không ra phi đạo gần khu vực hoạt động, hành quân Delta sẽ thiết lập căn cứ yểm trợ tạm thời (MSS) để phi cơ C-123 đưa đơn vị Delta đến khu vực hành quân cùng với đồ tiếp vận cần thiết của họ. Thường căn cứ hành quân cho Delta phải được thiết lập trong vòng năm ngày. Khi đến căn cứ hành quân tiền phương, Delta sẽ xử dụng đủ mọi phương tiện để hành quân thám sát khu vực địch kiểm soát, gọi phi cơ oanh kích những căn cứ, hậu cần của địch khi các toán viễn thám tìm ra. Thẩm định kết qủa trận đánh bom, lùng và tiêu diệt địch quân, cứu tù binh, bắt cóc tù binh, để thẩm vấn lấy tin tức. Gắn máy nghe lén đường dây điện thoại, truyền tin, gài mìn bẫy trên lộ trình di chuyển của địch. Nhiệm vụ dò thám vẫn là chính yếu trong hành quân Delta. Toán biệt kích Delta thường xâm nhập vào vùng địch lúc xế chiều, trời sắp tối với bốn trực thăng chở quân và hai trực thăng võ trang yểm trợ. Sáu chiếc trực thăng bay vào bãi đáp thả biệt kích theo đội hình một hàng dọc, trực thăng chỉ huy dẫn đầu, theo sau là trực thăng chở toán biệt kích Delta, tiếp theo là hai chiếc để cấp cứu, trường hợp khẩn cấp (có địch xuất hiện nơi bãi đáp), cuối cùng mới là hai trực thăng võ trang, bay theo hộ tống. Viên phi công lái trực thăng chỉ huy, sẽ chịu trách nhiệm tổng quát, chuyến thả biệt kích, anh ta sẽ hướng dẫn (ra lệnh) cho chiếc chở toán biệt kích vào bãi đáp. Toán biệt kích có thể nhẩy ra khỏi trực thăng, xuống bằng dây, hoặc bằng thang dây. Trong thời gian thả toán biệt kích, hai trực thăng võ trang có nhiệm vụ bao vùng, để ý dấu hiệu của địch nơi bãi đáp và khu vực xung quanh. Hai trực thăng cấp cứu cùng với trực thăng chỉ huy bay trên một độ cao quan sát, đề phòng trường hợp phải thâu hồi toán biệt kích khẩn cấp (địch xuất hiện tại bãi đáp, trực thăng đổ quân bị bắn rơi...). Ngoài ra còn có thêm một máy bay quan sát (L-19, FAC) bay bao vùng, theo dõi việc thả toán biệt kích. Trường hợp khẩn cấp, chiếc FAC sẽ điều động các phi tuần phản lực hoặc khu trục lên đánh để thâu hồi toán biệt kích. Sau khi toán biệt kích đã vào vùng an toàn, sáu trực thăng lại phải làm tối thiểu một chuyến tương tự trên một bãi đáp khác để đánh lạc hướng của địch. Những toán biệt kích Delta thường đánh lừa địch bằng cách gửi những điện văn sai lạc đến đài tiếp vận, thường là máy bay thám thính bao vùng, rồi chuyển tiếp về căn cứ hành quân tiền phương. Trường hợp khám phá ra vị trí có địch, sẽ phải báo cáo ngay. Các toán biệt kích “chạy đường mòn” thường giả là người thuộc đơn vị địch, với những câu chuyện ngụy tạo. Kỹ thuật triệt xuất, thâu hồi toán biệt kích cũng tương tự như lúc thả toán xâm nhập. Khó khăn do vấn đề thời tiết, vị trí bãi đáp và địch quân. Đầu tiên, phi cơ thám thính (FAC) sẽ bay vào vùng, tìm kiếm vị trí chính xác của toán biệt kích, tiếp theo là trực thăng chỉ huy sẽ vào gửi tín hiệu nhận diện, rồi trực thăng để “bốc” toán biệt kích sẽ vào. Trực thăng võ trang vẫn tiếp tục bay theo bảo vệ. Trường hợp cần thiết, chiếc FAC có thể điều động các phi tuần lên oanh kích, giải vây cho toán biệt kích. Ngoài sự tính toán từ trước, xắp xếp hành quân tấn công theo kiểu Biệt Động Quân. Đơn vị xung kích tiếp ứng chỉ được xử dụng