Menu

Phần 3

Giã Từ Vũ Khí

HUY VĂN


         . . . . . .

       19h00.  Bên ngoài rần rần người đang lên xe.  Trong dãy văn phòng của Liên Đoàn chỉ có phòng của ban Tài Chánh có đèn.  Các nơi khác đều đã đóng cửa im lìm.  Đại úy Hòe, Trung úy Long và tôi ngồi trên băng ghế nhìn tủ sắt đựng tiền.  " Đồ nghề" chỉ có hai cây búa và một cái đục sắt tà đầu.  Hơn 10cm bê tông đằng sau lớp vỏ bằng thép, đục như thế nào đây!?  Bàn qua tính lại một hồi thì Trung úy Long ra tay trước, mới đầu gõ nhè nhẹ, sợ có ai nghe được rồi tò mò vào xem thì phiền.  Nhưng sau đó là tống hết sức.  Tiếng kim khí vang rền trong đêm.

       - ...Mẹ!  Thằng nào mò vô đây tao bắt làm cho biết.  Tiền của Quân Đội mà!  Chỉ có mấy " quan" làm thì bất công quá.  Trung úy Long lẩm bẩm.  Đau tay thấy mẹ!

       Ba người thay nhau hì hục làm đến nửa đêm mà kết quả chỉ mới được một lỗ cỡ chừng trái cam quanh ổ khóa.  Chúng tôi bàn nhau chắc là phải dùng claymore thì họa may mới phá được tủ bê tông, nhưng lại sợ náo động cả hậu cứ và gây hoang mang cho những người còn đang chờ di tản.

       Thứ bảy 28-03-1975.

       Khoảng 2 giờ sáng, Đại úy Hòe cho biết Trung Tá An có hỏi thăm tình hình " thụt két ", rồi nói là cứ ráng thêm chút nữa xem sao.  Mỏi nhừ và vộp cả hai tay mà chưa phá được lớp bê tông.  Chán nản, chúng tôi ra ngồi ngoài sân cho mát.  Đến lúc này mới nghe loáng thoáng tiếng vọng của pháo kích.  Không biết là địch đang rót vào đâu, rất đều đặn.

       Đoàn xe di tản cũng đang vét chuyến cuối cùng.  Tin tức cho hay mỗi lần trở ra đường là càng khó di chuyển vì xe cộ lưu thông bừa bãi và đều hướng về phía Sơn Trà, qua ngõ Cầu Trịnh Minh Thế.  Ba chúng tôi nhìn nhau.  Không ai nói lời nào.  Một lát sau lại trở vào tiếp tục " công tác ".

       5h00.  Cả khu hậu cứ im lìm.  Hoặc là mọi người đã được đưa đi, hoặc Phú Lộc đang ngủ vùi sau một đêm dao động.  Mệt, mỏi, thất vọng và bất lực nên chúng tôi bỏ cuộc.  Tủ sắt vẫn ngạo nghễ nằm im đó, loang lỡ, lem nhem, nhưng ...vô sự!.

       Đại úy Hòe sang cư xá báo cáo cho Trung Tá An rồi trở qua tự mình ngồi vào tay lái của chiếc Jeep đang chờ sẵn,  Trung úy Long kế bên, còn tôi và tài xế cùng với một "đệ tử" ngồi băng sau.  Trên xe có đủ vũ khí cho mọi người, kể cả lựu đạn và M79.

       Xe ra cổng.  Người lính vẫn còn đứng trong vọng gác nhìn theo.  Phú Lộc không có tiếng động.  Trên xe cũng im lặng, mỗi người một tâm trạng.  Không ai nói với ai lời nào.

       Quang cảnh ngoài quốc lộ thật bình yên.  Xe cộ lác đác nên Đại úy Hòe phóng thoải mái.  Tới Cây Lan rồi vào Đà Nẵng mới bắt đầu đông dần.  Tân cảng thì khác.  Xe cộ đủ loại đậu loạn xạ.  Khó khăn lắm mới lách vào tận cổng.

