Menu

Giờ Thứ Hai Mươi Lăm

Thiên Nga


         Liên Đoàn 8 BĐQ được thành lập vào cuồi năm 1974, sau thời gian thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, được đưa về Saigon với nhiệm vụ phòng thủ ven đô.  Liên Đoàn Trưởng là Đại Tá Vũ phi Hùng.  Các Tiểu đoàn trưởng đều là những sĩ quan nhiều kinh nghiệm trong việc phòng thủ ven đô, và chống trận địa pháo.  Sau hai ngày lênh đênh trên mặt biện, tàu cập bến Tân Cảng, Liên Đoàn đưọc đoàn xe Quân vận đưa về hậu cứ là Trường Bộ Binh Thủ Đức cũ.  Nhận được lệnh hành quân cuả Biệt Khu Thủ Đô xong là đơn vị phải vào vùng hành quân ngay trong ngày.

       Thiếu Tá Nguyễn văn Nam TĐT TĐ 84 BĐQ, Thiếu Tá Nguyễn hữu Mạnh TĐT TĐ 87 BĐQ, và tôi là TĐT TĐ 86 BĐQ đều đã quen thuộc vùng hành quân được giao phó.  Liên Đoàn trách nhiệm vùng tây và tây bắc cuả Saigon, thuộc hai quân Bình Chánh, và Tân Bình.  Chúng tôi tưởng rằng năm nay sẽ được hưởng cái tết gần gia đình, nhưng vì tình hình chính trị và quân sự buộc chúng tôi phải hiện diện tại đơn vị suồt ngày đêm.  Khi rời Dục Mỹ, Liên Đoàn đã có trách nhiệm đem 15 Đại Đội Trinh Sát BĐQ cuả các Liên Đoàn, vừa thụ huấn xong khoá tác chiến trong thành phố, về ém quân tại Saigon.  Liên đoàn 8 BĐQ được tăng cường 4 Đại Đội Trinh Sát.  Các Đại Đội còn lại được ém quân tại BCH BĐQ, Biệt Khu Thủ Đô, và tại Bộ Tổng Tham Mưu.  Tôi nghĩ rằng vì tình hình chính trị không ổn định, sợ có đảo chánh nên mới bố trí quân như vậy.  Nếu có những âm mưu nào muốn gây binh biến, hoặc đảo chánh tại Saigon thì cũng sẽ bị bất ngờ với lực lượng 15 Đại Đội Trinh Sát BĐQ, là những đơn vị tinh nhuệ, lại vừa được huấn luyện xong một khoá tác chiến trong thành phố.

       Vào đầu năm 1975, tình hình chính trị tại Saigon thật là rối rắm.  Nhiều đảng phái  và phe nhóm muốn lật đổ chính phủ của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.  Phe nào cũng nghĩ mình có thể tìm ra một giải pháp êm đẹp cho Miền Nam Việt Nam.  Tình hình chính trị càng mất ổn định thì VC càng lợi dụng thời cơ để gây áp lực về quân sự. 

       Sau hai tháng ém quân ở Saigon, các Đại Đội Trinh Sát được trả về đơn vị gốc.  Liên Đoàn 8 BĐQ vẫn hàng ngày tảo thanh du kích tại ven đô, và làm công tác dân sự vụ, đêm đến thì tung tối đa các toán phục kích để ngăn chặn địch lợi dụng đêm tối xâm nhập và pháo kích vào Saigon.  Thỉnh thoảng đơn vị chúng tôi cũng chạm địch lẻ tẻ, nhưng không phát hiện có đơn vị lớn nào cuả VC hoạt động trong vùng trách nhiệm.  Đến tháng ba thì tình hình chiến sự càng bi thảm.  Hết tỉnh này đến tỉnh khác lọt vào vòng kiểm soát cuả VC.  Phan Rang thầt thủ thì Saigon rúng động.  Dân chúng đã tìm đường ra khỏi nước.  Công chức, quân nhân cũng đã có người rời bỏ nhiệm sở.

