Menu

Phần 2

Giã Từ Vũ Khí

HUY VĂN


         . . . . . .

       Kết quả là Trung Tá Hoàng Phổ cùng với Bộ Chỉ Huy Nhẹ (6 quân nhân) và hai Tiểu Đoàn 21 và 37 về đến Thăng Bình sau một ngày di chuyển, và sau khi Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ đã yên ổn nằm trong căn cứ Hương An từ lâu rồi.  Đến lúc đó, Chi Đoàn Thiết Vận Xa mới rời LĐ 12 BĐQ để tăng phái cho Trung Đoàn 56 của Sư Đoàn 3BB.

       Sau đó, buổi họp được tập trung vào việc thông báo tình hình chung và tổng kết báo cáo của từng Ban và từng Tiểu Đoàn.  Cuối cùng là nhận lệnh ứng chiến tại chỗ, cũng như chờ đợi bổ sung về mọi mặt.  Không khí rõ ràng là căng thẳng.  Trong ngày, có tin Liên Đoàn nhận lệnh trực tiếp của Tướng Trưởng để cùng Sư Đoàn 3 khai thông đoạn đường từ Non Nước đi Hội An.  Nhưng rồi chờ mãi cũng không thấy gì.

       11h00.  Điện thoại từ Văn Phòng Liên Đoàn Trưởng gọi đích danh tôi qua trình diện.  Trung Tá An ngồi yên tại bàn viết chờ tôi chào kính. Ô ng mệt mỏi và xanh xao thấy rõ:

       - Bận quá nên tôi quên.  Đây là Sự Vụ Lệnh về lại 37 để coi hậu cứ cho Thiếu Tá Gio. Cố gắng nhé.

       Tôi nhận Sự Vụ Lệnh rồi trở về ban 4 ngồi thừ người.  Đây là mơ ước từ lâu nhưng bây giờ thì đã trễ.  Trung Tá An có lẽ chỉ muốn giữ lời hứa với đàn em mà thôi, vì ông dư biết trong điều kiện như hiện nay thì khó có thể nhận lãnh trách nhiệm mới.

       Tuy vậy, tôi cũng lội qua hậu cứ của Tiểu Đoàn 37, theo đường tắt vòng ngang trại gia binh.  Hậu cứ vắng tanh.  Không gặp ai quen biết, mặc dù chỉ vài tiếng trước đây còn ngồi họp với nhau bên Liên Đoàn.  Qua văn phòng của Đại Đội 3 cũng trống trơn.  Vào Câu Lạc Bộ thì chỉ gặp những người không quen.  Hỏi thăm về Nguyễn Thanh Vân, người về đơn vị sau tôi chừng một tháng, cũng không ai biết đang ở đâu.  Một người lính cho biết đã thấy Vân theo Trung Sĩ Tuấn, Trung Đội Phó của Vân ra Đà Nẵng từ lâu.

       Tôi xuống trại gia binh, định vào thăm gia đình Trung Sĩ Chế Việt, một người bạn văn nghệ, và thăm chị Hương, vợ Thiếu úy Vũ Thành Công, người đã nằm lại trên một ngọn đồi nào đó tại Quảng Tín hai tuần trước.  Cả hai nhà đều đóng cửa im lìm.  Tôi buồn bã về lại Liên Đoàn, lòng thầm nguyện vài lời kinh cho Phê Rô Vũ Thành Công, người bạn và cũng là người anh đã hết lòng chỉ dẫn tôi mọi điều.  Chiều.  Dạo một vòng qua hậu cứ 21 và 39 định tìm Cốc A Sam và Nguyễn Văn Ước, hai người bạn cùng khóa, về đơn vị cùng ngày.  Cả hai hậu cứ cũng lác đác người ra, kẻ vào.  Không ai biết hai người đồng khóa của tôi ở đâu.  Lệnh ứng chiến coi như vô hiệu lực.  Giá súng vẫn ngay ngắn nằm im trong các phòng, nhưng người cầm súng thì tản mác đâu không thấy.  Tình trạng thật đáng buồn.  Tôi như kẻ vô gia cư.  Trên nguyện tắc, là đã về lại Tiểu Đoàn 37, nhưng thực tế thì không ai màng tôi muốn ở đâu.  Thiếu Tá Gio không có công điện triệu hồi.  Ban 1 Liên Đoàn chắc là chưa cắt giảm quân số nên Hỏa đầu vụ vẫn thoải mái "Mời Thiếu úy ăn trưa".  Bữa ăn trưa không có tiếng hỏi han, bàn bạc tình hình.  Vắng mặt hầu hết mọi người.  Không khí thật buồn nản gì đâu!  Vì vậy tôi quyết định ra Đà Nẵng, một mình. 