       Người lính an ninh Tân Cảng nhứt định bắt chúng tôi bỏ xe, bỏ súng mới cho vào.  Đang căng thẳng thì ông Hòe bảo lên xe rồi quay đầu chạy ra, vượt cầu Trịnh Minh Thế.  Tới ngả ba Non Nuớc, vừa quẹo về hướng Sơn Trà thì đã thấy quân xa đủ loại nằm chơ vơ trên đường.  Không thể nào chạy tiếp.  Xe quay đầu nhắm hướng Non Nước, tống hết ga.

       6h30.  Ánh bình minh lờ mờ đủ soi sáng cảnh tượng hoang tàn trong Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Vùng 1.  Giấy tờ vung vãi đầy đường.  Non Nước đã thành một bãi rác với từng nhóm người đang phá tung những dãy nhà tiền chế và kho quân lương của Liên Đoàn 14 BĐQ để hôi của.

       Đại úy Hòe chán nản quay xe trở ra . Trạm gác ngoài cổng đã mất bóng người lính đứng trực khi mới vào.  Nhìn thoáng qua nhà chờ đợi kế bên thì thấy lố nhố những bóng người với mớ vũ khí không thể lầm lẫn được: B40 và ..AK!

       - Chết mẹ!  Việt Cộng!

       Đại úy Hòe rít lên trong kẽ răng rồi nhấn ga.  Chiếc xe lao vội trở ra, bụi bay mù mịt, bánh nghiến trên đường khét lẹt.  Đôi bên không nổ súng.  Nếu có hậu quả sẽ ra sao?

        Chúng tôi cùng im lặng cho đến khi trở lại khu Tân Cảng dưới chân cầu Trịnh Minh Thế.  Đã không có cách nào chạy sâu vào tận cổng như lúc sáng sớm.  Xe cộ bỏ lềnh khênh ngoài đường, chắn cả lối vào vốn rất rộng .

       Đại úy Hòe do dự dừng xe, chúng tôi bước xuống nhìn đoàn người đang lũ lượt tay xách, nách mang, vượt qua cổng để vào bến phà.  Lưỡng lự và phân vân một hồi lâu, Trung úy Long đề nghị chạy một vòng qua Quận Nhứt, xuống đại lộ Bạch Đằng cầu may hay về bên biển Thanh Bình tìm ghe.  Đại úy Hòe gật đầu, ra hiệu lên xe.  Nhưng tôi chán nản không muốn đi đâu nữa.  Ai cũng nhìn tôi ngạc nhiên nhưng rồi chỉ lặng lẽ chào nhau sau vài lời chúc may mắn .  Tôi đứng im nhìn theo xe vọt về hướng Đà Nẵng rồi lẫn vào dòng người bước vào Tân Cảng.  Không còn bóng dáng người lính giữ an ninh ngoài cổng.  Mọi người thoải mái mang vũ khí đủ loại xuống bến phà.  Tôi bất giác sờ vào bụng và túi.  Khẩu Colt với hai gắp đạn cùng với hai trái " măng cụt " làm tôi yên tâm phần nào.

       8h00.  Tôi chọn đại chiếc xà lan gần nhứt.  Vừa ngồi xuống một chỗ trống đã nghe một câu than thở thật não lòng.

       - Chờ từ 2 giờ sáng cho tới giờ này mà không thấy tàu vô kéo ra.  Rầu quá!

       Như vậy là trước đó đã có người được đón ra tàu hải quân.  Và những căn cứ sát biển dễ dàng di tản hơn hết.  Còn tại đây và trên sông Hàn thì đành chào thua vì địch pháo chận ngay ngoài cửa biển.  Biết như vậy thà ở lại Phú Lộc rồi liều mạng lấy ghe vượt sóng cho rồi.  Tôi nhủ thầm, trong lòng nặng trĩu.  Đang còn vẫn vơ nhìn qua ngó lại thì có người gọi tên tôi.

       Chị Hương từ trong đám đông chen đến kế bên tôi.  Vừa nắm tay là chị bật khóc nức nở.  Tôi cũng kềm lòng để khỏi quỵ ngã trong lúc này.  Nhìn chị tiều tụy và hốc hác làm tôi thấy nhói nơi ngực.  Người vợ lính là như vậy.  Chịu đựng một cách âm thầm.  Chấp nhận mọi nghịch cảnh.  Nhưng trong trường hợp chị và những ai cùng hoàn cảnh thì thật đau lòng.  Xác chồng không nhận được.  Nay lại phải chấp nhận đời góa phụ trong lúc cô đơn và đau khổ tột cùng.  Tôi không biết an ủi thế nào, nên chỉ hỏi chị Hương về dự định cho tương lai.

