Menu

KẾ-HOẠCH 34-A (Bài 2)

Vũ đình Hiếu


Trong bài diễn văn lịch sử trên hệ-thống truyền hình Hoa-Kỳ ngày 31 tháng Ba năm 1968, tổng thống Johnson tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử và ra lệnh chấm dứt ném bom ngoài vĩ tuyến 20 trên miền Bắc Việt-Nam. Theo lệnh trên, bộ Ngoại-Giao nhấn mạnh cho đơn vị SOG biết, không được cho máy bay ra ngoài vĩ tuyến 20. Thi hành lệnh trên, đơn vị SOG coi như bỏ rơi sáu toán biệt-kích đã nhẩy dù xuống miền Bắc trước đây.

Hà-Nội đã bắt được vài toán biệt-kích và ép buộc những quân nhân này gửi những bản báo cáo sai-lạc về cho đơn vị SOG. Trên tấm bản đồ miền Bắc Việt-Nam trong phòng hành quân có ghim tám cây kim mầu xanh, đánh dấu vị trí hoạt động của tám toán biệt-kích. Nơi hướng tây bắc gần biên giới Trung-Hoa có bốn toán Remus, Easy, Tourbillon và Red Dragon. Hướng đông bắc , sát biên giới là toán Eagle, gần bờ biển có điệp viên Ares. Xuống dưới miền trung (Thanh-Hoá, Nghệ-An) có toán Hadley và Romeo.

Toán Verse nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Tourbillon ngày 7 tháng Mười Một năm 1965. Trong số tám người nhẩy xuống miền bắc, hai bị chết (dù không mở?). Điều này đáng nghi ngờ. Hai tuần sau, khi đã huấn luyện cho toán Tourbillon về kỹ thuật dò thám đường, toán Verse tự ý di chuyển ra khỏi vùng hoạt động. Trong mười tám tháng kế tiếp, toán Verse báo cáo lập được nhiều thành quả, nhưng thực ra rất ít. Đơn vị SOG ra lệnh cho toán Verse di chuyển đến một điạ điểm bí mật của cơ quan CIA bên Lào. Điều này toán không thi hành. Cuối cùng vào tháng Sáu năm 1967, phi-đoàn Hành-Quân Đặc Biệt 21 của SOG bên Thái-Lan dùng trực thăng bay vào miền Bắc Việt-Nam để bốc toán Verse, kết qủa một máy bay Hoa-Kỳ bị bắn rơi gần bãi đáp. Ba tuần sau, đài Hà-Nội loan tin bắt được toán Verse.

Toán Tourbillon gồm tám biệt kích nhẩy dù xuống miền Bắc ngày 16 tháng 5 năm 1962, một người chết khi xuống tới đất. Toán được tăng cường lần đầu vào tháng 11 cùng năm, cả bốn biệt kích quân đều tử nạn. Tháng 5 năm 1964, thêm bẩy người nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Tourbillon, một người chết, đến tháng 7 toán Tourbillon nhận thêm 8 người, hai người chết. Tất cả biệt kích quân đều đã qua khoá huấn luyện nhẩy dù của đơn vị SOG, mặc đồ đặc biệt để bảo vệ thân thể, tuy nhiên số tổn thất quá cao. Có thể họ bị bắt, bị giết để làm gương cho những người còn sống ‘phải hợp tác’.

Ngày 12 tháng 12 năm 1964, bốn người nhẩy xuống tăng cường cho toán Tourbillon, tám ngày sau hai bị chết trong một trận phục kích. Rồi đến toán Verse nhẩy xuống vào tháng 11 năm 1965, hai chết. Gần như mỗi lần nhẩy dù xuống miền Bắc đều có người chết.