tùy theo mức độ chạm súng với địch của toán biệt kích Delta trong vùng địch kiểm soát. Đơn vị được đưa vào tiếp ứng đầu tiên là trung đội “thẩm định trận đánh bom” (BDA), tiếp theo là một đại đội thuộc tiểu đoàn 81 Biệt Cách Dù. Các đại đội còn lại sẽ vào sau nếu thấy cần thiết. Trường hợp chiến trường trở nên rộng lớn, đơn vị bộ binh trong vùng trách nhiệm sẽ được xử dụng. III. KHỞI THỦY Đầu năm 1964, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận nhiệm vụ huấn luyện và trợ giúp thành lập những toán biệt kích để dò thám những mục tiêu nằm trên phần đất Lào. Dưới quyền chỉ huy của trung tá George A. Viney, ông ta chọn một toán quân nhân LLĐB do đại úy William J. Richardson Jr. cầm đầu, bắt đầu huấn luyện sắc dân thiểu số thuộc nhiều sắc tộc khác nhau cùng với quân nhân LLĐB/VN. Toán LLĐB/HK huấn luyện kỹ thuật trinh sát, viễn thám, nhẩy dù xuống vùng địch. Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, các quân nhân LLĐB/VN sẵn sàng xâm nhập vào đất Lào. Đó là hành quân Leaping Lena. Hành quân “Leaping Lena” là danh hiệu cho các chuyến xâm nhập vào đất Lào, dò thám đường mòn HCM, các binh trạm, cơ sở, hậu cần của quân đội Bắc Việt đóng ở bên Lào. Sau khi huấn xuyện xong, mỗi toán biệt kích gồm có tám người với một cố vấn LLĐB/HK. Tổng thống Johnson chấp thuận cho những cuộc hành quân vượt biên nhưng không muốn có thêm cố vấn Hoa Kỳ trong các toán biệt kích. Trong thời gian từ ngày 24 tháng Sáu đến 1 tháng Bẩy năm 1964, năm toán biệt kích với đồ trang bị đầy đủ nhẩy dù xuống vùng rừng núi trên đất Lào, dọc theo đường số 9 hướng tây Tchepone. Mỗi toán biệt kích gồm tám quân nhân LLĐB Việt Nam và mỗi toán có một nhiệm vụ, khu vực hoạt động riêng biệt. Hai toán xâm nhập nơi hướng bắc đường số 9, gần đường 92. Ba toán xâm nhập nơi hướng nam, về hướng Muong Nong. Khu vực này được chọn để xâm nhập, dò thám vì rừng núi rậm rạp. Mặc dầu các quân nhân LLĐB/VN đã được mặc bộ quần áo đặc biệt (Smokey Jump Suit) chống cây nhọn đâm vào người, vẫn có một người chết khi cắt dây dù vướng trên ngọn cây để leo xuống và bẩy người khác bị thương (trật chân...). Thiếu các cố vấn Hoa Kỳ trong các toán biệt kích, số phận của hành quân Leaping Lena đen tối. Mặc dầu trong lúc huấn luyện, các biệt kích Leaping Lena đã được dặn dò phải tránh xa những làng mạc trong khu vực. Tuy nhiên hết thực phẩm đem theo, họ vào các làng tìm đồ ăn và bị giết hoặc bắt sống. Chỉ có năm người trốn thoát và được triệt xuất. Năm quân nhân LLĐB trở về báo cáo trông thấy địch quân cấp đại đội, và tất cả các cây cầu trên đường số 9 đều có người canh gác, có lẽ quân Pathet Lào. Mỗi toán biệt kích trong hành quân Leaping Lena đều có nhiệm vụ đặc biệt, ghi nhận tin tức các hoạt động của địch, bao gồm số lượng xe cộ di chuyển, pháo binh và các quân dụng nặng của địch. Ngoài ra họ còn phải nhận diện quân số, đơn vị của địch quân. Mặc dầu hành quân Leaping Lena được xem như thất bại, nhưng tin tức về quân đội Bắc Việt bên Lào do năm người sống sót đem về... đã nhiều hơn những gì Bộ Tư Lệnh Quân Viện MACV đã biết. Điều rõ ràng là có mặt quân đội Bắc Việt, cùng với trang bị của họ trong khu vực dò thám. Mỗi một khúc quanh, mỗi