       Mấy hôm nay nắng đẹp, trời trong, nhưng lòng người thì héo úa.  Nhịp sống Đà Nẵng vốn đã vội vàng, sôi nổi, nay lại càng dồn dập hơn, và cuống cuồng hơn bao giờ hết.  Bưu điện ra thông báo ngưng mọi dịch vụ chuyển ngân, bưu phẩm v...v...  Tình hình trầm trọng đến vậy sao?  Vậy là lương tháng nằm gọn trong túi, không còn cơ hội gởi chút ít về cho gia đình như thông lệ.  Chờ gần một tiếng mới tới phiên gọi điện thoại.  Thằng bạn thân lo lắng hỏi han đủ thứ và cho biết Sài Gòn có tin đồn sẽ bỏ Đà Nẵng.  Nhờ hắn nhắn tin tôi vẫn bình an đến gia đình và vài lời tâm tình vụn vặt khác, là đành gác máy để còn nhường cho người kế tiếp.  Số người chờ gọi điện thoại, chờ gởi điện tín, đứng đông nghẹt cả tiền sảnh, lao nhao và bất an thấy rõ.  Tôi trở ra đường, lòng nặng trĩu.  Đâu cần phải chờ SàiGòn tung tin, ngay tại Đà Nẵng này cũng đã nhìn thấy được phần nào cuộc diện.  Thành phố hỗn loạn hơn bao giờ hết.  Ngoài đường bây giờ lính đông hơn dân.  Họ đi thành từng đoàn, từng nhóm, đa số vẫn còn vũ khí.  Cướp bóc xảy ra càng ngày càng nhiều hơn.  Nhưng Đà Nẵng vẫn gượng sống.  Hàng quán vẫn xôn xao, chợ búa vẫn xô bồ, sinh hoạt vẫn như mọi ngày, mặc dù tình hình đang đến hồi chung cuộc.

       Bước chân đưa tôi dài theo Độc Lập, ra Hùng Vương để hướng về Chợ Cồn. Đi ngang cà phê Diên Hồng, ngay Ty Thông Tin thì gặp Nguyễn Văn Kiệt, anh chàng vừa theo Liên Đoàn 15 BĐQ rút về rừ mặt trận tây bắc đèo Hải Vân:

       - Đi đâu lang thang vậy cha.  Hai thằng kia đâu?  Kiệt " Mã Tấu " hỏi tôi trước.

       - Tao đi một mình.  Không gặp Cốc A Sam và thằng Ước.  Tôi vừa trả lời, vừa bắt tay chào những người ngồi chung với Kiệt.  Không ngờ mày cũng biết chỗ này.  Hai chị em cô hàng là hoa khôi ở đây đó.

       - Tao và mấy thằng em đi lòng vòng chơi.  Tình cờ thấy hai em này bảnh quá nên nhào vô luôn.  Sẵn dịp ngồi nhìn qua khách sạn Ô Kê mà nhớ hồi tụi mình mới ra nhận đơn vị.  Mày còn nhớ không?

       Tôi gật đầu rồi gọi cà phê.  Anh chàng trưởng toán Chuẩn úy "sữa" của gần hai năm trước vẫn không thay đổi: ồn ào, ruột để ngoài da và thoải mái chấp nhận mọi tình huống.

       Chúng tôi trao đổi tin tức về Liên Đoàn 15 vừa di tản vào hôm qua, về tình hình của Đà Nẵng của và những bạn cùng khóa.

       - Kệ mẹ nó.  Tới đâu thì tới.  Ai sao mình vậy.  Cho tới giờ phút này tụi mình còn nguyên vẹn là đã tốt số lắm rồi.

"Mã Tấu" nhà ta khẳng khái kết luận.

       Hai chữ nguyên vẹn làm tôi chợt nghĩ tới Đại Đội Trưởng của tôi thời còn ở Tiểu Đoàn 37.  Khi rút khỏi Kỳ An , ông bị trúng mìn cụt chân, được đệ tử cõng và Tiểu Đoàn Phó chận xe, chuyển thẳng về Đà Nẵng và đang nằm trong Duy Tân.  Tôi rủ Kiệt vào thăm Đại úy Vương.  " Mã Tấu " gật đầu ngay và nói thêm.

       - Tao có đọc thư của mày nói về một trong những người hùng trận Sa Huỳnh, kiêm " Bố Già " thương mày như con, nên muốn xem mặt ổng cho biết.

       17h30.  Quân Y Viện Duy Tân!  Vườn Hoa Tình Thương của Quân Đội.  Nơi xoa dịu những nhức nhối cả thể xác lẫn tinh thần của người chiến sĩ.  Niềm hạnh phúc vô bờ của những ai đã bỏ lại máu ,thịt, xương của mình ngoài mặt trận.  Bệnh viện tối tân đứng hàng thứ nhì của cả nước chiều nay tất bật không kém đường phố ngoài kia.  Sôi nổi nhưng trật tự.  Thật đáng khâm phục.

       Đại úy Vương còn đau và mệt sau cuộc giải phẫu, nên chúng tôi không nói chuyện nhiều, chỉ an ủi và bày tỏ sự thông cảm, đồng thời trấn an nhau về tình hình hiện tại.  Mãnh hổ một thời, nay chỉ là cọp già ba chân nên không dấu sự lo lắng cho vợ con.  Tôi hứa sẽ làm hết sức cho gia đình ông và ngay sau đó cảm thấy xấu hổ vì biết là mình sẽ không giữ được lời.

       - Nhưng ít ra mày cũng đã mang tới cho ổng một tia hy vọng. 

       Kiệt " Mã Tấu " thở dài khi chúng tôi ra cổng.  Hy vọng là liều thuốc bổ về mọi mặt!

       Tôi im lặng, trong lòng vẫn còn áy náy.  Tép riu như tôi thì làm được gì!?  Ngay lúc này tôi cũng là "Con Bà Phước" như Kiệt thôi.  Thấy tôi không vui, " Mã Tấu" cũng không bắt chuyện.  Khi về tới Chợ Cồn mới kéo tôi đi ăn.