       - Thì chỉ mong đừng lọt vào tay tụi nó thôi.  Chị trả lời.  Đã chạy một lần rồi.  Bây giờ lại gặp nữa thì đúng là tận số. Tôi chỉ mong về đến Hố Nai thì xin lễ và phát tang cho anh Công một lượt.  Hai, ba tuần nay chỉ biết chầu chực lo giấy tờ mà thôi.

       Rồi chị lại bật khóc, làm tôi luống cuống.  Nhìn túi xách nhỏ xíu trên vai chị, tôi bùi ngùi nghĩ đến anh bạn thân.  Có lẽ hành trang của chị chỉ là mớ hình ảnh kỷ niệm mà tôi đã xem đi xem lại mấy lần trong căn nhà của trại gia binh.

       Đang tìm lời an ủi chị Hương thì một tràng đạn dòn dã quét ngang trên đầu.  Mọi người hết hồn rạp người trên xà lan.  Nhiều tiếng la hét kèm lời văng tục và tiếng chưởi thề vọng lại từ trên bờ.

       - Thôi mấy ông ơi.  Giờ phút này còn bắn nhau làm gì.  Sao không giỏi bắn nhau với Việt Cộng đi.

       Một cụ già đã thống thiết kêu lên giữa tiếng lên đạn và tiếng chân chạy rầm rập, thật gần.

       - Ông là Sĩ Quan.  Vậy nói với họ một tiếng đi.

       Tôi ngẩng dậy nhìn quanh.  Thì ra một bà cụ ngồi gần chị Hương đang còn chỉ vào tôi:

       - Nói một tiếng đi ông.

       Tôi than trời trong bụng.  Nhìn lại thì ai nấy đều không có lon lá, còn mình thì vẫn sờ sờ bông mai trên cổ áo.  Chết lúc này thì thật là lãng nhác.  Tôi vừa lồm cồm ngồi dậy vừa than thầm.

       Trên bến là một nhóm quân nhân chừng hơn chục người đang dàn hàng ngang, súng chĩa thẳng ra hướng sông.  Sau lưng họ là những người cùng phe đang vào trong kho Quân Tiếp Vụ hôi của.  Tràng đạn vừa rồi là để cản bước những ai muốn ăn ké để lôi ra nào là thuốc lá, sữa hộp và những thùng giấy, xa quá không nhận ra là thứ gì.

        Tôi bước lên bờ, đang lưỡng lự vì thấy không đáng để dàn xếp gì cả, thì có vài tiếng reo từ phía sau lưng:

-        Có đồ chơi đây Thiếu úy.

       Quay lại thì thấy một người ngồi trên xe lăn với vũ khí đủ loại vắt ngang bụng.  Ba bốn người đi theo chung quanh, trang bị như đang hành quân, với cả M60 và M79.  Người thương binh cười thật tươi, chìa cho tôi một khẩu M16, băng cong:

       - Lâu quá mới gặp lại Thiếu úy.

       Là Đồng "Đen", do nước da thật sậm nhìn thoáng cứ tưởng là lai Miên hay Mỹ đen.  Lê Thành Đồng, 14 tuổi đã nhập băng "Ngươi Dơi" nhảy lên xe lô bồi của Mỹ để quơ rồi ném hàng xuống đường.  Bỏ học, đăng lính năm 16 tuổi chỉ vì " ... Thích bộ đồ bông và cái mũ nâu.  Trông ngầu gì đâu!".

       Là tay anh chị kiêm mặt rô của khu Đường Rầy ngoài Đà Nẵng, nhưng cũng là một khinh binh thiện chiến, một đồng đội dễ thương.  Binh nhì muôn năm dù đánh trận không thua bất cứ một chiến sĩ xuất sắc nào.  Không lên lon được là vì ba gai và thường xuyên trốn trực gác mỗi lần về dưỡng quân tại hậu cứ.

       Là thương binh đầu tiên vì đạp mìn trong ngày giải tỏa áp lực địch tại Trà Kiệu, mở đường cho cuộc di hành về cầu Giao Thủy, để từ đó tiến vào Đức Dục, tháng 7-1974.

