Menu

TRẠI LLĐB THIỆN NGÔN (A-323)

1LT David Fetters, XO of A323, Camp Thien Ngon,
from March through August, 1969.


Trại Lực Lượng Đặc Biệt Thiện Ngôn nằm trong quận Phước Ninh, tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Việt Miên. Đó là một trại “Năm Sao” có hình dáng ngôi sao năm góc là tuyến phòng thủ chính của căn cứ. Ngay trước cổng chính có một bãi đáp trực thăng nhỏ, vẫn nằm trong chu vi phòng thủ doanh trại. Bên trong tuyến phòng thủ chính (ngôi sao) có một toán A (A-323) LLĐB/HK, toán A LLĐB/VN, nhà ăn, bãi đậu xe, một ụ súng cối lớn cho hai khẩu 81 ly và hai khẩu 4.2” (inches), máy phát điện, và ba khẩu đại bác 105 ly do binh sĩ LLĐB/HK xử dụng.

Cũng như các trại LLĐB khác, trại Thiện Ngôn có một phi đạo đắp đất, đặt tên là đường 22, chạy từ Tây Ninh, qua Trai Bí, và ngang qua trại LLĐB đến Xa Mát ngay biên giới Việt Miên, cách trại khoảng tám cây số về hướng bắc. Con đường này có hai chiều, nhưng hoàn toàn không xử dụng được vì thường bị phục kích và gài mìn.

Trại LLĐB Thiện Ngôn được xây dựng như một căn cứ phòng thủ, trong khu vực oanh kích, tác xạ tự do, không có làng mạc, dân chúng xung quanh. Căn phòng dài, dùng làm nơi làm việc, chỗ ngủ, nghỉ ngơi cho các quân nhân LLĐB/HK là một pháo đài, với những thùng sắt connex làm phòng cho mỗi người. Vị trưởng toán A LLĐB chiếm một connex nơi đầu dẫy, tôi ở cuối và năm quân nhân Mũ Xanh khác chen vào giữa. Một phòng mạch khám bệnh cho bác sĩ ngay sát cửa ra vào, phòng truyền tin chứa máy móc, dụng cụ truyền tin và một phòng nghỉ ngơi, giải trí chung cho tất cả mọi người.

Có tất cả năm đại đội dân sự chiến đấu, ba đại đội người Thượng và hai người Miên. Vợ con của họ cũng ở đó luôn, sống trong những pháo đài, hầm hố, xung quanh chu vi, tuyến phòng thủ căn cứ. Chúng tôi có một trung đội viễn thám người Thượng, nhưng cũng thường. Đơn vị được tin tưởng, thường đóng quân trong rừng, bên ngoài căn cứ là người Miên.

Đã có lần, một đại đội Công Binh Hoa Kỳ đến Thiện Ngôn, dựng tạm căn cứ dã chiến làm việc bên cạnh trại LLĐB Thiện Ngôn. Trong một tháng trời, đại đội công binh đổ đường, tráng nhựa, xây lại phi đạo cho vận tải cơ C-123 lên xuống, đem đồ tiếp tế đến cho trại LLĐB.

Xung quanh căn cứ, khoảng cách 150 thước, cây cối đều bị đốn ngã để tăng thêm độ an ninh, tuy nhiên cỏ tranh cao từ sáu đến tám bộ, cao hơn đầu người Việt, vẫn mọc tràn lan. Chúng tôi làm hàng rào, gài mìn chiếu sáng, mìn Claymore chống biển người và cả mìn chống chiến xa nữa xung quanh trại. Cho chắc ăn, trại LLĐB rải thêm thuốc khai quang và sâu trong rừng vẫn có những tiền đồn, để báo động khi địch tập trung quân tấn công.

Như đã nói ở trên, khu vực trách nhiệm của trại LLĐB Thiện Ngôn là vùng oanh kích tự do. Mọi sự di chuyển trong vùng nếu không phải của quân trú phòng LLĐB đều là mục tiêu cho phi cơ oanh kích và pháo binh tác xạ. Lúc nào cũng có những cuộc hành quân lục soát bên ngoài căn cứ. Các đại đội dân sự chiến đấu dưới quyền chỉ huy của LLĐB Việt-Mỹ thay phiên nhau, khi có một đại đội hết hạn hành quân, trở về căn cứ, một đại đội khác đã chuẩn bị ra đi.