chiếc cầu đều có hai người canh gác. Nhiều đường mòn đã được xây dựng, cho xe cộ, binh lính di chuyển trong khu vực mà các phi cơ thám thính không thể nào nhìn thấy được vì rừng núi rậm rạp. Đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn của địch đã được trông thấy tận mắt, có đơn vị di chuyển vào phần đất nam Việt Nam nơi hướng tây Khe Sanh. Điều này đã được phối kiểm với phi hành đoàn trực thăng vào điểm hẹn để “bốc” toán biệt kích. Ngoài ra, những quân nhân trở về báo cáo nhìn thấy khoảng 30 thuyền tam bản để đưa cấp đại đội địch quân qua sông. Nhìn chung, các quân nhân tham dự hành quân Leaping Lena đều chứng minh có sự hoạt động rất tích cực của quân đội Bắc Việt trên đất Lào. Ngày 12 tháng Sáu năm 1964, bộ chỉ huy B1/110 và toán A1/111 thuộc liên đoàn 1 LLĐB/HK được gửi từ Okinawa sang làm việc tạm thời trong vòng 180 ngày tại Việt Nam. Trước đó vài hôm thiếu tá Frederick Patton cùng với thượng sĩ Robert Mattox qua trước để quan sát tình hình. Đơn vị LLĐB Hoa Kỳ này được đưa vào hành quân Delta và nhiệm vụ đầu tiên được trao phó cho họ là đi tìm cứu những quân nhân LLĐB/VN, nếu vẫn còn sống sót sau hành quân Leaping Lena. Hành quân Delta đã dựng xong một “Phố Lều” (tent city), để khi toán quân thuộc LĐ1/LLĐB/HK qua sẽ có chỗ làm việc ngay tức khắc. BCH B/LLĐB cùng với nửa toán A đóng trong “Phố Lều”, nửa toán A còn lại đến căn cứ Động Ba Thìn, đang có ba đại đội xung kích, tiếp ứng chờ đợi. Một nửa đại đội xung kích sắc dân người Nùng được trao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ “Phố Lều”, bộ chỉ huy hành quân Delta. Một nửa kia di chuyển đi Nha Trang thụ huấn khóa LLĐB cùng với LLĐB/VN. LLĐB/HK huấn luyện LLĐB/VN kỹ thuật tuần tiễu, dò thám, kỹ thuật nhẩy xuống từ trên cây cao (bài học Leaping Lena, dù vướng trên ngọn cây cao). Trung úy Don Snider là một huấn luyện viên rất khó khăn, cứng rắn. Ngày 19 tháng Sáu, khóa huấn luyện mới được có năm ngày, 14 trong số 18 quân nhân LLĐB/VN bỏ cuộc. Các quân nhân đó được cấp chỉ huy LLĐB/VN điều động đi Động Ba Thìn làm việc. Trong khi chờ đợi huấn luyện thêm số toán biệt kích, trung úy Don Snider huấn luyện thêm về kỹ thuật nhẩy dù căn bản và cao cấp. Bãi nhẩy dù không xa Nha Trang và tương đối an ninh. Kỹ thuật xâm nhập với các toán biệt kích bốn hoặc tám người. Kỹ thuật nhẩy dù ở cao độ thấp trong lúc xâm nhập, khó cho địch quân khám phá. Mặc quần áo “Smokey Jump Suit” để nhẩy dù xuống những khu vực rừng núi rậm rạp. Phương pháp chôn dấu, phá hủy dụng cụ khi xuống tới đất và tập họp toán biệt kích. Khi xâm nhập vào mục tiêu, toán biệt kích được huấn luyện kỹ thuật xâm nhập, dò thám đường mòn, báo cáo, và di chuyển đến gần một trại LLĐB biên phòng để triệt xuất. Khoá huấn luyện sẽ có một buổi thực tập nhẩy dù ở Nha Trang. Tiếp theo là một tuần lễ trên vùng cao nguyên, thực tập kỹ thuật xâm nhập ban đêm, nhẩy dù với cao độ thấp. Cuối cùng là tuần tiễu thám thính ba hoặc năm ngày dọc theo biên giới. Mỗi chuyến thực tập thường có một hay hai quân nhân LLĐB/HK đi theo. Giai đoạn cuối, chúng tôi đưa toán biệt kích đến một trại LLĐB biên phòng, thường là khu vực tam biên, để từ đó họ xâm nhập vào đất Lào. Trong