       Đồng "Đen" vẫn không thay đổi mặc dù đôi chân bây giờ là chiếc xe lăn.  Vẫn nụ cười tươi như một hình thức ngụy trang cho tình cảm bên trong và vẫn là sự hăm hở khi nhập trận.  Chỉ có điều ...

       - Thôi đi mấy ông ơi.  Vịêt Cộng tới sát bên đít rồi còn ở đó sanh sự với nhau làm gì! 

       Tiếng ai đó bất chợt kêu lên thống thiết làm mọi người chùng bước.  Và nhóm lính bên kia dường như đã hôi của chán chê, hay nhìn đám đồ bông bây giờ đang hàng ngang cỡ vài chục mạng, nên đâm ra lạnh giò, nên lần hồi tản mác vào đám đông.

       Dường như chỉ chờ có thế, đám bạn của " nguời hùng xe lăn " ào ạt xung phong vào kho . Theo sau họ là một rừng người, mới vừa rồi còn nép mình thật sát xuống sàn tàu hay trên mặt đường, bây giờ thì tranh nhau vào quơ quào, vơ vét.

       Tôi lẵng lặng trở về xà lan, ngồi nhìn về hướng biển rồi Sơn Trà.  Không có bóng dáng một con tàu nào trở lại kéo xà lan ra khơi.  Hằng ngàn người tuyệt vọng đứng ngồi không yên, đã có một số bỏ lên bờ và tiến dần ra cổng.

       Tôi xách khẩu M16 đi dài theo bến phà tân cảng.  Cả chục chiếc xà lan đông nghẹt người và người.  Ai nấy thấp thỏm, âu lo, trông ngóng.  Trong số hằng ngàn người chắc chắn có đồng đội của tôi trong đơn vị, nhưng không ai nhìn nhau.  Để làm gì!  Bất quá cũng chỉ là những câu chuyện không đầu không đưôi, hay cùng lắm là trao đổi một vài tia hy vọng mà thôi.

       Khi tôi trở lại chỗ cũ thì Đồng "Đen " đang làm công việc "từ thiện".  Anh chàng phân phát toàn bộ "chiến lợi phẩm" lấy trong kho ra cho mọi người.  Thấy tôi đang trờ tới, Đồng "Đen " đưa tay vẫy rồi sau đó nhét vào tay tôi hai cây thuốc Quân Tiếp Vụ.

       - Thiếu úy hút với tụi em cho vui.

       Tôi cám ơn rồi bỏ vào túi mọi đeo trên vai dù Ruby Quân Tiếp Vụ không phải là loại thuốc lá tôi thường hút.  Nhìn qua phía nhà kho thì vẫn còn người ra kẻ vào không ngớt.  Có lẽ ngồi lâu, buồn chán nên khi có dịp là họ sẵn sàng khuấy động, huống chi đây lại là dịp may hiếm có để vơ vét của chùa.

       12h00.  Nắng trên đầu dọi xuống. Nóng nực và khô khốc.  Người chen chúc, chật chội.  Cảm giác thật khó chịu khi mà hy vọng theo từng giờ vơi đi.  Đang ngồi nhắc chuyện xưa với chị Hương thì bỗng dưng cổng chánh của Tân Cảng mở toang.  Một nhóm người ùa vào la toáng lên.

       - Tụi nó tới rồi.  Việt Cộng đã chiếm Đà Nẵng rồi bà con ơi.

       Không phải ong vỡ tổ, mà là sóng vỗ tràn bờ.  Hàng ngàn người từ các xà lan túa lên bờ trong nháy mắt.  Lại là cơn hoảng loạn tột cùng.  Phút chốc lại là cảnh chen lấn ngay tại cổng.  Lần này là để chạy trở ra.

       Tôi thừ người ngồi tại chỗ.  Nhìn mọi người chen chúc mà chua xót nghĩ thầm về màn hài kịch di tản.  Còn gì nữa mà hối hả trở ra... nạp mạng!  Trốn cũng chạy mà về cũng chạy thật là mỉa mai làm sao!