Đôi khi trại LLĐB tổ chức hành quân xa với hai đại đội 180 binh sĩ dân sự chiến đấu, 2 quân nhân LLĐB/HK, 2 LLĐB/VN, một ban chỉ huy với khoảng từ 6 đến 8 binh sĩ người Miên, đem theo máy truyền tin. Đôi khi đem theo trung đội viễn thám. Những chuyến đông đủ như vậy, thường đi xa hơn và kéo dài ba ngày.

Trong sáu tháng phục vụ trong trại LLĐB Thiện Ngôn, tôi tham dự hai trong số ba cuộc hành quân trực thăng vận. Cũng kéo dài ba ngày, nhưng chúng tôi được trực thăng đưa ra một góc tận cùng trong khu vực trách nhiệm và lục soát ngược trở về trại. Nhiệm vụ chính cho các cuộc hành quân vẫn là tìm kiếm dấu vết các hoạt động của địch, ngăn chặn, tấn công nếu gặp.

Khu vực trách nhiệm của trại bằng phẳng, rừng rậm, cành lá che phủ mặt đất âm u. Có những khoảng trống, không có cây lớn, chỉ có cỏ tranh cao đến đầu gối, và không giải thích được. Có một giòng sông chẩy theo hướng tây nam lên đông bắc, mực nước thay đổi theo mùa, rộng khoảng 30 đến 50 bộ, và rất nhiều điả.

Thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp VC (đơn vị du kích điạ phương), chúng chỉ xuất hiện khi xuống sông lấy nước, nơi hướng nam khu vực trách nhiệm. Còn quân chính quy của địch, đóng trong các căn cứ, binh trạm xây trên đất Miên, bên kia đường biên giới. Tôi thường trông thấy họ trong những chuyến bay thám thính. Gặp những đơn vị chính quy từ miền bắc vào, họ không thèm bắn lên, đưa tay vẫy. Hình như họ biết, quân đội Đồng Minh không có quyền tấn công qua đất Miên, trừ khi họ bắn lên trước.

Trong thời gian tôi ở Thiện Ngôn, địch thường bắn quấy rối, chỉ có một trận tấn công đáng kể, nhằm vào đơn vị công binh Hoa Kỳ đang làm đường. Chúng tôi trên đường trở về căn cứ sau chuyến hành quân lục soát nơi hướng nam khu vực trách nhiệm. Đơn vị bố trí, đóng quân đêm cách trại LLĐB khoảng 2, 3 cây số về hướng nam. Đêm đó căn cứ đóng quân tạm của đơn vị công binh bị một đơn vị địch xuất hiện trong khoảng giữa chúng tôi và căn cứ tấn công.

Nằm sau lưng địch quâ, chúng tôi nhìn rõ những làn đạn lửa mầu xanh của địch bay về hướng căn cứ, và đạn lửa mầu đò từ trong trại bay về hướng chúng tôi. Người trại trưởng ra lệnh cho chúng tôi nằm yên tại chỗ tránh đạn của phe ta. Không cần phải nhẩy vào trận chiến, vì hỏa lực của đơn vị công binh mạnh hơn. Quả nhiên, một lúc sau, tiếng súng chấm dứt, địch quân đã rút lui ra khỏi bãi chiến trường.

Căn cứ cũng bị địch quân pháo kích bất thường, nhiều tuần lễ yên tĩnh, tuần khác nhận được hơn 250 quả đạn súng cối, đa số là đạn 61 và 82 ly. Thỉnh thoảng địch pháo kích bằng hỏa tiễn 107 và loại lớn 122 ly. Trước khi tôi thuyên chuyển đến trại LLĐB Thiện Ngôn, một hỏa tiễn 122 ly rơi trúng hầm ban chỉ huy trại, làm cho một y tá tử thương.

Trong những lần ra ngoài hành quân, lục soát, chúng tôi thường gặp lựu đạn bẫy mìn bẫy đã cũ phải tiêu hủy. Và lục soát xung quanh phi đạo hàng ngày, để giữ an toàn cho các chuyến máy bay tiếp tế đáp xuống căn cứ.

Dallas, TX. April 8, 2010

vđh