       Cầu Vồng.  Quán cơm bình dân.  Con đường Nguyễn Hoàng dẫn về Ga xe lửa, qua Trần Cao Vân, vào Tam Tòa.  Hai đứa lội một vòng sau bữa ăn chiều, nhưng không tìm được hai người bạn Tiếp Liệu của tôi, với chủ đích là rủ nhau ra quán mà thôi.  Người nhà của họ cho biết là hai bạn đó đã không thấy về từ hôm qua.

       Lộng Ngọc.  Lại là quán cà phê quen thuộc của dạo nào chân ướt chân ráo mới ra Đà Nẵng.  Ngồi cầu may xem có tên nào "tung cánh chim tìm về tổ ấm " hay không.  Rốt cuộc cũng chỉ có Kiệt và tôi ôn cố tri tân cho đến lúc quán đóng cửa.

       - Tao hứa với một thằng em là về nhà nó ngủ, nhưng bây giờ thì trễ quá rồi.

       - Nhà ở đâu?  Tôi hỏi lại.

       - Ông Ích Khiêm.

       - Xa quá.  Thôi, bụi đời đêm nay đi.  Mai tính.  Khách Sạn Ô Kê.  Lại là Ô Kê!  Một đêm thân tình với mọi thứ trên đời đem ra kể cho nhau nghe.  Mới hôm nào cả đám gần 40 chục tên quai chảo quậy tứ tung lúc mới vừa từ Sài Gòn ra.   Sau đó là 8 tên thức trắng để sáng chia tay ra đơn vị ngay sau đêm Noel 1973.  Bây giờ chỉ có hai đứa chúng tôi nằm rù rì cho quên niềm ưu tư, lo lắng.

       Thứ năm 27-03-1975.

       Sáng.  Chia tay với Kiệt mà lòng bùi ngùi.  Hai thằng Sài Gòn gần như thức trắng đêm để bàn loạn đủ mọi điều liên quan tới thời cuộc để rồi chỉ nhìn nhau thở dài.  Lại bắt tay chúc bình an như hai năm trước.  Lại hẹn gặp nhau, nhưng địa điểm là tại...Sài Gòn!

       Hẹn, mà trong lòng rưng rức, bán tín bán nghi vì...

       Đà Nẵng trong cơn hấp hối đã trở thành ngựa chứng.  Hỗn loạn đến cùng cực.  Tình trạng tồi tệ đến mức rối rắm.  Không cách gì vãn hồi được trật tự.  Nhà cửa ngoài phố đã có dấu hiệu vô chủ.  Quân xa và cơ giới vẫn chạy nghẹt đường.  Lại thêm một ngày gượng sống để chờ phép lạ, hay đúng hơn là chờ được di tản vào Nam trước khi địch tràn vào.

       Con đường từ quốc lộ vào Phú Lộc bình thường chỉ toàn in bánh xe ôm hay lác đác vài GMC hoặc Jeep ra vào, nhưng sáng nay thì mù mịt bụi cát vì một đoàn quân xa đang từ hậu cứ chạy ra.  Không phải chuyển quân, mà dẫn đầu là chiếc Dodge của Trạm Xá.  Tôi chua xót nghĩ: không lẽ .....

       Đúng như tôi dự đoán.  Khi về tới Liên Đoàn là nhận được tin Tổng Y Viện Duy Tân đang di tản.  Xe ra đón thương binh rồi đưa họ thẳng xuống tàu Hải Quân để vào Sài Gòn trước.  Tàu hải quân đậu ở đâu, bến nào?  Không ai biết.  Cứ cho xe ra nhận thương binh thì có chỉ thị tại chỗ ngay.

       Thiếu úy cóc cắn như tôi mà còn biết là đã tới ngày cáo chung của Quân Đoàn 1 và Đà Nẵng, huống chi các đàn anh cấp lớn hơn.  Cho nên tới phiên Liên Đoàn rơi vào tình trạng vô chủ.  Cả hậu cứ vắng tanh dù mới hơn 10 giờ sáng.

       Gặp Đại úy Phương tại ban 4 thì được biết sáng nay không có họp gì cả, vì Liên Đoàn Trưởng và Liên Đoàn Phó cùng với các ban trực thuộc hành quân đều không thấy đâu.  Chắc là đi họp bên Sư Đoàn 3.  Các ban khác thì chỉ làm việc cho có rồi mạnh ai nấy chạy lo gởi gấm gia đình trên những chuyến bay cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng.  Ban 4 thì lo giúp Bác Sĩ Tín di tản thương binh.  Các Tiểu Đoàn, Pháo Đội 105 ly và Đại Đội Trinh Sát vẫn án binh bất động, cũng có nghĩa là bất khiển dụng.

       Bữa cơm trưa trong phòng ăn chỉ vỏn vẹn có năm người.  Đại úy Phương, Trung úy Long, ban 5, Thiếu úy Hướng, ban tài chánh, tôi, và người Hạ Sĩ Quan ẩm thực.  Không có ai muốn gợi chuyện hay bàn luận, kể lể, nên bữa ăn thật buồn tẻ.  Hầu như ai nấy cũng chỉ cầm hơi và cố nuốt để không phụ lòng một quân nhân hết lòng với bổn phận và hết tình với quân đội là người đã lo chu toàn hai bữa cơm cho chúng tôi.