       Cũng có nhiều người ngồi lại như tôi.  Không biết họ đang nghĩ gì.  Riêng tôi thì hoang mang cùng cực.  Đầu óc trống rỗng, nhẹ tênh như đang mơ, hay đang hiện diện trong một khoảng trống rất mơ hồ.  Đã có lúc tôi dựng ngược khẩu súng, nhìn vào nòng sắt đen ngòm rồi nghĩ đến viên đạn đang nằm sẵn trong đó.  Chỉ cần bóp cò... Có ai đó vỗ nhẹ vai tôi.  Ngẩng đầu lên, tôi nhận ra vợ chồng Trung Sĩ Trần Sự và hai cháu nhỏ.  Người Hạ Sĩ Quan Tiếp Liệu của Đại Đội 3 ái ngại nhìn tôi.

       - Mình về đi Thiếu úy.

       Về!  Về đâu!?  Gia đình tôi ở tận Sài Gòn.  Giờ phút này chắc trong đó vẫn hy vọng vào một phép lạ cho Đà Nẵng.  Còn ngôi nhà lợp tôn trong trại gia binh cấp cho anh có lẽ chỉ còn tường và vách mà thôi.

       Thấy tôi vẫn còn lạc hồn, Anh Sự chụp ngay khẩu M16 quăng xuống sông, rồi lôi tôi đứng dậy.  Tôi đi theo anh như cái máy.  Mãi đến khi ra tới cổng, tôi mới nhận thấy chị Sự có vẻ mệt vì phải bồng đứa con nhỏ và xách túi khá to.  Tôi đỡ lấy cái túi nhưng chị giao cháu bé chừng hai, ba tuổi cho tôi bồng.

       Đuờng về Đà Nẵng cũng một nhịp điệu cuống cuồng, lũ lượt, lính tráng có người còn nguyên súng ống còn dân thì tay bế, tay bồng, tay dắt, chạy ngang, chạy ngược, ai nấy cũng đều hớt hải và thất thần như nhau.  Anh Sự cho biết là sẽ đưa gia đình về nhà người chị ở gần ngả ba Cây Lan, và chúng tôi đang hướng về Ông Ích Khiêm, theo đường tắt để đi cho nhanh.

       Đang vội vàng rảo bước thì có một chiếc Jeep mui trần chặt cua thập gấp.  Trên xe nhảy xuống năm, sáu người, trên tay trái mang băng đỏ, chĩa súng vào chúng tôi và vài quân nhân còn mang vũ khí đi chung hướng.  Sau vài phát chỉ thiên, họ đồng loạt hét lớn, đằng đằng sát khí.

       - Bỏ súng xuống.  Cởi đồ ra.  Mau lên.  Chống cự bắn bỏ mẹ.

       Tôi đang ôm con anh Sự trên tay, chưa kịp thả cháu xuống đất thì ăn một đạp ngang hông, đau điếng.

       - Ngoan cố hả.  A!  Giờ này mà còn khoe lon lá.

       Thêm một cú lấn bằng báng súng vào vai làm tôi nóng mặt nhưng chưa kịp có phản ứng thì một người quát lên, giọng nghe rất quen:

       - Để đó cho tao.  Mày qua bên kia đi.

       Gã thanh niên hứ một tiếng rồi bỏ qua bên kia đường hò hét thị uy tiếp.  Còn tôi và cả Trung Sĩ Trần Sự trố mắt nhìn người đàn ông có vẻ là chỉ huy của đám thanh niên mang băng đỏ này.  Không thể nào ngờ được kẻ đang cầm M16, mặc thường phục, đeo kiếng đen đang đứng trước mặt chúng tôi lại là Trung Sĩ Nguyễn Văn Bi, mới năm ngoái còn là Tiểu Đội Trưởng khinh binh của tôi, người vỗ tay lớn nhứt mỗi lần nghe tôi hát, hồi Tết được về Duy Tân vì bị sa ruột.  Bây giờ là kẻ cầm súng áp đảo chúng tôi.  Bi "thòng" kéo tôi qua một bên, nói nhỏ:

       - Thiếu úy thông cảm.  Tình thế bắt buộc thôi.  Tụi nó là Thanh Niên Quyết Tử.  Đang hăng máu lắm.  Cởi bỏ đồ lính đi Thiếu úy.  Ông còn đeo lon như vầy dễ chết lắm.  Anh Sự nữa.  Lột đồ ra.  Mau lên đi.