       Mỗi buổi sáng, chúng tôi, ba Tiểu Doàn Trưởng đều đến Bộ chỉ huy Liên Đoàn gặp Đại Tá Liên Đoàn Trưởng.  Sau khi họp tham mưu xong, chúng tôi bàn bạc về tình hình chính trị và chiền sự trong ngày.  Cứ mỗi lần gặp nhau là bắt tay và nói: "Không đi nha".  Mọi người đều cười, và hứa chác chắn sẽ ở lại chiến đấu đến cùng.  Không ai muốn trở thành kẻ hèn nhát đào ngũ, rời bỏ đơn vị, bỏ anh em binh sĩ trong hoàn cảnh dầu sôi lưả bỏng này.  Chúng tôi cương quyết ở lại với đơn vị, và cồ gắng giữ vững tinh thần binh sĩ đã bắt đầu hoang mang.  Bất cứ Sĩ quan hay binh sĩ vắng mặt bất hợp pháp trong vòng 24 giờ, thì coi như đào ngũ.  Thiếu Tướng Chỉ huy Trưởng binh chủng thỉnh thoảng ghé thăm Liên Đoàn khích lệ tinh thần anh em cố gắng giữ vững tay súng để chờ giải pháp.

       Các Liên Đoàn BĐQ rút từ vùng I và vùng II được tập trung tại Long Bình tái trang bị và bổ xung quân số.  Để đối phó với tình hình chiến sự, Bộ Tổng Tham Mưu quyết định thành lập hai Sư Đoàn BĐQ, lấy tên là Sư Đoàn 101 va 106 BĐQ.  Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 106 BĐQ đónbg tại trường đua Phú Thọ do Đại Tá Nguyễn văn Lộc làm Tư Lệnh, Đại Tá Cao văn Ủy làm Tư Lệnh Phó, Đại Tá Vũ phi Hùng Tham Mưu Trưởng.  Trung Tá Chung thanh Tòng được bổ nhiệm giữ chức vụ LĐT LD8 BĐQ thay thế Đại Tá Vũ phi Hùng.

       Mọi nỗ lực về chính trị dể tìm giải pháp kết thúc cuộc chiến hầu như tuyệt vọng.  Quân Bắc Việt càng ngày càng tiến gần Saigon.  Thủ Đô yêu dấu cuả miền Nam bây giờ chỉ là ốc đảo đang từng giờ hấp hối, chờ đợi cơn sóng đỏ tràn đến nhận chìm. 

       Trước khi Đại Tá Vũ phi Hùng rời Liên Đoàn, ông đã cùng chúng tôi bàn kế hoạch rút về Saigon khi cần thiết.  Ba đường rút lui được đặt tên là Alpha, Bravo, và Charlie.  Tình hình chiến sự biến đổi từng giờ, nhưng kế hoạch bố phòng cuả Liên Đoàn 8 BĐQ vẫn không thay đổi, nghiã là vẫn phân tán mỏng để tránh trận địa pháo, và chống xâm nhập.  VC chỉ cần tập trung hai đại đội là cũng có thể đánh tan một Tiểu Đoàn cuả ta, mà ta không thể nào tiếp cứu nổi vì đã dàn quân quá mỏng.  Các cấp chỉ huy đều biết yếu điểm đó, nhưng không thể nào thay đổi được, vì thay đổi cách bố phòng là làm trái với lệnh hành quân. 

        Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu từ chức, Biên Hoà thất thủ, máy bay Galaxie C5 chở trẻ em mồi côi di tản, cơ quan DAO và Toà Đại sứ Mỹ rời Saigon với những đón trực thăng bay suốt ngày đêm.  Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải phân tán mỏng đơn vị để chống trận điạ pháo.

        Sáng ngày 29 tháng 4, tôi ra lệnh cho tất cả vợ con binh sĩ  phải rời đơn vị, và đến gặp Trung Tá Liên Đoàn Trưởng đưa ý kiến là rút Liên Đoàn về trường đua Phú Thọ.  Nhưng Trung Tá Tòng không dám vì chưa có lệnh của Biệt Khu Thủ Đô.  Tối ngày 29 tháng Tư, Tiểu Đoàn 87 cuả Thiếu Tá Manh phòng thủ ở khu vực vườn thơm Lý văn Mạnh và kinh Sáng, bị áp lực nặng nề cuả địch.  Pháo binh cơ hữu cuả Liên Đoàn và pháo binh cuã Quận Bình Chánh yểm trợ tối đa.  Nhưng cũng vì lý do đơn vị phân tán quá mỏng nên khó lòng đương cự nổi với lực lượng cuả địch tứ phiá Đức Hoà kéo sang.  TĐ 84 BĐQ cuả Thiếu Tá Nam cũng báo cáo bị địch tấn công.  Trên tần số nội bộ cuả Liên Đoàn, tôi theo dõi thưởng xuyên tình hình chạm súng của hai Tiểu Đoàn bạn. 