       - Có gì đâu Thiếu úy.  Bổn phận mà.  Trung Sĩ Kính cười nhẹ khi tôi ngỏ lời cám ơn sau bữa ăn.

       Một vòng hậu cứ của 39 và 21 rồi cả khu gia binh Phú Lộc mà vẫn không tìm được Nguyễn Văn Ước và Cốc A Sam nên tôi lững thững lội ra tận ga Hòa Khánh, thăm gia đình người chủ quán cà phê Hương Xưa.

        Quán trưa, người vắng.  Anh Quyến, một Sĩ quan Cảnh Sát còn kẹt đâu đó trong Ty Nội An.  Tiếp tôi là chị Quyến và Hương, em anh Quyến.  Chúng tôi ngồi tại chiếc bàn quen thuộc, trong góc, sát quầy thu tiền.  Nơi mà chỉ mới một năm trước đây là chỗ tụ tập của nhóm nhỏ ưa thích văn nghệ đủ mọi thành phần, đủ loại sắc phục trong vùng.

        Chiếc bàn có khắc tên những người đã vĩnh viễn ra đi, là nhân chứng của một chuyện tình dễ thương và lãng mạn không thua gì tiểu thuyết, phim ảnh giữa một lao công đào binh, Hồ Huy Đăng và Hương, cô nữ sinh Trung Học Hòa Khánh.

       Hồ Huy Đăng, người lao công gốc Tiểu Khu Gia Định, dân nhà giàu ham vui, thích làm binh nhì hơn đi học khóa Sĩ Quan, chỉ vì làm lính thì dễ xin về gần Sài Gòn hơn làm quan.  Tay đàn ghi ta ngọt như Trung Nghĩa, thầy dạy nhảy của hầu hết những ai thích nhót ở Tiểu Đoàn 37 BĐQ, hai lần trúng đạn khi tải thương tại Phong Thử và Tiên Phước, là linh hồn của ban Văn Nghệ Tiểu Đoàn.  Lần nào về dưỡng quân, anh cũng ra đây ngồi mỗi ngày.  Cả đơn vị đều tin tưởng anh nên thả lỏng anh muốn đi đâu thì đi, không hỏi han, dò xét và không sợ anh bỏ trốn, dù biết là người nhà đã có lần vào tận hậu cứ để thuyết phục anh vọt ra Đà Nẵng để xuống tàu người anh rể, một Sĩ Quan cấp tá đang công tác tuần duyên tại vùng Một.

       - Dù sao nó cũng có học.  Tại gàn bướng và nghệ sĩ quá, nên cứ là lính suốt đời.

       Thiếu tá Gio đã từng công khai bày tỏ sự thương tưởng của mình đối với một lao công đào binh đa tài, đa năng.  Buồn thay, chỉ một ngày sau khi được phục hồi danh dự, cố Binh Nhứt Hồ Huy Đăng đạp mìn banh xác tại Trà Kiệu, cuối tháng 7 -1974, để lại những trái tim đẫm lệ tại Phú Lộc, Hòa Khánh và cả Sài Gòn.

       - Hồi đó vui quá. Chị Quyến chép miệng thở dài.

       - Ngày nào cũng ca hát tới khuya.  Hương cũng gật đầu phụ họa.  Mọi người đều nói chưa bao giờ khu này dễ thương đến như vậy.

       Tôi cũng góp lời nhắc những chuyện tưởng chừng như không thể nào thực hiện được trong môi trường và điều kiện của đời quân ngũ.  Trong một lần dưỡng quân.  Nhằm phiên tôi trực Đại Đội nên phải dẫn cả Trung Đội qua nằm bên hậu cứ Liên Đoàn ứng chiến.  Tối hôm đó cả nhóm văn nghệ tiểu đoàn hẹn nhau ra Hương Xưa để họp mừng Sinh Nhật của Hương.  Kẹt một người cũng mất vui, nên tôi bỏ nhỏ với anh em là nếu có gì cần thì chạy ra quán gọi tôi về ngay.

       Buổi họp mặt thật thân tình.  Quán cà phê thành sân khấu văn nghệ.  Mọi thực khách, từ bạn học của Hương cho tới hàng xóm của anh chị Quyến, vốn là những người lính Sư Đoàn 3, Chi Khu và cả Nhân Dân Tự Vệ trong khu vực, đều hát hò với nhóm BĐQ một cách thân mật và tất nhiên, người vui nhứt là cô nữ sinh vừa tròn 17 tuổi, và nổi bật hơn hết là Hồ Huy Đăng.

       Vui quá nên quên cả giờ giấc và ngoại cảnh.  Đến khi tan hàng thì tôi điếng hồn khi nhận ra cả đám em út với súng đạn đầy đủ đang cười cười đứng ngay ngoài cửa chờ chúng tôi về chung.  Thấy tôi nhăn nhó, người Tiểu Đội Trưởng khinh binh trấn an:

       - Chuẩn úy đừng lo.  Họ chỉ cần vài người theo tăng cường cho Kiểm Soát Quân Sự thôi, nên ông phó cho tụi này ra đây, cả buổi tối mà nằm treo võng trong đó thì chán chết.

       May quá.  Đúng như lời anh ta nói.  Không có gì trục trặc trong suốt mấy tiếng đồng hồ vui chơi ngoài quán.  Thật là một kỷ niệm khó quên!