       Tôi lột áo, lòi khẩu Colt nằm gọn trước bụng. Trung Sĩ Bi lật đật chộp ngay.

       - Tụi nó thấy là kẹt lắm.  Có khi mất mạng là khác.

       Không có áo thay, tôi đành ở trần đứng xớ rớ không biết làm gì.  Lại có tiếng la hét, chưởi thề bên kia đường.  Lại súng nổ.  Hai đứa bé rúc vào lòng mẹ khóc tấm tức.  Chúng tôi nép sát vào cổng sắt của căn nhà ngay góc phố, dù biết là đạn không nhắm qua bên này . Trung Sĩ Bi nhìn dám "quyết tử" rồi quay lại lùa chúng tôi rẽ qua góc phố.

       - Anh Sự và Thiếu úy đi lẹ lên.  Mau đi.

       Chúng tôi dắt díu nhau đi sau cái vẫy tay kín đáo của người đồng đội cũ.  Vừa khuất sau vài căn nhà thì lại nghe tiếng la hét của mấy tay "quyết tử" bắt bỏ súng, cởi đồ.  Nhưng lần này thì có tiếng chưởi thề đáp trả.

       - Bỏ súng cái con...

       Và ngay sau đó là súng nổ liên tục.  Người chạy tán loạn, hãi hùng.  Khi im lắng thì tôi lóng nhóng định trở lại xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng Anh Sự đẩy tôi tiếp tục chạy theo chị Sự và hai đứa nhỏ.  Thật tình, tôi chỉ muốn biết người đồng đội cũ ra sao mà thôi.

       Suốt đường về chỉ thấy toàn là đám băng đỏ, cầm loa phóng thanh, chạy xe lòng vòng thành phố kêu gọi "ngụy quân" buông súng, rồi trấn an bà con và ca ngợi "giải phóng".  Không thấy một bóng dáng Việt Cộng chánh hiệu nào cả.

       15h00.  Mãi đến khi về tới Cây Lan mới gặp vài nhóm "Nồi niêu soong chảo" đội nón tai bèo, mang dép râu ngơ ngác nhìn phố xá hai bên.  Thì ra chỉ là đám hậu cần của Mặt Trận quảy gánh vào trước.  Địch sợ mắc bẫy như hồi Mậu Thân nên để cho đám "quyết tử " ra mặt trước, rồi tới đám nhà bếp dọn đường, để nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì bọn chính quy vẫn nguyên vẹn.

       Thật là đau đớn và mỉa mai làm sao!  Đà Nẵng của khí thế hừng hực lúc chào đón Thủy Quân Lục Chiến Mỹ 10 năm trước, và của một thời oanh lịêt, vàng son, đã bị đám đàn bà, con nít chiếm cứ một cách êm thấm.  Mọi sự diễn ra như trong một giấc mơ.  Và trong những mờ ảo của hình ảnh và sự vật chung quanh là cờ đỏ sao vàng cùng với cờ Mặt Trận xuất hiện đầy trên các dãy phố.  Mau quá!  Và cũng lạ quá!  Mới mấy tiếng đồng hồ thôi mà đã phất phới rợp trời.

       Chị của Trung Sĩ Sự nghẹn ngào khi mở cửa cho chúng tôi vào nhà.  Sau những giọt nước mắt mừng mừng, tủi tủi, là những tiếng than vắn, thở dài, không biết ngày mai sẽ ra sao.  Buồn bã và tuyệt vọng tới mức không ai muốn ăn uống gì cả.

       Khi cởi bỏ chiếc quần lính tôi mới nhớ là còn hai trái lựu đạn M26 trong túi.  Anh Sự lấy gói chung với giày bốt, bỏ vào bao rác rồi ném đại ra đường . Chúng tôi đứng ngay ngoài cửa nhìn bâng quơ một vòng.  Ngoài đường lại đông nghẹt người qua lại.  Lần này, xen lẫn với y phục dân sự là nón cối, mũ tai bèo và kaki Nam Định.  Đà Nẵng đã thật sự rơi vào tay kẻ địch.

       Người dân, sau những ngày phập phồng, sợ hãi, đã phần nào tỉnh táo trở lại, mặc dù vẫn còn dáo dác tìm nhau sau những trốn chạy bất thành.  Đà Nẵng vẫn đang nhốn nháo, phân vân.  Nhưng lần này là do sự hiện diện của những người mà trước đó một ngày còn là mối đe dọa nặng nề.