       Bộ chỉ huy cuả TĐ 86 BĐQ cuả tôi đóng chung với BCH Liên Đoàn cạnh xa lộ vòng đai, còn được gọi là xa lộ Đại Hàn.  Các Đại đội cũng được trải mỏng để tránh trận đía pháo.  Vì tình hình đã thay đổi, tôi ra lệnh cho các Đại Đội Trưởng rút bớt tiền đồn để trở vè phòng thủ.  Tiểu đoàn vẫn chưa chạm súng vì chúng tôi phòng thủ vòng trong.  Đến gần sáng phi trường Tân sơn Nhất bị pháo kích nặng nề bằng hoả tiễn 107 ly.  Từ căn cứ nhìn về hướng phi trường, tôi thấy những tia lửa bùng lên liên tục, không dứt.  Tim tôi như muốn vỡ tung khi nghe những tiếng nổ dồn dập từ xa vọng về.  Một đoàn trực thăng hỗn loạn cất cánh rời phi trường.  Những chiếc dèn đỏ chớp lòe trong đêm như đàn ong vỡ tổ, rồi từ từ đến nhau xếp hàng dọc bay về hướng Bến Lức.  Tôi không biết gì về Liên Đoàn 6 BĐQ bên cánh trái, và Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù bên cánh phải.  Áp lực địch vẫn đè nặng lên hai TĐ 84 và 87. 

       Sáng ngày 30 tháng 4, một chiếc AC 119, không biết từ dâu bay về trên đầu đơn vị chúng tôi, đánh một vòng để đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, thì một chiếc SA 7 cuả VC phóng lên.  Chiếc hoả tiễn từ từ tăng tốc độ đuổi theo chiếc máy bay  chạm vào đuôi phải.  Vài mảnh vụn cuả đuôi máy bay bung ra.  Chiếc máy bay nghiêng cánh phải chúc xuống, sau đó lại ngóc đầu lên.  Anh em binh sĩ vỗ tay reo mừng: "Lên đi con.  Lên đi con".  Máy bay bốc lên một góc 45 độ, sau đó như khựng lại trên không, rồi đâm đầu về hướng Chợ Lớn.  Tôi đưa tay ôm đầu cầu nguyện cho phi hành đoàn. 

       Khoảng 8 giờ sáng, Đại Tá Vũ phi Hùng, ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 106 BĐQ gọi tôi và bảo  kế hoạch Alpha, Bravo, và Charlie không dùng được nữa, tìm kế hoạch khác.  Đó là lần đầu tiên, và lần cuối cùng tôi liên lạc với ĐT Hùng kể từ khi ông được thuyên chuyển về làm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn.

       Khoảng 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Thiếu Tá Mạnh TĐ 87 báo về BCH Liên Đoàn là áp lực địch quá mạnh xin lệnh rút lui.  Thiếu Tá Nam, TĐ 84 báo cáo xe tăng địch sắp trản vào căn cứ, và ông đã cho lệnh đơn vị rút về Saigon.  Pháo binh cuả Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù ngưng yểm trợ chúng tôi.  Pháo binh của Quận Bình Chánh cũng không còn liên lạc đưọc nữa.  Phương tiện yểm trợ duy nhất vào lúc đó là pháo đội 105 trừ (bốn khẩu) cơ hữu cuả Liên Đoàn chỉ còn vài viên đạn.  Trung Tá Liên Đoàn Trưởng ra lệnh cho tôi rút về Saigon.  Sau khi TĐ 87 rút quân qua căn cứ BCH LĐ, TĐ cuả tôi sẽ rút theo và bọc hậu.  Tôi gọi Đại Đội Trưởng đóng quân gần nhất và ra lệnh đem ĐĐ bố trí chặn địch ở đường Bà Hom.  Trung Úy Đại Đội Trưởng đến gặp tôi, đem theo cả người vợ mặc áo dài trắng, và mang guốc cao gôt.  Tôi vô cùng ngạc nhiên bảo:

       - Hôm qua tôi đã ra lệnh cho tất cả gia đình phải rời đơn vị.  Tại sao giờ này chị này còn ở đây?