       Tôi từ giã chị Quyến và Hương sau vài lời an ủi về sự lo lắng tất nhiên cho một tương lai mờ mịt . Nói với họ mà cũng như nói với chính mình vì trong hoàn cảnh hiện nay thì ai cũng như ai.  Mọi người đều là nạn nhân của thời cuộc.  Cách này hay cách khác .

       Chiều.  Hậu cứ vẫn một nhịp điệu lây lất cho hết ngày.  Thưa thớt người qua lại.  Chỉ có khu vực Phòng Tài Chánh là còn một số thân nhân tử sĩ ngồi chờ thủ tục giấy tờ và quân xa ra vào lấy nhiên liệu để lo việc chuyển tải thương binh.  Các nơi khác đều vắng tanh.  Bên Câu Lạc Bộ thì từng nhóm vài ba người ngồi bàn tán công khai tình hình chiến sự.  Tôi gặp lại Đại úy Phương tại đây.  Anh Phương ngồi một mình tư lự, tay xoay xoay ly cà phê một cách vô thức trong khi mắt dán vào khoảng trống ngoài cửa sổ kế bên.  Thoáng thấy tôi, anh vẫy tay gọi lại ngồi chung bàn.

       - Huy còn ở lòng vòng với Liên Đoàn hả?

       - Thì cũng như Đại úy thôi.

       - Tôi thì khác.  Dù sao cũng còn mấy tấn sắt vô dụng vì chẳng còn đạn, nằm bên kia chưa biết giải quyết ra sao.  Còn Huy thì đã hết bổn phận ở đây rồi mà.

       Tôi cười, nói đại khái về tình hình bên Tiểu Đoàn 37 và cả hai Tiểu Đoàn còn lại cho anh biết rồi kết luận:

       - Hậu cứ chẳng còn gì để bàn giao.  Dù có thì cũng chỉ là con số trên giấy tờ mà thôi.  Giữ sự vụ lệnh lại làm kỷ niệm còn hơn.

       Chúng tôi cùng im lặng hồi lâu.  Anh lại nhìn ra cửa sổ, còn tôi châm điếu thuốc, dựa lưng vào tường, thả bâng quơ vài vòng khói trắng, trong đầu trống rỗng.  Một lát sau, tôi nghe tiếng anh thở dài:

       - Sáng hôm qua...

       - Tôi rất thông cảm cho Đại úy.  Mọi người cũng nghĩ như vậy.  Vã lại, tôi cũng là nạn nhân của " Bố già " như anh.

       Đại úy Phương nhướng mày, ngạc nhiên, nhưng không hỏi thêm mà chỉ tiếp lời vừa bị tôi cắt ngang:

       - Tôi biết Ông An đang đau lắm.  Tôi không hận ông ấy đã đánh tôi.  Mình là vật tế thần để ông ấy đỡ mất mặt với mọi người.  Xem như đó là cách trả ơn cho Quân Đội và gánh cái nhục chung với thượng cấp . Trong hoàn cảnh như hiện nay, nếu tôi là " Xếp", thì cũng phản ứng như vậy thôi.

       Tâm sự của Đại úy Phương làm tôi suy nghĩ về chính mình trong ngày rời bỏ Tam Kỳ.  Và mặc dù vẫn thấy Liên Đoàn Trưởng hơi quá đáng, tôi cũng đồng tình với anh Phương khi nghĩ về nỗi lòng của Trung Tá An.

       Câu nói của Đại úy Phương về chuyện trả ơn cho Quân Đội cứ lảng vảng trong đầu sau khi từ giã nhau.  Mãi nghĩ ngợi lan man mà không biết tôi đã đi hết chiều dài của Phú Lộc, đang trên đường vào hậu cứ Tiểu Đoàn 37.  Nhưng thay vì quẹo phải để tới cổng chánh thì tôi đi thẳng, xuyên qua ngôi làng nhỏ, ngay trước mặt hậu cứ để ra tới biển.

       Tôi nằm dài trên cát, dưới bóng mát của hàng dương, nhìn ra khơi.  Xa xa là vài chiếc thuyền con đang hướng về chân trời, nơi có những chấm đen chập chờn trong khói sóng.  Là tàu Hải Quân như lời đồn hay là ảo giác của hy vọng mong manh?  Mặc kệ.  Tôi nhắm mắt, thiếp đi trong tiếng sóng đều đặn vỗ bờ và tiếng rì rào nhè nhẹ như âm nhạc của hàng dương cao, rậm.

       Giấc ngủ ngắn nhưng thật say, không mộng mị, đủ lấy lại sức sau mấy ngày biếng ăn, mất ngủ.  Nước biển mát lạnh làm tôi tỉnh hẳn khi vốc mấy bụm rửa mặt.  Trở ra theo con đường cũ, tôi lững thững vòng qua hậu cứ Tiểu Đoàn 37.  Vừa tới cổng thì gặp Nguyễn Thanh Vân và Trung Sĩ Tuấn, làm phó cho tôi một thời gian, bây giờ là Trung Đội Phó của Vân, cùng đi ra.

       - Về nhận bàn giao trễ vậy ông.  Vân nói đùa.  Phải khao đó nha.

       Tôi hỏi thăm tình hình thì được biết hậu cứ chỉ còn cái vỏ.  Mỗi ngày điểm danh cho có lệ.  Chỉ có trực gác là còn quy củ nhà binh, mọi thứ khác, kể cả lệnh cấm trại và ứng chiến tại chỗ coi như đã không còn hiệu lực.  Bằng chứng là hai chàng đang trên đường rời hậu cứ để ra Đà Nẵng.