Hai lần trong năm 1966, đơn vị SOG tìm cách thâu hồi toán Tourbillon, cả hai chuyến đều phải hủy bỏ vì toán không lên máy vô tuyến liên lạc tại bãi đáp. Đêm Giáng-Sinh năm 1966, toán Tourbillon nhận thêm hai người và hai tuần sau nhân viên truyền tin (người mới) bí mật gửi về một điện văn cho biết anh ta đã nằm trong tay địch quân.

Qua những biến cố kể trên, toán Tourbillon có lẽ đã nằm trong tay địch quân từ lâu. Khi toán Verse nhẩy dù xuống tăng cường cho Tourbillon, định mệnh đã an-bài cho các biệt kích quân trong toán. Phòng Nhì cơ quan MACV cùng với SOG giám định lại tình trạng các toán biệt-kích thả ngoài Bắc, họ đi đến kết luận tất cả các toán biệt kích đều bị địch bắt, kể cả điệp viên Ares.

Ngay từ lúc khởi thủy, kế hoạch thả biệt kích ra ngoài Bắc đã gặp trở ngại. Chuyến thả dù đầu tiên trong tháng Ba năm 1961, bị trúng đạn phòng không và phải đáp xuống khẩn cấp. Tất cả biệt kích lẫn phi hành đoàn đều bị bắt hoặc bị giết. Trong năm 1963, cơ quan CIA thả mười ba toán biệt kích xuống miền Bắc, một toán bị đơn vị an ninh Bắc Việt bắt khi vừa xuống tới đất. Năm sau, thêm 5 toán bị bắt, một toán thoát. Chuyện này lập lại trong năm 1965 và 1966, mỗi năm một toán thoát, số còn lại bị bắt hoặc bị giết gần như tại bãi đáp.

Từ năm 1961, cơ quan CIA và SOG huấn luyện, thả dù ra ngoài miền Bắc 54 toán biệt-kích tất cả 342 người. Nhiều người rất can đảm, ái-quốc bị giết bị tra tấn trong những năm tháng tù đày ở ngoài Bắc. Kế hoạch 34-A là một thất bại trong ngành phản-gián Hoa-Kỳ, nhiều chi tiết vẫn không được báo cáo rõ ràng.

Trong trường hợp toán Remus, một tù binh Bắc Việt do quân đội Hoa-Kỳ bắt được cho biết, một toán biệt kích nhẩy dù xuống một nơi gần làng của anh ta và bị đơn vị công-an biên-phòng bắt ngay tức khắc. Khi người tù binh chỉ làng anh ta trên bản đồ, nơi đó gần điạ điểm thả dù toán Remus. Tin này làm rung động bộ chỉ huy đơn vị SOG. Làm sao quân Bắc Việt có thể ‘hốt’ toán biệt kích Remus một cách nhanh chóng, điạ điểm thả dù rất xa xôi, hẻo lánh?

Trong tháng Ba năm 1968, báo ‘Nhân Dân’ của đảng Cộng-Sản miền Bắc ra thông cáo án tử hình cho tất cả những hành động chống lại cách-mạng. Đến đầu tháng Tám năm 1968, Bắc Việt cho biết đã bắt được ba toán biệt kích. Đơn vị SOG chỉ còn lại năm toán Red Dragon, Hadley, Eagle, Ares và Tourbillon và họ sắp đặt trả đũa.

SOG cho một toán biết sẽ thả dù tiếp tế đựng trong thùng chứa có hình dạng giống như bom Napalm do phản lực F-4 thả. Lần này họ cho thả bom thứ thật, và tin rằng người nhận sẽ là đơn vị công-an biên-phòng chứ không phải toán biệt kích. Trong năm 1968, máy bay C-123, C-130 của SOG thả tiếp tế (bom thật) ra ngoài Bắc tám chuyến. Công-An Biên-Phòng Bắc Việt sau đó không thèm nhận đồ tiếp tế thả cho các toán Hadley và Tourbillon nữa.