       Trung Úy ĐĐT bảo rằng vợ ông mới đến sáng hôm nay (đén giờ này tôi vẵn chưa nhớ được tên ông).  Ông muốn gửi vợ ông cho tôi trước khi ông dem quân vào vùng trách nhiệm.  Tôi báo cho ông hay là Liên Đoàn sắp rút quân, nên tôi không thể để bà xã của ông ở lại căn cứ được.  Nhìn hai vợ chồng ra đi mà lòng tôi vô cùng áy náy.  Chiếc áo dài trắng và đôi guốc cao gót khập khiễng theo đoàn quân thật tội nghiệp.  Cho đến giờ phút này, tôi vẫn không biết số phận cuả đôi vợ chồng đó ra sao, vì sau đó mất liên lạc vô tuyến.

        Giờ này, Saigon coi như bỏ ngỏ.  Địch không còn ở trước mặt chúng tôi nữa, mà ở tứ phiá.  Từng đoàn dân chúng tị nạn, cầm cờ trắng đi lang thang vô định làm trở ngại cho chúng tôi vô cùng.  Tôi muốn bóp nát ống liên hợp khi cố liên lạc với Tiểu Đoàn 84 cuả Thiếu Tá Nam.

       - Hoàng Sa, Hoàng Sa.  Đây Thiên Nga gọi.

      Tiếng gọi của tôi như tiếng kêu trong sa mạc.  Không làm sao liên lạc được.  Sau đó VC đã vào tần số nội bộ.

Nhẹ Tưạ Lông Hồng        - Hoàng Sa, Hoàng Sa.  Đây Thiên Nga gọi.

       - Hoàng Sa đã bị bắt rồi.  Gọi làm chi nữa?  Đầu hàng đi.  Có tiếng trả lời.

       - Im!  Tôi nói.

       Vì không liên lạc được nên không qua tần số giải toả.

       Khoảng 10 giờ, Tiểu Đoàn 87 rút quân qua BCH LĐ.  Thiếu Tá Manh vào nhận lệnh, và cùng Bội Chỉ Huy LĐ rút quân về hướng Saigon.  Tôi ra lệnh cho Thiếu Tá Đoàn Đình Thiệu, Tiểu Đoàn Phó, đem tất cả súng M 16 còn dư, bỏ vào ụ súng cối, đốt trước khi rời căn cứ cùng với ĐĐ sau cùng.   Tôi gọi Đại Úy Pháo Đội Trưởng, và hỏi:

       - Anh còn bao nhiêu trái trong nòng?

       - Còn bốn trái trong nòng.

       - Anh bắn trực xạ bốn trái đó, rồi phá súng.  Xong báo cho tôi biết.

       - Thưa Thiếu Tá, ai cho lệnh phá súng?

        - Anh cứ ghi vào sổ tác xạ là tôi ra lệnh.  Tôi chịu trách nhiệm.  Sau đó, anh cho đơn vị rút theo BCH Liên Đoàn ngay.

       Tôi kêu Thường Vụ Tiểu Đoàn cho đổ xăng vào hai connex chứa gạo và chuẩn bị đốt.  Sau đó, tôi đích thân dùng M 16 phá huỷ đài radar diện điạ, và bắn tất cả xe cộ còn lại trong căn cứ.  Đi một vòng trong căn cứ, đến vị trí Quân Y, tôi thấy vài thương binh còn nằm trên cáng.  Họ im lặng nhìn tôi với ánh mắt không hồn.  Lòng tôi tê tái.  Thật là nhục nhã cho cuộc đời binh nghiệp khi rút lui bỏ lại thương binh. 

       Tôi suýt chết vì một trái đạn 57 ly cuả VC bay hơi cao qua đầu nổ vào bức tường trước mặt.  Chúng đã theo chân TĐ 87, bắt đầu tấn công vào căn cứ.  Đạn nổ như mưa.  Căn cứ đã phá hủy xong.  Cùng trung đội chỉ huy, chúng tôi phải lăn qua xa lộ để tránh đạn.  Cách Thủ Đô có vài cây số mà bây giờ phải mở đưòng máu để trở về.  VC từ hướng Saigon túa ra chặn đánh chúng tôi.  Tôi lượm một cây M 16 cuả một binh sĩ tử thưong, vưà chạy vưà bắn.  Đạn súng cối cuả địch nổ rền khắp nơi.  Tôi không còn điều động được đon vị nữa, cứ thế mà tiến.