       Vân rủ tôi cùng đi. Tôi gật đầu . Cả ba chúng tôi đi tắt xuống khu gia binh, băng qua đám ruộng và khu nghĩa trang cũ của người Hoa để ra Phú Lộc.  Chừng nửa tiếng sau là chúng tôi có mặt ngoài Chợ Cồn.  Trong những ồn ào của thành phố đang tuyệt vọng, có ba chàng độc thân lang thang, hòa lẫn vào dòng thác ngược xuôi của đám rắn không đầu, của đám cọp không còn móng vuốt.  Một Sư Đoàn Bộ Binh còn nguyên vẹn, hơn một Trung Đoàn Bộ Binh từ Huế vào, Ba Liên Đoàn Biệt Động Quân, Một Trung Đoàn của Sư Đoàn 2, không kể hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở vùng Hà Nha, Thường Đức và các đơn vị của Tiểu Khu Quảng Nam, Quảng Tín cùng với những đơn vị và binh chủng khác đều đang tập trung tại Đà Nẵng.  Nửa triệu người.  Trong số đó có ít nhứt 20 ngàn tay súng còn đủ khả năng tác chiến.  Vậy mà Đà Nẵng không có sức kháng cự và sắp rơi vào tay địch.  Vì sao!?

       Chúng tôi không có thì giờ và cũng không muốn nhức đầu vì những viễn ảnh đen tối nên tận dụng thời gian để lòng vòng phố xá.  Vui được lúc nào hay lúc đó.  Nên lại quán hàng lê la, lại cà phê, bi da cả buổi, rồi vòng trở lại Phước Tường, tìm đến nhà Trung Sĩ Lộc, một thời cũng làm phó cho Vân.

       Trung Sĩ nhứt Lộc "điếc" niềm nở tiếp chúng tôi và bày ngay một chầu nhậu dã chiến để " lãng quên đời ".  Chưa có cuộc nhậu nào " êm ái " như lần này vì cả bốn người không ai buồn mở miệng nói, đùa như thường lệ.  Chỉ rót cho nhau rồi yên lặng nâng ly.

       Cứ như vậy mà uống cho tới khi chị Lộc nhắc mọi người đi ngủ thì cũng đã gần sáng.

       Thứ sáu 28-03-1975.

       8h00. Lộc "điếc" quyết định không vào hậu cứ.  Trung Sĩ Tuấn cũng về nhà tận trong Tam Tòa.  Chỉ có Vân và tôi đón xe lam vào Phú Lộc, dù không biết là sẽ làm gì sau đó.

       Lại một ngày dài đang bắt đầu trong hối hả.  Đà Nẵng như đang chạy đua với thời gian.  Địch gia tăng pháo kích vào Phi Trường, đài Kiểm Báo và căn cứ Hải Quân bên Sơn Trà.  Phố vẫn đông nghẹt người và xe.  Vẫn là nỗi hớt hải như những ngày qua, nhưng hôm nay thì trầm trọng hơn.

       Chúng tôi chia tay khi vào tới Phú Lộc.  Vân theo đường tắt, băng ruộng vào Tiểu Đoàn 37.  Tôi quyết định vào Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn.  Vắng ngắt.  Chỉ lẻ tẻ một vài người còn ngồi đâu đó trong các văn phòng.  Hình như không còn ai muốn làm việc.  Câu Lạc Bộ cũng không có ai.  Tôi rảo một vòng rồi về lại văn phòng ban 4.  Chỉ có Trung Sĩ Năm đang xớ rớ trước cửa.  Tôi hỏi thăm về Đại úy Quỳnh, Trưởng Ban 4, và về cuộc di tản thương binh cả ngày hôm qua.  Trung Sĩ Năm lắc đầu:

       - Tội nghiệp Ông Quỳnh lắm.  Ổng lo đủ thứ.  Chạy tới chạy lui với Bác Sĩ Tín để lo cho anh em ngoài Duy Tân.  Nhưng khi xuống tới bến phà thì không thấy tàu nào vô được.  Tụi nó pháo quá xá.  Bên phi trường còn tệ hơn, cũng bị pháo tưng bừng.  Chết nhiều lắm.  Nghe nói mình xin cho thương binh nằm tạm trong Bệnh Viện Việt Đức để chờ tải thương tiếp.  Sáng nay Ổng có vào đây một chút để lo xin thêm xe của Quân Vận rồi vọt ngay về nhà để lo cho gia đình. Công việc ở đây chỉ có tôi.  Mấy anh em khác thì cũng ở nhà luôn từ lâu nay rồi.

       Tôi nghe nói mà cảm thấy xấu hổ vì mấy hôm vừa qua, chỉ biết thở vắn than dài và lòng vòng cho qua ngày giờ.  Vì vậy tôi quyết định ở lại ban 4, biết đâu chừng còn có thể làm được chuyện gì đó.  Trung Sĩ Năm giao cho tôi mớ công điện mới nhận và những báo cáo mới thảo xong rồi từ giã về.  Tôi vừa xem báo cáo vừa quay điện thoại gọi qua hậu cứ Tiểu Đoàn 37, mục đích là thăm Thiếu Tá Gio và giải thích vì sao tôi có Sự Vụ Lệnh mà không về nhận bàn giao.  Bên kia đầu giây là Thiếu úy Tuấn, người tạm thay thế Thiếu úy An để coi hậu cứ từ tháng giêng đến nay:

       - Ông Huy ơi là Ông Huy.  Đi đâu mất biệt vậy?!  Tuấn reo lên.