       Đêm.  Vẫn là nỗi thao thức triền miên cho một tương lai bất định.  Buồn bã và trống rỗng trong đầu.  Không ăn gì mà vẫn thấy no.  Mệt nhoài sau một đêm thức trắng và một ngày căng thẳng mà vẫn không thấy buồn ngủ.  Trung Sĩ Sự và tôi ngồi ngoài phòng khách hút thuốc liên tục.

       Chúng tôi ngồi im lặng, mỗi người một dòng suy nghĩ trong khi cả nhà đã ngủ yên (hay làm bộ ngủ yên?) từ lâu.  Tôi cố nhớ lại cả ngày hôm nay và thầm cầu chúc bình an cho những người thân thương không biết đang làm gì, ra sao, nhứt là sự cô đơn của chị Hương và sự trở cờ của người đồng đội đã từng vào sanh ra tử với tôi trước đây.

       Càng nghĩ tới Trung Sĩ Bi, tôi càng thấy đau cho số phận của đơn vị và của những người lính miền Nam.  Bỗng dưng tất cả đều buông xuôi để bọn nằm vùng nổi lên nắm lấy cơ hội và dọn đường cho đám bộ đội nhởn nhơ tiến vào thành phố như đi ngắm cảnh giữa chỗ không người.

       Không ai có dự định gì cho ngày mai hay tương lai.  Gia đình anh Sự sẽ ở lại đây vài hôm để thăm dò tình hình.  Còn tôi thì chưa biết sẽ làm gì, đi đâu.  Có lẽ sẽ ghé qua nhà bạn bên Trần Cao Vân hay Nguyễn Hoàng, hoặc lần mò tìm cách ra biển rồi tới đâu thì tới.

       Vẫn còn phập phồng, hoang mang, nên trong lòng cứ như thắt quặn từng cơn.  Rồi lại nghĩ tới Sài Gòn, tới gia đình và những người thân.  Mọi người đang làm gì.  Buồn quá.  Phải không Ba, phải không Má.  Đau quá phải không các bạn của tôi ơi!?

       Phước Long mất , cả nước để tang.  Cao nguyên mất, mọi người bàng hoàng.  Bây giờ Đà Nẵng và cả Vùng 1 cũng không còn.  Có bao nhiêu giọt lệ nhỏ xuống để tiếc thương phần đất đã lọt vào tay địch.  Hôm nay là Đà Nẵng.  Ngày mai đến lượt nơi nào.  Thì hãy đợi ngày mai.  Còn bây giờ là đêm dài vô tận.  Đêm của Người Lính tan hàng, tức tưởi.  Đêm của Đà Nẵng buồn thiu trong ngày đầu thay đổi chủ.  Than ôi!!!

Để nhớ những ngày sau cùng của Liên Đoàn 12 BĐQ và của Thành Phố Đà Nẵng.

Kính dâng hương linh Trung Tá Nguyễn Văn An, Quyền Liên Đoàn Trưởng, và Chiến Hữu các cấp thuộc LĐ 12 BĐQ

      Ghi chú bổ sung:

       Sáng ngày 29-03-1975, vào lúc 9 giờ, Thiếu Tá Hồ Văn Hạc (K19 VBQG) Tiểu Đoàn Trưởng TĐ39/ LĐ12 BĐQ, đã tập họp toàn bộ Tiểu Đoàn, gồm đủ cả 4 Đại Đội, và tuyên bố giải tán đơn vị sau khi cho biết là ông đã liên lạc với các cấp, hàng dọc cũng như hàng ngang.  Ông có khuyên quân nhân trực thuộc không nên mang súng đạn theo người vì không còn cần thiết và vì an nguy của cả vợ con binh sĩ.  Sau cùng, ông cho lệnh xuất kho để phân phát lương thực và những gì cần thiết cho toàn thể mọi người.

       Liên Đoàn 12/BĐQ chính thức tan hàng ngày hôm đó, sau 9 năm góp mặt trong cuộc chiến bảo vệ phần đất của miền Nam tự do. . . .


       * Trích Tập San BĐQ số 20