       - Hoàng Sa, Mạnh Vũ.  Đây Thiên Nga gọi.

       Chỉ còn nghe tiếng súng nổ quanh mình.  Cuồi tháng tư trời nắng gắt, cổ họng tôi khô đáng.  Đất ruộng chưa cày nên di chuyển cũng dễ.  Hai hiệu thính viên cố bám sát tôi.  Một trái súng cối nổ trước mặt tôi.  Vài binh sĩ gục xuống.  Những chiếc nón sắt lăn lông lốc trên mặt ruộng.  Cố bám theo Tiểu Đoàn 87 và BCH Liên Đoàn, nhưng đành chịu.  Địch quân vây cứng chúng tôi.  Vừa đi vừa tiến bắn.  Tên VC nào tiến đến gần chúng tôi là bị bắn hạ.  Trong cuộc đời binh nghiệp 13 năm chiến đấu khắp bốn vùng chiến thuật, tôi chưa bao giờ phải mở đường máu để rút quân.  Giờ này, có lẽ đơn vị tôi là đơn vị cuối cùng cuả quân đội còn giao tranh với VC.  GIỚ THỨ HAI MƯƠI LAM.

       Một mảnh súng cối đánh trúng vào mặt, tôi té ngửa người ra.  Bầu trời đang xanh thẳm chợt biến thành màu đỏ cuả máu.  Im lặng thật dễ chịu.  Tôi không còn nghe tiếng súng nổ.  Tôi sờ tay lên mặt.  Tay đầy máu, mặt tôi tê rần.  Tôi sờ một lần nữa để xem tôi bị thương ở đâu. Tôi nghĩ rằng mình bị bể trán, và lòi con mắt trái.  Lấy cuộn băng cá nhân, tôi băng chéo từ trán xuống mắt.  Máu nhiều quá làm băng cá nhân ướt đẫm và tuột mất.  Tôi  lấy cuộn băng thứ nhì ở dây thắt lưng băng trở lại.  Bờ ruộng cách tôi chừng một thước.  Tôi cố bò ngưả để tìm chỗ gối đầu.  Bidon nước cấn sau lưng, tôi tháo bỏ dây đạn ráng bò thêm tí nữa để kê đầu vào bờ ruông.  Bao nhiêu sức lực trong người tôi như đang trôi theo dòng máu trên mặt chảy dài xuống ngực.  Giờ đây tôi yếu như một con ốc sên.  Người lính cận vệ cuả tôi cúi xuống nói:

       - Em cõng Thiếu Tá.

       - Chạy đi.  Cõng tôi thì chết cả hai bây giờ.  Tôi bảo.

       Người lính thứ nhì đến đòi cõng, tôi cũng bảo chạy đi.

       Hai người lính hiệu thình viên nằm cách tôi vài thước, ống liên hợp vẫn áp vào tai.  Tội nghiệp, còn đơn vị nào nữa đâu mà liên lạc.  Ý định tự sát tràn đến thật mãnh liệt.  Không bao giờ tôi muốn bị địch bắt.  Vài phút sau, Trung Úy Đoàn ngọc Lợi, Đại Đội Trưởng cuả Đại Đội đi sau cùng nhào đến bên tôi:

       - Niên trưởng bị thương rồi.  Niên trưởng Thiệu chết cách đây ba bờ ruộng.  Ông bị thương ở đùi.  Có lẽ ông bị đứt động mạch đùi nên máu phun ra thành vòi.  Trước khi chết ông nói; "Tôi chết lấy ai nuôi con." 

       Tội nghiệp Niên trưởng Thiệu.  Anh là khoá 17 TVBQG, khóa đàn anh của tôi.  Anh làm Trưởng Khối Yểm Trợ Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, được bổ xung vào LĐ 8, tình nguyện về làm Tiểu Đoàn phó cho tôi.  Tiểu Đoàn Trưởng bị thương, Tiểu đoàn phó tử trận, Tiểu đoàn như rắn mất đầu.  Tôi bảo Trung Úy Lợi chạy đi.  Nhưng anh nhất định nằm lại với tôi và cho binh si phòng thủ quanh bờ ruộng, tiếp tục chiến đấu.  Lúc đó khoảng 12 giờ trưa.  Giờ thứ hai mươi lăm đã điểm từ lâu.