       Tôi giải thích việc Liên Đoàn giữ tôi ngoài ban 4 hành quân, để Đại úy Quỳnh lo cho ban 4 hậu cứ.  Sau đó "Xếp " quên luôn nhu cầu của Tiểu Đoàn 37, mãi cho tới hôm kia mới có lệnh trả tôi về.  Tiếc là đã quá trễ.

       - Nhờ hồng phúc của ngài. Tuấn đùa.  Nên tui hưởng nhàn mấy tháng nay.  Khỏe chuyện này nhưng nhức đầu chuyện khác huynh trưởng ơi.

       Chúng tôi nói thêm vài chuyện nữa rồi gác máy.  Người bạn khóa 59 Rừng Núi Sình Lầy, có gốc cỡ cổ thụ vì bố là công chức cao cấp, dân kỳ cựu làm tại Tòa Hành Chánh Tỉnh.  Từ lề đường Bạch Đằng, thoải mái buớc xuống sông Hàn là có ghe đưa ngay ra tàu hải quân, vậy mà Tuấn vẫn chung thủy ngồi tại hậu cứ trong lúc chung quanh chẳng còn ai.  Thật đáng nể phục.

       Có bóng người đến ngay trước cửa - Nguyễn Thanh Vân, với ba lô mini đeo một bên vai, trên nắp ba lô là hai trái "măng cụt" M.26.  Lựu đạn tròn khó cầm nhưng dễ lăn.

       - Ông đi hành quân hả?  Tôi cười.

       - Tui tính đi luôn nhưng nghĩ tới ông nên vô từ giã.

       Tôi hỏi Vân định đi đâu.  Người bạn khóa 6 /72 Thủ Đức nói ngay là xuống Thanh Bình, ra bờ biển tìm ghe đánh cá, mướn họ ra khơi.  Cùng lắm là cướp ghe.  Tôi hỏi sao không thực hiện chuyện này ngay tại làng chài Phú Lộc thì Vân lắc đầu:

       - Họ chỉ có ghe nhỏ không đủ mạnh để nhồi sóng, nhứt là khi có đạn pháo kích rớt nổ kế bên.  Vả lại quen nhau quá.  Làm liều, trở mặt cướp ghe thì ...

       Vân bỏ lững câu nói, nhưng tôi hiểu.  Dù trong hoàn cảnh sống chết chỉ trong đường tơ kẽ tóc, thì người lính cũng nghĩ đến chút tình quân dân.  Huống chi đây lại là những người rất thân quen với Biệt Động Quân từ bao lâu nay.

        Tôi biết Vân không còn tiền, vì lương tháng 3 đã xả láng từ lúc còn nằm trong Trạm Xá của Bác Sĩ Tín khi bị sốt rét ở Tam Kỳ, nên móc túi đưa cho anh chàng một ít.  Anh bạn gốc Long Xuyên từ chối.  Tôi nhét đại vào túi áo Vân:

       - Coi như cho mượn.  Nếu về được Sài Gòn ông thì ghé đưa cho bà già tôi.

       Vân ngập ngừng rồi gật đầu.  Chúng tôi từ giã nhau sau lời chúc bình an và cái siết tay thật chặt . Khi ra tới cửa, Vân bất chợt quay lại hỏi tôi:

       - Tụi mình đi chung nha!  Ông đâu cần phải ở lại đây.

       Tôi lắc đầu, không trả lời.  Chỉ cười tiễn chân bạn, lòng thầm chúc bình an cho Vân.  Người bạn Trung Đội Trưởng đi chưa bao lâu thì có một chiếc Jeep ghé lại.  Bước xuống xe là một Trung Tá.  Tôi ra cửa chào ông.  Vị Sĩ Quan Sư Đoàn 3 cho biết Ông thuộc Phòng Một, vừa chạy một vòng hậu cứ Liên Đoàn.

       - Như đi vào chỗ không người.  Lính tráng hầu không còn ai.  Nơi này cũng vậy.  Thiếu úy là sĩ quan duy nhất còn trực văn phòng.

       Tôi không giải thích hoàn cảnh của mình, mà chỉ hỏi thăm vị Trung Tá về sự có mặt của ông thì được biết là Sư Đoàn cần nắm chắc khả năng tác chiến của đơn vị, kể cả tăng phái, để có kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng.  Ông cho biết đại đơn vị của Sư Đoàn đang từ vùng Đức Dục và Đại Lộc rút về.  Mặt trận vùng Nam Ô, và ở phía tây bắc thì hy vọng vào Tiểu Khu và Liên Đoàn 12 BĐQ.

        - Nhưng với tình hình này thì coi như tuyệt vọng rồi.  Ông thở dài, nhìn quanh một vòng rồi ra xe.

       Tôi thừ người ngồi nhìn mớ giấy tờ bề bộn trên bàn, lòng trống rỗng.  Một lát sau bỏ ra ngoài đi một vòng khu vực sân cờ.  Đã quá trưa, nên cả hậu cứ đã vắng càng thêm vắng.  Bước chân đưa tôi thả dài qua Câu Lạc Bộ rồi ra cổng chính.  Trại gia binh và con đường ngoài Phú Lộc đang rần rần người qua lại.  Không thấy ai quen.  Cũng không biết phải làm gì nên tôi trở vào ban 4, nằm trên chiếc ghế bố trong góc phòng, định nghỉ mệt một chút rồi đi kiếm gì ăn, không ngờ lại ngủ một giấc ngon lành.