Từ cuối năm 1967, SOG thả những toán biệt-kích STRATA, dò thám đường, tìm mục tiêu 150 dặm qua khỏi vùng phi-quân-sự. Vùng hoạt động của những toán Strata nằm dưới vĩ tuyến 20 nên không bị ảnh hưởng do lệnh giới hạn không tập ngoài vĩ tuyến 20 của tổng thống Johnson. Thời gian hoạt động trong lòng địch khoảng một hoặc hai tuần lễ. Mục tiêu cho những toán Strata dò thám là hệ thống đường xá dẫn đến các đèo Mụ-Già, Ban Karai và Ban Raving, rồi đổ vào hệ thống đường mòn Hồ-Chí-Minh. hầu hết các toán đều xâm nhập qua biên giới Lào khoảng 10 dặm, trong vùng đồi núi hiểm trở.

Toán viên Strata được huấn luyện như những toán biệt kích thả ra Bắc trước đây trong căn cứ bí mật ở Long Thành. Họ được huấn luyện riêng để bảo mật, sau đó đưa ra căn cứ gần núi Non-Nước ngoài Đà-Nẵng. Tất cả mười bốn toán biệt kích Strata, số toán trong khoảng từ 90 tới 122.

Các toán Strata xâm nhập vào Bắc Việt-Nam phát xuất từ căn cứ không quân Nakhon Phanom bên Thái-Lan. Họ được phi cơ SOG C-130 Black Bird đưa vào căn cứ không quân và được lệnh ‘ở bên trong’ phòng làm việc của đơn vị SOG. Sau khi thay đổi quân phục sang quân phục của quân đội Bắc Việt, biệt kích quân lên trực thăng ‘Pony’ thuộc phi-đoàn 21 SOG Hành-Quân Đặc-Biệt. Chỉ khoảng nửa giờ bay qua 65 dặm bề ngang nước Lào. Trực thăng phải bay lên cao độ 10 ngàn bộ tránh phòng không, sau đó bay theo mây dọc theo dẫy Trường-Sơn, rồi khi vào không phận Bắc Việt, bay thấp để tránh hoả tiễn SAM đến bãi thả biệt kích.

Tất cả đều chấm dứt ngày 15 tháng Mười năm 1968 sau cú điện thoại từ Washington đến Việt-Nam cho Đại-Tá Cavanaugh chỉ huy trưởng đơn vị SOG. ‘Ông có toán biệt-kích Strata nào vượt biên ra ngoài Bắc không?’. Một tướng lãnh trong Ngũ-Giác Đài hỏi Cavanaugh. Ông trùm SOG trả lời có hai toán đang hoạt động ngoài vĩ tuyến 17. Vị tướng lãnh ra lệnh ‘Ông phải thâu hồi các toán biệt-kích trong vòng 24 tiếng đồng hồ’. Vị tướng cho biết thêm, Tổng-Thống Johnson sắp sửa ra lệnh hoàn toàn chấm dứt các phi tuần ném bom miền Bắc Việt-Nam.

Đại-Tá Cavanaugh sau này than Washington không cần biết đến sinh mạng của những biệt kích quân đang kẹt ngoài Bắc. Muốn thâu hồi một toán biệt kích trong vòng 24 tiếng đồng hồ đâu phải chuyện dễ. Rất nhiều lý do trong vấn đề hành quân ngoại lệ, thời tiết v.v... đến ngày 23 tháng Mười, các toán biệt kích Strata mới về tới căn cứ ngoài Đà-Nẵng.

Từ lúc toán Strata đầu tiên xâm nhập cho đến khi mười ba tháng sau tất cả triệt xuất, biệt kích Strata ra ngoài Bắc tất cả hai mươi sáu lần, mất tích 26 quân nhân, trong đó có hai toán bị mất hoàn toàn. Sự tổn thất do thời tiết xấu, kế hoạch cấp cứu toán biệt kích bị đình trệ, có khi đến năm ngày. Thiệt hại khoảng một phần tư trong số 102 biệt kích Strata.

25 tháng Ba, 2000