       - Lấy cây súng dùm anh.  Tôi bào Trung Úy Lợi.

       Lợi với tay lấy sợi dây TAB có khầu súng rouleau 5 viên, và bidon nước địng đưa cho tôi thì anh bỗng dưng dừng lại va nói:

       - Niên trưởng định tự từ sao?

       - Không,  anh uống nước.  Tôi nói.

        Lợi tháo bidon nước cho tôi rồi liệng chiếc thắt lưng với khẩu súng ra xa.  Thế là ý định tự sát bất thành.  Giờ đây quanh tôi còn khoảng ba mươi tay súng bố trí quanh bờ ruộng.  Thấy chúng tôi nằm lại cố thủ, địch cũng bố trí khắp các bờ ruộng.  Súng tiếp tục nổ.  Địch cố gắng điều chỉnh súng cối vào vị trí chúng tôi, nhưng chưa hiệu quả.  Đây là lần thứ nhì trong đời, tôi nhìn thấy những trái đạn súng cối chui ra khỏi mây như một chấm đen nhỏ lớn dần lên và lao vút xuống nổ rền chát chúa chung quanh.  Gọi Trung Úy Lợi, tôi nói:

       - Thôi hết đánh được rồi.  Đầu hàng đi, Lợi.

       - Mình còn đánh được mà, Niên Trưởng.

       - Không được nữa đâu, Lợi.  Mình sẽ chết hết.

       Trung Úy Lợi đau khổ bảo một anh Chuẩn Úy cởi áo T-shirt khoát lên trời.  Vài binh sĩ thấy thế la lên:

       - Mình còn đánh đựoc mà, Thiếu Tá.

       Trời ơì!  Tinh thần anh em binh sĩ như vậy, mà tôi quyết định đầu hàng.  Khi đã mang đày máu,và nằm dán lưng xuống đấ với ý định tự sát trong đầu thì mạng sống cuả tôi còn có ý nghĩa gì đâu.  Nhưng sinh mạng cuả anh em, như Thiêu Tá Đoàn đình Thiệu trăn trối trước khi nhắm mắt: "Tôi chết, lấy ai nuôi vợ con tôi." 

       Tiếng súng thưa dần rồi ngưng hẳn.  Im lặng thật hồi hộp.  Mọi người nhìn nhau căng mắt chờ đợi.  Khoảng 5 phút sau, phiá bờ ruộng bên kia có hai bóng người từ từ đúng dậy, chầm chập, ngập ngừng tiến sang bờ ruộng chúng tôi.  Khi thấy họ an toàn, cả toán người lao sang la lớn:

       _ Tất cả bỏ súng xuống.

       Anh em nằm yên, bỏ sùng qua bên cạnh.  Không ai nói năng gì.  Có tiếng la lớn:

       - Ai chỉ huy ở đây?

       - Tôi.  Tôi trả lời.

       Một người tiến đến bên tôi, đầu trần chân đất, ngang hông một khẩu K 54.  Tôi vẫn nằm ngửa nhìn anh ta.  Anh ta hỏi:

       - Anh cấp bậc gì?

       - Tôi là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng.  Thế còn anh?  Tôi hỏi lại.

       - Tôi, Thượng Úy Tiểu Đoán Trưởng.  Các anh ngoan cố không chiụ đầu hàng.

       - Không, chúng tôi không ngoan cố.  Nhiệm vụ cuả chúng tôi là chiến đấu.  Bây giờ không còn chiến đấu được nữa, chúng tôi đầu hàng. 

Nhẹ Tưạ Lông Hồng       - Tất cả đã đầu hàng từ lâu rồi.  Anh có biết không?

       - Anh từ ngoài Bắc mới vào? Tôi chợt hỏi.

       - Vâng.

        - Bây giờ anh muốn làm gì tôi, tuỳ ý anh.  Chỉ xin anh cho binh sĩ của tôi yên, vì họ chỉ thi hành lệnh cuả tôi.  Tôi chịu hoàn toàn trắch  nhiệm.