       Chiều.  Bụng đói khi thức dậy.  Lại mì gói bên Câu Lạc Bộ. Cà phê và vài hơi thuốc cho tỉnh táo rồi ngồi đó mà vẩn vơ nghĩ ngợi về tình trạng của đơn vị và tình hình chung.  Rối rắm và mù mờ về mọi mặt. Bỏ đi, hay ở lại?!  Chỉ có bấy nhiêu thôi mà lấn cấn, phân vân thật nhức đầu.  Sau cùng, tôi trở qua bên văn phòng.

       Vừa đi ngang qua khu Tài Chánh thì đã thấy Đại úy Phương và người tài xế của anh.  Xe đang nổ máy.  Anh Phương mang nón sắt và cả áo giáp như đi hành quân.  Thấy tôi, anh xuống xe kéo tôi lại:

       - Huy hay gì chưa ?

       - Hay chuyện gì?  Đại úy.

       - Thượng Sĩ Chấn ôm tiền vọt rồi.  Bây giờ Ban Tài Chánh trống trơn.  Thiếu Tá Bộ cả ngày không thấy đâu.  Trung Tá An nghe nói ở miết trong nhà.  Hậu cứ bây giờ coi như vô chủ.  Huy có muốn đi với tôi không?

       Lần thứ nhì có người rủ đi.  Đi đâu?!  Cá nằm trong rọ.  Thú kẹt trong chuồng.  Lấy gì mà thoát.  Và cũng như nhiều người khác, Anh Phương đưa ra một lối thoát, một hy vọng:

       - Mình tìm cách qua Bộ Chỉ Huy Hải Quân bên Sơn Trà, hay qua Non Nước, may ra có tàu hay ghe đón ra biển.

       Nghe cũng có lý, nhưng tôi ngần ngại vì nhiều nguyên do, mà quan trọng nhứt là đơn vị vẫn còn đây.  Không thể bỏ đi ngang như vậy.  Anh Phương tỏ vẻ thất vọng khi tôi lắc đầu, nhưng không nói gì, chỉ đưa tay bắt rồi ra hiệu cho tài xế chuyển bánh.  Tôi đứng nghiêm chào anh để tỏ lòng kính trọng một đàn anh vui tánh, hiền hòa với mọi người.

       Bên phòng Tài Chánh không còn ai lảng vảng.  Nhưng rồi từ đâu không biết, một số quân nhân đến trước cửa nhìn vào, bàn tán xôn xao.  Có người còn khẳng định thấy Thượng Sĩ Chấn ôm cặp táp đi về hướng biển Phú Lộc.  Người khác thì nói Ông Chấn có bà con làm lớn bên Hải Quân nên hẹn nhau đưa tàu vào đón ra khơi.  Thôi thì đủ mọi thứ tin đồn.  Nhưng chắc chắn Thượng Sĩ Chấn không thể mang đi hết số tiền trong két sắt.  Hình như lương lính vẫn chưa phát chỉ vì muốn giữ chân họ, nên tiền còn lại chắc chắn phải hơn chục triệu.  Không phát lương mà lính không làm loạn thì cũng lạ nên tôi cũng bán tín bán nghi.  Mọi người còn đang ồn ào, lao nhao thì Trung úy Long, ban 5, từ đâu xuất hiện ra lệnh giải tán.  Khi chỉ còn lại hai người, anh nói nhỏ với tôi:

       - Bố già chỉ thị riêng cho tôi và ông Hòe bằng mọi cách phải đục tủ sắt lấy tiền.  Không thể bỏ cho tụi nó lấy xài.  Cơm chiều xong là bắt tay vào việc.  Huy có thể giúp một tay không.  Bí mật.  Càng ít người biết càng tốt. 

       Tôi gật đầu, phần lớn vì tò mò và cũng vì không biết đi đâu, làm gì cho qua đêm nay.  Trung úy Long vui mừng hẹn gặp lại khoảng 7, 8 giờ tối, rồi về khu nhà cư xá Sĩ Quan bên kia đường. Còn tôi định ra Hòa Khánh xem lễ chiều và ghé Hương Xưa giết thì giờ.  Nhưng mới tới sân cờ là gặp Đại úy Hòe.  Ông cho biết là cần gấp một số quân xa, càng nhiều càng tốt để lo chuyển gia đình binh sĩ ra bến phà ngoài sông Hàn chờ tàu Hải Quân vào đón.

       - Không có Ông Quỳnh ở đây.  Huy lo dùm nha.  Càng sớm càng tốt.

       Tôi gật đầu, không suy nghĩ.  Quay điện thoại gọi các Tiểu Đoàn, nói ngắn gọn mọi chuyện.  Đi một vòng gom những ai còn lai vãng để phụ mở kho kiểm lại xăng, dầu chờ cấp phát cho đoàn xe.  Còn đang đôn đốc nhân sự thì có người nói đã thấy Đại úy Quỳnh đưa đoàn xe Quân Vận vào hậu cứ.  Ông đang bàn riêng với Trung Tá An bên khu cư xá.

       . . . . . . . .