thời gian người Thượng nổi loạn trên vùng cao nguyên vào năm 1964, LLĐB trong hành quân Delta được lệnh soạn thảo một cuộc hành quân đặc biệt đặt tên là Snatch (Bắt Cóc). Họ được đưa lên Ban Mê Thuột ngày 26 tháng Chín, để biểu dương lực lượng trong buôn Sa Par. Sau đó một trực thăng đáp xuống cách buôn Thượng khoảng 500 thước, đem theo một người thương thuyết, đó là chuẩn tướng William E. DePuy, trưởng phòng 3 bộ tư lệnh MACV. Ông ta đến thương thuyết để người Thượng trả tự do cho những quân nhân LLĐB/VN bị bắt làm con tin. Sau đó đơn vị đặc nhiệm này được đưa về Nha Trang. Trong trại LLĐB Động Ba Thìn, các đại đội xung kích Nùng đã được báo động, chuẩn bị đi hành quân trên vùng cao nguyên, nhưng may mắn, chuyện đó không xẩy ra. Một hành quân khác trong chương trình Delta năm 1964 cũng được báo cáo. Đó là chuyến hành quân cứu tù binh trong khu vực núi Bà Đen ở Tây Ninh, nhưng không tìm thấy tù binh thuộc quân lực Đồng Minh. Vào ngày 9 tháng Mười Hai năm 1964, trên bán đảo kéo dài về hướng đông nam quận Ninh Hòa. Ba toán biệt kích Delta xâm nhập vào trong một ngôi làng tình nghi có VC hoạt động. Hai toán bị khám phá khi xâm nhập, một toán thành công, đem về một tù binh và nhiều tin tức. Toán 1: chạm súng với cấp đại đội của địch lúc 15:58 ngày 10 tháng Mười Hai. Súng của địch bắn lên làm trực thăng không đáp xuống “bốc” toán biệt kích được. Kết quả hai biệt kích quân trong toán chạy lạc trong lúc di chuyển. Toán biệt kích sau đó chạy thoát đến một điểm hẹn khác, gặp lại hai người thất lạc. Cả toán biệt kích được triệt xuất, đem về an toàn. Nơi “bốc” toán biệt kích là một mỏm núi, trực thăng chỉ đáp được một bên, và nhân viên phi hành phải kéo lên từng người một. Toán 2: xâm nhập vào thung lũng, sau đó di chuyển ra đến bãi đáp để triệt xuất. Khi trực thăng đến, VC bắn lên dữ dội, làm chiếc trực thăng phải bay ra chỗ khác. Ba biệt kích quân bị hỏa lực của địch bắn, nằm kẹt nơi bãi đáp, phần còn lại của toán biệt kích Delta ẩn nấp sau một hào sâu. Nghĩ rằng ba người kia đã chết, họ rút lui, di chuyển ra khu vực khác. Trong khi đó trực thăng võ trang bay vào bắn yểm trợ xung quanh bãi đáp, để cho ba quân nhân biệt kích chạy ra khỏi bãi đáp, tìm đường rút lui. Chuyện đó xẩy ra hôm 11, cho đến ngày 14 tháng Mười Hai toán biệt kích Delta mới được cứu thoát. Trong thời gian đó, lợi dụng đêm tối, trời mưa, ba người lính biệt kích thất lạc bò vào trong vùng địch kiểm soát. Cả ba người lẩn trốn, đợi đến đem tối bò trở ra, dùng máy liên lạc, yêu cầu trực thăng vào “bốc”. Ba người được chỉ điểm, di chuyển đến một bãi đáp nằm gần một góc phiá xa ngôi làng. tất cả được cứu thoát, trong đó có một người bị thương được đồng đội dìu đi trong bóng đêm, ngoài trời mưa. Cũng trong tháng Mười Hai năm 1964, liên đoàn 5 LLĐB/HK chính thức qua Việt Nam thay thế liên đoàn 1 LLĐB. Thiếu tá Art Strange nhận quyền chỉ huy, điều hành chương trình Delta. Một người trong toán A, đại úy Thomas Pusser, sau này tử trận Plei Me. Cho đến thời điểm này, liên đoàn 1 và liên đoàn 7 LLĐB/HK là những người đầu tiên góp phần xây dựng chương trình Delta, và trước đó là hành quân Leaping Lena. Dallas, TX. March 25, 2010 |