       - Anh yên chí.  Chúng tôi sẽ đưa anh đi viện điều trị.  Còn binh sĩ sẽ có chính sách.

       Sau đó, anh em binh sĩ lấy võng nylon làm cáng khiêng tôi, khi toán VC áp tải chúng tôi đi vào làng.

       Người Trung Sĩ  Y Tá cuả Tiểu Đoàn dúi vài tay tôi một chai Peniciline viên loại một triệu:

       - Thiếu Tá cất đi mà uống.

       Toán VC tập trung chúng tôi vào khu đình làng.  Sau đó, chúng đem Trung Úy Lợi, và một số binh sĩ đi qua nơi khác.  Tôi nằm dài dưới đất cùng với anh em thương binh.  Lát sau, một tên VC vào hỏi:

       - Thằng nào phá pháo?  Thằng nào phá cối?

       Chẳng có ai trả lời.

       Nhà bên cạnh đình là Bộ chỉ huy cuả VC.  Tôi nghe chúng gọi vô tuyến với nhau mới biết rằng chúng đã đièu động một Tiểu Đoàn xe tăng đến đánh chúng tôi.  Nếu xe tăng cuả chúng được tiếp viện kịp thời, có lẽ chúng tôi chẳng còn ai sống sót.

      Đến khoảng 7 giờ chiều, chúng tha tôi về.  Người y tá cõng tôi.  Khi lôi qua con mương, có hai anh binh sĩ cầm chân tôi đưa lên cho khỏi ướt.  Toán VC ngồi bên đường chửi thề:

       - ĐM.  Giờ này mà nó vẫn còn có người cõng.

       Chúng tôi ra đường Bà Hom, đón chiếc xe lam đến ngã ba Phú Lâm thì hết xăng.  Toán VC ờ đây, bắt mọi người cởi hết quần áo.  Tôi ở trần còn mặc quần tác chiến.  Các anh em khác chỉ còn chiếc quần xà lỏn.  Người y ta đón chiếc honda nhờ đưa tôi về nhà.  Anh ngồi sau ôm chặt lấy tôi.  Sáng hôm sau, tôi bảo bà xã đưa cho anh một bộ đồ của tôi, và một ít lộ phí.  Anh rưng rưng nước mắt từ giả tôi.

       Mồng một tháng 5, miền Nam đã hoàn toàn bị nhuộm đỏ.  Tôi vào bệnh viện Vì Dân.  Họ chỉ thay băng rồi đuổi ra.  Tôi gặp chị Điệp, vợ Thiếu Tá Mạnh TĐ 87,  đang hớt hải chạy đi tìm chồng:

       - Anh có thấy anh Mạnh đâu không?

       - Từ trưa hôm qua tới giờ, tôi chưa liên lạc được với anh Mạnh.

      Vợ tôi chở tôi chạy lên bệnh viện Grall.  Ông Tây nhất định đóng cửa không cho vào.  Về Chợ Lón, vào bệnh viện Triều Châu, tình trạng cũng chẳng khác gì.  Tình cờ bà xã tôi gặp được ông quản lý bệnh viện, và tôi được nhập viện.  Sau khi mổ xong, tối hôm đó, có một gia đình người Hoa vào thăm tôi.  Nhìn kỹ lại, tôi mới biết đó là gia đình người lính cận vệ cuả Đại Úy Viễn, Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn.  Anh đã mang cả cha mẹ, vợ con vào thăm tôi.  Tôi hỏi:

       - Làm sao anh biết tôi ở đây?

       - Thiếu Tá, bà xã em là y tá ở đây.  Ngày hôm nay, bà ấy săn sóc cho Thiếu Tá.  Anh chỉ vào vợ anh và nói.

       - Làm sao chị biết tôi?

       - Em đến Tiểu Đoàn thăm anh Vinh, và có gặp Thiếu Tá. 

       Đến chiều, chị Đoàn đình Thiệu vào thăm tôi.  Chị mặc một chiếc áo bà ba trắng, mặt mày ủ dột đau buồn, vừa khóc vừa nói:

       - Tôi đã tìm được xác anh Thiệu rồi.  Xác đang ở bên hiên nhà thờ.  Ngày mai, tôi sẽ đem xác anh về Mỹ Tho.

       Tôi nghẹn ngào chẳng biết nói gì để an ủi chị.  Trước đó, ông chú của tôi vào thăm,  cho tôi 30.000 đang còn để dưới gối.  Tôi lấy ra đưa cho chị và nói:

       - Trong hoàn cảnh này, tôi chẳng làm gì được cả.  Xin chị cầm lấy số tiền này, lo cho anh Thiệu dùm tôi. 

       Khoảng một giờ sau, người vợ trẻ của Đại Úy Viễn vào đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ có ghi: "Thiên Nga, tôi bị thương đang nằm tại nhà thương không tiền mua thuốc.  Xin Thiên Nga giúp đỡ."  May mắn thay, bà xã tôi cũng vừa mới vào, và giúp cho chị ấy ít tiền mua thuốc.

       Những người y tá cho tôi hay ở từng dưới cuả bệnh viện, có khoảng 80 thương binh VC đang nằm điều trị.  Họ cho biết rằng những người này bị thương ở mặt trận Bà Hom và Kinh Sáng.  Oái oăm thay, những người giao tranh với đơn vị tôi hôm trước bây giờ đang điều trị chung một bệnh viện với tôi.  Hôm sau, có một phái đoàn người Hoa khoảng 20 người đến phòng tôi và bào:

       - Xin ông cảm phiền cho chúng tôi mượn căn phòng này khoảng 20 phút để chúng tôi chụp tấm ảnh kỷ niệm.

       - Bệnh viện thì phòng nào cũng giống phòng nào.  Tại sao các ông lại mượn phòng cuả tôi?  Các ông không thấy là tôi đang mệt lắm sao?  Tôi trả lời.

       Tôi nhất định từ chối.  Cuối cùng họ nói:

       - Trước đây, chúng tôi đã dùng căn phòng này để làm trạm liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng. Bây giờ, chúng tôi muốn chụp tấm hình làm tài liệu.

       Nghe lùng bùng lỗ tai, những kẻ phản bội, những con ong trong tay áo, những tên đâm sau lưng chiến sĩ bây giờ mới lộ mặt.  Ngày một tháng năm trên đường đi tìm bệnh viện, tôi cũng đã thấy những tên mang băng đỏ, mặt mày hớn hở, phóng xe jeep khắp đường phố Saigon.  Trong bọn còn có những tên khoác áo dài nâu, đầu cạo trọc, tay cầm cờ VC.  Bọn Cách Mạng 30 tháng tư.  Thật đáng nguyền rửa cho những tay trở cờ, theo đóm ăn tàn.  Thật đáng phỉ nhổ cho những tên ăn cơm Quốc Gia, thờ ma CS.  Bây giờ lại phải đối diện với những tên này, tôi như nghẹn thở, im lặng ra khỏi phòng.  Chúng đóng cửa lại.  Khoảng 15 phút sau, chúng kéo đi.  Chiều hôm ấy, người y tá nói với bà xã tôi:

       - Hôm nay, có phái đoàn báo chí, và đài truyền hình đến phỏng vấn chồng cô.  Có phải ông ấy là Thiếu Tướng bộ đội không?

       Bọn phản bội đã hại tôi.  Chúng làm cho người ta tưởng tôi là nhân vật quan trọng.  Nếu như 80 thương binh VC nằm ở tầng dưới nghe nói có Thiếu Tướng cuả họ nằm ở tầng trên, và lên thăm, thì tôi phải đối phó làm sao đây? Thôi đành phải ôm đầu xuất viện.

       Cuộc chiến tuy đã tàn hơn một phần tư thế kỷ, nhưng lời thề bào vệ Tổ Quốc vẫn còn nung nấu trong tim, không lúc nào nguôi.  Vì miền Nam yêu dấu mà chúng tôi quyết tâm bảo vệ cho đến giờ thứ hai mươi lăm.

       Vết thương của tôi theo thời gian cũng đã lành từ lâu.  Một vết sẹo dài hằn ngang trên má như ghi dấu ấn cho cuộc đời binh nghiệp lỡ làng, nửa đường đứt đoạn.  Vết thương da thịt đã lành, nhưng vết thương lòng hầu như vẫn còn đang rướm máu.

       * Trích trong Tập-San BĐQ số 8